Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Sáu - Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt - Phẩm Thứ Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ Chuyển Luân Vương - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ MƯỜI SÁU

PHÁP HỘI BỒ TÁT KIẾN THIỆT  

PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU

PHẨM TỨ CHUYỂN LUÂN VƯƠNG  

PHẦN HAI  

Quốc Vương và thần dân nói kệ hỏi Vua rằng:

Tôi nghe kỳ cựu nói

Xưa có Vua oai đức

Hiệu là Đảnh Sanh Vương

Có danh tiếng rất lớn

Vua mang bốn binh chủng

Từ đây bay lên Trời

Cũng đem cả quyến thuộc

Thánh Vương trị đúng pháp

Trời người tuân lời Vua

Sức vô thường làm hại

Mất báo trời chịu khổ

Đảnh Sanh Vương là Ngài

Chúng tôi đều chắp tay

Cúi đầu lạy chân Vua

Có sự hi hữu gì

Sẽ truyền lại đời sau.

Vua Đảnh Sanh Vương từ trời sa xuống bị khổ nói kệ đáp rằng:

Đảnh Sanh Thánh Vương xưa

Thống lãnh bốn thiên hạ

Thọ lạc hơn Trời, người

Tham không nhàm phải chết

Xưa trong cung Vua ấy

Mưa trân bảo bảy ngày

Trị thiên hạ đúng pháp

Tham không nhàm phải chết

Vua trước cùng Thiên Đế

Chia ngự tọa mà ngồi

Vì phát khởi ác niệm

Quá tham dục phải đọa

Ở trong biển sanh tử

Vì vô trí nên chìm

Vì say đấm ngũ dục

Tham không nhàm phải chết

Như khát mộng uống nước

Chẳng thể hết khát được

Thọ ngũ dục cũng vậy

Trọn không hề chán đủ

Các chúng sanh trí huệ

Dứt trừ tối ngu si

Người trí ấy biết đủ

Chánh quán sát các loài

Trí quán sát các loài

Huệ thấy già bịnh chết

Dứt trừ các khát ái

Bỏ các loài không ham

Quán chạm xúc như lửa

Thì bỏ được khát ái

Quán thọ lạc cũng vậy

Biết ái là chẳng lành

Như đánh các âm nhạc

Căn cảnh giới cũng vậy

Dùng Thánh Giáo điều phục

Bỏ được căn tự tánh

Tất cả năm loài sanh

Sanh ra từ danh sắc

Trong ấy thức phân biệt

Thì phát sanh tưởng nghĩ

Thánh giả chánh quán sát

Chẳng tham chấp nghiệp nhân

Trí giả đủ sáng suốt

Chứng diệt như củi tàn

Vua Đảnh Sanh nói kệ đáp mọi người xong thì chết.

Này Đại Vương! Vua Đảnh Sanh thuở xưa ấy chính là thân Phật đây. Ngày xưa Phật từng làm Đảnh Sanh Chuyển Luân Vương thống lãnh Trời, người oai thế tự tại, vì tham dục không nhàm đủ mà phải chết mất.

Vì lẽ ấy nên phải rời bỏ giàu sang kiêu mạn oai thế mà an trụ chẳng phóng dật. Nếu có thể an trụ được nơi hạnh chẳng phóng dật, thì có thể tu các thiện căn.

Này Đại Vương! Nếu chẳng phóng dật lại có thể vào pháp giới bình đẳng. Nếu người lìa được phóng dật thì thành tựu lợi ích.

Này Đại Vương! Hữu vi vô vi giới chẳng phải nam nữ, chẳng phải quá vị hiện tại. Đại Vương nên ở nơi Pháp này mà an trụ tự tâm, chớ theo giáo pháp khác. Pháp này là vô thượng bồ đề của Tam Thế Chư Phật. Đại Vương nên xa rời tất cả hào quí, tiêu cạn tất cả biển dục, xô ngã núi kiêu mạn, rời xa tất cả suy đọa, bình đẳng với tất cả.

Đây chẳng phải chỗ của phàm phu, chẳng phải hàng Thanh Văn làm được, cũng chẳng phải cảnh giới của Duyên Giác.

Đây là công hạnh của tất cả Bồ Tát, là chỗ chứng của Chư Phật Chánh Đẳng Giác.

Đại Vương phải nhiếp tâm chớ để tán loạn, phải suy nghĩ rằng: Đời vị lai ở trong tất cả Nhân Thiên thế gian, ta phải thế nào để được làm đèn sáng, làm đuốc, làm ánh sáng, làm thuyền, làm hướng đạo, làm thầy, làm thương chủ, làm đạo thủ, làm vô thượng, tự độ độ người, tự thoát giải thoát người, tự an an ổn người, tự được Niết Bàn khiến người được.

Đại Vương chớ quan sát thuở trước đã từng giàu sang tự tại, phải biết các căn như ảo không có chán đủ, cũng không gì làm cho nó đủ được, cảnh giới như mộng chẳng thỏa mãn được.

Này Đại Vương! Thuở quá khứ có Vua hiệu là Ni Di, rõ thấu các pháp, làm Vua đúng pháp, trọn chẳng phóng dật, khi Vua có làm việc thì rời lìa phóng dật.

Vua Ni Di ấy thường quán tam thế bình đẳng, lại quán tất cả pháp cũng như tam thế bình đẳng. Vua ấy quán tất cả pháp quá khứ xa lìa tự tánh, quán vị lai tất cả pháp xa lìa tự tánh, quán hiện tại tất cả pháp cũng xa lìa tự tánh.

Quán tất cả pháp bình đẳng rồi, Vua ấy ở nơi tất cả pháp chẳng thủ trước. Vua ấy quán tất cả thế gian bị bốn thứ điên đảo nó làm điên đảo: Ở trong pháp bất tịnh mà tưởng là tịnh, ở trong pháp khổ mà tưởng là vui, ở trong pháp vô thường mà tưởng là thường, ở trong pháp vô ngã mà tưởng là ngã.

Vua quán thế gian rồi tự nghĩ rằng: Thế gian bại hoại đại bại hoại, chúng sanh ở nơi tất cả pháp tự tánh, không tịch mà họ chẳng hay biết. Ta nên dùng bốn nhiếp pháp để nhiếp các chúng sanh. Các chúng sanh ấy tùy thuận ta rồi tất sẽ lãnh thọ lời ta dạy. Vua Ni Di dùng bốn nhiếp pháp nhiếp các chúng sanh rồi liền đem pháp bình đẳng dạy các chúng sanh.

Này Đại Chúng! Tất cả các pháp lìa tự tánh. Nếu tất cả pháp lìa tự tánh thì nó cũng chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.

Tại sao?

Vì các pháp ấy tự tánh chẳng phải thiệt vậy. Các pháp đã lìa tự tánh thì các pháp ấy chẳng thể gọi nó lá quá khứ vị lai hiện tại.

Vua Ni Di dạy các chúng sanh về pháp tam thế bình đẳng rồi, có tám mươi ngàn vạn na do tha vô lượng trăm ngàn chúng sanh được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ tại cung Trời Đao Lợi, Chư Thiên Tử tụ hội nghị luận rằng: Lành thay lành thay! Người nước Diêm Phù Đề được đại lợi ích. Vua Ni Di hiểu rõ các pháp, làm Vua đúng pháp có đủ phương tiện. Ở nơi các chúng sanh điên đảo, Vua ấy dùng phương tiện khéo dạy họ pháp chẳng điên đảo.

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân ở cách xa Thiện Pháp Đường, do Thiên Nhĩ với nghe lời các Thiên tử nghị luận, liền đến Thiện Pháp Đường lên ngự pháp tọa bảo các Thiên Tử rằng: Vua Ni Di ấy thành tựu đầy đủ phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn.

Tại Trời Đao Lợi này, các Ngài có muốn thấy Vua Ni Di ấy chăng?

Chư Thiên Tử đồng thưa muốn được thấy.

Thiên Đế liền truyền ngự thần tên Ma Đa Lê rằng:

Nhà ngươi nên trang bị ngàn xe báu Cõi Trời đến Diêm Phù Đề nước Bệ Đề A thưa với Vua Ni Di rằng: Đây là ngàn xe báu Cõi Trời sai đến rước Vua, xin Vua chớ kinh sợ. Tất cả Chư Thiên Đao Lợi đều muốn được thấy Vua. Xin Vua lên ngự trên xe báu này.

Lúc thấy Vua Ni Di lên xe rồi, thì ngươi hỏi: Thưa Đại Vương! Nay tôi đem Vua theo đường nào để đi đến trên Trời Đao Lợi?

Theo đường chúng sanh an trụ điên đảo mà đi hay theo đường chúng sanh chẳng an trụ điên đảo mà đi.

 Thiên Thần Ma Đa Lê lãnh lệnh Thiên Đế Thích nghiêm bị ngàn xe báu, tự lên ngồi rồi từ Đao Lợi Thiên xuống Diêm Phù Đề đến nước Bệ Đề A thưa Vua Ni Di rằng: Chư Thiên Đao Lợi đem ngàn xe báu đến rước xin Vua chớ nghi sợ. Chư Thiên trên ấy đồng muốn thấy Vua. Bấy giờ Vua Ni Di lòng không kinh sợ buớc lên xe báu.

Vua đã lên rồi, Thiên Thần Ma Đa Lê lại thưa rằng: Nay tôi phải đem Vua đi đường nào, đi đường chúng sanh an trụ điên đảo, hay đi đường chúng sanh chẳng an trụ điên đảo?

Vua Ni Di bảo Thiên Thần: Ngài có thể đưa tôi đi khoảng giữa hai đường ấy. Ma Đa Lê liền đem Vua đi giữa hai đường ấy.

Vua Ni Di bảo Thiên Thần: Ngài nên tạm dừng xe lại, tôi muốn quan sát các chúng sanh điên đảo. Thiên Thần tuân lời dừng xe. Trong thời gian ngắn ấy, Vua Ni Di làm cho tám mươi ngàn vạn chúng sanh an trụ trong thiệt kiến tam muội.

Tại sao được như vậy?

Vì Vua từ lâu đã khéo tu tập bất phóng dật hạnh. Khiến chúng sanh nhập thiệt kiến tam muội rồi sau sẽ đều được vô sanh pháp nhẫn. Ma Đa Lê trọn chẳng hay biết việc làm của Vua Ni Di, tiếp tục đưa Vua đi đến đảnh núi Tu Di.

Từ xa Vua thấy rừng rậm xanh tốt liền bảo Thiên Thần: Rừng ấy quyết định là chỗ ở của các chúng sanh chẳng điên đảo.

Thiên Thần Ma Đa Lê thưa: Nơi ấy chính là Thiện Pháp Đường, Chư Thiên Đao Lợi đang chờ được thấy Vua, xin Vua bước lên chớ sợ. Bấy giờ Vua Ni Di lòng chẳng sợ bước lên Thiện Pháp Đường. Thiên Đế Thích đón tiếp Vua và chia nửa bảo tọa cho Vua cùng ngồi. Hai Vua ngồi xong.

Thiên Đế Thích ôn nhu nói với Vua Ni Di rằng: Đại Vua làm được lợi ích lớn, có thể làm cho Phật Pháp thạnh hưng tăng trưởng.

Thiên Đế Thích lại bảo Chư Thiên Đao Lợi rằng: Vua Ni Di này đầy đủ thành tựu phương tiện thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn. Trong thời gian ngắn, Vua này có thể làm cho tám mươi ngàn vạn chúng sanh an trụ Phật Pháp mà Ma Đa Lê đều chẳng hay biết.

Lúc ấy Vua Ni Di vì Chư Thiên Đao Lợi mà giảng rộng Phật Pháp vi diệu. Làm cho Chư Thiên được lợi ích xong, Vua thưa với Thiên.

Đế Thích rằng: Tôi muốn trở lại Diêm Phù Đề.

Tại sao?

Vì tôi muốn hộ trì Chánh Pháp của Phật tại Diêm Phù Đề vậy. Thiên Đế Thích liền truyền Ma Đa Lê nghiêm bị ngàn cổ xe đưa Vua Ni Di về. Về đến Diêm phù Đề Vua Ni Di thành tựu phương tiện đại từ thiện xảo dìu dắt vô lượng chúng sanh an trụ Phật Pháp.

Này Đại Vương! Vua Ni Di thuở xưa ấy chính là thân Phật đây vậy. Đại Vương nên quan sát năng lực của hạnh bất phóng dật khó nghĩ bàn được. Vua Ni Di lên ngồi ngự tọa của Thiên Đế Thích mà còn chẳng tham trước. Vì thế nên Đại Vương ở trong Phật Pháp phải siêng năng tinh tấn tu các hạnh chẳng phóng dật.

Này Đại Vương! Thế nào gọi là Phật Pháp?

Này Đại Vương! Tất cả pháp đều là Phật Pháp cả.

Tịnh Phạn Vương nghe lời dạy này liền bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là Phật Pháp, thì tất cả chúng sanh cũng lẽ ra là Phật.

Đức Phật phán rằng: Nếu chẳng điên đảo thấy chúng sanh thì chính là Phật vậy.

Này Đại Vương! Nói là Phật đó, là như thiệt thấy chúng sanh vậy, như thiệt thấy chúng sanh chính là thấy thiệt tế. Thiệt tế chính là pháp giới.

Này Đại Vương! Thiệt tế ấy chẳng thể hiển thị được. Chỉ là danh từ, chỉ là thế tục, chỉ là trong số thế tục, chỉ có ngôn thuyết, chỉ giả đặt để. Phải nhận xét như vậy.

Này Đại Vương! Tất cả pháp vô sanh đây là môn Đà La Ni.

Tại sao đây gọi là môn Đà La Ni?

Ở đây tất cả pháp không động không lay, không lấy không bỏ, đây gọi là môn Đà La Ni.

Này Đại Vương! Tất cả pháp bất diệt là môn Đà La Ni.

Tại sao bất diệt là môn Đà La Ni?

Trong ấy, tất cả pháp chẳng động chẳng lay, chẳng lấy chẳng bỏ. Môn Đà La Ni ấy không có tướng mạo, không có tự tánh, không đặt đề được, không tác không tạo, không lai không khứ, không ngã không nhân, không chúng sanh không thọ mạng, không dưỡng dục chẳng phải đối trị, không hình không trạng, không trói không rời, không uế không tịnh.

Không thương không ghét, không buộc không mở, không xuất không thối, không được không ở, không định không loạn, không tri chẳng phải vô tri, chẳng phải kiến chẳng phải vô kiến, chẳng phải giới chẳng phải phạm, chẳng phải ăn năn chẳng phải không ăn năn, chẳng phải mừng chẳng phải không mừng, chẳng phải khổ chẳng phải vui.

Chẳng phải định chẳng phải bất định, chẳng phải thiệt chẳng phải đảo, chẳng phải Niết Bàn chẳng phải không Niết Bàn, chẳng phải ái kiến chẳng phải lìa ái kiến, chẳng phải giải thoát chẳng phải không giải thoát, chẳng phải trí chẳng phải bất trí, chẳng phải nhìn xem chẳng phải chẳng nhìn xem, chẳng phải nghiệp chẳng phải chẳng nghiệp, chẳng phải đạo chẳng phải chẳng đạo.

Này Đại Vương! Phải dùng sáu mươi bảy pháp môn để vào tất cả pháp. Này Đại Vương tự thể các pháp chẳng phải từng có sẽ có hiện có. Như tượng trong gương chẳng phải có không, tự thể của sắc cũng vậy, chẳng phải đã sẽ và hiện có. Thọ tưởng hành và thức cũng như vậy.

Này Đại Vương! Như vang chẳng phải đã sẽ, và hiện có, sắc thọ tưởng hành và thức cũng như vậy, thể tánh nó chẳng phải đã sẽ và hiện có.

Này Đại Vương! Như dương diệm chẳng phải đã sẽ và hiện có, sắc thọ tưởng hành và thức cũng như vậy, thể tánh nó chẳng phải đã sẽ và hiện có.

Này Đại Vương như khối bọt nước chẳng bền chắc, nó chẳng phải đã sẽ và hiện có, sắc thọ tưởng hành và thức cũng như vậy, thể tánh nó chẳng phải đã sẽ và hiện có.

Này Đại Vương! Như mộng thấy nữ nhân đẹp, sự thấy trong mộng chẳng phải đã sẽ và hiện có. Thể tánh của sắc thọ tưởng hành thức cũng như vậy, chẳng phải đã sẽ và hiện có.

Này Đại Vương! Như Thạch Nữ mộng thấy đẻ con trai, sự được thấy trong mộng ấy chẳng phải đã sẽ và hiện có. Thể tánh của thọ tưởng hành và thức cũng như vậy, chẳng phải đã sẽ và hiện có.

Này Đại Vương! ắc không có sanh cũng không có diệt, thọ tưởng hành và thức không có sanh cũng không có diệt, như Niết Bàn giới không có sanh không có diệt vậy. Như pháp giới không sanh không diệt, sắc thọ tưởng hành và thức không sanh không diệt cũng như vậy.

Này Đại Vương Tất cả pháp là Như Lai cảnh giới, bất khả tư nghì cũng là Như Lai cảnh giới, bất cộng pháp, cũng là Như Lai cảnh giới, vì chẳng cùng chung với cảnh giới của tất cả phàm phu vậy, cũng chẳng cùng chung với cảnh giới của tất cả Thanh Văn, Duyên Giác vậy.

Tất cả pháp ấy chẳng phải chê chẳng phải khen, chẳng phải được chẳng phải mất, chẳng phải giác chẳng phải bất giác, chẳng phải trí chẳng phải bất trí, chẳng phải thức chẳng phải bất thức, chẳng phải xả chẳng phải bất xả.

Chẳng phải tu chẳng phải bất tu, chẳng phải thuyết chẳng phải bất thuyết, chẳng phải chứng chẳng phải bất chứng, chẳng phải hiển thị chẳng phải chẳng hiển thị, chẳng phải khả văn chẳng phải chẳng khả văn.

Tại sao vậy?

Vì pháp ấy không có pháp phò cử được xô ngã được như vậy.

Tại sao vậy?

Vì tất cả pháp rời lìa tự tánh vậy.

Đại Vương nay phải an tâm ở trong pháp ấy, sâu quan sát nó chớ tin nơi khác.

Bấy giờ Tịnh Phạn Vương nghĩ rằng: Ở trong các pháp không có pháp gì để được. Không có pháp ấy chứng được pháp ấy mà gọi là Phật ấy. Các pháp thiệt chẳng có được. Chỉ vì chúng sanh mà Đức Phật giả ngôn thuyết thôi. Lúc Phật nói pháp ấy, Tịnh Phạn Vương và bảy vạn Thích chủng được vô sanh pháp nhẫn.

Đức Phật biết hàng Thích chủng được thâm tín rồi liền hiện mỉm cười.

Huệ Mạng Mã Thắng Tỳ Kheo nói kệ hỏi Phật:

Đấng Đại Hùng Đạo Sư

Vì đời mà mỉm cười

Mong đuốc sáng thế gian

Diễn nói sự mỉm cười

Thập lực nhất thiết trí

Cớ chi hiện mỉm cười

Xin nói cớ cười ấy

Dứt lưới nghi thế gian

Phật vì hàng Thích chủng

Mà hiện tướng mỉm cười

Xin mau trừ lưới nghi

Của Chúng Trời và người

Được nghe Đức Phật nói

Thế gian hết nghi ngờ

Lòng họ được hoan hỉ

An trụ trong Phật Pháp

Các con của Thế Tôn

Được nghe cớ mỉm cười

Bền chắc ở thệ nguyện

Trí huệ tất thông đạt

Ngưỡng mong Đấng Đạo Sư

Dứt trừ lòng chúng nghi

Chúng được hết nghi rồi

Tất được vui lớn rộng.

Đức Thế Tôn nói kệ đáp Mã Thắng Tỳ Kheo:

Phật hiện cười tịch diệt

Mã Thắng hãy lắng nghe

Nay Phật sẽ nói rõ

Thích chủng quyết định trí

Các pháp bất khả đắc

Thích chủng đều biết được

Vì thế tâm quyết định

An trụ nơi Phật Pháp

Dòng họ Thích danh tiếng

Y cứ vô sở đắc

Sẽ được vô thượng Giác

Biết rõ tất cả pháp

Mạng người này mãn rồi

Thích chủng ấy quyết định

Được sanh nước Cực Lạc

Gần kề Phật Di Đà

Họ ở Cực Lạc rồi

Vô úy thành bồ đề

Hay đến mười phương cõi

Cúng đường vô số Phật

Ở tại một Phật Độ

Hay cúng mười phương Phật

Vì thương xót chúng sanh

Mà cầu đạo vô thượng

Du lịch các Phật Quốc

Cúng dường Chư Phật ấy

Đều do thần lực mình

Theo chỗ Chư Phật mà đến

Vô lượng vô số kiếp

Cúng dường các Đạo Sư

Với các thứ diệu cúng

Sau sẽ thành Phật Đạo

Mỗi mỗi thành Phật rồi

Hay độ vô lượng chúng

Khiến được thành Phật Đạo

Lại giáo hóa chúng sanh

Chúng sanh ở nước ấy

Đều sẽ thành Phật Đạo

Chư Phật Thế Tôn ấy

Chẳng độ chúng Thanh Văn

Mỗi Phật Thế Tôn ấy

Đều thọ một kiếp tuổi

Chánh Pháp Chư Phật ấy

Vô lượng vô số kiếp

Chư Phật ấy diệt độ

Chư Bồ Tát đại Trí

Gìn pháp độ thế gian

Ức Vô số ngàn năm

Chư Đại Bồ Tát ấy

Giáo hóa vô lượng chúng

Đặt ở đạo vô thượng

Thuyết pháp đều không tịch

Khiến trụ bất phóng dật

Tu tập pháp không tịch

Hay được nhất thiết trí

Ưa hạnh bất phóng dật

Nghe Thế Tôn tuyên nói

Thọ ký hàng thích chủng

Trời, người đều vui mừng

Chí cầu đạo vô thượng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Huệ Mạng Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Đây là tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát. Ông phải nói lại với hàng bất thối chuyển của Bồ Tát.

Tại sao vậy?

Này Xá Lợi Phất! Tam Muội này chẳng thể nói được.

Như Lai ở trong tam muội ấy chẳng được một pháp.

Nếu là chẳng được thì nó là chẳng thể giác được.

Nếu chẳng thể giác đuợc thì nó là chẳng thể nói được.

Nếu chẳng thể nói được thì nó là chẳng thể biết được.

Chẳng thể biết được ấy tức là pháp của Tam Thế Chư Phật vậy.

Này Xá Lợi Phất! Nay ta phó chúc cho ông, đây là tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát phải nên thọ trì đọc tụng giảng nói rộng cho người.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ an trụ Đại Thừa trải qua mười kiếp tu hành năm Ba la mật, lìa bát nhã Ba la mật, nếu có người được nghe tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát này thì phước đức lớn hơn. Nếu người tạm nghe tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát này, nếu lại có người được nghe đây rồi nói cho mọi người thì phước đức càng lớn hơn.

Nếu có người trong mười kiếp nghe đây rồi nói cho mọi người, nếu lại có người nhẫn đến trong thời gian một sát na tu tập tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát thì phước đức càng lớn hơn. Vì thế nên Xá Lợi Phất đem Kinh Bồ Tát Kiến Thiệt tam muội này vì Chư Bồ Tát mà diễn nói chỉ dạy tu hành.

Này Xá Lợi Phất! Nếu tu theo tam muội này thì sẽ được vô sanh pháp nhẫn.

Này Xá Lợi Phất! Trong Pháp Hội đây, Chư Bồ Tát được ta thọ ký đạo vô thượng đều được an trụ trong tam muội thấy chân thiệt của Bồ Tát. Bấy giờ tất cả Bồ Tát Thanh Văn, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà, Nhân, Phi Nhân tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều vui mừng phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần