Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai - Thiện Quyền - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
THIỆN QUYỀN
PHẦN MỘT
Khi ấy Đức Thế Tôn xuất thiền, bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Phật Đạo sâu xa vô tận, tuệ giác vô thượng của Như Lai khó hiểu, khó biết, khó có thể vào. Tuy hàng Thanh Văn, Duyên Giác từ muôn ức kiếp lâu xa đã quy kính cúng dường, vô số kiếp đã tạo lập cội lành công đức, tôn trọng phụng trì Pháp Phật, ân cần lao khổ, tinh tấn tu hành, còn không thể thấu hiểu diệu lý của đạo.
Lại nữa, Xá Lợi Phất! Như Lai quán sát nhân duyên sinh khởi hạnh nghiệp của chúng sinh nên dùng phương tiện quyền xảo một cách khéo léo, tùy nghi hướng dẫn điều phục họ, Như Lai dùng trí tuệ phân biệt tất cả pháp, vận dụng vô số phương tiện để cứu độ quần sinh, dùng sức trí tuệ lớn không sợ hãi, nhất tâm, giải thoát, tam muội không có hạn lượng.
Giáo pháp mà Như Lai đã giảng nhiều không thể tính hết, nhưng Như Lai chỉ lược thuyết mà thôi. Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ là pháp hy hữu, cao tột, khó thể suy lường.
Như Lai đã thấu tỏ nguyên nhân của các pháp, tự ngộ các pháp từ đâu mà đến, phân biệt hiện tượng của các pháp, tự biết rõ nguồn gốc của chúng.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ:
Bậc Thế Hùng khó lường
Trời, người ở cõi thế
Tất cả loài chúng sinh
Không ai hiểu Đạo Sư
Thanh tịnh nói giải thoát
Vắng lặng không sợ hãi
Hành tướng của các pháp
Không một ai biết được.
Vốn từ vô số Phật
Do nương tựa tu hành
Thể nhập nghĩa vi diệu
Hiện thế không phân biệt,
Trải qua vô số kiếp
Tu học theo hạnh Phật
Thành quả đến Đạo Tràng
Cũng như hành từ mẫn,
Khiến ta được tuệ này
Như Chư Phật mười phương
Đầy đủ các tướng tốt
Vẻ đẹp cũng như vậy.
Pháp thân không phô bày
Cũng không còn ngôn ngữ
Quán sát toàn chúng sinh
Thế gian không ai sánh.
Nếu thuyết giảng Kinh pháp
Có thể hiểu rõ được
Chỉ có chư Bồ Tát
Thường tin hiểu vui làm.
Giả sử các Phật
Chúng đệ tử Ngài
Việc làm đã xong
An trụ giáo pháp,
Khéo hàng phục tâm
Dứt trừ phiền não
Vẫn chưa đạt được
Trí tuệ vô lượng.
Giả sử nơi đây
Cảnh giới Chư Phật
Đều đem bảy báu
Tràn đầy khấp nơi,
Dùng để hiến cúng
Chư Phật chí tôn
Muốn rõ tuệ ấy
Trọn không hiểu nổi,
Giả sử mười phương
Thế Giới Chư Phật
Các bậc Minh Triết
Đầy khắp cõi nước,
Và trong hiện tại
Các chúng Thanh Văn
Đầy đủ tất cả
Cũng như hiện nay.
Hội chúng khi ấy
Cùng nhau suy lường
Trí tuệ Như Lai
Cũng không thể biết
Trí tuệ của Phật
Vô lượng, vô biên
Muốn biết giới hạn
Chẳng thể biết được.
Các bậc Duyên Giác
Lậu hoặc không còn,
Thông đạt các căn
Nhiếp trì tâm niệm.
Giả sử mười phương
Đầy chật cả người
Nhiều như mía lau
Cỏ sậy tre trúc,
Hợp lại với nhau
Cùng chung tư duy
Muốn biết trí Phật
Luận bàn các pháp,
Trải vô số kiếp
Suy niệm đo lường
Cũng không thể biết
Pháp nghĩa chân thật.
Các vị Bồ Tát
Mới phát tâm ý
Nếu được cúng dường
Vô số ức Phật,
Giảng thuyết pháp Kinh
Phân biệt nghĩa lý
Tràn đầy khắp cả
Mười phương cõi nước.
Số đó ví như
Lúa mè rừng cây
Khắp cùng Thế Giới
Nhiều vô số kể,
Kết hợp với nhau
Mà cùng tư duy
Tuệ giác Như Lai
Thấy các pháp tánh
Không thể nghĩ bàn
Vô số ức kiếp
Như cát Sông Hằng
Không thể hạn lượng.
Tâm không thay đổi
Trí tuệ siêu việt
Muốn biết pháp ấy,
Vô số Bồ Tát
Đều không thoái chuyển
Chẳng phải cõi này
Trong vô lượng kiếp
Như cát sông Hằng
Nhất tâm chuyên ròng
Cùng nhau tư duy
Tất cả bọn họ
Cũng không kham nổi.
Trí tuệ Chư Phật
Không thể nghĩ bàn
Đoạn hết các lậu
Không thể suy lường.
Chỉ có Chư Phật
Mới hiểu hoàn toàn
Phân biệt mười phương
Thế Giới Chư Phật.
Này Xá Lợi Phất!
Lời Như Lai dạy
Không có thiếu xót
Thấu rõ pháp kia,
Pháp lợi tối thắng
Thông tỏ hoàn toàn
Thuyết nghĩa vô thượng
Sau thời gian dài.
Hôm nay Như Lai
Bảo chúng Thanh Văn
Và Duyên Giác thừa
Như chỗ đã lập,
Thoát nguyện buộc ràng
Hưởng được Niết Bàn
Sẽ được khai hóa
Tất cả được độ,
Pháp Phật tôi thắng
Khéo dùng phương tiện
Tuyên thuyết diễn bày
Giáo hóa thế gian
Ta thường độc hành
Độ thoát tất cả
Dùng thị hiện ấy
Nói pháp chân thật.
Khi ấy trong đại chúng có tất cả một ngàn hai trăm vị A La Hán thuộc hàng Thanh Văn đã chấm dứt các phiền não, biết rõ con đường tụ tập đưa đến giác ngộ, cùng với chúng đệ tử Hữu học Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thuộc chúng Thanh Văn, mỗi vị đều suy nghĩ:
Tại sao hôm nay Đức Thế Tôn ân cần tán thán về phương tiện khéo léo, ca ngợi công hạnh và giáo pháp sâu xa vi diệu của Phật mà ngay cả bậc có trí tuệ cao tột cũng không thể hiểu biết, huống gì những vị Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu nay theo lời Đức Thế Tôn vừa dạy thì pháp ấy không đưa đến Niết Bàn.
Tuy Thế Tôn thuyết Kinh này nhưng chúng ta không rõ tận cùng ý nghĩa đó như thế nào?
Tôn Giả Xá Lợi Phất biết sự hoài nghi trong lòng bốn chúng và muốn phá lưới nghi của mình nên thỉnh hỏi Đức Thế Tôn.
Tôn Giả sửa y phục, cung kính bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay vì sao Thế Tôn ân cần tán dương phương tiện khéo léo của Ngài là pháp sâu xa vi diệu bậc nhất, đạo đức cao vời vợi không có giới hạn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất dùng kệ thỉnh hỏi:
Thánh Tuệ cao tột
Lâu xa mới dạy
Giải thoát, thiền định
Phụng trì vô số
Khen công đức Phật
Không ai dám thưa
Ca ngợi thật pháp
Ai hiểu ý diệu
Hiển bày Thánh pháp
Tán thán hạnh Phật
Tuệ không thể lường
Xin Phật giảng pháp
Nay chúng hoài nghi
Nghe pháp dứt phiền
Mong cầu giải thoát
Nghe Phật ca ngợi
Hạng cầu Duyên Giác
Tỳ Kheo nam nữ
Trời, Rồng, Quỷ, Thần
Kiền Đạp, Hưu Lặc
Tất cả các loài
Cũng đều phân vân
Muốn thỉnh hỏi Phật
Xin Phật giải thích
Cho hàng Thanh Văn
Dạy tâm an trụ
Được Phật ngợi khen
Chỉ con bậc nhất
Tâm nay mê mờ
Không tự hiểu được
Con đến Niết Bàn
Lại nghe điều này
Xin giảng phân biệt
Diễn âm oai hùng
Lời Phật tuyên bày
Như Sư tử rống
Chúng đệ tử Phật
Chắp tay kính lễ
Muốn nghe chánh pháp
Cúi mong phân biệt
Tám bộ Trời, Rồng
Quỷ, Thần, Chân Đà
Trăm ngàn vô số
Như cát sông Hằng
Ai cũng chắp tay
Cúng dường Thế Tôn
Đều cùng muốn hỏi
Với Đấng Tuệ Giác
Vua Trời Đế Thích
Chuyển Luân Thánh Vương
Ai cũng một lòng
Trăm ngàn muôn ức
Tất cả cung kính
Chắp tay đứng chờ
Mong muốn được nghe
Con đường hoàn hảo.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thôi đi, thôi đi, không nên hỏi điều ấy!
Vì sao?
Vì nếu ta nói pháp ấy thì cả thế gian, Chư Thiên và nhân loại đều sẽ kinh sợ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa: Cúi xin Đức Thế Tôn hãy chỉ dạy cho chúng con ý nghĩa của thật pháp.
Vì sao?
Bởi vì ở trong chúng hội này có trăm ngàn vô số ức đầy dẫy những loại chúng sinh, kể cả những sâu bọ, muỗi mòng, côn trùng nhỏ nhít… từ kiếp quá khứ đã từng gặp Phật biết gieo trồng các công đức, nghe lời Đức Thế Tôn dạy, tất cả sẽ hoan hỷ kính tin, thọ trì, phụng hành.
Tôn Giả Xá Lợi Phất dùng bài kệ nói:
Nguyện Đấng Nhân Vương
Thương ban lời dạy
Chúng xuất gia đây
Trăm ngàn muôn ức
Cung kính an trụ
Tin vào tuệ giác
Tất cả các loài
Thảy đều hân hoan.
Lúc đó Đức Thế Tôn ngăn Tôn Giả Xá Lợi Phất ba lần như vậy, bảo Tôn Giả chớ nên lập lại lời ấy, bởi nếu Như Lai nói pháp ấy thì cả thế gian, Chư Thiên và nhân loại đều ôm lòng kiêu mạn hoài nghi, những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni sẽ rơi vào khốn khổ lớn.
Đức Thế Tôn dùng kệ bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất:
Thôi thôi đừng hỏi
Pháp của Như lai
Sâu xa vi diệu
Những kẻ không hiểu
Giả sử ta nói
Dễ sinh nghi ngờ
Ám độn ngu si
Ôm lòng kiêu mạn.
Tôn Giả Xá Lợi Phất lại thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Đức Thế Tôn hãy thương xót chỉ dạy.
Vô số chúng đây vào thời quá khứ lâu xa đã từng nghe Chư Phật giảng dạy, vì thế hôm nay nếu được nghe và tư duy pháp âm bậc thánh chắc chắn họ có thể kính tin, được an ổn lâu dài, không còn nghi ngờ, kiêu mạn.
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói bài kệ:
Con, trưởng tử Phật
Nay muốn thỉnh cầu
Xin Lưỡng Túc Tôn
Xót thương chỉ dạy
Trong chúng hội này
Vô số chúng sinh
Đều sẽ kính tin
Lời dạy của Phật
Xưa trồng cội đức
Dứt các lưới nghi
Suốt vô lượng kiếp
Từng được dạy bảo
Nay họ chắp tay
Đứng bên cung kính
Chắc chắn chân hoan
Vối pháp nghĩa ấy
Những người như con
Một ngàn hai trăm
Và các chúng khác
Cầu tuệ giác Phật
Nếu được thấy, nghe
Tin nơi giáo pháp
Tâm sẽ vui mừng
Phát khởi chí lớn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy Xá Lợi Phất ân cần thưa thỉnh ba lần, mới bảo với Tôn Giả: Nay ông đã tha thiết thưa thỉnh đến lần thứ ba, nên Như Lai không thể không nói. Vậy ông hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ. Ta sẽ giải nói.
Khi Đức Thế Tôn vừa nói xong lời ấy, năm ngàn vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di vì ôm lòng kiêu mạn lập tức đứng dậy, rời chỗ ngồi, đảnh lễ Đức Thế Tôn và bỏ hội chúng mà lui ra.
Vì sao?
Vì những người đó không tin vào pháp phương tiện khéo léo, lại có tâm tăng thượng mạn, chưa được tự cho đã được, chưa chứng tự cho đã chứng. Họ góp nhặt những vật dụng như dù che, y phục, ngọa cụ… rồi tự đi ra.
Đức Thế Tôn vẫn yên lặng không ngăn cản.
Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Những kẻ què quặt, lén bỏ hội chúng ra đi, bị âm thanh, mùi vị buộc ràng nên rời khỏi nơi Đạo Tràng rộng lớn.
Này Xá Lợi Phất, những kẻ tăng thượng mạn ấy lui ra cũng tốt.
Vì sao Như Lai tuyên thuyết pháp này?
Ví như hoa Linh thụy thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần, Chư Phật tán thán pháp hy hữu này rất lâu mới có.
Hội chúng phải tin vào lời pháp chân thật sâu xa của Như Lai, Như Lai tùy nghi thuyết pháp sâu xa vi diệu, không hư dối, bao nhiêu âm thanh lời lẽ diễn đạt về pháp, mỗi lời đều đặc thù, là điều mà con người không thể suy niệm được.
Pháp ấy chưa ai nghĩ ra được, chỉ có Như Lai mới chứng biết.
Vì sao?
Bởi vì điều mà Như Lai ca ngợi, khai sáng cho đời chính là lý do trọng đại duy nhất. Mà tất cả Chư Phật thị hiện ra đời.
Chư Phật vì muốn khuyến cho chúng sinh đang vọng tưởng nên xuất hiện ở đời. Muốn làm cho chúng sinh chấm dứt vọng tưởng vô minh, mong cầu Phật tuệ mà xuất hiện ở đời. Muốn làm cho chúng sinh dứt bỏ vọng tưởng, đạt đến trí tuệ trân quý của Như Lai mà xuất hiện ở đời.
Muốn đem tuệ giác của Như Lai để giác ngộ chúng sinh vọng tưởng mà xuất hiện ở đời. Muốn chỉ bày, làm cho chúng sinh tỉnh thức theo con đường bát chánh, dứt trừ vọng tưởng mà xuất hiện ở đời. Vì thế nên biết, sự xuất hiện của các Bậc Chánh Giác đều vì một mục đích là đem trí tuệ siêu việt mà tạo nên sự nghiệp lớn.
Trí tuệ ấy cũng như hư không, vì tâm đại bi mà xuất hiện ở đời, như Chư Phật đã thực hành để hóa độ, làm lợi ích cho chúng sinh cũng lại như vậy. Như Lai thể hiện trí tuệ chân thật thuyết pháp giáo hóa các Bồ Tát, dùng tuệ giác Phật phân tích, giảng thuyết làm cho họ tiến đến cỗ xe duy nhất là Phật thừa, không hề có cỗ xe thứ hai, huống chi là cỗ xe thứ ba.
Chư Phật Thế Tôn trong mười phương Thế Giới, quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều vận dụng bao nhiêu lời lẽ giáo hóa phương tiện quyền xảo, âm thanh, ngôn từ khác nhau để khai hóa cho tất cả chúng sinh, thuyết pháp khiến họ đều phát tâm Đại Thừa, cỗ xe đưa đến Chánh Giác và tất cả trí tuệ sáng suốt của Phật.
Xá Lợi Phất! Những chúng sinh đây đều đã cúng dường Chư Phật đời quá khứ, cũng từng nghe pháp, tùy theo bản hạnh của họ mà được Như Lai chỉ dạy.
Như Lai thấy bản hạnh của chúng sinh không giống nhau, xem xét tâm họ ưa thích những gì, khéo dùng phương tiện theo quả báo mà họ đã thọ để giảng pháp nghĩa, đều là pháp Đại Thừa Chánh Giác bình đẳng, đưa đến trí tuệ giác ngộ, đức hạnh toàn thiện, không có thừa thứ hai.
Chư Phật trong mười phương Thế Giới đều như vậy, không có tam thừa.
Xá Lợi Phất! Nếu Như Lai nói về sự cấu uế của chúng sinh thì suốt trong một kiếp cũng không hết được.
Nay ta xuất hiện nơi đời ngũ trước xấu ác, đó là:
1. Trần lao.
2. Hung bạo.
3. Tà kiến.
4. Thọ mạng ngắn ngủi.
5. Đang thời kiếp trược.
Vì những điều ấy nên chúng sinh có ít phước đức, tham lam, bỏn sẻn, nhiều cấu uế…, Như Lai phải vận dụng phương tiện nói có ba thừa để khuyến hóa hàng Thanh Văn và Duyên Giác.
Nếu ta dạy về Phật thừa thì tất cả họ đều sẽ không nghe, không hiểu, không thâm nhập được. Sẽ có niệm sai lầm cho rằng chỉ có đạo Thanh Văn và Duyên Giác là cao tột, sâu xa.
Nếu những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đã chứng La Hán, tự cho là đã hoàn tất mà không có chí mong cầu tuệ giác vô thượng, nhất định họ sẽ phỉ báng Phật thừa. Dù có suy niệm ấy, ta vẫn giáo hóa bình đẳng.
Tuy nhiên sau khi Như Lai nhập diệt, những kẻ nhiều tăng thượng mạn mới biết được.
Vì sao?
Vì những vị Tỳ Kheo La Hán, nhưng đã chấm dứt các lậu hoặc không có chí mong cầu, nghe Kinh Điển này mà không tin nhận, khi Như Lai diệt độ, không còn hiện diện trước mặt họ nữa.
Nếu Đấng Đại Thánh diệt độ không thuyết pháp Kinh này, khiến cho họ thọ trì và tụng đọc Kinh Phương Đẳng, thì Đức Phật khác, ban đầu chắc chắn họ sẽ hồ nghi, nhưng sau đó họ sẽ trọn lòng tin lời của Như Lai nói là thành thật, chỉ có pháp nhất thừa không có thừa thứ hai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Tám - Phẩm Ananda - Phần Chín - Hương
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Màgha
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Bốn - ðịa Ngục - Phần Một