Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Sáu - Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt - Phẩm Thứ Hai Mươi Sáu - Phẩm Tứ Chuyển Luân Vương - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI SÁU
PHÁP HỘI BỒ TÁT KIẾN THIỆT
PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU
PHẨM TỨ CHUYỂN LUÂN VƯƠNG
PHẦN MỘT
Bấy giờ Đức Phật nói với Tịnh Phạn Vương: Này Đại Vương! Các pháp như đã nói ở trên phải chuyên tâm tinh tiến quan sát tu hành chớ theo nơi khác. Pháp ấy là bồ đề của Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại, hay tự tại siêu việt tất cả thế gian, hay trừ tất cả khát ái hàng phục ngã mạn, diệt trừ tội lỗi, được bình đẳng nơi tất cả pháp.
Nó chẳng phải là chỗ của hạng phàm phu, tất cả Thanh Văn chẳng đến được, chẳng phải cảnh giới của tất cả Bích Chi Phật, là chỗ tu hành của tất cả Bồ Tát, là chỗ chứng đắc của tất cả Chư Phật.
Ở trong pháp ấy, Đại Vương phải để tâm suy nghĩ rằng: Tôi phải thế nào để được làm mắt sáng ở trong Trời, người, được làm đèn sáng, đuốc lớn, thuyền bè, biết thủy lộ giới là Đạo Sư, là thương chủ, là đạo thủ ở trong Trời, người.
Tôi phải thế nào để tự độ mình rồi lại độ được người, tự đã giải thoát lại giải thoát người, tự được an ổn lại an ổn người, tự chứng Niết Bàn lại khiến người chứng Niết Bàn. Đại Vương nên biết chẳng nên quan sát đời quá khứ và trải qua sự giàu mạnh tự tại.
Này Đại Vương! Các căn như ảo, không bao giờ thỏa mãn, cũng không có gì làm nó thỏa mãn được. Cảnh giới như mộng, ở nơi sắc thanh hương vị xúc không biết chán đủ.
Này Đại Vương! Thuở quá khứ có Chuyển Luân Vương tên Vô Biên Xưng có đủ Thất Bảo oai lực tự tại thống lãnh tứ thiên hạ. Nhà Vua ấy ở chỗ Đức Phật trước trồng các cội lành nên được thành tựu ý lực nghĩ gì được nấy.
Lúc ấy, Vua Vô Biên Xưng tự nghĩ ta thử sức phước đức của ta, nay ta tự nương phước đức khiến tất cả cây cối trong bốn thiên hạ này thường có bông trái dùng hoài không hết.
Này Đại Vương! Vua Vô Biên Xưng ý nghĩ như vậy rồi, khắp bốn thiên hạ tất cả rừng cây trổ bông kết trái xum xuê nhân dân dùng mãi không hết.
Nhà Vua ấy lại nghĩ tưởng làm cho tất cả nhân dân trong bốn thiên hạ muốn gì đều được cả không hề trái ý. Nhà Vua ấy nghĩ tưởng như vậy rồi, tất cả nhân dân đều được đầy đủ theo chỗ mong cầu.
Nhà Vua ấy lại nghĩ tưởng khiến khắp bốn thiên hạ đều mưa nước thơm. Liền đó khắp nơi đều mưa nước thơm. Nhà Vua ấy thử phước lực của mình nên lại nghĩ tưởng khắp bốn thiên hạ đều mưa hoa đẹp. Liền theo ý tưởng của nhà Vua ấy, khắp nơi đều mưa hoa đẹp.
Nhà Vua ấy lại nghĩ tưởng khắp nơi đều mưa y phục đẹp. Liền đó khắp nơi mưa y phục kiếp bối Cõi Trời. Nhà Vua ấy lại muốn thử phước lực của mình nên nghĩ tưởng khắp bốn thiên hạ mưa bạc, rồi lại tưởng mưa vàng. Theo đúng ý tưởng của nhà Vua ấy, khắp nơi mua bạc rồi mưa vàng.
Tại sao như vậy?
Vì Vua Vô Biên Xưng ấy từ quá khứ đã ở nơi tất cả chúng sanh tu cộng nghiệp thiện.
Này Đại Vương! Thuở ấy mặt đất Diêm Phù Đề dọc ngang đều một vạn tám ngàn do tuần, có sáu mưoi ngàn vạn đại thành. Trung ương có hoàng thành tên Bảo Trang Nghiêm dọc ngang mười hai do tuần, bốn phía bằng phẳng khéo đẹp, đường sá trang nghiêm, ranh giới rành rẽ.
Ngoài thành Bảo Trang Nghiêm ấy có bảy lớp hàng cây Đa La bằng bốn thứ báu là vàng bạc lưu ly và pha lê rất đẹp đáng ưa.
Nếu là cây Đa La vàng thì thân cành gốc rễ bằng vàng mà lá bông và trái bằng bạc.
Nếu là cây Đa La bạc thì thân cành gốc rễ bằng bạc mà lá bông và trái bằng vàng.
Nếu là cây Đa La bằng lưu ly thì gốc rễ thân cành bằng lưu ly mà lá bông và trái bằng pha lê.
Nếu là cây Đa La pha lê thì gốc rễ thân cành bằng pha lê mà lá bông và trái bằng lưu ly.
Thành Bảo Trang Nghiêm ấy giáp vòng có bảy lớp treo lưới linh lạc báu, lại có màn lưới báu che trùm phía trên.
Ngoài thành có bảy lớp hào, mỗi hào sâu nửa do tuần, rộng một do tuần, đáy và bờ hào đều bằng phẳng, đầy nước trong sạch đủ tám đức, chim chóc uống nước ấy. Trong nước hào mọc đầy bốn thứ hoa sen xanh, vàng đỏ và trắng. Đáy hào trải cát vàng.
Bờ hào bằng bốn báu vàng bạc lưu ly và pha lê: Bậc vàng thì thang bạc, bậc bạc thì thang vàng, còn lưu ly và pha lê thì trang sức trên dưới xen lẫn trang nghiêm.
Lan can xung quanh hào bày bảy báu trang nghiêm vô tỉ. Mỗi con đường đều có bảy lớp cổng báu, hai bên đường có những cây chuối vàng, bốn bên hào đường sá giáp vòng, nơi hai đầu đều có tọa ngồi bằng bảy báu.
Tất cả sự trang nghiêm báu quí ấy đều do phước đức của Vua Vô Biên Xưng cảm thành. Xung quanh ngoài thành Bảo Trang Nghiêm có tám vạn rừng vườn.
Làm những rừng vườn ấy, Vua Vô Biên Xưng không có lòng chấp trước là sở hữu của mình mà cho tất cả nhân dân cùng hưởng.
Mỗi khu vườn ấy có tám ao lớn dọc ngang đều nửa do tuần, đầy hoa sen bốn màu. Bờ ao có tám thềm đường bằng bốn báu và cổng ngỏ bảy báu.
Hai bên thềm đường có cây chuối vàng Diêm Phù Đàn trang nghiêm. Trong ao đầy nước tám đức, các loài chim uống nước ấy. Bốn bên ao nhà Vua ấy lại cho trồng nhiều hoa đẹp để nhân dân cùng hưởng. Các lưới báu linh lạc báu khắp thành Bảo Trang Nghiêm, lúc gió nhẹ thoảng phát ra tiếng hòa nhã như ngũ âm do nhạc công giỏi trổi lên. Nhân dân trong thành cùng vui chơi theo nhạc điệu ấy.
Thuở ấy thành lớn Bảo Trang Nghiêm giàu vui an ổn, nhân dân giàu có no đủ, mọi nơi đều có hoa sen bốn màu đẹp thơm vô tỉ.
Một lúc khác, Vua Vô Biên Xưng lại nghĩ rằng: Nay ta sẽ qua châu Tây Cù Đà Ni. Vua cùng bốn binh chủng cùng bay lên hư không qua Cù Đà Ni. Chư tiểu Quốc Vương ở châu Tây ấy đều đến phụng nghinh và đem Quốc Độ phụng hiến.
Vua Vô Biên Xưng ở lại đó trăm ngàn muôn năm rồi mang bốn binh chủng lên hư không bay qua châu Đông Phất Bà Đề, các tiểu Quốc Vươngở châu Đông đều phụng nghinh và đem Quốc Độ phụng hiến.
Vua Vô Biên Xưng ở lại đó trăm ngàn vạn năm rồi đem bốn binh chủng lên hư không bay đến châu Bắc Uất Đơn Việt, nhân dân nơi châu Bắc đều hoan nghênh. Vua Vô Biên Xưng ở lại châu Bắc nhiều trăm ngàn năm cùng quyến thuộc vui vầy.
Một hôm Vua Vô Biên Xưng nghĩ rằng ta có nghe Trời Đao Lợi ỏ đảnh núi Tu Di, nay ta nên lên đó.
Nghĩ như vậy rồi nhà Vua ấy ngồi long tượng đem bốn binh chủng bay lên hư không thẳng lên núi Tu Di.
Nhà Vua ấy hỏi quan hầu cận rằng ngươi thấy núi Tu Di cùng đại hải và tứ thiên hạ thế nào?
Quan hầu thưa: Tâu Đại Vương, tôi thấy núi Tu Di cùng đại hải và tứ thiên hạ đều xoay tròn. Như nhà gốm quay tròn vòng khuôn, tôi thấy núi Tu Di cùng đại hải và tứ thiên hạ cũng quay tròn như vậy. Nhà Vua ấy bảo quan hầu cho long tượng vương đại hành chưa ngừng thẳng tiến lên trước.
Nhà Vua ấy lại hỏi quan hầu: Giờ đây ngươi thấy núi Tu Di cùng đại hải và bốn châu thiên hạ thế nào?
Quan hầu thưa: Tâu Đại Vương! Tôi thấy núi Tu Di cùng đại hải và bốn châu thiên hạ đều chấn động. Nhà Vua ấy nói nay ta muốn đến đánh núi Tu Di, cho long tượng vương này tiểu hành chưa ngừng thẳng tiến lên trước.
Nhà Vua ấy hỏi quan hầu: Giờ đây người thấy núi Tu Di cùng đại hải và tứ thiên hạ thế nào?
Quan hầu thưa: Tâu Đại Vương, tôi thấy núi Tu Di cùng đại hải và bốn thiên hạ đều chẳng động chẳng chuyển.
Nhà Vua ấy bảo: Đã đến đảnh núi Tu Di rồi. Vua ấy cùng bốn binh chủng đến đảnh núi Tu Di. Đế Thích thấy Vua Vô Biên Xưng thì vui mừng đón tiếp và chia nửa tòa ngồi cho cho Vua ấy cùng ngồi. Vua Vô Biên Xung tiếp nhận chỗ ngồi rồi cùng Đế Thích ngự Trời Đao Lợi cả vô lượng năm.
Sau đó, Vua Vô Biên Xưng lại nghĩ rằng: Ta nên truất phế Đế Thích để riêng ta làm Thiên Vương. Vừa nghĩ xong như vậy, nhà Vua ấy cùng bốn binh chủng từ Trời Đao Lợi rơi xuống vườn bảy báu ngoài thành Bảo Trang Nghiêm ở Nam Diêm Phù Đề.
Bấy giờ có dân trong thành ra thấy như vậy vội cấp bảo vào thành. Lúc ấy Vua đang ngự trị thành Bảo Trang Nghiêm tên là Tác Ái, nghe có vị Thiên Tử bốn binh chủng từ trên không giáng xuống vườn Thất Bảo ngoài thành, liền truyền nghiêm xa giá cùng bốn bộ binh chủng xuất thành đến vườn thấy Vua Vô Biên Xưng.
Vua Tác Ái sai đem các thứ hoa và hương bột hương thoa đến rồi tự trịch y vai hữu quỳ gối hữu chắp tay hướng về Vua Vô Biên Xưng mà thưa rằng: Ngài là ai?
Vua Vô Biên Xưng nói: Người có từng nghe thuở xa xưa có Vua Vô Biên Xưng chăng?
Vua Tác Ái và các quan dân đều nói: Chúng tôi có nghe người xưa nói thuở trước có Vua Vô Biên Xưng ngự trị bốn châu thiên hạ. Vua ấy cùng bốn binh chủng bay lên Trời Đao Lợi.
Vua Vô Biên Xưng nói: Như chỗ các ngươi đã nghe, Vua Vô Biên Xưng chính là ta đây. Từ đó Vua Vô Biên Xưng nghe mùi vị đồ ăn uống ở nhân gian lòng chẳng ưa thích chẳng chịu được nên thân tâm trầm trọng hôn mê.
Như đem đề hồ để trên cát nóng liền chìm mất chẳng tạm dùng còn, Vua Vô Biên Xưng ở Diêm Phù Đề ăn uống các thứ lòng không ưa thích, thân tâm chìm mất cũng như vậy.
Vua Tác Ái thấy Vua Vô Biên Xưng chẳng chịu được mùi vị đồ ăn uống ở nhân gian nên thân tâm chóng hư hoại chẳng thể sống còn bèn thưa rằng: Đại Vương có lời gì dặn bảo để tôi truyền lại cho người đời sau.
Vua Vô Biên Xưng nói với Vua Tác Ái: Nhà Vua nên biết từ xưa Vua Vô Biên Xưng ngự trị bốn thiên hạ oai đức tự tại, tùy ý muốn gì đều được như vậy, muốn rừng cây đầy hoa quả thì bông trái có luôn hay trừ khổ cho mọi người. Nhân dân muốn cần gì thì đều được thỏa mãn cả.
Ta lại có thể mưa nước thơm, mưa hoa đẹp, mưa y phục báu, mưa bạc trắng, mưa vàng ròng. Ngự trị bốn châu giàu mạnh tự tại.
Ta lên Trời Đao Lợi, Đế Thích chia ngự tọa cùng cai trị Cõi Trời. Vì lòng tham không chán đủ nên phải từ cung Trời rơi xuống Diêm Phù Đề mà chết.
Vua Vô Biên Xưng bảo Vua Tác Ái:
Các sự việc vừa kể ấy, nhà Vua nên truyền nói như vậy và kết luận rằng: Vua Vô Biên Xưng giàu mạnh tự tại, vì tham cầu không chán nên phải chết mất.
Vua Vô Biên Xưng nói xong thì chết.
Thuật đến đây, Đức Phật nói với Vua Tịnh Phạn: Vua Vô Biên Xưng ấy tức là thân Phật đây vậy.
Này Đại Vương! Phải biết các căn như ảo, cảnh giới như mộng.
Này Đại Vương! Vì thế nên phải nhiếp tâm quan sát như vậy, chớ tin nơi khác.
Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Thường vui pháp tự tại
Luôn luôn sách tấn mình
Trong tham dục tự tại
Lòng phải biết chán lìa
Ly dục tự tại rồi
Trụ trong pháp tự tại
Nếu hàng phục được tâm
Thì hàng phục phiền não
Hàng phục được phiền não
Liền được lìa nghiệp đạo
Được lìa nghiệp đạo rồi
Là Tháp Chùa thế gian
Chẳng bị dục ô nhiễm
Hiển bày lỗi phiền não
Nhớ lợi ích chúng sanh
Nên hiệu là Tháp Chùa
Nghe lời tham dục rồi
Liền lìa được tham dục
Nhất thiết trí tịnh tâm
Nên hiệu là Tháp Chùa
Tối thắng đại trượng phu
Nhớ dứt lỗi chúng sanh
Giải thoát sân cho họ
Nên hiểu là Tháp Chùa
Tối thắng đại trượng phu
Nhớ dứt si cho chúng
Thoát tâm ngu si ấy
Nên hiệu là Tháp Chùa
Điều Ngự Thiên Nhân Sư
Nhớ dứt mạn cho chúng
Làm tâm chúng sanh sạch
Nên hiệu là Tháp Chùa.
Đức Phật phán tiếp phán tiếp với Vua Tịnh Phạn: Này Đại Vương! Thuở xưa quá khứ có Quốc Vương tên là Địa Thiên, làm Vua đúng pháp, có đủ bảy báu và luân báu, tượng báu, mã báu, minh châu báu, ngọc nữ báu, Trưởng Giả báu và chủ binh báu.
Cha của Vua Địa Thiên tên là Địa Sanh. Sau khi Địa Sanh chết, Địa Thiên là trưởng tử nên phụ tướng đại thần lấy nước bốn biển rưới đảnh của Địa Thiên tôn làm Vua, đó là Vua Sát Đế Lợi Quán Đảnh.
Lúc lên ngôi Vua rồi, đến ngày rằm trăng tròn ngày thọ trai, Vua Địa Thiên tắm rửa gội đầu cắt cạo râu tóc và móng tay móng chân, mặc y phục mới sạch, dùng vòng hoa chuỗi ngọc mũ mão vòng xuyến trang sức thân mình, ngồi trên lầu cao, các thể nữ vây quanh.
Liền đó từ phương Đông có luân bảo bằng vàng đủ ngàn căm giàn trục đều đủ, ánh sáng chói ngời, ngang dọc đều bảy cánh tay, thuần bằng vàng ròng.
Thấy kim luân bảo xuất hiện, Vua Địa Thiên nghĩ rằng: Ta từng nghe người xưa nói nếu Vua Sát Đế Lợi Quán Đảnh lên ngôi mà kim luân bảo ứng hiện thì sẽ là Chuyển Luân Thánh Vương. Nay ta có phải là Luân Vương chăng, ta nên thử xem.
Vua Địa Thiên liền đứng dậy trịch y vai hữu đối luân bảo chắp tay khấn rằng: Luân bảo nên hạ xuống đây. Vua khấn xong, luân bảo liền hạ xuống dừng trước Vua.
Vua Địa Thiên dùng hương thơm thoa tay, mặc y mão đẹp, tay mặt tiếp lấy luân bảo để trong tay trái, tay mặt xoa vuốt luân bảo mà khấn rằng: Nay ngươi nên hàng phục phương Đông. Kim luân ấy liền bay lên hư không xoay vòng hai bên rồi dừng ở phương Đông tại con đường chuyuển Luân Vương thuở xưa. Con đường ấy bằng phẳng rải đầy hoa bằng phẳng rải đầy hoa rất khả ái.
Chỗ kim luân đi qua mặt đất đều bằng phẳng không có cao thấp. Do phước đức của Vua Địa Thiên nên những ao suối giếng hồ khô cạn đều đầy nước tám đức, tất cả cây cối đều xum xê tươi tốt đầy trĩu hoa trái.
Bấy giờ Vua Địa Thiên mang bốn binh chủng đi theo luân bảo, nếu luân bảo dừng lại Vua và binh chủng cũng dừng theo. Những xứ nhà Vua đến, Quốc Vương và thần dân xứ ấy đồng mang lễ vật ra nghênh đón và phụng hiến cả Quốc Độ ấy cho Vua ngự trị.
Vua Địa Thiên Chuyển Luân Vương liền bảo rằng: Ta chẳng cần đến Quốc Độ này, các ngươi cứ cai trị như xưa, nhưng phải xa lìa những sự sát sanh, cũng chớ trộm cắp, chẳng được tà dâm, không nên vọng ngữ lưỡng thiệt ác khẩu ỷ ngữ, chớ có tham dục giận thù và tà kiến.
Các người phải tự mình tu mười nghiệp đạo lành và bảo người khác cùng tu. Nay ta nhận biết các người quy phục nơi ta, tuân lời ta truyền, ta xem các người như con em ta. Các người phải thảo ngay phụng dưỡng cha mẹ sư trưởng và các nhà tu hành.
Chớ làm sự phi pháp và sự ác bất thiện, cũng khuyên người làm lành lánh dữ. Nếu được như vậy mới thiệt Quốc Độ và nhân dân xứ này qui phục nơi ta.
Lần lượt như vậy, Vua Địa Thiên theo luân bảo hàng phục xong Châu Phất Bà Đề phương Đông và cả ba châu Nam, Tây, Bắc rồi trở lại Diêm Phù Đề tại cung thành cũ, kim luân bảo ấy dừng ở bất động tại hư không trên chỗ Vua ngự.
Lúc ấy cả bốn châu thiên hạ, do phước lực của Vua Địa Thiên nên đều biến thành bảy báu trang nghiêm, đó là vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Ba ác đạo cũng được giải trừ sanh vào đường lành. Toàn cõi không còn tiếng ác, không còn một ai tạo nghiệp ác.
Tại sao được như vậy?
Đó là do bổn nguyện lực của Vua Địa Thiên. Vả lại lúc kim luân bảo xoay lăn đến đâu, cả tứ thiên hạ chẳng cần gieo trồng mà mọi nơi đều mọc đầy những cạnh mễ tự nhiên không có cám trấu. Mọi nơi lại tự nhiên sản xuất y phục báu đẹp từ những cây Thiên thọ.
Tất cả bệnh hoạn khắp nơi đều tự nhiên lui mất, chỉ trừ ba điều là cầu dục lạc, ăn nuốt và suy già. Tất cả nhân dân đều thọ đủ ngàn muôn tuổi, tất cả những khổ não đều tự nhiên tiêu trừ.
Có vô lượng sự hi hữu chẳng thể nghĩ bàn như vậy xuất hiện nơi thế gian sau lúc Vua Địa Thiên theo luân bảo ngự trị toàn bốn châu thiên hạ.
Thời gian lâu về sau, một hôm Vua Địa Thiên nghĩ rằng: Nơi đây ta thọ hưởng khoái lạc, chẳng biết còn có chốn nào hơn?
Vua lại nhớ đã từng nghe Trời Đao Lợi ở đảnh núi Tu Di, sự vui đẹp ở đó thế nào?
Vì lòng còn nặng ái dục nên Vua Địa Thiên chán ghét sự thọ dụng ở nhân gian mà mong muốn sự vui đẹp ở Cõi Trời, nên Vua cùng bốn binh chủng bay lên cung Trời Đao Lợi. Thấy Vua Địa Thiên đến, Đế Thích vui mừng đón tiếp và chia chỗ ngự trị cho.
Cùng Đế Thích chia trị Cõi Trời vô lượng trăm ngàn năm, Vua Địa Thiên bỗng có ý nghĩ truất bỏ Đế Thích để mình trọn quyền. Vừa nghĩ như vậy xong, Vua Địa Thiên và bốn binh chủng từ cung Trời Đao Lợi rơi xuống thành An Ổn nơi Diêm Phù Đề.
Bấy giờ Vua Địa Thiên vì lâu ngày ăn dùng vật thực thắng diệu Cõi Trời, nay bỗng đến nhân gian nên chẳng chịu được đồ thô xấu, thân tâm Vua bị trầm một, như đem đề hồ đổ trên cát nóng liền chìm mất.
Thân tâm quá mệt suy Vua Địa Thiên nói kệ rằng:
Các Vua chúa tự tại
Chẳng trừ được khát ái
Như cỏ khô gặp lửa
Thế nên phải bỏ dục
Thường làm sự dâm dục
Chưa từng có lúc thỏa
Như khát uống nước mặn
Chẳng bao giờ hết khát
Như các dòng về biển
Chẳng bao giờ đầy được
Ái dục cũng như vậy
Chưa bao giờ thỏa đủ
Như lửa cháy cỏ cây
Không bao giờ thôi đủ
Ái dục cũng như vậy
Không bao giờ thỏa đủ
Như tiếng vang hang sâu
Theo tiếng không thôi dứt
Nghe tiếng cũng như vậy
Không bao giờ thôi dứt
Như thùng chứa chất thơm
Chứa đựng không chọn lọc
Ngửi hương cũng như vậy
Không bao giờ chán đủ
Như vá múc đồ ăn
Không bao giờ thôi đủ
Lưỡi nếm các vị ngon
Cũng không hề biết đủ
Như gương sáng hiện bóng
không bao giờ thôi đủ
Người hành dục cũng vậy
Với dục không chán đủ
Như hư không chứa gió
Không bao giờ đầy đủ
Thân thường ưa chạm xúc
Không bao giờ chán đủ
Như trong mộng uống nước
Chẳng bao giờ trừ khát
Y thức duyên các pháp
Cũng chẳng hề chán đủ
Người tham cầu ái dục
Càng thêm lớn ái dục
Nhìn xem các sự cảnh
Ái luyến chẳng chán đủ
Thấy dục tăng khổ não
Dường như lửa cháy củi
Dứt trừ các ái dục
Như dùng nước tắt lửa.
Này Đại Vương, chớ nghĩ là ai khác, Vua Địa Thiên thuở xưa ấy chính lá thân Phật đây vậy. Thuở xưa ấy Vua Địa Thiên giàu mạnh tự tại, vì tham cầu không chán đủ nên phải chết mất.
Tại sao?
Do vì các căn không chán đủ nên sự cảnh không thỏa mãn được. Các ăn như gương soi, sự cảnh như bóng tượng. Các căn như ảo, cảnh giới như mộng.
Đại Vương phải để tâm nơi pháp này tự quan sát thật kỹ sâu, chớ theo nơi khác. Pháp này là vô thượng bồ đề của Chư Phật ba đời.
Đại Vương phải xa rời tất cả giàu mạnh, phải tiêu kiệt tất cả ái dục, lật đổ núi kiêu mạn, rời xa tất cả suy họa, bình đẳng đối với tất cả pháp.
Đây chẳng phải là địa vị với tất cả phàm phu, chẳng phải đường đi của tất cả hàng Thanh Văn, cũng chẳng phải cảnh giới của tất cả Duyên Giác, mà chính là chỗ đi của tất cả Bồ Tát, là tất cả chứng đắc của tất cả Chư Phật Đẳng Chánh Giác.
Đại Vương phải chú tâm chớ để tán loạn, phải suy nghĩ rằng: Ở trong tất cả thế gian thuở vị lai, tôi phải thế nào để được làm đèn sáng, làm đuốc lớn, làm ánh sáng, làm thuyền bè, làm Đạo Sư, làm thương chủ, làm đạo thủ, làm thượng thủ, tự độ và độ người, tự thoát và giải thoát người, tự an và an cho người, tự được Niết Bàn khiến người cũng được Niết Bàn.
Đại Vương chớ xem xét sự giàu mạnh tự tại đã có thuở trước. Phải biết các căn như ảo nó chẳng hề chán đủ, cũng không gì làm cho nó đủ được. Cảnh giới như mộng, chẳng thể làm thỏa mãn được.
Đức Phật lại nói với Vua Tịnh Phạn: Thuở quá khứ có Vua tên Đảnh sanh. Vua ấy có oai đức lớn, có đại thần thông, có oai thế lớn. Vua ấy từ trên đảnh của Phụ Vương Ô Bô Sa mà sanh ra.
Vua từ lâu chứa nhiều căn lành, đã từng thấy vô số Chư Phật và tu các thiện căn, cung kính cúng dường Chư Phật, tích chứa cội lành, rất được giàu mạnh tự tại trong bốn thiên hạ. Sau khi được quán đảnh lên ngôi Vua bảy ngày thì bảy báu hiện ra đủ, làm Chuyển Luân Thánh Vương.
Những gì là bảy báu của Chuyển Luân Thánh Vương?
Một là kim luân bảo, thuần bằng vàng ròng, đủ ngàn căm, giàn trục đủ, ngang dọc đều bảy cánh tay, tự nhiên hiện đến trước nhà Vua. Hai là bạch tượng bảo, đủ sáu ngà, bảy chi chống đất, trắng như núi Tuyết, tự nhiên ứng hiện đến.
Voi và ngựa hai báu ấy, từ sáng sớm đến giờ ăn có thể đi khắp tám phương bốn châu thiên hạ, hết mé các biển rồi trở về chỗ cũ.
Bốn là minh châu bảo, lớn bằng bắp vế người, thuần lưu ly xanh ánh sáng chiếu ra xung quanh đều một do tuần. Năm là Trưởng Giả bảo, giàu có vô lượng, tùy ý Vua muốn đều có thể sẵn đủ cả. Sáu là ngọc nữ bảo, đoan trang xinh đẹp tuyệt luân, toàn thân toát ra mùi chiên đàn, hơi miệng sạch thơm, như hoa sen xanh, lưỡi rộng lớn le ra có thể trùm cả mặt, thân sắc mịn màng như lá đồng đỏ.
Cả thân mềm dịu hư không có xương, mùa đông thì ấm, mùa hạ thì mát. Lòng dạ từ bi luôn nói lời nhỏ nhẹ tay chạm đến Vua liền hiểu được ý nghĩa của Vua.
Bảy là chủ binh bảo, tự nhiên xuất hiện, dũng mảnh sách mưu võ lược đệ nhất, biết trước ý nghĩ của Vua cả bảy ngày, giỏi điều binh đánh trận.
Vua ấy lại có đủ ngàn con trai đoan chánh dũng kiện hàng phục được oán địch. Thuở ấy Vua Đảnh Sanh ngự trị bốn thiên hạ, đúng pháp giáo hóa, khiến bốn thiên hạ giàu vui an ổn, nhân dân đông nhiều, thành ấp tụ lạc gần liền nhau.
Toàn cõi không có đá sỏi gai góc mà nhiều châu báu đầy đủ vô lượng, vườn rừng ao suối rất tốt khả ái. Đó là do Vua Đảnh Sanh an trụ nơi pháp lực mà cảm hiện lành tốt như vậy. Thời kỳ ấy hoặc người hoặc Trời hưởng thọ dục lạc tối đệ nhất.
Đô thành của Vua Đảnh Sanh ngự tên là A Du Xà. Thành ấy Đông Tây đều rộng mười hai do tuần, Nam Bắc đều rộng bảy do tuần.
Trong thành ngoài thành các thứ trang nghiêm đều đồng như thành Bảo Trang Nghiêm của Vua Vô Biên Xung ở trên, cũng như Đắc Thắng Đường ở Trời Đao Lợi.
Đảnh Sanh Vương tạo ba bảo điện:
Một là Nguyệt Xuất điện, Vua ở đó trong mùa Hạ.
Hai là Tỳ Lưu Ly điện, Vua ở đó trong mùa Xuân.
Ba là Nhật Oai Đức Khởi, Vua ở đó trong mùa Đông rét lạnh.
Lúc Vua cùng ngọc nữ và thể nữ vào điện Nguyệt Xuất thì thân thể Vua mát mẻ như ướp thoa hương Ngưu Đầu Chiên Đàn. Lúc Vua cùng quyến thuộc vào điện Tỳ Lưu Ly thì thân Vua thư thới như ướp thoa hương lá đa ma la. Lúc Vua cùng quyến thuộc vào điện Nhật Oai Đức thì thân Vua ấm áp như thoa ướp hương Trầm Thủy.
Vua Đảnh Sanh ấy theo chỗ thích muốn đều được tùy ý tự tại, khiến các cung điện theo thời tiết mà phát sanh sự cảm xúc vừa ý: Tùy ý phát xuất gió, tùy ý phát xuất mưa, các thứ âm nhạc tùy ý Vua mà đến, các đồ cần dùng cũng theo ý Vua mà xuất hiện. Bấy giờ nơi cung điện mà Vua Đảnh Sanh ngự trọn bảy ngày, Trời mưa vàng và bạc.
Qua bảy ngày Vua nghĩ rằng: Rất là hy hữu chẳng nghĩ bàn được, nghiệp nhân thanh tịnh cảm lấy quả báo như vậy, tùy ý hiện đến đầy đủ theo ý ta muốn, phước đức gây nên như vậy không thể sai lạc. Có ai thấy quả báo này mà ở nơi sự tu phước đức lại thôi nghỉ.
Vua Đảnh Sanh ngự Diêm Phù Đề trăm ngàn năm, sau đó Vua tự nghĩ rằng nay Diêm Phù Đề của ta an ổn giàu vui, nhân dân đông đúc và đều quí thuộc nơi ta, trong cung điện ta mưa vàng bạc trọn cả bảy ngày. Giờ đây ta nên qua châu Tây Cù Đà Ni.
Nghĩ xong, Vua Đảnh Sanh cùng quyến thuộc mang bốn binh chủng bay lên hư không thẳng đến châu Tây Cù Đà Ni. Vua đã đến rồi ngự trị châu Tây trăm ngàn năm, cũng tác ý mưa vàng bạc, là cho nhân dân đều an ổn giàu vui.
Sau đó Vua lại mang bốn binh chủng đến ngự trị châu Đông Phất Bà Đề trăm ngàn năm cũng khiến toàn châu Đông giàu vui an ổn. Vua Đảnh Sanh lại sang ngự trị châu Bắc Uất Đơn Việt vô lượng ngàn năm, Vua hưởng thọ y báu hơn người mà chưa bằng Trời.
Sau đó Vua Đảnh Sanh nghĩ rằng, ta có nghe đảnh núi Tu Di có Trời Đao Lợi, ta nên đến đó quan chiêm coi thế nào. Vua Đảnh Sanh liền mang bốn binh chủng bay lên hư không thẳng đến đảnh núi Tu Di.
Bấy giờ Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân cùng ba mươi ba Thiên Vương hợp tại Thiện Pháp Đường luận sự việc Trời, người. Thấy Vua Đảnh Sanh đến, Đế Thích đón tiếp chia ngự tòa cùng ngồi.
Lúc Vua Đảnh Sanh lên ngự tòa cùng ngồi với Đế Thích xong liền có mười sự việc thù thắng che chói Chư Thiên.
Đó là thọ mạng hơn Chư Thiên, dung nhan hơn Chư Thiên, danh tiếng hơn Chư Thiên, thọ lạc hơn Chư Thiên, ngự trị tự tại hơn Chư Thiên, thân hình hơn Chư Thiên, âm thanh hơn Chư Thiên, hơi thơm hơn Chư Thiên, vị ăn hơn Chư Thiên, chạm xúc mịn dịu hơn Chư Thiên.
Vua Đảnh Sanh cùng Đế Thích hình dung tướng mạo hành động oai nghi đồng nhau không sai khác, ăn uống y phục đồ dùng cũng đồng, chỉ có nhìn nháy là khác nhau thôi.
Nhưng Chư Thiên phân biệt biết rõ thiên Vương và Nhân Vương sai khác. Rất là lạ lùng hy hữu, Đế Thích và Vua Đảnh Sanh là Trời và người mà hình dung tướng mạo lại đồng nhau, đó là sức phước đức tạo ra như vậy, ai lại ở nơi phước đức mà chẳng thích ưa.
Vua Đảnh Sanh ở Trời Đao Lợi vô lượng ngàn năm là tăng thượng tự tại, Vua chẳng biết đủ nên sau đó lại nghĩ rằng: Nay ta nên một mình làm Thiên Vương cần gì Đế Thích, ta sẽ truất phế ông ấy. Vừa nghĩ xong như vậy, Vua Đảnh Sanh cùng toàn thể quyến thuộc bốn binh chủng liền rơi xuống Diêm Phù Đề trong vườn ngoài thành A Tu Xà.
Lúc Vua Đảnh Sanh rơi xuống oai quang chiếu sáng khắp mọi nơi làm luốt mất ánh sáng Mặt Trời. Như lúc Mặt Trời mọc, Mặt Trăng bị nuốt mất, lúc Vua Đảnh Sanh sa xuống mặt trời bị nuốt mất cũng như vậy.
Bấy giờ có người xuất thành thấy như vậy, vội vào phổ cáo cho mọi người trong thành hay rằng: Nay có Thiên Tử cùng bốn binh chủng từ hư không sa xuống vườn ngoài thành. Được tin ấy, Quốc Vương cùng thần dân chỉnh đốn nghi lễ mang hoa hương kỹ nhạc xuất thành đến khu vườn ấy để tiếp nghinh Vua Đảnh Sanh.
Lúc Vua Đảnh Sanh sa xuống, toàn cõi đất chấn động sáu cách. Vua Đảnh Sanh vì đã quen hưởng thọ dục lạc Cõi Trời nên chẳng chịu được hơi hám và đồ dùng ở nhân gian, Vua mê mệt nằm trên đất, như tô lạc đề hồ đổ vào cát rất nóng liền tiêu tan.
Quốc Vương và thần dân thấy Vua Đảnh Sanh hôn mê nằm trên đất liền kêu hỏi: Ngài là ai?
Vua hỏi lại các người có từng nghe nói Vua Đảnh Sanh thuở xưa chăng?
Quốc Vương và thần dân đáp đã có nghe các bậc kỳ cựu thuật rằng có Vua Đảnh Sanh chẳng bỏ thân người đem quyến thuộc và bốn binh chủng bay lên Trời.
Vua nói Đảnh Sanh Vương thuở xưa chính là ta đây. Ta cùng bốn binh chủng từ Trời rơi xuống vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Bảy - Bát Nhã Ba La Mật đa đại Tâm Kinh - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Tạo Lập Hình Tượng Phước Báo
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Sáu - Phẩm Danh Tự Công đức
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Mười - Lìa Tà Hạnh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm - Phần Hai - Quán Niệm Hơi Thở