Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Tu đà - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM TU ĐÀ
PHẦN BỐN
Ngài Ðại Ca Diếp vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà trưởng giả. Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên hóa ra năm trăm voi trắng đều có sáu ngà, bảy chỗ bằng phẳng trang sức vàng bạc, ngồi ở trên, rồi lại phóng ánh sáng lớn đầy khắp Thế Giới, đến trên hư không của thành kia, xướng kỹ nhạc vô kể, mưa các thứ tạp hoa, lại treo phướn lọng trong hư không rất kỳ diệu.
Trưởng giả xa thấy, dùng kệ hỏi cô:
Voi trắng có sáu ngà
Ngồi trên như Thiên Vương,
Nay nghe tiếng kỹ nhạc,
Phải Thích Ca Văn không?
Cô dùng kệ đáp:
Trên núi lớn nơi kia,
Hàng phục rồng Nan Đà,
Bậc thần túc đệ nhất,
Bậc thần túc đệ nhất,
Tên là Mục Kiền Liên.
Thầy con vẫn chưa đến,
Ðây là chúng đệ tử,
Nay Thánh Sư sẽ đến,
Quang minh chiếu khắp nơi.
Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên vòng quanh thành ba vòng rồi đến nhà trưởng giả. Lúc này, Thế Tôn biết đã đến giờ đắp Tăng Già Lê đi trên hư không cách đất bảy nhẫn. Tôn Giả A Nhã Câu Lân ở bên phải Như Lai, Tôn Giả Xá Lợi Phất ở bên trái Như Lai.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nương oai thần của Phật ở sau Như Lai tay cầm phất trần.
Một ngàn hai trăm đệ tử vây quanh trước sau.
Như Lai ở ngay chính giữa và các đệ tử có thần túc: A Nhã Câu Lân hóa làm Nguyệt Thiên Tử. Xá Lợi Phất hóa làm Nhật Thiên Tử. Các Tỳ Kheo có thần túc khác, người thì hóa làm Thích Đề Hoàn Nhân, người hóa làm Phạm Thiên.
Có người hóa làm Ðề Đầu Lợi Tra, Tỳ Lưu Lặc, Tỳ Lưu Bác Xoa, hoặc là Tỳ Sa Môn, lãnh đạo các quỷ thần, hoặc làm Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc nhập Hỏa quang tam muội, hoặc nhập Thủy Tinh tam muội, hoặc có người phóng quang, có người phun khói, làm các thứ thần túc. Phạm Thiên Vương ở bên phải Như Lai.
Thích Đề Hoàn Nhân ở bên trai Như Lai, tay cầm phất tử. Lực Sĩ Kim Cang Mật Tích ở sau Như Lai, tay cầm chày Kim Cang.
Tỳ Sa Môn Thiên Vương tay cầm lọng bảy báu ở trong hư không phía trên Như Lai, sợ có bụi bặm bám thân Như Lai. Bàn giá tuần tay cầm đàn lưu ly tán thán công đức Phật và các Thiên Thần đều ở trên hư không xướng kỹ nhạc ngàn vạn thứ. Các thứ hoa Trời mưa rải trên Như Lai.
Bấy giờ Ba Tư Nặc, trưởng giả Cấp Cô Ðộc và nhân dân trong thành Xá Vệ đều thấy Như Lai ở trong hư không cách đất bảy nhẫn, thấy xong đều mừng rỡ không kềm được.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc liền nói kệ:
Như Lai thật thần diệu,
Thương dân như con đỏ,
Hay thay! Tu Ma Đề,
Sẽ nhận Pháp Như Lai.
Vua Ba Tư Nặc và trưởng giả Cấp Cô Ðộc rải các thứ danh hương, các thứ hoa. Lúc này Thế Tôn đem các chúng Tỳ Kheo vây quanh trước sau và các Trời thần vô kể, như phượng hoàng ở trong hư không đi đến thành kia.
Bàn giá tuần dùng kệ tán Phật:
Các sanh kết dứt hẳn,
Ý niệm chẳng lầm lẫn,
Vì không trần cấu ngại,
Vào đất nước cũ kia.
Tám tánh rất thanh tịnh,
Dứt tà ma ác niệm,
Công đức như biển lớn,
Nay vào đất nước kia.
Nhan sắc rất thù đặc,
Các sử trọn chẳng khởi,
Vì kia không tự xử,
Nay vào đất nước ấy.
Ðể độ bốn bộ chúng,
Thoát khỏi sanh, già, chết.
Ðể dứt gốc các hữu
Nay vào đất nước ấy.
Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài xa thấy Thế Tôn từ xa đến, các căn đạm bạc, thế gian hiếm có, sạch như Thiên kim, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân. Ngài như núi Tu Di vượt cao hơn các núi, cũng như một khối vàng phóng ánh sáng lớn.
Trưởng giả dùng kệ hỏi cô Tu Ma Đề:
Ðây là ánh Trời chăng?
Chưa hề thấy vẻ này,
Mấy ngàn vạn ức tia,
Chưa dám nhìn chăm chú!
Bấy giờ cô Tu Ma Đề quỳ xuống, chắp tay hướng về Như Lai, dùng kệ đáp trưởng giả:
Chẳng Trời, không chẳng Trời,
Mà phóng ngàn thứ sáng,
Vì tất cả chúng sanh,
Cũng lại là thầy con.
Ðều cùng khen Như Lai,
Như trước đã có nói,
Nay sẽ được quả lớn,
Cần siêng cúng dường Ngài.
Trưởng giả Mãn Tài gối phải chấm đất, lại dùng kệ khen Như Lai:
Tự quy đấng mười lực,
Viên quang thể sắc vàng,
Ðược Trời người khen kính,
Hôm nay tự quy mạng.
Nay Ngài là Nhật Vương,
Như trăng sáng giữa sao,
Ðã độ người chẳng độ,
Hôm nay tự quy mạng.
Ngài như tượng Thiên Đế,
Như phạm hạnh từ tâm,
Tự thoát, thoát chúng sanh.
Hôm nay tự quy mạng.
Tôn quý trong Trời người,
Vua trên các quỷ thần,
Hàng phục các ngoại đạo,
Hôm nay tự quy mạng.
Cô Tu Ma Đề quỳ dài, chắp tay tán thán Thế Tôn:
Tự hàng, hay hàng người,
Tự chính, hay chính người,
Ðã độ, độ nhân dân,
Ðã giải, lại thoát người.
Ðộ cấu, khiến độ cấu,
Tự chiếu, chiếu quần manh,
Không ai không được độ,
Trừ đấy, không đấu tụng.
Rất tự trong sạch trụ,
Tâm ý không khuynh động,
Mười lực thương xót đời,
Lại tự đảnh lễ kính.
Ngài có tâm từ bi hỷ xả, đầy đủ không, vô tướng, vô nguyện. Ở trong Cõi Dục, Ngài là bậc tôn trọng bậc nhất. Ngài cao nhất trong Trời, thất tài đầy đủ. Các Thiên Nhân, tự nhiên, phạm sanh cũng không ai bằng, cũng không thể giống hình mạo. Nay con tự quy mạng.
Bấy giờ, sáu ngàn Phạm Chí thấy Thế Tôn tạo các thần biến như thế, mỗi người bảo nhau: Chúng ta nên rời nước này đi đến nước khác. Sa Môn Ca Diếp này đã hàng phục nhân dân trong nước. Sáu ngàn Phạm Chí liền ra khỏi nước, không trở về nữa.
Ví như sư tử Vua loài thú ra khỏi hang núi, xem xét bốn phương, lại rống lên ba tiếng mới đi tìm mồi. Các loài thú vật đều bỏ chạy, chẳng biết gì cả, bay mất, nép phục. Nếu lại có voi có sức thần, nghe tiếng sư tử cũng bỏ chạy không thể yên ổn.
Vì sao thế?
Vì sư tử Vua loài thú rất có oai thần.
Ðây cũng như thế!
Sáu ngàn Phạm Chí nghe tiếng tăm của Thế Tôn phải bỏ chạy không thể yên ổn.
Vì sao thế?
Vì Sa Môn Ca Diếp có đại oai lực vậy. Bấy giờ Thế Tôn lại bỏ thần túc, bình thường đi vào thành Mãn Phú. Lúc Thế Tôn vừa đạp chân lên ngưỡng cửa thì Trời Đất chấn động mạnh. Các bậc thần Trời rải hoa cúng dường.
Nhân dân thấy dung mạo Thế Tôn, các căn tịch tĩnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm.
Mọi người liền nói kệ:
Lưỡng túc tôn cực diệu,
Phạm Chí không dám đương,
Vô cớ thờ Phạm Chí,
Mất bậc Tôn trong người.
Thế Tôn đến nhà trưởng giả, tới tòa ngồi. Lúc ấy, nhân dân nước ấy hết sức hưng thạnh. Nhà trưởng giả có tám vạn bốn ngàn người kéo đến tụ tập muốn hư cả phòng nhà, để nhìn Thế Tôn và Tỳ Kheo Tăng.
Bấy giờ Thế Tôn liền nghĩ: Nhân dân này có chỗ tổn thất. Ta nên tạo thần lực khiến nhân dân cả nước đều thấy thân ta và Tỳ Kheo Tăng. Thế Tôn liền hóa phòng nhà của trưởng giả thành lưu ly, trong ngoài thấy nhau ví như xem hạt châu trong bàn tay.
Bấy giờ cô Tu Ma Đề đến trước Thế Tôn cúi lạy, buồn vui lẫn lộn, nói kệ:
Tất cả trí tuệ đủ,
Ðộ hết tất cả pháp,
Lại đoạn dục ái kết,
Nay con tự quy mạng.
Thà cho cha mẹ con,
Hủy hoại hai mắt con,
Chẳng ưa đến trong đây,
Tà kiến và ngũ nghịch.
Xưa tạo ác duyên nào,
Mà bị đến nơi này?
Như chim vào lưới rập,
Nguyện dứt nghi kết này!
Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp:
Nay con vui chớ lo,
Ðạm bạc tự mở ý,
Cũng chớ khởi tưởng chấp,
Nay Như Lai sẽ giảng.
Con vốn không tội duyên,
Ðược đến tới chốn này,
Là quả báo thệ nguyện,
Muốn độ chúng sanh này.
Nay hãy nhổ cội rễ,
Chẳng đọa ba đường ác,
Có vài ngàn chúng sanh,
Trước con đáng được độ.
Hôm nay sẽ trừ sạch,
Khiến được trí tuệ sáng,
Khiến trời và nhân dân,
Thấy con như xem châu.
Cô Tu Ma Đề nghe xong, mừng rỡ không kiềm được. Bấy giờ trưởng giả đem người hầu của mình cung cấp thức ăn uống, những món ngon ngọt. Thấy Thế Tôn thọ trai xong, ông liền đem nước trong sạch đến, rồi lấy một ghế nhỏ đến ngồi trước Như Lai.
Các người tùy tùng và tám vạn bốn ngàn chúng đều lần lượt ngồi, hoặc có người tự xưng tên họ mà ngồi. Thế Tôn dần dần thuyết diệu luận cho trưởng giả và tám vạn bốn ngàn nhân dân kia.
Luận nghĩa là giới luận, thí luận, luận sanh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là dơ xấu, xuất gia là cần yếu. Thế Tôn thấy trưởng giả và cô Tu Ma Đề cùng tám vạn bốn ngàn nhân dân tâm ý khai mở. Các pháp khổ, tập, diệt, đạo mà Chư Phật thường thuyết, Ngài đều thuyết cả cho chúng sanh ở đây.
Họ mỗi người ở trên tòa sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Ví như vải trắng dễ nhuộm màu. Ðây cũng như thế.
Trưởng giả Mãn Tài, cô Tu Ma Đề và tám vạn bốn ngàn nhân dân sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, được không sợ hãi, thảy đều quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới.
Bấy giờ cô Tu Ma Đề ở trước mặt Phật nói kệ:
Như Lai tai trong suốt,
Nghe con gặp khổ này,
Giáng thần đến đây xong,
Mọi người được pháp nhãn.
Thế Tôn thuyết pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên trở về chỗ ở.
Các Tỳ Kheo bạch Phật:
Xưa cô Tu Ma Đề tạo nhân duyên gì mà sanh trong nhà phú quý?
Lại tạo nhân duyên gì mà đọa trong nhà tà kiến này?
Lại tạo công đức lành nào, nay được pháp nhãn thanh tịnh?
Lại tạo công đức nào khiến tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh?
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Quá khứ lâu xa trong hiền kiếp này, có Phật Ca Diếp, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở tại nước Ba La Nại đi du hóa cùng hai vạn chúng đại Tỳ Kheo.
Bấy giờ, có Vua tên Ai Mẫn có con gái tên Tu Ma Na. Cô này rất có tâm cung kính hướng về Phật Ca Diếp, vâng giữ cấm giới, hằng ưa bố thí và cúng dường bốn việc.
Thế nào là bốn?
Bố thí, ái kính, lợi người, đồng lợi. Cô ở chỗ Phật Ca Diếp tụng Pháp Cú. Ở trên lầu cao, cô lớn tiếng tụng tập, phát nguyện rộng lớn rằng: Con hằng có Pháp Tứ ái này.
Và ở trước Như Lai tụng Kinh Pháp Cú, trong đó nếu con có chút phước nào, cầu khi sanh ra không rơi vào ba đường ác, cũng không rơi vào nhà nghèo, đời vị lai cũng sẽ được gặp bậc Tối Tôn như thế. Cho con chẳng chuyển thân nữ mà được pháp nhãn thanh tịnh.
Nhân dân trong thành nghe Vương Nữ thệ nguyện như thế đều cùng tụ tập đến chỗ Vương Nữ nói:
Hôm nay Vương Nữ rất có lòng tin, tạo các công đức, bốn việc không thiếu: Bố thí, khiêm ái, lợi người, đồng lợi, lại thệ nguyện khiến đời sau gặp bậc Thế Tôn như thế. Như Lai vì tôi thuyết pháp được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay Vương Nữ đã thệ nguyện cùng nhân dân cả nước chúng tôi đồng thời được độ.
Bấy giờ Vương Nữ đáp: Tôi đem công đức này cùng thí cho các người. Nếu gặp Như Lai Thuyết Pháp sẽ đồng được độ.
Tỳ Kheo các thầy há có nghi sao?
Chớ xem thế!
Vua Ai Mẫn lúc ấy, nay là trưởng giả Tu Đạt. Vương Nữ lúc ấy, nay là cô Tu Ma Đề. Nhân dân trong nước lúc ấy, nay là tám vạn bốn ngàn chúng. Do lời thệ nguyện, nay gặp ta, nghe pháp được độ và nhân dân kia đều được pháp nhãn thanh tịnh. Ðây là nghĩa này, nên nhớ vâng làm.
Vì cớ sao?
Bốn việc này là ruộng phước. Nếu có Tỳ Kheo gần gũi bốn việc, liền được Pháp Tứ Đế. Hãy cầu phương tiện thành tựu pháp bốn việc này. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Thấp Ba Thệ
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chiên đà Việt Quốc Vương
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - QUYỂN THƯỢNG ( Phẩm thứ nhất)
Phật Thuyết Kinh đại Sự Nhân Duyên Lợi ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ