Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN
PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT
PHẦN SÁU
Bấy giờ Tu Bi Phạm Thiên hỏi Hải Huệ Bồ Tát rằng: Bạch Đại Sĩ! Nói là Phật Pháp ấy, thế nào gọi là Phật Pháp?
Hải Huệ Đại Bồ Tát nói: Thưa Thiên Tử! Phật Pháp ấy tên là tất cả pháp. Tất cả pháp ấy tên là Phật Pháp. Như Phật Pháp tánh tức là tất cả pháp tánh. Như tất cả pháp tánh ấy tức là Phật Pháp tánh.
Tất cả pháp tánh cùng Phật Pháp tánh không hai không sai biệt. Tất cả pháp tịch tĩnh Phật Pháp cũng tịch tĩnh. Tất cả pháp rỗng không Phật Pháp cũng rỗng không.
Thưa Thiên Tử! Tất cả pháp tức mười hai nhân duyên, bồ đề ấy cũng là mười hai nhân duyên.
Tu Bi Phạm Thiên nói: Bạch Đại Sĩ! Luận về Phật Pháp ấy phải chăng là chẳng quá Tam Giới pháp ư?
Hải Huệ Đại Bồ Tát nói: Thưa Thiên Tử! Tam Giới cùng Phật Pháp, tánh không sai biệt. Tam Giới tánh bình đẳng, Phật Pháp tánh bình đẳng không có hai tướng. Ví như hư không không có tăng giảm, Phật Pháp cũng như vậy không có tăng giảm, vì tánh rỗng không nên không có thượng không có hạ. Nếu ai muốn thấy Phật Pháp thì nên quan sát như vậy.
Lại này Thiên Tử! Luận về Phật Pháp ấy chẳng phải xứ chẳng phải chẳng xứ, chẳng phải sanh chẳng phải diệt, chẳng phải xanh chẳng phải vàng đỏ trắng chẳng phải mầu tạp mầu lưu ly mầu hư không giới, lìa mầu sắc không có mầu sắc, chẳng phải có hình chất vuông tròn dài vắn.
Không có tướng không có các tướng, không có phược không có giải, không có tướng như vậy gọi là Phật Pháp, không có tướng không có cú không có văn tự, là thanh tịnh tịch tĩnh, là nghĩa rỗng không, là nghĩa không có tướng, là nghĩa không có tích tụ, là nghĩa rốt ráo không có xuất sanh, là nghĩa giác tri.
Nghĩa tịch tĩnh ấy là chẳng tuyên nói được, chẳng nhìn được chẳng thấy được. Nghĩa tịch tĩnh ấy là nghĩa không. Nghĩa không ấy là nghĩa không tích tụ. Nghĩa không tích tụ ấy là nghĩa chân thiệt.
Nghĩa chân thiệt ấy là nghĩa rốt ráo bất xuất. Nghĩa rốt ráo bất xuất ấy là nghĩa bất diệt. Nghĩa bất diệt ấy tức là nghĩa không có xứ.
Nghĩa không có xứ ấy tức là pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Phật Pháp. Đây gọi là hữu học pháp, gọi là A La Hán pháp, gọi là Duyên Giác pháp, gọi là Phật Pháp.
Phật Pháp như vậy cùng các pháp khác cũng không có trụ xứ, bất xuất bất diệt, không có sắc xanh vàng đỏ trắng, không có hình vuông tròn dài vắn, không có tướng mạo, không có sáng không có tối, tất cả các pháp bình đẳng vô sai biệt. Người cầu Phật Pháp gọi rằng Phật, Phật Pháp và tất cả pháp.
Đại Bồ Tát ngồi Đạo Tràng dưới cội bồ đề mới có thể rành rẽ rõ ràng chân thiệt biết thấy. Tại sao, vì Phật chánh pháp không có trụ xứ vậy, tất cả các pháp cũng không có trụ xứ.
Phật Pháp bất khả đắc tất cả các pháp cũng bất khả đắc. Phật Pháp bình đẳng tất cả các pháp cũng bình đẳng. Nếu không có nhân duyên thì không có chủng tánh.
Nếu không có chủng tánh thì không có xuất không có diệt. Nếu không có xuất diệt thì gọi là chân thiệt. Biết chân thiệt ấy tức là thiệt tánh. Các pháp quá khứ vị lai hiện tại tức là Phật Pháp. Tại sao, vì thông đạt Tam Thế không có chướng ngại vậy.
Không có chướng ngại ấy tức là Phật trí. Phật trí ấy tức là mười tám pháp bất cộng. Pháp bất cộng ấy nhiếp tất cả pháp. Vì thế nên tất cả các pháp tức là Phật Pháp. Các pháp cùng Phật Pháp không có hai không sai biệt.
Tu Bi Phạm Thiên nói: Bạch Đại Sĩ! Nay Đại Sĩ có rõ ràng thấy Phật Pháp chăng?
Hải Huệ Bồ Tát nói: Thưa Thiên Tử! Phật Pháp chẳng phải sắc hình thể nhìn thấy được, sao Thiên Tử lại nói là rõ ràng thấy Phật Pháp ư! Tất cả các pháp đều chẳng thể thấy được. Luận về rõ ràng ấy tức là Phật Pháp, không có hai tướng sai biệt.
Tu Bi Phạm Thiên nói: Bạch Đại Sĩ! Sao Đức Như Lai cớ chi nói rằng Phật biết thấy tất cả các pháp?
Hải Huệ Bồ Tát nói: Thưa Thiên Tử! Như Lai Phật Pháp nếu có định tướng mới có thể nói được rằng rõ ràng biết thấy.
Bạch Đại Sĩ! Phật Pháp không có ư?
Thưa Thiên Tử! Pháp nếu là vô định thì chẳng thể nói có chẳng thể nói không. Nếu chẳng thể nói có tướng không có tướng thì làm sao nói được rằng rõ ràng biết thấy.
Bạch Đại Sĩ! Tại sao Đức Như Lai nói các Phật Pháp?
Thưa Thiên Tử! Như nói hư không, mà tánh hư không thiệt không có định tướng, Phật Pháp cũng vậy.
Bạch Đại Sĩ! Phật Pháp như vậy chẳng thể nghĩ bàn. Bồ Tát lúc mới phát tâm vô thượng bồ đề nghe pháp như vậy mà chẳng kinh chẳng sợ cũng là chẳng thể nghĩ bàn. Tánh Chánh Giác cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Thưa Thiên Tử! Người được Đức Phật gia hộ mới có thể phát được tâm vô thượng bồ đề ấy, vì thế nên nghe pháp như vậy mà chẳng kinh chẳng sợ.
Thưa Thiên Tử! Nếu người có tham trước thì sanh lòng kinh sợ, người không có tham trước thì không có kinh sợ. Người luyến tiếc thân mạng thì sanh lòng kinh sợ, người không luyến tiếc thân mạng thì không có kinh sợ, người có chướng ngại thì sanh lòng kinh sợ, người không có chướng ngại thì không có kinh sợ. Tham trước ngã và ngã sở thì sanh lòng kinh sợ, người dứt ngã và ngã sở thì không có kinh sợ.
Bạch Đại Sĩ! Đại Bồ Tát có sức lực gì mà khi nghe Phật Pháp thậm thâm chẳng sanh lòng kinh sợ?
Thưa Thiên Tử! Có tám thứ lực khi nghe Phật Pháp thậm thâm thì chẳng sanh lòng kinh sợ. Đó là trụ lực, thiện hữu lực, đa văn lực, thiện căn lực, thiện tư duy lực, phá kiêu mạn lực, đại từ bi lực và như pháp trụ lực.
Thưa Thiên Tử! Bồ Tát có đủ tám sức lực như vậy thì khi nghe Phật Pháp thậm thâm chẳng sanh lòng kinh sợ.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn khen Hải Huệ Bồ Tát rằng: Lành thay lành thay! Thiện Nam Tử có thể khéo tuyên nói các lực của Bồ Tát. Đúng như lời ông nói Bồ Tát có đủ các lực như vậy thì nghe Phật Pháp thậm thâm không sanh lòng kinh sợ.
Này thiện nam tử! Tất cả ngôn thuyết gọi đó là âm thanh. Tánh bồ đề chẳng thể nói được cũng chẳng thể thấy được. Chẳng thể nói chẳng thể thấy gọi đó là đệ nhất nghĩa.
Đức Như Lai rõ ràng biết thấy chẳng thể tuyên nói được như vậy, vì thương chúng sanh nên tuyên nói cho họ. bồ đề chẳng phải tâm cũng chẳng phải tâm sở, huống là âm thanh văn tự.
Này thiện nam tử! Vì thương các chúng sanh nên Đức Như Lai giác ngộ pháp thậm thâm. Giác ngộ pháp thậm thâm rồi không có tri không có giác không có tâm, không có tâm sở, không có thanh, không có tự chẳng thể tuyên nói được. Vì chúng sanh nên Đức Như Lai nói có văn tự âm thanh thứ đệ.
Này thiện nam tử! Như hư không chẳng phải là sắc pháp chẳng thể nhìn thấy chẳng phải đối chẳng phải tác. Có người vẽ giỏi vẽ hư không làm hình tượng hoặc là nam, hoặc là nữ, là voi, là ngựa.
Người vẽ giỏi như vậy có thể nghĩ bàn được chăng?
Hải Huệ Bồ Tát bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng thể nghĩ bàn được.
Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Việc ấy còn có thể tin được. Đức Như Lai Thế Tôn biết rõ chẳng thể tuyên nói được mà có thể diễn nói, sự ấy rất là khó. Dầu là diễn nói pháp chẳng thể tuyên nói được nhưng Như Lai chân thiệt tánh chẳng thể nói được.
Này thiện nam tử! Nếu người nghe pháp ấy mà chẳng kinh sợ, nên biết người ấy đã từ lâu ở chỗ vô lượng Chư Phật Như Lai trồng các căn lành.
Này thiện nam tử! Kinh Điển như vậy chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có người hay thọ trì đọc tụng biên chép giải nói, người này có thể thọ trì pháp tạng của tất cả Chư Phật, nhiếp thủ tất cả chúng sanh làm cho họ giải thoát.
Này thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát thấy rõ tất cả Chư Phật trong vô lượng Thế Giới, thấy rồi liền mang Thất Bảo đầy cả những Thế Giới ấy dâng hiến cúng dường tất cả Chư Phật Thế Tôn.
Người này được công đức chừng có nhiều chăng?
Hải Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: Rất nhiều, bạch Đức Thế Tôn! Công đức như vậy không thể ví dụ nói được.
Đức Phật nói: Này thiện nam tử! Chẳng bằng người ủng hộ chánh pháp, vì thương mến chúng sanh mà thọ trì đọc tụng biên chép giải nói Kinh Điển này. Tại sao, vì công đức pháp thí thắng hơn tài thí. Luận về tài thí tức là thế gian thí, pháp thí là xuất thế thí.
Này thiện nam tử! Nếu người hay hộ trì chánh pháp Phật thì được bốn sự nhiếp thủ. Đó là được Phật nhiếp, được Chư Thiên nhiếp, được phước nhiếp và được trí nhiếp.
Phật nhiếp chúng sanh còn có bốn sự:
Một là thường được thân cận Chư Phật.
Hai là chúng ma chẳng được dịp.
Ba là được vô tận Đà La Ni.
Bốn là được trụ bậc bất thối chuyển.
Chư Thiên nhiếp chúng sanh cũng có bốn sự:
Một là chỗ thuyết pháp được Chư Thiên trần thiết thanh tịnh.
Hai là lúc thuyết pháp mọi người thích nghe.
Ba là chẳng hề bị các nhân duyên khác làm tổn hại.
Bốn là người chẳng tin thì tin.
Phước nhiếp chúng sanh cũng có bốn sự:
Một là trang nghiêm nơi thân có ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hảo.
Hai là trang nghiêm nơi miệng phàm lời nói ra được người thích nghe.
Ba là trang nghiêm Phật Độ.
Bốn là trang nghiêm chủng tánh như là Đế Thích, Phạm Thiên, Chuyển Luân Thánh Vương.
Trí nhiếp chúng sanh cũng có bốn sự:
Một là biết rõ căn của chúng sanh mà tùy ý thuyết pháp.
Hai là biết bệnh khổ của các chúng sanh theo bệnh mà cho thuốc.
Ba là được đại thần thông đi khắp các Phật Quốc Độ.
Bốn là rành rẽ thông đạt pháp giới.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm đi đến Duy Da Ly
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Tùy Giáo
Phật Thuyết Kinh Uy Nghi Hình Sắc Của Pháp Hoa Mạn đà La - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tàm Quý - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Bốn - Phẩm Biến Học