Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bảy - Phẩm Bảy Bài Kệ - Chuyện Cận Thần Parantapa Tiền Thân Parantapa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BẢY  

PHẨM BẢY BÀI KỆ  

CHUYỆN CẬN THẦN PARANTAPA

TIỀN THÂN PARANTAPA  

Lo sợ kinh hoàng trong trí ta. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Trúc Lâm về âm mưu của Tỳ Kheo Devadatta định giết Ngài.

Tăng Chúng bàn luận tại chánh pháp đường: Này các Hiền Giả, Tỳ Kheo Devadatta dự định giết Đức Như Lai, vị ấy đã thuê bọn xạ thủ, ném đá trên núi xuống, thả voi say Nàgàgiri và dùng nhiều phương tiện diệt Đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi đề tài thảo luận của các vị lúc ngồi đây.

Khi các vị trình bày xong, Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải lần đầu các kẻ ấy dự định mưu sát ta. Song kẻ ấy không đủ khả năng thậm chí làm ta lo sợ, mà chỉ tạo khổ đau cho bản thân mình thôi.

Và do vậy Ngài kể câu chuyện đời xưa. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ Tát được sinh làm Vương Tử của chánh Hậu. Khi lớn lên, Ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilà và biết được Thần Chú hiểu tiếng kêu của súa vật. Sau khi lời thầy dạy đầy đủ, Ngài trở về Ba La Nại.

Phụ Vương phong Ngài chức phó Vương, nhưng dù Vua đã làm như vậy, Vua lại mong mỏi giết hại Ngài và thậm chí không muốn nhìn thấy Ngài nữa.

Thời ấy, một chó rừng cái đem hai chó con vào Kinh Thành theo một đường cống ban đêm, lúc mọi người đều nghỉ ngơi. Trong cung của Bồ Tát cạnh tư thất Ngài, có căn phòng dành cho một người khách, kẻ ấy đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà bên chân mình rồi nằm trên tấm ván, nhưng chưa ngủ. Bầy chó con đói và kêu khóc.

Mẹ chúng bảo theo giọng chó rừng: Này các con đừng làm ồn, có một người trong phòng kia, có một người trong phòng kia đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà. Ông ta đang nằm trên tấm ván nhưng chưa ngủ. Khi ông ta ngủ rồi, mẹ sẽ đến lấy đôi giầy cho các con ăn.

Nhờ Thần Chú, Bồ Tát hiểu tiếng chó rừng và rời phòng mình, mở cửa sổ gọi: Ai ở trên đó?

Tâu Ðiện Hạ, thần là một lữ khách.

Thế giày của ông đâu?

Tâu, ở trên sàn.

Hãy lấy giày treo lên.

Nghe lời này, chó mẹ nổi giận với Bồ Tát. Một hôm nó lại vào thành theo cách trên. Hôm ấy có kẻ say rượu bước xuống nước trong một hồ sen, rồi té vào đó chết chìm. Kẻ ấy có hai chiếc áo đang mặc trên người, một ngàn đồng tiền để ở áo trong và một chiếc nhẫn trên ngón tay. Bầy chó con lại kêu khóc đòi ăn.

Mẹ chúng bảo: Im đi các con, có một người chết trong hồ sen này, ông ta có nhiều của cải như vậy mà đang nằm trong hồ sen, mẹ sẽ cho các con ăn thịt ông ta.

Bồ Tát nghe tiếng chó, mở cửa sổ ra hỏi: Ai trong phòng kia?

Một người thức dậy thưa: Chính tiểu thần. Hãy đi lấy bộ áo, ngàn đồng tiền và chiếc nhẫn trên người đang nằm chết ở hồ sen đằng kia và làm cho xác chìm xuống để nó khỏi nổi lên mặt nước.

Người kia tuân lệnh làm theo.

Chó rừng liền tức giận Ngài: Hôm trước Ngài cản trở các con tôi ăn đôi giày, hôm nay Ngài lại cản chúng tôi ăn xác chết. Ðược lắm, vào ngày thứ ba kể từ đây, một địch Vương sẽ đến bao vây Kinh Thành, phụ Vương Ngài sẽ truyền Ngài ra trận, họ sẽ chặt đầu Ngài.

Tôi sẽ uống máu từ cổ Ngài cho hả giận: Ngài tự biến mình thành kẻ thù của tôi, vậy tôi quyết chí trả thù. Như vậy chó cái vừa sủa vừa nhục mạ Bồ Tát. Rồi nó đem các con đi. Vào ngày thứ ba, vị địch Vương đến bao vây Kinh Thành.

Vua bảo Bồ Tát: Này con thân yêu, hãy ra trận. Tâu Phụ Vương, con đã thấy trước một điềm báo hiệu. Con không thể đi vì sợ rằng con sẽ mất mạng.

Ngươi sống chết có nghĩa gì đối với ta?

Ði ngay! Bậc Ðại Sĩ tuân lệnh. Cùng đem đám gia nhân theo, Ngài tránh cổng thành nơi địch Vương đang đón quân và đi ra bằng một cổng khác Ngài đã mở sẵn. Khi Ngài ra đi, cả Kinh Thành như thể bị bỏ trống vì mọi người cùng theo Ngài. Ngài đóng quân ở một khoảng đất rộng và chờ đợi.

Vua suy nghĩ: Phó Vương của ta đã bỏ trống Kinh Thành và chạy trốn với tất cả quân sĩ của ta, còn kẻ thù đang nằm quanh Kinh Thành. Ta chỉ là kẻ chết rồi.

Nghe Vua cha đã đào tẩu, Bồ Tát vào thành, đánh bại địch Vương và chiếm lại Quốc Độ. Vua cha lúc ấy dựng lều lá bên bờ sông, sống bằng củ quả rừng.

Vua và Tế Sư thường đi tìm trái cây. Còn cận thần Parantapa ở lại với Hoàng Hậu trong lều. Hoàng Hậu lúc ấy đang có thai với Vua, nhưng vì thường sống chung với Parantapa nên bà phạm tà hạnh với y.

Một hôm bà bảo với y: Nếu Đức Vua biết, chàng và thiếp đều không sống được đâu. Vậy hãy giết Ngài đi.

Bằng cách nào chứ?

Ngài thường bảo chàng mang kiếm và áo tắm lúc Ngài đi tắm, vậy hãy đem Ngài đi xa người hộ vệ tại nơi tắm, rồi chặt đầu Ngài và lấy kiếm chặt thân Ngài thành nhiều khúc xong chôn xuống đất.

Y đồng ý. Một hôm vị Tế Sư đã đi ra tìm quả rừng, ông đã trèo lên một cây to gần nơi Vua tắm và đang hái trái. Còn Vua muốn tắm nên ra bờ suối cùng Parantapa mang thanh kiếm và áo tắm của Vua.

Lúc Vua sắp tắm, Parantapa muốn giết Vua nhân dịp Vua không có người hộ vệ, liền nắm cổ Vua và nhấc kiếm lên. Vua sợ chết thét lớn.

Vị Tế Sư nghe tiếng kêu và từ trên cây ông thấy rõ Parantapa đang ám sát Vua, nhưng ông cũng quá kinh hoàng vội từ cành cây trụt xuống ẩn mình vào bụi rậm.

Parantapa nghe tiếng sột soạt lúc ông trụt xuống, nên sau khi giết Vua và chôn xác xong, y suy nghĩ: Có tiếng gì sột soạt từ cành cây trụt xuống gần đây, kẻ nào vậy?

Nhưng không thấy ai, y tắm rửa và ra về. Sau đó vị Tế Sư bước ra khỏi chỗ ẩn. Nay biết Vua đã bị chặt khúc và chôn trong cái hố, ông tắm rửa và vì lo cho sinh mạng của mình, ông giả mù khi trở về lều. Parantapa thấy ông, liền hỏi việc gì đã xảy ra cho ông.

Ông giả vờ không nhận biết y và nói: Tâu Ðại Vương, tiểu thần trở về với đôi mắt đã mù. Tiểu Nhân đã đứng cạnh một tổ kiến trong rừng đầy rắn và hơi thở của một con rắn độc nào đó đã xông vào người tiểu Thần.

Parantapa nghĩ vị Tế Sư đang nói chuyện với y như thể nói với Vua vì ông không biết gì nữa, nên yên tâm bảo: Này vị Bà La Môn, đừng lo, ta sẽ chăm sóc Ngài. Rồi y vừa an ủi ông vừa cho ông nhiều quả rừng. Từ đó chính Parantapa đi kiếm trái cây. Về sau Hoàng Hậu sinh được một Hoàng Tử.

Khi Hoàng Tử lớn lên, một hôm bà nói chuyện với Parantapa vào lúc tảng sáng nhân dịp ngồi nhàn nhã: Có ai thấy chàng lúc giết Vua chăng?

Không ai thấy ta cả, nhưng ta nghe tiếng động của vật gì trụt xuống từ bụi cây nọ, ta không biết đó là người hay vật. Tuy thế, bất cứ lúc nào trong lòng ta nổi lên mối lo sợ cũng đều do duyên cớ bụi cây sột soạt kia.

Rồi y ngâm vần kệ đầu nói chuyện với bà:

Lo sợ, kinh hoàng trong trí ta

Phát sinh ngay cả chính bây giờ

Ðều do thuở ấy người hay vật

Lay động bụi cây ở chốn kia.

Hai người ấy tưởng vị Tế Sư đã ngủ, nhưng ông đang thức và nghe họ nói chuyện.

Một hôm, khi Parantapa đã đi vào rừng hái trái, vị Tế Sư nhớ đến bà vợ Bà La Môn của mình, lại ngâm vần kệ thứ hai để than thân:

Nhà vợ thân yêu ở cạnh đây,

Nhớ thương làm dạ tái tê thay,

Như Paran hiện đang gầy ốm

Vì sợ lá cành rung động cây.

Hoàng Hậu hỏi ông đang nói gì thế.

Ông đáp:

Thần chỉ suy nghĩ trong dạ mà thôi.

Nhưng một ngày khác, ông lại ngâm vần kệ thứ ba:

Nhà vợ ở Ba La Nại thành,

Thiếu nàng, ta héo hắt thân mình,

Như Paran hiện đang xanh tái

Vì sợ bụi cây rúng rẩy cành.

Một ngày khác nữa ông lại ngâm vần kệ thứ tư:

Mắt nàng đen nhánh sáng long lanh,

Giọng nói, nụ cười mỉm tuyệt xinh,

Hồi tưởng làm ta tê tái dạ

Như Pa ran sợ động cây cành.

Theo thời gian, Hoàng Tử ấu thơ lớn dần đến mười sáu tuổi. Lúc ấy vị Bà La Môn làm một cây gậy, cùng đi với cậu đến chỗ tắm và mở mắt ra nhìn.

Hoàng Tử hỏi: Này vị Bà La Môn, ông không mù à?

Ta không mù, nhưng nhờ cách này ta đã cứu mạng mình.

Thế cậu có biết ai là thân phụ cậu không?

Ta biết chứ. Người kia không phải là cha cậu đâu. Cha cậu là Vua ở Ba La Nại, người kia chỉ là kẻ hầu cận của Hoàng Gia, y đã thông gian với mẹ cậu và giết cha cậu tại chỗ này, rồi chôn xác đây. Nói vậy xong, ông kéo bộ xương lên chỉ cho Hoàng Tử thấy.

Hoàng Tử tức giận hỏi: Thế ta phải làm gì bây giờ?

Cứ đối xử với kẻ kia như cách y đối xử với cha cậu. Rồi ông trình bày mọi việc cho Hoàng Tử và trong vài ngày, dạy cho Hoàng Tử cách dùng kiếm.

Sau đó, một hôm Hoàng Tử cầm kiếm và áo tắm, rồi bảo: Cha ơi, chúng ta đi tắm nhé. Parantapa đồng ý ra đi với cậu.

Khi y bước xuống nước, Hoàng Tử cầm chỏm tóc y bằng tay trái và kiếm trong tay phải, bảo: Ngay tại đây, ngươi đã nắm chỏm tóc cha ta và giết Ngài trong lúc Ngài thét lên. Vậy ta cũng sẽ làm thế với ngươi.

Parantapa sợ chết, gào thét lên và ngâm hai vần kệ:

Chắc tiếng động kia đến với ngươi

Kể cho ngươi những chuyện xưa rồi:

Chắc người thuở nọ rung cành lá

Ðã đến kể ngươi chuyện thiếu thời.

Ý tưởng điên rồ đến với ta

Ðã cho ngươi biết chuyện bây giờ:

Ngày xưa làm chứng, người hay vật,

Ở đó và rung cổ thụ mà.

Kế tiếp, Hoàng Tử ngâm vần kệ cuối cùng:

Chính ngươi đã giết Phụ Vương thân

Cùng với lời lừa phản dối gian,

Ngươi dấu thây Ngài trong bụi ấy,

Giờ đây ngươi phải chịu kinh hoàng.

Nói vậy xong, cậu đâm y chết tại chỗ, vùi thây vào đó và lấy cành cây phủ lên. Sau đó rửa sạch kiếm và tắm xong, cậu trở lại lều lá.

Cậu kể cho vị Tế Sư nghe cách cậu đã giết Parantapa và khiển trách mẹ cậu xong, cậu lại hỏi khi cả ba trở về Ba La Nại: Chúng ta sẽ phải làm gì bây giờ?

Bồ Tát phong hoàng đệ làm Phó Vương, rồi thực hành bố thí và nhiều thiện sự khác, về sau mạng chung Ngài tái sinh lên Thiên Giới.

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Thời ấy, Devadatta là Vua cha và ta chính là Vua con.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần