Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN
PHÁP HỘI HƯ KHÔNG MỤC
PHẦN HAI
Các Long Vương như vậy đồng đến chỗ Phật kính lễ bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi có thể thọ trì đọc tụng thơ tả các môn Đà La Ni như vậy chẳng quên chẳng mất một chữ.
Đức Phật nói: Lành thay lành thay! Chư Long Vương chân thiệt hay thủ hộ chánh pháp.
Đức Phật bảo Thiên Nữ chánh ngữ rằng: Này Thiên Nữ! Nhà người có thể thủ hộ chánh pháp Như Lai chăng?
Chánh ngữ Thiên Nữ bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lúc Như Lai còn tại thế gian và lúc sau khi Phật diệt độ, xứ nào có các Đà La Ni như vậy lưu bố tôi sẽ thủ hộ xứ ấy. Người nào thọ trì, tuỳ chỗ cần dùng tôi đều cung cấp đủ. Nếu ai muốn thấy thân tôi, tôi sẽ vì họ mà hiện thân.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu hàng tứ chúng có ai muốn thấy tôi, người ấy nên sạch thân mình trì giới tinh tiến, trong một ngày tắm gội ba lần, đoạn thực ba ngày ở riêng nơi tịch tĩnh, hoặc bên Tượng Phật, hoặc trong Tháp, hoặc ở Tịnh Thất, dùng các hương hoa các phan lọng cùng các thứ nước thơm ngon cúng dường Phật, day mặt về hướng chánh Đông tụng chu như vậy:
Bà tra trí, bà tra trí, hưu lâu, hưu lâu, đồn đậu lâu, đồn đậu lâu, khê tra, khê tra, tỉ sá ha.
Đã tụng Chú như vậy rồi, tôi sẽ đến đó tuỳ chỗ nguyện cầu của tứ chúng tôi sẽ làm cho được thành tựu tất cả. Nếu tôi không đến đó, là khi dối Thập Phương Chư Phật, cũng chớ khiến tôi thành vô thượng bồ đề.
Đức Phật bảo La Hầu A Tu La Vương, Tỳ Ma Chất Đa A Tu La Vương, Tỳ Lâu Giá Na A Tu La Vương rằng: Nay Phật đem các Đà La Ni như vậy phó chúc chư A Tu La Vương, tại sao, vì các ông có đại lực thế, có chúng sanh nào chẳng tin thì các ông có thể làm họ tin.
Chư A Tu La Vương bạch rằng: Lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi sẽ hộ trì.
Lúc Phật tại thế và lúc sau khi Phật diệt độ, nếu có hàng tứ chúng hay thọ trì đọc tụng thơ tả các Đà La Ni như vậy, chúng tôi có thể sẽ ban cho họ tám sự:
Một là mạnh mẽ.
Hai là thích nghe học chánh pháp.
Ba là tâm không sợ sệt.
Bốn là thường sáng không tối.
Năm là thiện nguyện đầy đủ.
Sáu là giải thoát.
Bảy là biện tài.
Tám là thiện pháp tăng trưởng.
Nếu có A tu la nào làm não người ấy chúng tôi liền trừng trị. Nếu ở nơi Thế Giới này mà chẳng thủ hộ Phật Pháp thì là khi dối thập phương Chư Phật Thế Tôn vậy.
Đức Phật quan sát tứ chúng rồi, bảo Kiều Trần Như Tỳ Kheo rằng: Này Kiều Trần Như! Tất cả đại chúng rất thích nghe pháp. Vô lượng chúng sanh trong vô lượng Thế Giới đều vì nghe pháp mà đến đây tập hội, đều muốn biết pháp hành phương tiện thành đại trí huệ, xa lìa tham dục và tất cả phiền não, chân thiệt biết rõ pháp hành phương tiện.
Tôn Giả Kiều Trần Như bạch rằng: Lành thay Đức Thế Tôn, thiệt đúng như lời Phật dạy. Bốn phương Thế Giới có vô lượng Bồ Tát đều đem lời giữ dục của Chư Phật đến đây và muốn hỏi học pháp hành Hư Không Mục. Nay chánh là phải lúc xin Phật thương xót vì chúng sanh mà tuyên nói đó.
Bạch Đức Thế Tôn! Được nói là pháp hành, pháp hành Tỳ Kheo.
Thế nào gọi là pháp hành Tỳ Kheo?
Đức Phật nói: Này Kiều Trần Như! Chí tâm lắng nghe, Phật sẽ vì ông mà giải nói.
Nếu có Tỳ Kheo đọc tụng mười hai Bộ Kinh Như Lai, đó là Tu Đa La nhẫn đến Ưu Bà Đề Xá, đây gọi là thích đọc chớ chẳng gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai Bộ Kinh thích vì đại chúng tuyên dương rộng nói, đây gọi là thích nói chớ chẳng gọi là pháp hành.
Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai Bộ Kinh hay rộng giảng nói suy nghĩ ý nghĩa, đây gọi là tư duy mà chẳng gọi là pháp hành.
Còn có Tỳ Kheo thọ trì đọc tụng Như Lai mười hai Bộ Kinh giải thuyết tư duy quán nghĩa lý, đây gọi là thích quán mà chẳng gọi là pháp hành.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo hay quán thân tâm, lòng chẳng tham trước tất cả tướng ngoài khiêm hư hạ ý chẳng kiêu chẳng mạn, chẳng dùng nước ái tưới rưới ruộng nghiệp, cũng chẳng ở trong đó gieo giống thức, dứt diệt giác quán cảnh giới đều dứt, xa lìa phiền não tâm tịch tĩnh. Tỳ Kheo như vậy, Phật gọi là pháp hành.
Tỳ Kheo pháp hành ấy nếu muốn được Thanh Văn Bồ Đề hoặc Duyên Giác Bồ Đề hoặc Như Lai Bồ Đề thì có thể được cả.
Này Kiều Trần Như! Như thợ lò gốm nhồi đất sét nhuyễn dẻo rồi để trên vòng quay tuỳ ý thành món dùng. Pháp hành Tỳ Kheo cũng như vậy.
Nếu có Tỳ Kheo tu pháp hành thì nên quán ba sự việc là thân, thọ và tâm. Quán ba sự ấy rồi được hai thứ trí là tận trí và vô sanh trí.
Thế nào là tận trí và vô sanh trí?
Này Kiều Trần Như! Trí hết phiền não gọi là tận trí, trí hết hữu chi gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí không có hành nhân gọi là tận trí, trí không có hành quả gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết các kiết sử gọi là tận trí, trí hết phiền não gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết các hành gọi là tận trí, trí hết tất cả hữu gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, phân biệt hết không có vất gọi là tận trí, biết rõ các hệ phược giải thoát gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, biết hết căn giới gọi là tận trí, biết hết duyên giới gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, chẳng giác quán phiền não, gọi là tận trí, chẳng giác quán quả báo gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết phiền não đệ tam địa gọi là tận trí, trí hết tất cả phiền não gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, sanh của ta đã hết phạm hạnh thanh tịch gọi là tận trí, không còn thừa thân trong ba cõi gọi là vô sanh trí.
Hai trí như vậy gọi là một trí cũng gọi một hạnh biết rõ tam đạo. Nếu có Tỳ Kheo dứt được tam đạo thì gọi là pháp hành.
Có thể quán như vậy là quán tâm và thọ.
Thế nào là Tỳ Kheo hay quán sát thân?
Nếu có Tỳ Kheo quán hơi thở vào ra, đây gọi là quán thân quán thọ quán tâm.
Thế nào là quán hơi thở vào ra?
Hơi thở vào ra gọi là A Na Ba Na. Thở vào là A Na, thở ra là Ba Na. Quán hơi ra vào như cửa như ngõ. Nếu có Tỳ Kheo quán như vậy đây gọi là pháp hành.
Nếu có Tỳ Kheo có thể học có thể đếm theo hơi thở ra vào lạnh nóng dài vắn. Hoặc khắp đầy thân, hoặc cột tâm nơi đầu mũi, hay thấy mới cũ, phân biệt rõ các tướng, hay quán sanh diệt cầu Xa ma tha khéo vào trong định, cũng hay quán sát hơi thở thô tế, nhẫn đến quán ở nội thân, thân tưởng là thân, đây gọi là Tỳ Kheo tu tập pháp hành.
Này Kiều Trần Như! Lúc tu sổ tức được hai sự đó là lìa ác gíac quán và quán tướng mạo của hởi thở. Lúc tu tập tuỳ tức cũng được hai sự, đó là chuyên niệm niệm tâm và lìa thiện giác quán. Quán hơi lạnh nóng cũng được hai sự, đó là phân biệt ra vào và quán tướng tâm số.
Lúc quán thân cũng được hai sự, đó là thân khinh và tâm khinh. Chuyển quán sanh diệt cũng được hai sự, đó là biết tất cả pháp là tướng vô thường và biết tất cả pháp là tướng vô lạc.
Này Kiều Trần Như! Pháp hành Tỳ Kheo niệm xuất nhập tức cột tâm một chỗ, có số giảm và số tăng.
Thế nào là số giảm?
Đó là hai đếm là một, ba đếm là hai, nhẫn đến mười đếm là chín.
Thế nào là số tăng?
Đó là một đếm là hai, nhẫn đến chín đếm là mười. Cớ sao lại tu sổ tức, vì phá tất cả giác quán vậy. Lúc được Sơ Thiền quán xuất nhập tức và quán tâm tướng. Sơ Thiền có năm chi là giác, quán, hỉ, lạc và định. Lúc đủ năm chi thì lìa tham sân si.
Nếu có Tỳ Kheo đầy đủ năm chi thiền thì gọi là pháp hành, xa lìa năm sự, thành tựu năm sự, tu tập phạm hạnh thành đại công đức.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo có thể được Nhị Thiền thì gọi là pháp hành. Tỳ Kheo này quán tức nhập xuất cột tâm một chỗ xa lìa giác và quán được đệ Nhị Thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất cột tâm một chỗ xa lìa hỉ được đệ Tam Thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất cột tâm một chỗ xa lìa hỉ lạc bất khổ bất lạc được đệ Tứ Thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất thì quán ngũ ấm, nếu quán ngũ ấm thì gọi là pháp hành.
Nếu Tỳ Kheo thấy tất cả pháp hành sanh diệt nhẫn đến thấy tất cả phiền não sanh diệt, đây gọi là như pháp nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo thấy nhãn rỗng không nhẫn đến thấy ý thức rỗng không, đây gọi là không nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo thấy nhãn không có tướng nhẫn đến thấy ý thức không có tướng, đây gọi là vô tướng nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo chẳng nguyện cầu nơi nhãn nhẫn đến chẳng nguyện cầu nơi ý thức, đây gọi là vô nguyện nhẫn.
Nếu vì chúng sanh mà đi trong sanh tử, đây gọi là tuỳ thượng Chân Đế nhẫn.
Thế nào là tuỳ căn, tuỳ lực, tuỳ giác quán, nhẫn đến tuỳ Niết Bàn?
Với các pháp nhãn đến ý thức như vậy mà tâm chẳng thủ trước thì gọi là tín nhẫn, đây là tín chẳng gọi là tín căn.
Nếu nhiếp thân tâm chẳng cho tạo ác thì gọi là tinh tiến chẳng gọi là tiến căn. Nếu hay chuyên niệm các pháp như vậy thì gọi là niệm chẳng gọi là niệm căn.
Tâm và tâm số pháp có thể cột một cảnh duyên thì gọi là định chẳng gọi là định căn. Nếu có thể chẳng thấy các tướng như vậy thì gọi là huệ chẳng gọi là huệ căn. Nếu quán những vô căn như vậy thì gọi là pháp hành.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo quán đảnh pháp, thế đệ nhất pháp, quán tam giải thoát: Không, vô tướng và vô nguyện.
Vô thường, khổ, không, đây gọi là pháp hành, đây gọi là không tam muội.
Không tam muội ấy duyên không có thọ mạng, duyên không có tự tại.
Vô tướng tam muội duyên tận duyên hoại duyên diệt duyên yểm ly.
Vô nguyện tam muội duyên Cam lộ chẳng phải Cam lộ hành, có Cam lộ hành chẳng phải duyên Cam lộ.
Có không tam muội duyên Cam lộ chẳng phải Cam lộ hành, có Cam lộ hành chẳng phải duyên Cam lộ.
Vô tướng tam muội duyên Cam lộ chẳng phải Cam lộ hành, có Cam lộ hành chẳng phải duyên Cam lộ.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo duyên huệ diệt trang nghiêm nhập vô nguyện tam muội, đây gọi là duyên Cam lộ chẳng phải Cam lộ hành.
Nếu có Tỳ Kheo duyên huệ diệt mà được giải thoát, đây gọi là Cam lộ hành chẳng phải duyên Cam lộ. Như vô nguyện, không và vô tướng cũng vậy.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo có thể quán như vậy, đây gọi là pháp hành.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo quán thọ quán tâm, đây gọi là pháp hành. Tại sao, vì có thể phá hoại hai mươi ngã kiến vậy.
Này Kiều Trần Như! Đoạn kiến và ngã kiến đều riêng có năm thứ. Sắc đoạn nhẫn đến thức đoạn đây gọi là đoạn kiến. Sắc ngã nhẫn đến thức ngã đây gọi là năm ngã kiến.
Năm đoạn kiến phân biệt thì có bốn mươi bốn thứ, đó là mười sáu thứ nói tưởng, tám thứ nói vô tưởng, tám thứ nói Phi tưởng phi phi tưởng, sáu thứ nói các loại tưởng và sáu thứ nói đoạn.
Năm ngã kiến phân biệt có mười tám thứ, đó là bốn thứ định nói ngã, bốn thứ nói biên, bốn thứ nói dị sựvà sáu thứ nói vô cầu tam muội.
Này Kiều Trần Như! Đoạn kiến và ngã kiến phân biệt thành sáu mươi hai kiến. Hai mươi ngã kiến nhân duyên có thể sanh bốn trăm lẻ bốn thứ phiền não. Vì rời lìa các phiền não như vậy mà quán thân tâm đây gọi là pháp hành. Tỳ Kheo có thể quán thân tâm như vậy.
Này Kiều Trần Như! Thế nào là bát nhân, thế nào là quyết định?
Này Kiều Trần Như! Người đoạn kiến nói rằng một niệm dứt. Người thường kiến nói rằng bát nhẫn dứt. Hai hạng người ấy đều được quyết định. Về sau rời lìa phiền não cũng đều không có phòng ngại.
Này Kiều Trần Như! Người có thể được bát nhẫn thì gọi là bát nhân. Người được mười sáu tâm đây gọi là quyết định, đây gọi là như pháp.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo thành tựu pháp quán xuất nhập tức thì được bát nhân cũng gọi là quyết định.
Này Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo thành tựu sổ tức thì được tín căn nhẫn đến huệ căn. Nếu được ngũ căn thì được thế gian đệ nhất pháp. Tỳ Kheo như vậy có thể phá tất cả tâm nghi, đây gọi là chân thiệt tu tập Thánh hạnh.
Nếu có Tỳ Kheo thành tựu khổ trí thì dứt mười thứ phiền não, đây gọi là tu tập sơ vô lậu tâm quán. Lúc ấy thứ đệ quán vô nguyện tam muội. Lúc quán vô nguyện tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đây gọi là vô lậu định trí, được khổ pháp nhẫn khổ pháp trí, tập pháp nhẫn tập pháp trí.
Bấy giờ quán Sắc Giới Ngũ ấm, Vô Sắc Giới Tứ ấm, như Dục Giới khổ, Sắc Giới và Vô Sắc Giới khổ cũng như vậy. Quán như vậy rồi dứt Sắc và Vô Sắc mười tám thứ phiền não.
Mười tám thứ đã dứt rồi tư duy như vậy: Các khổ ấy từ nơi nào đến và ai tạo ra nó. Tư duy như vậy biết rõ khổ ấy từ ái nhân duyên, nếu ta không nhổ rễ ái như vậy thì sẽ sanh khổ, vì vậy mà quán tập, quán tập như vậy rồi dứt bảy phiền não. Quán Dục Giới tập rồi, quán Sắc Giới, Vô Sắc Giới tập cũng như vậy. Quán như vậy rồi được tỉ nhẫn tỉ trí. Lúc quán như vậy dứt mười ba phiền não.
Này Kiều Trần Như! Người đủ bát nhẫn thì gọi là bậc bát nhân pháp.
Dứt tập tam giới rồi lại quán như vậy: Do nhân duyên gì mà dứt khổ và tập?
Vì an lạc vậy. Đại an lạc tức là diệt đế. Bấy giờ sơ quán Dục Giới diệt đế được diệt pháp nhẫn dứt bảy phiền não, Sắc và Vô Sắc cũng như vậy, quán như vậy được diệt tỉ nhẫn dứt mười hai phiền não.
Lại quán như vậy: Do nhân duyên gì được bảy nhẫn, biết rằng nhân tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Do sức Bát Chánh Đạo mà biết Dục Giới khổ tập và diệt đế, biết Sắc Giới và Vô Sắc Giới khổ tập diệt đế.
Lúc này kế sanh Đạo pháp nhẫn, được rồi có thể dứt tám thứ phiền não. Lại quán Sắc Giới và Vô Sắc Giới được đạo tỉ nhẫn dứt mười bốn phiền não.
Do tu tập pháp quán như vậy dứt tám mươi tám thứ phiền não, đây gọi là quyết định. Được quả Tu Đà Hoàn đây gọi là được mười sáu tâm, đây gọi là quyết định được Bồ Đề, đây gọi là bảy lần qua lại dứt hết tất cả khổ.
Này Kiều Trần Như! Có người từ tín quyết định, có người từ pháp quyết định. Có người một đời được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến được quả A La Hán.
Có người nhập tín căn nhẫn đến huệ căn. Có người tu định, có người tu huệ. Có người được Sơ Thiền nhẫn đến Tứ Thiền được nhập quyết định, quán tất cả hành vô thường, thứ đệ sanh diệt xa lìa tất cả pháp phàm phu.
Có người quán tất cả hành vô thường, khổ, không, bất tịnh, chẳng được tự tại, không có tịch tĩnh, theo duyên mà sanh theo duyên mà diệt, quán như vậy rồi được tịch tĩnh diệt đế, đây gọi là Tỳ Kheo như pháp mà hành.
Này Kiều Trần Như! Như Lai biết rõ tất cả chúng sanh các căn lợi độn, cũng biết tất cả chúng sanh tâm tánh tất cả phiền não tánh, vì vậy Như Lai theo chỗ chúng sanh đáng được mà vì họ thuyết pháp, tuỳ các phiền não tuyên nói đối trị, nên Như Lai được gọi là nhất thiết chủng trí.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh thơ tả đọc tụng, điên đảo giải nghĩa, điên đảo tuyên nói. Vì điên đảo giải nói nên che ẩn Pháp Tạng. Vì che pháp nên gọi là Đàm Ma Cúc Đa.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh đọc tụng thơ tả, mà lại còn đọc tụng thơ tả giải nói ngoại điển, thọ trì Tam Thế và nội ngoại điển phá hoại ngoại đạo, hay giỏi luận nghĩa, nói rằng tất cả tánh đều được thọ giới, phàm chỗ vấn nạn thường hay đối đáp, vì vậy nên gọi là Tát Bà Nhã Đế Bà.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh đọc tụng thơ tả nói rằng không có ngã và người thọ, chuyển các phiền não dường như tử thi, vì vậy nên gọi là Ca Diếp Tỳ Bộ.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh đọc tụng thơ tả, chẳng trụ các tướng địa thuỷ hoả phong hư không thức, vì vậy nên gọi là Sa Di Tắc Bộ.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh đọc tụng thơ tả, đều nói rằng có ngã, chẳng nói tướng không, dường như tiểu nhi, vì vậy nên gọi là Bà Ta Phú La.
Này Kiều Trần Như! Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai Bộ Kinh đọc tụng thơ tả, rộng rãi xem khắp Kinh thơ năm bộ, vì vậy nên gọi là Ma Ha Tăng Kỳ.
Này Kiều Trần Như! Năm bộ như vậy dầu đều dị biệt mà đều chẳng phòng ngại Chư Phật pháp giới và đại Niết Bàn.
Thế nào gọi là tuỳ tín hành?
Nếu tin Tam Bảo có đủ tín căn, từ tín nhân duyên nhập vào quyết định được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quá Sắc Giới, Vô Sắc Giới được quả A La Hán.
Từ tín được giải thoát nên gọi là tín giải thoát, cũng gọi là nhất phần, cũng gọi là thân chứng, cũng gọi là huệ giải thoát. Đây gọi là tuỳ tín hành.
Thế nào gọi là tuỳ pháp hành?
Nếu có người từ nơi pháp nhập quyết định đầy đủ huệ căn được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quá Sắc Giới, Vô Sắc Giới được quả A La Hán, đây gọi là kiến đáo nhị phần giải thoát, đây gọi là vô học giải thoát, đây gọi là pháp hành, đây gọi là thành tựu thân thân quán nhẫn đến thành tựu pháp pháp quán, đây gọi là thành tựu Tỳ bà xá na và Xa ma tha.
Thế nào là Xa ma tha?
Xa ma tha gọi là diệt. Có thể diệt tâm tham, tâm sân, tâm tán loạn gọi là Xa ma tha.
Thế nào là tướng Xa ma tha?
Hay diệt tướng tham, tướng sân, tướng si, gọi là tướng Xa ma tha.
Nếu có thể tuỳ tu Xa ma tha hạnh tôn trọng tán thán hướng Xa ma tha phương tiện trang nghiêm, đây gọi là Xa ma tha tướng.
Nếu có Tỳ Kheo thâm tự tư duy rằng tham tâm của ta chỉ quán bất tịnh mới phá hoại được. Sân tâm của ta chỉ quán từ mới phá hoại được. Tâm si của ta chỉ quán thập nhị nhân duyên mới phá hoại được. Đây gọi là Xa ma tha tướng.
Thế nào gọi là Tỳ bà xá na?
Nếu tu thánh huệ hay quán Ngũ ấm thứ đệ sanh diệt, đây gọi là Tỳ bà xá na. Còn nữa, nếu quán các pháp đều như, pháp tánh, thiệt tánh, thiệt tướng, chân thiệt biết rõ, đây gọi là Tỳ bà xá na.
Thế nào gọi là tướng Tỳ bà xá na?
Nếu có thể thành tựu đầy đủ niệm tâm quán tất cả hành từ duyên mà sanh từ duyên mà diệt, tất cả hành không tự tại, không tác, không thọ, đây gọi là tướng Tỳ bà xá na.
Thế nào gọi là Tỳ bà xá na nhập quyết định?
Nếu chí tâm Tỳ bà xá na cung kính tôn trọng hướng trang nghiêm đạo, đây gọi là từ nơi Tỳ bà xá na nhập vào quyết định.
Thế nào gọi là xuất pháp nhiếp tâm chẳng phải diệt pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo có thể quán tâm xuất nhân duyên nhẫn đến tất cả hành xuất nhân duyên, đây gọi là xuất pháp nhiếp tâm chẳng phải diệt pháp nhiếp tâm.
Thế nào gọi là diệt pháp nhiếp tâm chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay thâm quán diệt tâm nhân duyên nhẫn đến tất cả hành diệt nhân duyên, đây gọi là diệt pháp nhiếp tâm chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm.
Thế nào gọi là chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm chẳng phải diệt pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán tâm tánh nhãn tánh nhẫn đến ý tánh, đây gọi là chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm chẳng phải diệt pháp nhiếp tâm.
Thế nào là duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán xuất tức mà chẳng quán nhập tức, đây gọi là duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp tâm.
Thế nào là tư duy nhiếp tâm chẳng phải duyên nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán nhập tức chẳng quán xuất tức, đây gọi là tư duy nhiếp tâm chẳng phải duyên nhiếp tâm.
Thế nào gọi là chẳng phải duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo quán tâm tánh nhãn tánh nhẫn đến ý tánh, đây gọi là chẳng phải duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp tâm.
Này Kiều Trần Như!
Nếu Tỳ Kheo hay nhiếp tâm thì được tám mươi môn tam muội và tu ba môn giải thoát.
Nếu Tỳ Kheo quán quá khứ thân và tu trang nghiêm, quán thân thấy thân, đây gọi là tu vô nguyện giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán thân quá khứ rồi chỉ thấy tâm mà chẳng thấy thân và tu trang nghiêm quán thân thấy thân, đây gọi là tu vô tướng giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán thân quá khứ rồi, chẳng thấy tác chẳng thấy tác giả. Tác giả không có thân, thân không có tác giả, tu trang nghiêm đạo quán thân thấy thân, đây gọi là không giải thoát môn. Quán thọ tâm và pháp cũng như vậy.
Còn nữa, này Kiều Trần Như! Ba môn giải thoát tu quán trang nghiêm, quán tất cả hành bất xuất bất diệt, xuất rồi thì diệt, diệt không có chỗ đến, chẳng đến chẳng đi chẳng tới, đây gọi là trang nghiêm vô nguyện giải thoát môn.
Còn nữa, vị lai thế các hành chưa xuất, nếu hành chưa xuất thì không có diệt, không có xuất không có diệt, đây gọi là trang nghiêm vô tướng giải thoát môn.
Còn nữa, quán hành tất cánh tận, tất cánh tận thì không có sanh diệt. Nếu không có sanh diệt thì tất cánh tận. Nếu tất cánh tận thì tức là không nhân duyên. Nếu quán tất cánh tận như vậy, đây gọi là trang nghiêm không giải thoát môn.
Còn nữa, nếu quán hành tất cánh tận thì không có sanh diệt, nếu không có sanh diệt tức là không có rỗng không. Tại sao, vì trước có sau không có gọi là rỗng không. Nếu là bổn không có thì không có sau không. Nếu không có sau không thì thế nào gọi là rỗng không.
Nếu không có hành tức là vô vi. Tất cánh tận ấy chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi. Rỗng không chẳng phải hành chẳng phải không có hành.
Vì vậy nên tất cánh tận ấy chẳng phải nhiếp thuộc hữu vi chẳng phải nhiếp thuộc vô vi. Đây gọi là trang nghiêm vô tướng giải thoát môn.
Còn nữa, nếu các hành tất cánh tận ấy thì tức là Niết Bàn, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, vì vậy nên chẳng phải quá khứ hành diệt gọi là Niết Bàn, cũng chẳng phải vị lai hiện tại hành diệt gọi là Niết Bàn. Người Tu Đà Hoàn thấy Niết Bàn ấy nhẫn đến người A La Hán thấy Niết Bàn ấy.
Thế nào gọi là khổ đế?
Quán tất cả hành chẳng thấy Đệ nhất đế. Quán tất cả nhân chẳng thấy Đệ nhị đế. Quán tất cả diệt chẳng thấy Đệ tam đế. Quán tất cả đạo chẳng thấy Đệ Tứ Đế.
Thế nào gọi là sanh?
Bổn không có sau mới gọi là sanh.
Thế nào gọi là diệt?
Có rồi hoàn không gọi là diệt.
Không có xuất diệt đây gọi là tận.
Do nhân duyên gì không có xuất diệt gọi đó là đạo?
Đạo có sáu hành đó là tu và chẳng phải tu, hành và chẳng phải hành, tri và chẳng phải tri.
Nếu có Tỳ Kheo hay thấy các pháp sanh diệt như vậy, thì hay nhàm tất cả các hành, hay thấy tướng vô thường của tất cả hành.
Thế nào là tướng vô thường chẳng phải pháp vô thường?
Nếu có tướng tạp với hành sơ vô lậu tướng, nếu có tướng tạp với hành vô nguyện giải thoát môn, nếu có tướng không rỗng, tướng khổ, tướng bất tịnh, tướng vô ngã, đây gọi là tướng vô thường chẳng phải pháp vô thường.
Thế nào là pháp vô thường chẳng phải tướng vô thường?
Đó là tam giới sắc tướng thanh tướng đến pháp tướng, đây gọi là điên đảo tướng, gọi là xả tướng chẳng phải vô thường tướng. Đây gọi là pháp vô thường chẳng phải tướng vô thường.
Thế nào là vô thường tướng cũng vô thường pháp?
Đó là tất cả chúng sanh chưa được quyết định, do thế tục đạo nhập các tam muội tuỳ pháp tướng nhẫn. Đây gọi là tướng vô thường cũng là pháp vô thường.
Thế nào là chẳng phải tướng vô thường và chẳng phải pháp vô thường?
Đó là tướng tịch tĩnh thường và tướng giải thoát tịnh. Đây gọi là chẳng phải tướng vô thường chẳng phải pháp vô thường.
Thế nào gọi là được Đệ nhất đế?
Đó là quán sáu căn ngũ ấm dường như tượng trong gương, đây gọi là được đế thứ nhất.
Thế nào là nhất tâm quán Tứ Đế?
Nếu quán các hành đều là nhân khổ. Vì là nhân khổ nên thấy được diệt dứt được xa lìa được, như vậy gọi là tâm duyên vô lậu. Vì vậy nên nhất tâm được Tứ Đế, gọi là tâm vô lậu được giải thoát. Nếu có Tỳ Kheo quán tâm số, đây gọi là vô nguyện giải thoát môn.
Quán tâm số rồi quán mười hai sự:
Mười hai sự là: Nghiệp, hành, khổ, không, hoại, chẳng tự tại, quá khứ, hiện tại, vị lai, nhân duyên, vô tác và thọ. Đây gọi là thấy tâm tâm số gọi là vô nguyện giải thoát môn.
Nếu có Tỳ Kheo quán sát tâm ấy, không có tâm sanh không có xuất nhập, không có năng viễn ly, đây gọi là thấy tâm tâm số được không giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán không có tâm nhập định mà được xa lìa tất cả phiền não, vì không nhân duyên nên phiền não chẳng sanh. Đây gọi là viễn ly phiền não mà thấy tâm tâm số được vô tướng giải thoát môn. Nếu quán như vậy thì được xa lìa tâm hữu lậu mà được vô lậu giải thoát.
Này Kiều Trần Như! Tất cả các hành hữu vi đều không có quyết định. Nếu đã bất định thì thế nào được nhập vào định tụ. Nếu nói rằng quán sát Tam Thế rồi được nhập định tụ, nghĩa ấy không phải.
Tại sao, vì quá khứ đã hết, vị lai chưa xuất, hiện tại vô thường, Tam Thế quán sai khác thì thế nào được nhập định tụ ư! Vì thế nên tất cả dị quán, tánh nó chẳng quyết định.
Như điện đường có bốn bậc thang. Nếu nói rằng chẳng do bậc thang thứ nhất mà đến bậc thang thứ tư thì chẳng có lẽ ấy. Lúc lên bậc thang thứ nhất chẳng được gọi là lên bậc thứ tư. Đã có bốn bậc như vậy thì chẳng gọi là một.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Tịnh Hạnh
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Năm - Nhẫn Nhục Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giác - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Năm Mươi - Kinh Thuốc Chữa Lưng Gù