Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi - Pháp Hội Nhật Mật Bồ Tát - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI

PHÁP HỘI NHẬT MẬT BỒ TÁT  

PHẦN BA  

Này Thiện Ý Giác Quán! Quang Minh Phật độ, hàng Thanh Văn quán pháp như vậy liền được đạo quả. Lúc nói pháp ấy, có vô lượng chúng sanh được như pháp nhẫn, vô lượng chúng sanh được như thiệt nhẫn.

Đức Phật lại bảo Tôn Giả Kiều Trần Như rằng: Này Kiều Trần Như! Nếu tứ Chân Đế có thể trong một niệm chứng được đó, Như Lai lẽ ra vì tất cả chúng sanh diễn nói một hạnh một pháp một sự, lẽ ra lúc một người chứng thì tất cả chúng sanh cũng đồng chứng, tại sao, vì phiền não đồng vậy, và cũng lẽ ra chẳng nên có tám vạn pháp tụ sai biệt.

Này Kiều Trần Như! Vì vậy nên chúng sanh phải dùng nhiều thứ nhân duyên điều phục, chẳng do một duyên.

Này Kiều Trần Như! Tất cả chúng sanh thiệt chẳng phải thừa, một hành, một tham, một niệm, một dục, một giải, một tín. Vì vậy nên Như Lai tuyên nói các thứ cú kệ danh tự nhiều loại pháp môn. Do vì nghĩa ấy mà Như Lai đầy đủ mười thứ thần lực.

Này Kiều Trần Như! Tất cả chúng sanh có đủ các thứ tướng điên đảo, do đây Như Lai vì phá tịnh đảo mà nói tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng thây sình, thây rã, thây xanh bầm, thây hư hoại, tướng thây lìa tan.

Tôn Giả nói: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là tướng chẳng đáng nên ưa của tất cả Thế Giới?

Thế nào gọi là tướng thực Bất tịnh?

Đức Phật nói: Này Kiều Trần Như! Nay ông chẳng nên hỏi sự như vậy. Tại sao, vì giới kia đắc đạo cùng giới này đắc đạo, tướng ấy đều khác biệt. Nếu Phật nói đủ các chúng sanh nghe đó hoặc họ sanh mê muộn.

Tôn Giả nói: Bạch Đức Thế Tôn! Duy nguyện Như Lai vì Chư Bồ Tát, những người có thể tin hiểu, thương xót mà phân biệt tuyên nói.

Bạch Đức Thế Tôn! Những người này nếu nghe Phật tuyên nói hai tướng như vậy thì họ có thể giao giống lành tăng trưởng căn lành hay phá được vô minh.

Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh vì si ái nhân duyên mà thích sanh tử, vì vậy mà sanh tử vô thì vô chung.

Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh do thực nhân duyên mà tăng trưởng tham dục. Vì họ chưa bao giờ được nghe hai tướng như vậy nên họ lưu chuyển sanh tử ngũ đạo thọ đại khổ não.

Đức Như Lai đại từ đại bi trong vô lượng đời thường nghĩ nhớ đến chúng sanh, duy nguyện Đức Như Lai vì thương xót mà tuyên nói tướng chẳng đáng nên ưa và tướng thực bất tịnh. Này Đức Như Lai tuyên nói hai tướng ấy, các chúng sanh nghe nói rồi chẳng sanh dục tham, chẳng sanh thực tham.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh hat quở trách nặng dục tâm và thực tâm, nên biết người ấy mau đến được bờ kia.

Đức Phật nói: Này Kiều Trần Như! Chí tâm lắng nghe Phật sẽ vì ông mà tuyên nói tất cả Thế Giới tướng chẳng đáng nên ưa và tướng thực bất tịnh.

Này Kiều Trần Như! Thế có hai là chúng sanh thế và khí thế. Chúng sanh thế là ngũ đạo chúng sanh. Khí thế là trong Dục Giới cói hai mươi xứ, trong sắc giới có mười sáu xứ va trong Vô Sắc Giới có bốn xứ.

Những gì là hai mươi xứ trong Cõi Dục?

Tám đại địa ngục, mỗi đại địa ngục có mười sáu địa ngục vây quanh.

Tám đại địa ngục là: Hượt, Hắc thằng, Chúng hiệp, Kiếu hoán, Đại hoán, Nhiệt, Đại nhiệt và A tỳ địa ngục. Nếu có chúng sanh thân khẩu ý ác đều sanh trong đại địa ngục ấy thọ đại khổ não. Các chúng sanh ấy dầu thấy diệu sắc chẳng sanh ý tưởng vui thích, do nhân duyên ấy lại sanh đại khổ não. Như thấy sắc, với thanh hương, vị và xúc cũng như vậy. Người có trí quán sát sự ấy rồi chẳng sanh lòng ưa thích.

Này Kiều Trần Như! Nếu quán sát súc sanh, thân nó nhỏ như vi trần chia làm mười phần, có loài thân như vi thần, thân bằng trái táo, cao lớn một do tuần hoặc thân cao lớn đến trăm ngàn vạn do tuần.

Các loài ấy hoặc có thọ mạng bằng thời gian một niệm đến khoảng bảy niệm, hoặc có thọ mạng một kiếp đến thời gian ngàn vạn kiếp.

Các loài ấy không có pháp hành trí huệ tàm quý lòng từ mẫn phải thọ khổ não sanh kinh sợ nhiều, loài ấy thường sanh lòng giết hại nhau, xa lìa tất cả pháp lành, thường đi trong tối tăm, thường hành tà đạo. Do đây là người trí tu ý tưởng chẳng vui.

Này Kiều Trần Như! Người trí lại quán ngạ quỷ. Thân nó hoặc cao một xích, hoặc bằng nghiệp, hoặc trăm do tuần, hoặc bằng núi Tuyết, thường khổ đói khát, trần truồng không y phục, tóc trùm quanh thân không có tàm quý, ốm o lòi xương, thân không có máu thịt, họ đều có tâm ác độc không lòng thương xót.

Các hơi lạnh ẩm ướt vĩnh viễn không còn có, họ hoặc ăn các thứ sắt hoàn, sắt sợi, nước sắt, phẩn nóng, mủ nóng, máu nóng, gió nóng, cỏ nóng, trái nóng nhưng chẳng thường được cung cấp đầy đủ, thọ mạng ngàn muôn kiếp luôn thọ khổ não, đi nơi tối tăm. Người trí quán sát rồi tu tập ý tưởng Thế Giới chẳng đáng ưa thích.

Này Kiều Trần Như! Người trí kế đến quán thân người trong bốn châu, tất cả đều có sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, cơ khát khốn khổ, tham dục khổ, sân khuể khổ, tật đố các thứ khổ, lưỡng thiệt, ác khẩu, hàn, nhiệt v.v… nhiều khổ não, còn có khổ vì ác thú độc trùng, khổ vì ác vương, ác quan. Trong thân loài người ấy thọ ngần ấy khổ não. Người trí sao lại chẳng tu tập tướng tưởng chẳng đáng ứ thích.

Này Kiều Trần Như! Kế đến, người trí quán sáu từng Trời Cõi Dục. Chư Thiên trong ấy bị dục ái đốt cháy họ thọ quả báo chẳng đồng nhau. Họ khổ vì vô thường, khổ vì chấp thủ, khổ vì chết, khổ vì ái biệt ly. Quán sát như vậy người trí có đâu chẳng tu tập tướng chẳng đáng ưa thích!

Người trí kế đến quán Sắc Giới mười sáu trụ xứ. Chư Thiên trong ấy tu thiền định thế gian, vì hữu lậu nên khổ, vì tịch tĩnh nên khổ, vì sở dục nên khổ, vì có thắng định nên khổ, vì thiện pháp tạng nên khổ, vì chưa giải thoát nên khổ, vì chẳng biết bỉ ngạn, vì chẳng dứt hẳn nhân duyên địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nên khổ. Quán sự khở như vậy nên người trí tu tập tướng chẳng đáng ưa thích.

Lại Chư Thiên Cõi Sắc hoặc có người tu tập vô lậu thiền định, những người này khổ vì chẳng đầy đủ bát chánh đạo, khổ lúc muốn đủ phương tiện bát chánh đạo, khổ vì vô học địa chẳng tự tại, khổ vì chẳng được Duyên Giác tam muội, khổ vì chẳng được Như Lai tam muội, khổ vì chẳng có thể quán sát cảnh giới tất cả chúng sanh.

Người trong Sắc Giới như vậy nếu nhập Niết Bàn thì thọ khổ như vậy. Người trí sao lại ở trong Sắc Giới mà chẳng tu tập thế gian tướng chẳng đáng nên ưa thích. Kế lại quán sát Vô Sắc Giới tướng chẳng đáng ưa thích.

Chư Thiên Cõi Vô Sắc khổ vì tu hữu lậu tam muội, khổ vì học địa chẳng được tự tại, khổ vì còn chẳng được nghe chánh pháp, khổ vì chẳng cứu cánh dứt tham ái, khổ vì lúc xả mạng sanh tà kiến, khổ vì chẳng dứt hẳn ba ác đạo, khổ vì xả mạng bị đọa, người trí quán sát biết Chư Thiên Cõi Vô sắc có những sự khổ như vậy nên với Vô Sắc Giới tu tập tướng thế gian chẳng đáng ưa thích.

Còn nữa, này Kiều Trần Như! Thế gian ấy tức là hành.

Có ba thứ là thân hành, khẩu hành và ý hành.

Thân hành ấy, đó là thở vào ra.

Khẩu hành ấy, đó là giác quán.

Ý hành ấy, đó là tưởng và thọ.

Ba thứ hành ấy tướng nó là một.

Người trí quán sát phân biệt thế nào để có thể biết được?

Người trí lúc quán đếm thở vào ra, quán kỹ lạnh nóng ấm của hơi thở đến hơi vào ra một lỗ lông. Người này quán hơi thở biết rõ chắc hơi thở ấy trước không nay có.

Nếu trước không mà nay có thì là tướng vô thường. Là tướng không quyết định như điện chớp, như vẽ trong nước. Lúc quán như vậy, được tướng thân hành.

Người trí lại quán sát tướng như vậy từ nhân duyên gì?

Liền biết tướng ấy nhân nơi giác quán. Tánh giác quán trước không nay có nên là vô thường, là pháp có thể đứt được. Tướng giác quán ấy nhân tâm mà sanh, tâm cũng là trước không nay có nên cũng vô thường có thể phá hoại được, là tướng không có về đến nương dựa, là tướng không có vật, là tướng không có ngã.

Lúc quán như vậy thì ở trong các hành tâm sanh hối có thể tu tập tướng thế gian chẳng đáng ưa thích. Chúng Tỳ Kheo các ông nếu có thể quán kỹ chắc tam thế như vậy thì có thể dứt hẳn các phiền não, hay tịnh chánh kiến, dứt pháp sanh tử, thành tựu đạo bình trực, được nhiếp trong chánh tụ, được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán. Đây là người trí tu tập tướng chẳng nên ưa thích.

Này Kiều Trần Như! Thế nào là Tỳ Kheo quán y được mặc ấy là tướng chẳng nên ưa?

Nếu có Tỳ Kheo lúc vá y, thấy y, chạm y, đắp y, cởi y, quán sát như máu thoa da thúi rã đáng gớm, là chỗ trùng ở, là chỗ chẳng đáng ưa. Lúc quán như vậy, lòng tham y liền trừ diệt.

Này Kiều Trần Như! Thế nào là tu tập tướng thực chẳng đáng ưa?

Nếu có Tỳ Kheo lúc cầm mang bát, quán sát như máu thoa sọ đầu, rã thúi đáng gờm, là chỗ côn trùng ở, là chỗ không đáng ưa.

Lúc được món ăn, nên quán sát món ăn ấy như thây trùng chết, nếu thấy bún xem như xương nát, thấy cơm nước tưởng như nước phẩn, thấy bánh tưởng là da người, tích trượng đang cầm tưởng là xương người, thấy nhũ lạc tưởng máu mủ hôi dơ, thấy rau cải tưởng tóc lông, thấy các thứ nước uống tưởng là máu tươi. Quán sát như vậy gọi là nơi các món ăn uống quán tướng chẳng đáng ưa.

Này Kiều Trần Như! Thế nào là nơi phòng xá sanh ý tưởng không đáng ưa thích?

Lúc vào phòng nhà, Tỳ Kheo nên suy nghĩ như vào địa ngục thọ các khổ não. Phòng nhà như vậy tức là tướng hòa hiệp, bao nhiêu cây gỗ tức là xương người, đất đắp là thịt người, đến tất cả ghế giường mền nệm tức là xương người là da thịt người.

Quán sát như vậy gọi là ý tưởng thế gian chẳng đáng ưa thích. Nếu có thể quán sát các tướng như vậy, người này liền được như thiệt pháp nhẫn, được các nhẫn tùy không, tùy vô tướng, tùy vô nguyện.

Người này thích tu tập không tướng, thấy tất cả pháp đều sanh diệt khổ không vô ngã, thấy các ấm nhập giới thập nhị nhân duyên, tất cả pháp tánh đều là khổ không vô ngã. Thấy như vậy rồi, người này liền được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.

Này Kiều Trần Như! Người tu tập ý tưởng thế gian chẳng đáng ưa thích thì có thể dứt dục tham, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, nghi, điệu, vô minh, đến được bậc vô học. Đây gọi là đầy đủ tùy vô nguyện Đà La Ni.

Này Kiều Trần Như! Đà La Ni này hay phá tất cả ác ma, đến có thể là cho Tam Bảo tăng trưởng. Lúc nói pháp ấy, có vô lượng chúng sanh được pháp nhãn tịnh, vô lượng ức chúng được dứt hẳn các lậu, tám na do tha chúng được tùy vô nguyện Đà La Ni, vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, năm vạn tám ngàn chúng sanh được bất thối tâm bồ đề, vô lượng chúng sanh được như Pháp Nhẫn.

Vô lượng chúng sanh bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh nếu nghe pháp ấy, thì đâu chẳng phát tâm vô thượng bồ đề. Chúng tôi nay hộ trì nghe học pháp ấy.

Đức Phật nói: Lành thay lành thay, này Chư Đại Đàn Việt! Nay mọi người muốn hộ trì đại pháp. Nhân Hộ Pháp mà đời vị lai sẽ được vô lượng phước đức quả báo.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Phật Đức Hoa Mật Như Lai sai Hư Không Mật Đại Bồ Tát mang đến dục tịnh Đà La Ni ấy, duy nguyện Thế Tôn tuyên nói đó.

Đức Phật nói: Này Xá Lợi Phất! Lắng nghe lắng nghe, khéo suy nghĩ đó sẽ vì ông mà nói.

Này Xá Lợi Phất! Đức Hoa Mật Phật sai mang đến dục tịnh Đà La Ni ấy để phá hoại tứ đảo của chúng sanh Ta Bà này: Chúng sanh cõi này thường không có ngã mà vì tâm điên đảo ngang sanh ý tưởng có ngã. Người trí quán sát kỹ biết không có ngã, liền phá điên đảo.

Thế nào là người trí quán vô ngã?

Đó là quán thân ngũ ấm biết chắc không có ngã, tại sao, vì là tướng hòa hiệp vậy. Kế quán nhãn căn cũng không có ngã.

Tại sao?

Vì là Tứ Đại hiệp vậy. Nếu mắt chuyển nháy tức là phong lực, phong ấy nhân nơi hư không mà có khứ lai hồi chuyển, mà tánh hư không là vô sở hữu cũng là bất khả thuyết.

Nếu là vô sở hữu và bất khả thuyết tức là không có ngã. Vì vậy nên hư không thiệt không có ngã, phong trong hư không cũng lại không có vật chẳng tuyên nói được nên là vô ngã.

Như quán phong, quán địa, thủy, hỏa cũng như vậy. Vì vậy mà biết rằng, nhãn căn tứ đại lại cũng không có vật chẳng tuyên nói được thế nên không có ngã.

Nếu còn có người nói rằng vì nhãn sắc nhân duyên nên có tướng ngã ấy, nghĩa này chẳng đúng. Tại sao, vì trong nhãn không có ngã, trong sắc không có ngã, trong hai thứ hòa hiệp cũng không có ngã.

Nhân duyên hòa hiệp cũng không có ngã, trong hai thứ hòa hiệp cũng không có ngã. Nhân duyên hòa hiệp sanh ra nhãn thức, trong thức ấy cũng không có ngã. Nhân thức sanh sắc gọi là danh sắc.

Danh sắc nhân duyên sanh lục nhập. Lục nhập nhân duyên sanh xúc. Xúc nhân duyên sanh thọ. Thọ nhân duyên ái. Ái nhân duyên thủ. Thủ nhân duyên hữu. Hữu nhân duyên sanh lão bệnh tử v.v…

Các pháp như vậy nhân nhãn thức sanh, mà nhãn thức này cũng chẳng từ mười phương đến. Niệm sở nhân sanh nhãn thức ấy, niệm này cũng diệt, nhân thức chẳng trụ.

Trong hai niệm ấy cũng chẳng bảo nhau: Nay ngươi trụ còn ta diệt. Diệt pháp này cũng không có xứ sở. Vì vậy nên các pháp hễ duyên hiệp thì sanh, duyên ly thì diệt. Nếu nhân duyên thì sanh, không nhân duyên thì diệt.

Vì vậy nên biết thiệt không có ngã, mà nhân duyên ấy cũng không có tác không có thọ. Nếu không có tác giả thì không có ngã. Nếu không có ngã thì ngã sở cũng không. Vì vậy nên nhãn tánh không có ngã ngã sở không hiệp không tan, tức là sanh diệt.

Tất cả các pháp cũng như vậy. Tất cả pháp tánh không có thủ không có xả chẳng phải tạo tác bởi Chư Thanh Văn, Duyên Giác, Chư Phật. Như nhãn thức không, tất cả pháp không cũng như vậy.

Lúc quán như vậy được môn không tam muội, hoặc được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán. Như quán nơi nhãn, quán nơi nhĩ tỷ thiệt thân cũng như vậy.

Quán thân vô ngã, tóc, da, thứa, máu, thịt, xương, gân, tủy, não, ruột, gan, mủ, dãi, hơi ấm gió trên dưới thọ mạng danh tự tất cả đều vô ngã, chỉ do các duyên hòa hiệp nên gọi là thân. Thân xúc nhân duyên nên sanh thân thức, thức nhân duyên danh sắc, đến hữu nhân duyên sanh lão bệnh tử v.v…

Các pháp nhân duyên như vậy sanh thân thức, mà thân thức cũng chẳng từ mười phương đến. Niệm sở nhân sanh thân thức ấy, niệm này cũng diệt thân thức chẳng trụ.

Trong hai niệm ấy cũng chẳng bảo nhau ngươi trụ ta diệt. Mà pháp diệt ấy cũng không có xứ sở. Vì vậy nên các pháp, hễ duyên hiệp thì sanh mà duyên tan thì diệt.

Nếu nhân duyên thì sanh không nhân duyên thì diệt. Vì vậy nên biết thiệt không có ngã. Mà nhân duyên ấy cũng không có tác không có thọ. Không có tác giả thì không có ngã, đã không có ngã thì nhã sở cũng không có.

Vì vậy mà thân tánh không ngã ngã sở, không hiệp không tan tức là sanh diệt. Tất cả các pháp cũng như vậy, tất cả pháp tánh không có thủ không có xả, chẳng phải Chư Thanh Văn, Chư Giác Duyên, Chư Phật làm ra. Như thân thức không tất cả pháp không cũng như vậy.

Lúc quán như vậy, người ấy được không tam muội, hoặc chứng quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Tỳ Kheo có thể quán nhãn căn đến thân căn vô ngã như vậy, nên biết người ấy được tam muội môn được Chư Thiên và thế nhân cúng dường.

Lúc nói pháp ấy, có vô lượng chúng sanh ác nghiệp quá khứ đều được tiêu trừ, vô lượng chúng sanh được pháp nhãn tịnh, vô lượng chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán, chín vạn bốn ngàn chúng sanh được tịnh Đà La Ni như vậy.

Vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, vô lượng chúng sanh chẳng thối chuyển tâm bồ đề, vô lượng chúng sanh được như pháp nhẫn, vô lượng chúng sanh phá được dục tham, sắc tham và vô sắc tham, vô lượng chúng sanh được tùy không, tùy vô tướng và tùy vô nguyện Đà La Ni.

Vô lượng chúng sanh thành tựu bất tịnh quán, vô lượng chúng sanh thành tựu A ni ba na, hoặc được Xa ma tha, hoặc được Tỳ bà xá na, hoặc được tánh địa, hoặc được Thanh Văn pháp, Bích Chi Phật Pháp hoặc được Bồ Tát pháp, tất cả nữ nhân nghe rồi đều được chuyển nam thân, chúng sanh Dục Giới đều thọ khoái lạc như đệ Tam Thiền. Tất cả Chư Thiên, Nhân, Bát Bộ cúng dường Đức Phật, hoan hỷ ngồi yên.

Vua Tần Bà Sa La bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Trong Thế Giới Ta Bà này, vô lượng Bồ Tát được thành tựu quang minh diệu sắc, từ giờ tôi chưa từng thấy chưa từng nghe.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát quang minh ấy có thể chiếu khắp tất cả Ta Bà Thế Giới.

Nếu là bậc Bồ Tát gần vô thượng bồ đề thì quang minh thế nào?

Đức Phật nói: Này Đại Vương! Nếu Bồ Tát thành tựu vô thượng bồ đề, quang minh chiếu tất cả mười phương Thế Giới. Tại sao, vì thiện pháp trang nghiêm các công đức vậy, vì thành tựu đầy đủ pháp trang nghiêm vậy, vì tất cả thiện căn nhiều tăng trưởng vậy, vì gần vô thượng bồ đề đạo vậy, vì rốt ráo vô thượng bồ đề đạo vậy, vì thọ Như Lai chánh pháp quả vậy.

Vì phân biệt diễn nói vô biên pháp vậy, vì thân đã được không có quái ngại vậy, vì được thanh tịnh chân thật pháp vậy, vì chỗ được tu tập đều đến bờ kia vậy, vì nghiệp đời vị lai đã được hết hẳn vậy, vì thành tựu vô lượng Phật chánh pháp vậy, vì hay chuyển vô thượng diệu pháp luân vậy, vì được tự tại nơi tất cả pháp vậy, vì thông đạt tất cả chúng sanh căn vậy, vì đoạn hẳn tất cả phiền não tập khí vậy. Vì vậy nên quang minh có thể chiếu khắp mười phương Thế Giới.

Này Đại Vương! Tùy sức thế lực lớn công đức của pháp cũng có thể nhìn thấy Thập Phương Chư Phật.

Vua nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn được thấy Thập Phương Chư Phật và Chư Bồ Tát, chư Thanh Văn.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như: Nếu người Thanh Văn đệ tử Phật, hoặc tại gia hay xuất gia, thế nhân đều thâm quán tự tu duy thiện pháp minh đã có. Ta cũng muốn nhập Như Lai tam muội.

Nếu có hàng nhân Thiên được như thiệt nhẫn, nếu có người chẳng thối chuyển nơi Tam Thừa, các người ấy cũng nhập chánh định, nếu có người được tâm kính tin nơi Tam Bảo cũng nhập thiền định như vậy.

Đức Thế Tôn liền nhập tam muội. tam muội ấy tên là Nhất thiết Phật cảnh giới hành trí, rộng như hư không, tất cả người trí vui mừng, sáng như ánh sáng nhật nguyệt.

Tam Muội như vậy tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát chẳng biết được chẳng tính lường được. Dây gọi là Phật cảnh giới tam muội.

Thế Tôn nhập tam muội ấy rồi, Ta Bà Thế Giới ức tứ thiên hạ, trăm ức Tu Di Sơn, trăm ức nhật nguyệt đến trăm ức Trời Hữu Đảnh, các cõi như vậy, đều nhập vào thân của Phật.

Trong Ta Bà Thế Giới các địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và trời có ai thọ khổ liền được tiêu diệt, tất cả đều hoan hỷ như Tỳ Kheo nhập đệ Tam Thiền.

Tất cả Đại Bồ Tát đều khởi định thấy Phật Quang minh. Thấy Phật Quang minh rồi, quang minh của mình có liền tắt không còn hiện.

Tất cả hàng Thanh Văn thọ khoái lạc như Tỳ Kheo nhập đệ Tam Thiền. Tất cả vô lượng chúng sanh thảy đều tự thấy lỗ lông Như Lai. Mỗi mỗi lỗ lông phóng vô lượng ánh sáng như ánh sáng của hàng hà sa nhật nguyệt, cũng như ánh sáng của hàng hà sa số vị Thập Trụ Bồ Tát. Quang minh như vậy đều chiếu khắp mười phương Quốc Độ Chư Phật.

Thập Phương Chư Phật Thế Tôn đều riêng bảo đại chúng rằng: Chư Thiện Nam Tử! Các Ngươi có thấy quang minh của Thích Ca Như Lai chẳng?

Quang minh như vậy thành tựu vô lượng vô biên công đức. Quang minh ấy nhân nơi đại từ đại bi vì thương xót các chúng sanh vậy. Nay Như Lai ấy hiển thị tướng đại thần biến cho các chúng sanh.

Tất cả chúng sanh thấy quang minh ấy rồi đều phát tâm vô thượng bồ đề. Thế Giới phương khác có các chúng sanh được thần thông đều tập họp tại Ta Bà Thế Giới, kẻ không được thần thông thì vói lễ lạy cúng dường. Lúc bấy giờ tất cả Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chúng Thanh Văn đều đến Ta Bà Thế Giới.

Tất cả Bồ Tát đều dâng thất bữu các thứ hương hoa phan lọng kỹ nhạc cúng dường Thế Tôn cung kính tôn trọng tán thán. Có các chúng sanh ở thân Phật thảy đều thấy đó, thầy rồi lại thọ vô lượng khoái lạc.

Ta Bà Thế Giới tất cả chúng sanh đồng thanh nói rằng: Chúng ta do nhân duyên lành này nguyện đời sau đồng sanh trong một Quốc Độ, được thấy Thập Phương Chư Phật, đã được tiêu diệt hết ba ác nghiệp đạo. Nếu có chúng sanh nào thấy thần biến của của Phật mà chẳng phát tâm vô thượng bồ đề, nên biết người ấy thường đi trong tối tăm.

Chư Bồ Tát vì chúng sanh mà thọ nhiều thí khổ. Hoặc hóa làm Phật, làm Bích Chi Phật, làm Thanh Văn, Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương, thân Na La Diên, thần Rồng, Quỷ, A Tu La, Chuyển Luân Vương.

Nếu có Thế Giới đáng do Thanh Văn mà được điều phục thì hiện thân Thanh Văn. Ưng hóa như vậy nếu chẳng phải bậc Thập Trụ Đại Bồ Tát thì không thề làm được. Vì vậy nên tâm vô thượng bồ đề thành tự vô lượng vô biên công đức.

Bao nhiêu chúng sanh ở trong thân tất cả Chư Phật đồng thanh nói kệ rằng:

Do vì các ác tâm nhân duyên

Lưu chuyển sanh lão bệnh tử khổ

Vì chẳng thân cận thiện tri thức

Thế nên chẳng đến được bờ kia

Nếu hay xa lìa được ác tâm

Các ác tà kiến ác nhân duyên

Hay dứt sanh tử trong ba cõi

Người này được đến nơi bờ kia

Chúng sanh khó được trọn thân người

Được rồi gặp thiện hữu rất khó

Lòng tin chắc vững lại khó được

Có rồi khó được nghe chánh pháp

Nếu người hay phát tâm bồ đề

Người này hay dứt các phiền não

Cũng hay giáo hoá vô lượng chúng

Hiện đại thần biến như Phật nay

Nếu hay dứt hẳn hai pháp ấy

Đó là thường đoạn hai kiến thảy

Nếu thấy tất cả hành vô ngã

Người này được gọi thiện tư duy

Nếu hay tu tập khổ tập đế

Người này hay dứt các phiền não

Nếu hay phát khởi bồ đề tâm

Người này thắng được các thế gian.

Nghe nói kệ ấy rồi, có vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề, hoặc có chúng sanh phát tâm Duyên Giác, tâm Thanh Văn, hoặc được vô lượng Đà La Ni, có các chúng sanh được như pháp nhẫn, bất thối nhẫn, như thiệt nhẫn, hoặc được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.

Bấy giờ Ma Vương Ba Tuần thấy rõ Ta Bà Thế Giới ở trong thân Phật, liền buồn khóc sầu não, hoặc ngồi, hoặc dậy, hoặc đi, hoặc đứng, tới lui ra vào lấy tay vỗ đầu càng thêm khổ não. Tất cả quyến thuộc ma cũng khổ não như vậy.

Ba Tuần có một Đại Thần tên là Không Thọ thấy Ma Vương khổ não nên nói kệ rằng:

Cớ chi sầu não mà độc hành

Tâm Vương mê loạn như người cuồng

Đi đến chỗ nào cũng không vui

Mong Thiên Vương nói nhân duyên ấy,

Ba Tuần nói kệ đáp:

Ta thấy Cù Đàm Đại Thần lực

Nên ta khổ não đi như điên

Nội tâm tháo động không được an

Sầu nhiệt bức thiết đến quyến thuộc

Nhìn thấy Như Lai vô biên thân

Dung thọ tất cả Ta Bà giới

Khiến cảnh giới ta đều trống hư

Vì vậy nay ta sanh sầu não

Bao nhiêu Thánh Nhân ở mười phương

Đầu đến tập hội Thế Giới này

Thiết đại cúng dường cúng dường Phật

Vì vậy khiến ta sanh sầu não

Nhìn thấy Như Lai đại thần lực

Và thấy quyến thuộc quy y Phật

Nay ta độc hành không bạn lữ

Vì vậy khiến ta sanh sầu não.

Đại Thần Không Thọ lại nói kệ rằng:

Nay tôi có đông các quyến thuộc

Lòng họ tệ ác đủ khí giới

Sức hay phá hoại thân Như Lai

Và hay hủy hoại đại thần lực.

Ba Tuần nói kệ rằng:

Nay quyến thuộc ta rất sợ Phật

Làm sao hoại được đức thần thông

Nếu lúc sanh tâm muốn hủy hoại

Liền tự thấy mình bị ngũ phược.

Không Thọ nói kệ rằng:

Như oán địch ấy thế lực lớn

Nên giả thân hậu thì phá được

Nếu biết Cù Đàm có đại lực

Trước nên trái hiện lòng thân hậu.

Ma Vương nói kệ rằng:

Nếu ta trá hiện tâm thân hậu

Vì muốn hủy hoại thân Cù Đàm

Liền thấy cổ mình đeo tử thi

Bị tất cả người đồng chê trách

Đại Thần Không Thọ lại nói kệ rằng:

Tất cả Cõi Dục thuộc ma giới

Bao nhiêu nhân Thiên thuộc Như Lai

Xin Vương sắc lệnh ác Long Vương

Thì hay phá được thân Cù Đàm.

Ma Vương Ba Tuần lại nói kệ rằng:

Nếu người biết rõ rồng đủ sức

Ta đã thất tâm ngươi tự sai

Nếu thiệt rồng phá được Cù Đàm

Ta lại được nước và bổn tâm.

Đại Thần tuân lời Ma Vương liền bảo các ác Long Vương rằng: Các Long Vương nên vì ta mà hủy hoại thân Cù Đàm. Các ác Long vừa muốn bay lên hư không mà không chuyển động được. Họ liền nói với Đại Thần rằng Kính phụng mạng lệnh vừa rồi muốn đi phá hoại Cù Đàm. Vừa sanh tâm ấy liền chẳng bay đi được.

Đại Thần nghe các ác Long Vương nói liền sanh lòng kinh sợ suy nghĩ rằng: Nay ta hiện ma đại lực khiến các ác Long sanh tâm giận dữ. Vì tâm rồng giận dữ thì có thể phá hoại thân Cù Đàm. Bấy giờ cung rồng có hóa tử thi đầy khắp mọi nơi.

Các rồng thấy vậy tự nơi cung thất mình lòng chẳng an vui suy nghĩ rằng: Đây là ai hóa làm những tử thi ấy. Dầu có suy tìm mà chẳng biết là ai làm. Trong tất cả tứ thiên hạ Chư Đại Long Vương và quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ đều ra khoải cung thất đến núi Khê La Kỳ. Núi ấy bằng phẳng ngang rộng bốn vạn do tuần, là chỗ ở của Chư Thánh đời trước, có đẻ bảy báu.

Nhẫn đến Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương cũng bỏ cung điện mà đến núi ấy.

Trong Tứ Đại hải, bao nhiêu Long Vương và quyến thuộc vô lượng vô biên, như là Y La Bạt Long Vương, Thiện Trụ Long Vương, Quy Long Vương, A Na Bà Đạt Đa Long Vương.

Mục Chân Lân Đà Long Vương, Đức Hải Long Vương, Thủy Đức Long Vương, Xá Đức Long Vương, Lạc Đức Long Vương, A Ba Na La Long Vương, Sơn Đức Long Vương, Ngưu Đức Long Vương, Y La Bạt Đa Long Vương, Trường Tý Long Vương, Trường Phát Long Vương, Tịnh Long Vương, Ca Yết La Long Vương, Thủy Phiêu Long Vương.

Hắc Phát Long Vương, Kim Sắc Long Vương, Xá Câu Long Vương, Niệm Di Long Vương, Tượng Long Vương, Lợi Nha Long Vương, Hữu Hành Long Vương, Nghị Võng Long Vương, Trường Diện Long Vương, Xích Nhãn Long Vương, Lạc Kiến Long Vương.

Như vậy châu Diêm Phù Đề có tất cả Lọng Vương tám vạn và quyến thuộc, nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn Quốc Độ tất cả Long Vương và quyến thuộc đều đến núi Khê La Kỳ.

Bắc Uất Đơn Việt có hai Long Vương là Vô Biên Long Vương và Kim Thân Long Vương cùng vô lượng chúng quyến thuộc, nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn Quốc Độ tất cả Long Vương và quyến thuộc đều đến núi Khê La Kỳ.

Đông Phất Bà Đề có hai Long Vương là Nguyệt Long Vương và Bà Tư Tra Long Vương cùng vô lượng quyến thuộc, nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn Quốc Độ tất cả Long Vương cùng quyến thuộc đều đến núi Khê La Kỳ.

Tây Cù Gia Ni có hai Long Vương là Bữu Phát Long Vương và Quang Phát Long Vương cùng vô lượng quyến thuộc, nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn Quốc Độ tất cả Long Vương cùng quyến thuộc đều đến trong núi Khê La Kỳ.

Và trong tứ thiên hạ hàng tứ sanh Long Vương cùng quyến thuộc cũng đến trong núi Khê La Kỳ. Các Long Vương này thân hình đều như củ thuốc bốn tấc, do vì giận dữ nên thân họ cao lớn như núi Tu Di.

Ba Tuần xem thấy Chúng Long Vương như vậy rồi bảo quyến thuộc rằng: Lắng nghe lắng nghe, do ma lực của ta làm cho các Long Vương như vậy từ cung thất ra đến Khê La Sơn kia, họ đều mất thế lực chẳng phá hoại được Sa Môn Cù Đàm.

Còn có ma Đại Thần tên là Giới Thê thưa Ma Vương rằng: Đại Vương! Các Long Vương như vậy vì muốn phá hoại thân Thích Ca nên tập hội một chỗ.

Họ đều nghĩ rằng: Nay ta nên dùng phương tiện gì phá hoại thân Cù Đàm.

Ba Tuần nói: Nếu chắc có sự như vậy ngươi nên qua đó xem sao. Đại Thần Giới Thê cùng trăm ngàn vạn quyến thuộc muốn đến núi Khê La Kỳ.

Lúc ấy Đức Thế Tôn từ thiền định khởi ngồi một phía thị hiện thân bình thường. Ma Đại Thần thấy thân thường Như Lai ở nước Ma Già Đà.

Thấy rồi nghĩ rằng: Sa Môn Cù Đàm thối thất thần thông có lẽ sợ ta chẳng, hay muốn ta sanh đại ác chăng?

Ta nên trước đến chỗ Cù Đàm kia để cùng bàn luận.

Ma Đại Thần Giới Thê cùng đại chúng đến Phật nói kệ rằng:

Thân Ngài chưa qua biển sanh tử

Thế nào sẽ độ được chúng sanh

Cù Đàm chớ gạt các chúng sanh

Nói rằng sẽ được đại Niết Bàn

Đức Như Lai nói kệ đáp:

Ta đã được qua biển sanh tử

Cũng được thoát hẳn tất cả cõi

Ta vì nhân duyên đại từ bi

Nói rằng chúng sanh sẽ Niết Bàn

Ngươi đã vô lượng đời thuở xưa

Phát khởi vô thượng bồ đề tâm

Đã từng cúng dường vô lượng số

Trăm ngàn vạn ức các Thế Tôn

Ngươi nay định sẽ được Phật Đạo

Tại sao nói Phật gạt chúng sanh

Nay ta cho ngươi đại niệm lực

Bèn nên chí tâm quán bổn thân.

Ma Đại Thần Giới Thê nghe lời Phật tự quán sát quá khứ bổn thân thấy rõ ràng mình phát bồ đề tâm cúng dường vô lượng vô biên Chư Phật, thấy rồi tâm rất hổ thẹn ở trước Như Lai dập đầu mặt xuống đất sám hối tác lễ bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi đã nhớ vô lượng đời phát tâm bồ đề, đã từng cúng dường vô lượng ức Phật, ở chỗ Chư Phật nghe học Diệu Pháp, đã được tu hành sáu Ba la mật.

Bạch Đức Thế Tôn! Thuở Phật Ca Diếp có một Tỳ Kheo nói Thanh Văn thừa. Tôi chẳng tư duy bèn nói lời ấy chẳng phải là lời Phật là lời nói của ma.

Tỳ Kheo ấy đã phát tâm bồ đề hành bồ đề đạo. Vì nhân duyên ấy nên Ca Diếp Như Lai chẳng thọ ký cho tôi. Tôi nhân việc ấy sanh trong ma giới thọ thân này đến nay đã trải qua năm vạn bảy ngàn ức năm.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi thà đem những thân quá khứ ấy thọ khổ địa ngục chớ trọn chẳng thối tâm bồ đề.

Đức Phật nói: Này Đại Thần! Lành thay lành thay, nếu có người đem hoàng kim như núi Tu Di và các món vật bằng thất bữu trong vô lượng đời cúng dường Chư Phật, phước ấy chẳng bằng phát tâm bồ đề. Tại sao, vì phát tâm bồ đề mới là cúng dường Thập Phương Chư Phật.

Lúc ấy Giới Thê Bồ Tát liền ở tại chỗ được như pháp nhẫn, bèn rời chỗ ngồi đầu mặt tác lễ nhiễu Phật ba vòng đem thượng y nơi thân cúng dường Đức Phật, nhẫn đến quyến thuộc bốn vạn bốn ngàn đại chúng cũng cúng dường như vậy.

Ma Vương Ba Tuần thấy Đại Thần của mình cùng đại chúng quyến thuộc đều quy y Phật, tâm rất khổ não, đóng chặt cửa nẻo ngồi yên một chỗ.

Đức Phật vì đại chúng nói ba thứ từ tâm đó là chúng sanh duyên từ, pháp duyên từ và vô duyên từ tâm như trong hội hư không Mục đã tuyên nói.

Trong lúc ấy tất cả Long Vương đều tập hội núi Khê La Kỳ muốn động chẳng động được, muốn đi chẳng đi được, muốn hiện thân lớn cũng lại chẳng được.

Họ bèn hướng về Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương mà nói rằng: Đại Vương! Trước kia hoá hiện tử thi trong cung thất là do ba tuần làm, vì vậy khiến chúng tôi đều đến núi này thọ thân nhỏ nhít. Nếu có thể quy y Ma Ba Tuần thí có thể được giải thoát.

Y la Bạt La Long Vương nói: Nay Ma Vương đã thất bổn tâm và thần túc làm sao cứu tế các Ngài được. Các Long Vương ấy, hoặc có quy y Tứ Thiên Vương, hoặc có quy y Đao Lợi Thiên, hoặc có quy y Dạ Ma Thiên, hoặc Đâu Suất Thiên, hoặc Hoá Lạc Thiên. Hoặc có quy y Tha Hóa Tự Tại Thiên, hoặc có quy y Phạm Thiên.

Hải Long Vương nói: Các Ngài chẳng thấy Thích Ca Như Lai được tất cả hiền thánh nhân thiên tạp loại thiết đại cúng dường mà quy y đó ư! Có các Long Vương quy y Na Trà Tiên Nhân, hoặc Mã Tàng Tiên Nhân, hoặc Quảng Tiên Nhân, hoặc Quang Vị Tiên Nhân, hoặc Bạt Già Bà Tiên Nhân.

Các Long Vương quy y năm Tiên Nhân như vậy. Năn Tiên Nhân ấy đều được ngũ thông ở tại núi Tuyết đều đang nghe Quang Vị Tiên Nhân tuyên nói chánh pháp. Quang Vị Bồ Tát cũng dùng vô lượng các thứ tán thán để tán thán Đức Như Lai.

Các tiên nhân đều nghe âm thanh của tất cả Long Vương, liền bạch Quang Vị Tiên Nhân rằng: Ngài có nghe tiếng khóc kêu của các Long Vương chẳng?

Quang Vị đáp: Tôi có nghe.

Chư Thiên nói: Thưa Đại Sĩ! Duy nguyện đến đó cứu khổ họ.

Quang Vị nói: Các Ngài nên đến đó, tôi đi chẳng được, tại sao, vì hiện nay có Đại Thiên muốn được nghe vô duyên từ tâm vậy. Bốn Tiên Nhân lễ lạy Quang Vị rồi đến núi Khê La Kỳ để cứu tế. Chư Long Vương thấy bốn Tiên liền cất tiếng cầu ai cứu tế.

Chư Tiên nói: Ta chẳng cứu được. Trong núi Tuyết có một Bồ Tát tên là Quang Vị, người ấy có thể cứu. Các ngươi nên nhất tâm cầu ai tác lễ. Chư Long Vương đều hướng về núi Tuyết làm lễ đồng thanh cầu cứu. Quang Vị nghe tiếng ấy bèn cùng vô lượng Chư Thiên cúng dường đến núi Khê La Kỳ.

Chư Long Vương thấy rồi đầu mặt lễ lạy: Duy nguyện Đại Sĩ cứu khổ chúng tôi. Quang Vị Bồ Tát biết đã đến lúc, muốn nói tinh tú.

Hải Long Vương bạch rằng: Bạch Đại Sĩ!

Tinh tú ấy của ai nói?

Ai làm đại tinh, ai làm tiểu tinh?

Ai làm nhật nguyệt?

Trong ngày nào tinh nào ở trước?

Thế nào là mãn nguyệt?

Thế nào là thời giờ?

Các tinh tú như vậy hệ thuộc Thiên nào, tánh là gì, tinh tú nào khinh, nào trọng, nào thiện, nào ác, nào thực, nào thí?

Ai tạo ngày?

Ai tạo đêm?

Bóng có mấy bộ gọi là chuyển, thế nào gọi là nam chuyển.

Thế nào gọi là Bắc chuyển?

Thưa Đại Sĩ! Ngài ở trong hàng Chư Tiên là đệ nhất hơn cả, duy nguyện đầy đủ phân biệt giải nói.

Quang Vị Bồ Tát bảo Chư Long Vương rằng: Này Đại Vương! Đời quá khứ trước, ban sơ của hiền kiếp, thành Chiên Đà Diên có vua tên là Vô Lượng Tịnh dùng chánh pháp trị nước. Vua ấy chẳng tham dục lạc, thường thích tịch tĩnh tài trí thông đạt. Vua có phu nhân dục tâm phát động cùng Vua du hành ở trong một khu rừng lòng tham dục nhìn Vua liền có thai, đủ ngày sanh ra một con trai.

Đứa trẻ ấy đầu tai mắt môi miệng cổ đều giống lừa, các phần khác giống người. Bà mẹ thấy rồi sợ quá ném nó vào nhà xí, thân nó chưa chạm đất được lủ quỷ ở trên không tiếp lấy đem đến núi Tuyết chăm sóc nuôi dưỡng như con đẻ. Trong núi Tuyết có thuốc ngọt ngon, lủ quỷ hái lấy cho trẻ ấy ăn.

Trẻ ấy ăn rồi thân liền chuyển lạ có đại quang minh đầy đủ phước tướng có đại từ bi. Do cớ ấy nên được Chư Thiên lễ bái cúng dường tán thán.

Trẻ ấy tất cả thân tướng đều chuyển đổi chỉ có môi thì giống môi lừa, nên có tên là Lư Thần. Do phước lực của Lư Thần nên trong núi Tuyết sản xuất các thứ dưa quả và dược thảo.

Lư Thần Tiên Nhân suốt sáu vạn năm thọ trì cấm giới, thường co một chân lên. Tất cả Phạm Thiên, Ma Thiên, Đế Thích đại thiết cúng dường để cúng dường đó và bạch Lư Thần Tiên Nhân muốn cầu sự gì xin được nói cho, chúng tôi biết rồi nếu sức chúng tôi làm được sẽ ban cho Ngài.

Lư Thần Tiên Nhân nói: Nay tôi muốn biết tinh tú để lợi ích mọi người vì lòng tôi thương xót họ.

Tất cả Chư Thiên nói: Nếu vì thương xót tất cả chúng sanh mà muốn được biết, nguyện sẽ nói đó.

Lư Thần Tiên Nhân nói: Thưa Phạm Thiên! Thiệt tôi chẳng hiểu tinh tú tối sơ v.v…

Lúc Quang Vị nói tinh tú ấy, Chư Đại Long Vương đối với Quang Vị Bồ Tát sanh tâm vui mừng.

Quang Vị Bồ Tát lại vì chư Long Vương phát âm thanh vi diệu tán thán Tam Bảo rồi nói rằng: Chư Đại Vương! Nay ta thiệt chẳng thể cứu vớt khổ các Ngài. Chỉ có Thích Ca Như Lai Thế Tôn mới cứu được. Đức Thích Ca Như Lai vì muốn điều phục các chúng sanh, nên trong vô lượng đời xả bỏ sở hữu trân quý tu tập từ bi để cứu khổ não.

Nghe lời ấy, tất cả Long Vương và quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ đều chí tâm niệm Phật tán thán quy y: Nam Mô Phật Thế Tôn, ở trong tất cả chúng sanh rất là thù thắng, ở trong tất cả pháp tâm được tự tại, ở trong các pháp hải đã đến bờ kia, hay cứu tất cả chúng sanh khổ não ban cho họ an lạc bình đẳng không hai, thương xót tất cả, hay chỉ đường chánh ban cho chánh nhãn, được tất cả Thiên Long cúng dường, hay thọ cúng cụ vị diệu của tất cả nhân thiên trong tất cả Thế Giới mười phương.

Chúng tôi thọ nhiều vô lượng khổ não, duy nguyện Đức Thế Tôn từ bi thương cứu. Thành tâm niệm Phật rồi, tất cả chư Long tự thấy thân mình như cũ.

Quang Vị Bồ Tát bảo chư Long Vương rằng: Như Lai công đức bất khả tư nghị, vì chúng sanh nên trong vô lượng Đời Như Lai tu hành đầy đủ sáu Ba la mật, tuyên nói ba thứ từ bi điều phục chúng sanh, tuyên nói tất cả pháp vô ngã vô tác, tuyên nói ấm, nhập, giới, tứ, đại, các phiền não tuyên nói tánh phiền não, và tánh chúng sanh.

Tuyên nói tất cả pháp vô tánh, vô tướng, vô ngại, vô tác, vô cấu, vô tịnh, vô minh, vô ám, vô thủ, vô xả, vô hành, vô trụ, vô nhứ, vô nhị, tất cả ấm, nhập, giới tứ đại cũng đều như vậy. Đây gọi là Đệ nhất nghĩa không.

Vì vậy nên Như Lai hay điều phục chúng sanh là Đấng Vô Thượng Tôn. Vì vậy nên Đức Như Lai có thể cứu vô lượng khổ não của các Ngài.

Quang vị Bồ Tát cùng Chư Tiên Nhân tất cả Long Vương và quyến thuộc đồng đến chỗ Đức Phật lễ bái cung kính hữu nhiễu rồi ngồi qua một phía.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Quang Vị Bồ Tát rằng: Này Quang Vị! Nay ông có muốn nghe nghiệp của chư Long chẳng?

Quang Vị Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay đã đúng lúc, duy nguyện Đức Như Lai tuyên nói đó.

Đức Phật nói: Lành thay lành thay, lắng nghe, lắng nghe, này Quang Vị! Phật sẽ vì ông mà diễn nói. Tất cả nhân Thiên dâng hương hoa tốt, phan lọng, kỹ nhạc cúng dường Phật. Đức Thế Tôn cùng Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc, vô lượng Thanh Văn và Bồ Tát từ nước Ma Già Đà thẳng đến núi Tu Di.

Phạm Vương thiết toà Thất Bảo để chờ Như Lai, lại còn tạo làm đường Thất Bảo rồi bạch rằng: Duy nguyện Như Lai đi trên đường này và ngồi tòa của tôi.

Tha Hóa Tự Tại Thiên dùng Diêm Phù Đàn Na bảo làm tòa ngồi và đường đi cũng nguyện như trên.

Hóa Lạc Thiên dùng vàng Cõi Trời làm tòa ngồi và đường đi cũng ước nguyện như vậy.

Đâu Suất Đà Thiên dùng bạc Cõi Trời làm tòa ngồi và đường đi cũng cầu nguyện như vậy.

Dạ Ma Thiên dùng lưu ly làm tòa ngồi và đường đi cũng nguyện cầu như vậy.

Đao Lợi Thiên dùng chân châu làm tòa ngồi và đường đi cũng cầu mong như vậy.

Tứ Thiên Vương dùng mã não làm tòa ngồi và đường đi cũng nguyện như vậy.

Tứ A Tu La Vương dùng Chiên Đàn làm tòa ngồi và đường đi cũng mong cầu như vậy.

Vì lòng lân mẫn, Đức Thế Tôn hóa thân Phật khắp đi bảy đường, khắp ngồi bảy tỏa.

Còn chân thân Như Lai thì đi và ngồi đường và tòa của Phạm Vương sắp đặt. Mỗi mỗi Hoá Phật đều có vô lượng Thanh Văn và Bồ Tát làm quyến thuộc. Quang minh của mỗi Hoá Phật nhu ánh sáng của vô lượng nhật nguyệt.

Chư Long Vương thấy Hoá Phật rồi lòng rất kính trọng đồng nói rằng: Nay núi Tu Di bèn có trăm ngàn nhật nguyệt như vậy chăng.

Nan Đà, Bạt Nang Đà Long Vương nói: Đức Như Lai Thế Tôn cùng vô lượng Pham Thiên đến núi Tu Di, đó là quang minh của Phật chớ chẳng phải nhật nguyệt. Các Ngài nếu muốn giải thoát thì nên chí tâm chuyên niệm Như Lai, Như Lai Thế Tôn đã phá hết vô minh nên nay có quang minh như vậy.

A Na Bà Đạt Đa Long Vương nói: Quang minh ấy là của ma mương chẳng phải của Phật. Tại sao, vì tất cả Dục Giới thuộc Ma Ba Tuần, Ma Ba Tuần hay làm điều ác ấy, nay vì thương xót nên có thể cứu khổ của chư Long Vương như vậy.

Còn có Long Vương nói là của Hoá Tự Tại Thiên, còn có nói là của Hóa Lạc Thiên, Đâu Suất Thiên, Dạ Ma Thiên, Đao Lợi Thiên, Tứ Vương Thiên vì thương xót nên có thể cứu khổ chư Long Vương như vậy.

Thiện Trụ Long Vương nói: Quang minh đó là của Quang Vị Bồ Tát vì thương xót nên có thể cứu khổ chư Long Vương như vậy.

Bảo Kế Long Vương nói: Quang minh ấy là của người Đại Đức xuất gia cạo bỏ râu tóc, vì thương xót nên có thể cứu khổ chư Long Vương như vậy.

Hải Long Vương nói: Quang minh ấy là của Như Lai. Tại sao, vì thương xót vậy, Như Lai Thế Tôn ở nơi các chúng sanh tu nhất tử tưởng, hay cứu chúng sanh tất cả khổ não, trong vô lượng đời tu hành đầy đủ sáu Ba la mật chỉ vì cứu tế tất cả chúng sanh khổ não. Vì vậy nên Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc sắp đặt đại cúng cụ để cúng dường Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích rằng: Này Kiều Thi Ca! Như ta đi trong Thế Giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh, cũng như Ngài ở Đao Lợi Thiên để độ Chư Thiên.

Đế Thích nói: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi chưa có vô biên trí, sao lại nói là tôi có thể hóa độ Chư Thiên.

Bạch Đức Thế Tôn! Nay núi Tu Di này có vô lượng Chư Thiên, vô lượng Phạm Thiên, vô lượng Quỷ Thần, vô lượng Càn Thác Bà, vô lượng Khẩn Na La, vô lượng Ca Lâu La, vô lượng A Tu La, vô lượng Ma Hầu La Già, vô lượng Chư Long, vô lượng Đại Tiên, vô lượng Thánh Nhân. Duy nguyện Như Lai thương xót hoá độ chúng sanh như vậy.

Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, từ miệng Phật phát xuất vô lượng sắc quang sanh vàng đỏ trắng pha lê nhiều màu chiếu khắp mười phương những chỗ tối tăm, hay phá hoại tất cả các ác nghiệp ma hơn hẳn quang minh của vô lượng ức Phạm Thiên, Đế Thích nhật nguyệt.

Đức Phật nói với Thiên Đế Thích: Này Kiều Thi Ca! Tất cả núi trong Ta Bà Thế Giới, núi Tu Di là lớn hơn cả. Ta cũng vậy, là hơn hết trong tất cả chúng sanh.

Chư Long Vương nghe lời ấy đều bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Duy nguyện xót thương cứu khổ chúng tôi.

Đức Phật nói: Chư Long Vương! Các ngươi nên trước chí tâm niệm Phật, ta sẽ cứu cho.

Đức Phật dùng âm thanh nghe khắp mười phương Thế Giới mà bảo Tôn Giả Kiều Trần Như rằng: Này Kiều Trần Như! Tất cả các pháp đếu vô thường, tất cả các pháp sanh trụ vô thường, tại sao, vì sanh nhân duyên vậy. Tất cả nhân duyên sanh pháp tức là khổ vậy. Nếu lúc pháp sanh tức là khổ, tức là nhọt ghẻ, tức là hữu chi, tức là sanh lão, tức là sanh diệt.

Này Kiều Trần Như! Nhãn tức là vô thường khổ, nhãn sanh ấy tức là khổ, là nhọt ghẻ, là hữu chi, là sanh lão, tức là sanh diệt. Như nhãn, nơi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý cũng vậy.

Này Kiều Trần Như! Nếu nhãn diệt thì tức là sanh, lão, bệnh, tử diệt, tất cả hữu chi diệt, nhẫn đến ý cũng như vậy. Vì chúng sanh chẳng biết nhãn sanh diệt nên lưu chuyển trong ngũ đạo.

Đức Như Lai vì giúp nhãn sanh diệt nên diễn thuyết pháp, cũng vì nói khổ đoạn khổ hành pháp. Vì vậy nên Như Lai là Đại Phạm trong Phạm, là Đại Thiên trong Thiên, là Đại Tượng trong Tượng, là Đại Sa Môn trong Sa Môn, là Đại Bà La Môn trong Bà La Môn, là đại từ trong từ, là đại bi trong bi, là Vô Thượng Tôn.

Là Đại Trượng Phu, đã đến bờ kia của biển lớn sanh tử, là tối đại phước điền, là vô thắng thí chủ, tâm thường bình đẳng, là Đại pháp Vương trì đại cấm giới, là vô thượng tinh tiến khéo tu phạm hạnh, biết rõ chánh đạo làm Đại Đạo Sư thông đạt các nghiệp khác.

Này Kiều Trần Như! Vì khéo biết nhãn sanh diệt nhân duyên nên gọi là Như Lai. Vì chẳng biết rõ nhãn sanh diệt nhân duyên nên gọi là phàm phu.

Thế nào là chẳng biết mà gọi là phàm phu?

Này Kiều Trần Như! Tất cả chúng sanh đều nói có ngã, do đây nên chẳng biết tướng nhãn sanh diệt mà phải luân chuyển ngũ đạo.

Này Kiều Trần Như! Có các nhà ngoại đạo nói rằng kiến là ngã, đến nói rằng tri ấy là ngã, nhãn ấy là nhân duyên của ngã, đến ý ấy là nhân duyên của ngã. Họ nói nhãn dụ như lỗ trống, ngã dụ như thấy.

Nếu như vậy thì gọi là điên đảo, tại sao?

Vì thấy được nói đó là hoà hiệp, ở trong hòa hiệp mà cho là ngã nên là điên đảo. Nếu nói lỗ trống dụ cho nhãn, còn thấy dụ cho ngã, nghĩa này chẳng đúng.

Tại sao?

Vì trong lỗ trống mà thấy đó, cũng có thấy, cũng có nghe, cũng có biết, cũng cảm xúc mà nhãn thì không có như vậy. Vì vậy nên thấy ấy chẳng được gọi là ngã. Lỗ trống dầu lâu cũ mà thấy vẫn tỏ rõ. Nhãn nếu lâu cũ thì chẳng được như vậy. Ngã ấy gọi là thường. Nếu ngã là thấy là nghe thì ngã là vô thường. Đã vô thường đâu được gọi là ngã.

Này Kiều Trần Như! Vì điên đảo nhân duyên nên chúng sanh chẳng thấy tứ Chân Đế. Như Lai đạt tướng điên đảo ấy nên gọi là chánh trí. Ngã ấy tức là Như Lai. Nếu có người biết được Như Lai ngã ấy, người này có thể phá hoại tướng điên đảo. Nếu hoại điên đảo thì phá ma nghiệp. Nếu phá ma nghiệp, người này có thể cứu khổ Chư Long.

Này Kiều Trần Như! Vì vậy nên nay Phật có thể cứu khổ não Chư Long Vương vậy. Nghe pháp ấy, tất cả Chư Long Vương và quyến thuộc vui mừng hớn hở lòng khổ não liền trừ đồng kính lễ nhất tâm quy hướng Tam Bảo. Phật nói pháp ấy rồi, tất cả đại chúng đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần