Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Hai
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH
BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẦN HAI
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, ra khỏi Tinh Xá, lên ngồi trên pháp tòa. Cùng lúc đó, Đức Thích Ca Mâu Ni và các Đức Phật trong mười phương cùng phát ra những lưới ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc soi sáng chánh pháp, nhằm khiến cho các chúng sinh khởi tâm ưa thích.
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng hai vị Bồ Tát Mỹ Âm và Diệu Âm đi khắp các Cõi Phật, đến nơi nào Bồ Tát cũng đều lễ bái cúng dường các Đức Phật, tôn kính khen ngợi. Vì tất cả chúng sinh, vì đạt được trí tuệ Phật, vì giúp chúng sinh để họ nhận lấy sự giáo hóa, nên Bồ Tát đã hiện những việc thần biến không thể suy nghĩ bàn luận tùy theo sự ưa thích của họ mà nói pháp.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử biết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã an tọa trên pháp tòa, liền cùng các vị Đại Bồ Tát từ dưới đất hiện lên, đứng trước Đức Phật, cùng với vô lượng A tăng kỳ số trăm ngàn muôn ức na do tha các vị Đại Bồ Tát đi nhiễu quanh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến trăm ngàn vòng rồi cầm các hoa có trăm ngàn muôn ức màu sắc.
Các hoa ấy có trăm ngàn muôn cánh nhiều chẳng thể suy nghĩ bàn luận, đều sinh tâm vui mừng hớn hở, tung rải lên chỗ Phật để cúng dường. Cac hoa tung rải ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, các vị Bồ Tát lại dùng hương Chiên Đàn bột Ưu Lặc Ca Sa la rải lên chỗ Phật, lại rải các thứ hoa hương.
Các thứ hoa hương ấy cũng có trăm ngàn màu sắc, thường thoảng ra hương thơm trì giới, hương thơm nhẫn nhục, hương thơm tinh tấn, hương thơm thiền định, hương thơm trí tuệ. Hương thơm trí phương tiện, hương thơm Thần Thông, hương thơm sáu pháp Ba la mật, hương thơm không chấp trước, hương thơm của các đạo phẩm phương tiện.
Các thứ hương Chiên Đàn ấy có công năng làm cho vui mừng hớn hở, ánh sáng của các thứ hương ấy đều được sự giữ gìn do thần lực của các Đức Phật trong mười phương, vì cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế các vị Đại Bồ Tát đều phát khởi sự tinh tấn lớn lao, tinh tấn mạnh mẽ, sự tinh tấn vượt hơn mọi thứ, sự tinh tấn vững chắc, sự tinh tấn không gì có thể sánh được, tất cả để cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng các vị Đại Bồ Tát muốn tăng thêm vẻ trang nghiêm cho cõi này, nên đã tạo ra những cây báu Ma ni hình tám cạnh, lại có các thứ cây báu trang nghiêm, cùng với những lọng báu, cờ phướn và các lưới linh để trang sức, biến khắp mặt đất thành báu ma ni, trên mặt đất ấy có tạo ra những tòa gác nguy nga với những cửa lớn, cửa sổ, lan can, tường vách đều làm bằng những loại châu báu.
Rồi nao sông suối, ao hồ lớn nhỏ với các loại hoa: Ưu Bát La, Ba Đầu Ma, Phân Đà Lợi, báu Ma ni. Nước cam lộ đầy ngập trong đó, nước ấy có tám mùi vị tuôn chảy. Lại có vô số loài chim bay đến tụ tập trên cây.
Các vị Đại Bồ Tát tạo ra các sự biến hóa ấy nhằm giúp cho chúng sinh khởi tâm vui mừng, vì chứng được trí Phật, phát tâm nhẫn nhục chịu đựng, phát tâm bồ đề, hóa hiện vô lượng thần biến như thế là nhờ vào năng lực của các Đức Phật, cũng là thần lực của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, cũng là năng lực bản nguyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng các vị Đại Bồ Tát làm việc thần biến ấy xong, liền đứng trước Đức Như Lai.
Khi ấy, Đức Thế Tôn phát ra ánh sáng từ pháp sinh, chiếu khắp thân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các vị Đại Bồ Tát khiến hai vị này ngồi, Đức Phật liền mỉm cười, từ thân hiện ra hoa sen, hoa ấy có trăm ngàn màu sắc, phát ra vô lượng trăm ngàn không thể nghĩ bàn ánh sáng, gốc là kim cương, nhụy là báu Nhân Đà La, đài bằng Chiên Đàn bảo vương Ưu Lặc Ca Sa La và ở trên hư không các vị Đại Bồ Tát đều ngồi kiết già trên hoa sen ấy.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi rốn phát ra một luồng ánh sáng rực rỡ gọi là chiếu chư chúng sinh tối thắng kim cang vương. Trong luồng ánh sáng đó có một ức na do tha hoa sen, các hoa sen này cũng phát ra ngần ấy mau sắc vắng lặng vô lượng, vô biên, còn hơn ánh sáng mặt trời, mùi thơm thanh tịnh, tinh khiết chiếu khắp mười phương.
Trong mỗi đóa hoa tự nhiên biến thành một màn hoa nhiệm mầu, được các Đức Phật giữ gìn, từ pháp tánh sinh ra, an ổn vắng lặng, thuận theo cửa giải thoát là không, vô tướng, vô tác, tương ưng với không sinh, không diệt, vượt qua ba cõi.
Mắt thấy bình đẳng, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi an tọa trên màn hoa, thân tướng hiện rõ, nhất tâm chắp tay chánh niệm quán tưởng Phật, cái gọi là Phật có khả năng thông đạt tất cả các pháp, có khả năng sinh ra pháp chánh định Kim cang, chánh định thấy tất cả pháp không thật có.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết các vị Đại Bồ Tát theo hầu Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các Đức Phật trong mười phương ưa thích, mong cầu chánh pháp, chuyên hướng Nhất thừa, đối với các Đức Phật đời quá khứ đã vun trồng các căn lành, được Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi che chở nên tâm không yếu đuối, siêng tu tinh tấn, cầu được giác ngộ như Phật, tất cả các vị Bồ Tát đều ngồi xong.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A Nan: Ông hãy đi khắp rừng Kỳ đà, báo cho các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di để họ nhóm họp nghe pháp.
Tôn Giả A Nan nghe lời Phật dạy bèn đến phòng các Tỳ Kheo thông báo: Thưa các Đại đức! Hôm nay Đức Thế Tôn bảo các Đại đức nhóm họp nghe pháp.
Các vị Tỳ Kheo thưa: Thưa Đại Đức A Nan! Chúng tôi trước đã thấy điềm lành ấy nhưng không thể đi đến Đạo Tràng được.
Ngài A Nan hỏi: Vì việc gì mà các Đại Đức không đến được.
Các Tỳ Kheo đáp: Chúng tôi thấy khắp rừng Kỳ Đà đầy ắp những nước, nước thật trong trẻo, không chút xao động vẩn đục, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp, phòng ốc cây cối thì hoàn toàn chẳng thấy. Do vậy mà chẳng thể đi đến Đạo Tràng được.
Tôn Giả A Nan nghe nói thế liền trở lại chỗ Phật, thưa rõ mọi việc với Đức Thế Tôn.
Phật bảo A Nan: Các Tỳ Kheo ấy, ở nơi không có nước mà tưởng là có nước, chẳng những ở nơi không có nước tưởng là có nước mà còn đối với chẳng phải sắc mà tưởng là có sắc, chang phải thọ, tưởng, hành, thức mà tưởng là có thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải là tin tưởng vững chắc mà tưởng là tin tưởng vững chắc, chẳng phải là pháp vững chắc mà tưởng là pháp vững chắc.
Chưa vào hàng tám bac tưởng là đã vào hàng tám bậc, chưa chứng được bốn quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán mà tưởng mình đã chứng được, chưa đạt được các thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật mà đã tưởng là đạt được…
Này A Nan! Ông hãy đến báo lại cho các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di biết để đến nhóm họp nghe pháp, vì đây là pháp mà các vị chưa từng được nghe.
Tôn Giả A Nan vâng lời Phật, lại đến chỗ các vị Tỳ Kheo thông báo: Thưa các Đại đức! Đức Thế Tôn dạy các vị hãy nhóm họp nghe pháp.
Âm thanh ấy vang khắp cả nước Xá Vệ khiến các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều nghe âm thanh ấy. Lúc này, Tôn Giả A Nan biết bốn bộ chúng nghe lời mình thông báo rồi, bèn trở về chỗ Phật bạch Phật là mình đã hoàn tất công việc được giao.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Tôn Giả hãy đi khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, thông báo cho các vị Đại Bồ Tát là những vị phát tâm đại trang nghiêm và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tám bộ chúng Trời, Rồng, Da Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân là những vị kính tin Phật, Pháp, Tăng từ lâu đã gieo trồng các căn lành, tất cả hãy nhóm họp tại rừng Kỳ Đà để nghe nhận chánh pháp.
Pháp này là pháp từ trước tới nay các vị chưa từng được nghe, Trời, Người, A Tu La và các thế gian khác không thể chuyển được.
Chỉ có các vị Đại Bồ Tát, đối với các Đức Phật quá khứ từ lâu đã vun trồng các căn lành: Ưa thích mong cầu đại thừa, Tối thắng thừa, Đệ nhất thừa, Vô thượng thừa, Vô đẳng đẳng thừa, phát tâm cầu cảnh giới trang nghiêm lớn lao, siêng năng thực hành pháp này thì mới có thể chuyển được.
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, liền biến mất trước Phật, chỉ trong khoảnh khắc đã đi khắp tam thiên đại thiên Thế Giới thông báo cho các vị Đại Bồ Tát, bốn chúng đệ tử cùng tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa… những vị đã từng kính tin Tam Bảo, từ lâu đã vun trồng các căn lành: Đức Thế Tôn dạy các vị hãy đến nhóm họp nghe pháp.
Bấy giờ, Tôn Giả Mục Kiền Liên nương uy lực Phật và thần túc của mình trở về chỗ Phật, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các vị đến nghe pháp đã nhóm họp đầy đủ.
Bấy giờ, bốn chúng đã nhóm họp đông đủ, chiếm một khoảng rộng lớn đến một ngàn do tuần, trên hư không, các vị Trời và các chúng sinh khác trụ trong hư không cũng chiếm một khoảng rộng đến năm ngàn do tuần.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện giờ bốn chúng đã nhóm họp đông đủ, nhất tâm chắp tay đảnh lễ Đức Như Lai, cung kính cúng dường, nhưng vì oai đức của Thế Tôn nên chưa dám ngồi, vậy cúi mong Thế Tôn từ bi thương xót cho bốn chúng được ngồi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười. Lúc ấy, có vô số hoa sen màu vàng Diêm phù na đề từ dưới đất vụt hiện lên, mỗi đóa hoa có tới trăm ngàn cánh, gốc bằng chất báu Thị Lợi Ca, nhụy là báu Nhân Đà La Ni, đài bằng trân châu đỏ, cọng bằng bảy thứ báu, lớn như bánh xe, các vị đến nhóm họp ở trước Phật đều ngồi hoa sen ấy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các vị Đại Bồ Tát từ các phương khác nhóm họp đến cũng đều ngồi trên hoa sen đó. Tất cả các vị Bồ Tát tự trang nghiêm thân sắc vàng ròng của mình, bằng ba mươi hai tướng, đều nhập các Tam Muội, thân phát ánh sáng.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và các vị Đại Bồ Tát, bốn chúng đến nhóm họp và ngồi trên các đài hoa sen, đều cúi mình cung kính, nhất tâm chắp tay chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.
Lúc này, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện giờ bốn chúng này và các vị Trời trên hư không đều đã ngồi xong. Kính mong Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác nói rộng về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân. Hiện giờ trong chúng hội Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng trăm ngàn các vị Trời đều nghĩ rằng mình đã chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, tưởng mình đã được thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật.
Cúi mong Thế Tôn hãy giúp cho bốn chúng ở đây dứt bỏ các ý tưởng ấy, đồng thời do nhân duyên nào mà Thế Tôn đã nói về các quả, các thừa ấy.
Đức Phật im lặng không trả lời.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất bach Phật: Bạch Thế Tôn! Vào lúc cuối đêm, khi tướng sáng xuất hiện, con từ phòng mình đi đến phòng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, lúc sắp sửa bước vào phòng thì chợt thấy từ xa bên cạnh Tinh Xá Phật có mười ngàn đóa hoa sen bay vòng quanh Tinh Xá, lại nghe có tiếng âm nhạc ca tụng. Các hoa sen ấy đều phát ra ánh sáng rực rỡ chiếu khắp rừng Kỳ Đà và nước Xá Vệ, cho đến cả tam thiên đại thiên Thế Giới.
Những hình ảnh như vậy là điềm lành báo trước việc gì?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Đó là điềm lành báo trước việc Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khuyến thỉnh ta nói pháp.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn vào lúc cuối đêm, con thấy ánh sáng từ bên ngoài theo khe hở của cửa lớn chiếu vào phòng nên rời khỏi giường đi ra ngoài thì thấy ánh sáng rực rỡ chiếu khắp rừng Kỳ Đà giống như Mặt Trời đã mọc, lại thấy cả rừng Kỳ Đà đầy ắp nước, nước rất trong trẻo không chút vẩn đục, phòng ốc cây cối đều biến mất, những hình ảnh như vậy là điềm lành báo trước việc gì?
Đức Phật đáp: Đó là điềm lành báo trước việc Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ khuyến thỉnh ta giảng nói về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì Tôn Giả A Nan mà nói kệ:
Phật thừa không gì hơn
Thanh tịnh không nhơ uế
Văn Thù bậc không sợ
Nay hỏi việc như vậy.
Thừa ấy không phân biệt
Vô lậu, không đùa bỡn
Văn Thù bậc không sợ
Nay hỏi việc như vậy.
Thừa đó không thật có
Rốt ráo chẳng chỗ sinh
Chỗ ấy không đáng đắm
Nay Văn Thù đã hỏi
Việc ấy không hề nói
Xuất sinh ra các quả
Chư Phật dắt dẫn đời
Nói lời mềm mỏng này.
Bồ đề không âm thanh
Cũng không tướng đến đi
Văn Thù bậc không sợ
Nay hỏi việc như vậy
Tuy nói các âm thanh
Tánh nó chẳng thật có
Pháp do Văn Thù hỏi
Không âm thanh, tên gọi
Âm thanh như gió thoảng
Không tánh, chẳng chỗ trụ
Pháp do Văn Thù hỏi
Xa lìa các âm thanh
A Nan hãy lắng nghe
Pháp do Văn Thù hỏi
Các Phật nêu mật ngữ
Giảng nói bồ đề không
Pháp bồ đề các Phật
Tướng thảy đều vắng lặng
Không có các nơi chốn
Cũng chẳng có chỗ trụ
Bồ đề như hư không
Chẳng sinh cũng không diệt
Cũng không tướng đến đi
Chỉ Phật hiển bày được
Giống như trong hư không
Không có các tướng mạo
Nay Văn Thù hỏi đó
Pháp bồ đề nhiệm mầu
Các Phật trong ba đời
Đều nói bồ đề này
Chẳng phải pháp thấy được
Cũng chẳng có người thấy
Tánh tướng pháp như vậy
Nhờ âm thanh hiện rõ
Pháp giới và bồ đề
Cả hai không thấy nhau.
Đàn Ba la mật trọn
Trì giới cũng như thế.
Bậc đạt được nhẫn nhục
Phật bồ đề hiện rõ.
Đạt được hạnh tinh tấn
Thiền định cũng như vậy.
Trí tuệ được thanh tịnh
Hiểu bày được bồ đề.
Đạt được các phương tiện
Đến bờ kia thần thông.
Không tựa, không chỗ nương
Dùng thanh nói bồ đề.
Ta nói pháp ba thừa
Các quả tên gọi khác
Tùy họ thích nghe gì
Mà giảng nói cho hiểu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Khiển Trừ Ma Ngoại
Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Việc độ Người
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Tám - Thập Nhất Diện Quán Thế âm Thần Chú Kinh - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Pháp Thừa Nghĩa Quyết định - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi Ba - Kinh Quỷ La Sát Giả