Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI
KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM NHẤT THỪA
TẬP HAI
Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười hai phương pháp trì giới được lợi ích lớn. Bồ Tát nên thực hành trì giới Ba la mật.
Mười hai lợi ích của trì giới Ba la mật là gì?
1. Trì giới có thể giữ gìn các thiện căn, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
2. Trì giới được vào đạo Bồ Tát, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
3. Trì giới được giải thoát các sự trói buộc của phiền não, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
4. Trì giới có thể vượt qua tất cả các đường ác, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
5. Trì giới có thể dứt hết đau khổ của chúng sinh trong đường ác, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
6. Trì giới thì nghiệp thân, khẩu, ý không bị Chư Phật Như Lai quở trách, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
7. Trì giới được Chư Phật Như Lai thường khen ngợi, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
8. Trì giới có thể vào trong các cõi nhưng không buông lung, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
9. Trì giới thì đem bố thí cho chúng sinh việc không sợ hãi, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
10. Trì giới được thành tựu nghiệp thiện của thân, miệng và ý, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
11. Trì giới có thể đối với các pháp được tùy thuận tự tại, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
12. Trì giới thành tựu nghiệp của Ba la mật công đức đến đệ nhất bờ kia, cho nên Bồ Tát phải thực hành trì giới Ba la mật.
Này Thiện Nam Tử! Đó là mười hai pháp tu hành trì giới Ba la mật được lợi ích lớn, hồi hướng về quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Đại Bồ Tát.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ khen ngợi trì giới Ba la mật như sau:
Muốn lìa các sinh tử
An ổn đến Niết Bàn
Tất cả Như Lai nói
Trì giới là đệ nhất.
Giới như ao nước mát
Hay sinh các hoa đẹp
Giới như lửa cháy mạnh
Thiêu đốt những cỏ xấu.
Giới, người khéo hành trì
Như chim bay trên không
Không sợ đạo sinh tử
Trong những nẻo đường ác.
Đường ác rồng độc lớn
Vô minh các La Sát
Thấy người trì tịnh giới
Cung kính bỏ tâm hại,
Tất cả chư Như Lai
An ổn trụ Niết Bàn
Chấm dứt các đường ác
Đều do trì giới vậy.
Vì thế, các Phật Tử
Muốn cầu đạo vô thượng
Giữ vững các gốc thiện
Trì giới Ba la mật.
Bồ Tát nên tư duy
Sống hoàn toàn theo giới
Cởi bỏ dây phiền não
Đóng cửa những đường ác.
Nếu muốn trì tịnh giới
Phải nên như trâu đen
Vì giữ một chiếc lông
Thà chết không tiếc mạng,
Giữ các nghiệp cũng vậy
Đó chính là trì giới
Như Lai thường khen ngợi
Chỗ cầu được thành tựu.
Người hay trì tịnh giới
Có công đức như vậy
Cho nên các Bồ Tát
Thường phải giữ tịnh giới,
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Không làm các điều ác
Có thể đến Niết Bàn
nhất thiết trí hiện tiền.
Trì giới không phóng dật
Các điều thiện vững chắc
Trong pháp được tự tại
Giữ sạch giới Chư Phật,
Bồ Tát trì tịnh giới
Xem vật không oán, thân
Bình đẳng với quần sinh
Người thấy không sợ hãi.
Ta sống theo trì giới
Thường tu không phóng dật
Cho nên nay được lìa
Tất cả mọi đường ác,
Đến bờ kia đệ nhất
Như chỗ báu công đức
Vì thế, các Bồ Tát
Thường phải trì tịnh giới.
Bồ Tát nếu muốn cầu
Công đức Bồ Đề Phật
Trì giới như trâu đen
Chánh niệm không buông lung,
Những Bồ Tát như thế
Chính đó là người trí
Mau chóng đến bờ kia
Trụ bồ đề quả Phật.
Này thiện nam! Bồ Tát đã tu hành các pháp như thế, lại có mười ba cách quán tu hành nhẫn nhục Ba la mật, được lợi ích lớn. Bồ Tát nên thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
Mười ba lơi ích của nhẫn nhục Ba la mật là gì?
1. Hạnh nhẫn tức là nhẫn nại, chịu đựng mọi buồn phiền, có khả năng chứng tất cả pháp không, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
2. Hạnh nhẫn là không thấy có ta bị người khác hại, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
3. Hạnh nhẫn là không thấy chúng sinh có kẻ thân người oán, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
4. Hạnh nhẫn là không thấy thân ta, người bị tổn hại, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
5. Hạnh nhẫn là khi bị người lăng nhục hay khen ngợi tâm thường không bị dao động, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
6. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ phiền não và các kết sử, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
7. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ sân hận và các kết sử, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
8. Hạnh nhẫn có thể đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
9. Hạnh nhẫn là có khả năng từ bỏ con đường ác, sinh lên cảnh giới Phạm Thiên, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
10. Hạnh nhẫn có thể vượt qua các cảnh giới tổn hại, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
11. Hạnh nhẫn có thể chứng đắc được tận trí và vô sinh trí, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
12. Hạnh nhẫn có khả năng thu phục tất cả ma ác ở các cảnh giới, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
13. Hạnh nhẫn có khả năng thấy thân Như Lai có vô lượng công đức trang nghiêm, cho nên Bồ Tát phải thực hành nhẫn nhục Ba la mật.
Này thiện nam! Đó là mười ba cách quán chiếu, tu hành nhẫn nhục Ba la mật được lợi ích lớn, hồi hướng đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Đại Bồ Tát.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền dùng kệ khen ngợi nhẫn nhục Ba la mật như sau:
Muốn vì các chúng sinh
Làm nơi về nương tựa
Khiến sinh tâm không sợ
Nhẫn nhuc là đệ nhất.
Người hay hành nhẫn nhục
Người thấy đều vui vẻ
Kẻ thù bỏ tâm ác
Xem nhau là bằng hữu.
Tất cả các Như Lai
Thành tựu tâm bình đẳng
Chỗ chúng sinh nương tựa
Đều do hành nhẫn vậy.
Vì thế, các Phật Tử
Muốn cầu đạo vô thượng
Để mọi loài nương tựa
Nên nhẫn nhục vững chắc.
Nếu Bồ Tát muốn nương
Tất cả Bồ Đề Phật
Nên quán các pháp không
Chúng sinh không thể đắc.
Hành nhẫn nhục như thế
Đầy đủ công đức Phật
Vì thế, các Bồ Tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu Bồ Tát tu nhẫn
Nên lìa hai biên kiến
Không thấy thân ta, người
Có kẻ mất người được,
Như Lai từ bi lớn
Khen ngợi quán như thế
Cho nên các Bồ Tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu muốn được Tận trí
Diệt các sử phiền não
Tu nhẫn không hèn nhát
Tâm thương không phân biệt.
Quán các pháp như thế
Thành Nhẫn Ba la mật
Cho nên các Bồ Tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Bồ Tát muốn trang nghiêm
Tướng tốt thân Như Lai
Lại sinh Thế Giới Phạm
Ra khỏi các đường ma
Vui hành hạnh nhẫn nhục
Tất cả đều thành tựu
Cho nên các Bồ Tát
Phải nhẫn nhục vững chắc.
Sức nhẫn nhục tối thượng
Không hạnh nào qua được
Tất cả các công đức
Đều trong hạnh nhẫn nhục
Lực bốn ma khó định
Sức nhẫn tiêu diệt nó
Cho nên các Bồ Tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười hai cách phát tâm dũng mãnh, tu hành tinh tấn Ba la mật, được lợi ích lớn.
Bồ Tát nên thực hành tinh tấn Ba la mật.
Những gì là mười hai?
1. Tinh tấn có thể mau hiểu rõ những biển Phật Pháp, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
2. Tinh tấn có thể mau đến nơi của Đức Phật, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
3. Tinh tấn có khả năng đi khắp mười phương cung kính cúng dường các Đức Phật, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
4. Tinh tấn thì những việc làm của mình hay xứng hợp với ý của tất cả Chư Phật, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
5. Tinh tấn có thể chuyên cần giáo hóa tất cả chúng sinh, không sinh sự nhàm chán, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
6. Tinh tấn có khả năng đưa chúng sinh vào trong pháp của Chư Phật, đến thẳng cửa giải thoát, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
7. Tinh tấn có thể mau chóng khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi những ngu si, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
8. Tinh tấn có thể nhanh chóng làm cho chúng sinh được trí tuệ của các Đức Phật, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
9. Tinh tấn có thể nhanh chóng tâm thanh tịnh các Cõi Phật, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hanh tinh tấn Ba la mật.
10. Thực hành tinh tấn, có thể lập nguyện đến hết tất cả kiếp số tận đời vị lai, vì tất cả chúng sinh thực hành Bồ Tát hạnh, không sinh tâm mệt mỏi hay từ bỏ, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
11. Tinh tấn có khả năng chỉ trong một niệm đi đến khắp các Cõi Phật gieo trồng các căn lành, cho nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
12. Thực hành tinh tấn có khả năng đi đến khắp các Cõi Phật, thành đạo vô thượng, xoay chuyển bánh xe đại pháp, nên Bồ Tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật.
Này thiện nam! Đó là mười hai cách phát tâm dũng mãnh tu hành tinh tấn Ba la mật, được lợi ích lớn, hồi hướng đến quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Đại Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Một - Phẩm Thí Dụ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Ba - Kinh Bà Già Bắt Gấu
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song - Kinh A Di Na
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Chín - Phẩm Kim Cương Năng đoạn - Phần Hai