Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ SÁU MƯƠI MỐT
PHÁP HỘI VÔ TẬN Ý BỒ TÁT
PHẦN TÁM
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thiên nhĩ thần thông cũng chẳng thể tận.
Thế nào là Bồ Tát thiên nhĩ thần thông?
Mười phương vô lượng vô biên Thế Giới Chư Phật có bao nhiêu âm thanh, những là âm thanh của Chư Thiên, Long, Bát Bộ, Thần, của phi nhân và loài người, các âm thanh của Thánh Nhân những là âm thanh của các hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Chư Bồ Tát của bậc Chánh Biến Tri.
Tất cả âm thanh ấy Bồ Tát thiên nhĩ đều nghe rõ cả, nhẫn đến các chúng sanh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, ruồi, kiến, muỗi, mòng có bao nhiêu âm thanh đều nghe rõ cả.
Hoặc các chúng sanh tâm duyên chỗ nào là thiện hay bất thiện vô ký làm các sự nghiệp phát xuất âm thanh, Bồ Tát thiên nhĩ đều nghe biết tất cả.
Hoặc khẩu nghiệp thiện, khẩu nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp vô ký, Bồ Tát thiên nhĩ đều biết hết đúng thiệt.
Hoặc khẩu nghiệp nhân ái dục mà nói sân nói si, hoặc khẩu nghiệp nhân sân hận mà nói dục ái nói ngu si, hoặc khẩu nghiệp nhân ngu si mà nói ái dục nói sân hận.
Hoặc khẩu nghiệp nhân dục ái nói dục ái, nhân sân hận nói sân hận, nhân ngu si nói ngu si. Tất cả các tiếng nói như vậy, Bồ Tát thiên nhĩ đều nghe biết cả.
Hoặc có khẩu nghiệp tâm tịnh mà khẩu thô, hoặc tâm thô mà khẩu tịnh, hoặc tâm tịnh khẩu tịnh, hoặc tâm thô khẩu thô, Bồ Tát Vô Ngại thiên nhĩ đều nghe biết đúng thiệt. Bồ Tát thiên nhĩ cũng nghe biết Thánh thanh và phi Thánh thanh.
Nếu nghe biết Thánh thanh tâm chẳng ái trước, nếu nghe biết phi Thánh thanh tâm cũng không trở ngại. Nơi Thánh Thanh Bồ Tát ấy được đại từ, nơi Phi Thánh Thanh Bồ Tát ấy được đại bi.
Bồ Tát ấy nếu nghe âm thanh quá khứ hay vị lai thì được tận bổn tế như thiệt chánh trí.
Bồ Tát thiên nhĩ được nghe diệu pháp của tất cả Chư Phật Thế Tôn nói. Nghe rồi ghi nhớ chánh trí tổng trì chẳng quên chẳng mất, tuỳ căn khí chúng sanh mà vì họ thuyết pháp.
Bồ Tát khéo biết các pháp tướng bền vững chẳng bền vững.
Bồ Tát thiên nhĩ nếu nghe một Phật nói pháp mà chẳng nghe Chư Phật khác nói pháp thì không có lẽ ấy. Tất cả Chư Phật diễn nói pháp, Bồ Tát ấy đều có thể nghe học cả.
Bồ Tát ấy nếu nghe tiếng thiện bất thiện vô ký đều khéo biết thời phi thời. Đó là, hoặc chúng phải lúc mà chẳng phải lúc nói pháp thì nín lặng mà không nói.
Hoặc phải lúc nói pháp mà chẳng phải lúc có chúng, nghĩa là chánh vì một người hay lãnh thọ pháp nên nói pháp, mà chẳng vì tất cả chúng.
Hoặc sự chân thiệt mà e rằng có hại cho người nên chẳng vì họ nói. Hoặc sự chẳng thiệt mà vì lợi ích cho người nên dùng tâm thanh tịnh phương tiện được nói.
Hoặc âm thanh thích thì có thể được nghe, nếu âm thanh không thích thì chẳng còn nghe. Nếu nơi đại chúng lúc vì các chúng sanh diễn nói pháp tuỳ nhĩ thức của họ nghe được hiểu được, Bồ Tát thiên nhĩ đều nghe biết cả.
Bồ Tát lúc ấy nói pháp, hoặc có các chúng sanh đáng được hiểu tỏ ấy liền được nghe pháp, nếu là kẻ không hiểu tỏ thì chẳng nghe nói pháp.
Bồ Tát thiên nhĩ pháp giới tánh thanh tịnh, vì tri kiến ngã, nhân, chúng sanh đều thanh tịnh vậy.
Bồ Tát ấy chánh phân biệt nhĩ giới như tướng ngôn ngữ văn tự được nói.
Nếu có ngũ thú tạp loại chúng sanh, tuỳ chỗ nhận hiểu ngôn ngữ âm thanh của họ mà vì họ thuyết pháp.
Bồ Tát đem thiên nhĩ ấy hồi hướng nhĩ giới của Như Lai được, vì chẳng cầu các thừa khác vậy.
Đây là Bồ Tát thiên nhĩ thần thông mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tri tha tâm thông cũng chẳng thể tận.
Thế nào là Bồ Tát tri tha tâm thông?
Tâm thượng trung hạ của các chúng sanh Bồ Tát đều biết.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân bố thí căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân trì giới căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân nhẫn nhục căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân tinh tiến căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân thiền định căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân trí huệ căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân từ bi hỷ xả căn.
Biết tâm tướng chúng sanh ấy nhân Thanh Văn, Duyên Giác đại thừa căn.
Biết chúng sanh ấy nhân lực tăng thượng thiện căn nên được thọ sanh nơi đây.
Biết chúng sanh ấy hành thanh tịnh mà tâm chẳng thanh tịnh.
Biết chúng sanh ấy hành thanh tịnh mà tâm bất tịnh.
Biết chúng sanh ấy hành và tâm đều thanh tịnh.
Biết chúng sanh ấy hành và tâm đều bất tịnh.
Biết chúng sanh ấy đời quá khứ tâm các căn hành nhân.
Biết chúng sanh ấy tuỳ duyên ngộ pháp.
Đây gọi là Bồ Tát tha tâm trí. Bồ Tát lại biết tâm đời vị lai của kẻ khác.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân trì giới, trong đời hiện tại có nhân bố thí.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân nhẫn nhục, trong đời hiện tại có nhân trì giới.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân tinh tiến, trong đời hiện tại có nhân nhẫn nhục.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân thiền định, trong đời hiện tại có nhân tinh tiến.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân trí huệ, trong đời hiện tại có nhân thiền định.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai có nhân xuất thế, trong đời hiện tại có nhân thế tục.
Biết chúng sanh ấy trong đời vị lai phát nhân đại thừa, trong đời hiện tại có nhân hạ căn. Chúng sanh vị lai có những nhân duyên như vậy, Bồ Tát có thể như thiệt biết các nhân duyên ấy.
Bồ Tát với các chúng sanh chưa chấp nhận giáo hoá trọn không mỏi nhàm, đúng như tâm căn của họ đều biết đúng như thiệt, tuỷ khí lượng họ mà thuyết pháp cho họ. Nếu người thích nghe ít thì trọn chẳng nói nhiều, nói pháp ắt có lợi ích chẳng uổng công. Đây gọi là Bồ Tát tri tha tâm trí.
Đời hiện tại chúng sanh sở hành tâm và tâm số pháp đều biết đúng thiệt. Những là, dục tâm biết đúng thiệt. Dục tâm ly dục tâm biết đúng thiệt.
Ly dục tâm sân khuể biết đúng thiệt. Sân tâm ly sân tâm biết đúng thiệt.
Ly sân tâm si tâm biết đúng thiệt. Si tâm ly si tâm biết đúng thiệt.
Ly si tâm tán tâm biết đúng thiệt. Tán tâm nhiếp tâm biết đúng thiệt. Nhiếp tâm giải đãi tâm biết đúng thiệt. Giải đãi tâm tinh tiến biết đúng thiệt.
Tinh tiến tâm hạ tâm biết đúng thiệt. Hạ tâm thượng tâm biết đúng thiệt. Thượng tâm loạn tâm biết đúng thiệt. Loạn tâm định tâm biết đúng thiệt.
Định tâm không giải thoát tâm biết đúng thiệt. Không giải thoát tâm có giải thoát tâm biết đúng thiệt. Có giải thoát tâm không tịch tĩnh tâm biết đúng thiệt, không tịch tĩnh tâm có tịch tĩnh tâm biết đúng thiệt.
Có tịch tĩnh tâm hữu lượng tâm biết đúng thiệt, hữu lượng tâm vô lượng tâm biết đúng thiệt. Vô lượng tâm mỗi mỗi chúng sanh mỗi mỗi phiền não triền phược che đậy tâm ấy, tất cả đều biết. Biết như vậy rồi, đúng đạo xuất ly ấy mà vì họ thuyết pháp.
Lại chỗ ở của Bồ Tát ấy, trước quán sát chúng sanh biết căn lượng của họ, tuỳ theo đó mà vì họ nói pháp xuất yếu. Các chúng sanh ấy căn thượng trung hạ đều biết đúng thiệt. Tâm Bồ Tát ấy lúc biết tâm người khác không có chướng ngại.
Tại sao?
Vì tâm biết của Bồ Tát ấy mãnh lợi khéo phân biệt vậy. Là chỗ biết của niệm ý tiến huệ vậy. Khéo hay hiểu rõ tướng Bồ Đề vậy. Vì dứt các tập khí vậy. Vì thanh tịnh vô cấu vậy.
Vì tỏ rõ không có tranh vậy. Vì không có các phiền não vậy. Vì không có các dòng chảy vậy. Vì chiếu tất cả pháp vậy. Vì khéo nhập tất cả chúng sanh tâm vậy.
Có thể hiểu biết như vậy, vì tâm trí Bồ Tát ấy mãnh lợi, nơi các pháp như vậy chánh nhập biết đúng thiệt. Đây gọi là Bồ Tát tha tâm trí thông mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát túc mạng trí thông cũng chẳng thể tận.
Thế nào là Bồ Tát túc mạng trí thông?
Bồ Tát ấy nhớ sự việc đời trước hoặc của mình hoặc của người khác đều khéo nhận nhớ lấy, an trụ pháp giới không có khuynh động. Không khuynh động thì có thể khéo hiểu rõ khéo tác nghiệp vậy.
Niệm nhớ ấy không có nhiễu não vì an trụ thiền định vậy.
Niệm nhớ ấy vô uý vì nhiếp trí huệ vậy.
Niệm nhớ ấy chẳng từ người khác cầu vì hiện được khéo biết rõ vậy.
Niệm nhớ ấy nhớ đúng vì cứu cánh chẳng mất vậy.
Niệm nhớ ấy trợ công đức vì khéo hiểu đại thừa vậy.
Niệm nhớ ấy trợ trí vì chẳng từ người khác mà đầy đủ vậy.
Niệm nhớ ấy thiện căn các Ba la mật đầy đủ vì có thể đến tất cả Phật Pháp vậy. Túc mạng trí ấy nếu niệm nhớ một đời, hai đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, nhẫn đến vô lượng trăm ngàn đời, và Trời Đất thành hoại, vô lượng đời thành, vô lượng đời hoại, vô lượng đời thành hoại.
Vô lượng kiếp thành hoại, biết chúng sanh trong ấy, chủng tánh như vậy, danh tự như vậy, sắc tượng như vậy, ẩm thực như vậy, thọ mạng như vậy, thọ khổ lạc v.v…, ở trong ấy chết sanh lại trong ấy, ở trong kia chết trở lại sanh trong kia.
Bồ Tát ấy niệm nhớ vô lượng sanh tử như vậy. Niệm nhớ đời quá khứ của mình và của các chúng sanh cùng tận quá khứ tế.
Bồ Tát ấy tự nhớ thiện căn của mình hồi hướng vô thượng bồ đề. Nhớ thiện căn người nguyện phát tâm vô thượng bồ đề.
Bồ Tát ấy dùng tâm chánh niệm nơi sanh tử hành khổ đời trước khéo quán vô thường, khổ, vô ngã. Hoặc quán vô thường, khổ, vô ngã rồi các sắc dục phong ấp, bổng lộc, thọ mạng, quyến thuộc, thế lực đều không tham trước. Cũng lại chẳng tham Thích, Phạm, Hộ Thế Chuyển Luân Thánh Vương, và chỗ thọ sanh ngũ dục hoan lạc. Vì giáo hoá chúng sanh mà hiện thọ sanh.
Bồ Tát ấy niệm vô thường, khổ, vô ngã rồi, những lỗi lầm quá khứ đều phát lộ sám hối. Hiện đời các ác trọn chẳng làm dầu phải mất thân mạng. Thiện căn quá khứ muốn tăng trưởng rộng lớn hồi hướng vô thượng bồ đề.
Hiện tại thiện căn cùng chúng sanh chung hồi hướng vô thượng bồ đề. Bồ Tát ấy lìa các ác pháp vì nguyện chẳng dứt giống Tam Bảo vậy. Có bao nhiêu thiện căn đều hồi hướng vô thượng bồ đề. Đây gọi là Bồ Tát niệm túc mạng trí mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát như ý thần thông cũng chẳng thể tận.
Thế nào là như ý thần thông?
Nếu các pháp được nhiếp của dục tiến tâm và huệ điều phục nhu hoà tâm được tự tại, vì khéo tu tập nên hiện tại có thể được như ý thần thông như vậy.
Bồ Tát ấy làm các thứ thần thông biến hoá, dùng thần thông ấy để giáo hoá chúng sanh. Bồ Tát ấy mỗi mỗi thị hiện các thứ thần thông giáo hoá chúng sanh, những là hoặc sắc tướng hoặc lực thế, hoặc biến hoá.
Bồ Tát ấy thị hiện sắc tướng cho chúng sanh thấy, thấy rồi tâm phục. Đó là hoặc sắc Tượng Phật, sắc tượng Duyên Giác, sắc tượng Thanh Văn, sắc tượng Thích, Phạm, Hộ Thế các Thánh Vương, và các thứ vô lượng sắc tượng khác, nhẫn đến thị hiện sắc tượng súc sanh.
Vì giáo hoá chúng sanh mà thị hiện những sắc tượng như vậy. Thị hiện như vậy rồi tuỳ sở ưng mà thuyết pháp. Nếu có chúng sanh tự cho thân mình có đại lực mà khởi kiêu mạn, giận dữ, cống cao, vì muốn điều phục hạng chúng sanh ấy nên Bồ Tát thị hiện đại lực. Hoặc hiện sức lực một phần tư sức lực Na La Diên, hoặc hai phần tư, hoặc ba phần tư, hoặc thị hiện toàn thế lực Na La Diên.
Núi Tu Di cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, ngang rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, dùng ba ngón tay cầm lên ném xa ngoài vô lượng Thế Giới phương khác, như là ném một quả A Ma Lặc. Nơi sức lực Bồ Tát không có tổn giảm. Hoặc bứt lấy đại thiên Thế Giới đến dưới thuỷ tế, dùng tay đưa lên cao đến Trời Hữu Đảnh đứng vậy trải qua một kiếp.
Lúc Bồ Tát thành tựu thị hiện đại thế lực như vậy, có thể làm cho hàng chúng sanh giận dữ cống cao, kiêu mạn kia nội tâm họ khéo điều phục. Biết họ điều phục rồi, Bồ Tát ấy tuỳ ưng mà vì họ thuyết pháp.
Bồ Tát ấy tu như ý thần thông có thể được thế lực trí huệ biến hoá. Do sức biến hoá ấy nên chỗ muốn làm đều được thành tựu. Bồ Tát ấy có thể biến đại hải làm dấu chân trâu mà đại hải không nhỏ, hay biến dấu chân trâu làm đại hải mà dấu chân trâu chẳng lớn.
Hoặc kiếp sắp tận lúc hoả tai khởi lên, muốn biến làm nước thì có thể biến như ý muốn, lúc thuỷ tai khởi hay biến làm lửa, lúc phong tai khởi hay biến làm lửa, lúc hỏa tai khởi hay biến làm phong, các sự biến hoá ấy đều thành tựu được như ý muốn.
Hoặc Pháp thượng trung hạ tuỳ ý biến hoá, chỉ trừ Chư Phật, không còn ai có thể di động trở ngại phá hoại được như ý thần thông của Bồ Tát, như là Thích, Phạm, Hộ Thế, Ma Vương và quyến thuộc.
Bồ Tát ấy thị hiện các thứ biến hoá cho chúng sanh được hoan hỷ rồi tuỳ ý mà vì họ thuyết pháp. Thần thông của Bồ Tát ấy dũng kiện tự tại hay siêu quá cảnh giới các ma phiền não nhập vào Phật Giới chẳng nhiễu não chúng sanh, bao nhiêu thiện căn đều được thành tựu. Tất cả ma chúng không có thể đoạn dứt được. Đây gọi là Bồ Tát như ý thần thông mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát bốn nhiếp pháp cũng chẳng thể tận.
Những gì là bốn?
Đó là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng lợi.
Thế nào là bố thí nhiếp?
Bố thí có hai thứ là tài thí và pháp thí.
Thế nào là ái ngữ nhiếp?
Với người cầu xin của cải và người nghe pháp thì nhu hoà nói năng với họ.
Thế nào là lợi hành nhiếp?
Nơi người cầu xin tài vật và người nghe pháp, tuỳ sở cầu của họ đều làm thoả mãn đầy đủ.
Thế nào là đồng lợi nhiếp?
Nơi người cầu tài cầu pháp, đem lợi đại thừa của mình mà khiến họ an ở nơi ấy.
Lại bố thí ấy, thấy người cầu xin sanh lòng thanh tịnh. Ái ngữ ấy, nơi các người xin sanh lòng hoan hỷ. Lợi hành ấy, nơi các người xin tuỳ chỗ được lợi đều khiến họ đầy đủ. Đồng lợi ấy, thường đem đại thừa dạy chúng sanh.
Lại nữa, bố thí ấy đó là tâm xả thí. Ái ngữ, đó là làm không có chừng hạn. Lợi hành ấy, đó là cứu cánh chẳng hối. Đồng lợi ấy, đó là hồi hướng đại thừa.
Lại nữa, bố thí ấy đó là khởi tâm từ hành xả thí. Ái ngữ ấy, đó là chẳng bỏ tâm hỷ. Lợi hành ấy, đó là đại bi trang nghiêm lợi ích chúng sanh. Đồng lợi ấy, đó là bỏ tâm cao hạ mà phát tâm hồi hướng nhất thiết chủng trí.
Lại nữa, bố thí ấy đó là cầu tài đúng pháp thanh tịnh bố thí. Ái ngữ ấy, đó là dìu dắt kẻ thương mến đặt ở thiên pháp. Lợi hành ấy, đó là nói lợi của mình để người được lợi ích. Đồng lợi ấy, đó là khiến các chúng sanh phát tâm nhất thiết trí.
Lại nữa, bố thí ấy đó là xả bỏ nội tài, ngoại tài. Ái ngữ ấy, đó là công đức trí huệ tâm không lẫn tiếc. Lợi hành ấy đó là xả tự lợi hành mà hành lợi tha. Đồng lợi ấy đó là lìa bỏ ngôi vị quan trọng lòng chẳng hề hối tiếc.
Lại nữa, pháp thí ấy đó là như pháp được nghe đều có thể diễn nói. Ái ngữ ấy đó là chẳng vì lợi dưỡng mà thuyết pháp. Lợi hành ấy đó là dạy người phúng tụng tâm không có mỏi nhàm. Đồng lợi ấy đó là nhất thiết trí tâm chỗ được diệu pháp, liền đem pháp ấy khuyên gắng chúng sanh.
Còn nữa, pháp thí ấy đó là nếu có các chúng sanh mỗi người mỗi người nghe pháp, theo thứ đệ mà nói pháp không có lầm lộn. Ái ngữ ấy đó là vì người thuyết pháp chẳng từ xa gần. Lợi hành ấy đó là có người cầu pháp thì cung cấp cho họ những uống ăn, y phục, giường nệm, thuốc men không để họ thiếu thốn rồi sau đó tuỳ ưng mà vì họ thuyết pháp. Đồng lợi ấy đó là phàm nói pháp thường khuyên chúng sanh hồi hướng vô thượng bồ đề.
Còn nữa, pháp thí ấy đó là biết trong các bố thí, đây là tối thắng, đem thăng pháp này vì người mà diễn nói. Ái ngữ ấy đó là thường vì lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp. Lợi hành ấy đó là tuỳ nghĩa mà nói chớ chẳng tuỳ văn tự. Đồng lợi ấy đó là thường vì đầy đủ Phật Pháp mà nói pháp.
Còn nữa, bố thí ấy đó là đầy đủ Đàn Ba la mật. Ái ngữ ấy, đó là đầy đủ Thi La và Sằn Đề Ba la mật. Lợi hành ấy, đó là đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba la mật. Đồng lợi ấy, đó là đầy đủ Thiền Na và Bát Nhã Ba la mật.
Còn nữa, bố thí ấy đó là sơ phát tâm Bồ Đề. Ái ngữ ấy, đó là tu hành Bồ Đề. Lợi hành ấy, đó là chẳng thối Bồ Đề. Đồng lợi ấy, đó là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ.
Còn nữa, bố thí ấy đó là an trụ Bồ Đề chủng tử căn bổn. Ái ngữ ấy đó là tư trưởng Bồ Đề mầm cây nhánh lá. Lợi hành ấy đó là lần lần đơm nở hoa Bồ Đề. Đồng lợi ấy đó là đã có thể thành tựu trái hột Bồ Đề. Đây gọi là Bồ Tát Tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát Tứ vô ngại trí cũng chẳng thể tận.
Thế nào là bốn?
Một là nghĩa vô ngại.
Hai là pháp vô ngại.
Ba là từ vô ngại.
Bốn là lạc thuyết vô ngại.
Thế nào là nghĩa vô ngại trí?
Ở trong các pháp biết đệ nhất nghĩa đế, là tỉ trí, là nhân trí, là duyên trí, là hoà hiệp trí, là ly biến trí, là chẳng trụ chung trí, là thập nhị duyên trí, là chẳng khác pháp tánh trí, là như thiệt trí, là chân tế trí, là giác không không trí, là vô tướng tướng trí, là vô nguyện nguyện trí, là vô vi vi trí, là quán nhất tướng trí, là quán vô ngã trí, là quán vô chúng sanh trí.
Là quán vô thọ mạng trí, là quán đệ nhất nghĩa trí, là quán quá khứ vô ngại trí, là quán vị lai vô biên trí, là quán hiện tại nhất thiết chủng trí, là quán các ấm như oán tặc trí, là quán các giới như độc xà trí, là các nhập như xóm vắng trống trí, là quán nội pháp vĩnh tịch diệt trí, là quán ngoại pháp vô hành xứ trí, là quán sở duyên như ảo hoá trí, là quán niệm chánh trụ trí.
Là quán nhẫn chánh pháp trí, là quán tự thân trí, là quán Chân Đế trí, là khổ chẳng hoà hiệp trí, là tập chẳng tạo tác trí, là diệt tự tánh trí, là đạo hay đến trí, là phân biệt các pháp trí, là quán chúng sanh các căn tâm hành tuỳ sở nhập trí, là các lực không gì phục được trí, là các giác như thiệt hiểu trí, là thiền định thọ trì trí, là huệ quang minh trí, là ảo hoá trang nghiêm trí.
Là sự muốn trông mộng trí, là tiếng vang cảnh sở duyên trí, là như tượng trong gương không có khứ lai trí, là các thứ tướng không có tướng trí, là ách ly ách trí, là thủ sanh ly sanh trí, là Thanh Văn thừa theo người nghe trí, là Duyên Giác thừa quán mười hai duyên trí, là đại thừa đầy đủ các thiện căn trí. Đây gọi là Bồ Tát Nghĩa vô ngại trí.
Còn nữa, nghĩa vô ngại là: Tư duy nghĩa tất cả pháp.
Tại sao?
Tất cả pháp ấy không có ngã, nhân, thọ mạng, chúng sanh. Như không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng thì gọi là nghĩa.
Còn nữa, nghĩa vô ngại là: Là vô trụ thuyết. Là vô tận thuyết. Là đắc nhất thiết pháp thuyết. Nghĩa vô ngại như vậy được Chư Phật hứa khả, là chân thiệt nghĩa vô biệt vô dị, trí huệ phân biệt không có chướng ngại. Đây gọi là Bồ Tát Nghĩa vô ngại mà chẳng thể tận.
Thưa Tôn Giả! Thế nào là Bồ Tát pháp vô ngại trí?
Bồ Tát quán các pháp, những là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp thế gian, pháp xuất thế, pháp nên làm, pháp chẳng nên làm, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hắc, pháp bạch, pháp sanh tử, pháp Niết Bàn. Trí ấy pháp tánh bình đẳng, trí ấy bồ đề bình đẳng, trí ấy tánh bình đẳng, đây gọi là pháp vô ngại trí.
Còn nữa, pháp vô ngại trí ấy: Quán các chúng sanh tâm hành đa dục, tâm hành thiểu dục, tâm hành sơ phát dục, tâm hành dục tướng, tâm hành hiện tại dục được duyên, tâm hành hiện tại dục nhân duyên, có các chúng sanh nội có dục hành mà ngoại không có dục hành, hoặc ngoại có dục hành mà nội không có dục hành, hoặc nội ngoại đều có dục hành, hoặc nội ngoại đều không dục hành.
Hoặc sắc dục hành mà chẳng phải thanh, hương, vị, xúc, hoặc thanh dục hành mà chẳng phải sắc, hương, vị, xúc, hoặc hương dục hành mà chẳng phải sắc thanh vị xúc, hoặc vị dục hành mà chẳng phải sắc, thanh, hương, xúc, hoặc có xúc dục hành mà chẳng phải sanh thanh, hương, vị.
Nhập môn hành quán chúng sanh các dục hành như vậy. Dục hành ấy có hai vạn một ngàn hành. Sân hành ấy có hai vạn một ngàn hành. Si hành ấy có hai vạn một ngàn hành. Đẳng phần hành ấy có hai vạn một ngàn hành. Bồ Tát quán chúng sanh có tám vạn bốn ngàn hành như vậy, đều như thiệt biết rõ cả, biết rồi tuỳ sở ưng mà vì họ thuyết pháp.
Đây gọi là Bồ Tát pháp vô ngại trí mà chẳng thể tận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba