Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thập Lực - phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THẬP LỰC
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu Tỳ Kheo, đối với sắc sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là A La Hán Tam Miệu Tam Phật Đà. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói như vậy.
Lại, nếu Tỳ Kheo nào đối với sắc sanh tâm yểm ly, ly dục không sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là A La Hán tuệ giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói như vậy.
Này các Tỳ Kheo, giữa Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác và A La Hán tuệ giải thoát có những gì sai khác?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn là gốc của pháp, là mắt của pháp, là nơi y cứ của pháp, xin vì chúng con mà nói, các Tỳ Kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ, phụng hành.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!
Ta sẽ vì các ông mà nói. Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đối với pháp trước kia chưa nghe, thì có thể tự giác tri, ngay trong đời hiện tại tự thân chứng ngộ, thành Chánh Giác.
Đối với đời vị lai có thể giảng nói chánh pháp, giác ngộ các Thanh Văn. Tức là, bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám Thánh đạo phần.
Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đối với pháp chưa chứng đắc thì có thể sẽ chứng đắc. Phạm hạnh chưa chế có thể chế. Có thể khéo biết đạo, khéo nói đạo, vì chúng sanh mà dẫn đường.
Sau đó, Thanh Văn thành tựu tùy thuận pháp, tùy thuận đạo, vui thích vâng lời giáo giới, giáo thọ của Đại Sư, nên khéo thâm nhập Chánh Pháp. Đó gọi là những sự sai khác giữa Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác và A La Hán tuệ giải thoát.
Lại nữa, có năm học lực, mười lực Như Lai.
Những gì là học lực?
Đó là tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Những gì là mười lực của Như Lai?
Như Lai biết như thật về xứ, Phi Xứ, đó gọi là lực thứ nhất của Như Lai. Nếu thành tựu lực này, thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng, rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật về việc thọ quả tạo nhân báo của nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Đó gọi là lực thứ hai của Như Lai. Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác biết như thật về nhiễm ác, thanh tịnh, xứ tịnh, của các thiền, giải thoát, Tam Muội, chánh thọ, đó gọi là lực thứ ba của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật những sai biệt căn tánh khác nhau của tất cả các loài chúng sanh. Đó gọi là lực thứ tư của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật về tất cả mọi ý giải của chúng sanh. Đó gọi là lực thứ năm của Như Lai. Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật về tất cả các giới loại khác nhau của thế gian chúng sanh. Đó gọi là lực thứ sáu của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật về tất cả chí xứ đạo, đó gọi là lực thứ bảy của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai biết như thật về túc mạng, nhớ những sự khác nhau trong đời sống, từ một đời cho đến trăm, ngàn đời, từ một kiếp cho đến trăm, ngàn kiếp.
Ta bấy giờ sanh vào chủng tộc như vậy, dòng họ như vậy, tên như vậy, ăn như vậy, cảm giác khổ lạc như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, mạng sống chấm dứt như vậy.
Ở chỗ kia Ta chết đi, ở chỗ này sanh ra, chỗ này sanh ra, chỗ kia chết đi, hành như vậy, nhân như vậy, phương như vậy. Đó gọi là lực thứ tám của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai bằng thiên nhãn hơn mắt người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc chết, đẹp, xấu, thua, hơn, hướng về đường ác, hướng về đường thiện, theo nghiệp mà thọ báo, tất cả biết như thật.
Chúng sanh này do nghiệp ác của thân thành tựu, do nghiệp ác của miệng, ý thành tựu, hủy báng Hiền Thánh, sẽ mắc nghiệp tà kiến, vì nhân duyên này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào đường ác, sanh vào trong địa ngục.
Chúng sanh này, thân làm việc thiện, miệng, ý làm việc thiện, không hủy báng Hiền Thánh, sẽ lãnh nghiệp chánh kiến, vì nhân duyên này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh về đường thiện Cõi Trời. Tất cả biết như thật. Đó gọi là lực thứ chín của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử.
Lại nữa, Như Lai đã dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, hiện tại tự chứng tri, thân tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh kiếp sau nữa. Đó gọi là lực thứ mười của Như Lai.
Nếu thành tựu được lực này, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được trí tối thắng xứ như Phật quá khứ, có thể chuyển Phạm luân, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử.
Mười lực này chỉ có Như Lai mới thành tựu. Đó chính là những sự khác biệt giữa Như Lai và Thanh Văn.
Sau khi Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Bệnh Tật
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Mười Ba - Tám Giải Thoát
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Thường Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Hỏi Về Phát Sinh Thừa