Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Tám - Phẩm Bốn Pháp - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiển, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Hiển, Đời Đông Tấn   

PHẨM TÁM

PHẨM BỐN PHÁP  

PHẦN HAI  

Này thiện nam tử! Thí như cây đèn đựng đầy dầu mỡ thắp lên sẽ sáng, đến khi dầu hết gọi là đèn tắt, nhưng mà kỳ thật cây đèn vẫn còn. Như Lai cũng vậy, loại dầu phiền não đã cháy hết rồi, nhưng đèn Như Lai vẫn còn chẳng mất. Nếu như dầu mỡ và đèn đều hết thì Đức Như Lai Nê Hoàn cũng vậy. Lửa tắt đèn còn, vì vậy Như Lai an lạc Nê Hoàn chẳng còn chẳng mất.

Lại nữa thiện nam! Ta nói đèn tắt là để thí dụ bậc A La Hán, chẳng phải để nói về pháp Nê Hoàn. Bậc A La Hán đắc quả tăng thượng thì đã diệt sạch mọi thứ tham muốn thức ăn ô uế ở trong cuộc đời, thí như đèn tắt. Bậc A Na Hàm nghĩa cũng như vậy. Vì vậy ta đã phương tiện nói pháp vi diệu bí mật, chẳng nói Nê Hoàn.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Bậc A Na Hàm có nghĩa là gì?

Phật bảo Ca Diếp: Không còn trở lại thụ thân này nữa là A Na Hàm.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn, Như Lai cũng giống những nhà ảo thuật, có pháp bí mật?

Phật bảo: Không phải! Pháp của ta thuyết ví như trăng thu tròn đầy không khuyết, lìa dâm, nộ, si, không có che dấu, cũng không bí mật. Như ông trưởng giả lắm tiền nhiều của, chỉ có một con, thương yêu hết mực, đem đến nhà thầy để học bán tự. Chưa được bao lâu, sợ con học vậy lâu được thành tài, trưởng giả đem con về lại nhà mình ngày đêm ân cần dạy cho bán tự.

Thế nào thiện nam, người cha chỉ dạy con học bán tự có thể biết được tất cả các loại ký luận hay chăng?

Nếu có thể biết tất cả ký luận vậy thì tại sao người cha chỉ dạy bán tự mà thôi?

Với đứa con yêu lẽ đâu ông ấy dấu giếm không dạy ký luận hay sao?

Ca Diếp bạch Phật: Dạ không Thế Tôn! Vì đứa trẻ con chưa thể hiểu luận cho nên không dạy. Nếu ông tham tiếc giấu kín thì mới gọi là che giấu, đằng này lòng dạ thẳng ngay khích lệ, tùy sức đứa trẻ từ từ dạy dỗ nên không thể nói là che giấu được.

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Đúng như ông nói, với tâm giận hờn, tham lam, keo kiệt giữ lại bí mật gọi là che giấu, nhưng ta dùng tâm từ bi thương yêu tất cả chúng sinh y như con một, chỉ vì thấy con còn nhỏ không thể kham nhận giáo pháp thậm thâm vi diệu cho nên chưa dạy, như ông trưởng giả lúc đầu dạy con chỉ dạy bán tự.

Ta cũng như vậy, dạy chín Bộ Kinh, mười trí, mười lực, bốn chân diệu đế, tám phần Thánh đạo, luận ký thậm thâm, nhưng với giáo pháp đại thừa phương đẳng thì chưa thể dạy.

Lại nữa thiện nam! Như ông trưởng giả dạy đứa con cưng, trước học bán tự, học bán tự xong, lần lượt mới dạy ký luận thâm sâu, khiến con thông hiểu.

Ta cũng như vậy, trước vì đệ tử dạy chín Bộ Kinh, khi biết đệ tử đã thông hiểu rồi, sau đó mới dạy luận ký đại thừa: Như Lai trường tồn, chẳng phải là pháp thay đổi biến dị, khiến mọi chúng sinh mở rộng mắt huệ.

Này thiện nam tử! Thí như mùa hạ, khi mây kéo về, sấm chớp rền vang ắt có mưa to, trăm loại thảo mộc đều được thấm nhuần. Ngày nay Như Lai cũng y như vậy, kéo mây sấm sét khởi đại pháp âm tuyên thuyết giáo pháp vi diệu bí mật Đại Bát Nê Hoàn, ắt hẳn có mưa pháp vũ cam lồ an lạc chúng sinh.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Như Thế Tôn dạy chẳng hề giấu giếm, rõ ràng như việc đưa cơm vào miệng.

Nhưng còn ý nghĩa như chim bay qua ở giữa bầu Trời dấu vết khó tìm thì là thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Giấu là gom chứa, lấy về cho nhiều. Giếm là cất giữ, cất giữ những gì đã nhận về được. Đó là ý nghĩa hai chữ giấu giếm.

Giấu giếm có hai: Một là hữu vi, hai là vô vi. Giấu giếm hữu vi là những Thanh Văn. Giấu giếm vô vi chính là Như Lai. Tăng có hai loại, đó là đẳng Tăng và vô đẳng Tăng. Đẳng Tăng chính là hàng Tăng Thanh Văn.

Hàng Tăng Thanh Văn cũng không giấu giếm, vậy mà ngày nay tại sao có người nhận nuôi đầy tớ, cất giữ tiền bạc. Đến như dầu vừng, muối ăn v.v… Như Lai còn không cho họ cất giữ, lẽ nào Như Lai cho họ nuôi chứa những vật như trên.

Nếu ai bảo rằng Như Lai cho phép, kẻ ấy đời đời bị đọa lạc vào địa ngục cắt lưỡi. Đẳng Tăng Thanh Văn không có giấu giếm, rõ ràng như việc đưa cơm vào miệng. Tâm tư của họ không hề tham tiếc, hư không tham tiếc mùi vị thức ăn, nơi mà họ đến như dấu chim qua, khó lòng tìm được. Những hạng người đó mau chóng thành đạo Vô Thượng Chánh Giác. Dấu vết khó tìm gọi là Như Lai.

Hàng Tăng hữu vi còn không giấu giếm, huống Tăng vô vi! Tăng vô vi là Chư Phật Như Lai.

Chư Phật Như Lai há có bí mật?

Nếu có bí mật mới là giấu giếm. Khó tìm chính là chỉ cho Nê Hoàn an lạc bất động, không có các tướng hư không, nhật, nguyệt, mây, mưa, đất, nước, lửa, gió, sinh già, bệnh, chết, phiền não. Thường trụ bất biến, an lạc bất động gọi là Nê Hoàn.

Vì chứng Nê Hoàn nên gọi Như Lai Đại Bát Nê Hoàn. Đại có nghĩa là làm những việc lớn. Đại là tên gọi số đếm hữu vi, nếu có người nào thọ mạng dài lâu, thì gọi người đó là bậc đại thọ.

Người có khả năng vận hành Phật Pháp là bậc Đại Nhân ở trong loài người. Người nào thành tựu tám điều giác ngộ của bậc Đại Nhân, gọi là Đại Nhân. Cho nên chữ đại là tên số đếm của pháp hữu vi.

Nê Hoàn nghĩa là lìa mọi ung nhọt. Thí như một người bị trúng tên độc, đau đớn vô cùng, may nhờ gặp được thầy thuốc chữa trị, vết thương đau đớn ắt được chữa lành.

Người thiện nam đó lìa khỏi ung nhọt, ông thầy thuốc ấy lại qua nước khác chữa bệnh ung nhọt cho mọi chúng sinh.

Đức Phật Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác cũng làm như thế, tất cả chúng sinh trong Diêm Phù Đề từ vô lượng kiếp bị nhiễm các độc phiền não tham dâm, giận hờn, si mê làm cho khổ đau. Như Lai dùng thuốc pháp vị cam lộ đại thừa để trị những bệnh khổ ấy.

Những chúng sinh này dứt bệnh khổ rồi, ta lại thị hiện đi qua nước khác chữa trị bệnh khổ chúng sinh ở đó, vì vậy nên gọi Đại Bát Nê Hoàn. Nghĩa lý chân thật và nghĩa phương tiện đều được gọi là Đại Bát Nê Hoàn.

Ta thị hiện vào sáu nẻo luân hồi và đường giải thoát, bất cứ chỗ nào, tùy theo chỗ cảm thụ của chúng sinh mà ta giáo hóa, vì ý nghĩa này cho nên gọi là Đại Bát Nê Hoàn.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Cách chữa trị bệnh của ông thầy thuốc, phải chăng trị dứt bệnh khổ mọi người ở chỗ này xong, ông lại xuất hiện ở một nơi khác trị bệnh cho người?

Phật bảo: Đúng vậy! Này thiện nam tử, có thể điều trị tất cả các bệnh khiến cho được lành, chỉ trừ bệnh nặng không thể chữa được. Chư Phật Thế Tôn cũng giống như vậy, trừ nhất xiển đề, mọi người còn lại đều được chữa khỏi.

Ca Diếp lại thưa: Giải thoát là gì?

Có bao nhiêu loại?

Phật bảo Ca Diếp: Giải thoát có hai, sắc và vô sắc. Vô sắc chính là giải thoát của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Sắc là giải thoát của Đức Như Lai. Giải thoát thuộc sắc, không nói đến sắc.

Bởi vì sao vậy?

Ví như chúng sinh ở Cõi Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng kia, thân vừa có sắc, vừa không có sắc, nhưng đâu thể nói là họ có sắc.

Nếu ai hỏi rằng chúng sinh Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng kia, thân vừa có sắc, vừa không có sắc, nhưng đâu thể nói là họ có sắc, thì họ sẽ trụ vào ở chỗ nào?

Khoái lạc ra sao?

Ông trả lời rằng đó là cảnh giới của các Chư Phật, chẳng phải là điều Thanh Văn, Duyên Giác có thể biết được.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Cúi xin Thế Tôn giảng lại ý nghĩa giải thoát Nê Hoàn của Phật Như Lai.

Phật bảo Ca Diếp: Giải thoát nghĩa là xa lìa mọi sự trói buộc hòa hợp. Lìa hòa hợp là sinh mà không sinh, như có cha mẹ mới sinh ra con thì gọi là sinh, còn như giải thoát thì không như vậy, nó như đề hồ tính vốn tinh khiết, không nhờ cha mẹ ái dục nuôi lớn, vì độ chúng sinh thị hiện có sinh, nên giải thoát là sinh mà chẳng sinh.

Lại nữa sinh là như gieo hạt giống nó nảy thành mầm, còn nghĩa giải thoát thì không như vậy, nên nói giải thoát vốn chẳng phải sinh. Giải thoát như vậy chính là Như Lai.

Thế nên Như Lai sinh mà không sinh, tạo tác nhưng mà không hề tạo tác. Tạo tác thật sự là như thành quách, lầu quán do người tạo tác mà ra, giải thoát chân thật thì không như vậy, giải thoát nghĩa là không người tạo tác. Giải thoát như vậy chính là Như Lai. Vì vậy nên biết Như Lai nghĩa là không còn tạo tác, gọi là vô vi.

Còn nghĩa hữu vi, thì như thợ gốm lấy đất sét nặn ra các đồ dùng, có làm có hư, giải thoát chân thật thì không như vậy, không có tạo tác, không có hư hoại, vì vậy giải thoát là không tạo tác, là không hư hoại. Sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Nên biết Như Lai không sinh, không tử, vì vậy Như Lai là pháp vô vi, nên nói Như Lai nhập đại Nê Hoàn không có các tướng già suy sức yếu.

Thân thể khô gầy, thể lực suy kém, tóc bạc răng rụng là tướng già yếu, giải thoát chân thật thì không như vậy, vĩnh viễn xa lìa các tướng già suy gọi là giải thoát, giải thoát như vậy gọi là Như Lai.

Như Lai không có các tướng già suy nên gọi không bệnh. Hễ nói tới bệnh thì có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, ngoài ra đau ốm đột ngột thì nhiều không thể kể hết. Lìa mọi bệnh này gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Pháp thân thanh tịnh, không có bệnh hoạn cho nên mới nói Như Lai vô bệnh. Vì không có bệnh nên chẳng có chết.

Chúng sinh thường chết, vì chẳng giải thoát, có tận có tử. Vĩnh viễn thoát khỏi sự chết trói buộc gọi là giải thoát.

Sự giải thoát đó tức là Như Lai. Như Lai thành tựu vô lượng công đức thượng diệu như vậy. Nói rằng Như Lai vẫn còn bị chết là điều hoang đường.

Thân của Như Lai pháp thân kim cương, thanh tịnh không hoại, cho nên không chết, lìa mọi cấu uế, thì làm sao có tướng của vô thường biến hoại đổi thay.

Thí như váng sữa đọng lại từng lớp trắng ngần tuyệt đẹp, giải thoát chân thật thì không như vậy. Giống như sen trắng, thanh tịnh vô nhiễm, giải thoát của Phật cũng giống như vậy, vĩnh viễn xa lìa ái dục nhơ bẩn, vì vậy Như Lai gọi là vô nhiễm, lìa mọi ngăn ngại.

Nếu có người chủ quản chế nghiêm ngặt gọi là ngăn ngại, giải thoát chân thật thì không ngăn ngại, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là vô ngại thanh lương.

Đối với người đời, chốn thanh lương nhất chính là Cõi Trời, nhưng nói như vậy là lời dối gạt, bởi vì chỉ có giải thoát mới là chân thật thanh lương. Sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là thanh lương an ổn. Sự an ổn đó, thí như đường đi không gặp giặc cướp gọi là an ổn, giải thoát chân thật thì không như vậy, tính không sợ hãi gọi là an ổn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là an ổn vô úy, lìa mọi sợ hãi.

Sự sợ hãi đó, thí như Quốc Vương thường sợ kẻ thù, giải thoát chân thật trọn không sợ hãi, thí như ông Vua Chuyển Luân Thánh Vương chẳng có sợ hãi, giải thoát chân thật cũng giống như vậy, sự giải thoát đó chính là Như Lai.

Như Lai chuyển vận bánh xe Pháp Vương tối thắng vô thượng chẳng có kẻ thù, vì vậy Như Lai không sợ không lo. Sự lo sợ đó, thí như Quốc Vương có người mưu phản mà không khả năng để hàng phục nó nên thường lo sợ.

Giải thoát chân thật thì không có những nỗi lo như vậy, thí như Quốc Vương đã hàng phục được kẻ thù trong nhà không còn lo lắng, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Như Lai không có lo âu sợ hãi, lìa mọi bợn nhơ.

Sự bợn nhơ đó thí như gió xuân thổi tung bụi đất, giải thoát chân thật lìa mọi bụi bặm, như Chuyển Luân Vương cột viên minh châu ở trong búi tóc bụi không vấy bẩn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai lìa mọi bợn nhơ, lìa mọi hư dối.

Sự hư dối đó dụ như ngói bể, giải thoát chân thật thì không như vậy, giống như kim cương chắc thật không bể, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai là không hư dối, luôn luôn tự tại.

Không được tự tại là như những người bần cùng thiếu nợ tài vật của chủ, bị chủ quản chế chẳng được tự do. Giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là tự tại vô ngại, chẳng ai xâm hại.

Sự xâm hại là, thí như một người mùa xuân chịu nóng, mùa hạ uống rượu, mùa đông chịu rét, thì thân tổn thương, tự xâm hại mình. Giải thoát chân thật thì không như vậy, chẳng bị xâm hại, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Nên Như Lai là không bị xâm hại, lìa mọi nhơ bẩn, thí như hư không chẳng chút bợn nhơ. Giải thoát chân thật cũng y như vậy, chẳng có bợn nhơ, sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Nên Như Lai là không có bợn nhơ, không còn ràng buộc. Ràng buộc nghĩa là vương vấn bạn bè, bà con quyến thuộc, giải thoát chân thật thì không còn sự ràng buộc như vậy.

Như Chuyển Luân Vương vui thú một mình không cần bè bạn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là chẳng ai ngang bằng.

Như loài hoa sen sinh ra trong nước là chuyện bình thường, hoa sen sinh ra từ ở trong lửa mới là kỳ đặc, mọi người ưa thích, giải thoát chân thật cũng y như vậy.

Mọi người ưa thích, sự giải thoát đó tức là Như Lai, cho nên Như Lai là bậc hy hữu, kỳ đặc vô cùng chẳng ai sánh kịp. Thí như trẻ con chưa mọc răng được, thì không thể khiến cho răng mọc liền, giải thoát chân thật cũng y như vậy.

Kẻ sống phi thời buông lung phóng túng mà được chứng quả thì không thể có, như nhất xiển đề, giải đãi làm biếng, nằm dài suốt ngày mà nói thành Phật là chuyện hoang đường.

Giả sử cư sĩ tại gia năm giới tin sâu Phật Pháp muốn cầu giải thoát đến bờ bên kia còn không thể được, huống là những kẻ lười biếng nằm dài.

Vì sao như vậy?

Bởi vì bản tính thì không thể nhờ kẻ khác mà thành, cho nên giải thoát chẳng ai sánh kịp, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vì vậy Như Lai không ai sánh kịp, vô lượng vô số.

Thí như biển lớn vẫn lường đếm được, giải thoát chân thật chẳng lường chẳng đếm, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là tối thắng vô lượng.

Sự tối thắng đó chẳng thể so sánh, thí như biển lớn không gì sánh bằng, sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là vời vợi tối thắng.

Sự vời vợi đó thí như hư không chẳng gì vượt qua, sự giải thoát đó chính là Như Lai, Như Lai vời vợi, Vua trong hàng Thánh.

Thí như sư tử chúa tể muôn loài, giải thoát chân thật là vua các pháp, ánh sáng giải thoát chiếu khắp các pháp, sự giải thoát đó chính là Như Lai, cực kỳ cao tột. Như trong các cõi thì Uất Đan Viết là thù thắng nhất, giải thoát tối thượng cũng y như vậy.

Sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là tối thượng bậc nhất không gì cao hơn, như trong các cõi thì Uất Đan Viết là thù thắng nhất, vô thượng giải thoát cũng y như vậy, sự giải thoát đó chính là Như Lai, nên Như Lai là pháp thường vô thượng.

Giống như sự chết đối với Trời, người là pháp thường vậy, nhưng với pháp thường của sự giải thoát thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nên Như Lai là thường trụ kiên cố. Cây chuối, bọt nước thì không bền chắt, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi tệ lậu.

Thí như vách gỗ đã bị mục nát là chỗ sinh sống của loài mối mọt, còn sự giải thoát thì không như vậy, như tường sơn láng không gì bám trụ, giải thoát như vậy tất cả điều ác không thể nhiễm được. Sự giải thoát đó tức là Như Lai, chẳng có giới hạn.

Thí như tụ lạc, Quốc thổ mới có ranh giới giới hạn, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như hư không khoái lạc vô biên, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vi diệu vô cùng, chẳng có dấu vết.

Như chim bay ngang dấu vết chẳng hiện, giải thoát không còn để lại dấu vết cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thâm sâu khó lường.

Cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng lớn khôn, ân đức thậm thâm không thể đo lường, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thâm sâu khó thấy.

Như các chúng sinh, mỗi mỗi tự thân đều có bản tính Như Lai của mình rất là vi diệu nhưng lại sâu kín rất là khó thấy, giải thoát chân thật vi diệu bí mật khó thấy hơn vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không thể thấy được.

Giống như đỉnh tướng không thể thấy được, giải thoát như vậy chẳng phải Thanh Văn và hàng Duyên Giác có thể thấy được, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không có nhà cửa.

Gọi là nhà cửa bởi có phòng ốc làm chỗ cư trú, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như hư không, vĩnh viễn không thể làm chỗ ở cho hai mươi lăm cõi sinh tử cư ngụ, sự giải thoát đó tức là Như Lai, không có nắm giữ.

Nắm giữ nghĩa là, như tay cầm nắm trái A Ma Lặc, giải thoát chân thật thì không như vậy, như nhà ảo thuật làm trò biến hóa không thể nắm được, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi uế tạp.

Uế tạp nghĩa là như dùng da trâu lốm đốm nhiều màu để làm y phục, giải thoát chân thật thì không như vậy, thí như lấy sữa đúng thời đúng kỳ, thì thứ sữa ấy một màu một vị, giải thoát chân thật cũng y như vậy, một tướng vi diệu, sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính thanh tịnh.

Nước ao tù đọng thì không trong sạch, giải thoát chân thật thì không như vậy, như nước Trời mưa một vị trong sạch, sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính chân diệu.

Giống như trăng trong chẳng chút mây che, giải thoát cũng vậy chân diệu vô nhiễm, sự giải thoát đó tức là Như Lai, chân diệu định tĩnh.

Cứu lửa đang cháy hừng hực trên đầu thì không định tĩnh, còn sự giải thoát diệt sạch tai họa phiền não đốt cháy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính nó bình đẳng.

Không bình đẳng là như hai người điên, tính không bình thường, giải thoát chân thật thì không như vậy, bản tính bình đẳng giống như mẹ con.

Sự giải thoát đó tức là Như Lai, bản tính tịch diệt, đến chỗ tối thượng, không còn điều gì để mong cầu nữa, giống như một người đói khát cùng cực mà được cơm ngon no đủ thỏa ý thì chẳng mong cầu thêm điều gì nữa, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính đã đoạn tận.

Thí như lưỡi câu, mồi câu, dây câu đều đã đoạn sạch, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, đã đến bờ kia.

Thí như dòng sông có bến có bờ, sinh tử vô lượng gọi là bờ này, giải thoát chân thật gọi là bờ kia, giải thoát chân thật tức là Như Lai, thanh tịnh lắng sâu.

Lắng sâu nghĩa là chẳng như nước sông mà như biển lớn, giải thoát chân thật cũng y như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, chỉ thuần một vị, như cư xá tử, thuần một vị đắng, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi buông lung.

Buông lung tức là đam mê năm dục, giải thoát chân thật thì không như vậy, tính nó thanh tịnh, lìa dâm, nộ, si, sự giải thoát đó tức là Như Lai, điều phục khát ái.

Ái có hai loại: Niệm ái, pháp ái. Pháp ái tức là thương nhớ chúng sinh, giải thoát chân thật không có niệm ái, lìa ngã, ngã sở, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính nó diệt tận.

Hết thảy tập khí sinh tử trói buộc đều đã diệt hết gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, ví như thế gian là nơi che chở mọi sự tạo tác, sự giải thoát đó tức là Như Lai, làm chỗ nương tựa cho cả thế gian.

Thí như Quốc Vương dạo chơi nước nhỏ, giải thoát chân thật thì không như vậy, bất động khoái lạc gọi là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, ở bất cứ đâu cũng thường an ổn.

Chẳng hạn ở nơi đồng trống có nhiều hiểm nạn, sợ hãi, giải thoát chân thật thì không như vậy, giống như sư tử chúa tể muôn loài chẳng có sợ hãi, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát mọi bức bách.

Thí như một người bị thú dữ đuổi chẳng ai cứu hộ để thoát hiểm nạn, giải thoát chân thật thì không như vậy. Như người lái thuyền, được con thuyền tốt vượt qua biển lớn, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát mọi nhơ bẩn.

Thí như từ sữa mà làm ra lạc, rồi lại từ lạc làm ra sinh tô, rồi từ sinh tô làm ra thục tô, rồi từ thục tô làm ra đề hồ, chỉ có đề hồ mới có tính chất tinh khiết bậc nhất, lìa mọi bợn nhơ, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, hàng phục tâm niệm cống cao ngã mạn.

Thí như quốc vương cao mạn tự đại bảo rằng chẳng ai có thể bằng mình, giải thoát chân thật thì không như vậy, lìa mọi tâm niệm cống cao ngã mạn, vô ngã, ngã sở, sự giải thoát đó tức là Như Lai, diệt trừ vô minh.

Thí như từ sữa mà làm ra lạc triển chuyển tương sinh cho đến đề hồ, như vậy đề hồ là chất tinh khiết, tự nó không còn tạp chất, nhơ bợn, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thoát dục nhàn tĩnh, không có hai pháp ngang nhau bằng nhau.

Thí như voi chúa, không ở chung đàn, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi dối lừa, giải thoát ngã sở, vào Như Lai tạng.

Thân của Trời, Người và A Tu La không được chắc thật, như cây y lan, cây lau, cây chuối, chẳng có bền chắc, lìa Như Lai tạng.

Giải thoát chân thật thì thể nhập trong mật tạng Như Lai, lìa mọi hư ngụy, đoạn tất cả hữu, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, vào chánh pháp Phật.

Phi chánh pháp là như hoa bách diệp, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nhập vào nhất tính.

Muôn tính nghĩa là tính mọi chúng sinh, thọ mạng sai khác là thọ mạng của tất cả chúng sinh, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, nhập vào nhất xứ.

Mọi ngõ thể nhập không có ngã sở, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Thiện pháp nghĩa là, thí như đứa con có hiếu cha mẹ, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Ra khỏi thế gian nghĩa là vượt trên tất cả các pháp, trong tất cả vị thì vị giải thoát chân thật là nhất, sự giải thoát đó tức là Như Lai, trạm nhiên bất động.

Động ở đây là như biển nổi sóng, giải thoát chân thật thì không như vậy, phướng nhân đà la gió bốn phương thổi vẫn không lay động, sự giải thoát đó tức là Như Lai, thẳng lên nhà pháp.

Nhà của thế gian lớn lắm cũng như cung điện của vua, giải thoát chân thật thì không như vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai. Ánh sáng chiếu lòa như luyện vàng ròng, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Nghỉ ngơi khoái lạc, thì như Quốc Vương vừa hàng phục xong các nước đối địch thân tâm khoái lạc, giải thoát chân thật xả trừ khổ ấm, Nê Hoàn khoái lạc, sự giải thoát đó tức là Như Lai, đạt đến cứu cánh, chẳng còn dư tàn, lìa mọi trói buộc lao ngục sinh tử.

Thí như tù nhân mãn hết tội tù được cho ra ngục, giải thoát cũng vậy, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa mọi kết độc. Như được giải thoát vô lượng phiền não, độc xà kết hoạn, đoạn tất cả hữu, lìa tất cả khổ, được tất cả lạc, được giải thoát mãi, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa dâm, nộ, si.

Tất cả phiền não đã đoạn hết sạch, nhổ gốc ba độc, giải thoát vô dư, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa tất cả hữu. Đoạn diệt hoàn toàn tất cả chư hữu, thể nhập Nê Hoàn, cứu cánh giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, siêu việt các ấm.

Siêu việt tất cả các pháp bất thiện, giải thoát lâu dài, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa nơi tự ngã và mọi ngã sở. Cuộc đời vô ngã, vô ngã chân thật thì Phật tính sẽ hiển hiện rõ ràng, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tính như hư không.

Hư không nghĩa là không thể nắm bắt những gì vốn có, những gì vốn không, như các Ni Kiền có niệm sở hữu và không sở hữu, giải thoát chân thật thì không như vậy.

Lại nữa, về nghĩa chữ không, thì như bình mật, nếu không có mật gọi là bình không, kỳ thật chẳng phải không có cái bình, do không có vật gì ở trong đó, nên gọi bình không, nhưng mà hình sắc cái bình vẫn còn cho nên biết rằng chẳng phải không có, nghĩa chẳng phải không của sự giải thoát cũng y như vậy, có hình có sắc cho nên mới nói chẳng phải là không.

Đã diệt hoàn toàn vô lượng phiền não, hai mươi lăm cõi, luân chuyển sinh tử, Thế Giới hành xứ tới lui đã hết, giống hư không có mật ở trong bình gọi là bình không, đã diệt hoàn toàn mọi thứ họa hoạn nên gọi là không, giống như cái bình.

Lìa pháp thế gian, chu du khắp chốn, lòng thường khoái lạc, chẳng hề lay động, thường trụ bất biến, nhưng cái bình kia là pháp vô thường, còn sự giải thoát thường trụ bất biến, cho nên gọi là không mà chẳng không, sự giải thoát đó tức là Như Lai, lìa chỗ chấp trước.

Chấp trước nghĩa là mê làm Đế Thích, Đại Lực, Phạm Thiên. Tuệ giác tròn đầy nghĩa là giải thoát mọi sự ái chấp, sự giải thoát đó tức là Như Lai, tham dục diệt hết.

Tất cả mong cầu về sự tham muốn cũng đều diệt hết, thoát mọi đam mê gọi là diệt hết, sự diệt hết đó tức là giải thoát, sự giải thoát đó tức là Như Lai, Nê Hoàn khoái lạc.

Trạng thái Nê Hoàn, ví như bầy nai thấy đám thợ săn sợ đến chết khiếp, trốn vào núi sâu, gặp động tiên nhơn liền được yên nghỉ an ổn khoái lạc, sự khoái lạc đó gọi là Nê Hoàn.

Trạng thái Nê Hoàn chẳng hề chấm dứt, giải thoát hoàn toàn tất cả các hữu, vô lượng sinh tử, phiền não đảo điên, oan gia trái thù, phương tiện trốn vào gặp được động tiên đó là chánh pháp, nương tựa Chư Phật, chánh pháp và Tăng, an ổn khoái lạc vô lượng chúng sinh. An ổn khoái lạc tức là Nê Hoàn, chẳng hề diệt tận.

Nếu chúng sinh nào quy y Tam Bảo gọi là Nê Hoàn, huống là Như Lai Nhất thiết chủng trí, xả hẳn thân này mà không phải là an ổn khoái lạc Nê Hoàn hay sao! Nhập Nê Hoàn là, như kẻ bị say, có người đến hỏi ông an lạc không?

Kẻ say tỉnh lại đáp rằng an lạc, chúng sinh cũng vậy, trong vô lượng kiếp say vùi sinh tử trong hai lăm cõi, khi đã tỏ ngộ an ổn khoái lạc, an ổn mãi mãi, giải thoát bất động, không phải diệt tận, sự giải thoát đó tức là Như Lai.

Bấy giờ Bồ Tát Ca Diếp bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Không sinh, không khởi tức là giải thoát, là Như Lai chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy, đúng vậy!

Này thiện nam tử! Không sinh, không khởi tức là giải thoát, cũng là Như Lai.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Tính của hư không, không sinh không khởi, là Như Lai chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Cứu cánh giải thoát chẳng như hư không.

Lại nữa thiện nam! Tiếng hót thanh thoát, vi diệu của chim ca lăng tần già và chim cộng mạng có giống với loài chim cú hay không?

Ca Diếp bạch Phật: Dạ không, Thế Tôn! Âm thanh của chúng khác nhau nhiều lắm, không thể thí dụ.

Vì nhân duyên gì Chư Phật Như Lai lại dùng phương tiện nói thí dụ này?

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Ông khéo hiểu được thâm ý của Phật! Cho nên giải thoát chính là Như Lai, Như Lai tức là sự giải thoát ấy, sự giải thoát này không thể ví dụ. Chư Thiên, loài người, chúng A Tu La… tất cả muôn loài không thể lấy cái không thể ví dụ làm ví dụ được, chỉ có Như Lai vì để giáo hoá mới dùng phương tiện lấy cái chẳng phải ví dụ để làm ví dụ mà nói về sự giải thoát.

Vì sao như vậy?

Bởi sự giải thoát tức là Như Lai, Như Lai chính là sự giải thoát ấy, không hai, không khác. Không thể ví dụ lấy làm ví dụ như vầng Trăng tròn, thân voi trắng lớn dụ như núi tuyết, Chư Phật Thế Tôn cũng y như vậy, nói đến những điều chẳng phải ví dụ dụ cho giải thoát, vì để giáo hoá chúng sinh nên thuyết pháp phương tiện và thuyết pháp chân thật.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Vì sao phải thuyết pháp bằng hai cách?

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Thí như có người khởi tâm sân hận với Đức Như Lai, liền lấy dao kiếm tổn thương Như Lai, nhưng Đức Như Lai không bị tổn thương.

Này thiện nam tử, vậy thì người kia có bị mang tội vô gián hay không?

Ca Diếp bạch Phật: Dạ không, Thế Tôn! Bởi vì sao vậy?

Bởi thân Như Lai vẫn được bảo toàn, không bị thương tổn, cho nên không mắc tội nặng vô gián.

Thân của Như Lai pháp thân tự tại, không phải là thân cần được nuôi dưỡng, làm sao tổn hại! Tuy nhiên người kia khởi tâm độc ác, vì lý do đó mắc tội vô gián. Đây là cách thuyết pháp phương tiện và thuyết pháp chân thật.

Phật bảo: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Pháp của ta thuyết cũng giống như vậy.

Lại nữa thiện nam! Ví như có một đứa con bất hiếu muốn hại mẹ mình. Bà mẹ biết được nên đã bỏ xứ chuyển đi nơi khác. Đứa con không biết mẹ mình đã đi, nên về quê cũ, đem theo dao gậy, rồi tự bảo rằng đã giết mẹ mình, nhưng mà kỳ thật thì chưa giết mẹ.

Thế nào thiện nam! Như đứa con đó có bị đọa vào địa ngục vô gián?

Ca Diếp bạch Phật: Dạ không, Thế Tôn! Nếu như sự việc giết mẹ đã được thực hiện hoàn tất thì mới mang tội địa ngục vô gián, nhưng nay thân thể của người mẹ kia không bị tổn thương thì chưa mang tội địa ngục vô gián, nhưng sẽ mang tội tương tự vô gián, cũng như vô gián, như vậy gọi đây là thuyết phương tiện và pháp chân thật.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Lành thay! Lành thay! Thế Tôn khéo dạy phương tiện đáng làm và không đáng làm.

Phật bảo Ca Diếp: Vì có nhân duyên nên mới tuyên thuyết về pháp giải thoát, vì có nhân duyên nên mới giảng rộng về các thí dụ. Thành tựu vô lượng công đức như vậy gọi là Nê Hoàn, cũng là Như Lai, và đó chính là hướng đến bên kia Đại Bát Nê Hoàn. Hôm nay Như Lai sẽ nhập Nê Hoàn, vì ý nghĩa đó cho nên gọi là Đại Bát Nê Hoàn.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật Như Lai không hướng đến sự diệt tận hoàn toàn. Chúng con nay biết thọ mạng Như Lai là vô cùng tận.

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Hộ trì chánh pháp phải nên như vậy, phải diệt tất cả mọi tâm nghi ngờ, học trí quyết định.

Này thiện nam tử! Như vậy là bậc Đại Bồ Tát đã thành tựu bốn pháp, khéo léo thuyết giảng Bộ Kinh Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần