Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI ĐẦU  

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM BIỆN ĐẠI THỪA  

PHẦN NĂM  

Bạch Thế Tôn! Thế nào là như thật trí?

Thiện Hiện! Trí nhất thiết, trí nhất thiết tướng của Như Lai, đó là như thật trí.

Thiện Hiện! Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là ba Vô lậu căn.

Những gì là ba?

Đó là vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.

Lúc bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vị tri đương tri căn?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu các hành giả, đối với các Thánh Đế, chưa được hiện quán, chưa được Thánh Quả, nhưng có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là vị tri đương tri căn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là dĩ tri căn?

Thiện Hiện! Nếu các hành giả đối với các Thánh Đế đã được hiện quán, đã được Thánh Quả, lại có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là dĩ tri căn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là cụ tri căn?

Thiện Hiện! Các hành giả, hoặc là A La Hán, hoặc là Độc Giác, hoặc là Bồ Tát đã trụ thập địa, hoặc là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, thì đó gọi là cụ tri căn.

Thiện Hiện! Ba căn như vậy, nếu ai lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là ba Tam Ma Địa.

Những gì là ba?

Đó là Tam Ma Địa hữu tầm hữu tứ, Tam Ma Địa vô tầm duy tứ, Tam Ma Địa vô tầm vô tứ.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Tam Ma Địa hữu tầm hữu tứ?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỷ lạc, nhập tịnh lự ban đầu và an trú trọn vẹn trong đó, thì đó là Tam Ma Địa hữu tầm hữu tứ.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô tầm duy tứ?

Thiện Hiện! Nếu là định ở giữa tịnh lự ban đầu và tịnh lự thứ hai, thì đó là Tam Ma Địa vô tầm duy tứ.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Tam Ma Địa vô tầm vô tứ?

Thiện Hiện! Nếu là tịnh lự thứ ba cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì đó là Tam Ma Địa vô tầm vô tứ.

Thiện Hiện! Với ba Tam Ma Địa như vậy, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện ấy, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười tùy niệm.

Những gì là mười?

Đó là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm tịch tịnh yểm ly, tùy niệm nhập xuất tức, tùy niệm thân, tùy niệm tử.

Thiện Hiện! Với mười tùy niệm như vậy, nếu ai lấy vô sở đắc làm phương tiện ấy, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát nghĩa là đối với bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ v.v… có bao nhiêu thiện pháp, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười lực của Phật.

Những gì là mười?

Đó là xứ phi xứ trí lực, nghiệp dị thục trí lực, chủng chủng giới trí lực, chủng chủng thắng giải trí lực, căn thắng liệt trí lực, biến hành hành trí lực, tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí tạp nhiễm thanh tịnh trí lực, túc trụ tùy niệm trí lực, tử sanh trí lực, lậu tận trí lực.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là xứ phi xứ trí lực?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết như thật tướng xứ phi xứ của các pháp nhân quả, thì đó là xứ phi xứ trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là nghiệp dị thục trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật, cái tướng của các nghiệp pháp và các thứ nhân quả phải chịu ở quá khứ, vị lai, hiện tại của các loài hữu tình, thì đó là nghiệp dị thục trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chủng chủng giới trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng giới vô lượng của các loài hữu tình, thì đó là chủng chủng giới trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chủng chủng thắng giải trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng thắng giải vô lượng của các loại hữu tình, thì đó là chủng chủng thắng giải trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là căn thắng liệt trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng căn thắng liệt của các loài hữu tình, thì đó là căn thắng liệt trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là biến hành hành trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng hoạt động cùng khắp của các loại hữu tình, thì đó là biến hành hành trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí tạp nhiễm thanh tịnh trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, tạp nhiễm, thanh tịnh, căn, lực, giác chi, đạo chi v.v… của các loại hữu tình, thì đó là tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí tạp nhiễm thanh tịnh trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là túc trụ tùy niệm trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng sự việc ở vô lượng vô số đời trước của các loại hữu tình, thì đó là túc trụ tùy niệm trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là tử sanh trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật tướng vô lượng vô số việc sanh tử của các loại hữu tình, thì đó là tử sanh trí lực.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là lậu tận trí lực?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ như thật các lậu dứt hẳn, tâm vô lậu giải thoát, tuệ vô lậu giải thoát, ở trong hiện pháp, tự tác chứng, an trú hoàn toàn, có khả năng chánh tri: Ta, sự sanh diệt dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ thân sau, thì đó là lậu tận trí lực.

Thiện Hiện! Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn vô sở úy.

Những gì là bốn?

Đó là chánh Đẳng Giác vô úy, lậu tận vô úy, chướng pháp vô úy, tận khổ đạo vô úy.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chánh Đẳng Giác vô úy?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta là Bậc Chánh Đẳng Giác, dù có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm hoặc kẻ thế tục nào khác, y vào pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng đối với pháp ấy, chẳng phải là Chánh Đẳng Giác thì ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do. Vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không có lý do, nên được an trú trong yên ổn, không sợ, không hãi.

Tự xưng ta ở ngôi vị Đại Tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe đó thanh tịnh, chính chơn vô thượng. Tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm, hoặc kẻ thế tục nào khác đều không ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là chánh Đẳng Giác vô úy.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là lậu tận vô úy?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta đã hết hẳn các lậu, dù có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm, kẻ thế tục nào khác y vào pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng, có lậu như vậy, chưa hết hẳn, thì ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do. Vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không lý do, nên được trong yên ổn, không sợ, không hãi.

Tự xưng ta ở ngôi vị Đại Tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe ấy thanh tịnh, chính chơn vô thượng. Tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm, hoặc kẻ thế tục nào khác, đều không có ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là lậu tận vô úy.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chướng pháp vô úy?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì các đệ tử nói rõ pháp trở ngại đạo, dù có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm hoặc kẻ thế tục nào khác y pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng làm theo pháp này chẳng có khả năng chướng ngại đạo. Ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do.

Vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không có lý do, nên được an trú trong sự yên ổn, không sợ, không hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Đại Tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe này thanh tịnh, chính chơn vô thượng. Tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm hoặc kẻ thế tục nào khác đều không có ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là chướng pháp vô úy.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là tận khổ đạo vô úy?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì các đệ tử nói đạo dứt hết khổ, dù có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm hoặc kẻ thế tục nào khác, y vào pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng tu đạo này chẳng thể dứt hết khổ. Ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do. Vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không lý do, nên được an trú trong sự yên ổn, không sợ, không hãi.

Tự xưng ta ở ngôi vị Đại Tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe này thanh tịnh chánh chơn vô thượng. Tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Trời, Ma, Phạm, hoặc kẻ thế thục nào khác đều không có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là tận khổ đạo vô úy.

Thiện Hiện! Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn sự hiểu biết thông suốt.

Những gì là bốn?

Đó là sự hiểu biết thông suốt về nghĩa, sự hiểu biết thông suốt về pháp, sự hiểu biết thông suốt về từ, sự hiểu biết thông suốt về biện luận.

Thiện Hiện! Với bốn sự hiểu biết thông suốt như vậy, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, năm loại mắt, sáu phép thần thông, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Thiện Hiện! Với các pháp như vậy, nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười tám Pháp Phật bất cộng.

Những gì là mười tám?

Đó là Ta, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, từ đêm mới chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cho đến đêm cuối cùng, việc làm đã làm xong, nhập Vô Dư Y Đại Niết Bàn, ở trong khoảng giữa, thường không lầm lẫn, không một lời vội vàng, thô bạo, không có niệm lơ đễnh, không có tâm bất định, không nghĩ mông lung.

Có trạch có xả, chí muốn không lùi, tinh tấn không lùi, niệm không lùi, tuệ không lùi, giải thoát không lùi, giải thoát tri kiến không lùi, tất cả thân nghiệp, trí là dẫn đầu, tùy trí mà chuyển. Tất cả ngữ nghiệp, trí là dẫn đầu, tùy trí mà chuyển.

Tất cả ý nghiệp, trí là dẫn đầu, tùy trí mà chuyển, đối với quá khứ phát khởi trí kiến không đắm không ngại, đối với đời vị lai phát khởi trí kiến không đắm không ngại, đối với đời hiện tại phát khởi trí kiến không đắm không ngại.

Thiện Hiện! Mười tám Pháp Phật bất cộng như vậy, đều lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là các pháp môn văn tự Đà La Ni.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp môn văn tự Đà La Ni?

Phật dạy: Thiện Hiện! Tánh bình đẳng của văn tự, tánh bình đẳng của ngôn ngữ, tánh bình đẳng của ngôn thuyết lý thú, nhập vào các pháp môn văn tự, đó là pháp môn văn tự Đà La Ni.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là nhập vào các pháp môn văn tự?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, thì do nhập vào pháp môn chữ Khả nên ngộ tất cả pháp vốn bất sanh. Do nhập vào pháp môn chữ Lạc nên ngộ tất cả pháp lìa cấu trần.

Do nhập vào pháp môn chữ Bả nên ngộ thắng nghĩa giáo của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Giả nên ngộ tính không sanh tử của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Na nên ngộ tính vô đắc thất xa lìa danh tướng của tất cả pháp.

Do nhập vào pháp môn chữ Lả nên ngộ tính xuất thế gian của tất cả pháp, nhân duyên của ái vĩnh viễn chẳng hiện. Do nhập vào pháp môn chữ Đà nên ngộ tính điều phục, tịch tịnh, chơn như, bình đẳng, vô phân biệt của tất cả pháp.

Do nhập vào pháp môn chữ Bà nên ngộ tính lìa ràng buộc của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Trà nên ngộ tính lìa nóng nảy, kiêu mạn, cấu uế của tất cả pháp, được thanh tịnh.

Do nhập vào pháp môn chữ Sa nên ngộ tính vô quái ngại của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Phược nên ngộ tính ngôn âm đạo đoạn của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Đả nên ngộ tính chơn như bất động của tất cả pháp. Do nhập vào pháp môn chữ Dã nên ngộ tính như thật bất sanh của tất cả pháp.

Do nhập vào pháp môn chữ Sắc tra nên ngộ tướng chế phục nhậm trì của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Ca nên ngộ tác giả của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Ta, nên ngộ tánh bình đẳng về thời gian của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Ma, nên ngộ tánh ngã và ngã sở của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Già nên ngộ tính hành thủ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Tha nên ngộ tính của tất cả pháp xứ sở là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Xà nên ngộ sự sanh khởi tính của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Thấp phược, nên ngộ tánh an ổn của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Đạt nên ngộ tính giới của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Xả, nên ngộ tánh tịch tịnh của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Khư, nên ngộ tánh như hư không của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Sạn, nên ngộ tánh cùng tận của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Tát đả nên ngộ tính nhậm trì xứ phi xứ khiến chẳng động chuyển của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Nhã, nên ngộ tánh được biết rõ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Lặc tha, nên ngộ tánh chấp trước nghĩa của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Kha, nên ngộ tánh nguyên nhân của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Bạc, nên ngộ tánh có thể phá hoại của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Xước, nên ngộ tánh che khuất của dục lạc của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Táp ma, nên ngộ tánh có thể nhớ nghĩ của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Hạp phược, nên ngộ tánh có thể mời gọi của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Ta, nên ngộ tánh dõng kiện của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Kiện, nên ngộ tánh bình đẳng rộng lớn của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Soai, nên ngộ tánh chứa nhóm của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Nõa nên ngộ lìa tất cả việc tranh cải ồn ào, không lại, không qua, đi, đứng, nằm, ngồi của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Phả nên ngộ quả báo đầy đủ cùng khắp của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Tắt ca, nên ngộ tánh tích tụ chứa nhóm của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Dật Ta, nên ngộ tánh tướng già suy của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Do nhập vào pháp môn chữ Chước  nên ngộ dấu vết của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Tra, nên ngộ tánh bức bách xua đuổi nhau của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được. Do nhập vào pháp môn chữ Trạch nên ngộ chỗ cứu cánh của tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được.

Thiện Hiện! Pháp môn văn tự như vậy là có khả năng ngộ nhập đến tận cùng pháp không. Trừ văn tự như vậy, còn cái biểu thị về cái không của các pháp lại chẳng thể nắm bắt được.

Vì sao?

Thiện Hiện! Ý nghĩa của văn tự như vậy chẳng thể nói ra được, chẳng thể hiển thị được, chẳng thể chấp thủ, chẳng thể ghi chép giữ gìn, chẳng thể quán sát, vì lìa các tướng.

Thiện Hiện! Giống như hư không là nơi qui thú của tất cả vật, các pháp môn văn tự này, cũng lại như vậy. Nghĩa không các pháp đều nhập vào pháp môn này mới được rõ bày.

Thiện Hiện! Nhập vào chữ Khả này v.v… gọi là nhập vào các pháp môn văn tự.

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với việc nhập vào các pháp môn văn tự như vậy thì đạt được trí thiện xảo, đối với sự nói năng, sự phô diễn, sự tiêu biểu của các thứ âm thanh, ngôn ngữ đều không bị trở ngại. Đối với tánh bình đẳng không của tất cả pháp, có khả năng chứng đắc và duy trì hết. Đối với các thứ âm thanh, ngôn ngữ đều được thông suốt.

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát có khả năng nghe và nhập vào tướng ấn, cú ấn của các pháp môn văn tự như vậy, nghe rồi thọ trì, đọc tụng rành rọt, vì người khác giảng giải, chẳng ham danh lợi thì do nhân duyên này mà đạt được hai mươi thứ công đức thù thắng.

Những gì là hai mươi?

Đó là được nghĩ nhớ dai, được tàm quí hơn hết, được sức kiên cố, được chỉ thú của pháp, được sự hiểu biết tăng thượng, được trí tuệ thù thắng, được biện tài vô ngại, được pháp môn tổng trì, được sự không nghi hoặc, được sự không giận hay ưa đối với lời nói nghịch thuận, được an trú trong sự bình đẳng không cao thấp.

Được sự thông suốt đối với âm thanh ngôn ngữ của hữu tình, được uẩn hoàn hảo, xứ hoàn hảo, giới hoàn hảo, được duyên khởi hoàn hảo, nhân hoàn hảo, duyên hoàn hảo, pháp hoàn hảo, được trí hoàn hảo phân biệt sự thắng liệt của căn.

Được trí hoàn hảo biết tâm người khác, được sự quán sát khéo léo về tinh tú niên lịch, được trí thiên nhĩ hoàn hảo, trí túc trụ tùy niệm hoàn hảo, trí thần cảnh hoàn hảo, trí hoàn hảo biết sống chết, được trí lậu tận hoàn hảo, được trí hoàn hảo nói về xứ phi xứ, được oai nghi hoàn hảo, qua lại trên đường.

Thiện Hiện! Đó là được hai mươi công đức thù thắng.

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát, khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đạt được pháp môn văn tự Đà La Ni, thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Phật bảo Thiện Hiện! Ngươi hỏi thế nào là nên biết Đại Bồ Tát phát tâm hướng đến đại thừa ư?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát, khi tu hành sáu phép Ba la mật đa, từ Bậc này đến Bậc khác, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát phát tâm hướng đến đại thừa.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát, khi tu hành sáu phép Ba la mật đa, từ Bậc này đến Bậc khác?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát biết tất cả pháp không từ đâu đến, cũng chẳng đến đâu, vì sao?

Vì tất cả pháp không đi không đến, không chỗ khởi hành, không có đích để đến, vì các pháp ấy không biến hoại, Đại Bồ Tát ấy, đối với chỗ khởi hành và chỗ đến, chẳng ỷ lại, chẳng tư duy, tuy tu sửa nghiệp ở Bậc của mình mà chẳng thấy Bậc ấy, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ Tát, khi tu hành sáu phép Ba la mật đa, từ Bậc này đến Bậc khác.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát tu sử nghiệp ở Bậc của mình?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ ở Bậc ban đầu là Cực hỷ, nên khéo léo tu sửa mười thứ nghiệp thù thắng.

Những gì là mười?

Một là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp ý lạc thù thắng thanh tịnh, vì việc ý lạc thù thắng chẳng thể nắm bắt được.

Hai là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp tâm bình đẳng đối với tất cả hữu tình, vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được.

Ba là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp bố thí vì người cho, kẻ nhận và vật được cho chẳng thể nắm bắt được.

Bốn là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp thân cận thiện hữu, vì thiện hữu, ác hữu không có hai tướng.

Năm là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp cầu pháp, vì các pháp được cầu chẳng thể nắm bắt được.

Sáu là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp thường ưa xuất gia, vì việc xả bỏ nhà cửa chẳng thể nắm bắt được.

Bảy là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp mến thích thân Phật, vì các tướng tốt và vẻ đẹp kèm theo chẳng thể nắm bắt được.

Tám là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp khai xiển giáo pháp, vì pháp được phân biệt chẳng thể nắm bắt được.

Chín là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp phá trừ kiêu mạn, vì các pháp hưng thịnh chẳng thể nắm bắt được.

Mười là lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu sửa nghiệp ngôn ngữ chắc thật, thường hằng vì tánh của tất cả ngôn ngữ chẳng thể nắm bắt được.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi an trú Bậc ban đầu là cực hỷ, nên khéo tu sửa mười nghiệp thù thắng như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ hai là Ly Cấu, nên đối với tám pháp, tư duy, tu tập, khiến mau viên mãn.

Những gì là tám?

Một là cấm giới thanh tịnh, hai là tri ân báo ân, ba là trụ sức an nhẫn, bốn là thọ hoan hỷ thù thắng, năm là không bỏ hữu tình, sáu là hằng khởi đại bi, bảy là đối với các Sư trưởng đem tâm kính tin để thăm hỏi, thừa sự, cúng dường, tưởng như phụng sự Phật, tám là khuyên cầu tu tập Ba la mật đa.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ hai là Ly Cấu, nên đối với tám pháp như vậy, tư duy, tu tập, khiến mau viên mãn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ ba là Phát Quang, nên trụ năm pháp.

Những gì là năm?

Một là cần cầu đa văn, thường không nhàm chán và không cho là đủ, đối với pháp đã nghe chẳng chấp trước văn tự. Hai là lấy tâm vô nhiễm, thường hành pháp thí, tuy mở rộng giáo hóa mà không tự cao.

Ba là vì nghiêm tịnh Cõi nước mà trồng các căn lành, tuy là để hồi hướng mà chẳng tự đề cao. Bốn là vì giáo hóa hữu tình, tuy chẳng mệt mỏi chán nản với việc sanh tử vô biên mà chẳng tự cao. Năm là tuy trụ tàm quí mà không chấp trước.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ ba là Phát Quang, nên thường an trú năm pháp như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ tư là Diệm tuệ, nên trụ mười pháp thường tu chẳng bỏ.

Những gì là mười?

Một là ở chỗ thanh vắng, thường chẳng xa lìa, hai là thiểu dục, ba là hỷ túc, bốn là thường chẳng lìa bỏ công đức đầu đà, năm là đối với các học xứ chưa từng xả bỏ, sáu là đối với dục lạc hết sức sanh nhàm chán, xa lìa, bảy là thường ưa phát khởi tâm vắng lặng, tám là bỏ các sở hữu, chín là tâm chẳng ngưng trệ chìm đắm, mười là đối với các sở hữu không có gì luyến tiếc đoái hoài.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát khi trụ Bậc thứ tư là Diệm tuệ, nên an trú mười pháp như vậy, thường hành chẳng bỏ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần