Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Nguyện Dụ - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI ĐẦU
PHẨM NĂM MƯƠI SÁU
PHẨM NGUYỆN DỤ
PHẦN MỘT
Khi ấy, Trời Đế Thích nghĩ thế này: Nếu Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba La Mật Đa, tu hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba La Mật Đa, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ pháp không nội, an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới.
Pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ chân như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu Đại Bồ Tát an trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành bốn tịnh lự, tu hành bốn vô lượng, bốn định vô sắc, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu Đại Bồ Tát tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành Bậc Cực Hỷ, tu hành Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu Đại Bồ Tát tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành mười lực Phật, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu Đại Bồ Tát tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành tất cả pháp môn Đà La Ni, tu hành tất cả pháp môn Tam Ma Địa, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu Đại Bồ Tát tu hành hạnh Đại Bồ Tát, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Nếu Đại Bồ Tát tu hành quả vị giác ngộ cao tột, còn vượt lên trên tất cả hữu tình, huống là đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nếu các hữu tình nghe nói danh tự trí Nhất Thiết Trí, tâm sanh tin hiểu, còn đạt được lợi ích tốt đẹp trong Cõi người và được thọ mạng tối thắng trong thế gian, huống là phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, hoặc thường nghe Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa như vậy.
Nếu các hữu tình thường phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, lắng nghe Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, mà các hữu tình khác đều cũng ưa thích, thì công đức đạt được Trời, người, A Tố Lạc v.v… trong thế gian chẳng thể sánh kịp.
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Trời Đế Thích, liền bảo: Này Kiều Thi Ca! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nghĩ.
Khi ấy, Trời Đế Thích lòng rất vui mừng, liền lấy hoa hương vi diệu Cõi Trời rải cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng Đại Bồ Tát.
Rải hoa xong rồi, phát lời nguyện: Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân trụ Bồ Tát thừa, cầu hướng đến quả vị giác ngộ cao tột, thì con sẽ đem thiện căn công đức của con có được, khiến cho sở cầu Phật Pháp vô thượng của vị ấy, mau được viên mãn, khiến cho sở cầu trí Nhất Thiết Trí của vị ấy.
Mau được viên mãn, khiến cho sở cầu nhân pháp tự nhiên của vị ấy, mau được viên mãn, khiến cho sở cầu pháp chân vô lậu của vị ấy, mau được viên mãn, khiến cho tất cả pháp mà vị ấy muốn nghe, mau được viên mãn. Nếu vị ấy cầu Thanh Văn, Độc Giác Thừa, cũng khiến cho sở nguyện mau được đầy đủ.
Phát nguyện như thế rồi, liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân trụ Bồ Tát thừa, đã phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, con không bao giờ phát sanh một ý niệm nào khác, khiến vị ấy thối chuyển tâm đại bồ đề, con cũng chẳng sanh một ý niệm nào khác, khiến các chúng Đại Bồ Tát chán nản, xa lìa quả vị giác ngộ cao tột, lui trụ Bậc Thanh Văn hoặc Độc Giác.
Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng Đại Bồ Tát đối với quả vị giác ngộ cao tột tâm đã sanh ưa thích, thì con nguyện cho tâm ấy càng thêm tăng tiến, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột.
Nguyện cho chúng Đại Bồ Tát ấy, thấy đủ các nỗi khổ trong sanh tử rồi, vì muốn lợi lạc cho Trời, người, A Tố Lạc v.v… trong thế gian, phát khởi các loại đại nguyện kiên cố: Ta đã vượt qua biển lớn sanh tử, cũng sẽ tinh cần độ những chúng sanh chưa vượt. Ta đã tự giải thoát buộc ràng sanh tử, cũng sẽ tinh cần giải thoát cho chúng sanh chưa giải thoát. Đối với các loại sợ hãi sanh tử, ta đã tự an ổn, cũng sẽ tinh cần làm cho chúng sanh chưa an ổn, được an ổn. Ta đã tự chứng Niết Bàn rốt ráo, cũng sẽ tinh cần làm cho chúng sanh chưa chứng đều được chứng.
Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, đối với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm, khởi tâm tùy hỷ thì được bao nhiêu phước?
Đối với công đức của Bồ Tát đã phát tâm từ lâu, khởi tâm tùy hỷ thì được bao nhiêu phước?
Đối với công đức của Bồ Tát ở Bậc Bất thối chuyển, khởi tâm tùy hỷ thì được bao nhiêu phước?
Đối với công đức của Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ, khởi tâm tùy hỷ thì được bao nhiêu phước?
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Này Kiều Thi Ca! Thế Giới bốn đại châu có thể biết cân lượng, nhưng phước tùy hỷ ấy chẳng thể cân lường.
Lại nữa, Này Kiều Thi Ca! Thế Giới tiểu thiên có thể biết cân, lượng, nhưng phước tùy hỷ ấy chẳng thể cân lường.
Lại nữa, Này Kiều Thi Ca! Thế Giới trung thiên có thể biết cân, lượng, nhưng phước tùy hỷ ấy chẳng thể cân lường.
Lại nữa, Này Kiều Thi Ca! Thế Giới tam thiên đại thiên này của ta có thể biết cân, lượng, nhưng phước tùy hỷ ấy chẳng thể cân lường.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Giả sử Thế Giới tam thiên đại thiên hiệp lại làm một biển, rồi nếu có người có thể lấy một sợi tóc chẻ ra làm trăm phần, lấy đầu của một phần chấm vào nước của biển ấy, có thể biết số giọt, nhưng phước tùy hỷ ấy chẳng thể đếm biết.
Vì sao?
Này Kiều Thi Ca! Vì phước tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy không ngằn mé.
Khi ấy, Trời Đế Thích lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình, đối với thiện căn công đức của các Bồ Tát, chẳng tùy hỷ thì nên biết đều bị ma làm mê hoặc.
Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình, đối với thiện căn công đức của các Bồ Tát, chẳng tùy hỷ thì nên biết đều là quyến thuộc của ma.
Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình, đối với thiện căn công đức của Bồ Tát, chẳng tùy hỷ thì nên biết đều là ma từ Cõi Trời chết, sanh vào chốn này.
Vì sao?
Vì nếu các chúng Đại Bồ Tát cầu hướng đến quả vị giác ngộ cao tột, nếu có phát tâm thì đối với công đức kia, rất tùy hỷ, đều phá hoại tất cả quyến thuộc, cung điện của ma quân, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình thâm tâm ái kính ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, thì đối với thiện căn công đức của các Đại Bồ Tát nên sanh tùy hỷ, đã tùy hỷ rồi, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, mà chẳng nên sanh nhiều tư tưởng khác. Nếu được như thế, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột, độ thoát hữu tình, phá quyến thuộc ma.
Bấy giờ, Phật Bảo Trời Đế Thích: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, đối với thiện căn công đức của các Bồ Tát, phát sanh tùy hỷ, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, mau chứng quả vị giác ngộ, mau viên mãn các hạnh Bồ Tát, mau cúng dường tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường gặp thiện hữu, thường nghe Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa.
Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân ấy thành tựu thiện căn công đức như thế, tùy theo chỗ thọ sanh, thường được tất cả Trời, Người, A Tố Lạc v.v… trong thế gian cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, chẳng thấy sắc xấu.
Chẳng nghe tiếng ác, chẳng ngửi mùi hôi, chẳng nếm vị đắng, chẳng xúc chạm điều khó chịu, thường chẳng suy nghĩ pháp chẳng như lý, chẳng bao giờ xa lìa Chư Phật Thế Tôn, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, gần gũi Chư Phật, trồng các thiện căn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật.
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đối với vô lượng, vô số, vô biên thiện căn công đức của Đại Bồ Tát tối sơ phát tâm, sanh tùy hỷ sâu xa, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Thường đối với vô lượng, vô số, vô biên thiện căn công đức của Đại Bồ Tát đã trụ Sơ Địa cho đến Thập Địa, phát sanh tùy hỷ sâu xa, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, thường đối với vô lượng, vô số, vô biên thiện căn công đức của Đại Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ, phát sanh tùy hỷ sâu xa, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Do nhân duyên này, thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, thiện căn tăng trưởng, mau gần quả vị giác ngộ cao tột. Chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột rồi, thường độ vô lượng, vô số, vô biên các loại hữu tình được nhập cảnh giới Niết Bàn tuyệt đối.
Vì vậy, này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với thiện căn công đức của Đại Bồ Tát sơ phát tâm nên sanh tùy hỷ, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột. Khi hồi hướng, chẳng nên chấp trước ngay tâm lìa tâm.
Cũng chẳng nên chấp trước ngay tâm tu hành, lìa tâm tu hành. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với thiện căn công đức của Đại Bồ Tát phát tâm đã lâu, nên sanh tùy hỷ, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Khi hồi hướng, chẳng nên chấp trước ngay tâm, lìa tâm, cũng chẳng nên chấp trước ngay tâm tu hành, lìa tâm tu hành. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với thiện căn công đức của Đại Bồ Tát Bất thối chuyển, nên sanh tùy hỷ, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Khi hồi hướng, chẳng nên chấp trước ngay tâm, lìa tâm, cũng chẳng chấp trước ngay tâm tu hành, lìa tâm tu hành. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với thiện căn công đức của Đại Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ, nên sanh tùy hỷ, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Khi hồi hướng, chẳng nên chấp trước ngay tâm, lìa tâm, cũng chẳng chấp trước ngay tâm tu hành, lìa tâm tu hành. Nếu thường không có sự chấp trước như thế, tùy hỷ hồi hướng thì mau chứng quả vị giác ngộ cao tột, độ các Trời, Người, A Tố Lạc v.v… khiến thoát sanh tử, được vui Niết Bàn.
Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao Đại Bồ Tát dùng tâm như huyễn mà có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?
Phật Bảo Thiện Hiện: Theo ý ông thì sao?
Ông có thấy Đại Bồ Tát bằng với tâm như huyễn chăng?
Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Bạch Thiện Thệ! Không! Con chẳng thấy huyễn, cũng chẳng thấy có tâm như huyễn.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao?
Nếu chỗ không có huyễn, không có tâm như huyễn, thì người thấy có tâm ấy có thể chứng quả vị giác ngộ cao tột chăng?
Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Bạch Thiện Thệ! Không! Con hoàn toàn chẳng thấy có chỗ không có huyễn, không có tâm như huyễn, lại có tâm ấy có thể chứng quả vị giác ngộ cao tột.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao?
Nếu chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, ngươi thấy có pháp ấy có thể chứng quả vị giác ngộ cao tột chăng?
Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Bạch Thiện Thệ! Không! Con hoàn toàn chẳng thấy có chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, lại có pháp ấy có thể chứng quả vị giác ngộ cao tột.
Bạch Thế Tôn! Con hoàn toàn chẳng thấy ngay nơi pháp lìa tâm mà nói những pháp nào là có, là không, vì tất cả pháp rốt ráo xa lìa. Nếu tất cả pháp rốt ráo xa lìa, thì chẳng thể an lập pháp này là có, pháp kia là không. Nếu pháp chẳng thể an lập có, không, thì chẳng thể nói có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, vì chẳng phải không có pháp nào có thể chứng quả bồ đề.
Vì sao?
Vì tất cả pháp đều không có tánh sở hữu, chẳng có thể đạt được không nhiễm, không tịnh.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật đa rốt ráo xa lìa. Tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba La Mật Đa cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì pháp không nội rốt ráo xa lìa. Pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo.
Pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì Chân như rốt ráo xa lìa. Pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì Thánh đế khổ rốt ráo xa lìa. Thánh đế tập, diệt, đạo cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì bốn tịnh lự rốt ráo xa lìa. Bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì tám giải thoát rốt ráo xa lìa. Tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì Bốn niệm trụ rốt ráo xa lìa. Bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì pháp môn giải thoát không rốt ráo xa lìa. pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì Bậc Cực Hỷ rốt ráo xa lìa. Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì năm loại mắt rốt ráo xa lìa. Sáu phép thần thông cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì mười lực Phật rốt ráo xa lìa. Bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì pháp không quên mất rốt ráo xa lìa. Tánh luôn luôn xả cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì trí nhất thiết rốt ráo xa lìa. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì tất cả pháp môn Đà La Ni rốt ráo xa lìa. Tất cả pháp môn Tam Ma Địa cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì tất cả hạnh Đại Bồ Tát rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì quả vị giác ngộ cao tột của Chư Phật rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Vì trí nhất thiết trí cũng rốt ráo xa lìa.
Bạch Thế Tôn! Nếu pháp rốt ráo xa lìa, thì pháp ấy chẳng nên tu, cũng chẳng nên hủy hoại, cũng chẳng nên dẫn dắt. Bát nhã Ba La Mật Đa sâu xa rốt ráo xa lìa, nên chẳng nên dẫn dắt.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã rốt ráo xa lìa, thì tại sao có thể nói Đại Bồ Tát nương bát nhã Ba la mật đa sâu xa, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?
Bạch Thế Tôn! Quả vị giác ngộ cao tột của Chư Phật cũng rốt ráo xa lìa, thì tại sao lìa pháp mà có thể chứng pháp lìa?
Vì vậy, đối với bát nhã Ba la mật đa chẳng nên nói chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy - Phẩm Hồi Hướng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Vô Sở đắc - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Bảy - Tăng Trưởng - Tập Bốn