Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM BA

PHẨM THIỆN HIỆN  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp ngã, cho đến chấp kiến giả?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán ngã cho đến kiến giả hoàn toàn chẳng có, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp ngã cho đến chấp kiến giả.

Vì sao?

Vì tự tánh của ngã cho đến kiến giả bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp đoạn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tất cả pháp tánh không thể đoạn, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp đoạn.

Vì sao?

Vì nghĩa của tất cả pháp hoàn toàn không sanh, không đoạn.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp thường?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh tất cả pháp là thường, chẳng có, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp thường.

Vì sao?

Vì tất cả pháp không sanh, không diệt, chẳng đoạn, thường.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa tưởng tướng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán pháp tạp nhiễm hoàn toàn chẳng có, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa tưởng tướng.

Vì sao?

Vì pháp tạp nhiễm tánh nó vốn xa lìa.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp kiến?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát không thấy có tự tánh của các kiến, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp kiến.

Vì sao?

Vì chỗ thấy của các pháp bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp danh sắc?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh của danh sắc hoàn toàn vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp danh sắc.

Vì sao?

Vì danh sắc chơn thật bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp uẩn?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh các uẩn hoàn toàn vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp uẩn.

Vì sao?

Vì tánh của pháp tích tụ bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp xứ?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh các xứ hoàn toàn vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp xứ.

Vì sao?

Vì tánh pháp sanh môn bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp giới?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh các giới hoàn toàn vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp giới.

Vì sao?

Vì tánh pháp trụ trì bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp nghĩa chơn thật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh các nghĩa chơn thật hoàn toàn vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp nghĩa chơn thật.

Vì sao?

Vì pháp chẳng phải hư dối bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp duyên khởi?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh duyên khởi đều vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp duyên khởi.

Vì sao?

Vì pháp vô minh v.v… bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp trước trụ ba cõi?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh ba cõi đều vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp trước trụ Ba Cõi.

Vì sao?

Vì sự ràng buộc Ba Cõi bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp tất cả pháp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh các pháp đều vô sở hữu, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp tất cả pháp.

Vì sao?

Vì tự tánh của các pháp chỉ là giả dụ, thiết lập đều giống như hư không bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa sự chấp đối với tất cả pháp như lý hoặc bất như lý?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tánh tất cả pháp không có là đúng lý, không đúng lý, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa sự chấp đối với tất cả pháp như lý hoặc bất như lý.

Vì sao?

Vì các pháp như vậy bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Phật?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chỉ biết dựa vào việc thấy Phật thì không được thấy Phật, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Phật.

Vì sao?

Vì tự tánh chân như Phật không thể thấy.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Pháp?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chỉ biết dựa vào việc thấy pháp thì không được thấy pháp, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Pháp.

Vì sao?

Vì tự tánh chân như của pháp không thể thấy.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Tăng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chỉ biết dựa vào việc thấy Tăng thì không được thấy Tăng, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy Tăng.

Vì sao?

Vì tự tánh chân như của Tăng vô tướng, vô vi không thể thấy.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy giới?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát chỉ biết tánh tội phước đầy đủ chẳng thật có, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy giới.

Vì sao?

Vì tội hoặc phước chỉ giả dụ, thiết lập bất khả đắc.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán các pháp là không, đều vô sở hữu, không thể xem thấy, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa chấp dựa vào việc thấy không.

Vì sao?

Vì tự tánh của không chẳng có, chẳng không, không thể thấy.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa nhàm chán sợ hãi tánh không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát quán tất cả pháp tự tánh đều không, chẳng phải không cùng với không có sự chống trái, cho nên việc nhàm chán sợ hãi đều bất khả đắc, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên xa lìa nhàm chán sợ hãi tánh không.

Vì sao?

Vì các pháp tánh, hoặc sự nhàm chán sợ hãi là không, chẳng có pháp tánh, không nên nhàm chán sợ hãi.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn, thông đạt pháp không?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát biết tất cả pháp tự tướng đều không, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thông đạt pháp không.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn chứng đắc vô tướng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát không suy nghĩ tất cả tướng, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn chứng đắc vô tướng.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn liễu tri vô nguyện?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát đối với pháp trong ba cõi, tâm không chỗ trụ, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn liễu tri vô nguyện.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thanh tịnh ba luân?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát viên mãn thanh tịnh mười thiện nghiệp đạo, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thanh tịnh ba luân.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thương xót hữu tình và đối với loài hữu tình không có chỗ chấp trước?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát đã được đại bi và làm trang nghiêm tịnh độ đều không chỗ chấp trước, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thương xót hữu tình và đối với loài hữu tình không có chỗ chấp trước.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thấy tánh bình đẳng đối với tất cả pháp, và không chấp trước những điều trong đó?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không tăng, không giảm và không chấp thủ, không trụ trước những điều trong đó, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thấy tánh bình đẳng đối với tất cả pháp và không chấp trước những điều trong đó.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thấy tánh bình đẳng đối với các loài hữu tình, và không chấp trước những điều trong đó?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với các hữu tình không tăng, không giảm và không chấp thủ, không trụ trước những điều trong đó, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thấy tánh bình đẳng đối với các loài hữu tình và không chấp trước những điều trong đó.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thông suốt rốt ráo đối với pháp chơn thật nghĩa lý, và không chấp trước những điều trong đó?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp chơn thật nghĩa lý, tuy thật thông đạt mà không có chỗ thông đạt, không chấp thủ, không trụ trước những điều trong đó, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thông suốt rốt ráo đối với pháp chơn thật nghĩa lý, và không chấp trước những điều trong đó.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn trí nhẫn vô sanh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát nhẫn nhục với tất cả pháp không sanh, không diệt, không tạo, không tác, và biết rõ danh sắc hoàn toàn không sanh, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn trí nhẫn vô sanh.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thuyết tất cả pháp nhất tướng lý thú?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không hành hai tướng, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn thuyết tất cả pháp nhất tướng lý thú.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn diệt trừ phân biệt?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không có sự phân biệt, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn diệt trừ phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa các tưởng?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thường được xa lìa tất cả tưởng nhỏ, tưởng lớn và vô lượng tưởng, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa các tưởng.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa các sự thấy?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát xa lìa các sự thấy của Thanh Văn, Ðộc Giác v.v… thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa các sự thấy.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa phiền não?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát xả bỏ tất cả sự liên tục của các tập khí phiền não hữu lậu, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn xa lìa phiền não.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường được viên mãn khéo léo thực hành pháp chỉ quán?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu hành trí nhất thiết, trí nhất thiết tướng, thì đây là Đại Bồ Tát thường được viên mãn khéo léo thực hành pháp chỉ quán.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn điều phục tâm tánh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở trong ba cõi mà không đắm trước, không lạc thú, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn điều phục tâm tánh.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn tâm tánh tịch tĩnh?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát nhiếp phục sáu căn, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn tâm tánh tịch tĩnh.

Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn tánh vô ngại trí?

Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tu hành chứng đắc Phật Nhãn, đối với tất cả pháp quyết định rõ ràng không chướng ngại, thì đây là Đại Bồ Tát thường nên viên mãn tánh vô ngại trí.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần