Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Tám - Phẩm Giả Hiệu - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

GIẢ HIỆU  

TẬP HAI  

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật cũng lại là không. Nếu bát nhã Ba la mật là không thì chẳng phải cái không khác bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì không có cái không nào khác bát nhã Ba la mật. Tự thân bát nhã Ba la mật là không. Bát nhã Ba la mật tự nhiên không, chỉ dùng văn tự làm giả hiệu mà thôi. Văn tự là không mới là bát nhã Ba la mật.

Vì vậy, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, thì đối với bát nhã Ba la mật không trụ. Năm ấm, sáu suy, mười tám chủng, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Phật, người hành bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ trong đó.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ văn tự, chẳng nên trụ văn tự thuyết, chẳng nên trụ một bữa ăn, hai bữa ăn, ba bữa ăn, bốn bữa ăn, ăn bằng nắm vắt, ăn bằng tâm, ăn bằng thức.

Vì sao?

Vì gọi văn tự thì văn tự là không, không có cái không khác. Văn tự tự nhiên là không. Cái không ấy không có văn tự. Văn tự vốn không. Cái gọi là không đó không có tên gọi.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ Thần Thông.

Vì sao?

Vì loại thần thông ấy là thần thông tự thân không, thần thông vốn không, không có thần thông khác mà là cái không, thần thông là không, không có cái không khác. Thần thông là cái không tự không. Kính bạch Thế Tôn, vì vậy cho nên Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ thần thông.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng nên trụ tưởng sắc, chẳng nên trụ tưởng thọ, chẳng nên trụ tưởng tưởng, chẳng nên trụ tưởng hành, chẳng nên trụ tưởng thức.

Vì sao?

Vì chúng vô thường, mà vô thường là không. Cái vô thường ấy tự nhiên là không thì cái không vô thường không khác vô thường mà là không, không có cái không khác. Vô thường tự không. Cái không ấy không có vô thường.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên, vì vậy, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chẳng nên trụ không của sắc, chẳng nên trụ không của thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên trụ vô thường của sắc, chẳng nên trụ vô thường của thọ, tưởng, hành, thức.

Chẳng nên trụ vô thường của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Chẳng nên trụ vô thường của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng nên trụ vô thường của mười tám chủng, mười hai nhân duyên chung thủy. Chẳng nên trụ khổ, chẳng nên trụ lạc.

Chẳng nên trụ ngã sở và phi ngã sở của sắc. Chẳng nên trụ ngã sở và phi ngã sở của thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên trụ cái không của sắc, cái không của thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên trụ cái không của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Chẳng nên trụ không của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng nên trụ không của mười tám chủng, mười hai nhân duyên là hoạn của sinh tử.

Chẳng nên trụ hữu vi, vô vi. Chẳng nên trụ pháp bản tế. Chẳng nên trụ sự tịch nhiên của sắc, chẳng nên trụ sự tịch nhiên của thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng nên trụ cái hư vô mịt mờ của sắc, chẳng nên trụ cái hư vô mịt mờ của thọ, tưởng, hành, thức. Sáu suy, mười tám chủng, mười hai nhân duyên cũng lại như thế.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng trụ vô bổn.

Vì sao?

Vì cái vô bổn ấy rốt ráo không có sở hữu, cũng lại là không. Vô bổn không khác, vô bổn là không, không có cái không khác, mà không có cái không khác là vô bổn vậy. Vô bổn tự nhiên không. Không cũng là vô bổn. Vì vậy, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật chẳng trụ vô bổn. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng trụ vô bổn. Cho đến các pháp và các Pháp Giới, các pháp tịch nhiên cho đến bản tế cũng không chỗ trụ.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, chẳng trụ tất cả các môn Tổng trì, cũng chẳng trụ tất cả các môn tam muội.

Vì sao?

Cái gọi là môn Tổng trì thì môn tổng trì ấy cũng lại là không. Cái gọi là môn Tam ma địa thì môn Tam ma địa ấy cũng lại là không. Môn tam muội, môn tổng trì tự nhiên là không, không có không khác. Tự nhiên không là không có cái không khác. Môn Tổng trì, môn tam muội là bản tịnh, mà bản tịnh là không, tánh tự nhiên không.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không có phương tiện thiện xảo, nghĩ là có ta, đó là ngã sở. Mà nghĩ như thế là trụ sắc, ở trong sắc có hành tạo tác sinh tử, trụ thọ, tưởng, hành, thức, trong đó có cái tạo tác là hành. Không trừ cái nhân tạo tác sinh tử mà trở lại thọ bát nhã Ba la mật, không chịu tinh cần hành bát nhã Ba la mật thì không đủ điều kiện phát sinh bát nhã Ba la mật đạt đến trí nhất thiết.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Ví như Đại Bồ Tát không có phương tiện thiện xảo, vị ấy nghĩ việc tôi ta, thị phi, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, khổ, lạc, thiện ác, môn tổng trì, môn tam muội thì không thể tu hành môn tổng trì, cũng không thể thuận theo môn tam muội, không thể tạo hành vô tưởng để thọ bát nhã Ba la mật, cũng không thể tinh cần hành bát nhã Ba la mật. Vì không đầy đủ bát nhã Ba la mật nên không thể thành tựu trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà không có phương tiện thiện xảo thì chẳng nên thọ sắc, chẳng nên thọ thọ, tưởng, hành, thức nhưng vị Bồ Tát ấy ngược.

Lại nữa, thọ sắc, mà sắc thì bản tịnh, rõ ràng là không. Lấy đó mà suy thì nếu thọ thọ, tưởng, hành, thức, như đã nói là bản tịnh thì cũng lại là không, chẳng thọ các môn tổng trì, các môn tam muội. Nếu chẳng thọ môn tam muội, môn tổng trì thì có thể hưng lập bản tịnh là không, cũng chẳng thọ bát nhã Ba la mật. Do biết bản tịnh là không nên Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật.

Như thế thì quán sát các pháp, bản tịnh là không, nên trụ quán này, chẳng nghĩ pháp ngã sở là hạnh, đó là Đại Bồ Tát làm mà không thọ nhận, gọi là tam muội vô thọ. Đạo Tràng đầy đủ, rộng khắp không có biên giới, không có hạn lượng. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng thể sánh kịp. Lại chẳng thọ trí nhất thiết.

Còn quán sát nội không, ngoại cũng không, có cái nội ngoại không, cầu không cũng không tức là không lớn, mới là cái không chân không, cái không có sở hữu, cái không không sở hữu, cái không hoàn toàn rốt ráo, cái không xa rộng, cái không có sở tạo, cái bản tịnh không, cái tự nhiên tướng không, cái không tất cả chư pháp, cái không không sở hữu, cái không tự nhiên, cái không do từ tự nhiên phát khởi.

Vì sao?

Vì vừa hướng đến cái hóa thì cái hóa ấy là trần lao.

Sao gọi là hóa?

Sao gọi là tưởng?

Sắc là hóa, thọ, tưởng, hành, thức là tưởng. Mười tám chủng, mười hai nhân duyên, môn tổng trì, môn tam muội, đó là tưởng trần lao. Nên tiếp nhận làm theo, không có cái nương dựa, không có cái dưỡng dục. Thanh Văn, Bích Chi Phật không tin trí nhất thiết.

Sao gọi là tin ưa?

Tin là bát nhã Ba la mật, dốc lòng ưa thích, không nghi ngờ, tư duy, phân biệt. Quán yếu nghĩa của nó thì không tưởng, hành trì cũng không tưởng. Cho nên không thọ tưởng, chuyên nhất nương tựa, hoan hỷ ưa thích hành trì, dốc hết lòng tin thì đối với cái bản tịnh không ấy sẽ được đạt đến, không trở lại thọ sắc, cũng không thọ thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao?

Vì tướng tự nhiên ấy hiện tại là pháp không. Cái không đã thọ ấy cũng không có đối tượng chứng đắc.

Vì sao?

Vì cái bên trong của định tam muội ấy chẳng thể nắm bắt được, gọi là thời tuệ, chẳng ở ngoài, chẳng ở trong, chẳng ở trong ngoài mà có thể nắm bắt được. Thời tuệ ấy cũng không thấy được, trong ngoài đều không. Trừ nhân duyên ấy thì sở học, niềm tin giống như ngoại đạo.

Bồ Tát ưa thích pháp này rồi thì dốc hết lòng tin, cho nên gọi là trí nhất thiết. Dùng giới hạn các pháp, xét tất cả pháp, hoàn toàn không nắm bắt được cái nguyên ủy của nó. Khởi lòng tin như thế rồi thì không có thọ pháp lại chẳng tưởng niệm cái có, cũng chẳng có thể nắm bắt được vô số pháp. Ngay đối với cái đang thọ, thì thọ hay không thọ cũng lại không nghĩ. Cái mà con người có thể dùng để tu tập là đối với tất cả pháp không niệm gì hết.

Đó là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát. Các vị cũng không khứ lai, độ không có sở độ mà lại đi cùng khắp. Sở dĩ được như vậy vì chẳng thọ sắc, chẳng thọ thọ, tưởng, hành, thức. Đối với tất cả pháp, cũng không thọ, cũng không thọ các môn Tổng trì, không thọ các môn tam muội.

Đối với tất cả pháp không thọ sự phát khởi, cũng không trung gian mà nhập Niết Bàn, dùng đầy đủ hết mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của phật, bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo.

Vì sao?

Vì bốn ý chỉ ấy là dừng không chỗ dừng, bốn ý đoạn ấy là đoạn không chỗ đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo cũng đều như vậy. Mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, giác ngộ các pháp ấy là không có chỗ giác ngộ.

Xét pháp ấy cũng chẳng phải là pháp. Đó là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát, không thọ sắc, cũng không thọ thọ, tưởng, hành, thức, cho đến môn tổng trì, môn tam muội như vậy, không có gì khác.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên nghĩ thế này: Chỗ nào là bát nhã Ba la mật?

Vì sao gọi là bát nhã Ba la mật?

Cái gì là bát nhã Ba la mật này?

Duyên cớ gì có bát nhã Ba la mật ấy?

Dùng bát nhã Ba la mật ấy cũng là không có cái chứng đắc, cũng không có cái thấy, cũng không có cái không thấy. Đó là bát nhã Ba la mật của Đại Bồ Tát.

Kính bạch Đức Thiên Trung Thiên! Lại nữa, Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, nên tư duy thế này: Cái pháp không sở hữu đó cũng không thể nắm bắt được, cũng không có bát nhã Ba la mật.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Tu Bồ Đề: Thưa Nhân Giả! Pháp nào gọi là không sở hữu cũng chẳng thể nắm bắt được?

Đáp: Pháp bát nhã Ba la mật không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật cũng lại như thế, không sở hữu cũng chẳng thể nắm bắt được, vì ở trong không, ở ngoài cũng không, trong ngoài cũng không.

Cái không đó đạt đến cái không lớn, đưa đến chân không, vô sở hữu không. Do cái không này đưa đến không có không, vô thường cũng không, sợ hãi cũng không, hữu vi không, bản tịnh cũng không, tự nhiên tướng không, nhất thiết pháp không, tự nhiên cũng không, sở hữu tự nhiên cũng không.

Vì duyên cớ đó nên sắc không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được, thọ, tưởng, hành, thức cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái nội không ấy cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được, cái sở hữu không, cái vô sở hữu không, cái tự nhiên không đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Bốn ý chỉ ấy cũng đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo cũng đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật cũng đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Sáu Thần Thông cũng đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái vô bổn ấy cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Cái gọi là pháp trụ ở pháp, hoặc pháp tịch nhiên, xét bản tế cũng đều không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Cái gọi là Phật đó cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Trí nhất thiết cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhất thiết cụ tuệ cũng không sở hữu, cũng chẳng thể nắm bắt được. Tất cả trong cũng không, xét ngoài cũng không, trong ngoài cũng không, sở hữu cũng không.

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tư duy như thế, quán sát như thế. Tư duy như thế rồi thì không thể thấy tâm, tâm không đắm trước, không nhiễm ô, không sợ, không hãi, không khiếp, không lo, không xấu hổ, nên biết đó là Đại Bồ Tát không lìa bát nhã Ba la mật.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Tu Bồ Đề: Thế nào là Đại Bồ Tát biết điều đó thì không lìa bát nhã Ba la mật?

Hiền Giả Tu Bồ Đề trả lời Hiền Giả Xá Lợi Phất: Cái gọi là lìa sắc là lìa cái tự nhiên của sắc, cái gọi là lìa thọ, tưởng, hành, thức là lìa cái tự nhiên của thọ, tưởng, hành, thức.

Cái gọi là lìa thí Ba la mật là lìa cái tự nhiên của thí Ba la mật, cái gọi là lìa giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật là lìa cái tự nhiên của giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật, bát nhã Ba la mật. Cái gọi là lìa ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, giác ý, tám Thánh đạo là lìa cái tự nhiên của ba mươi bảy phẩm.

Cái gọi là lìa mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật là lìa cái tự nhiên của pháp Phật. Cái gọi là lìa các môn tổng trì, các môn tam muội, bản tế là lìa cái tự nhiên của các môn tổng trì, các môn tam muội và bản tế.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Tu Bồ Đề: Sao gọi là tự nhiên của sắc?

Sao gọi là tự nhiên của thọ, tưởng, hành, thức?

Sao gọi là tự nhiên của mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật?

Hiền Giả Tu Bồ Đề trả lời: Đã không sở hữu nên gọi là tự nhiên. Sắc không sở hữu nên gọi là sắc tự nhiên, thọ, tưởng, hành, thức không sở hữu nên gọi là thọ, tưởng, hành, thức tự nhiên. Cho đến bản tế không sở hữu nên gọi là bản tế tự nhiên.

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất! Vì vậy người khởi quán này thì biết lìa sắc là tự nhiên của sắc, biết lìa thọ, tưởng, hành, thức là tự nhiên của thọ, tưởng, hành, thức. Năm ấm, sáu suy, mười tám chủng, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của Chư Phật cho đến bản tịnh không sở hữu nên gọi là bản tịnh tự nhiên.

Cái gọi là lìa sắc là lìa bản tướng của sắc, cái gọi là lìa thọ, tưởng, hành, thức là lìa bản tướng của thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả các pháp và các Phật Pháp lìa bản tế là lìa tướng của bản tế. Tướng tự nhiên của sắc là tướng tự nhiên nên gọi là tướng tự nhiên mà được xa lìa.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Tu Bồ Đề: Phải chăng Đại Bồ Tát nào học pháp này đều hướng về trí nhất thiết?

Hiền Giả Tu Bồ Đề trả lời Hiền Giả Xá Lợi Phất: Đúng vậy, đúng vậy! Hiền Giả! Ai học pháp này đều hướng về trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều không có chỗ khởi, không chỗ diệt.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Tu Bồ Đề: Thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Vì sao tất cả các pháp không khởi, không diệt?

Đáp: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất! Gọi sắc thì sắc ấy là không, vì vậy nên chẳng khởi chẳng diệt, cũng chẳng thể nắm bắt được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là không, vì vậy nên chẳng khởi, chẳng diệt, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mười tám chủng, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, các môn tổng trì, các môn tam muội cho đến bản tế đều chẳng khởi, chẳng diệt, cũng chẳng thể nắm bắt được.

Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có thể được như thế thì tiếp cận với trí nhất thiết. Giả sử có thể tiếp cận với trí nhất thiết thì thân, khẩu, ý tự nhiên thanh tịnh. Các tướng thanh tịnh tự nhiên đầy đủ. Thân, khẩu, ý đã có thể thanh tịnh, đầy đủ các tướng đạt đến thanh tịnh thì ngay khi ấy Bồ Tát liền chẳng còn khởi tâm dâm, nộ, si.

Tâm dâm, nộ, si đã thanh tịnh rồi thì không có kiêu mạn, sân hận, tham lam, lại cũng không khởi sáu mươi hai kiến.

Các tâm tà, nghi, tham, giận, đã không khởi thì có thể trừ sáu mươi hai kiến, các điều ý nghi ở các chỗ sinh ra không tạo thường kiến, chỗ sinh ra là cõi nước của Chư Phật, từ Cõi Phật này du hành đến Cõi Phật khác, giáo hóa chúng sinh, làm nghiêm tịnh Cõi Phật, luôn luôn chuyên nhất, không rời Chư Phật Thế Tôn cho đến khi đạt vô thượng bồ đề thành Đẳng Chánh Giác. Như vậy là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần