Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM DIỆU THÂN SINH  

TẬP BA  

Lại vì có các duyên

Như lý, tuyên thuyết rộng

Danh sinh vốn ở tướng

Tướng khởi lại theo duyên

Đủ các loại phân biệt

Đều nhân tướng mà có

Căn, cảnh như bình, vỏ

Uẩn pháp hợp lại thành

Phân biệt từ đây sinh

Biết rõ phân biệt đúng

Hoặc động hoặc chẳng động

Tất cả các thế gian

Đều nhân si ám sinh

Lấy ngu tối làm thể

Dài, ngắn các màu sắc

Âm thanh cùng hương vị

Ngọt, đắng, bền chắc, trơn

Chỗ duyên của ý thức

Tánh thiện và bất thiện

Pháp hữu vi, vô vi

Cho đến cảnh Niết Bàn

Đây đều cảnh của trí

Niệm niệm thường chuyển biến

Đều do nương thức sinh

Như lực đá nam châm

Hút sắt khiến di chuyển

Nên biết thức Mạt na

Ở tàng thức cũng vậy

Như rắn có hai đầu

Mỗi đầu làm một việc

Ý nhiễm ô cũng vậy

Chấp thủ A lại da

Vì ngã tạo nên nghiệp

Tăng trưởng thêm ngã sở

Cùng kết hợp ý thức

Làm chỗ nương mà chuyển

Trong thân sinh hơi ấm

Vận động tạo các nghiệp

Ăn uống và y phục

Tùy việc mà thọ dụng

Nhảy nhót hoặc ca múa

Mỗi loại tự vui thích

Giữ thân các chúng sinh

Đây do công của ý

Như trong giấc mộng thấy

Tất cả các cảnh giới

Khởi các loại phân biệt

Không biết chỉ tự tâm

Như người ở trên không

Chạy trên tơ đùa giỡn

Nguy hiểm không an ổn

Phân biệt cũng như vậy.

Phân biệt không chỗ nương

Chỉ làm theo mỗi cảnh

Như hình tượng trong gương

Do thức động nên thấy

Kẻ ngu mê hoặc này

Chẳng phải bậc trí sáng

Nhân chủ phải nên biết

Ba thứ này thức hiện

Nếu xa lìa chỗ này

Thì gọi là chân thật

Các Bồ Tát, Trì Tấn

Và Thánh Mục Kiền Liên

Quán sát khắp ức cõi

Mỗi thứ đều tốt đẹp

Trong chỗ trang nghiêm đó

Cõi này rất thù thắng

Cực lạc hiện an vui

Cho đến ở phương dưới

Trong vô lượng ức cõi

Được Chư Phật tán thán

Đều bảo nước mật nghiêm

Tự nhiên hiện oai đức

Vô thủy cũng vô chung

Vốn là cõi Như Lai

Nhưng ra khỏi ba cõi

Tịch tĩnh chốn vô vi

Lợi mình và lợi người

Sự nghiệp đều viên mãn

Đây chính là thành Phật

Muốn thực hành Phật sự

Cốt yếu từ mật nghiêm

Hóa làm vô lượng ức

Thường nương theo chánh định

Hiện ra các thần thông

Trong tất cả cõi nước

Như mặt trăng không thấy

Tùy các loại chúng sinh

Ưng hóa làm lợi ích

Mười cõi của Hoa Nghiêm

Đại thọ cùng thần thông

Thắng man và Kinh khác

Đều từ Kinh này ra

Kinh này thù thắng nhất

Các Kinh không thể bằng

Nhân chủ và các Vua

Nếu hết mực tôn kính

Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc

Vô tưởng các cung trời

Phật đã vượt ra khỏi

Trụ vào chốn mật nghiêm

Các cung điện cõi này

Như hoa sen nhiều sắc

Tất cả Đức Như Lai

Tướng đẹp, trí thanh tịnh

Phật và các Bồ Tát

Thường trụ ở trong này

Thế Tôn luôn thiền định

Tịch tĩnh rất tối thượng

Tự nương định khó nghĩ

Hiện các sắc tốt đẹp

Sắc tướng không giới hạn

Ngoài kiến chấp năng, sở

Cõi Cực lạc trang nghiêm

Thế Tôn thọ vô lượng

Các hành giả tu quán

Sắc tướng đều như vậy

Hoặc thấy Thiên trung thiên

Sắc vàng sáng rực rỡ

Sư tử màu kim sắc

Chân kim cang, nguyệt quang

Con công lông trắng nõn

Sen lưu ly sáng chói

Hoặc thấy thân gầy yếu

Rách rưới dáng lùn xấu

Hoặc như ngàn mặt trời

Chiếu trên hoa sen lớn

Hoặc thấy các Bồ Tát

Đỉnh đính tóc Long Vương

Dùng vật báu của Vua

Làm mũ báu trang nghiêm

Hoặc thấy các hình tượng

Bánh xe, cờ, cá, ốc

Chiếu ra màu sắc đẹp

Như cầu vồng trên không

Hoặc thấy núi Tu Di

Đặt trong lòng tay phải

Hoặc đem nước biển cả

Gom như dấu chân bò

Hoặc thấy được làm Vua

Mặt áo mũ sang trọng

Hai bên quan vây quanh

Cùng tuyên chiếu việc nước

Hoặc thấy các Bồ Tát

Bậc tu hành tối thượng

Nói về cảnh giới mình

Biết các pháp của Phật

Hoặc dùng trí thiền định

Vội chuyển chỗ nương tựa

Chứng được thân như huyễn

Tất cả đều vô ngại

Hoặc thấy rõ các cảnh

Đoạn các nghiệp chấp trước

Các kiến chấp đã trừ

Không trở lại các cõi

Như mỡ dầu đã hết

Đèn tắt mà Niết Bàn

Hoặc thị hiện tu hành

Tất cả Ba la mật

Diễn bày ở đại hội

Ban khắp vô cùng tận

Khổ hạnh và trì giới

Các phép nghi mỗi loại

Nước cực lạc trang nghiêm

Người chẳng phải thai sinh

Thân tướng như vàng ròng

Tỏa màu sắc khắp nơi

Tương ứng được tự tại

An lạc và sáng suốt

Cảnh giới của người này

Trăm phần không phải một

Người trong cõi Cực Lạc

Thức ăn theo ý muốn

Đấng Mâu Ni tự tại

Định là vị cam lộ

Cây báu tên như ý

Dạo chơi nghỉ dưới đó

Vàng ròng làm miếng mỏng

Trải khắp đất trang nghiêm

Mặt đất nhiều hoa sen

Cùng các hoa tươi tốt

Mến mộ công đức Phật

Nhất tâm để hồi hướng

Nơi Cõi Phật thù thắng

Từ hoa sen hóa sinh

Đủ các tướng trang nghiêm

Sáng trong không trần cấu.

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng nói kệ này rồi, hiện thân mình như đốt tay hoặc như hạt cải cho đến một phần trăm đầu sợi lông, hoặc hiện thân Phật, hoặc hiện thân Độc Giác hoặc hiện thân Thanh Văn và hiện vô số thân hình khác để thuyết pháp.

Hoặc nói Bồ Tát chứng nhập các địa, biết rõ năm pháp, tám thức, ba tánh, hai vô ngã, đắc tam muội như huyễn tùy ý thọ thân, thần thông tự tại, lực vô sở úy đều không thoái chuyển, an trụ vào nơi chốn thanh tịnh, nhập vào Cõi Phật, vô lậu uẩn, giới thường không biến đổi.

Hoặc nói Bồ Tát có thể dạo khắp, như mộng, như tượng, như trăng trong nước. Người hành đạo thực hành các pháp quán này chứng được tam muội Thủ Lăng Nghiêm, thân như mười huyễn, các nguyện hoàn toàn được thành tựu, đạt được Bậc Chánh Giác ngồi trên hoa sen báu, các chúng Bồ Tát đều vây quanh.

Hoặc nói Bồ Tát nhờ nguyện lực hiện vô số hình ở các cõi ma mà làm Phật sự. Thân vi diệu của các Bồ Tát này không còn vướng vào có, không. Ví như các Trời, Tiên, Càn Thát Bà ở núi Tu Di hoặc ở hư không, cõi của chúng sinh không thể nhìn thấy, thân các Bồ Tát ấy cũng như vậy, người không tu quán hành thì không thể thấy được.

Hoặc nói Bồ Tát đắc Thiền định, lực tam muội tự tại ở cung điện hoa sen của mười phương cõi nước thị hiện thọ sinh và nhập Niết Bàn.

Hoặc nói Bồ Tát nhờ lực tam muội chuyển sở y mà không trụ vào chân như, ở nơi tất cả cõi chúng sinh hiện các thân khác nhau, tâm của Bồ Tát bình đẳng như đất, như nước, như Mặt Trời, Mặt Trăng.

Hoặc nói Bồ Tát đem tâm đại từ thương sót chúng sinh lưu chuyển sinh tử, nghèo cùng, cô độc bị các khổ dày vò như con ong đen đậu vào thuyền nên đi khắp biển cả, theo thuyền chạy một dotuần cho đến trăm ngàn vô lượng do tuần để thuyết về vô ngã, sinh tử, vô thường khiến cho họ biết được sát na chống diệt không dừng.

Hoặc nói Chư Phật và các Bồ Tát thấy tất cả chúng sinh khát ái mê loạn, phân biệt, bị các khổ bức bách ở trong pháp vô tướng mà chấp thủ tướng, chấp trước có năng sở hư vọng, do năng chấp và sở chấp này trói buộc tâm chúng sinh dong ruỗi khắp trong biển sinh tử không dừng nghèo cùng, cô thế không có chỗ nương, như nhện, sâu bị mắc lưới trong biển cả.

Phật và Bồ Tát giống như người ở trên thuyền đối với chúng sinh khởi tâm thương xót, muốn làm cho thoát khỏi nạn khổ sinh tử tùy theo tâm chúng sinh mà hiện thân, thuyết pháp, bố thí làm tất cả các hạnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường