Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Phạm Chí - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI BA

PHẨM PHẠM CHÍ  

TẬP BA  

Ở trước, ở sau

Khoảng giữa đều không

Không nắm, không bỏ

Gọi là Phạm Chí.

Có người ở đời vị lai không làm việc ác, đã không làm, sẽ không làm. Quá khứ không làm các điều ác, những việc ác ấy đã không làm, sẽ không làm, hiện không làm. Ở khoảng giữa làm các điều ác, không làm các điều ác, đã, hiện, sau cũng không làm.

Người tu có khả năng bỏ việc làm ác thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Ở trước, ở sau,

Khoảng giữa đều không,

Không nắm, không bỏ,

Gọi là Phạm Chí.

Dứt dâm, nộ, si

Các ác kiêu mạn

Kim xâu hạt cải

Gọi là Phạm Chí.

Người tu hành bị dục làm nhơ tâm mình, do vậy mà không được sự vắng lặng của đạo. Nếu dứt bỏ các pháp bất thiện như kiêu mạn… thì dần dần sẽ đến cảnh giới Niết Bàn. Như dùng kim xâu hạt cải thì không bao giờ được, tâm người kia cũng giống như vậy, không bị dâm, nộ, si trói buộc làm trở ngại, người nào có đủ những việc như vậy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Dứt dâm, nộ, si,

Các ác kiêu mạn,

Kim xâu hạt cải,

Gọi là Phạm Chí.

Thành nhờ hào mà chắc

Qua lại chịu các khổ

Muốn lội qua bờ kia

Không chịu nghe lời ai

Chỉ cần diệt, không khởi

Đó gọi là Phạm Chí.

Sinh tử lâu xa, chịu khổ vô số, chỉ có người thiền định mới vượt khỏi nạn sinh tử này, dứt ý tà nghi, không còn do dự, bỏ kết sử phiền não được kết sử thanh tịnh. Ai có được những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Thành nhờ hào mà chắc,

Qua lại chịu các khổ,

Muốn lội qua bờ kia,

Không chịu nghe lời ai,

Chỉ cần diệt không khởi,

Đó gọi là Phạm Chí.

Người dứt được ái

Đời này, đời sau

Nghiệp ái đã hết

Đó là Phạm Chí.

Gốc ái chưa nhổ hết thì không đạt đạo. Gốc ái đã chặt đứt rồi mới hành đạo được. Người muốn cầu đạo mà không dứt bỏ hết kết sử ba cõi thì không đạt đạo, nếu nhổ bỏ được gốc ái dục rồi sau mới đạt đạo. Ai có được những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Người dứt được ái,

Đời này đời sau,

Nghiệp ái đã hết,

Đó là Phạm Chí.

Người không trông mong

Đời này, đời sau

Vì không trông mong

Nên gọi Phạm Chí.

Về trông mong thì muôn vật trong Trời đất đều là niềm hy vọng của con người, nhưng niềm hy vọng này chưa cắt đứt như than hiện đời này chưa chết vẫn còn trên đời, nếu sau này chết đi thì thần thức ra đi không còn hy vọng gì. Người nào có đầy đủ các công đức này thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Người không trông mong,

Đời này đời sau,

Vì không trông mong,

Nên gọi Phạm Chí.

Tự không hay biết

Trời, Càn Đạp Hòa

Thấy biết vô lượng

Đó gọi Phạm Chí.

Khi Đức Phật Như Lai ngồi thiền thì các vị Trời, loài người không bao giờ biết lúc ấy Đức Phật đang ở đâu?

Có một vị Tỳ Kheo tên là Đa Kỳ Xà đến chỗ Đức Thế Tôn, ca ngợi Như Lai bằng kệ:

Quy mạng Bậc Tôn Quý

Quy mạng Bậc trên hết

Nay không rõ Thế Tôn

Vào cõi thiền thứ mấy?

Cúi xin Trời trong Trời,

Giảng rộng ý nghĩa ấy.

Đức Như Lai tự nói:

Trong những bậc phạm hạnh thì không có ai hơn ta được.

Sở dĩ biết như vậy là nhờ thiền định giải thoát chánh thọ định ý.

Theo pháp bình thường của thế gian thì các Trời, Rồng, Thần không thể biết ta đang ở đâu huống chi khi ta đang làm Phật sự là cửa nhiệm mầu của trí tuệ thì Trời, Rồng, quỷ thần làm sao biết được ta ở đâu?

Cho nên nói:

Tự không hay biết,

Trời, Càn Đạp Hòa,

Thấy biết vô lượng,

Đó gọi Phạm Chí.

Tự biết kiếp trước

Thấy Cõi Trời, người

Biết gốc sinh khổ

Trí, tâm vắng lặng.

Tự biết những việc xảy ra trong vô số kiếp trước, quán biết những việc từ địa ngục lên đến Cõi Trời, kẻ khác thì không thể được. Chỉ có Đức Phật, Như Lai Chí Chân Đẳng Giác nhìn thấy tam thiên đại thiên Thế Giới như hạt châu trong lòng bàn tay, biết rõ gốc sinh ra khổ, thấu suốt tận cội nguồn. Người có trí khôn lanh nhạy bén thì mau chứng quả A La Hán. Tùy theo ý muốn không hề trở ngại.

Cho nên nói:

Tự biết kiếp trước,

Thấy Cõi Trời người,

Biết gốc sinh khổ,

Tâm mãi vắng lặng.

Tự biết tâm giải thoát

Khỏi dục, không mê đắm

Ba minh đã đầy đủ

Đó gọi là Phạm Chí.

gười tu hành biết tâm nghĩ gì, người giải thoát, người chưa giải thoát đều biết rõ, giải thoát hẳn các dục tưởng. Ba minh gồm tự biết kiếp trước, được thiên nhãn, phiền não hết sạch. Nếu ai có hững điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Tự biết tâm giải thoát,

Khỏi dục không mê đắm,

Ta minh đã đầy đủ,

Đó gọi là Phạm Chí.

Tự biết việc kiếp trước

Biết nhân duyên chúng sinh

Như Lai, Phật không đắm

Đó gọi là Phạm Chí.

Bấy giờ Đức Như Lai biết vô số việc, quán sát tánh hạnh của húng sinh, mỗi mỗi đều rõ ràng, ai sống ai chết thảy đều biết rõ.

Như trời mưa thấm nhuần khắp thế giới, khi ấy Đức Thế Tôn quán át các loại sinh tử cũng giống như vậy, ai sống ai chết đều biết rõ ràng.

Khi ấy Đức Thế Tôn cùng Ngài Xá Lợi Phất đang ở trong thất vắng lặng. Khi ấy, có người đã chết, đang ở trong tình trạng trung ấm, tinh thần không dời đổi.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Bây giờ thầy hãy quán xét xem thần thức của thân trung ấm này nó từ đâu đến và di chuyển đến đâu.

Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất liền nhập định tứ thiền xem thần thức người ấy đi đâu và di chuyển về đâu. Khi đó Ngài Xá Lợi Phất không biết thần thức người ấy từ đâu đến và di chuyển về đâu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất: Sự thấy biết của thầy không đến được cảnh giới Chư Phật, chỗ đến của thần thức người này cách đây vô số thế giới, năng lực thần thông của thầy không thể thấy được.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thầy thử xem xét thần thức của người đó sẽ sinh về đâu?

Bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất lại nhập tam muội nhưng không biết thần thức ấy đi về đâu.

Ngài Xá Lợi Phất liền xuất định, đến bạch Đức Phật: Hôm nay, con nhập định quán sát khắp thế giới nhưng không biết thần thức này đi về đâu.

Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Hôm nay, thần thức này phải qua cả ức thế giới để sinh vào nhà đó, tên đó, họ đó… sự thấy biết của Như Lai thì Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể sánh kịp. Thần thông biết được kiếp trước, chỉ có Như Lai, Bậc Chánh Đẳng Giác mới có được thần thông biết được kiếp trước này mà thôi.

Cho nên nói:

Tự biết việc kiếp trước,

Biết nhân duyên chúng sinh,

Như Lai, Phật không đắm,

Đó gọi là Phạm Chí.

Dứt tất cả kết sử

Cũng không còn nóng bức

Như Lai, Phật không đắm

Đó gọi là Phạm Chí.

Có các chúng sinh đã dứt bỏ tất cả kết sử, La Hán, Bích Chi Phật tuy đã dứt bỏ kết sử nhưng vẫn còn tương tự kết sử. Chư Phật, Thế Tôn thì không còn tương tự, vì thế mà nói Như Lai Phật không đắm.

Cho nên nói:

Dứt tất cả kết sử,

Cũng không còn nóng bức,

Như Lai, Phật không đắm,

Đó gọi là Phạm Chí.

Bậc Tiên nhất trong rồng

Đại Tiên tôn quý nhất

Vô số Phật tắm gội

Đó gọi là Phạm Chí.

Tiên Nhân là người đã chứng được năm thần thông, là bậc tôn quý nhất giữa Trời, người, không có ai bằng. Trong ngoài thấu suốt, không còn chút tì vết. Tiên cũng gọi là voi, khi nuôi nó đến lúc trưởng thành thì thân nó to nhất trong loài thú. Nó có ý chí mạnh mẽ đẩy lùi quân địch.

Vô số Phật tắm gội: Tắm gội ở đây là tắm gội trong ao Bát giải thoát, rửa sạch các bụi nhơ, không còn kết sử. Như Lai đưa cánh tay ra, tay duỗi đến đâu thì bụi nhơ không hề bám dính, kẻ ác rình rập Như Lai nhưng không được dịp làm hại.

Cho nên nói:

Bậc tiên nhất trong rồng,

Đại tiên tôn quý nhất,

Vô số Phật tắm gội,

Đó gọi là Phạm Chí.

Sở hữu đều không

Vượt dòng vô lậu

Từ đây sang bờ

Đó là Phạm Chí.

Người tu hành vượt ngoài tất cả các pháp, biết một cách chắc thật rằng mọi thứ trên đời này đều không thật.

Về Dòng thì dòng có bốn tên:

1. Dòng chảy ham muốn.

2. Dòng chảy nghiệp.

3. Dòng chảy ngu dốt.

4. Dòng chảy những kiến chấp sai lầm.

Ai lội qua bốn dòng chảy ấy thì được vô lậu. Bậc La Hán, Bích Chi vẫn còn suy tư về không, vô tướng, vô nguyện, nhẫn, noãn, đảnh pháp. Tuy có thể suy nghĩ hữu lậu, pháp thế tục thì vẫn còn tâm kết sử, hoặc có khi muốn nghĩ đến vô lậu thì trước phải nghĩ đến hữu lậu. Bởi vậy, đối với chỗ sâu kín của Như Lai thì có thiếu sót lớn.

Như Lai là Bậc Đại Thánh cột ý trong định, từ có đến không, đối với phép quán vô lậu không hề có thiếu sót. Chứng được các tổng trì, nhớ dai không quên. Mười lực, bốn vô úy, đại từ đại bi, ba vô ngại đạo và hạnh thần túc. Đó là những pháp mà Như Lai tu, các vị La Hán, Bích Chi Phật không làm được.

Cho nên nói: 

Sở hữu đều không,

Vượt qua dòng vô lậu,

Từ đây đến bờ,

Gọi đó là Phạm Chí.

Không thiền, không nói

Cũng không nghĩ ác

Thiền trí thanh tịnh

Đó là Phạm Chí.

Người tu hành không nghĩ đến ác thiền. Người nhập thiền không nói năng, thường suy nghĩ pháp lành. Nếu bị người mắng nhiếc thì chỉ lo giữ pháp của mình.

Nếu được vị tương ưng thiền và trung gian thiền thì giữ chặt tâm ý không bị rối loạn buồn khổ. Ai có đủ những việc ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Không thiền, không nói,

Cũng không nghĩ ác,

Thiền trí thanh tịnh,

Đó gọi Phạm Chí.

Tỳ Kheo áo, gò mả

Quán sát dục không thật

Ngồi gốc cây thanh vắng

Đó gọi là Phạm Chí.

Có bốn thứ áo gò mả:

1. Áo mặc từ nhà đi xuất gia học đạo.

2. Vải do đàn việt, thí chủ cúng dường.

3. Y bá nạp kết thành bởi những miếng vải nhặt được.

4. Vải lượm được ở gò mả dơ bẩn không sạch.

Lúc mới học đạo, mặc y từ nhà ra đi, quán sát ái dục không thật nên Ngài từ bỏ sáu muôn vị phu nhân, bỏ ngôi Vua Chuyển Luân xuất gia học đạo, ở nơi thanh vắng, ngồi dưới cây Bồ Đề, hang phục Ma Vương, phá tan mười tám ức bọn chúng. Ai có đủ những việc ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Tỳ Kheo mặc áo gò mả,

Quán sát dục không thật,

Ngồi dưới gốc cây thanh vắng,

Đó gọi là Phạm Chí.

Người không hiểu biết

Không hề nói năng

Thân lạnh không ấm

Đó gọi Phạm Chí.

Đức Như Lai ra đời, không việc gì mà Ngài không biết, không thấu suốt.

Không hề nói năng: Dứt hẳn nghi ngờ, không còn do dự, các phiền não, kết sử dứt hẳn, đạt tới cam lộ vắng lặng. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Người không hiểu biết,

Không nói năng,

Than lạnh không ấm,

Đó gọi Phạm Chí.

Lìa bỏ gia đình

Không có lo nhà

Được cam lộ vắng

Đó là Phạm Chí.

Gia đình là nơi dân chúng yên ở, được sống tự do. Từ đó sinh ra sự trói buộc về nhà cửa. Thế nên Đức Phật dạy người học đạo là phải lìa bỏ gia đình, sống nơi thanh vắng để cầu được đạo cam lộ vắng lặng. Ai có đủ những điều ấy thì gọi là Phạm Chí.

Cho nên nói:

Lìa bỏ gia đình,

Không có lo nhà,

Được cam lộ vắng,

Đó là Phạm Chí.

Dứt bỏ việc đời

Không nói lời thô

Nghĩ tám Thánh đạo

Đó gọi Phạm Chí.

Đức Như Lai Thế Tôn ánh sáng rạng rỡ. Ngài xoay bánh xe pháp lần đầu là độ cho tám muôn vị Trời, hai vị Vua, bảy vị Phạm Chí, kế độ cho Vua Bình Sa nước Ma Kiệt Đà và mười hai ngàn người trong hang đá thuộc nước ấy. Rồi lại độ cho mười hai ngàn vị Trời Thích Đề Hoàn Nhân ở nước Câu Thi Na Kiệt. Cuối cùng độ ông Tu Bạt.

Sau khi Đức Phật diệt độ sẽ có hai vị La Hán ra đời tên là Ưu Ba Quất, trong khoảng thời gian đó cứu giúp chúng sinh đông không thể kể xiết, giảng nói pháp bát chánh đạo không trở ngại.

Cho nên nói:

Dứt bỏ việc đời,

Không nói lời thô,

Nghĩ tám Thánh Đạo,

Đó gọi Phạm Chí.

Một bóng đi xa

Ẩn kín, không hình

Khó hàng, hàng được

Đó gọi Phạm Chí.

Người tu hành sinh khởi ý tưởng không bờ bến, ý niệm phân tán vô biên. Thân đang ở đây nhưng tâm thì ở ngoài biển khơi. Bởi vậy, người muốn quán xét và biết hình tướng của ý nghĩ thì thật là khó. Tâm ý rong ruổi, chỉ tích tắc đã vượt qua mấy ngàn muôn ức núi sông.

Thế nên nói: Một bóng đi xa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần