Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bảy - Phẩm Mạn Thù Thất Lợi - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BẢY  

PHẨM MẠN THÙ THẤT LỢI  

PHẦN MỘT   

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật trụ vườn Cấp Cô Ðộc, rừng Thệ Đa ở thành Thất La Phiệt, cùng năm ngàn chúng Tỳ Kheo đều là A La Hán, chỉ có A Nan Đà còn ở Bậc hữu học. Xá Lợi Tử v.v… làm thượng thủ. Lại cùng một vạn Đại Bồ Tát đều là Bậc bất thối chuyển, trang nghiêm bằng mũ giáp công đức gồm Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Diệu Kiết Tường, Bồ Tát Vô Ngại Biện, Bồ Tát Bất Xả Thiện Ách làm thượng thủ.

Khi mặt Trời xuất hiện, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi rời khỏi trú xứ của mình, đi đến chỗ Như Lai nhưng đứng ở ngoài.

Cùng lúc ấy, cụ thọ Xá Lợi Tử, Đại Ca Đa Diễn Na, Đại Ca Diếp Ba, Đại Thái Thúc Thị, Mãn Từ Tử, Chấp Đại Tạng, tất cả đại Thanh Văn Tăng đều từ trú xứ của mình đi đến chỗ Như Lai nhưng đứng ở ngoài.

Bấy giờ, biết đại chúng đều đến tập hợp, Đức Thế Tôn rời khỏi trú xứ, trải tòa như thường ngày, ngồi kết già, bảo Xá Lợi Tử: Hôm nay, vì cớ gì mà mới mờ sáng ông đã đứng ngoài cửa?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi đã đến đây trước, chúng con đến sau.

Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Mạn Thù Thất Lợi: Thiện Nam Tử! Ông thật là người đã đến đây trước, vì muốn gặp Phật để đảnh lễ và gần gũi Phật?

Trước Phật, Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy!

Vì sao?

Vì đối với Như Lai con chiêm ngưỡng lễ lạy và thân cận mà không nhàm chán. Và muốn làm lợi lạc hữu tình nên thật sự con đã đến đây trước.

Bạch Thế Tôn! Nay con đến đây để thân cận lễ kính và chiêm ngưỡng Như Lai, chỉ vì lợi lạc tất cả hữu tình, chẳng phải vì sự chứng đắc quả Bồ Đề của Phật, chẳng phải vì ưa xem thân Như Lai, chẳng phải vì làm rối động chơn pháp giới, chẳng phải vì phân biệt các pháp tánh, cũng chẳng phải vì những việc khác.

Con thấy Như Lai tức tướng chân như không động, không tạo tác, không có sự phân biệt, không có sự phân biệt khác, chẳng phải phương xứ, chẳng phải lìa phương xứ, chẳng phải có, chẳng phải không.

Chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải chính ba đời, chẳng phải lìa ba đời, không sanh, không diệt, không đến, không đi, không nhiễm chẳng nhiễm, không hai chẳng hai, tâm tuyệt đường ngôn ngữ.

Nếu đem tướng bình đẳng chân như này mà quán Như Lai thì gọi là thấy Phật một cách chân thật, cũng gọi là kính lễ và gần gũi Như Lai, thật sự làm lợi lạc cho hữu tình.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông quán chiếu như vậy là để thấy những gì?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Con quán như vậy nhưng hoàn toàn không thấy gì. Đối với tướng các pháp cũng không có tướng pháp nào để chấp lấy.

Phật nói: Hay thay! Hay thay! Ðồng Tử! Đối với Như Lai ông đã quán được như vậy. Đối với tất cả pháp, tâm không có sự chấp thủ, cũng không phải không chấp thủ, chẳng phải tập hợp, chẳng phải ly tán.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Mạn Thù Thất Lợi: Ngài thường gần gũi kính lễ và quán Như Lai, được như vậy thật là hy hữu! Tuy thường thương xót hữu tình nhưng đối với hữu tình hoàn toàn vô sở đắc. Dù hay giáo hóa chúng sanh hướng đến Niết Bàn mà không có sự chấp thủ. Chỉ vì lợi lạc các hữu tình nên mang giáp mão lớn, nhưng ở trong ấy chẳng khởi lên phương tiện chứa nhóm hay tan hoại.

Mạn Thù Thất Lợi thưa với Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như Tôn Giả nói. Vì lợi lạc hữu tình nên tôi mang giáp mão lớn khiến họ hướng tới Niết Bàn. Đối với hữu tình đã giáo hóa và cảnh giới Niết Bàn đã chứng không có sự chứng đắc, cũng không sự chấp thủ.

Này Xá Lợi Tử! Chẳng phải tôi thật muốn lợi lạc hữu tình mà mang giáp mão lớn.

Vì sao?

Vì cảnh giới của các hữu tình không tăng không giảm. Giả sử ở trong một Cõi Phật đây có hằng hà sa số Chư Phật, mỗi Đức Phật đều trụ hằng hà sa số đại kiếp, ngày đêm thường thuyết hằng hà sa số pháp môn.

Mỗi Pháp Môn độ được hằng hà sa số loài hữu tình của Cõi Phật ấy, làm cho tất cả đều vào Vô Dư Niết Bàn.

Như Cõi Phật đây có sự việc như vậy, nếu hằng hà sa số Thế Giới khắp mười phương cũng lại như thế: Tuy có vô số Chư Phật Thế Tôn, qua vô số thời, thuyết vô số pháp, độ thoát vô số hữu tình đều chứng vào Vô Dư Niết Bàn nhưng Cõi hữu tình cũng không tăng, không giảm.

Vì sao?

Vì tự tánh của các hữu tình là lìa, là không bờ bến nên không thể tăng giảm.

Xá Lợi Tử nói: Mạn Thù Thất Lợi! Nếu tự tánh của các hữu tình là xa lìa, không bờ bến, không tăng giảm, thì do yếu tố nào Bồ Tát cầu đại Bồ Đề muốn vì hữu tình thường thuyết diệu pháp?

Mạn Thù Thất Lợi nói: Xá Lợi Tử! Tôi nói hữu tình đều không thể đắc, và đâu có Bồ Tát cầu đại Bồ Đề mà muốn vì hữu tình thường thuyết diệu pháp.

Vì sao?

Vì các pháp rốt ráo bất khả đắc.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Nếu các hữu tình đều bất khả đắc thì làm sao thiết lập cảnh giới của các hữu tình?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Cảnh giới hữu tình ấy chỉ là giả thiết lập.

Phật Bảo: Mạn Thù Thất Lợi!

Nếu có người hỏi ông: Cõi hữu tình này có bao nhiêu?

Nếu hỏi như vậy, ông sẽ trả lời thế nào?

Bạch Thế Tôn!

Con sẽ đáp: Số lượng Cõi kia nhiều như Phật Pháp vậy.

Mạn Thù Thất Lợi!

 Nếu lại hỏi ông: Cõi hữu tình kia số lượng chừng nào? Hỏi như vậy, ông đáp ra sao?

Bạch Thế Tôn! 

Con đáp thế này: Số lượng cõi hữu tình như cảnh giới Chư Phật.

Mạn Thù Thất Lợi! 

Nếu có người hỏi: Cõi hữu tình thuộc về đâu?

Hỏi như vậy, ông trả lời thế nào?

Bạch Thế Tôn!

 Con sẽ đáp: Chỗ thuộc về của cõi kia giống như Phật, rất khó nghĩ.

Mạn Thù Thất Lợi!

 Nếu có người hỏi: Cõi hữu tình kia trụ ở chỗ nào?

Hỏi như vậy, ông trả lời thế nào?

Bạch Thế Tôn!

 Con sẽ đáp: Nếu xa lìa bờ ô nhiễm là chỗ pháp nên trụ, tức là chỗ cõi hữu tình nên trụ.

Mạn Thù Thất Lợi! Ông tu bát nhã Ba la mật đa được trụ chỗ nào?

Bạch Thế Tôn! Con tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu hoàn toàn không có chỗ trụ.

Mạn Thù Thất Lợi! Không có chỗ trụ thì làm sao có thể tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu?

Bạch Thế Tôn! Do không có chỗ trụ nên con tu được bát nhã Ba la mật đa.

Mạn Thù Thất Lợi! Đối với thiện và ác, ông tu bát nhã Ba la mật đa thì tăng pháp nào, giảm pháp nào?

Bạch Thế Tôn! Đối với thiện và ác, con tu bát nhã Ba la mật đa không tăng, không giảm.

Bạch Thế Tôn! Đối với tất cả pháp, con tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu cũng không tăng không giảm.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa xuất hiện ở thế gian chẳng vì sự tăng giảm của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không vì vứt bỏ pháp của phàm phu v.v…, không vì nhận lấy tất cả Phật Pháp.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không vì bỏ pháp này được pháp kia mà phát khởi.

Bạch Thế Tôn! Tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không vì chán lìa tội lỗi của sanh tử, không vì vui thích công đức Niết Bàn.

Vì sao?

Vì người tu pháp này còn không thấy sanh tử, không thấy Niết Bàn, huống gì có chán lìa, có vui thích.

Bạch Thế Tôn! Tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không thấy các pháp có kém có hơn, có mất có được, nên bỏ nên lấy.

Bạch Thế Tôn! Tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không đắc các pháp nên thêm hay nên bớt.

Vì sao?

Vì chơn Pháp Giới chẳng phải có thêm hay có bớt.

Bạch Thế Tôn! Người nào tu được như vậy gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp chẳng thêm chẳng bớt, thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu. Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp không sanh không diệt, thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp chẳng thấy tăng giảm, thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp chẳng thấy sanh diệt, thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp không có sự suy nghĩ, hoặc nhiều hoặc ít đều không có sự mong muốn. Được mong muốn, người mong muốn và điều mong muốn đều chẳng chấp trước, thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Nếu tu bát nhã Ba la mật đa, chẳng thấy các pháp có tốt có xấu, có cao có thấp, gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi tu bát nhã Ba la mật đa, các thiện nam tử v.v… không được hơn thua trong các pháp, nghĩa là hoàn toàn không thấy pháp này hơn, pháp kia kém, đây là chơn bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì chân như, Pháp Giới, pháp tánh, thật tế không có sự hơn kém. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Diệu pháp của Chư Phật không hơn sao?

Mạn Thù Thất Lợi thưa hỏi: Bạch Thế Tôn! Diệu pháp của Chư Phật không thể nắm bắt được, nên cũng không thể nói là hơn hay kém.

Chẳng lẽ Như Lai không chứng được các pháp Không?

Thế Tôn đáp: Đúng vậy! Ðồng Tử.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong các pháp không đâu có sự hơn kém?

Thế Tôn khen: Hay thay! Hay thay! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Đúng như lời ông nói.

Mạn Thù Thất Lợi! Pháp của Phật chẳng lẽ không phải là vô thượng?

Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Tất cả pháp của Phật tuy thật vô thượng, nhưng ở trong ấy không có pháp nào có thể đắc, nên không thể nói pháp của Phật là vô thượng.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Khi tu bát nhã Ba la mật đa, các Thiện Nam Tử v.v… chẳng muốn nắm giữ tất cả pháp của Phật, chẳng muốn điều phục các pháp của phàm phu. Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đối với tất cả pháp của Phật và pháp của phàm phu chẳng muốn tăng thêm và điều phục, vì đối với tất cả pháp không phân biệt. Nếu tu như vậy thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu bát nhã Ba la mật đa thì các Thiện Nam Tử v.v… chẳng thấy các pháp có thể suy nghĩ, có thể phân biệt.

Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp của Phật, ông không suy nghĩ ư?

Bạch Thế Tôn! Không suy nghĩ. Nếu con thấy có pháp chơn thật của Phật thì sẽ suy nghĩ, nhưng con chẳng thấy.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa chẳng do phân biệt các pháp mà sanh khởi, nghĩa là chẳng phân biệt đây là pháp phàm phu, đây là pháp của Thanh Văn, đây là pháp của Độc Giác, đây là pháp của Bồ Tát, đây là pháp của Như Lai.

Các Thiện Nam Tử v.v… siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, ở trong các pháp hoàn toàn không có sở đắc, cũng không có gì để nói. Nghĩa là chẳng nói có pháp tánh của phàm phu, cũng chẳng nói có pháp tánh của Thanh Văn, cho đến pháp tánh của Như Lai.

Vì sao?

Vì các pháp tánh này đều rốt ráo Không, không thể thấy. Nếu tu học như vậy gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các Thiện Nam Tử v.v… siêng tu bát nhã Ba la mật đa chẳng nghĩ: Đây là Cõi Dục, đây là Cõi Sắc, đây là Cõi Vô Sắc, đây là Cõi Diệt.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không thấy có pháp nào đáng diệt. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu bát nhã Ba la mật đa đối với tất cả pháp thì không sanh ân oán.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không giữ tất cả pháp của Phật, không vì xả bỏ pháp của phàm phu.

Vì sao?

Vì các Thiện Nam Tử v.v… siêng tu bát nhã Ba la mật đa, ở trong pháp của Phật chẳng muốn chứng đắc, chẳng muốn hoại diệt pháp của phàm phu v.v… vì hiểu rõ tánh của tất cả pháp là bình đẳng. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Bấy giờ, Thế Tôn liền khen ngợi Mạn Thù Thất Lợi: Hay thay! Hay thay! Nay ông có thể thuyết được pháp thâm sâu và làm chơn pháp ấn cho chúng Đại Bồ Tát, cũng làm đại pháp ấn cho Thanh Văn, Bậc Độc Giác và những kẻ tăng thượng mạn v.v…, khiến họ biết như thật: Những pháp trước đây họ đã thông suốt chẳng phải chơn cứu cánh.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu các Thiện Nam, Thiện Nữ v.v… nghe pháp thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, nên biết người này chẳng phải gieo trồng căn lành với một Đức Phật, cho đến ngàn Đức Phật, mà nhất định họ đã gieo trồng căn lành với vô lượng, vô biên Đức Phật, mới có thể được nghe bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ.

Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi chấp tay cung kính thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Con muốn nói lại bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông muốn nói nữa thì cứ tùy ý.

Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Người nào tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đối với pháp không đắc là có thể trụ, cũng lại không đắc là không thể trụ. Nên biết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này chẳng duyên vào pháp trụ.

Vì sao?

Vì tất cả pháp không có sở duyên.

Bạch Thế Tôn! Nếu người nào tu được như vậy thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, vì không giữ lấy tướng của tất cả pháp.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Phải quán bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy, nhưng chẳng hiện quán tánh tướng các pháp, nghĩa là đối với pháp của Phật còn không hiện quán, huống gì pháp của Bồ Tát.

Đối với pháp của Bồ Tát còn không hiện quán, huống gì pháp của Độc Giác. Đối với pháp của Độc Giác còn chẳng hiện quán, huống gì pháp của Thanh Văn. Đối với pháp của Thanh Văn còn chẳng hiện quán, huống gì pháp của phàm phu.

Vì sao?

Vì tánh tướng của tất cả pháp là xa lìa vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Tu theo bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, ở trong các pháp không có sự phân biệt. Nghĩa là không phân biệt: Nghĩ bàn hay không nên nghĩ bàn pháp tánh sai khác. Nên biết chúng Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa hoàn toàn không có phân biệt các pháp.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Tu theo bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như thế, đối với tất cả pháp hoàn toàn không thấy có: Đây là Phật Pháp, đây chẳng phải Phật Pháp, đây nên nghĩ bàn, đây chẳng nên nghĩ bàn. Vì tất cả pháp không có tánh sai khác. Nếu các hữu tình tu được bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy, thì quán tất cả pháp đều là Phật Pháp.

Vì thuận với bồ đề, quán tất cả pháp đều chẳng thể nghĩ bàn, vì rốt ráo Không. Các hữu tình này đã từng gần gũi, cúng dường, cung kính hơn trăm ngàn Đức Phật, đã gieo trồng căn lành nên mới tu hành bát nhã Ba la mật đa được như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì phải biết trong quá khứ, vị ấy đã từng gần gũi, cung kính, cúng dường hơn trăm ngàn Đức Phật, đã gieo trồng căn lành nên mới được như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nên quán bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy, nếu ai siêng năng tu hành thì đối với các pháp chẳng thấy tạp nhiễm, chẳng thấy thanh tịnh. Tuy không thấy gì nhưng nếu siêng năng tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu thì tâm không bao giờ thấy nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như thế thì đối với các pháp của phàm phu, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Phật không có tưởng sai khác, vì đã rõ các pháp này rốt ráo Không. Nếu thấu đạt được như vậy thì gọi là chơn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông đã gần gũi cúng dường bao nhiêu Phật?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Số lượng Đức Phật mà con đã gần gũi cúng dường bằng tâm và tâm sở pháp của người huyễn. Vì tất cả pháp đều như huyễn.

Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp của Phật, lẽ nào ông không mong cầu ư?

Bạch Thế Tôn! Nay con chẳng thấy có pháp nào là không phải pháp của Phật thì cầu ở chỗ nào?

Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp của Phật, ông đã thành tựu rồi chăng?

Bạch Thế Tôn! Nay con hoàn toàn chẳng thấy pháp nào để gọi là pháp của Phật thì thành tựu cái gì?

Mạn Thù Thất Lợi! Ông chứng được tánh không chấp trước rồi ư?

Bạch Thế Tôn! Con tức là tánh vô trước, lẽ nào tánh vô trước lại chứng đắc vô trước?

Mạn Thù Thất Lợi! Sẽ không ngồi tòa Bồ Đề?

Bạch Thế Tôn! Đối với tòa Bồ Đề, Chư Phật còn không ngồi huống chi con mà ngồi được.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều lấy thật tế làm định lượng. Ở trong thật tế, chỗ ngồi và người ngồi đều bất khả đắc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần