Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Một - Trụ Duyệt Dự Sơ Phát ý - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
TRỤ DUYỆT DỰ SƠ PHÁT Ý
TẬP MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Phật đi đến cung điện Như ý tạng châu diệu bảo của Vua Cõi Trời Tha hóa tự tại thứ sáu, cùng chúng Đại Bồ Tát nhiều không đếm hết, từ các Cõi Phật ở các phương khác đến đây tập họp như Bồ Tát Kim Cang Tạng.
Lúc ấy, Bồ Tát Kim Cang Tạng nương oai thần của Phật, dùng Tam Muội chánh thọ Đại tuệ quang, để định tâm ý, làm cho vô số Cõi Phật trong mười phương, mỗi mỗi phương đều hiện vô số Như Lai, có vô số Bồ Tát hầu bên cạnh. Các Bồ Tát đều cùng một hiệu Kim Cang Tạng, cả trong mười phương cũng vậy, đều cùng một hiệu.
Bấy giờ, các Đức Phật đều khen: Hay thay! Hay thay! Ông đã dùng Tam Muội chánh thọ Đại tuệ quang của Bồ Tát mà thiết lập vô số Như Lai, nhiều như số bụi trong mười ức Cõi Phật nơi mười phương, tất cả đều đồng một hiệu là Chiếu Minh Như Lai Chí Chân, bản nguyện đạt đến là kiến lập cõi nước này.
Trí tuệ thanh tịnh của Nhân Giả đạt đến cũng vậy. Lại nữa, các Bồ Tát này trụ trong địa Minh trí, ánh sáng pháp không thể nghĩ bàn, độ thoát rất nhiều chúng sinh. Gìn giữ thâu tóm các công đức căn bản của tất cả chúng sinh. Hiểu được sự thành tựu bản hạnh của Chư Phật.
Thương xót chúng sinh, biết rõ các phương tiện quyền xảo, diễn thuyết giáo pháp hóa độ chúng sinh, mở rộng pháp tuệ, lưu truyền khắp mười phương, giảng giải nghĩa Kinh, làm cho chúng sinh an trụ vững chắc. Ánh sáng trí tuệ ấy không ai hủy hoại được, tùy thời mà xây dựng làm cho chúng sinh an ổn.
Đi khắp thế gian nhưng không chìm đắm phong tục địa phương. Làm cho thế gian trong sạch, trang nghiêm bằng gốc thiện, nhập vào cảnh giới trí, Thánh Đạo cao xa, khuyến khích các Bồ Tát biết hạnh thập trụ là không, như những người học tập việc xây dựng vậy!
Việc thuyết giảng của Bồ Tát, xoay vần qua lại, giữ gìn pháp vô lậu, ánh sáng chiếu khắp, suy nghĩ việc lành, chuẩn bị việc đoạn tâm, hiểu rõ thời cơ, đầy đủ ánh sáng đại từ. Đối với người chưa độ thoát đến cửa Thánh đạo, thì làm cho họ được độ thoát nhưng không chấp trước, an trụ trong mật hạnh, chuyên tâm tinh tấn tu tập Đại Thừa vô thượng. Trí tuệ biện tài đó không thể lường được.
Ánh sáng chiếu rọi, tiêu trừ tối tăm, vượt qua các hạnh, tuyên thuyết không cùng cực. Trụ trong Phật địa, phát tâm Bồ Tát, luôn thương nhớ chúng sinh không bao giờ quên, đem nhập vào phương tiện quyền xảo của các Đức Phật, phá tan lưới kết phược, nương theo Thánh chỉ Phật, tự tại giảng thuyết pháp môn, không ai không hiểu biết.
Đức Như Lai ở đời cũng sẽ làm theo bản nguyện của ông, làm cho thanh tịnh hạnh nghiệp, để trang nghiêm vững chãi các pháp giới và cứu thoát chúng sinh ra khỏi mê hoặc, dùng pháp thân để đạt thể Thánh tuệ, đầy đủ chí nguyện căn bản của Phật. Những việc làm của thân đó sẽ vượt thế tục, bỏ những việc vô ích của thế gian, nghiêm trang thanh tịnh, dùng pháp độ đời. Chư Phật, Thế Tôn đã vì sự kính trọng Đại Sĩ Kim Cang Tạng mà không còn tiếc.
Các Đức Phật đã hiện thân cũng tuyên thuyết thật nghĩa của biện tài vô hạn, phân biệt giảng thuyết trí tuệ thanh tịnh, luôn nhớ mãi không quên, là phải kiến lập hiển thị, tùy thời sẽ giảng thuyết, giải thích những nghi ngờ của chúng sinh, thâm nhập vào những niệm của Chư Phật và nhân đó đạt mười lực của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, đạt bốn vô sở úy của Như Lai.
Không khiếp sợ, tuyên thuyết giáo pháp, phân biệt rõ nhất thiết trí, vượt lên tất cả để thâm nhập và hiểu rõ đạo pháp, nhập vào thân, khẩu, ý hành của Như Lai.
Vì sao?
Vì tất cả đều do định này mà thành tựu và cũng do bản nguyện, công hạnh cao cả, tâm đó thanh tịnh, không bị ô nhiễm, nội tâm sáng suốt, oai nghi thanh tịnh tỏa chiếu, thâm nhập Đạo Tràng trí tuệ… những sự tạo lập đó đều được dự trù đầy đủ và trọn vẹn. Chí khí về đạo không thể lường xét, lòng tin thanh tịnh cao cả, thông đạt môn Tổng trì, không ai hủy hoại được.
Dùng ấn của môn trí tuệ pháp giới ấn chứng cho tất cả. Các Đức Phật Thế Tôn đã hiển hiện, đều đưa tay phải xoa đỉnh đầu Bồ Tát Kim Cang Tạng. Được Chư Phật xoa đầu, Bồ Tát Kim Cang Tạng thêm nhiều công đức, thành tựu oai quang rực rỡ như Phật không khác.
Lúc đó, Bồ Tát xuất định, nói với các Bồ Tát: Thưa các vị Tối thắng! Tôi đã hiểu rõ hạnh nguyện của Bồ Tát. Đã phá tan lưới nghi, không còn gì nữa. Không còn sinh ở đời, cũng không có tội lỗi. Pháp giới rộng lớn cũng chẳng thấy xa hay gần, đi ở như hư không. Vì vậy mà cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương.
Sở dĩ có như vậy, Thiện Nam nên biết! Các Bồ Tát trong quá khứ và Chư Phật thuở xa xưa, đã nhờ trí tuệ này mà giải thoát. Chư Phật, Bồ Tát ở vị lai, hiện tại cũng như vậy.
Các Phật Tử!
Trụ địa của Bồ Tát mà tôi vừa nói có nghĩa thế này: Các Bồ Tát học đạo, nhờ mười trụ nơi đạo này mà thành tựu Vô Thượng Chánh Giác.
Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều giảng nói:
Trụ thứ nhất của Bồ Tát là Duyệt dự.
Thứ hai là Ly cấu.
Thứ ba là Hưng quang.
Thứ tư là Huy diệu.
Thứ năm là Nan thắng.
Thứ sáu là Mục kiến.
Thứ bảy là Huyền diệu.
Thứ tám là Bất động.
Thứ chín là Thiện tai ý.
Thứ mười là Mưa pháp.
Đó là mười trụ nơi đạo của Bồ Tát. Tôi quán sát Chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai trong mười phương, không ai không giảng thuyết về nghiệp của Mười trụ địa này.
Vì sao?
Các Phật Tử! Vì mười trụ địa này, làm cho các Bồ Tát trong hiện tại, được gần gũi đạo thanh tịnh và các pháp môn vô vi. Danh tiếng vang xa khắp Cõi Phật trong mười phương. Chúng sinh trong ba cõi đều được độ thoát.
Ánh sáng chiếu soi Trời đất như ánh sáng mặt trời, chữa trị bệnh cho chúng sinh như thần y, chở chúng sinh như thuyền trưởng, soi rọi mười phương như trăng tròn, nuôi lớn chúng sinh như đất, an ổn chúng sinh như mưa mùa, bao trùm các pháp như hư không, đứng vững và thẳng như Tu Di.
Người giảng thuyết giáo pháp phải đứng vững trong mười trụ địa đạo này. Lại hiểu ở địa này, có vô số không thể tính kể các Bồ Tát an trụ, đã thâm nhập tuệ Bậc Thánh.
Bồ Tát Kim Cang Tạng sau khi đưa ra nghĩa cốt yếu, tán thán hạnh nghiệp mười địa của Bồ Tát, rồi tự nhiên im lặng, không giảng nữa.
Lúc này, đại chúng đang khao khát, muốn nghe danh hiệu mười trụ của Bồ Tát, muốn Bồ Tát phân biệt diễn giảng nữa, để người nghe được hiểu rõ thêm, tâm luôn hòa nhập đạo, dứt bỏ điên đảo, nên tất cả đều nghĩ: Hiện nay, vì sao Bồ Tát Kim Cang Tạng chỉ đưa ra nghĩa cốt yếu, tuyên thuyết hạnh nghiệp mười trụ của Bồ Tát, khen ngợi danh hiệu, rồi lại im lặng, không diễn giảng nguồn gốc nữa?
Khi ấy trong pháp hội, có Bồ Tát tên Nguyệt Giải Thoát từ xa đến trong hội, biết được tâm niệm của đại chúng, liền nói kệ khen ngợi và hỏi Bồ Tát Kim Cang Tạng về nghĩa cốt yếu của hạnh nghiệp này:
Tịnh niệm do nhân gì
Dùng tuệ khen công đức
Trí sáng giảng mười trụ
Không giải rõ nơi nhập
Các Bồ Tát dũng mãnh
Tâm nghi ngờ do dự
Cớ sao chỉ nêu tên
Chẳng nghe nghĩa các địa?
Mọi người đều muốn nghe
Bậc Tối thắng không sợ
Giải nghĩa đạt bình đẳng
Thực hành trụ địa đạo
Để đại chúng được vui
Thanh tịnh trừ dua nịnh
An trụ hiểu địa đạo
Công đức tuệ đồng đều
Hết thảy đều cung kính
Lần lượt cùng mong nhờ
Cầu vi diệu không lỗi
Chí cam lồ vô thượng
Nhờ nghe Kim Cang Tạng
Trí tuệ lớn không sợ
Luôn làm cho chúng vui
Tuyên thuyết giáo Phật Pháp
Chưa ai đề cập đến
Hiển thị hạnh Bồ Tát
Phân biệt như Địa đạo
Do thù thắng, tối thượng
Bỏ tâm tưởng khó thấy
Luôn trụ tâm xa lìa
Hành nhân từ thành tuệ
Mà nghe nẻo quay về.
Chỉ có như Kim Cang
Người hiểu Phật số một
Bỏ tâm chấp ngã, pháp
Mới nghe trí cao này
Như đến tận hư vô
Bỏ dục cũng như vậy
Tuệ vô lậu như đất
Phân biệt rất khó thấy
Đạo vô niệm như thế
Khó có được người tin
Trí Phật không thể nghĩ
Nên im lặng chẳng nói.
Bồ Tát Nguyệt Giải Thoát nói với Bồ Tát Kim Cang Tạng: Nhân Giả hãy quán sát!
Những người đến đây, tâm tánh, hạnh nghiệp đều thuần thục, thanh tịnh không nhơ uế, chí nguyện từ hòa, đều là những Bồ Tát đức hạnh chân chánh, chứa nhóm công đức, mỗi người đều dùng sáu độ Ba la mật để tự trang nghiêm, có bốn tâm bình đẳng, đầy đủ bốn ân.
Tu tập phương tiện quyền xảo, công đức cao xa, danh tiếng đức độ vô lượng, đại từ bi, muốn mở rộng đạo pháp, phân biệt giảng thuyết giáo pháp, cứu độ chúng sinh đang khổ đau ách nạn trong ba cõi, phá tan màn đen tối như ánh sáng Mặt Trời.
Phát sinh đạo pháp như ruộng tốt, thành bậc Chánh Giác như hư không, nuôi dưỡng và mở rộng giáo pháp như dòng nước chảy, trừ những nghi ngờ như ánh mặt trời, trị ba độc như thần y, vượt biển sinh tử như thuyền trưởng.
Vì vậy, thật lành thay bậc Nhân Giả! Xin hãy tuyên thuyết việc học hành hiện tại, chỉ cách tu tập và chỗ quay về địa đạo này, để làm cho đại chúng, từng người đều hiểu rõ như tối gặp sáng, tùy bệnh cho thuốc để không còn ai nghi ngờ!
Bấy giờ, Bồ Tát Đại Sĩ Nguyệt Giải Thoát, muốn nêu lại nghĩa trên, chỉ bày nẻo quay về nên nói kệ thỉnh Bồ Tát Kim Cang Tạng:
Thành khẩn xin giảng thuyết
Pháp Tối thượng đặc biệt
Việc làm trong cõi người
Hạnh nghiệp của Bồ Tát
Xin giảng thuyết giáo nghĩa
Chỗ trụ của Địa Đạo
Thánh tuệ rất thanh tịnh
Hạnh nghiệp thật cao xa
Người thanh tịnh bậc nhất
Ở trong đại chúng này
Trụ vững nơi chánh đạo
Chí tánh tin bền chắc
Chứa nhóm nhiều công đức
Thờ phụng vô số Phật
Ai nấy đều mong muốn
Được hiểu ngay mười trụ.
Bồ Tát Kim Cang Tạng trả lời Bồ Tát Nguyệt Giải Thoát: Nhân Giả hãy xem xét kỹ!
Chúng hội này khắp bốn phía về đây tụ hội, làm sao biết được tâm niệm hèn kém hay hòa ái, thanh tịnh không tỳ vết mà bỏ được nghi ngờ?
Đối với pháp giải thoát, thà họ giữ cung cách tự cao chứ không dựa vào người khác, không ngưỡng vọng ai hay sao!
Không nghe lời dạy của người khác, tới lui chẳng an, mắc bệnh lâu dài không thể trị được, nhốt chặt trong lưới, chưa bao giờ ra khỏi hào sâu, đủ sáu mươi hai nghi ngờ, bốn điên đảo, năm ngăn che, ở trong rừng lửa, nhà rắn, mười hai vòng xích, ở trong nhà mười lớp, ba hầm, ba cửa phóng túng trong ba dòng, dạo chơi nơi đồng trống, chưa bao giờ hướng tới cửa Phật.
Dù có nghe pháp này, họ cũng đứng yên chẳng chịu tiến lên. Hoặc có người nghe trụ địa đạo không thể nghĩ bàn này, thì sinh nhiều tâm khác, nghi ngờ không vững tin. Do mê loạn, nên suốt đêm không an, vĩnh viễn mất hết nghĩa lợi, bỏ gốc lấy ngọn. Vì thế tôi im lặng không nói. Vì thương xót đại chúng mà phải trụ trong vô ngôn, phải vui với niềm vui vô sở lạc.
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói kệ rằng:
Thấy chăng chúng hội này
Trí tuệ tịnh không nhơ
Khéo giảng thuyết chánh đạo
Căn thông lợi sâu xa
Nhưng chẳng nương tựa đâu
Đứng vững như dãy núi
Chí tánh không sân hận
Bình đẳng như nước chảy
Tu tập những hạnh gì?
Trí tuệ không sánh được
Luôn thích được hiểu rõ
Tin tưởng cầu trí tuệ
Vừa nghe, sợ nghi ngờ
Sẽ đọa vào đường ác
Vì thương xót chúng sinh
Không thuyết tuệ Địa này.
Bồ Tát Nguyệt Giải Thoát lại nói với Bồ Tát Kim Cang Tạng: Xin Nhân Giả thương xót, nương oai thần của Phật mà tuyên thuyết yếu chỉ của Như Lai để cảm hóa mười phương, khiến bỏ tà theo chánh, tiêu trừ trần cấu, rửa sạch nhơ uế, phá tan lưới ba cõi, thông đạt tuệ không cùng tận. Xin hãy suy xét giảng thuyết, để cho những hình tượng không thể nghĩ bàn ấy khiến đại chúng được nuôi lớn, sẽ tin nhận không nghi ngờ.
Vì sao?
Nhân Giả biết cho! Vì nếu Nhân Giả giảng giáo nghĩa này, họ sẽ đạt được đạo pháp. Tất cả các Bồ Tát đều Niệm Phật, hiểu được nghĩa Kinh, ủng hộ thờ phụng, thực hành tuệ Địa đạo, ai cũng được nương nhờ và được an ổn.
Vì sao?
Vì hạnh nghiệp này đưa đến sự bình đẳng. Đạo pháp của Chư Phật, giống như lời Nhân Giả diễn thuyết, xin hãy giảng giải. Văn tự Kinh sớ, tất cả đều bắt nguồn từ tâm ý, nương tựa vào chí khí nhân duyên mà có. Kinh sách vốn không có văn tự để diễn giảng. Văn tự diễn giảng bắt nguồn từ sự trống rỗng của tâm, từ hư vô của giảng thuyết.
Thưa Nhân Giả! Như vậy, trụ là nguồn gốc đứng đầu của Phật Pháp, nhờ thực hành mà thành tựu, nương nơi Đạo Địa mà tự nhiên đạt được trí. Vì vậy, xin Nhân Giả giảng thuyết, vì thương xót chúng sinh. Như Lai Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác sẽ dùng đạo lực hỗ trợ Nhân Giả, Nhân Giả nên phân biệt để tạo ra văn tự như vậy, làm cho chúng sinh tự nguyện bày tỏ, ủng hộ Chánh Pháp để được tồn tại lâu dài, không còn trói buộc.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Một
Phật Thuyết Kinh ấm Trì Nhập - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Hiến Cúng Rừng Tre - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Sáu - Phẩm Nhị đế - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội thứ Hai Mươi Tám - Pháp Hội Dũng Mãnh Thọ Trưởng Giả