Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Chín - Phẩm Kim Cương Năng đoạn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ CHÍN
PHẨM KIM CƯƠNG NĂNG ĐOẠN
PHẦN HAI
Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử thiện nam, hoặc thiện nữ nào, vào phần đầu của ngày, đem thân thể mình nhiều như số cát Sông Hằng mà bố thí. Vào phần giữa của ngày, lại đem thân thể mình nhiều như số cát Sông Hằng mà bố thí. Vào phần cuối của ngày cũng đem thân thể mình nhiều như số cát Sông Hằng mà bố thí.
Bố thí như thế trải qua vô số trăm ngàn kiếp, nếu có hữu tình nào nghe pháp môn như thế mà không phỉ báng, thì do nhân duyên đây sẽ được số phước nhiều hơn trước vô lượng, vô số. Huống nữa là hay đối với pháp môn như thế mà biên chép, thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo đầy đủ, và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý.
Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp môn như thế chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể cân lường. Phải nên mong cầu, cảm được quả dị thục không thể nghĩ bàn.
Thiện Hiện! Như Lai tuyên nói pháp môn như thế vì muốn lợi ích các hữu tình hướng tới Tối thượng thừa vậy.
Thiện Hiện! Nếu có ai đối với pháp môn đây mà thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì người này được Như Lai dùng Phật trí biết rõ, được Như Lai dùng Phật nhãn thấy rõ, được Như Lai độ người này. Tất cả hữu tình như thế thành tựu vô lượng phước đức, đều sẽ thành tựu vô biên phước đức chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể cân lường.
Thiện Hiện! Tất cả hữu tình như thế, vai họ mang gánh Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Như Lai.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì pháp môn như thế chẳng phải các hàng hạ liệt có thể tin hiểu. Pháp mà hữu tình nghe hiểu, chẳng phải các ngã kiến, chẳng phải các hữu tình kiến, chẳng phải các mạng giả kiến, chẳng phải các sĩ phu kiến, chẳng phải các Bổ đặc già la kiến, chẳng phải các ý sanh kiến, chẳng phải các thiếu niên kiến, chẳng phải các tác giả kiến, chẳng phải các thọ giả kiến có thể nghe hiểu.
Các loại này, nếu có thể thọ trì đọc tụng, thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì không có lẽ ấy!
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu địa phương nào nghe được Kinh Điển đây, thì địa phương ấy được thế gian các Trời, Người, A Tố Lạc… cúng dường, kính lễ, đi nhiễu quanh bên phải, như linh Miếu thờ Phật.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như có thiện nam, hoặc thiện nữ đối với Kinh Điển đây, thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo, và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, mà bị khinh chê hủy phạm, mắng nhiếc chê bai, thì vì sao?
Thiện Hiện! Vì các hữu tình này đời trước đã gây các nghiệp bất tịnh, lẽ ra rơi vào cõi ác, nhưng vì trong hiện pháp bị người khinh chê hủy phạm, nên nghiệp bất tịnh đời trước đã gây thảy đều tiêu diệt, sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Vì sao?
Thiện Hiện! Ta nhớ thuở quá khứ xa xưa, hơn vô số kiếp, trước thời đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trước thời đó nữa, ta từng gặp tám mươi bốn ức trăm ngàn Chư Phật, ta đều vâng thờ. Đã vâng thờ rồi đều không trái phạm.
Thiện Hiện! Đối với Chư Phật Thế Tôn như thế, ta đều được vâng thờ. Đã vâng thờ rồi đều không trái phạm.
Sau đời đương lai, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, nếu hữu tình nào đối với Kinh Điển đây, thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì này Thiện Hiện!
Số phước đời trước của ta so với số phước đây thì trăm phần không bằng được, như vậy cho đến ngàn phần, hoặc trăm ngàn phần, hoặc ức trăm ngàn phần, hoặc hơn ức trăm ngàn phần, hoặc số phần, hoặc kế phần, hoặc toán phần, hoặc dụ phần, hoặc cực số phần cũng chẳng bằng được.
Thiên Hiện! Nếu ta nói đầy đủ, chính ngay khi ấy, số phước mà thiện nam, hoặc thiện nữ này được, cho đến số phước mà thiện nam, hoặc thiện nữ này thọ trì, thì các hữu tình nghe được bèn mê ngất, tâm nghi điên cuồng.
Cho nên, Thiện Hiện! Như Lai tuyên thuyết pháp môn như thế chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính lường. Hãy nên mong cầu, quả đạt được chẳng thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Những người phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa nên an trụ như thế nào?
Nên tu hành như thế nào?
Nhiếp phục tâm như thế nào?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Những ai phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa, phải nên phát tâm như vậy: Nơi Cõi Vô Dư Y diệu Niết Bàn, ta đều làm cho tất cả hữu tình vào Niết Bàn. Mặc dù độ tất cả hữu tình đều được diệt độ, song không thấy có hữu tình nào được diệt độ.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu các Đại Bồ Tát còn tưởng hữu tình, thì không gọi là Đại Bồ Tát.
Vì sao?
Vì các Đại Bồ Tát chẳng nên nói rằng chuyển tưởng hữu tình. Như vậy, chuyển tưởng mạng giả, tưởng sĩ phu, tưởng Bổ đặc già la, tưởng ý sanh, tưởng thiếu niên, tưởng tác giả, tưởng thọ giả, phải biết cũng vậy.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì không có một chút pháp nào gọi là người hướng tới Bồ Tát thừa.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Khi xưa, ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có chút pháp nào mà Như Lai chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chăng?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, thì khi xưa ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Như Lai không có chút pháp nào gọi là chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phật Bảo cụ thọ Thiện Hiện: Đúng vậy, đúng vậy.
Thiện Hiện! Xưa kia, ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Như Lai không có chút pháp nào chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì khi xưa ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nếu Như Lai có chút pháp nào chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng nên thọ ký cho ta rằng: Thiện nam tử! Vào đời đương lai, ngươi tên là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Thiện Hiện! Vì Như Lai không có chút pháp nào để chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cho nên đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới thọ ký cho ta rằng: thiện nam tử! Vào đời đương lai, ngươi tên là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì lời Như Lai tức là khái niệm chân như chơn thật. Lời Như Lai tức là khái niệm pháp tánh vô sanh. Lời Như Lai tức là khái niệm dứt hẳn đạo lộ. Lời Như Lai tức là bất sanh rốt ráo.
Vì sao?
Thiện Hiện! Nếu thật vô sanh tức là nghĩa tối thắng.
Thiện Hiện! Nếu ai nói như vậy: Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì phải biết lời này không chơn thật.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì người ấy huỷ báng ta, nên khởi chấp chẳng thật.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì không có chút pháp nào mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện! Những pháp mà Hiện Tiền Như Lai đã chứng, hoặc đã nói, hoặc đã nghĩ, ở trong ấy chẳng đúng, chẳng dối. Cho nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật Pháp.
Thiện Hiện! Tất cả pháp, tất cả pháp ấy Như Lai nói chẳng phải tất cả pháp. Cho nên Như Lai nói là tất cả pháp.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ví như người nam có thân hình cao lớn.
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói người nam có thân hình to lớn, tức là chẳng phải thân, cho nên gọi là thân hình to lớn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy.
Nếu các Bồ Tát nói lời như vậy: Ta phải diệt độ cho vô lượng hữu tình, thì không gọi là Bồ Tát.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì có chút pháp nào gọi là Bồ Tát không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế đức Tôn! Không có. Không có chút pháp nào gọi là Bồ Tát.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Hữu tình, hữu tình ấy Như Lai nói chẳng phải hữu tình, nên gọi là hữu tình. Cho nên Như Lai nói tất cả pháp không có hữu tình, không có mạng giả, không có sĩ phu, không có Bổ đặc già la…
Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát nói lời như vậy: Ta phải thành tựu công đức trang nghiêm Cõi Phật, thì cũng nói như thế.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì công đức trang nghiêm Cõi Phật, công đức trang nghiêm Cõi Phật ấy Như Lai nói chẳng phải trang nghiêm. Cho nên Như Lai gọi là công đức trang nghiêm Cõi Phật.
Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát đối với pháp vô ngã mà tin hiểu sâu xa thì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác gọi là Bồ Tát.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai có nhục nhãn không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có nhục nhãn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai có thiên nhãn không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có thiên nhãn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai có tuệ nhãn không?
Thiện Hiện thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có tuệ nhãn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai có pháp nhãn không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có pháp nhãn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai có Phật nhãn không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có Phật nhãn.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Cát trong Sông Hằng, Như Lai nói là cát chăng?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.
Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy. Như Lai nói là cát.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Giả sử trong Sông Hằng có bao nhiêu số cát, thì có số Sông Hằng bằng với số cát như thế. Cho đến trong vô số Sông Hằng này có bao nhiêu số cát thì có bấy nhiêu Thế Giới.
Các Thế Giới này chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.
Bạch đức Thiện Thệ! Đúng vậy. Các Thế Giới này rất nhiều.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Cho đến trong các Thế Giới ấy có vô số hữu tình, tâm loạn động của mỗi mỗi hữu tình ấy ta đều biết hết.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì tâm loạn động, tâm loạn động ấy, Như Lai nói chẳng phải loạn động. Cho nên Như Lai gọi là tâm loạn động.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào dùng bảy báu đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới đây, dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thì thiện nam, hoặc thiện nữ này nhờ nhân duyên đây được số phước chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Nhiều lắm.
Phật nói: Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy.
Thiện nam tử, hoặc thiện nữ kia nhờ nhân duyên đây mà được lượng phước ấy rất nhiều.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu có phước đức thì Như Lai chẳng nói là phước đức.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Có thể quán Như Lai bằng sắc thân viên thật không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Chẳng thể quán Như Lai bằng sắc thân viên thật.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì sắc thân viên thật, sắc thân viên thật ấy Như Lai nói chẳng phải viên thật. Cho nên Như Lai gọi sắc thân viên thật.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Có thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Chẳng thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì các tướng đầy đủ, các tướng đầy đủ ấy Như Lai nói là chẳng phải tướng đầy đủ. Cho nên Như Lai gọi là các tướng đầy đủ.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Lẽ nào Như Lai nghĩ như vậy: Ta có nói pháp?
Này Thiện Hiện! Nay ông chớ nên khởi quán như thế.
sao?
Thiện Hiện! Vì nếu nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng ta, vì chẳng thể nắm giữ được.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì việc nói pháp, việc nói pháp ấy không có pháp để đắc, nên gọi là thuyết pháp.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Vào đời đương lai, hậu thế, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, có hữu tình nào nghe nói pháp sắc loại như thế mà được thâm tín chăng?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Người đó chẳng phải hữu tình, chẳng phải chẳng hữu tình.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì tất cả hữu tình ấy, Như Lai nói chẳng phải hữu tình, nên gọi là tất cả hữu tình.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, thì không có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy. Ở trong một chút pháp, không có không đắc, nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp này bình đẳng. Ở trong đó, hoàn toàn bình đẳng, nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Vì không có tánh ngã, không có tánh hữu tình, không có tánh mạng giả, không có tánh sĩ phu, không có tánh Bổ đặc già la…, bình đẳng như vậy, cho nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tất cả pháp thiện, không có gì mà chẳng hiện chứng. Tất cả pháp thiện, không có gì mà chẳng khéo biết.
Thiện Hiện! Pháp thiện, pháp thiện ấy, Như Lai nói tất cả là chẳng phải pháp. Cho nên Như Lai gọi là pháp thiện.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào nhóm gom lượng bảy báu ngang bằng với ba ngàn đại thiên Thế Giới, đem bảy báu trong ấy như núi chúa Diệu Cao mà bố thí.
Lại có thiện nam, hoặc thiện nữ nào đối với kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này, cho đến bốn câu kệ, mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo, rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì Thiện Hiện!
Số phước nói trước so với số phước đây, trăm phần không thể bằng, như vậy ngàn phần, hoặc trăm ngàn phần, hoặc trăm ức trăm ngàn phần, hoặc muôn ức trăm ngàn phần, hoặc số phần, hoặc kế phần, hoặc toán phần, hoặc dụ phần, hoặc cực số phần cũng không thể bằng.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Lẽ nào Như Lai khởi nghĩ như vậy: Ta phải độ thoát các hữu tình?
Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như thế.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì không có chút hữu tình nào được Như Lai độ.
Này Thiện Hiện! Có hữu tình nào được Như Lai độ, thì Như Lai có chấp ngã, có chấp hữu tình, có chấp mạng giả, có chấp sĩ phu, có chấp Bổ đặc già la… Thiện Hiện! Những sự chấp ngã ấy, Như Lai nói là chẳng phải chấp, nên gọi là chấp ngã…, chỉ những kẻ phàm phu ngu si mới cố chấp.
Thiện Hiện! Kẻ phàm phu ngu si ấy, Như Lai nói là chẳng phải sanh, nên gọi là phàm phu ngu si.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Có thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật vừa nói, thì không thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Hay thay, hay thay! Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như lời ông nói, không thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ.
Thiện Hiện! Nếu quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai?
Cho nên, chẳng nên quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ. Như vậy, nên quán Như Lai bằng các tướng chẳng phải tướng.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Ai dùng sắc quán ta,
Dùng âm thanh tìm ta,
Kẻ ấy hành tà đạo,
Chẳng thể thấy ta được.
Nên quán pháp tánh Phật,
Tức pháp thân Đạo Sư.
Pháp tánh chẳng bị biết,
Nên kia chẳng hiểu được.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng các tướng đầy đủ để hiện chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như thế.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng do các tướng đầy đủ mà hiện chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Những người phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa, có kiến lập chút pháp nào, hoặc hoại hoặc đoạn sao?
Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như vậy: những người phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa quyết chẳng kiến lập chút pháp nào, hoặc hoại hoặc đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào đem bảy báu đầy khắp Thế Giới như số cát Sông Hằng v.v… dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nếu có Bồ Tát nào đối với các pháp vô ngã, vô sanh mà được kham nhẫn, thì do nhân duyên đây nên Bồ Tát này được lượng phước nhiều hơn trước kia.
Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ Tát chẳng nên nhiếp thọ số phước đức.
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát chẳng nên nhiếp thọ số phước đức?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Nhiếp thọ mà chẳng nhiếp thọ, cho nên gọi là nhiếp thọ.
Lại nữa, Thiện Hiện!
Nếu ai nói rằng: Như Lai hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm thì người này chẳng hiểu nghĩa ta nói.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Như Lai tức là chân như chơn thật, hoàn toàn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào, đem sắc tượng của vô số Thế Giới bằng lượng cực vi trần v.v… của đại địa khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, làm thành mực như lượng cực vi.
Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Lượng cực vi này chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Lượng cực vi này rất nhiều.
Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì nếu lượng cực vi là thật có thì Phật chẳng nên nói là lượng cực vi.
Vì sao?
Vì Như Lai nói lượng cực vi tức là chẳng phải lượng, nên gọi là lượng cực vi. Như Lai nói Thế Giới ba ngàn đại thiên tức chẳng phải Thế Giới, nên gọi là Thế Giới ba ngàn đại thiên.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì nếu Thế Giới là thật có tức là một hợp chấp tướng. Như Lai nói một hợp chấp tức là chẳng phải chấp, nên gọi một hợp chấp.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Một hợp chấp đây chẳng thể nói, chẳng thể hý luận. Nhưng tất cả phàm phu ngu si kia cố chấp pháp này.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu nói như vậy: Như Lai tuyên thuyết ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, sĩ phu kiến, Bổ đặc già la kiến, ý sanh kiến, thiếu niên kiến, tác giả kiến, thọ giả kiến, thì ý ông nghĩ sao, lời nói như thế là đúng chăng?
Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Chẳng đúng.
Bạch Thiện Thệ! Chẳng đúng. Nói như thế chẳng phải là lời đúng đắn.
Vì sao?
Vì Như Lai nói ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, sĩ phu kiến, Bổ đặc già la kiến, ý sanh kiến, thiếu niên kiến, tác giả kiến, thọ giả kiến tức là chẳng phải kiến, nên gọi là ngã kiến… cho đến thọ giả kiến.
Phật Bảo: Thiện Hiện! Những người phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa, đối với tất cả pháp nên biết như thế, nên thấy như thế, nên tin hiểu như thế, chẳng trụ tưởng pháp như thế.
Vì sao?
Thiện Hiện! Vì tưởng pháp, tưởng pháp ấy, Như Lai nói là chẳng phải tưởng, cho nên Như Lai gọi là tưởng pháp.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát dùng bảy báu đầy khắp vô lượng, vô số Thế Giới, dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào đối với Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này, cho đến bốn câu kệ, mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo, như lý tác ý và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, do nhân duyên đây nên được số phước rất nhiều hơn trước vô lượng, vô số.
Thế nào gọi là vì người khác mà tuyên thuyết chỉ bày?
Chẳng vì người tuyên thuyết chỉ bày, thì gọi là vì người tuyên thuyết chỉ bày.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:
Những hòa hiệp mà có,
Như sao mù, đèn huyễn,
Sương, bọt, mộng, điện, mây,
Nên khởi quán như thế.
Khi đức Bạc Già Phạm Thế Tôn thuyết Kinh này rồi, Tôn Giả Thiện Hiện và các Bí Sô, Bí Sô Ni, Nam Cận Sự, Nữ Cận Sự và các thế gian Trời, Người, A Tố Lạc, Kiện Đạt Phược… đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Chín - Phẩm đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Như Lai Bí Mật Tạng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Trí
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Hai Mươi Mốt - Tha Tâm Thông