Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tam Ma địa - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ HAI  

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM TAM MA ĐỊA  

PHẦN MỘT  

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn!

Thế nào là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát?

Làm thế nào biết được Đại Bồ Tát phát tâm hướng đến đại thừa?

Đại thừa như vậy từ nơi nào đến trụ nơi nào?

Đại thừa như vậy trụ ở nơi nào?

Ai nương vào đại thừa này mà xuất ly?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ban đầu ông hỏi thế nào là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Sáu Ba la mật đa là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Thế nào là sáu?

Nghĩa là bố thí Ba la mật đa, tịnh giới Ba la mật đa, an nhẫn Ba la mật đa, tinh tấn Ba la mật đa, tịnh lự Ba la mật đa, bát nhã Ba la mật đa.

Này Thiện Hiện! Thế nào là bố thí Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tự mình xả bỏ tất cả sở hữu trong thân và ngoài thân, cũng khuyên người khác xả bỏ sở hữu trong thân và ngoài thân. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là bố thí Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Thế nào là tịnh giới Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, tự mình thọ trì mười thiện nghiệp đạo, cũng khuyên người khác thọ trì Mười Thiện Nghiệp Đạo. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là tịnh giới Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Thế nào là an nhẫn Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Tự mình đầy đủ an nhẫn tăng thượng, cũng khuyên bảo người đầy đủ an nhẫn tăng thượng. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là an nhẫn Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Thế nào là tinh tấn Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Tự mình siêng năng tu tập không bỏ năm Ba la mật đa, cũng khuyên bảo người siêng năng tu tập không xả bỏ năm Ba la mật đa kia. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là tinh tấn Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Thế nào là tịnh lự Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Tự mình dùng phương tiện thiện xảo nhập các tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc, hoàn toàn không theo thế lực đó mà thọ sanh.

Cũng hay khuyên bảo người khác dùng phương tiện thiện xảo nhập các tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc, không theo thế lực của định ấy mà thọ sanh. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là tịnh lự Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Thế nào là bát nhã Ba la mật đa?

Đại Bồ Tát nào đem tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, lấy đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện. Tự mình như thật quán sát tánh tất cả pháp, đối với tánh các pháp không nắm giữ, không chấp trước. Cũng khuyên bảo người khác như thật quán sát tánh tất cả pháp, đối với tánh các pháp không nắm giữ, không chấp trước. Giữ gìn thiện căn này đem cho tất cả hữu tình cùng nhau hướng đến trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Đó là bát nhã Ba la mật đa của Đại Bồ Tát.

Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới.

Pháp không tán vô tán, pháp không bổn tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không vô tánh, pháp không tự tánh, pháp không vô tánh tự tánh.

Thế nào là pháp không nội?

Nội nghĩa là pháp bên trong, tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nên biết nhãn ở đây do nhãn không, chẳng thường, chẳng hoại, cho đến ý do ý không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không nội.

Thế nào là pháp không ngoại?

Ngoại nghĩa là pháp bên ngoài, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nên biết sắc ở đây do sắc không, chẳng thường, chẳng hoại, cho đến pháp do pháp không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không ngoại.

Thế nào là pháp không nội ngoại?

Nội ngoại nghĩa là pháp bên trong, bên ngoài, tức là sáu xứ bên trong và sáu xứ bên ngoài. Nên biết pháp bên trong ở đây do pháp bên ngoài không, chẳng thường, chẳng hoại. Pháp bên ngoài do pháp bên trong không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không nội ngoại.

Thế nào là pháp không không?

Không nghĩa là nhất thiết pháp không. Không này lại do pháp không không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không không.

Thế nào là pháp không lớn?

Lớn là mười phương, Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, trên dưới. Nên biết phương Đông ở đây do phương Đông không, chẳng thường, chẳng hoại, cho đến phương dưới do phương dưới không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không lớn.

Thế nào là pháp không thắng nghĩa?

Thắng nghĩa có nghĩa là Niết Bàn. Nên biết Niết Bàn ở đây do Niết Bàn không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không thắng nghĩa.

Thế nào là pháp không hữu vi?

Hữu vi nghĩa là Dục Giới, Sắc giới, Vô Sắc Giới. Nên biết Dục Giới trong đây do Dục Giới không, chẳng thường, chẳng hoại. Sắc, Vô Sắc Giới do Sắc, Vô Sắc Giới không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không hữu vi.

Thế nào là là pháp không vô vi?

Vô vi nghĩa là không sanh, không diệt, không trụ, không dị. Nên biết vô vi ở đây do pháp không vô vi, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không vô vi.

Thế nào là pháp không rốt ráo?

Rốt ráo nghĩa là pháp nào hoàn toàn bất khả đắc. Nên biết rốt ráo ở đây do rốt ráo không, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không rốt ráo.

Thế nào là pháp không không biên giới?

không biên giới nghĩa là không có giới hạn đầu cuối có thể được. Nên biết không biên giới ở đây do pháp không không biên giới, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không không biên giới.

Thế nào là pháp không tán vô tán?

Tán nghĩa là có buông, có bỏ, có xả, có thể được, vô tán nghĩa là không buông, không bỏ, không xả có thể được. Nên biết tán vô tán ở đây do pháp không tán vô tán, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không tán vô tán.

Thế nào là pháp không bổn tánh?

Bổn tánh nghĩa là hoặc pháp tánh hữu vi, hoặc pháp tánh vô vi. Như vậy, tất cả đều chẳng phải do Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai làm, cũng chẳng phải do người khác làm, nên gọi là Bổn tánh. Nên biết trong bổn tánh này do pháp không bổn tánh, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không bổn tánh.

Thế nào là pháp không tự cộng tướng?

Tự tướng nghĩa là tự tướng của tất cả pháp. Như biến ngại là tự tướng của sắc, lãnh nạp là tự tướng của thọ, nắm bắt hình bóng là tự tướng của tưởng, tạo tác là tự tướng của hành, phân biệt rõ là tự tướng của thức. Các pháp như vậy hoặc tự tướng pháp hữu vi, hoặc tự tướng pháp vô vi. Đó là tự tướng. Cộng tướng nghĩa là cộng tướng của tất cả pháp.

Như khổ là cộng tướng pháp hữu lậu, vô thường là cộng tướng pháp hữu vi, không, vô ngã là cộng tướng tất cả pháp. Các pháp như vậy có vô lượng cộng tướng. Nên biết tự cộng tướng trong đây do pháp không tự cộng tướng, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không tự cộng tướng.

Thế nào là pháp không tất cả pháp?

Tất cả pháp nghĩa là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, hữu sắc, Vô Sắc, hữu kiến, vô kiến, hữu đối, vô đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. Đó là tất cả pháp. Nên biết tất cả pháp trong đây do pháp không tất cả pháp, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không tất cả pháp.

Thế nào là pháp không chẳng thể nắm bắt được?

Chẳng thể nắm bắt được nghĩa là trong đây mong cầu các pháp chẳng thể nắm bắt được. Nên biết chẳng thể nắm bắt được trong đây do pháp không chẳng thể nắm bắt được, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không chẳng thể nắm bắt được.

Thế nào là pháp không vô tánh?

Không tánh nghĩa là trong đây không có chút ít tánh nào có thể đắc. Nên biết không tánh trong đây do pháp không vô tánh, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không vô tánh.

Thế nào là pháp không tự tánh?

Tự tánh nghĩa là tự tánh các pháp có thể hòa hợp. Nên biết tự tánh trong đây do pháp không tự tánh, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không tự tánh.

Thế nào là pháp không vô tánh tự tánh?

không tánh tự tánh nghĩa là tánh các pháp không thể hòa hợp, có tự tánh hòa hợp. Nên biết không tánh tự tánh trong đây do pháp không vô tánh tự tánh, chẳng thường, chẳng hoại.

Vì sao?

Vì bản tánh như vậy.

Này Thiện Hiện! Đó là pháp không vô tánh tự tánh.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Hữu tánh do hữu tánh không. Vô tánh do vô tánh không. Tự tánh do tự tánh không. Tha tánh do tha tánh không.

Thế nào là hữu tánh do hữu tánh không?

Hữu tánh nghĩa là pháp hữu vi. Hữu tánh này do hữu tánh không.

Thế nào là vô tánh do vô tánh không?

Vô tánh nghĩa là pháp vô vi. Vô tánh này do vô tánh không.

Thế nào là tự tánh do tự tánh không?

Nghĩa là tự tánh tất cả pháp đều không. Không này chẳng do trí tạo thành, chẳng do thấy tạo ra, cũng chẳng do pháp khác tạo thành. Đó là tự tánh do tự tánh không.

Thế nào là tha tánh do tha tánh không?

Nghĩa là tất cả pháp hoặc Phật ra đời hoặc không ra đời, pháp trụ, pháp định, pháp tánh, pháp giới, pháp tánh bình đẳng, pháp tánh ly sanh, chân như, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, thật tế, đều do tha tánh nên không. Đó là tha tánh do tha tánh nên không.

Này Thiện Hiện! Ông nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần