Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình đẳng Giác - Phẩm Ba - Phẩm đại Giáo Duyên Khởi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hội tập: Ngài Hạ Liên Cư

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI THỪA

VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Hội tập: Ngài Hạ Liên Cư   

PHẨM BA

PHẨM ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI  

Bấy giờ Đức Thế Tôn hiện trăm ngàn sắc tướng oai quang sáng chói, như gương sáng sạch chiếu rõ vạn pháp.

Tôn Giả A Nan liền tự suy nghĩ, ngày nay Đức Thế Tôn hiện sắc tướng nghiêm tịnh rạng rỡ nguy nguy, cõi nước trang nghiêm, từ trước đến nay ta chưa từng thấy, thật là hi hữu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo vai hữu quỳ gối chắp tay bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay Thế Tôn vào đại tịch định, an trụ trong pháp đặc biệt, an trụ trong pháp hạnh tối thắng của Chư Phật, quá hiện vị lai, Phật Phật nhớ nhau.

Thế Tôn vì nhớ Chư Phật quá khứ, Chư Phật vị lai hay nhớ Chư Phật hiện tại phương khác?

Vì sao lại có oai thần hiển diệu thù đặc như vậy, cúi xin Đức Thế Tôn chỉ dạy.

Bấy giờ Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Lành thay! Lành thay! Ông vì thương xót lợi lạc các chúng sanh mới hỏi điều vi diệu như vậy. Lời thưa hỏi của ông hôm nay công đức thù thắng hơn trăm ngàn vạn lần nhiều kiếp bố thí cúng dường các bậc A La Hán, Bích Chi Phật cùng Chư Thiên, nhân loại và các loài bò bay xuẩn động trong một thiên hạ.

Vì sao vậy?

Chư Thiên, nhân loại và tất cả hàm linh đời sau đều nhơn lời hỏi của ông hôm nay mà được độ thoát.

Này A Nan! Như Lai vì lòng đại bi vô tận thương xót ba cõi nên xuất hiện ở đời, tuyên dương giáo pháp là muốn cứu bạt quần manh, đem lợi ích chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa Ưu Đàm hiếm khi xuất hiện, lời hỏi hôm nay của ông lợi ích rất lớn.

A Nan nên biết! Trí Chánh Giác của Như Lai rất khó suy lường, không gì chướng ngại được. Có thể trong một niệm an trụ vô lượng kiếp, thân và các căn không có sanh diệt.

Vì sao vậy?

Định huệ của Như Lai thông đạt vô cùng, tối thắng tự tại với tất cả pháp. A Nan hãy lắng nghe, khéo nghĩ nhớ đó, ta sẽ vì ông phân biệt giải rõ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần