Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Hai - Phẩm Tịnh Giới Ba La Mật đa - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ MƯỜI HAI  

PHẨM TỊNH GIỚI BA LA MẬT ĐA  

PHẦN MỘT   

Tôi nghe như vậy!

Một thời đức Bạc Già Phạm cùng với một ngàn hai trăm năm mươi chúng đại Bí Sô trú ở vườn Cấp Cô Ðộc, rừng Thệ Đa, thành Thất La Phiệt.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo cụ thọ Xá Lợi Tử: Bây giờ, thầy nên vì các Đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà tuyên thuyết tịnh giới Ba la mật đa.

Xá Lợi Tử vâng theo lời dạy của Phật và nương vào thần lực Phật, giáo huấn, trao truyền tịnh giới Ba la mật đa cho các Đại Bồ Tát.

Khi ấy, Mãn Từ Tử liền hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử:

Làm sao biết được Bồ Tát trì giới?

Làm sao biết được Bồ Tát phạm giới?

Thế nào là nơi hành xứ của Bồ Tát?

Thế nào là chẳng phải nơi hành xứ của Bồ Tát?

Xá Lợi Tử liền trả lời cụ thọ Mãn Từ Tử:

Nếu các Bồ Tát tác ý an trụ Thanh Văn, Ðộc giác, thì gọi là chẳng phải nơi hành xứ của Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát an trụ nơi này nên biết là Bồ Tát phạm giới.

Nếu các Bồ Tát hành nơi phi xứ này thì các Bồ Tát này nhất định không giữ gìn được tịnh giới Ba la mật đa.

Nếu các Bồ Tát quyết định không giữ gìn tịnh giới Ba la mật đa thì các Bồ Tát này xả bỏ bổn nguyện.

Nếu các Bồ Tát xả bỏ bổn nguyện nên biết là Bồ Tát phạm giới.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát tu hành bố thí, hồi hướng đến địa vị Thanh Văn, hoặc Ðộc giác thì gọi là Bồ Tát hành nơi phi xứ. Nếu Bồ Tát hành nơi phi xứ, nên biết đây là Bồ Tát phạm giới.

Nếu các Bồ Tát an trụ tại nhà, hưởng thọ năm dục lạc thượng diệu, nên biết chẳng phải là Bồ Tát phạm giới. Nếu khi Bồ Tát hành bố thí, hồi hướng đến địa vị Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, không cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nên biết đây là Bồ Tát phạm giới.

Ví như Vương Tử nên học giáo lệnh của Phụ Vương, và học những pháp mà Vương Tử cần phải học. Nghĩa là các Vương Tử đều nên khéo học các ngành nghề tinh xảo và các sự nghiệp.

Các ngành nghề tinh xảo và các sự nghiệp, là luyện học các bộ môn, những công việc như, biết cỡi voi, ngựa, xe và giỏi cầm cương, cung, nỏ, mâu nhọn, đao, mâu cán dài, lưỡi câu tròn, chạy nhảy, tránh né, chữ viết, in ấn, toán số, Thanh luận, Nhân minh luận v.v… nếu các Vương Tử siêng năng học tập các thứ như vậy là thuận theo lợi ích pháp Vua. Tuy hưởng thọ, vui đùa thỏa thích năm dục lạc nhưng không bị nhà Vua quở trách.

Bồ Tát cũng vậy, siêng năng cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tuy ở tại nhà hưởng thọ thỏa thích năm dục lạc, nhưng không trái nghịch với trí nhất thiết trí. Nếu khi các Bồ Tát hành bố thí, hồi hướng địa vị Thanh Văn, Ðộc giác thì các Bồ Tát này hành nơi phi xứ, chẳng phải là thửa ruộng cho trí nhất thiết.

Từng giờ, từng giờ chẳng thành thửa ruộng cho trí nhất thiết. Từng lúc, từng lúc không thể giữ gìn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát. Từng giờ, từng giờ không thể giữ gìn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát.

Từng lúc, từng lúc xa lìa sự cầu trí nhất thiết trí. Từng giờ, từng giờ xa lìa sự cầu trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc hành nơi phi xứ. Từng giờ, từng giờ hành nơi phi xứ. Từng lúc, từng lúc phạm giới Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát tuy xuất gia thọ trì tịnh giới, nhưng không hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì các Bồ Tát này nhất định không thành tựu tịnh giới Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát này nhất định không thành tựu tịnh giới Bồ Tát, thì các Bồ Tát này chỉ có hư danh, hoàn toàn không có thật nghĩa. Nên biết những vị ấy không gọi Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát tuy ở tại gia nhưng thọ tam quy, có lòng tin Tam Bảo sâu xa, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì các Bồ Tát này dù hưởng thọ năm dục lạc đầy đủ, song đối với sự hành tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát thường không xa lìa, gọi là người trì tịnh giới chơn thật, cũng gọi là an trụ tịnh giới Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát trụ giới Bồ Tát thì các Bồ Tát này thường không xa lìa tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát thường không xa lìa tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, thì các Bồ Tát này thường không xa lìa trí nhất thiết trí.

Nếu các Bồ Tát phát khởi nhiều tác ý phi lý, tương ưng với năm dục nhưng chỉ khởi một tâm niệm tương ưng với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì có thể diệt trừ tất cả.

Giống như nhiều ngọc Ca Già Mạc Ni, nhưng chỉ một viên Lưu ly có thể lấn át tất cả ánh sáng kia. Nghĩa là giá trị, ánh sáng của Lưu ly vượt hơn, sáng hơn tất cả ngọc Ca Già Mạt Ni.

Bồ Tát cũng vậy, tuy phát khởi nhiều tác ý phi lý tương ưng với năm dục, nhưng nếu chỉ khởi một tâm niệm tương ưng với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì sẽ đẩy lùi tất cả, như một số ngọc Ca già bị ngọc Lưu ly đoạt mất ánh sáng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát chấp trước các tướng mà hành bố thí, thì các Bồ Tát này hành nơi phi xứ. Nếu các Bồ Tát hành nơi phi xứ, nên biết các Bồ Tát này phạm giới Bồ Tát. Bồ Tát không nên chấp trước các tướng mà hành bố thí, cũng lại không nên chấp trước quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà hành bố thí.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật xa lìa các tướng.

Vì sao?

Vì mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng v.v…, vô lượng vô biên các pháp vi diệu của Chư Phật đều xa lìa các tướng.

Như vậy, Bồ Tát đối với sự hành bố thí không nên chấp trước. Nếu các Bồ Tát đối với sự hành bố thí mà không chấp trước, thì các Bồ Tát này liền hộ trì được tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí.

Bấy giờ, Mãn Từ Tử liền hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu các Bồ Tát cầu trí nhất thiết trí mà tu hành bố thí, thì các Bồ Tát này đâu khởi tâm chấp trước trí nhất thiết trí.

Nếu các Bồ Tát khởi tâm chấp trước trí nhất thiết trí sẽ thành giới cấm thủ, thì làm sao gọi là trì giới Bồ Tát?

Xá Lợi Tử đáp:

Trí nhất thiết trí xa lìa các tướng, chẳng phải giữ gìn ở mọi nơi mọi chỗ.

Trí nhất thiết trí chẳng phải sắc uẩn, không xa lìa sắc uẩn. Chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức uẩn, không xa lìa thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Trí nhất thiết trí chẳng phải nhãn xứ, không xa lìa nhãn xứ. Chẳng phải nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, không xa lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ.

Trí nhất thiết trí chẳng phải sắc xứ, không xa lìa sắc xứ. Chẳng phải thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, không xa lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ.

Trí nhất thiết trí chẳng phải nhãn giới, không xa lìa nhãn giới. Chẳng phải nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, không xa lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới.

Trí nhất thiết trí chẳng phải sắc giới, không xa lìa sắc giới. Chẳng phải thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, không xa lìa thanh, hương, vị, xúc, pháp giới.

Trí nhất thiết trí chẳng phải nhãn thức giới, không xa lìa nhãn thức giới. Chẳng phải nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, không xa lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới.

Trí nhất thiết trí chẳng phải nhãn xúc, không xa lìa nhãn xúc. Chẳng phải nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, không xa lìa nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc.

Trí nhất thiết trí chẳng phải các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, không xa lìa các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra. Chẳng phải các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra, không xa lìa các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra.

Trí nhất thiết trí chẳng phải địa giới, không xa lìa địa giới. Chẳng phải thủy, hỏa, phong, không, thức giới, không xa lìa thủy, hỏa, phong, không, thức giới.

Trí nhất thiết trí chẳng phải nhân duyên, không xa lìa nhân duyên. Chẳng phải đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên, không xa lìa đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên.

Trí nhất thiết trí chẳng phải vô minh, không xa lìa vô minh. Chẳng phải hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, không xa lìa hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái thủ, hữu, sanh, lão tử.

Trí nhất thiết trí chẳng phải bố thí Ba la mật đa, không xa lìa bố thí Ba la mật đa. Chẳng phải tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa, không xa lìa tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp nội không, không xa lìa pháp nội không. Chẳng phải pháp ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tính không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tính không, tự tính không, vô tính tự tính không.

không xa lìa pháp ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tính không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tính không, tự tính không, vô tính tự tính không.

Trí nhất thiết trí chẳng phải chân như, không xa lìa chân như. Chẳng phải pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì. Không xa lìa pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì.

Trí nhất thiết trí chẳng phải Thánh đế khổ, không xa lìa Thánh đế khổ. Chẳng phải Thánh đế tập, diệt, đạo, không xa lìa Thánh đế tập, diệt, đạo.

Trí nhất thiết trí chẳng phải bốn tĩnh lự, không xa lìa bốn tĩnh lự. Chẳng phải bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Không xa lìa bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Trí nhất thiết trí chẳng phải bốn niệm trụ, không xa lìa bốn niệm trụ. Chẳng phải Bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi Thánh Đạo. Không xa lìa bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi Thánh Đạo.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp môn giải thoát không, không xa lìa pháp môn giải thoát không. Chẳng phải pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Không xa lìa pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Trí nhất thiết trí chẳng phải tám giải thoát, không xa lìa tám giải thoát. Chẳng phải tám thắng xứ, chín định thứ lớp, mười biến xứ. Không xa lìa tám thắng xứ, chín định thứ lớp, mười biến xứ.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp môn Đà La Ni, không xa lìa pháp môn Đà La Ni. Chẳng phải pháp môn Tam Ma Địa, không xa lìa pháp môn Tam Ma Địa.

Trí nhất thiết trí chẳng phải Tịnh quán địa, không xa lìa Tịnh quán địa. Chẳng phải Chủng Tánh Địa, Ðệ Bát Địa, Cụ Kiến Địa, Bạc Địa, Ly Dục Địa, Dĩ Biện Địa, Ðộc giác Địa, Bồ Tát Địa, Như Lai Địa. Không xa lìa Chủng Tánh Địa, Ðệ Bát Địa, Cụ Kiến Địa, Bạc Địa, Ly Dục Địa, Dĩ Biện Địa, Ðộc giác Địa, Bồ Tát Địa, Như Lai Địa.

Trí nhất thiết trí chẳng phải Cực Hỷ Địa, không xa lìa Cực Hỷ Địa. Chẳng phải Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Tuệ Địa, Cực Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa, Pháp Vân Địa. Không xa lìa Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Tuệ Địa, Cực Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa, Pháp Vân Địa.

Trí nhất thiết trí chẳng phải năm loại mắt, không xa lìa năm loại mắt. Chẳng phải sáu phép thần thông, không xa lìa sáu phép thần thông.

Trí nhất thiết trí chẳng phải mười lực Phật, không xa lìa mười lực Phật. Chẳng phải bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng. Không xa lìa bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.

Trí nhất thiết trí chẳng phải ba mươi hai tướng Đại Sĩ, không xa lìa ba mươi hai tướng Đại Sĩ. Chẳng phải tám mươi vẻ đẹp, không xa lìa tám mươi vẻ đẹp.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp không quên mất, không xa lìa pháp không quên mất. Chẳng phải tánh luôn luôn xả, không xa lìa tánh luôn luôn xả.

Trí nhất thiết trí chẳng phải trí nhất thiết, không xa lìa trí nhất thiết. Chẳng phải trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, không xa lìa trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Trí nhất thiết trí chẳng phải quả Dự Lưu, không xa lìa quả Dự Lưu. Chẳng phải quả Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc giác Bồ Đề. Không xa lìa quả Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc giác Bồ Đề.

Trí nhất thiết trí chẳng phải tất cả hạnh Đại Bồ Tát, không xa lìa tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Chẳng phải quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, không xa lìa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu sắc, không xa lìa pháp hữu sắc. Chẳng phải pháp vô sắc, không xa lìa pháp vô sắc.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu kiến, không xa lìa pháp hữu kiến. Chẳng phải pháp vô kiến, không xa lìa pháp vô kiến.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu đối, không xa lìa pháp hữu đối. Chẳng phải pháp vô đối, không xa lìa pháp vô đối.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu lậu, không xa lìa pháp hữu lậu. Chẳng phải pháp vô lậu, không xa lìa pháp vô lậu.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu vi, không xa lìa pháp hữu vi. Chẳng phải pháp vô vi, không xa lìa pháp vô vi.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp hữu lượng, không xa lìa pháp hữu lượng. Chẳng phải pháp vô lượng, không xa lìa pháp vô lượng.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp quá khứ, không xa lìa pháp quá khứ. Chẳng phải pháp vị lai, hiện tại, không xa lìa pháp vị lai, hiện tại.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp thiện, không xa lìa pháp thiện. Chẳng phải pháp bất thiện, vô ký, không xa lìa pháp bất thiện, vô ký.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp buộc Cõi Dục, không xa lìa pháp buộc Cõi Dục. Chẳng phải pháp buộc Cõi Sắc, Vô Sắc, không xa lìa pháp buộc Cõi Sắc, Vô Sắc.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp thấy chỗ đoạn, không xa lìa pháp thấy chỗ đoạn. Chẳng phải pháp tu chỗ đoạn, không đoạn. Không xa lìa pháp tu chỗ đoạn, không đoạn.

Trí nhất thiết trí chẳng phải pháp học, không xa lìa pháp học. Chẳng phải pháp không học, chẳng học chẳng không học. Không xa lìa pháp không học, chẳng học chẳng không học.

Trí nhất thiết trí xa lìa các tướng pháp như vậy nên không thể chấp thủ. Trí nhất thiết trí xa lìa các tướng, không có pháp có thể đắc, không sở đắc nên không thể chấp thủ.

Trí nhất thiết trí không phải có pháp, cũng không phải không pháp. Do nhân duyên không thể chấp thủ này, nên Bồ Tát tu hành bố thí, thọ trì tịnh giới, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Tuy cầu chứng đắc trí nhất thiết trí nhưng không gọi là hộ trì giới cấm thủ. Nếu các Bồ Tát tu hành bố thí, thọ trì tịnh giới, hồi hướng Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, chấp lấy tịnh giới thì các Bồ Tát này mất Bồ Tát giới, nên biết đó gọi là phạm giới Bồ Tát.

Mãn Từ Tử hỏi Xá Lợi Tử: Nếu các Bồ Tát tu hành bố thí, thọ trì tịnh giới, hồi hướng Bậc Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, vi phạm giới Bồ Tát đã thọ. Các Bồ Tát này nếu có điều kiện có thể trở lại tịnh giới không?

Xá Lợi Tử đáp: Nếu Bồ Tát kia, hồi hướng Bậc Thanh Văn, Độc Giác rồi, chưa thấy Thánh đế, chưa chứng thật tế, hoặc có điều kiện thì dễ có thể trở lại tịnh giới. Nếu đã thấy Thánh đế, chứng thật tế rồi, dị kiến sâu nặng thì khó có thể trở lại tịnh giới.

Mãn Từ Tử lại hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu các Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không nên để cho họ chứng thật tế hay sao?

Xá Lợi Tử đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu các Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không nên để cho họ chứng nơi thật tế.

Mãn Từ Tử hỏi: Do nhân duyên gì mà các Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không nên để cho họ chứng thật tế.

Xá Lợi Tử đáp: Có các Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nếu mau làm cho vị ấy chứng thật tế, thì các Bồ Tát này hoặc được đủ nhân duyên, trú ở Bậc Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, khó có thể làm cho họ khởi tâm trí nhất thiết, hoặc gặp lúc Chánh Pháp Như Lai không còn, không cần chứng đắc trí nhất thiết trí, bấy giờ liền chứng Ðộc giác Bồ Đề, nhập vào Vô Dư Y Niết Bàn, hoàn toàn không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Do nhân duyên này, nếu các Bồ Tát cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không nên làm cho vị ấy mau chứng thực tế, cho đến chưa ngồi tòa Bồ Đề vi diệu, không nên làm cho vị ấy chứng thật tế, hoặc khi đã ngồi tòa Bồ Đề vi diệu, sắp chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề có thể làm cho họ chứng nơi thật tế, dứt trừ tất cả chướng ngại để chứng đại Bồ Đề.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát tu hành tịnh giới Ba la mật đa, không nên thọ trì tịnh giới của Nhị Thừa. Vì tịnh giới kia không thể hộ trì trí nhất thiết trí, không hướng đến phát tâm trí nhất thiết trí, không giữ gìn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, không viên mãn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát khởi tâm phân biệt, giới hạn làm lợi ích cho hữu tình, tu hành bố thí, thọ trì tịnh giới, thì các Bồ Tát này không giữ gìn được tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, không viên mãn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát không có phân biệt, giới hạn. Nếu các Bồ Tát phát tâm không phân biệt, giới hạn làm lợi ích hữu tình, tu hành bố thí, thọ trì tịnh giới, thì các Bồ Tát này mới giữ gìn được tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, cũng viên mãn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát. Do nhân duyên đây, nên gọi các Bồ Tát này thành tựu tịnh giới Bồ Tát.

Mãn Từ Tử hỏi Xá Lợi Tử: Sao gọi là Bồ Tát trì giới?

Xá Lợi Tử đáp: Nếu các Bồ Tát tùy theo sự hành bố thí, tất cả đều hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình đến tận đời vị lai không gián đoạn, nên biết đó là Bồ Tát trì giới.

Nếu các Bồ Tát tùy theo sự hộ trì giới, tất cả hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình đến tận đời vị lai không gián không đoạn, nên biết đây là Bồ Tát trì giới.

Nếu các Bồ Tát tuy trải qua hằng hà sa số đại kiếp, tu hành trì giới, làm cho được viên mãn, nhưng không hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình đến tận đời vị lai không gián đoạn, thì các Bồ Tát này không hộ trì được tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, không viên mãn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát tuy trải qua hằng hà sa số đại kiếp tu hành tịnh giới, làm cho được viên mãn nhưng hồi hướng tâm về Thanh Văn, Ðộc giác thì các Bồ Tát này không hộ trì được tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, không viên mãn tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát tuy không thọ trì tịnh giới của Nhị Thừa, nhưng không gọi là người phạm tịnh giới. Nếu các Bồ Tát hồi hướng về Bậc Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, tuy thọ trì nhiều tịnh giới của Nhị Thừa nhưng lại gọi là người phạm tịnh giới.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì nếu các Bồ Tát hồi hướng về Thanh Văn, hoặc Ðộc giác, nên biết đó là hành nơi phi xứ. Nói phi xứ tức là Nhị Thừa, chẳng phải chỗ hành xứ của Bồ Tát vậy.

Mãn Từ Tử lại hỏi Xá Lợi Tử: Sao gọi là Bồ Tát hành xứ?

Xá Lợi Tử đáp: Tác ý tương ưng với bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với pháp nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tính không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tính không, tự tính không, vô tính tự tính không. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với chân như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với sự học bốn tĩnh lự. Bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với sự học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với sự học tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ lớp, mười biến xứ. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với Cực Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Tuệ Địa, Cực Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Tuệ Địa, Pháp Vân Địa. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với tất cả pháp môn Đà La Ni, tất cả pháp môn Tam Ma Địa. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với năm loại mắt, sáu phép thần thông. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Tác ý tương ưng với mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng cho đến trí nhất thiết trí. Nên biết đây là hành xứ của Bồ Tát.

Nếu các Bồ Tát an trụ tu hành chắc chắn nơi hành xứ này, nên biết đây là Bồ Tát trì giới.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát tuy trải qua hằng hà sa số đại kiếp, ở tại gia hưởng thọ năm dục lạc thượng diệu, nhưng không phát khởi tâm hồi hướng về Bậc Thanh Văn, Ðộc giác. Nên biết các Bồ Tát này không gọi là phạm Bồ Tát giới.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì các Bồ Tát này ý thích tăng thượng, không thối chuyển, biến hoại.

Sao gọi là ý thích tăng thượng?

Nghĩa là quyết định cầu trí nhất thiết trí. Ví như có người đối với tài vật của người khác, thật tình không cướp đoạt, tuy bị cầm tù oan uổng trong một thời gian dài, nhưng tâm ý an lạc thường vui, không bị thối chuyển nản lòng. Tuy ở tù chung với người xấu, nhưng không có tâm trộm cướp tài vật của người khác, nên không gọi là giặc cướp.

Bồ Tát cũng vậy, tuy ở tại gia dù trải qua hằng hà sa số đại kiếp hưởng thọ năm dục lạc thượng diệu, nhưng ý thù thắng thường không thối chuyển, biến hoại, nghĩa là luôn cầu trí nhất thiết trí, chưa từng phát khởi tâm Nhị Thừa. Cho nên không gọi là phạm Bồ Tát giới.

Nếu các Bồ Tát tuy trải qua hằng hà sa số đại kiếp tu hành phạm hạnh, nhưng phát tâm hồi hướng về Nhị Thừa, nên biết không gọi là người trì tịnh giới.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì người kia bỏ tịnh giới bát nhã Ba la mật đa, an trụ giới Thanh Văn, Ðộc giác thừa. Nếu các Bồ Tát an trụ giới Thanh Văn, Ðộc giác thừa, thì không gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này xa lìa tịnh giới Ba la mật đa, tâm không cầu trí nhất thiết trí, nhất định không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát khởi tâm như vậy: Ta nên tinh tấn dù trải qua bấy nhiêu kiếp trôi lăn trong vòng sanh tử, quyết định phát khởi tâm trí nhất thiết trí. Các Bồ Tát này do khởi tâm này nên không chứng đắc trí nhất thiết trí.

Mãn Từ Tử liền hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu tâm các Bồ Tát có phân biệt, giới hạn: Ta siêng năng tinh tấn, quyết định chứng đắc trí nhất thiết trí, phải trải qua bấy nhiêu kiếp.

Tâm mong cầu như thế mắc phải lỗi gì mà không chứng đắc trí nhất thiết trí?

Xá Lợi Tử đáp: Các Bồ Tát này nhàm chán sanh tử, mong cầu mau chứng Bồ Đề. Do tâm mong cầu nên có phân biệt, giới hạn. Do có phân biệt, giới hạn nên không thành thục thiện căn thù thắng. Do sợ sanh tử hoặc cầu quả Thanh Văn, Ðộc giác thừa.

Chẳng phải phân biệt, giới hạn mà lại làm lợi ích cho vô lượng hữu tình. Chẳng phải phân biệt, giới hạn mà làm viên mãn vô lượng bố thí Ba la mật đa. Chẳng phải không viên mãn vô lượng bố thí Ba la mật đa mà chứng đắc trí nhất thiết trí.

Nếu tâm các Bồ Tát có phân biệt, giới hạn, giả sử có trải qua hằng hà sa số đại kiếp, tu hành bố thí Ba la mật đa nhưng cũng không viên mãn bố thí Ba la mật đa. bố thí Ba la mật đa của Bồ Tát không có bờ mé cho nên trí nhất thiết trí cũng không có bờ mé.

Nếu Bồ Tát không viên mãn bố thí Ba la mật đa, mà chứng đắc trí nhất thiết trí thì không có điều này. Vì vậy, Bồ Tát mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhất định không nên khởi tâm phân biệt, giới hạn, mong cầu mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì các Bồ Tát này quyết định không có tâm phân biệt, giới hạn tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Từng giờ, từng giờ ở lâu trong sanh tử tu hạnh Bồ Tát.

Từng lúc, từng lúc việc tu bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa dần dần được thành thục khéo léo, có thể chứng đắc trí nhất thiết trí. Ví như vật bằng đất nung mới, đựng đầy nước sạch phơi giữa nắng. Suốt thời gian dài, nước thấm dần, thấm dần, như vậy vật ấy càng thêm bền chắc.

Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ ở lâu trong sanh tử tu hạnh Bồ Tát. Từng lúc, từng lúc việc tu bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa dần dần thành thục khéo léo, có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như bình sứ mới, đựng đầy bơ dầu, để qua thời gian lâu, cứ vậy, cứ vậy, bơ dầu thấm dần, thấm dần. Do đó nên bình sứ càng chắc, có thể chịu đựng được. Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ ở lâu trong sanh tử tu hạnh Bồ Tát.

Từng lúc, từng lúc dần dần gặp được nhiều vị Phật và đệ tử Phật, tin tưởng cung kính, cúng dường. Từng giờ, từng giờ dần dần gặp được nhiều vị Phật và đệ tử Phật, tin tưởng cung kính, cúng dường.

Từng lúc, từng lúc dần dần nhờ nhiều vị Phật và đệ tử Phật dạy dỗ, trao truyền. Từng giờ, từng giờ dần dần được nhiều vị Phật và đệ tử Phật dạy dỗ, trao truyền. Từng lúc, từng lúc dần dần được nghe thuyết bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Từng giờ, từng giờ dần dần được nghe thuyết bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Từng lúc, từng lúc dần dần có thể tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Từng giờ, từng giờ khéo tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Từng lúc, từng lúc dần dần lại viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Từng giờ, từng giờ dần dần lại viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Từng lúc, từng lúc dần dần được thân cận trí nhất thiết trí. Từng giờ, từng giờ dần dần được thân cận trí nhất thiết trí. Khi ấy, dần dần chấm dứt các chướng ngại, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Các Đại Bồ Tát từng giờ, từng giờ khởi tâm tương ưng với trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc không để tâm phan duyên với cảnh khác. Từng giờ, từng giờ không để tâm phan duyên với cảnh khác.

Từng lúc, từng lúc bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa tiếp nối thấm nhuần nơi tâm, dần dần được viên mãn. Do tâm liên tục được viên mãn, nên gọi là phát tâm đến trí nhất thiết.

Tâm tương tục này không gián đoạn cho đến khi chứng đắc trí nhất thiết trí. Như bình chứa dầu bơ lâu ngày, như vậy hơi dầu thấm nhuần khắp bình, không nhiễm mùi của hơi khác bám vào.

Đại Bồ Tát cũng vậy, khởi tâm tương ưng với trí nhất thiết trí, tâm không bị cảnh khác xen tạp. Do không xen tạp nên bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa huân tập viên mãn. Các quân ma ác muốn rình tìm lỗi, chắc chắn không thể được.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì nếu đối cảnh đây mà ma rình tìm lỗi, thì các Bồ Tát liền khởi tâm tương ưng với trí nhất thiết trí, do đó ác ma chẳng làm gì được.

Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ ở lâu trong sanh tử tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Từng lúc, từng lúc dần dần phụng thờ nhiều vị Phật và các đệ tử. Từng giờ, từng giờ dần dần phụng thờ nhiều vị Phật và các đệ tử. Từng lúc, từng lúc nghe thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Từng giờ, từng giờ nghe thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Từng lúc, từng lúc siêng năng tinh tấn, suy nghĩ đúng lý sự thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Từng giờ, từng giờ siêng năng tinh tấn, suy nghĩ đúng lý sự thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Từng lúc, từng lúc siêng năng tinh tấn, tu tập không điên đảo về sự thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Từng giờ, từng giờ siêng năng tinh tấn, tu tập không điên đảo về sự thuyết bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Từng lúc, từng lúc tương tục nơi tâm, bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa dần dần được viên mãn.

Từng giờ, từng giờ tương tục nơi tâm, bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa dần dần được viên mãn. Khi ấy, dần dần thân cận trí nhất thiết trí. Do đó mau chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Nếu các Bồ Tát muốn khuyến hóa, hướng dẫn người khác thọ trì tịnh giới. Các Bồ Tát này trước hết phải tự khởi tâm, tâm sở tương ưng với tịnh giới. Sau đó mới khuyến hóa, hướng dẫn người khác thọ trì tịnh giới.

Ðã khuyến hóa, hướng dẫn người khác thọ trì tịnh giới rồi, lại làm cho họ hồi hướng về trí nhất thiết trí. Bồ Tát như vậy là tự tu thiện căn, hồi hướng sự cầu trí nhất thiết trí.

Lại khuyến hóa, hướng dẫn các hữu tình khác khởi tâm thanh tịnh thọ trì tịnh giới, thọ trì tịnh giới rồi lại làm cho họ hồi hướng trí nhất thiết trí. Mới có thể gọi là Bậc thầy khéo léo giáo hóa các Thiện Nam, Thiện Nữ v.v…

Nếu các Bồ Tát dạy dỗ, giáo huấn Bậc Thanh Văn Thừa, khiến họ siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, hồi hướng cầu trí nhất thiết trí, thì các Bồ Tát này hơn Bậc Thanh Văn Thừa.

Nếu Bậc Thanh Văn mà dạy dỗ, giáo huấn vị Bồ Tát thừa, khiến vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, hồi hướng cầu trí nhất thiết trí, thì Bậc Thanh Văn này không hơn vị Bồ Tát, mà là Bồ Tát hơn vị kia. Như có người nam cõng người vàng ròng đi đến nước xa xôi khác, thì dung mạo ánh sáng người vàng này hơn người nam kia.

Như vậy, giả sử có hằng hà sa số Bậc Thanh Văn Thừa dạy dỗ, giáo huấn vị Bồ Tát thừa, làm cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, thì một vị Bồ Tát này hơn tất cả Bậc Thanh Văn kia.

Lại cũng như người nam cõng người thủy tinh đến nước xa xôi khác. Dung mạo ánh sáng của người thủy tinh này hơn người nam kia.

Cũng vậy, có hằng hà sa số Thanh Văn Thừa ở ngàn đại thiên Thế Giới dạy dỗ, giáo huấn vị Bồ Tát, làm cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, thì một vị Bồ Tát này hơn tất cả Bậc Thanh Văn kia.

Vì sao?

Mãn Từ Tử! Vì các Bậc Thanh Văn từng giờ, từng giờ dạy dỗ, giáo huấn một vị Bồ Tát, thì từng lúc, từng lúc vị Bồ Tát này hơn hẳn tất cả Bậc Thanh Văn.

Giả sử trải qua hằng hà sa số kiếp trụ ở Bậc Thanh Văn, dạy dỗ, giáo huấn một vị Bồ Tát, làm cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, thì thiện căn công đức của một vị Bồ Tát này ngày đêm được tăng trưởng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Ví như vàng ròng được tinh luyện nhiều lần thì màu sắc của nó ngày càng sáng. Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ các chúng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát càng được trong sáng.

Từng giờ, từng giờ tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát càng được trong sáng. Từng lúc, từng lúc công đức của Bồ Tát càng hơn công đức của tất cả Thanh Văn. Bởi vì công đức của Thanh Văn chỉ hồi hướng Niết Bàn, không cầu hướng đến trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như ngọc Lưu ly, từng giờ, từng giờ được người thợ mài dũa. Từng lúc, từng lúc ánh sáng càng trong suốt. Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ các chúng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, khiến cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát được trong sáng.

Từng giờ, từng giờ tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát được trong sáng. Từng lúc, từng lúc công đức của Bồ Tát càng hơn công đức của tất cả Thanh Văn Thừa. Bởi vì công đức của Thanh Văn chỉ hồi hướng Niết Bàn, không cầu hướng đến trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như người họa sĩ giỏi, dùng các màu vẽ hình người. Trước tiên lấy một màu vẽ làm chuẩn, sau đó tô lấp nhiều màu khác lên. Từng giờ, từng giờ dùng các màu dần dần tô lấp vào, từng lúc, từng lúc dung mạo hình sắc càng đẹp hơn họa sĩ kia gấp trăm ngàn lần.

Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ các chúng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, khiến cho vị ấy siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí.

Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát được trong sáng. Từng giờ, từng giờ tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát được trong sáng. Từng lúc, từng lúc công đức của Bồ Tát hơn công đức của tất cả Thanh Văn.

Bởi vì công đức của Thanh Văn chỉ hồi hướng Niết Bàn, không cầu hướng đến trí nhất thiết trí. Nhưng Bồ Tát này nhờ sự dạy dỗ, giáo huấn của các Thanh Văn, nên các công đức thiện căn của sự tu hành ngày đêm được tăng trưởng.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Như có người trồng cây tùy lúc, tưới, bón, chăm sóc, sửa sang. Từng giờ, từng giờ tưới, bón, chăm sóc, sửa sang cây đó. Từng lúc, từng lúc cây đó lớn nhanh, dần dần cao lớn.

Bồ Tát cũng vậy, được vô lượng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí.

Bồ Tát này, từng giờ, từng giờ được vô lượng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí. Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát lần lượt được tăng trưởng. Từng giờ, từng giờ tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát lần lượt được tăng trưởng.

Từng lúc, từng lúc Bồ Tát hơn hẳn tất cả Thanh Văn, Ðộc giác. tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát càng được trong sáng, càng được hưng thạnh, dần dần thân cận với bổn nguyện cầu trí nhất thiết trí. Bởi vì Bồ Tát này hơn hẳn Thanh Văn, Ðộc giác.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Ví như có người đem lửa nhỏ đốt cây cỏ khô. Từng giờ, từng giờ lửa bén vào cây cỏ. Từng lúc, từng lúc lửa dần dần bốc cháy lan rộng. Từng giờ, từng giờ lửa dần dần bốc cháy lan rộng.

Từng lúc, từng lúc ngọn lửa phát triển càng lớn, lần lần chiếu sáng nhiều do tuần, rồi đến hơn trăm, hơn ngàn, cho đến vô lượng do tuần. Bồ Tát cũng vậy, được vô lượng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí.

Từng giờ, từng giờ, Bồ Tát này được vô lượng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí.

Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát dần dần được trong sáng hưng thạnh. Từng giờ, từng giờ tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát dần dần được trong sáng hưng thạnh.

Khi ấy, công đức của Bồ Tát hơn vô lượng công đức dạy dỗ, giáo huấn của Thanh Văn Thừa. Bởi vì công đức của Thanh Văn chỉ hồi hướng Niết Bàn, không cầu hướng đến trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Mãn Từ Tử! Ví như có người đào mỏ lấy vàng, lấy rồi đem bán sẽ được giá trị quý hơn gấp trăm ngàn lần người bán kia. Bồ Tát cũng vậy, từng giờ, từng giờ, được vô lượng Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí.

Từng lúc, từng lúc tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát hơn gấp trăm ngàn lần công đức của Thanh Văn kia.

Vì công đức kia chỉ hồi hướng Niết Bàn, không cầu hướng đến trí nhất thiết trí. Tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát quyết định cầu trí nhất thiết trí, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Bấy giờ, Mãn Từ Tử nói với Xá Lợi Tử: Bồ Tát thành tựu diệu pháp rộng lớn. Nghĩa là các Bồ Tát được Bậc Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn, làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí. Các Bồ Tát này hơn Bậc Thanh Văn Thừa.

Nếu Bậc Thanh Văn dạy dỗ, giáo huấn vị Bồ Tát thừa làm cho siêng năng tu học tịnh giới Ba la mật đa của Bồ Tát, rồi Bồ Tát hồi hướng cầu đến trí nhất thiết trí, thì Bậc Thanh Văn này không hơn vị Bồ Tát kia. Chỉ có Bồ Tát hơn Thanh Văn kia.

Xá Lợi Tử liền đáp với cụ thọ Mãn Từ Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Bồ Tát thành tựu diệu pháp rộng lớn hơn hẳn Ðộc giác và các Thanh Văn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần