Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Năm - Thiên đại Phẩm - Chương Bốn - Tương ưng Căn - Phẩm Thanh Tịnh - Phần Mười - Phân Tích
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP NĂM
THIÊN ĐẠI PHẨM
CHƯƠNG BỐN
TƯƠNG ƯNG CĂN
PHẨM THANH TỊNH
PHẦN MƯỜI
PHÂN TÍCH
Tại Savatthi, Thế Tôn thuyết!
Này các Tỳ Kheo, có năm căn này.
Thế nào là năm?
Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là tín căn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Này các Tỳ Kheo, đây được gọi là tín căn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là tấn căn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.
Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi. Đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận.
Ðối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi.
Ðối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là tấn căn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là niệm căn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu.
Vị ấy trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là niệm căn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là định căn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhất tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ, an trú thiền thứ hai, an trú thiền thứ ba, từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là định căn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là tuệ căn?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập các pháp, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.
Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là tuệ căn.
Những pháp này, này các Tỳ Kheo, là năm căn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba