Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẦN CHÍN  

Khi ấy, trong Cõi Trời kia, có các phi điểu, vui chơi ở giữa hư không, hoặc bay lượn cao thấp, hoặc ở trong ao báu, đùa giỡn trong nước, có các Thiên Tử ưa thích sự phóng đãng, cùng với các phi cầm, dạo chơi đam mê dục lạc không sợ đường ác, có Tỳ Kheo vì Thiên Tử kia, tuyên nói kệ tụng:

Súc Sanh ham dục lạc

Vui chơi kiểu ngu mê

Chúng Trời cũng như vậy

Các loài phi cầm kia Bậc

Chánh Giáo tuyên nói:

Tâm các ông điên đảo

Không sợ nơi nghiệp ác

Quá vui đắm thế gian

Nếu Trời có nghiệp tội

Rơi xuống ở địa ngục

Nghiệp lực, độc như vậy

Người trí thường xa lìa

Người đức mỏng, tuệ ít

Trước chỉ quán dục lạc

Trái lại không tư duy

Thành tựu các quả khổ

Nếu người có trí tuệ

Quán khắp mọi điều ác

Cầu đoạn trừ ác nghiệp

Lợi ích các quần sinh

Nghiệp ác sinh các khổ

Nhân tốt được lìa trói

Hành tốt xấu không đồng

Quả báo cũng như vậy

Mê khổ cho là vui

Cầu an không thể được

Trí đủ chẳng lỗi lầm

Không lâu đến vắng lặng

Khéo tu các tĩnh nghiệp

Tìm cách nhóm căn lành

Tam muội tự hiện ra

Mau đến bậc vô sinh

Chớ lưu luyến súc sanh

Vui chơi nơi vườn tược

Biếng nhác càng tăng thêm

Sau đọa loài phi cầm

Nếu lại vô thiểu trí

Nghiệp tốt xấu không phân

Ngạ quỷ, A Tố La

Địa Ngục cũng như vậy

Với nghiệp hay phân biệt

Quả báo cũng thông đạt

Ở trong các nghiệp kia

Tướng sạch nhơ thâm cùng

Ngày đêm thường tinh tấn

Nghĩ ba môn giải thoát

Không còn đọa địa ngục

Rốt ráo được an vui

Thiên Tử, ông nên biết!

Tự vui tự khéo thành

Tự hoặc sinh tự khổ

Khổ vui chẳng lìa tâm

Nên xa lìa lỗi lầm

Dính mắc các trần cảnh

Phóng túng bị mù lòa

Chợt cái chết đến giục

Chìm đắm nơi địa ngục

Khổ não không cùng tận.

Lúc đó, vị Trời kia có trăm ngàn Thiên Nữ, sắc tướng đoan nghiêm tùy ý tự tại, ở giữa rừng kia ca hát chơi đùa.

Có loài phi cầm, biết điều lành đời trước của Trời, liền nói bài kệ:

Xưa siêng tu nghiệp lành

Nay lại được sinh Thiên

Nếu hành trái nhân lành

Sẽ chìm đắm nẻo ác

Nghiệp báo đã quyết định

Chư Thiên đều bình đẳng

An vui chẳng an vui

Nay các ông phải biết

Ái nhiễm vốn làm hại

Dây nghiệp theo trói buộc

Luân chuyển không cùng tận

Dây nghiệp lại làm nhân

Trên đến Phi tưởng xứ

Dưới đến ba nẻo khổ

Qua lại mau như gió

Sinh số lại như mưa

Tuần hoàn trong các nẻo

Vô thỉ mãi như vậy

Nếu người tâm vắng lặng

Như nước sạch trong suốt

Như hư không ly ngại

Đạt được vui tối thượng

Năm thức duyên trần cảnh

Ba ác nghiệp kéo theo

Một pháp cũng bỏ hết

Không được sinh Cõi Trời

Sát, đạo, dâm, vọng, độc

Thường làm bạn đường ác

Như lửa cháy thiêu đốt

Người trí nên quán sát

Ưa chân thật, nhẫn nhục

Ra đời gặp bạn lành

Nếu gần gũi tu tập

Sẽ được quả Tam Thiên

Chế ngự ý tà loạn

Cẩn thận đụng các tham

Sau chắc chắn sinh Thiên

Thành tựu quả nghiệp sạch

Nếu với nghiệp sinh tử

Mà không cầu giải thoát

Quỷ Diệm ma sát đến

Làm sao trốn tránh được.

Lúc ấy, Trời Đế Thích lại bạch: Nếu có chúng sinh không sợ điều ác, đối với tất cả mọi nơi tâm đã bị dính mắc, do dính mắc nên không có trí tuệ, nói dối, nói thêu dệt, dối trá, nịnh hót, làm não loạn hữu tình, quay lưng với lời dạy chân chánh, thân cận thầy xấu, bất hiếu cha mẹ, cho đến làm gián đoạn căn lành, dây nghiệp trói buộc, như mũi tên bay nhanh, khi chết đọa vào địa ngục, đủ thứ hình phạt, chịu mọi cực khổ, không có dừng nghỉ.

Các ông từ nay, đối với tội duyên sinh tử, phải mau xả bỏ, chớ nên tham đắm, đối với tự thân, mạng phần có hạn, có dài có ngắn, phải xem xét kỹ lưỡng các hạnh hữu vi, trong từng sát na đều có sinh diệt, đâu có lâu dài, như bọt nước, như hình bóng trong gương, như điện chớp, như mây tan. Nếu như phước Trời hết, các thú vui đều không còn.

Tất cả tướng suy chợt hiện ra thúc ép thân tâm nên nhẫn như thế nào?

Vì thế, nay ta tuyên nói chỉ bảo như vậy ông phải siêng năng thực hành tinh tấn, nhẫn nhục nhu hòa, thương xót hữu tình, bảo vệ sáu căn, tu hành bốn đế, không lấy oán thân mà tu bình đẳng, trí tuệ tăng trưởng, thâm nhập nghĩa vị, bỏ vọng theo chân, chỉ dẫn thiền định, khi hết hoặc nghiệp sau đó không sinh sẽ được giải thoát.

Khi ấy, Trời Đế Thích muốn nói rõ lại nghĩa trên mà nói bài kệ:

Như vậy mười hai xứ

Sáu cảnh và sáu căn

Khi các thức sinh diệt

Tương ưng thành vọng tưởng

Người trí khéo tu tâm

Không trụ sắc các pháp

Nhập vào môn vắng lặng

Lặng yên không một tướng

Cần cầu pháp vắng lặng

Không đọa cõi Ma La

Dùng tâm sạch đẹp này

Để luôn luôn nhớ nghĩ

Nếu hành tuệ như vậy

Hoặc khổ sinh chỗ nào

Ở trong ba đời kia

Đều tự tại, không sợ

Phiền não trói tự mở

Tội nhơ không thể nhiễm

Mắt tuệ được tròn sáng

Thường trụ hạnh chân tịch

Thân Trời rất sướng vui

Còn bị tội nhơ giục

Vì sao người ngu mê

Rộng tạo mười nghiệp ác

Nếu người tu trí tuệ

Hiểu rõ gốc tội phước

Sợ khổ nghiệp hại chết

Cái gốc: Phải thoát khổ.

Thuở xưa, vào lúc Đế Thích nghe Đức Thế Tôn, nói về những việc trong nẻo ác, ông liền vì Thiên chúng mà tuyên nói.

Đức Phật bảo: Nếu người nào được khỏi tội gốc của sinh tử, thường gặp bạn lành, trồng được các gốc lành. Nếu sinh Cõi Trời thọ hưởng sướng vui vi diệu có cung điện trang nghiêm, báo ứng vô lượng.

Nếu không rơi vào đường ác mà lại đắm say vào những sướng vui, khi hết phước lành, ắt sẽ đọa lạc. Ví như đèn đuốc cần có nhiên liệu, khi nhiên liệu hết, đèn liền tắt. Như vậy, đọa rồi lại bị gió nghiệp nhanh chóng thổi xoay qua lại thế gian xoay tròn không dừng.

Nếu các người trí, chánh định tương ưng dây nghiệp vô minh không thể lay động. Ví như rễ sen mọc nơi núi Tu Di, không thể lay động.

Khi ấy, vị Trời kia, nghe Thiên Đế nói pháp này rồi, liền dùng kệ ca ngợi Thiên Đế:

Nay ngài nói pháp này

Dứt trừ tất cả chướng

Tôi y lời Thiên Đế

An trụ không sợ hãi

Cùng các quần sinh kia

Làm người cha từ bi

Tuyên bày thành Niết Bàn

Khiến họ được lợi lạc

Pháp vốn không sai khác

Thiên Đế khéo tuyên nói

Nay gặp thầy dạy đúng

Được đến đạo vô thượng.

Khi ấy, Thiên Đế lại bạch: Chớ tham đắm vào của cải ở thế gian. Nếu người lìa bỏ nó, thì trí tuệ sẽ sinh ra, nếu trở lại ưa thích thì căn lành bị phá hoại, bảy thứ Thánh tài dần dần mai một, trải qua trăm ngàn đời chìm đắm vào đường ác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần