Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT  

PHẦN MƯỜI  

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát nhẫn đến Ưu Bà Di tu tập vô thường tưởng?

Này thiện nam tử!

Có hai hạng Bồ Tát: Một là sơ phát tâm, hai là đã hành đạo.

Vô thường tưởng cũng có hai thứ: Thô và tế.

Bồ Tát sơ phát tâm lúc quán vô thường tưởng, suy nghĩ rằng:

Vạn vật trong đời phàm có hai loại: Nội và ngoại.

Những loại thuộc về nội vật đều vô thường biến đổi. Tôi thấy lúc sanh, lúc nhỏ, lúc lớn, lúc mạnh, lúc già, lúc chết đều khác nhau, do đây nên biết những loại thuộc về nội vật đều vô thường.

Lại suy nghĩ rằng tôi thấy chúng sanh hoặc có kẻ mập mạnh tươi tốt, hoặc có kẻ bệnh hoạn héo gầy, hoặc có người giàu có dư giả, hoặc thấy người nghèo cùng thiếu thốn, hoặc thấy người có vô lượng công đức, hoặc thấy người tạo vô lượng tội lỗi, do đây nên quyết định biết rằng những loại thuộc về nội vật là vô thường.

Lại suy nghĩ rằng, những vật ngoài thời kỳ hột, thời kỳ mọc mộng, lên cây ra lá trổ bông, kết trái đều chẳng đồng, lại có thứ đầy đủ, có thứ chẳng đầy đủ, do đây nên biết rằng tất cả vật ngoài quyết định là vô thường.

Đã quán sát những vật bị thấy là vô thường, kế lại là quán sát những pháp bị nghe: Tôi từng nghe Chư Thiên có thần thông tự tại hưởng sự vui rất vi diệu nhưng cũng có năm tướng suy, do đây nên biết rằng là vô thường.

Tôi lại từng nghe thuở kiếp sơ có các chúng sanh đầy đủ công đức, thân thể sáng chói chẳng cầu Mặt Trời, Mặt Trăng, vì vô thường biến đổi mà công đức hao tổn, ánh sáng tắt mất.

Tôi lại nghe thuở xưa có Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh bốn châu thiên hạ, có đủ thất bảo thế lực tự tại dầu vậy nhưng cũng không thể tránh khỏi vô thường.

Lại quán quả Địa Cầu, ngày xưa người ở đông đảo, có đủ cây thuốc hay, rừng cây bông trái sum sê.

Ngày nay vì chúng sanh phước bạc, nên những sanh vật trên mặt đất thành hư hao. Do đây nên biết rằng tất cả vật trong thân ngoài cảnh đều vô thường. Đây gọi là tướng vô thường thô.

Đã quán tưởng tướng thô rồi, kế lại quán sát tướng vô thường tế.

Bồ Tát quán sát tất cả vật trong ngoài, nhẫn đến vi trần, tại thời kỳ vị lai đã là vô thường, vì tất cả đều có đủ tướng phá hoại vậy.

Nếu sắc uẩn vị lai chẳng phải là vô thường, thời chẳng nên nói sắc uẩn có mười thời kỳ sai biệt: Thời kỳ đông lại, thời kỳ nổi bóng, thời kỳ ung nhọt, thời kỳ khối thịt, thời kỳ mọc đầu và tứ chi, thời kỳ bé thơ, thời kỳ trẻ, thời kỳ thiếu niên thời kỳ tráng niên, thời kỳ già suy.

Nếu không phải là vô thường thời đông váng không thành bóng, nhọt nhẫn đến không có già suy. Nếu những thời kỳ chẳng phải niệm niệm hoại diệt, thời trọn chẳng có lần lần lớn lên, đáng lẽ phải đồng thời trưởng thành tất cả.

Do đây biết rằng quyết định có niệm niệm vi tế vô thường.

Lại thấy có người thân thể toàn vẹn, nhan sắc tươi đẹp, lúc sau lại thấy người ấy gầy gò tiều tụy. Do đây biết rằng người này quyết định có niệm niệm vô thường.

Lại quán sát Tứ Đại và bốn oai nghi, trong ngoài đều có hai khổ nhân: Đói khát và lạnh nóng. Nếu khôngcó niệm niệm vi tế vô thường, thời cũng lẽ ra không có bốn điều khổ ấy.

Suy xét như trên đây gọi là quán tưởng vô thường tế.

Như trong thân và ngoại cảnh tâm pháp cũng như vậy, vì tâm duyên theo sáu trần hoặc sanh lòng mừng, lòng giận, lòng yêu, v.v… lần lượt thay đổi khác, không trụ một niệm. Do đây nên biết rằng tất cả sắc pháp và tâm pháp đều vô thường cả.

Nếu Bồ Tát có thể ở trong một niệm thấy rõ tất cả pháp đều sanh diệt vô thường, đây gọi là Bồ Tát có đủ vô thường tưởng.

Này thiện nam tử! Người trí tu tập vô thường tưởng rồi thời xa lìa quan niệm điên đảo chấp thường. Kế lại tu tập khổ tưởng.

Duyên cớ gì có sự khổ như vậy?

Biết rõ rằng sự khổ này do nơi vô thường. Do vô thường mà có sanh, già, bệnh, chết. Vì có sanh già bệnh chết nên gọi là vô thường.

Vì vô thường mà chịu lấy những sự khổ: Đói, khát, lạnh, nóng v.v…

Lại quán sát thân thể này chính là khí cụ vô thường, là khổ. Vì là khí cụ khổ nên bao nhiêu sự nhận lấy của thân đều là khổ cả.

Lại quán sát sanh là khổ, diệt là khổ. Sanh diệt chính là vô thường, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, nên tu vô ngã tưởng.

Lại quán sát khổ là vô thường, vô thường tức là khổ.

Nếu đã là khổ vô thường, người trí đâu nên cho rằng có ngã! Khổ không phải là ngã, vô thường cũng vậy.

Cả năm ấm đều là khổ là vô thường, sao chúng sanh lại cho là có ngã! Lại quán sát tất cả pháp có nhiều thứ hòa hiệp sai khác. Chẳng phải từ một hòa hiệp sanh tất cả pháp. Lại một pháp chẳng phải là quả của tất cả hòa hiệp.

Tất cả hòa hiệp đều không tự tánh, cũng không một tánh, cũng không tánh sai khác, cũng không vật tánh, cũng không tự tại. Các pháp đã có những tướng như vậy, người trí đâu nên nói là có ngã.

Lại suy nghĩ rằng: Trong tất cả pháp không có một pháp nào là tác giả. Một pháp đã không phải tác giả. Tánh của các pháp hòa hiệp cũng không thể là tác giả.

Tánh của các pháp không thể tự sanh tự diệt, do hòa hiệp mà diệt, do hòa hiệp mà sanh. Khi pháp đã sanh, chúng sanh điên đảo tưởng rằng là hòa hiệp, từ hòa hiệp sanh. Chúng sanh điên đảo tưởng niệm không có chân thật.

Như thế thời đâu có thật ngã! Do đây nên người trí quán sát vô ngã.

Lại quán sát duyên cớ gì mà chúng sanh nói là ngã?

Ngã này nếu là có, thời là một hay nhiều.

Nếu ngã chỉ có một, thời sao lại có Sát Đế Lợi, Bà La Môn v.v… nhẫn đến nhân, thiên, quỷ, súc?

Nếu ngã là nhiều, sao lại nói rằng ngã của chúng sanh là duy nhất, là khắp, là không biến tế. Cho là một hay là nhiều, cả hai đều không có ngã cả.

Người trí đã quán vô ngã rồi, kế lại quán tưởng yểm ly thực.

Nên suy nghĩ rằng: Nếu tất cả pháp là vô thường, khổ, vô ngã, sao lại vì sự ăn mà thân, khẩu, ý gây tạo ác nghiệp. Nếu có chúng sanh nào vì tham ăn mà thân, khẩu, ý gây tạo nghiệp ác, bao nhiêu của cải có ra, mọi người đều cùng hưởng dụng, về sau lúc mất quả khổ, không một ai cùng chia.

Lại quán sát tất cả chúng sanh vì ăn uống mà thân tâm chịu khổ. Nếu từ các sự khổ mà được ăn uống, sao ta lại đối với sự ăn uống mà sanh lòng tham đắm.

Kế lại nên quán sát thân nhân. Do nơi uống ăn mà thân thể tăng trưởng.

Nay ta Xuất Gia vì muốn xả thân nên thọ giới tu hành, nếu tham đắm ăn uống thời sao gọi là xả thân! Quán sát như vậy rồi, dầu có ăn uống, nhưng coi như quỷ Khoáng Dã ăn thịt con của nó, trong lòng nhàm ghét không biết ngon ngọt.

Quán sát rõ món ăn uống có lỗi như vậy rồi, kế lại quán xúc thực: Như con bò bị lột da, có vô số kiến ruồi bu cắn. Kế quán tư thực như đống lửa lớn. Quán thức thực như ba trăm mâu nhọn.

Người trí quán sát bốn thứ thực này rồi thời không còn có quan niệm tham ưa. Nếu còn tham ưa thời nên quán bất tịnh để lìa hẳn sự ái nhiễm đối với tứ thực.

Phải khéo phân biệt sự bất tịnh của tất cả thứ uống ăn. Lúc thọ ăn món ngon món dở, xem như thuốc thoa ghẻ, trọn không sanh lòng tham ái. Nếu có thể quán sát như trên đây thời gọi là người trí trọn nên quán tưởng yểm ly thực.

Bạch Thế Tôn! Người trí quán sát món ăn là bất tịnh, đó là thật quán hay hư quán?

Nếu là thật quán thời thức ăn đương quán thật chẳng phải bất tịnh.

Nếu là hư quán, thời sao lại gọi là thiện tưởng?

Này thiện nam tử! Quán tưởng như vậy, cũng là thật cũng là hư: Vì có thể trừ quan niệm tham ăn nên gọi là thật. Vì không phải trùng dòi mà thấy là trùng dòi nên gọi là hư.

Này thiện nam tử! Tất cả pháp hữu lậu đều gọi là hư, mà cũng có thể được thật.

Này thiện nam tử! Nếu có Tỳ Kheo lúc muốn đi khất thực, tự nghĩ rằng: Tôi sẽ đi khất thực, mong được món ăn ngon, nhiều và mau được, đừng được món ăn dở, ít và chậm lâu. Tỳ Kheo này chẳng được gọi là có yểm ly tưởng đối với sự ăn uống, pháp lành sẽ suy hao lần, pháp chẳng lành sẽ càng ngày càng tăng trưởng.

Này thiện nam tử! Nếu có Tỳ Kheo lúc muốn đi khất thực, phải nguyện trước rằng: Cầu mong cho những người khất thực đều được no đủ, người bố thí vô lượng phước. Nếu tôi được món ăn, cũng chỉ là dùng để chữa bệnh cho thân thể ác độc này, để tu tập pháp lành, cho thí chủ được lợi ích.

Tỳ Kheo lúc phát nguyện thời pháp lành lần tăng trưởng, pháp chẳng lành tiêu diệt lần. Tỳ Kheo này chẳng luống ăn của tín thí.

Này thiện nam tử! Người trí có đủ bốn pháp quán tưởng như vậy thời có thể tu pháp quán tưởng thế gian không đáng ưa thích.

Suy nghĩ rằng: Tất cả thế gian không chỗ nào chẳng có sự sanh, già, bệnh, chết, mà thân của tôi không chỗ nào chẳng sanh.

Thế gian đã không có một chỗ nào lìa được sự sanh, già, bệnh, chết, như vậy tại sao tôi lại ưa thích thế gian! Tất cả thế gian không có gì tiến đắc mà chẳng phải thối thất, nên thế gian quyết định là vô thường. Đã là vô thường, người trí đâu nên ưa thích thế gian.

Mỗi chúng sanh trải qua khắp tất cả thế gian, hưởng thọ đủ cả sự khổ vui, đều được thân Phạm Thiên cho đến Trời Phi Phi Tưởng, lúc mạng chung cũng lại phải sa vào ba ác đạo.

Dầu được thân Trời Tứ Thiên Vương cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại, lúc mạng chung hoặc phải sanh trong loài súc sanh làm thân sư tử, cọp, sói, voi, ngựa, bò, lừa v.v…

Kế lại suy nghĩ: Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh bốn châu thiên hạ, sang giàu tự tại, lúc hết phước phải nghèo khốn ăn mặc không đủ.

Người trí quán tưởng như trên đây rồi, thời có quan niệm thế gian không đáng ưa thích.

Người trí lại quán sát tất cả tài vật, châu báu, nhà cửa, hương hoa v.v… ở thế gian dầu dùng để đỡ khổ, nhưng những vật ấy chính nó là khổ, sao lại dùng khổ để lìa khổ.

Này thiện nam tử! Người trí quán sát như vậy rồi thời chẳng còn ưa thích tài vật ở thế gian. Như có người thân mang bệnh nặng, dầu có những thứ âm nhạc ca hát hoa hương chuỗi ngọc, nhưng trọn chẳng sanh lòng ưa thích. Người trí quán sát những điều trên đây không tham ưa tài vật châu báu ở thế gian cũng như vậy.

Này thiện nam tử! Người trí quán sát tất cả thế gian đều chẳng phải chỗ quy y, chẳng phải chỗ giải thoát, chẳng phải chỗ tịch tịnh, chẳng phải chỗ đáng ưa, chẳng phải bờ kia, chẳng phải thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu tôi tham ưa nơi thế gian thời tôi làm thế nào lìa được thế gian, như người chẳng thích ở trong tối muốn tìm ánh sáng mà lại trở về trong tối. Trong tối là thế gian, ánh sáng là xuất thế. Nếu tôi ưa thích thế gian thời là thêm lớn sự đen tối mà muốn xa lìa đen tối.

Đen tối là vô minh, ánh sáng là trí minh. Chính quan niệm chẳng ưa thích thế gian là nhân của trí minh. Tất cả kiết sử tham ưa dầu hay trói buộc, nhưng nay tôi tham ưa trí minh mà chẳng tham ưa thế gian.

Người trí quán sát rõ những sự trên đây rồi thời có đủ quan niệm rằng thế gian là chẳng đáng ưa thích.

Này thiện nam tử! Người trí kế lại tu tập tư tưởng: Quán sát thọ mạng này thường bị vô lượng oán thù vây quanh, niệm niệm tổn diệt không có tăng trưởng, như nước dốc trên núi không thể đứng dừng, cũng như sương móc ban mai thế chẳng còn lâu, như người tù bị dắt ra chợ mỗi bước gần đến chỗ chết, như dắt bò dê đến chỗ hàng thịt.

Bạch Thế Tôn! Người trí quán sát niệm niệm diệt như thế nào?

Này thiện nam tử! Như bốn người đều có tài bắn giỏi họp nhau ở một chỗ, mỗi người riêng bắn qua một hướng đồng nghĩ rằng bốn mũi tên của chúng tôi đồng thời bắn ra đồng thời rơi xuống. Lại có một người nghĩ rằng lúc bốn mũi tên này chưa rơi xuống, trong một lúc tôi có thể dùng tay bắt lấy.

Này thiện nam tử! Đáng gọi người này là mau lẹ chăng?

Bạch Thế Tôn! Người này thật mau lẹ.

Này thiện nam tử! Địa Hành quỷ còn lẹ hơn người này. Phi Hành quỷ lại mau hơn Địa Hành quỷ. Tứ Thiên Vương mau hơn Phi Hành quỷ.

Nhật Nguyệt Thần Thiên mau hơn Tứ Thiên Vương. Hành Kiên Tật Thiên mau hơn Nhật Nguyệt Thiên. Thọ mạng của chúng sanh lại mau hơn Kiên Tật Thiên.

Này thiện nam tử! Một hơi thở một nháy mắt, thọ mạng của chúng sanh có bốn trăm lần sanh diệt. Nếu có thể quán sát thọ mạng như vậy thời gọi là có thể quán niệm niệm diệt.

Này thiện nam tử! Người trí quán sát thọ mạng thuộc nơi Vua chết, nếu tôi lìa được Vua chết này thời dứt hẳn được thọ mạng vô thường.

Lại nên quán sát thọ mạng này như cây to bên bờ sông lở, như người phạm tội lúc bị xử tử không ai xót thương, như lúc Sư Tử Vương quá đói, như lúc rắn độc hớp gió to, như lúc ngựa khát nươc nó giữ gìn nước, như lúc đại ác quỷ phát sân, Vua chết của chúng sanh cũng dữ độc như vậy.

Người trí nếu có thể quán sát như vậy thời gọi là tu tập tư tưởng.

Này thiện nam tử! Người trí lại nên quán sát rằng nay tôi xuất gia dầu thọ mạng chỉ có bảy ngày bảy đêm, trong thời gian ấy tôi sẽ tinh tấn tu hành giữ gìn cấm giới, thuyết pháp giáo hóa lợi ích chúng sanh, đây là người trí tu tập tư tưởng.

Lại vì bảy ngày bảy đêm còn là nhiều, nếu được sáu ngày, hoặc năm ngày, bốn ngày, ba ngày, hai ngày, một ngày, một giờ, nhẫn đến trong khoảng một hơi thở ra vào, trong thời gian này tôi sẽ tinh tấn tu hành, giữ gìn cấm giới, thuyết pháp giáo hóa lợi ích chúng sanh. Đây gọi là người trí khéo tu tập tư tưởng.

Người trí có đủ sáu pháp quán tưởng trên đây có thể làm nhân cho bảy pháp quán tưởng.

Đây là bảy pháp quán tưởng: Một là quán tưởng thường tu tập, hai là quán tưởng thích tu tập, ba là quán tưởngkhông sân hận, bốn là quán tưởng không tật đố, năm là quán tưởng phát nguyện lành, sáu là quán tưởng không kiêu mạn, bảy là quán tưởng Tam Muội tự tại.

Này thiện nam tử! Nếu có Tỳ Kheo nào có đủ bảy pháp quán tưởng này, thời gọi là Sa Môn, là Bà La Môn, là tịch tịnh, là tịnh khiết, là giải thoát, là người trí, là chánh kiến, là đáo bĩ ngạn, là đại Y Vương, là đại thương chủ, là hiểu rõ pháp bí mật của Như Lai, là biết bảy thứ lời nói của Chư Phật, là tri kiến chân chánh, dứt được những lưới nghi trong bảy thứ lời nói của Chư Phật.

Này thiện nam tử! Nếu người nào có đủ sáu pháp quán tưởng như trên, nên biết rằng người đó có thể quở trách ba cõi, xa lìa ba cõi, dứt trừ ba cõi, chẳng ưa đắm ba cõi. Đây gọi là người trí có đủ mười pháp quán tưởng.

Nếu Tỳ Kheo nào có đủ mười pháp quán tưởng này thời đáng được gọi là tướng Sa Môn.

Lúc đó Ca Diếp Bồ Tát liền ở trước Phật nói kệ tán thán:

Đấng Đại Y,

Vương thương thế gian,

Thân và trí huệ đều tịch tịnh,

Trong pháp vô ngã có chân ngã,

Nên tôi kỉnh lễ Vô Thượng Tôn.

Phát tâm và rốt ráo không sai khác,

Hai tâm này tâm trước khó hơn,

Mình chưa được độ, độ người trước,

Nên tôi kỉnh lễ sơ phát tâm.

Sơ tâm đã là Thầy Trời, người,

Hơn bậc Thanh Văn và Duyên Giác,

Phát tâm như vậy hơn ba Cõi,

Nên được gọi là Tối Vô Thượng.

trong đời phải cầu rồi mới được,

Phật không chờ thỉnh mà làm thầy,

Phật theo thế gian như nghé con,

Nên được gọi là đấng đại bi.

Công đức của Phật khắp mười phương,

Phàm phu vô trí chẳng thể khen,

Nay tôi tán thán tâm từ bi,

Để báo đáp hai nghiệp thân khẩu.

Thế gian thường ưa tự lợi ích,

Đức Phật trọn chẳng có như vậy,

Dứt báo thế gian cho chúng sanh,

Nên tôi kỉnh lễ Tự Tha Lợi,

Người đời làm lợi cho thân nhân,

Đức Phật lợi ích không thân thù,

Phật không riêng biệt như người đời,

Do đây tâm Phật thường bình đẳng.

Người đời nói khác việc làm khác,

Nói làm của Phật đều không sai,

Phàm chỗ tu hành xả các hạnh,

Do đây được gọi là Như Lai.

Trước đã rõ biết lỗi phiền não,

Thị hiện ở đó vì chúng sanh,

Từ lâu đã giải thoát thế gian,

Vì từ bi mà ở sanh tử.

Dầu hiện thân Trời cùng thân người,

Từ bi theo dõi như nghé con,

Đức Phật là mẹ của chúng sanh,

Từ tâm chính là nghé con nhỏ.

Tự chịu khổ não vì chúng sanh.

Do xót thương nên lòng chẳng hối.

Quá xót thương mà chẳng biết khổ,

Nên tôi cúi lạy đấng cứu khổ.

Đức Phật dầu làm vô lượng phước,

Nhưng thân khẩu ý thường thanh tịnh,

Thường vì chúng sanh chẳng vì mình,

Nên tôi kỉnh lễ nghiệp thanh tịnh.

Đức Phật chịu khổ chẳng biết khổ,

Thấy người chịu khổ như mình khổ,

Dầu vì chúng sanh ở địa ngục,

Chẳng có niệm khổ và ăn năn.

Chúng sanh chịu khổ đều khác nhau,

Mà Như Lai một mình chịu khổ,

Biết rồi tâm Phật càng kiên cố,

Do đây siêng tu đạo vô thượng.

Phật đủ tâm đại từ duy nhất,

Thương xót chúng sanh xem như con,

Chúng sanh chẳng biết Phật cứu mình,

Nên hủy báng Phật cùng Pháp, Tăng.

Thế gian có đủ những phiền não,

Cũng có vô lượng những lỗi ác,

Phiền não và tội lỗi như vậy,

Lúc sơ phát tâm đã dứt trừ.

Chư Phật mới tán thán được Phật,

Ngoài Phật không ai tán thán được,

Nay tôi chỉ tán thán một điều,

Là tâm đại từ thương thế gian.

Từ tâm của Phật là pháp lớn,

Từ tâm này độ được chúng sanh,

Chính đây là vô thượng giải thoát,

Giải thoát này là Đại Niết Bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần