Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thân Hành Niệm - Phần Chín - Sự Phát Triển Qua Thân Hành Niệm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH THÂN HÀNH NIỆM
PHẦN CHÍN
SỰ PHÁT TRIỂN
QUA THÂN HÀNH NIỆM
Này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm antogadha đều thuộc về minh phần vijjabhagiya.
Ví như, này các Tỳ Kheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn, cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm đều thuộc về minh phần.
Này các Tỳ Kheo, đối với Tỳ Kheo nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, thời Ma Vương có cơ hội với vị ấy, Ma Vương có cơ duyên với vị ấy.
Ví như, này các Tỳ Kheo, có người quăng một hòn đá nặng vào một đống đất sét ướt nhuyễn, này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Có phải hòn đá nặng ấy có cơ hội lún sâu vào đống đất sét ướt nhuyễn ấy?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma Vương có cơ hội với vị ấy, Ma Vương có cơ duyên với vị ấy.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một cây khô không có nhựa, có người đến cầm phần phía trên của đồ quay lửa và nói: Tôi sẽ làm cho ngọn lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho sức nóng hiện lên.
Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Người ấy mang đến phần phía trên của đồ quay lửa, quay với cành cây khô không có nhựa ấy, người ấy có làm cho ngọn lửa sanh ra, có làm cho sức nóng hiện lên không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma Vương có cơ hội với người ấy, Ma Vương có cơ duyên với người ấy.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một bình nước, trống rỗng, trống không, được đặt trên cái giá, có một người đi đến, mang theo đầy nước.
Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Người ấy có thể đổ nước vào bình không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma Vương có cơ hội với vị ấy, Ma Vương có cơ duyên với vị ấy. Này các Tỳ Kheo, vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma Vương không có cơ hội với vị ấy.
Ma Vương không có duyên với vị ấy. Ví như, này các Tỳ Kheo, có người quăng một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây.
Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Trái banh dây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây không?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma Vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma Vương không có cơ duyên đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một cây ướt có nhựa, rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: Tôi sẽ làm cho lửa sinh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên.
Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma Vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma Vương không có cơ duyên đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một bình nước đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có người đi đến, mang theo đầy nước.
Này các Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Người ấy có thể đổ được nước vào bình ấy không?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma Vương không có cơ hộ đối với người ấy, Ma Vương không có cơ duyên đối với người ấy.
Này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt đạt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào sati sati ayatane.
Ví như, này các Tỳ Kheo, một bình đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá và có người lực sĩ đến và lắc qua lắc lại cái bình ấy, như vậy nước có thể trào ra ngoài không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
Ví như có một hồ nước trên một miếng đất bằng, bốn phía có đê đắp làm cho vững chắc, và tràn đầy nước đến nỗi con quạ có thể uống được.
Rồi có người lực sĩ đến và phá một khúc đê, nước có thể tràn ra ngoài không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
Ví như, này các Tỳ Kheo, trên đất bằng tại chỗ ngã tư có một chiếc xe đậu, thắng với những con ngựa thuần thục, có roi ngựa đặt ngang sẵn sàng, có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phạm Giới Tội Báo Khinh Trọng
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Mười Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhất Thiết Sự
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Phân Biệt Sáu Xứ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Một - Phẩm Thí Dụ - Phần Một