Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Ba - Phẩm Phân Biệt Ba Thân
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM PHÂN BIỆT BA THÂN
Bấy giờ trong hội, có Đại Bồ Tát hiệu Hư Không Tạng từ tòa đứng dậy, y lộ vai phải, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật, dâng cúng hoa báu, tràng phan lọng báu vô cùng tuyệt diệu rồi bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đối với ý nghĩa sâu xa bí mật của các Như Lai, các Đại Bồ Tát làm thế nào để tu hành đúng pháp?
Đức Phật dạy: Này thiện nam tử! Ông hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, ta sẽ nói rõ cho ông được biết!
Tất cả Như Lai đều có ba thân: hóa thân, ứng thân, pháp thân. Ba thân gồm thâu vô thượng bồ đề. Nếu thấy biết đúng, chóng thoát sanh tử.
Thế nào gọi là thấy đúng hóa thân?
Này thiện nam tử! Vào thời quá khứ, khi Như Lai còn ở vị tu hành, đã vì chúng sanh tu tập các pháp, cho đến cuối cùng, hoàn toàn thành tựu. Do sức tu hành, cho nên thân này được đại tự tại. Do đại tự tại, nên có năng lực tùy thuận phân biệt tâm ý, hành nghiệp, tánh giới của các chúng sanh.
Lại không đợi thời, không để lỡ thời. Xứ đã thích hợp, thời cũng thích hợp, hành cũng thích hợp, thuyết pháp thích hợp, thị hiện các thân, đó là hóa thân.
Thế nào gọi là bậc Đại Bồ Tát thấy biết đúng ứng thân?
Là thân Như Lai vì muốn tất cả Bồ Tát thông đạt, mà thuyết chân đế. Là thân giúp các Bồ Tát hiểu rõ sanh tử Niết Bàn chỉ là một vị. Là thân thị hiện diệt tâm sợ hãi, hoặc tâm vui mừng của những chúng sanh chấp trước tự thân. Là thân nền tảng vô biên Phật Pháp.
Vì sức bản nguyện tương ưng như thật với trí như như như như, nên thân này hiện ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, hào quang toàn thân. Đó là ứng thân.
Thế nào gọi là bậc Đại Bồ Tát biết đúng pháp thân?
Đó chính là thân sạch phiền não chướng, đầy đủ pháp thiện, chỉ duy nhất trí như như như như, nên gọi pháp thân.
Hai loại thân trước là giả danh hữu, chỉ thân thứ ba là chân thật hữu, làm nền tảng cho hai thân hóa ứng.
Vì sao như vậy?
Lìa pháp như như, lìa trí như như, thì các Đức Phật sẽ không có riêng một pháp nào khác. Tất cả Chư Phật đầy đủ trí huệ, tất cả phiền não hoàn toàn diệt tận, Cõi Phật thanh tịnh. Nên pháp như như và trí như như, gồm thâu tất cả công đức Phật Pháp.
Lại nữa hai hạnh tự lợi lợi tha của các Đức Phật đạt đã đến chỗ cùng tận rốt ráo. Lợi ích chính mình là pháp như như, lợi ích cho người là trí như như. Đức Phật từ việc tự lợi lợi tha, tự nhiên thành tựu vô biên tác dụng.
Cho nên phân biệt tất cả pháp Phật cũng có vô lượng vô biên sai biệt. Thí như y nơi vọng tưởng suy nghĩ, mà nói phiền não, các loại nghiệp dụng, các loại quả báo. Như vậy y cứ nơi pháp như như, và trí như như mà nói pháp Phật, các pháp Độc Giác, các pháp Thanh Văn.
Nếu khéo y cứ nơi pháp như như và trí như như, thì các Pháp Phật tự nhiên thành tựu. Đây là bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn. Như vẽ hư không làm vật trang trí, thật khó nghĩ bàn. Cũng giống như vậy, y pháp như như và trí như như, thành tựu Pháp Phật cũng khó nghĩ bàn.
Sao pháp như như và trí như như đã vô phân biệt mà tự nhiên lại thành tựu sự nghiệp?
Này thiện nam tử! Ví như Như Lai đã vào Niết Bàn, nhưng do nguyện lực, tự nhiên thành tựu tất cả sự nghiệp. Pháp như như và trí như như đã vô phân biệt, tự nhiên thành tựu tất cả sự nghiệp cũng lại như thế.
Khi Đại Bồ Tát nhập định vô tâm, nương nguyện lực xưa, xuất định thực hiện tất cả sự nghiệp. Pháp trí như như, thật vô phân biệt mà tự nhiên thành tất cả sự nghiệp. Mặt trời, mặt trăng không có phân biệt, mặt nước phẳng lặng cũng không phân biệt, ánh sáng cũng không có tánh phân biệt, nhưng nếu hòa hợp thì sanh ảnh tượng.
Vậy pháp như như và trí như như cũng vô phân biệt, nhưng do nguyện lực, tự nhiên chúng sanh cảm Chư Phật hiện ứng thân, hóa thân, giống như mặt trời, mặt trăng mặt nước, ba món hòa hợp, ảnh tượng xuất hiện.
Thí như mặt nước rộng lớn vô biên, nhờ có ánh sáng mà ảnh hư không hiện lên trên đó vô số hình tướng, mà hư không ấy chính là vô tướng. Như vậy nên biết, đệ tử tiếp nhận giáo hóa chính là ảnh của pháp thân.
Vì nguyện lực xưa, nên từ hai thân, hiện các hình tướng, nhưng pháp thân thì không có tướng khác. Y hai thân này mà nói Chư Phật Niết Bàn hữu dư, y nơi pháp thân mà nói Chư Phật Niết Bàn vô dư, vì các pháp khác hoàn toàn diệt tận. Lại y ba thân, mà Đức Phật có Niết Bàn vô trụ.
Vì hai thân nên không trụ Niết Bàn, lìa pháp thân không có Phật nào khác. Sở dĩ hai thân không trụ Niết Bàn, vì hai thân là giả danh không thật. Niệm niệm sanh diệt, vì không dừng trụ. Luôn luôn xuất hiện, vì không cố định, còn pháp thân thì không phải như thế. Cho nên hai thân không trụ Niết Bàn, pháp thân bất nhị, nên cũng như vậy, không trụ Niết Bàn.
Vì thế nên biết, nếu theo ba thân, thì các Đức Phật không trụ Niết Bàn.
Tất cả phàm phu đều do ba tướng mà bị trói buộc, mà bị chướng ngại, khiến lìa ba thân, không được ba thân, đó là các tướng biến kế sở chấp, tướng y tha khởi và tướng thành tựu. Không ngộ ba tướng, không diệt ba tướng, không làm thanh tịnh cả ba tướng này, thì không thể đạt rốt ráo ba thân.
Các Đức Như Lai, đã ngộ đã diệt, đã làm thanh tịnh trọn ba tướng này, nên đủ ba thân. Phàm phu chưa thể trừ diệt ba tâm là tâm khởi sự, tâm y căn bản, và tâm căn bản, nên lìa ba thân, không được ba thân.
Nương phục đạo thì diệt tâm khởi sự, nương đoạn pháp đạo trừ diệt tâm y căn bản, nương tối thắng đạo diệt tâm căn bản. Tâm khởi sự diệt thì hóa thân hiện, tâm y căn bản diệt ứng thân hiện, tâm căn bản diệt thì pháp thân hiện. Cho nên biết rằng tất cả Như Lai đều có ba thân.
Tất cả Như Lai đồng nhất về sự với thân thứ nhất, đồng nhất về ý với thân thứ hai, đồng nhất về thể với thân thứ ba.
Vì thân thứ nhất thuận tâm chúng sanh, mới có nhiều hình, hiện ra nhiều tướng, nên nói có nhiều.
Vì thân thứ hai thuận tâm đệ tử nên hiện một tướng, vì thế nói một.
Vì thân thứ ba vượt qua các tướng, chẳng phải thuộc về cảnh giới chấp tướng, nên nói chẳng phải một chẳng phải khác.
Hóa Thân thì nương ứng thân mà hiện, ứng thân thì nương pháp thân mà hiện. Còn pháp thân chính là thân chân thật, không chỗ nương gá. Ba thân như thế, bởi vì có nghĩa nên nói là thường, cũng vì có nghĩa nên nói vô thường. hóa thân thường hằng chuyển đại pháp luân, nơi nơi tùy duyên, liên tục hiển bày các pháp phương tiện, nên nói là thường.
Vì chẳng phải bản, nên đủ đại dụng. Vì không hiển hiện, nên nói vô thường. Ứng thân từ đời vô thỉ đến nay, liên tục gom giữ các pháp bất cộng của các Như Lai.
Vì chúng sanh vô tận, đại dụng cũng vô tận, nên nói là thường, vì chẳng phải bản nên đủ đại dụng, vì không hiển hiện nên nói vô thường. Pháp thân chẳng phải là pháp hữu vi, không có dị tướng, là thân căn bản, giống như hư không, nên gọi là thường.
Lìa trí vô phân biệt sẽ không có trí huệ siêu việt.
Lìa pháp như như thì cũng không có cảnh giới thù thắng. Pháp như như và trí như như này, chẳng phải là một cũng chẳng phải khác.
Vì huệ thanh tịnh, vì diệt thanh tịnh, cho nên pháp thân có đủ thanh tịnh.
Về ba thân này, có thể phân biệt thành bốn trường hợp:
Một là hóa thân chẳng phải ứng thân. Là thân sau khi Như Lai Niết Bàn, vì nguyện tự tại, nên tùy duyên làm lợi ích chúng sanh, đó là hóa thân.
Hai là ứng thân chẳng phải hóa thân, là thân Bồ Tát trước vị Thập Địa.
Ba là hóa thân cũng là ứng thân, đây là thân trụ hữu dư Niết Bàn. Bốn chẳng phải hóa cũng chẳng phải ứng, tức là pháp thân. Pháp thân hiện rõ hai vô sở hữu.
Vì sao gọi là hai vô sở hữu?
Vì nơi pháp thân không có hai loại tướng và tướng xứ, chẳng có chẳng không, chẳng một chẳng khác, chẳng phải số lượng chẳng phải không có số lượng, chẳng tối chẳng sáng. Trí như như này không thấy tướng và tướng xứ, không thấy chẳng có chẳng không, không thấy chẳng một chẳng khác, không thấy chẳng phải số lượng chẳng phải chẳng có số lượng, không thấy chẳng tối chẳng sáng.
Vì thế đây là cảnh giới thanh tịnh, trí huệ thanh tịnh, không thể phân biệt, không có khoảng giữa, gốc của đạo đế và của diệt đế. pháp thân như vậy hiển hiện tất cả sự nghiệp Như Lai.
Nhân duyên cảnh giới, nơi chốn và quả của pháp thân này đều nương căn bản, thật khó nghĩ bàn. Nếu hiểu nghĩa này, thì biết thân này chính là đại thừa, là tánh Như Lai.
Nương nơi pháp thân, mà phát sơ tâm và tâm tu hành, từ đó hiển hiện tâm bất thoái địa, tâm nhất sanh bổ xứ, tâm Kim Cang, tâm Như Lai, đồng thời cũng hiện vô lượng vô biên diệu pháp của Phật. Nương nơi pháp thân mà đại tam muội chẳng thể nghĩ bàn cũng đều hiển hiện.
Nương nơi pháp thân mà đại trí hiện. Cho nên hai thân nương nơi tam muội, nương nơi đại trí mà được hiển hiện. Từ thể pháp thân mà nói thường ngã. Từ nơi tam muội mà nói về lạc. Từ nơi đại trí mà nói thanh tịnh. Cho nên Như Lai thường trụ tự tại, an lạc thanh tịnh.
Nương đại tam muội mà các Phật Pháp: Bốn thiền bốn định, Thủ Lăng Nghiêm định…, tất cả niệm xứ, các đại pháp niệm, đại từ đại bi, các Đà La Ni, tất cả thần thông, tất cả tự tại, tất cả các pháp bình đẳng nhiếp thọ thảy đều xuất hiện.
Nương nơi đại trí, các pháp: Mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại biện, mười tám bất cộng, tất cả pháp hi hữu bất khả tư nghị đều hiển hiện.
Ví như nương nơi bảo châu như ý, vô lượng vô biên báu vật xuất hiện. Cũng thế, nương đại tam muội, nương đại trí huệ, vô lượng vô biên Pháp Phật xuất hiện. Pháp thân như vậy, tam muội trí huệ vượt tất cả tướng, không dính mắc tất cả tướng, không thể phân biệt, chẳng thường chẳng đoạn, gọi là trung đạo.
Tuy có phân biệt, nhưng về tự thể thì vô phân biệt. Tuy có ba nhưng không có ba thể, chẳng thêm chẳng bớt, giống như mộng huyễn, không có sở thủ, không có năng thủ, pháp thể như như. Nơi giải thoát này là trụ xứ của Phật và Bồ Tát, vượt cảnh tử vương, thoát li sanh tử, tất cả chúng sanh không thể tu hành mà đạt đến được.
Này thiện nam tử! Ví như những người muốn có được vàng, bèn đi khắp nơi han hỏi tìm cầu. Khi tìm được quặng, liền đem nghiền nát, đãi hết đất cát, lấy tinh chất vàng, rồi cho vào lò nấu nung luyện lọc. Được vàng ròng rồi, tùy ý sử dụng, tạo vật trang sức, như vòng xuyến nhẫn … tuy có các tướng công dụng như thế, nhưng tánh của vàng vẫn không thay đổi.
Lại nữa nên biết, có chúng sanh cầu giải thoát thù thắng, thực hành tất cả việc thiện thế gian, thân cận Như Lai cùng đệ tử của Ngài, sau đó hỏi rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là thiện, gì là bất thiện, thế nào là hạnh chánh tu thanh tịnh?
Các Đức Như Lai và các đệ tử nghe hỏi như thế, thì suy nghĩ rằng: Những thiện nam và thiện nữ này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp.
Thế là các Ngài vì họ giảng thuyết, giúp cho khai ngộ. Những chúng sanh ấy, sau khi nghe xong, chánh niệm ghi nhớ, phát tâm tu hành, được sức tinh tấn, trừ chướng biếng nhác, diệt tất cả tội, tôn trọng học xứ, bặt tâm trạo hối, tiến vào Sơ Địa. Nương tâm Sơ Địa, dẹp chướng lợi tha, bước vào Nhị Địa. Khi vào địa này, diệt những chướng ngại của tâm an tĩnh, để vào Tam Địa.
Khi vào địa này, diệt trừ chướng ngại của tâm nhu hòa thanh tịnh, để vào Tứ Địa. Khi vào địa này trừ những chướng ngại cho thiện phương tiện, tiến vào Ngũ Địa. Nương nơi Ngũ Địa, trừ những chướng ngại còn thấy chân tục, để vào Lục Địa.
Từ Lục Địa này, trừ những chướng ngại thấy có hành tướng, mà vào Thất Địa. Từ nơi Thất Địa, trừ diệt chướng ngại không thấy tướng diệt, để vào Bát Địa. Từ nơi Bát Địa, diệt trừ chướng ngại không thấy tướng sanh, để vào Cửu Địa.
Từ Cửu Địa này, trừ những chướng ngại cho pháp lục thông, bước vào Thập Địa. Từ nơi Thập Địa, trừ chướng sở tri, trừ tâm căn bản, vào Như Lai địa. Nơi Như Lai địa có đủ ba tịnh là phiền não tịnh, khổ tịnh tướng tịnh, nên được gọi là cực thanh tịnh địa. Ví như vàng thật, đã luyện lọc xong, không thể trở lại thành quặng được nữa.
Đây là biểu thị tánh vàng vốn tịnh, chứ không phải nói là không có vàng. Lại như nước đục, khi đã lắng trong thì không còn cặn, đó là biểu thị tánh nước trong sạch, chứ không phải nói là không có nước.
Như vậy pháp thân xen lẫn phiền não, nếu trừ khổ tập, thì sẽ không còn tất cả tập khí, đó là biểu thị Phật tánh vốn tịnh, chứ chẳng phải nói không có thể tánh. Ví như hư không bị mây khói che, nếu trừ hết thì hư không trong sạch, chứ chẳng phải cho không có hư không.
Pháp Thân cũng vậy, trừ sạch khổ não, nên nói thanh tịnh, chứ chẳng phải nói không có thể tánh. Như người nằm mộng, thấy mình đang trôi trên con sông lớn, vận động tay chân cắt dòng mà qua, đến được bờ kia. Đó là do thân tâm đều nỗ lực vậy. Nhưng khi tỉnh giấc, không thấy có sông, bờ này bờ kia, chứ chẳng thể cho là không có tâm.
Vọng tưởng sanh tử đã trừ diệt hết, giác tánh thanh tịnh sẽ tự hiển bày, chứ không thể cho là không có giác. Pháp Giới cũng vậy, vọng tưởng không sanh thì nói thanh tịnh, chứ không phải Phật không có thật thể.
Này thiện nam tử! Hoặc chướng thanh tịnh thì hiện ứng thân, nghiệp chướng thanh tịnh thì hiện hóa thân, trí chướng thanh tịnh thì hiện pháp thân. Ví như nương hư không mà có chớp, từ chớp phát ra ánh sáng. Cũng giống như vậy, nương nơi pháp thân mà hiện ứng thân, nương nơi ứng thân mà hiện hóa thân.
Do tánh thanh tịnh nên hiện pháp thân, trí tuệ thanh tịnh nên hiện ứng thân, tam muội thanh tịnh nên hiện hóa thân. Ba pháp tịnh này là pháp như như, bất dị như như, nhất vị như như, giải thoát như như, cứu cánh như như. Cho nên thể của Chư Phật không khác. Nếu có người nói Như Lai là bậc Đại Sư của mình, và có lòng tin quyết định như thế, người này hiểu rõ pháp thân Như Lai không có sai biệt.
Vì thế nên khi đoạn trừ tất cả suy nghĩ không đúng về tất cả pháp, liền biết pháp ấy không có hai tướng, cũng không phân biệt. Đó là pháp tu hành của Bậc Thánh.
Trừ hết chướng ngại, đối với các pháp không thấy hai tướng. Chân chánh tu hành như vậy như vậy, thì tất cả chướng thảy đều trừ diệt. Đoạn tất cả chướng như vậy như vậy, thì pháp như như và trí như như vô cùng thanh tịnh, pháp giới thanh tịnh, chánh trí thanh tịnh như vậy như vậy, sẽ được tự tại, hoàn toàn đầy đủ, nhiếp thọ tất cả.
Vì tất cả chướng đều đã trừ diệt, vì tất cả chướng đều đã thanh tịnh, cho nên gọi là tướng chân thật của chân như chánh trí. Thấy biết như vậy, là sự thấy biết của các Bậc Thánh, cũng được gọi là chân thật thấy Phật.
Vì sao như thế?
Vì như thật thấy được pháp như như, và cũng từ đó, các Đức Như Lai có năng lực thấy tất cả Như Lai. Còn các Thanh Văn và hàng Duyên Giác, tuy vượt ba cõi, nhưng không thể thấy cảnh giới chân thật. Các Bậc Thánh này mà còn không biết, thì hàng phàm phu hẳn phải nghi ngờ, phân biệt sai lầm, không thể giải thoát. Như thỏ không thể tự vượt biển khơi, vì sức quá yếu.
Phàm phu cũng vậy, không thể thông hiểu được pháp như như. Nhưng tâm Như Lai vốn vô phân biệt, hoàn toàn tự tại với tất cả pháp, đầy đủ trí huệ thanh tịnh sâu xa. Đó là phạm vi riêng của các Ngài, người khác không có.
Cho nên biết rằng, các Đức Như Lai đã từ vô lượng A tăng kì kiếp, không tiếc thân mạng, tu các hạnh khổ vô cùng khó làm, mới được pháp thân tối diệu tối thượng, không gì sánh bằng, vượt ngoài ngôn ngữ, vắng lặng nhiệm mầu, không còn lo sợ.
Biết Pháp như như thì không còn các việc sanh già bệnh, thọ mạng vô lượng, không cần ngủ nghỉ, cũng không đói khát, tâm luôn an định, không có loạn động. Đối với Như Lai mà tranh luận thì không thấy Như Lai. Vì giáo pháp mà Như Lai nói ra đều làm lợi ích tất cả chúng sanh. Những ai nghe thấy đều được giải thoát, không gặp ác thú, ác quỉ ác nhân.
Do sức nghe pháp, nên phước vô tận. Nhưng các Như Lai không tâm vô kí, không có tâm muốn biết tất cả pháp, không có tất cả ý niệm phân biệt sanh tử Niết Bàn. Những điều Như Lai nói đều quyết định. Tất cả hành động, đi đứng nằm ngồi của các Như Lai đều từ trí huệ. Tất cả việc làm đều xuất phát từ tâm đại từ bi. Tất cả đều vì lợi ích an lạc cho các chúng sanh.
Này thiện nam tử! Nếu người nào nghe và tin hiểu Kinh Kim Quang Minh này, sẽ không rơi vào địa ngục ngạ quỷ, súc sanh, Tu La, thường được sanh vào những nơi cao quí trong Cõi Trời người, gần gũi phụng sự các Đức Như Lai, nghe nhận chánh pháp, sau khi mạng chung, sanh vào Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Vì sao như thế?
Vì đã nghe được kinh sâu xa này. Những người như thế Như Lai đã biết, và đã thọ kí không lui sụt đạo vô thượng bồ đề. Nếu những người nào tai vừa nghe qua kinh nhiệm mầu này, người ấy sẽ không phỉ báng Như Lai, không phá chánh pháp, không xem thường Tăng. Nếu người ấy chưa gieo trồng thiện căn, thì sẽ được gieo. Đã gieo thì giúp tăng trưởng cho đến hoàn toàn thành thục, lại khuyên chúng sanh trong khắp Thế Giới tu tập sáu độ.
Bấy giờ Bồ Tát Hư Không Tạng, Phạm Vương Đế Thích, và Tứ Thiên Vương… từ tòa đứng dậy, y lộ vai phải, cung kính chắp tay, đảnh lễ chân Phật, rồi đồng thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu nơi nào giảng Kinh Kim Quang Minh thật vi diệu này, thì toàn cõi ấy có bốn lợi ích: Quân đội hùng mạnh, không có kẻ giặc, không bị bệnh tật, tuổi thọ kéo dài.
Hoàng Hậu thứ phi, vương tử Đại Thần, luôn luôn vui hòa, không còn tranh cãi, tâm không dua nịnh, thường được Quốc Vương yêu thương quý trọng.
Sa Môn Phạm chí, nhân dân trong nước đều tu tập theo chánh pháp của Phật, không bệnh an ổn, không bị chết oan, luôn gieo trồng vào ruộng phước.
Bốn đại điều hòa, Chư Thiên bảo vệ, có lòng từ bi bình đẳng, không khởi tâm làm tổn hại chúng sanh, lại khuyên chúng sanh kính tin Tam Bảo, tu đạo bồ đề.
Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay cũng vì hoằng truyền Bộ Kinh Vua này, nên luôn theo sát người thọ trì Kinh để bảo vệ họ, đồng thời cũng giúp cho trụ xứ ấy được mãi an lạc.
Đức Phật khen rằng: Quý thay, quý thay! Đúng thế, đúng thế! Các ông phải nên một lòng truyền bá kinh vi diệu này, giúp cho chánh pháp trụ lâu ở thế gian.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Một - Phẩm Duyên Khởi
Phật Thuyết Kinh Phật Bát Nê Hoàn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Diệt Trừ Tối Tăm Trong Mười Phương
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Sáu - Phật Thuyết Kinh Người Thắp đèn được Thọ Ký