Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý đức Vương Bồ Tát - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU

CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT  

PHẦN HAI  

Bạch Thế Tôn! Đến cũng chẳng lại, chẳng đến cũng chẳng lại. Tôi quán sát nghĩa này đều không có lại. Các hành pháp nếu là thường cũng chẳng lại, nếu là vô thường cũng không có lại.

Nếu người thấy có chúng sanh tánh thời có lại, chẳng lại. Nay tôi chẳng thấy chúng sanh có định tánh, thời đâu có lại cùng chẳng lại.

Người có kiêu mạn thời thấy có đi, có lại. Người không kiêu mạn thời không thấy có đi, có lại. Người có chấp lấy tạo tác thời thấy có đi có lại. Người không chấp lấy tạo tác thời không thấy có đi, có lại.

Nếu thấy Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn thời có đi, có lại. Người chẳng thấy Như Lai nhập Niết Bàn thời không đi, không lại. Người chẳng nghe Phật Tánh thời có đi, có lại. Người nghe Phật Tánh thời không đi không lại.

Nếu thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời thấy có đi có lại. Người chẳng thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời không đi, không lại.

Nếu người thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, thời có đi, có đến. Nếu người không thấy thời không đi, không đến.

Nếu thấy Như Lai không có thường, lạc, ngã, tịnh thời có đi có đến. Nếu thấy Như Lai là thường lạc, ngã, tịnh thời không đi không đến.

Bạch Thế Tôn! Xin để việc đó lại. Nay tôi có chỗ muốn hỏi mong Đức Phật thương xót cho phép.

Phật nói: Này thiện nam tử! Giờ đây phải lúc tùy ý ông hỏi ta sẽ giải đáp cho ông. Vì chư Phật khó gặp như hoa Ưu Đàm, pháp cũng khó được nghe, trong mười hai Bộ Kinh, bộ Phương Đẳng Đại Thừa lại khó hơn. Vì thế nên phải chuyên tâm lắng nghe và lãnh thọ.

Lưu Ly Quang Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát có thể tu hành Kinh Đại Niết Bàn được nghe chỗ chẳng nghe.

Phật khen rằng: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Nay ông muốn cùng tận biển Đại Thừa Đại Niết Bàn, lại gặp Phật có thể khéo giải thuyết. Phật là lương y có thể khéo nhổ mũi tên độc nghi ngờ của ông. Phật có đuốc huệ soi sáng Phật Tánh cho ông.

Ông muốn qua khỏi sông lớn sanh tử Phật có thể làm thuyền Sư cho ông, ông ở nơi Phật tưởng là cha mẹ, Phật cũng ở nơi ông tưởng là một. Lòng ông tham của báu chánh pháp, gặp Phật có nhiều pháp lại hay bố thí. Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ đó.

Này thiện nam tử! Khi nghe pháp rồi phải sanh lòng kính tin tôn trọng. Đối với chánh pháp chớ tìm cầu chỗ lỗi, chớ nghĩ tham sân si. Chớ nhìn xem dòng họ tốt xấu của pháp sư. Sau khi nghe pháp chớ sanh lòng kiêu mạn, chớ gì cung kính, danh dự, lợi dưỡng, phải vì được lợi ích pháp vị Cam Lồ độ thế gian.

Cũng chớ nghĩ rằng, tôi nghe pháp rồi trước tự độ mình sau sẽ độ người, trước sẽ tự giải thoát sau sẽ giải thoát cho người, trước tự an thân sau sẽ làm cho người được an, trước tự được Niết Bàn sau sẽ làm cho người được Niết Bàn.

Nên có quan niệm bình đẳng đối với Phật, pháp, Tăng. Trong sanh tử phải có quan niệm là khổ oan lớn. Đối với Đại Niết Bàn phải quan niệm là thường, lạc, ngã, tịnh. Trước vì người sau sẽ vì mình.

Nên vì đại thừa chớ vì nhị thừa. Nên không trụ trước đối với tất cả pháp, cũng chớ chuyên chấp tất cả pháp tướng. Đối với các pháp chớ có lòng tham, thường có quan niệm biết pháp, thấy pháp.

Này thiện nam tử! Ông có thể hết lòng nghe pháp như vậy, đây thời gọi là được nghe chỗ chẳng nghe.

Này thiện nam tử! Có chẳng nghe mà nghe, có chẳng nghe mà chẳng nghe, có nghe mà chẳng nghe, có nghe mà nghe.

Này thiện nam tử! Như chẳng sanh mà sanh, chẳng sanh mà chẳng sanh, sanh mà chẳng sanh, sanh mà sanh. Như chẳng đến mà đến, chẳng đến mà chẳng đến, đến mà chẳng đến, đến mà đến.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sanh mà sanh?

Này thiện nam tử! An trụ nơi thế đế, lúc mới xuất thai đây gọi là chẳng sanh mà sanh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sanh mà chẳng sanh?

Này thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây không có tướng sanh, đây gọi là chẳng sanh mà chẳng sanh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là sanh mà chẳng sanh?

Này thiện nam tử! Cứ theo thế đế, lúc chết thời gọi là sanh mà chẳng sanh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là sanh mà sanh?

Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu thời gọi là sanh mà sanh. Vì phàm phu sanh, sanh chẳng dứt, vì tất cả hữu lậu niệm niệm sanh luôn, đây gọi là sanh mà sanh. Bậc tứ trụ Bồ Tát thời gọi là sanh mà chẳng sanh, vì sanh mà tự tại.

Này thiện nam tử! Trên đó là nói về nội pháp. Còn về ngoại pháp cũng có chưa sanh mà sanh, chưa sanh mà chưa sanh, sanh mà chưa sanh, sanh mà sanh. Như hột giống lúa chưa mọc mầm, được tứ đại hòa hiệp, công người săn sóc, rồi sau mới mọc lên đây gọi là chưa sanh mà sanh.

Như hột giống hư và hột giống chưa gặp đủ duyên, thời gọi là chưa sanh mà chưa sanh. Như mầm đã mọc mà chẳng lớn thêm, thời gọi là sanh mà chưa sanh. Như mầm lớn thêm thời gọi là sanh mà sanh. Tất cả ngoại pháp hữu lậu sanh mà sanh như vậy.

Bạch Thế Tôn! Pháp hữu lậu nếu có sanh, thời là thường hay vô thường?

Sanh nếu là thường, thời pháp hữu lậu không có sanh, sanh nếu là vô thường thời hữu lậu là thường.

Bạch Thế Tôn! Nếu sanh có thể tự sanh, thời sanh không tự tánh. Nếu có thể sanh cái khác duyên cớ gì chẳng sanh vô lậu.

Bạch Thế Tôn! Nếu lúc chưa sanh mà có sanh, sao lại đến nay mới gọi là sanh.

Nếu lúc chưa sanh là không sanh, cớ sao chẳng nói hư không là sanh?

Phật nói: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Chẳng sanh mà sanh, không thể nói được, cho đến sanh mà sanh cũng không thể nói được, sanh cùng bất sanh đều không thể nói được. Vì có nhân duyên nên cũng có thể nói được.

Thế nào là chẳng sanh mà sanh chẳng thể nói được?

Chẳng sanh lại gọi là sanh, làm sao có thể nói được, vì nó sanh.

Thế nào là sanh mà sanh, chẳng thể nói được?

Vì sanh mà sanh nên là sanh, vì sanh mà sanh nên là chẳng sanh, cũng chẳng nói được.

Thế nào là sanh mà chẳng sanh, chẳng thể nói được?

Sanh thời gọi là sanh, sanh chẳng tự sanh, nên chẳng thể nói được.

Thế nào là chẳng sanh mà chẳng sanh, chẳng thể nói được?

Chẳng sanh gọi là Niết Bàn, vì Niết Bàn chẳng sanh nên chẳng thể nói được, vì Niết Bàn do tu mà chứng đặng.

Thế nào là sanh cũng chẳng thể nói được?

Vì sanh vốn là không.

Thế nào là chẳng sanh không thể nói được?

Vì có chứng đặng.

Thế nào là vì có nhân duyên cũng có thể nói được?

Mười pháp nhân duyên làm sanh tác nhân do đây nên cũng có thể nói được.

Này thiện nam tử! Nay ông chớ nhập thậm thâm không định, vì đại chúng căn trí chậm lụt.

Này thiện nam tử! Pháp hữu vi sanh cũng là thường, do trụ vô thường, nên sanh cũng vô thường. Trụ cũng là thường do sanh mà sanh nên trụ cũng vô thường. Dị cũng là thường, do pháp vô thường nên dị cũng vô thường. Hoại cũng là thường, do trước không nay có nên hoại cũng vô thường.

Này thiện nam tử! Vì cứ nơi tánh, nên sanh trụ dị hoại đều là thường, vì niệm niệm diệt nên không thể nói là thường, vì Đại Niết Bàn này có thể dứt diệt được, nên lại gọi là vô thường.

Này thiện nam tử! Pháp hữu lậu lúc chưa sanh, đã có tánh sanh, vì thế nên sanh có thể sanh được. pháp vô lậu vốn không tánh sanh, vì thế nên sanh không thể sanh được.

Như lửa có tánh sẵn gặp duyên thời phát. Mắt có tánh thấy đủ duyên thời thấy. Sanh pháp của chúng sanh cũng như vậy, do tánh sẵn có, gặp nhân duyên của nghiệp, cha mẹ hòa hiệp thời bèn có sanh.

Lưu Ly Quang Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Đại Bồ Tát nghe pháp này rồi, vọt thân lên hư không cao bảy cây Đa La, chắp tay cung kính bạch Phật: Thế Tôn! Tôi nhờ Đức Như Lai ân cần dạy bảo, do Đại Niết Bàn mới đặng tỏ ngộ ý nghĩa nghe chỗ chẳng nghe, cũng làm cho tám muôn bốn ngàn Bồ Tát này hiểu rõ những nghĩa chẳng sanh mà sanh v.v… của các pháp.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi đã tỏ ngộ dứt hết nghi ngờ, nhưng trong hội này có một Bồ Tát hiệu là Vô Úy lại muốn thưa hỏi mong Đức Phật cho phép.

Phật bảo Vô Úy Bồ Tát: Này thiện nam tử! Tùy ý ông hỏi, ta sẽ vì ông giải nói.

Vô Úy Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Bồ Tát đồng đứng dậy nghiêm chỉnh y phục, quỳ chắp tay bạch Phật: Thế Tôn! Chúng sanh cõi Ta Bà này phải thật hành hạnh nghiệp gì để được sanh về cõi bất động?

Bồ Tát Cõi đó thế nào mà đặng đầy đủ trí huệ, đầy đủ các công hạnh, có oai đức lớn, trí huệ lanh lẹ, nghe liền hiểu rõ?

Đức Phật liền nói kệ rằng:

Vô Úy Bồ Tát Bạch Phật: Thế Tôn! Nay tôi đã biết những công hạnh đặng sanh về cõi nước bất động.

Thế Tôn! Cao Quý Đức Vương Bồ Tát này vì khắp xót thương tất cả chúng sanh nên trước kia có chỗ thưa hỏi, nếu Đức Như Lai giải thuyết thời có thể lợi ích an vui cho hàng Trời, người, Bát Bộ.

Đức Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: Lành thay! Lành thay!

Này thiện nam tử! Ông nên hết lòng lắng nghe, tôi sẽ vì ông phân biệt giải thuyết. Vì có nhân duyên nên chưa đến chẳng đến. Vì có nhân duyên nên chẳng đến mà đến, vì có nhân duyên nên đến mà chẳng đến. Vì có nhân duyên nên đến mà đến.

Này thiện nam tử! Xét về chẳng đến gọi là Đại Niết Bàn. Hàng phàm phu chưa đến bởi có tham dục sân khuể và ngu si. Vì hai nghiệp thân và khẩu chẳng thanh tịnh, cùng lãnh thọ tất cả vật bất tịnh, phạm bốn trọng tội, hủy báng Phương Đẳng Đại Thừa là hạng Nhất xiển đề tạo tội ngũ nghịch, do nghĩa này nên chưa đến chẳng đến. Chẳng đến gọi là chẳng đến Đại Niết Bàn.

Do nghĩa gì mà được đến?

Vì dứt hẳn tham dục sân khuểngu si và tội ác của thân khẩu, chẳng thọ tất cả vật bất tịnh, chẳng phạm bốn tội trọng, chẳng hủy báng Phương Đẳng Đại Thừa, chẳng làm hạng Nhất xiển đề, chẳng tạo tội ngũ nghịch. Do nghĩa này nên gọi là chẳng đến mà đến.

Bậc Tu Đà Hoàn tám muôn kiếp thì đến, bậc Tu Đà Hàm sáu muôn kiếp thì đến, bậc A Na Hàm bốn muôn kiếp thì đến, bậc A La Hán hai muôn kiếp thì đến, Bích Chi Phật mười ngàn kiếp thì đến. Do nghĩa này nên gọi là chẳng đến mà đến.

Đến gọi là hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sanh đều bị vô lượng phiền não che đậy, qua lại chẳng ngừng dường như bánh xe lăn, đây gọi là đến Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát vì đã đặng lìa hẳn nên gọi là chẳng đến, lại ba bậc này vì muốn hoá độ chúng sanh nên thị hiện ở trong đó, nên cũng gọi là đến.

Đến chính là hai mươi lăm cõi. Tất cả phàm phu, Tu Đà Hoàn nhẫn đến A Na Hàm, vì phiền não nên gọi là đến mà đến.

Này thiện nam tử! Nghe chỗ chẳng nghe cũng như vậy. Có chẳng nghe mà nghe, chẳng nghe mà chẳng nghe, nghe mà chẳng nghe, nghe mà nghe. Chẳng nghe là Đại Niết Bàn vì chẳng phải hữu vi, vì chẳng phải âm thanh, vì chẳng thể nói.

Thế nào là cũng nghe?

Vì đặng nghe danh từ: Thường, lạc, ngã và tịnh. Do nghĩa này nên gọi là chẳng nghe mà nghe.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Như Phật nói Đại Niết Bàn là chẳng thể nghe được, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh mà có thể nghe được. Vì người đoạn phiền não gọi là đặng Niết Bàn, nếu chưa đoạn gọi là chẳng được. Do nghĩa này tánh Niết Bàn trước không mà nay có.

Nếu pháp thế gian trước không mà nay có thời gọi là vô thường. Ví như bình bồn v.v… trước không mà nay có, đã có hoàn không, nên gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh.

Bạch Thế Tôn! Phàm do trang nghiêm mà được thành đều gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy lẽ ra là vô thường.

Những gì trang nghiêm Niết Bàn?

Chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba la mật, bốn tâm vô lượng, quán tướng xương trắng, A na ba na, lục niệm xứ, phá tích sáu đại, do những pháp đó mà thành tựu Niết Bàn nên là vô thường.

Bạch Thế Tôn! Phàm là có, thời gọi là vô thường. Nếu Niết Bàn là có thời lẽ ra là vô thường.

Như ngày trước trong Kinh A Hàm Phật nói: Thanh Văn, Duyên Giác, Chư Phật đều có Niết Bàn, do nghĩa này nên gọi là vô thường.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần