Phật Thuyết Kinh úc Ca La Việt Vấn Bồ Tát Hành - Phẩm Tám - Phẩm ở Nơi Vắng Vẻ - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ÚC CA LA VIỆT VẤN BỒ TÁT HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM
PHẨM Ở NƠI VẮNG VẺ
TẬP HAI
Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Bồ Tát xuất gia có bốn pháp để làm thanh tịnh giới luật.
Những gì là bốn?
Một là tu tập theo lời dạy của Hiền Thánh. Hai là đi khất thưc, lấy đức làm niềm vui, biết vừa đủ. Ba là Bồ Tát xuất gia không ưa thích ở nhà thế tục. Bốn là luôn tu tập giới hạnh, không dua nịnh, ở nơi thanh vắng.
Lại có bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là thân luôn thành thật trong mọi hoạt động, thân cũng chẳng thủ đắc.
Hai là miệng luôn nói thành thật, miệng cũng chẳng thủ đắc.
Ba là ý luôn nhớ nghĩ đến sự nhu hòa, ý cũng chẳng thủ đắc.
Bốn là xa lìa các kiến chấp, an trụ nơi nhất thiết trí.
Lại có bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là không còn ngã.
Hai là xa lìa ngã sở.
Ba là luôn tự tại.
Bốn là xả bỏ pháp nhân duyên.
Lại có bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là thân ta cùng với pháp là một.
Hai là các chủng loại đều bình đẳng với pháp.
Ba là các nhập bình đẳng với không.
Bốn là đạt được trí tuệ, tu tập nhưng không có đối tượng trụ chấp.
Lại có bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là tự thực hành theo sự hiểu biết.
Hai là không bị người khác lay động.
Ba là không vướng mắc các tội lỗi của loài người, diệt trừ hết các ý niệm.
Bốn là kính nhận tất cả các pháp, nhất tâm quan sát tinh tường.
Lại có bốn pháp.
Những gì là bốn?
Một là giang nói về pháp không.
Hai là không có tưởng, không hề lo sợ.
Ba là khởi tâm bi khắp tất cả.
Bốn là đạt được nhẫn vô ngã.
Nếu ai được nghe tam muội thanh tịnh thì nên tư duy: Thế nào là tam muội thanh tịnh?
Nghĩa là tu tập tất cả các pháp, tâm buông bỏ tham dục và ngã sở, tâm vị ấy chuyên nhất, không lay chuyển, tâm không khinh suất, không bị tán loạn trói buộc tâm ý, tâm không vướng mắc, tâm không thể thấy, tâm hiện ở bên trong, cảnh giới của ý không thể chứa nhóm.
Vậy ý suy nghĩ đến ngã và pháp thế nào?
Là bình đẳng đối với pháp giới, không sinh khởi cũng chẳng vận hành, trong ngoài đều không thủ đắc, luôn định tĩnh. Đó gọi là tam muội, là an trụ vào pháp tam muội.
Người nào được nghe và quan sát kỹ về trí tuệ thanh tịnh thì nên tư duy: Thế nào là trí tuệ?
Nghĩa là, thông đạt các pháp cú, phân biệt về trí tuệ là tuệ, thể nhập và hiểu rõ là trí tuệ, biết suy nghĩ trong tâm người khác, thấu suốt các pháp là tuệ, đối với pháp thiền định, đối với trí, vô trí, đối với tướng, hoặc không thân tướng đều là không. Tướng không thể nắm giữ cũng không thể buông xả, tướng không có xứ sơ cho đến nhớ nghĩ vô số tướng đều là không.
Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Nên như vậy mà quan sát các pháp. Đó là hạnh của Bồ Tát xuất gia.
Khi Đức Phật giảng nói Kinh này, tám ngàn người đều phát tâm nơi đại đạo, các trưởng giả cạo tóc xuất gia đều đạt được pháp nhẫn vô sinh, ba vạn hai ngàn Chư Thiên và loài người đều xa lìa phiền não, đối với pháp này đạt được pháp nhãn thanh tịnh, hai trăm Tỳ Kheo được giải thoát, không còn các lậu.
Trưởng Giả Úc Ca vô cùng hoan hỷ, dùng y hảo hạng trị giá gấp trăm ngàn lần để cúng dường Đức Như Lai rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Con xin đem công đức căn lành này cúng dường đến tất cả các Bồ Tát, khiến công đức này trở về nơi các Bồ Tát tại gia.
Làm cho chư vị ấy đầy đủ pháp này giống như Đức Như Lai, làm cho hàng Bồ Tát xuất gia thành tựu giới đức, trí tuệ, đầy đủ pháp này. Nguyện xin hàng Bồ Tát xuất gia đạt được giới đức, trí tuệ giống như Đức Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để Bồ Tát tại gia ở nơi trụ xứ của mình nhưng vẫn học tập đầy đủ giới pháp của hàng xuất gia?
Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên bố thí tất cả mà không tham tiếc, tâm phải hướng đến đại thừa, không mong cầu được báo đáp.
Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên tu hành phạm hạnh, tâm không nghĩ đến sự dâm dục huống nữa là tự mình tạo.
Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên hiểu rõ pháp không, hội nhập vào bốn thiền, dùng phương tiện thiện xảo để tu tập, không nương tựa người khác, khiến đạt đến tịch diệt.
Lại nữa, này trưởng giả! Bồ Tát tại gia nên siêng năng để đạt được trí tuệ Ba la mật, khởi tâm từ rộng lớn khắp tất cả, kính nhận tất cả các pháp, nên ủng hộ và dùng giáo pháp để giáo hóa mọi người.
Đó là bốn pháp để Bồ Tát tại gia kiến lập giới pháp của hàng xuất gia.
Bấy giờ, trưởng giả Úc Ca bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con tuy ở tại gia một mình nhưng sẽ an trụ vào giới pháp Như Lai dạy bảo. Con sẽ vì Đức Như Lai mà nêu giảng rộng rãi Phật Đạo, cũng sẽ học pháp xuất gia này và cung kính thực hành theo giới cấm này.
Khi ấy, Đức Phật liền mỉm cười. Theo pháp của Chư Phật Thế Tôn, lúc Phật mỉm cười thì có vô số màu sắc, đủ loại màu sắc không thể nghĩ bàn phát ra từ kim khẩu chiếu đến vô lượng Cõi Phật, lên đến Cõi Trời Phạm Thiên rồi trở lại nhiễu quanh thân Phật, đến đỉnh đầu thì bỗng nhiên biến mất.
Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật mỉm cười là chân thật, con xin được nghe ý của Phật.
Đức Phật bảo: Này Tôn Giả A Nan! Ông có thấy trưởng giả Úc Ca dùng pháp để cúng dường Như Lai và gầm lên tiếng gầm Sư Tử không?
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Trưởng giả Úc Ca này, tuy ở tại gia nhưng sẽ cúng dường và nhận lãnh giáo pháp của chư Như Lai trong Hiền kiếp, tuy ở tại gia nhưng đầy đủ giới pháp của hàng xuất gia, ngay lúc này sẽ vì chư Như Lai nên giảng nói Phật Đạo khắp nơi.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan hỏi trưởng giả Úc Ca: Sao tại gia là an lạc, tại gia là ô nhiễm, tại gia không lãnh thọ giáo pháp Hiền Thánh giống như xuất gia?
Trưởng Giả Úc Ca đáp: Thưa Tôn Giả A Nan! Tôn Giả đừng nói như vậy. Các Bậc Hiền Thánh không còn nhiễm ô mà chỉ có tâm bi rộng lớn, giải thoát, không nghĩ đến sự an lạc của chính mình. Các Bồ Tát thì nhẫn chịu các khổ, không bỏ tất cả chúng sinh.
Đức Phật dạy: Này Tôn Giả A Nan! trưởng giả Úc Ca này tuy tại gia nhưng thường có tâm bình đẳng, trong hiền kiếp sẽ cứu độ chúng sinh rất nhiều, hơn cả sự giảng dạy của trăm ngàn Bồ Tát xuất gia.
Vì sao?
Này Tôn Giả A Nan! Phước đức và trí tuệ của trăm ngàn Bồ Tát xuất gia cũng không thể sánh bằng phước đức và trí tuệ của trưởng giả Úc Ca.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Làm thế nào để thọ trì?
Đức Phật dạy: Này Tôn Giả A Nan!
Tên thứ nhất của Kinh này là Những Điều Trưởng Giả Úc Ca Hỏi Phật, ông nên thọ trì.
Tên thứ hai là Phẩm Tại Gia Và Xuất Gia.
Tên thứ ba là Giữ Nhất Tâm An Tọa Mà Danh Đức Vang Xa.
Bồ Tát nào nghe Kinh này thì đạt được đầy đủ các pháp, còn hơn cả trăm kiếp tu hạnh thanh tịnh mà biếng nhác.
Do đó, này Tôn Giả A Nan! Nếu muốn tu hành tinh tấn và muốn dạy người khác tinh tấn, muốn tự mình an trụ nơi công đức của tất cả các pháp và muốn kiến lập công đức của tất cả các pháp thì nên nghe, thọ trì và đọc tụng Kinh Điển này.
Vì sao?
Vì muốn đầy đủ tất cả các pháp thì nên xem Kinh pháp này giống như Như Lai.
Này Tôn Giả A Nan! Bồ Tát nào xa lìa Kinh này thì không được gặp tất cả Chư Phật, cho đến không được thấy tất cả Chư Phật.
Vì sao?
Vì những ai giảng nói Kinh này tức được gặp tất cả Chư Phật.
Này Tôn Giả A Nan! Giả sử ba ngàn đại thiên Thế Giới này chìm nhập trong lửa, Bồ Tát cũng nên vào trong ấy để cầu mong được nghe, thọ trì và đọc tụng pháp này, nên dùng châu báu đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới để cúng dường vị Pháp Sư để kính nhận, thọ trì và đọc tụng Kinh Pháp này.
Này Tôn Giả A Nan! Bồ Tát nào trọn đời cúng dường Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tuy cúng dường ngần ấy Chư Phật nhưng không kính nhận Kinh Điển này, không đọc tụng, cũng không tạo các công đức đối với Kinh Pháp này thì giống như không cúng dường Chư Phật trong ba đời.
Này Tôn Giả A Nan! Người nào được nghe, thọ trì và đọc tụng Kinh Điển này rồi giảng nói rộng rãi cho người khác là đã tạo các công đức đối với Kinh này, cũng đã cúng dường Chư Phật trong ba đời.
Vì sao?
Vì chư Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác lấy pháp làm trên hết, đều từ pháp sinh ra.
Khi Đức Phật thuyết giảng như vậy, Tôn Giả A Nan, trưởng giả Úc Ca, Chư Thiên, A Tu La và loài người nghe Kinh này rồi, tất cả đều hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp