Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám - Phẩm Tất Trì

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI MINH ĐỘ KINH ĐẠO

HÀNH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẨM TÁM

PHẨM TẤT TRÌ  

Đế Thích nghĩ rằng: Nay gặp được Phật, nghe minh độ vô cực là người ở thời Phật quá khứ, huống gì học tập, thọ trì, phụng túng, an trụ trong lời dạy này, người ấy đời trước đã từng cúng dường bao nhiêu Đức Phật, theo thưa hỏi mọi việc. Người Thiện Nam này đã từng gặp bậc Chánh Chân Chánh Giác ở quá khứ, khi theo nghe nói pháp sâu xa này thì không nghi, không kinh, không sợ, không khó khăn.

Thu Lộ Tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ sâu xa này, Bồ Tát Đại Sĩ tin tưởng lãnh thọ được xem như không thoái chuyển.

Vì sao?

Vì vốn tinh tấn.

Đế Thích thưa Thu Lộ Tử: Pháp này rất sâu xa, theo minh độ này nhất định khó đến vậy ư?

Người nào nghe nghĩa ấy mà không tin là vì người ấy cầu Phật Đạo chưa bao lâu. Vì vậy cho nên là khó. Tự quy y minh độ là tự quy y trí nhất thiết. Bậc trí nhất thiết là do minh độ chiếu sáng nên phải thực hành để hiểu biết vững vàng và trụ trong trí tuệ này.

Đế Thích bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào ở trong minh độ hiểu biết vững vàng về trí tuệ?

Phật dạy: Lành thay Đế Thích! Nay ông đặt câu hỏi ấy là vì giữ gìn oai thần của Đức Phật mới làm cho ông nảy sinh câu hỏi này. Bồ Tát cầu minh độ nên thực hành không trụ trong năm ấm, năm ấm không phải là rốt ráo, thế không nên trụ ở trong đó.

Thu Lộ Tử bạch Phật: Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Pháp này khó thấy vô biên.

Phật dạy: Năm ấm không trụ, không tùy thuận, không vào trong năm ấm.

Thu Lộ Tử thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát không thoái chuyển thì nên nói như ở trước cho vị ấy nghe về pháp tuệ này để không nghi ngờ, không nhàm chán.

Đế Thích hỏi Thu Lộ Tử: Thưa Tôn Giả! Đối với Bồ Tát chưa được thọ ký, nếu nói như trước thì có gì khác không?

Thu Lộ Tử nói: Người chưa được thọ ký nghe pháp này thì mê mờ, sợ hãi, lui sụt. Còn Bồ Tát Đại Sĩ nghe nghĩa này thì được định thanh tịnh. Nếu nhanh chóng gần gũi để được thọ ký thì không bao lâu sẽ thấy một hay hai Đức Phật thọ ký, hoặc tự mình ở trong đó được thọ ký đắc đạo Vô Thượng chánh chân.

Phật dạy: Việc cầu Phật Đạo như vậy là việc từ lâu nay phải biết. Người chưa được thọ ký nên nghe pháp này.

Thu Lộ Tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Con ưa thích lời dạy này làm an vui trong loài người.

Phật dạy: Người nào yêu thích sẽ được ở trước Phật mà nói về pháp ấy.

Thu Lộ Tử thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ví như Bồ Tát có chí đức, tự ở trong mộng tiến đến tòa ngồi của Đức Phật, nên biết Bồ Tát này sắp được thành Phật.

Như vậy, bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị nào đắc được minh độ này thì công đức của vị ấy sắp thành tựu tràn đầy, được gần gũi bên Phật.

Phật dạy: Lời ấy hay thay! Ông làm điều yêu thích này như oai thần của Phật.

Thu Lộ Tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ví như muốn đi một muôn dặm, hoặc hai muôn dặm đến cái đầm sâu lớn, từ xa tưởng thấy người chăn trâu, dê, quang cảnh, nhà cửa, cây cối… trong tâm nghĩ rằng đi đến phía trước từ từ sẽ thấy quận huyện, xóm làng. Chỉ khi nào sắp đến gần quận huyện thì không còn lo sợ giặc cướp.

Như vậy, bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát Đại Sĩ được pháp này, nay gần được thọ ký không còn bao lâu, không còn lo sợ rơi vào đạo Ứng Nghi, Duyên Giác.

Vì sao?

Vì dừng đúng chỗ đã tưởng thấy. Người muốn nhìn thấy biển lớn, từ từ đi đến tưởng thấy núi rừng kia sáng sủa, nhìn kỹ thì biển còn xa, lập tức không tưởng thấy nữa. Nếu chỉ muốn đến thì không còn tưởng đến núi, cây. Người được pháp này tuy không thấy Phật thọ ký nhưng không lâu sẽ thành Phật.

Ví như mùa Xuân, cây lá rất ít sinh sôi nẩy nở, nên biết nơi đó không lâu hoa lá như thật sẽ đang tăng trưởng tươi tốt. Người có mắt ở nơi đó rất vui mừng do thấy hoa lá thật, cho nên biết tăng trưởng tươi tốt. Như vậy, Bồ Tát Đại Sĩ tưởng thọ ký, không bao lâu được thọ ký thành đạo Vô Thượng chánh chân.

Đức Phật dạy: Hay thay, hay thay! Thu Lộ Tử, vì giữ gìn oai thần Phật làm cho ông giảng nói về minh độ.

Thiện Nghiệp bạch Phật: Khó sánh bằng, bạch Đức Thế Tôn! Tất cả đều được sớm ghi nhận là Bồ Tát Đại Sĩ thành Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác.

Đức Phật dạy: Do vậy, Bồ Tát Đại Sĩ ngày đêm thương xót chúng sinh, muốn làm cho họ được an ổn, tự mình đạt đến đạo Vô Thượng chánh chân. Khi thành Phật, đều giảng nói Kinh. Minh độ.

Thiện Nghiệp thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Làm sao cầu được thành tựu thành Phật?

Đức Phật dạy: Trong Kinh dạy: Thực hành pháp quán này năm ấm không còn lỗi lầm là cầu minh độ, không quán thấy pháp là cầu minh độ.

Thiện Nghiệp thưa: Không thể tính lường lời dạy của Đức Thế Tôn.

Phật dạy: Như vậy năm ấm không thể tính lường, không thể mong cầu.

Thiện Nghiệp thưa: Ai sẽ tin pháp này và y theo đây là cầu Bồ Tát Đại Sĩ?

Phật dạy: Là cầu cái gì?

Dù cho mong cầu cũng chỉ là tên gọi mà thôi. Trong đây năng lực minh độ của Bồ Tát Đại Sĩ, bốn việc Phật pháp, trí nhất thiết đều không thể tính kể, các pháp năm ấm cũng giống như vậy, dù cho mong cầu cũng là không cầu gì cả, chính là cầu minh độ. Đúng ra, nếu làm việc mong cầu này chỉ là tên gọi thôi.

Thiện Nghiệp thưa: Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Đây chính là bảo tướng trung vương chiến đấu mạnh mẽ với hư không. Đức khó thắng được, làm cho hành nghiệp của Đức Phật truyền đến vô cùng.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Thế nên Bồ Tát hãy nhanh chóng viết chép Kinh này cho đến chết.

Vì sao?

Vì đối với vật báu có nhiều việc dứt trừ, phát sinh.

Thiện Nghiệp thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Còn giữ tưởng tà vạy sẽ làm cho Kinh dứt bặt.

Phật dạy: Tà vạy muốn làm dứt bặt Kinh, chắc chắn không thể hơn được.

Thu Lộ Tử hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Trong việc dứt bỏ Kinh, nhờ ân của ai mà không thể hơn được?

Phật dạy: Nhờ oai thần của Chư Phật hiện tại ở mười phương đều ủng hộ Bồ Tát Đại Sĩ này. Đức Phật đã trao cho, chắc chắn tà vạy không thể làm cho dứt trừ được.

Thu Lộ Tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu ai nghĩ nhớ, trì tụng, học tập, viết chép thì oai thần của Chư Phật đều ủng hộ vị ấy.

Đức Phật dạy: Ta xem thấy người học tập, trì tụng này, cho đến người viết chép, giữ gìn quyển Kinh nên biết họ được Như Lai trông thấy. Người chí đức thọ trì Kinh này nau gần gũi tòa Phật. Địa vị Phật, được nhiều công đức lớn. Sau khi Như Lai ra đi, pháp này sẽ ở nước Thích thị.

Các bậc Hiền ở nước ấy học tập rồi chuyển đến nước Hội đa ni, ở trong đó học tập rồi lại đến nước Uất Đơn Việt, ở trong đó học tập, sau đến lúc Kinh ta sắp dứt mất. Ta đã biết việc này. Lúc ấy, vì giữ gìn minh độ nên cuối cùng nếu có người nào viết chép thì đều được Đức Phật dự kiến. Cho người ấy và khen ngợi người ấy.

Thu Lộ Tử hỏi Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nước Uất Đơn Việt sẽ có bao nhiêu Bồ Tát Đại Sĩ học định này?

Đức Phật dạy: Ít thôi! Khi giảng nói Kinh này, nghe mà không sợ, không thấy khó khăn là mau gần Như Lai. Đời trước, người ấy đã theo học Như Lai rồi. Bồ Tát chí đức giữ giới đầy đủ, độ thoát nhiều người, là những người tìm cầu Phật Đạo.

Ta biết Bồ Tát này gần trí nhất thiết, vị ấy sinh nơi nào ý chí vẫn còn quy hướng, nên học tập nghĩa này muốn cầu đạo vô thượng chánh chân. Hạnh của người này cao quý, tà chắc chắn không thể lay động làm cho bỏ chí Phật, nghe minh độ rồi rất vui mừng, tôn kính, được đức đại thừa, đến gần đạo vô thượng chánh chân. Tuy không thấy nhưng đời sau được pháp này là tạn mặt thấy Phật.

Đức Phật nói việc này là nói về như. Nếu có người cầu đạo, nên dạy bảo khuyến khích làm cho họ học Phật Đạo, ta đều vui theo. Nếu có người nào làm việc giáo hóa này thì tâm phục, tâm chuyển đến sáng suốt tự tại và nguyện sinh ở Cõi Phật nào, hoặc khi được sinh ở phương nào khác cũng thấy Phật giảng nói Kinh, lại sau này còn người dạy cầu Phật.

Thu Lộ Tử bạch Phật rằng: Khó sánh kịp, bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào mới có Đức Như Lai đây?

Từ xưa đến nay, Bồ Tát này pháp nào lại không biết?

Cầu gì mà chẳng được?

Làm sao lại có quyết định này?

Người thành Phật là người tinh tấn học tập sáu Độ.

Phật dạy: Người này có cầu Kinh hay không cầu, khi gặp Kinh pháp nguyện không rời bỏ Kinh. Tìm cầu mãi không dừng, khi không còn tìm cầu nữa thì tự được sáu độ.

Thu Lộ Tử hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Có phải minh độ này từ nhiều Kinh rút ra?

Đức Phật dạy: Có người hiểu minh độ từ nhiều Kinh rút ra.

Vì sao?

Vì đây là giáo pháp của Phật nên đem dạy cho tất cả mọi người, khuyến khích làm cho họ nắm bắt được Phật Đạo và cũng tự mình học nghĩa lý sâu xa của Kinh này. Các vị Bồ Tát ấy sinh ra nơi nào cũng gặp Phật, được sáu độ vô cực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần