Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Hai Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN HAI MƯƠI SÁU  

Khi Thế Giới và thân tâm thảy đều thanh tịnh viên mãn và tịnh đức thành tựu, một cảnh giới thù thắng hiện tiền và dẫn về an vui của tịch diệt. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Biến Tịnh.

Này Khánh Hỷ! Chư Thiên ở Ba Cõi Trời thù thắng ấy đầy đủ sự tùy thuận to lớn, thân tâm an ổn, và được vô lượng an vui. Mặc dù không tu thiền định chân chánh, nhưng trong tâm của họ an ổn và tràn ngập hoan hỷ. Đây là Chư Thiên ở cảnh thiền thứ ba.

Này Khánh Hỷ! Lại có Chư Thiên không còn bị thân tâm bức bách và nhân của khổ đã tận trừ. Họ nhận biết điều vui sướng trên Cõi Trời sẽ không thường trụ và không lâu tất phải sanh hoại diệt. Cho nên họ mau chóng đồng thời xả bỏ cả tâm khổ lẫn vui. Do họ đã chấm dứt các lậu thô kệch thâm trọng nên tánh của phước đức thanh tịnh liền sanh ra. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Phước Sanh.

Một khi đã xả tâm khổ và vui, họ được thắng giải thanh tịnh. Ở trong trạng thái của phước đức vô tận, họ được sự tùy thuận vi diệu cho đến tận cùng mãi mãi. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Phước Ái.

Này Khánh Hỷ! Từ Cõi Trời đó rẽ làm hai đường.

Trước đó, nếu tâm của Chư Thiên ở Trời Phước Ái mà có thể chiếu vô lượng quang minh thanh tịnh, phước đức viên minh, và tu chứng mà an trụ. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Quảng Quả.

Còn như trước đó, nếu tâm của Chư Thiên ở Trời Phước Ái mà chán ghét cả khổ lẫn vui và liên tục nghiên cứu phương pháp xả tâm chẳng ngừng. Khi đã hiểu cùng tận phương pháp xả tâm, thân tâm đều diệt và ý tư lự ngưng đọng như tro suốt năm trăm kiếp.

Do bởi người ấy đã dùng tâm sanh diệt làm nhân nên không thể phát huy tánh không sanh không diệt. Tưởng của họ diệt mất từ kiếp thứ nhất cho đến nửa kiếp đầu của kiếp thứ năm trăm. Nửa kiếp sau của kiếp thứ năm trăm thì tưởng của họ sanh trở lại. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Vô Tưởng.

Này Khánh Hỷ! Chư Thiên ở bốn Cõi Trời thù thắng ấy đều chẳng hề lay động bởi các cảnh khổ vui trong tất cả thế gian. Tuy nhiên, do họ không tu tập nương vào tâm vô vi chân thật bất động nên vẫn có tâm sở đắc. Đây là Chư Thiên ở cảnh thiền thứ tư.

Này Khánh Hỷ! Ở trong cảnh thiền đó lại có năm Cõi Trời Tịnh Cư. Chư Thiên ở những Cõi Trời ấy đều đã trừ sạch chín thể loại tập khí ở trong hạ giới. Đến giai đoạn này thì khổ vui đều quên. Chư Thiên nơi đây sẽ không bao giờ còn sống ở tầng Trời thấp hơn. Họ cùng sống ở một nơi an bình và mỗi vị đều ngang bằng ở mức độ xả tâm.

Này Khánh Hỷ! Có Chư Thiên với cả khổ lẫn vui đều diệt mất và tâm đấu tranh không còn giao tiếp. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Vô Phiền.

Kế đến có Chư Thiên chỉ độc nhất nghiên cứu về xả tâm, và không còn ôm giữ niệm khổ hay vui. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Vô Nhiệt.

Kế đến có Chư Thiên có thể thấy các Thế Giới trong mười phương với thị lực vi diệu, viên mãn lắng trong, và nó không còn cấu nhiễm bởi tất cả sắc tượng của trần cảnh. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Thiện Kiến.

Kế đến có Chư Thiên với cái thấy tinh nguyên hiện tiền và không bị chướng ngại ví như sự điêu luyện của người thợ gốm. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Thiện Hiện.

Khi quán sát đến tột cùng về muôn sự vi tế của sắc tánh và tánh hư không, họ vào trạng thái của vô biên tế. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Trời Sắc Cứu Cánh.

Này Khánh Hỷ! Thiên chúng và cho đến Thiên Vương ở bốn tầng Trời đầu tiên thuộc cảnh thiền thứ tư thì cũng không thể thấy hay biết gì về Chư Thiên ở năm Cõi Trời Tịnh Cư, và độc nhất chỉ nghe về họ với sự ngưỡng mộ. Đây ví như hàng phàm phu trên thế gian đều chẳng thể thấy các vị Ứng Chân đang ở trong khoáng dã thâm sơn để trụ Pháp và trì Pháp nơi Thánh Địa Đạo Tràng của họ.

Này Khánh Hỷ! Mặc dù Chư Thiên của mười tám Cõi Trời đó đơn độc tu hành và không giao tiếp với trần cấu, nhưng họ vẫn chưa dứt hết phiền lụy của thân. Do đó các tầng Trời ấy gọi là Cõi Sắc.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Từ Trời Sắc Cứu Cánh, là tầng Trời nằm ở ranh giới trên cùng của Cõi Sắc, nơi đây lại rẽ làm hai đường.

Nếu Chư Thiên ở tầng Trời ấy tu hành xả tâm mà phát huy trí minh và được tuệ quang viên thông, thì liền ra khỏi trần lao, trở thành bậc Ứng Chân và vào Bồ Tát Thừa. Hàng hữu tình như thế gọi là những vị đại Ứng Chân hồi tâm hướng về Đại Thừa.

Còn nếu Chư Thiên ở tầng Trời ấy tu hành xả tâm thành tựu mà nhận biết thân là chướng ngại cho sự tăng tiến, họ làm cho thân tiêu mất và trở thành như hư không. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Không Vô Biên Xứ.

Khi chướng ngại của thân đã tiêu mất, bây giờ thì không còn sự ngăn ngại nào để phải diệt trừ. Họ chỉ còn lưu lại tạng thức và một nửa chức năng vi tế của thức truyền tống. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Thức Vô Biên Xứ.

Khi hình sắc với hư không đã chấm dứt và thức tâm cũng hoàn toàn diệt mất, thì sẽ tịch nhiên khắp mười phương. Chẳng còn lưu lại gì và không có nơi nào để đến. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Vô Sở Hữu Xứ.

Khi tạng thức không còn hoạt động, họ dùng sự diệt này để nghiên cứu tận cùng. Ở trong vô tận của thức đó, tận tánh phát huy. Thức đó dường như tồn tại mà không tồn tại, dường như tận mà chẳng phải tận. Hàng hữu tình như thế gọi là Chư Thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Tuy Chư Thiên ở những Cõi Trời này đã quán sát tận cùng về không của thức, nhưng họ chẳng hiểu cùng tận về lý của không. Đây là sự chấm dứt của con đường Thánh Nhân mà đã dẫn đến từ năm Cõi Trời Tịnh Cư. Hàng hữu tình như thế gọi là những ám độn Ứng Chân chẳng hồi tâm hướng về Đại Thừa.

Chư Thiên ở Trời Vô Tưởng và Chư Thiên ở những tầng Trời không theo Chánh Đạo, họ sẽ chẳng quay về từ sự quán sát tận cùng về không của thức. Do bởi si mê, thiếu hiểu biết, và vẫn còn hữu lậu nên cuối cùng thì cũng sẽ rơi vào vòng luân chuyển.

Này Khánh Hỷ! Tất cả Thiên Nhân ở các tầng Trời ấy đều là phàm phu. Khi đã thọ hưởng hết nghiệp quả lành, họ sẽ phải luân chuyển. Tuy nhiên, các vị Thiên Vương của những Cõi Trời kia chính là Bồ Tát. Các Ngài du hí chánh định, dần dần thứ tự tăng tiến, và hướng đến con đường tu hành của chư Thánh.

Này Khánh Hỷ! Về Chư Thiên của bốn tầng Trời cuối cùng, sắc thân tiêu mất, tâm hành đã diệt, và định tánh hiện tiền. Kể từ đây, họ vĩnh viễn không còn nghiệp quả của sắc thân nữa. Do đó các tầng Trời ấy gọi là cõi vô sắc.

Tất cả Chư Thiên hữu lậu đều không hiểu suốt về diệu giác minh tâm. Do si mê tích tập mà phát sanh ba cõi hư vọng. Trong đó, mỗi chúng sanh tùy theo si mê của mình mà chìm vào bảy đường với những chúng sanh đồng loại.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Ở trong ba cõi lại có bốn loại phi thiên.

Có những phi thiên ở loài quỷ, chúng dốc sức hộ Pháp và có Thần Thông bay trên không. Hàng phi thiên này sanh ra từ trứng và thuộc về quỷ đạo.

Có những phi thiên do vì phước đức không đủ nên phải rơi khỏi thiên thượng và chúng sống ở phía dưới mặt trời, mặt trăng. Hàng phi thiên này sanh ra từ bào thai và thuộc về nhân gian.

Có những phi Thiên Vương thống lãnh Thế Giới, mãnh lực vô úy, và có thể tranh quyền với Phạm Vương, Năng Thiên Đế, và Tứ Đại Thiên Vương. Hàng phi thiên này sanh ra từ biến hóa và thuộc về Cõi Trời.

Này Khánh Hỷ! Có một loại phi thiên thấp kém khác. Chúng sanh tại những hang nước sâu ở giữa biển cả. Ban ngày chúng bay trên không và khi tối đến thì trở về bổn xứ ở dưới nước. Hàng phi thiên này sanh ra từ ẩm ướt và thuộc về loài bàng sanh.

Này Khánh Hỷ! Đây là những lời giảng giải tường tận về bảy đường, gồm có: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, Người, Thần Tiên, Trời và Phi Thiên. Tất cả đều hôn muội và chìm đắm trong các tướng hữu vi. Do si mê mà họ sanh ra và chuyển theo nghiệp vọng tưởng của mình. Tuy nhiên, ở trong bổn tâm vô vi nhiệm mầu viên minh, các đường này đều tựa như hoa đốm giữa hư không. Chúng vốn không chỗ dính mắc, không có trụ sở, và hoàn toàn chỉ là hư vọng.

Này Khánh Hỷ! Do các chúng sanh đó không nhận biết bổn tâm nên phải thọ luân hồi đến vô lượng kiếp mà chẳng được thanh tịnh chân thật. Tất cả đều do tùy thuận sát sanh, trộm cắp, và tà dâm. Nếu vi phạm sát sanh, trộm cắp, và tà dâm, họ sẽ sanh vào quỷ đạo. Nếu không phạm ba giới kia, họ sẽ sanh lên Trời. Vì những chúng sanh ấy cứ ngả nghiêng giữa phạm giới và giữ giới nên phát khởi tánh luân hồi.

Nếu ai vào được chánh định này thì sẽ trụ trong tịch diệt thường hằng vi diệu. Họ lìa khỏi nhị biên của có và không, và vô nhị biên cũng diệt mất. Họ đã vượt khỏi không sát sanh, không trộm cắp, và không tà dâm.

Huống nữa là tùy thuận việc sát sanh, trộm cắp, và tà dâm hay sao?

Này Khánh Hỷ! Những ai không đoạn trừ ba nghiệp đó thì sẽ tự tạo nghiệp của chính mình. Mặc dù quả báo của mỗi chúng sanh là của bản thân, nhưng họ sẽ cùng trải qua với những chúng sanh đồng quả báo ở một nơi nhất định. Nghiệp của họ phát sanh từ si mê. Do nó hư vọng sanh ra nên chẳng có nhân và sẽ không thể nào tìm thấy nhân của nó.

Ông hãy khuyên những ai tu hành mà muốn được giác ngộ thì phải đoạn trừ ba việc si mê. Nếu không đoạn trừ ba việc si mê, cho dù họ được Thần Thông, nhưng đó đều là hữu vi của thế gian và phải dùng công sức. Nếu không diệt trừ tập khí, họ sẽ lạc vào ma đạo.

Cho dù họ muốn trừ si mê đi nữa, nhưng nếu không diệt trừ tập khí thì chỉ gia tăng hư ngụy. Như Lai nói rằng những chúng sanh như thế thật quả đáng thương. Ông nên biết rằng si mê của mình là do tự mình tạo ra chứ chẳng phải lỗi của tánh giác ngộ.

Những gì được giảng ở đây là chánh giáo. Nếu giảng sai khác thì tức là lời của Ma Vương.

Bấy giờ Như Lai sắp rời Pháp tòa. Từ tòa sư tử đứng dậy, Thế Tôn đặt bàn tay lên cái bàn bảy báu ở trước mặt. Sau đó, Ngài xoay chuyển thân mình như hòn núi vàng tím, rồi lại ngồi xuống.

Khi ấy Đức Phật bảo toàn thể đại chúng và Ngài Khánh Hỷ rằng: Hàng Hữu Học các ông, cùng Thanh Văn và Duyên Giác, hôm nay đã hồi tâm hướng về đại giác, là vô thượng diệu giác. Ta nay đã thuyết giảng Pháp tu hành chân thật. Tuy nhiên, ông vẫn chưa biết những việc ma vi tế sẽ xảy ra khi tu chỉ và tu quán. Nếu chẳng thanh tịnh tâm của mình, ông sẽ không nhận ra cảnh ma khi chúng hiện tiền và sẽ lạc vào tà kiến.

Ma có thể khởi sanh từ năm uẩn ở bên trong của ông. Hoặc ông sẽ bị thiên ma, quỷ thần, hay yêu tinh đến nhập. Nếu trong tâm của ông chẳng rõ khi xảy ra, ông sẽ nhận giặc làm con. Hoặc ông thành tựu một chút mà cho là đủ.

Đây ví như Bhikṣu chẳng học hỏi kia, chỉ mới đạt đến cảnh thiền thứ tư mà vọng ngôn cho rằng mình đã chứng Thánh Quả. Khi phước báo ở Cõi Trời đã hết và các tướng suy hiện tiền, do hủy báng rằng người đắc Đạo Ứng Chân mà còn vướng hữu lậu về sau, nên Bhikṣu kia liền đọa Địa Ngục Vô Gián. Ông hãy lắng nghe. Ta nay sẽ giải thích tường tận cho ông.

Khi ấy Ngài Khánh Hỷ cùng với những vị hữu học ở trong Pháp Hội liền đứng dậy, hoan hỷ đảnh lễ, và cung kính lắng nghe giáo hối từ bi của Phật.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng: Các ông phải biết rằng, mặc dù mười hai thể loại chúng sanh ở trong Thế Giới có hữu lậu, nhưng bổn giác diệu minh và giác viên tâm thể của họ thì chẳng hai chẳng khác với mười phương Chư Phật. Do bởi vọng tưởng nên họ mê muội chân lý và si ái phát sanh. Nhân vì si mê sanh khởi biến khắp nên mới có hư không.

Rồi do u mê biến hóa chẳng dừng nên mới có Thế Giới. Quốc Độ nhiều như vi trần ở khắp mười phương và tất cả những ai hữu lậu đều là an lập từ vọng tưởng si mê. Các ông nên biết rằng hư không sanh ra ở trong tâm của mình. Nó tựa như một áng mây ở giữa bầu Trời bao la. Huống chi là các Thế Giới ở tại hư không thì càng nhỏ bé hơn.

Nếu các ông tìm ra chân thật và trở về nguồn cội, bấy giờ hư không khắp mười phương tất đều tiêu vong.

Thế thì làm sao hết thảy Quốc Độ ở trong hư không mà chẳng chấn động chứ?

Khi tu thiền và vào chánh định, tịnh tâm của các ông khai thông với tâm của chư Bồ Tát và những vị đại Ứng Chân vô lậu ở trong mười phương. Lúc đó ông sẽ trụ ở nơi trạm nhiên thanh tịnh.

Bấy giờ tất cả Ma Vương, cùng với quỷ thần, và hàng Trời phàm phu đều thấy cung điện của mình vô cớ sụp đổ và đại địa chấn động. Động vật bơi trong nước, đi trên đất, hoặc bay giữa Trời, không một loài nào mà chẳng kinh hoàng. Còn hạng phàm phu bị che trùm bởi hôn ám thì chẳng hề hay biết gì về những sự kiện này.

Có chúng ma đầy đủ năm loại thần thông, duy trừ lậu tận thông vì chúng vẫn còn lưu luyến trần lao.

Thế thì làm sao có thể để cho ông phá hủy chỗ ở của chúng đây?

Cho nên các thiên ma, quỷ thần, và yêu tinh quỷ quái đều sẽ đến não loạn khi ông vào chánh định.

Mặc dù chúng ma kia nổi cơn thịnh nộ, nhưng chúng chỉ là trần lao khi ông trụ ở trong diệu giác. Chúng sẽ như gió thổi ánh sáng, như dao chém vào nước, và vĩnh viễn không thể tiếp xúc. Ông sẽ như nước sôi và chúng ví như tảng băng.

Khi hơi nóng đến gần, băng đá sẽ tiêu tan. Chúng cậy nương vào thần lực để có thể tạm ghé thăm ông một lát. Chúng chỉ có thể thành công não loạn khi trong tâm của ông, là chủ nhân của năm uẩn, nhưng lại bị mê muội nên du khách mới thừa dịp trục lợi.

Khi trụ trong thiền định với giác ngộ minh liễu, làm sao những việc ma kia có thể ảnh hưởng đến ông chứ?

Khi năm uẩn tiêu tan, ông sẽ vào ánh sáng của trí tuệ. Chúng tà ma kia đều nương âm khí và quang minh của ông có thể phá tan u ám. Nếu chúng đến gần thì sẽ tự hủy diệt.

Thế thì làm sao chúng dám nán lại để nhiễu loạn thiền định của ông chứ?

Nhưng nếu chưa khai ngộ minh liễu và bị năm uẩn mê hoặc thì chính ông, Khánh Hỷ, chắc chắn sẽ làm đệ tử của ma và chính mình cũng trở thành ma.

Trường hợp ông gặp người con gái thuộc bộ tộc Mātaṅga là một ngoại lệ, và đó chỉ là sự cố nhỏ. Cô ta chỉ dùng chú thuật để khiến ông phá hủy luật nghi của Phật. Trong 80.000 giới hạnh, cùng lắm ông chỉ phạm một giới.

Do bởi tâm của ông thanh tịnh nên ông vẫn chưa đọa trầm luân. Tuy nhiên, nếu uẩn ma đã có thể hủy diệt bảo giác toàn thân của ông, thì ông sẽ như thành viên trong gia đình của một đại thần, tài sản bất chợt bị tịch thu. Gia cảnh điêu tàn và không ai có thể cứu giúp.

Này Khánh Hỷ! Nên biết rằng mọi niệm sẽ tiêu vong khi ông ngồi Đạo Tràng. Khi vọng niệm của ông dừng hẳn, lúc đó sẽ chỉ còn lại giác minh tinh nguyên. Dao động ở ngoài tâm ông sẽ dường như tĩnh lặng, và niệm hiện tại trong tâm ông sẽ dường như vô niệm.

Khi trụ ở cảnh giới ấy, ông liền vào chánh định. Ông sẽ như người mắt sáng ở nơi u ám. Lúc đó tánh tinh nguyên của ông sẽ thanh tịnh vi diệu, nhưng tâm của ông thì vẫn chưa phát sáng. Đây gọi là đã tới khu vực của sắc uẩn.

Khi tâm nhãn của ông trở nên trong sáng, mười phương mở toát và không còn u ám. Đến giai đoạn này thì gọi là đạt đến chấm dứt của sắc uẩn. Người ấy sẽ có thể siêu xuất ô trược của thời gian, quán sát nguyên do của sắc uẩn và thấy vọng tưởng kiên cố là căn bổn của nó.

Này Khánh Hỷ! Đương lúc ở tinh thần u ám, sự nghiên cứu tinh chuyên ở trong diệu minh của họ sẽ có thể hiển lộ ra rằng, bốn đại cứu cánh chẳng đan siết với nhau. Chỉ một thoáng, người ấy có thể rời thân thể của mình. Cảnh hiện này gọi là giác minh tinh nguyên có thể tràn vào cảnh hiện ở trước. Đó là do sự dụng công của người ấy nên mới tạm thời được cảnh giới như thế.

Đó không phải là dấu hiệu chứng Thánh Quả. Nếu ai không khởi tâm đắc quả vị của Bậc Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn như cho rằng mình đã đắc quả vị của Bậc Thánh thì họ sẽ bị chúng tà ma nhiễu loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đương lúc ở tinh thần u ám, sự nghiên cứu tinh chuyên ở trong diệu minh của họ sẽ có thể làm cho người ấy thấy rõ bên trong thân thể của mình. Hốt nhiên người ấy có thể bốc lấy những con giun ở trong bụng bỏ ra ngoài mà không hề tổn hại thân thể của mình lẫn ký sinh trùng. Cảnh hiện này gọi là giác minh tinh nguyên có thể tràn vào thân thể.

Đó là do sự tinh tấn tu hành của người ấy nên mới tạm thời được cảnh giới như thế. Đó không phải là dấu hiệu chứng Thánh Quả. Nếu ai không khởi tâm đắc quả vị của Bậc Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn như cho rằng mình đã đắc quả vị của Bậc Thánh thì họ sẽ bị chúng tà ma nhiễu loạn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần