Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Mười Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH
KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU
CHỨNG LIỄU NGHĨA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẦN MƯỜI CHÍN
Làm sao có thể gọi là từ bi mà lại ăn thịt uống máu của các chúng sanh chứ?
Nếu các Bhikṣu không mặc tơ lụa từ phương đông, dù là thô hay mịn. Cũng như không mang giày da, áo lông cừu, hay sản phẩm làm bằng lông chim ở quốc gia này. Cũng như không dùng sữa, sữa đặc, hay bơ tinh chế, thì các Bhikṣunhư thế thật đã thoát khỏi Thế Giới. Khi đã trả xong nợ của những đời trước, họ sẽ không còn lưu chuyển ở ba cõi.
Vì sao thế?
Bởi sử dụng một phần của loài hữu tình nào đó thì sẽ có nghiệp duyên với chúng. Đây ví như con người do ăn trăm loại hạt sanh sôi từ đất nên chân của họ chẳng lìa khỏi mặt đất vậy. Những ai không ăn thịt hoặc không khoác lên đồ vật làm từ thân thể của các chúng sanh, và cho đến thân tâm chẳng nghĩ ăn hay mặc những sản phẩm làm từ động vật, thì ta nói rằng họ là người giải thoát chân thật.
Những gì ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.
Lại nữa Khánh Hỷ! Nếu các chúng sanh ở sáu đường trong tất cả Thế Giới mà chẳng khởi tâm trộm cắp thì họ sẽ không chuyển theo vòng sanh tử tương tục. Ông tu hành chánh định nhằm để ra khỏi trần lao, nhưng nếu tâm trộm cắp chưa trừ thì ông chẳng thể ra khỏi trần lao.
Cho dù có người thông minh tài trí và hiện tiền có thể vào thiền định, nhưng nếu không đoạn trừ trộm cắp thì chắc chắn sẽ rơi vào tà đạo. Hàng thượng phẩm sẽ làm yêu tinh hút tinh khí. Hàng trung phẩm sẽ làm yêu ma quỷ quái. Hàng hạ phẩm sẽ làm người bị ma quỷ nhập. Chúng yêu tà kia cũng có đồ đảng và ai nấy đều bảo rằng mình đã thành đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ, trong thời mạt pháp sẽ xuất hiện đầy rẫy chúng yêu tà này ở thế gian. Chúng giấu giếm gian dối nhưng tỏ ra vẻ thiện tri thức và ai nấy đều bảo rằng mình đã đắc pháp của bậc thượng nhân. Chúng mê hoặc những kẻ vô tri và khủng bố tinh thần người khác. Bất cứ nơi nào mà chúng đi qua, gia đình đó sẽ suy hao và ly tán.
Ta dạy các Bhikṣu hãy tùy mỗi phương xứ mà đi khất thực là để xả bỏ lòng tham của mình và giúp thành tựu Phật Đạo. Các Bhikṣu không tự mình nấu thức ăn. Họ sống như thế đến suốt cuộc đời và du hành trong ba cõi. Nơi nào họ đã đi qua một lần thì sẽ không trở lại.
Làm sao kẻ cướp giả mặc y phục của ta để tự lợi, buôn bán trong pháp của Như Lai, và tạo đủ mọi nghiệp ác mà có thể gọi là Phật Pháp chứ?
Họ hủy báng người xuất gia và nói rằng những vị Bhikṣu đã thọ giới Cụ Túc đi theo Đạo Nhị Thừa. Và như thế họ khiến cho vô lượng chúng sanh ngờ vực và mê lầm, rồi chính họ sẽ đọa địa ngục Vô Gián.
Sau khi Ta diệt độ, nếu có Bhikṣu nào phát tâm kiên định tuyệt đối để tu hành chánh định, thì có thể trước hình tượng của Như Lai mà thắp một ngọn đèn ở trên thân, hoặc đốt một ngón tay, hay thiêu một miếng hương ở trên thân. Ta nói người này cùng một lúc sẽ trả hết nợ từ vô thỉ.
Vị ấy sẽ có thể chào vĩnh biệt thế gian và vĩnh viễn thoát khỏi các lậu. Tuy chưa có thể lập tức hiểu làm sao tiến bước trên con đường giác ngộ vô thượng, nhưng vị ấy đã lập quyết tâm nơi pháp. Nếu ai chẳng chịu xả chút thân nho nhỏ đó để làm nhân, và cho dù đã thành tựu vô vi thì chắc chắn cũng sẽ lại sanh làm người để trả nợ đời trước. Đây giống như việc ta phải dùng lúa mạch cho ngựa ăn vậy không chút sai khác.
Khi ông dạy người tu hành chánh định, thì hãy dạy họ đoạn trừ tâm trộm cắp. Đây là lời giáo hối minh bạch quyết định thứ ba về thanh tịnh mà Chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.
Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai tu hành thiền định mà nếu không trừ bỏ trộm cắp thì tựa như có người muốn rót đầy nước cho một cái ly bị lủng lỗ. Cho dù trải qua số kiếp nhiều như vi trần thì cũng không bao giờ đầy ly.
Nếu những Bhikṣu nào không cất giữ vật gì ngoại trừ pháp y và bình bát. Vị ấy bố thí phần thức ăn thừa từ khất thực cho chúng sanh đang đói. Vị ấy có thể chắp tay đảnh lễ mọi người ở giữa đại chúng. Vị ấy có thể xem như xưng tán dù bị người đánh đập hay mắng chửi.
Vị ấy thật sự có thể xả bỏ thân tâm và chia sẻ xương máu cùng thịt của mình với chúng sanh. Vị ấy không bao giờ mang lời dạy chẳng liễu nghĩa của Như Lai để truyền dạy sai lầm cho người sơ học ta ấn chứng cho vị ấy sẽ đắc chánh định chân thật.
Những gì ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.
Này Khánh Hỷ! Mặc dù có những chúng sanh ở trong sáu đường đã hoàn toàn lìa khỏi ba nghiệp sát sanh, trộm cắp, và dâm dục, nhưng nếu phạm đại vọng ngữ thì chánh định của họ sẽ không được thanh tịnh, sẽ bị ma tình ái hoặc ma tà kiến mê hoặc, và sẽ đánh mất hạt giống để thành Phật. Họ sẽ nói rằng mình đã đắc nhưng thật chưa đắc, rằng mình đã chứng nhưng thật chưa chứng.
Hoặc vì muốn cho người đời tôn mình là đệ nhất, họ ở trước mọi người mà nói rằng nay họ đã đắc Quả Nhập Lưu, Quả Nhất Lai, Quả Bất Hoàn, Đạo Ứng Chân, Đạo Độc Giác, hoặc một Địa nào đó trong Mười Địa, hay một quả vị nào đó trước Mười Địa của Bồ Tát. Và vì tham cúng dường, họ khuyến khích mọi người lễ lạy và sám hối ở trước mình.
Những kẻ đó hoàn toàn chẳng tin Pháp, tiêu diệt hạt giống để thành Phật, và họ được ví như cây cọ đã bị người lấy dao chặt đứt. Đức Phật dự ký những kẻ này sẽ vĩnh viễn hủy diệt căn lành và sẽ không hồi phục tri kiến. Họ sẽ trầm luân trong biển của ba thống khổ và sẽ không thành tựu chánh định.
Sau khi Ta diệt độ, Như Lai sắc lệnh cho chư Bồ Tát và những vị Ứng Chân hãy ứng thân sanh ra trong thời mạt pháp với đủ mọi thân hình để độ các chúng sanh trong luân hồi.
Hoặc các Ngài sẽ hiện ra hình tướng của Đạo Nhân, Cư Sĩ bạch y, Vua chúa, tể quan, đồng nam, đồng nữ, và như vậy cho đến dâm nữ, quả phụ, kẻ lừa đảo, đạo tặc, kẻ làm nghề mổ giết, hay kẻ buôn bán gian lận. Các Ngài sẽ trở thành đồng sự với những hạng người trên, nhưng luôn xưng tán Phật Thừa và khiến thân tâm của họ vào chánh định.
Tuy nhiên, các Ngài sẽ không bao giờ tùy tiện nói với hàng sơ học và tiết lộ mật nhân của Phật, rằng mình đích thật là một vị Bồ Tát hoặc là bậc Ứng Chân chỉ duy trừ bí mật phó chúc ở vào lúc cuối đời. Còn những ai giả mạo chứng quả tức là đang mê hoặc và não loạn chúng sanh với đại vọng ngữ.
Khi ông dạy người tu hành chánh định, thì hãy dạy họ đoạn trừ đại vọng ngữ. Đây là lời giáo hối minh bạch quyết định thứ tư về thanh tịnh mà Chư Phật Thế Tôn quá khứ đã dạy.
Cho nên, Khánh Hỷ! Những ai không trừ bỏ đại vọng ngữ thì tựa như có người lấy phân để nặn thành hình của một miếng hương chiên đàn, rồi mong nó tỏa ra mùi thơm. Thật không có việc ấy!
Ta dạy các Bhikṣu, rằng trực tâm là Đạo Tràng và phải hoàn toàn không chút hư ngụy của mọi hành vi trong bốn uy nghi.
Tại sao có người lại tự xưng rằng mình đã đắc pháp của bậc thượng nhân chứ?
Việc đó thì giống như có kẻ bần cùng mạo xưng là đế vương ắt sẽ phải tự chuốc cái chết.
Huống chi lại có kẻ mạo xưng là Pháp Vương?
Nếu lúc khởi đầu không chân thật thì kết quả sẽ chuốc lấy quanh co. Những ai cầu Phật Đạo như thế thì như người muốn tự cắn rốn của mình.
Có ai mong việc đó sẽ thành tựu chăng?
Nếu tâm của các Bhikṣu ngay thẳng như sợi dây đàn và hoàn toàn chân thật vào chánh định thì vĩnh viễn sẽ không gặp những việc ma. Ta ấn chứng người ấy sẽ thành tựu tri giác vô thượng của Bồ Tát.
Những gì ta vừa dạy chính là Phật thuyết. Nếu nói khác đi tức là ma thuyết.
Này Khánh Hỷ! Ông đã hỏi về phương pháp nhiếp tâm và ta cũng vừa thuyết giảng về diệu môn tu học để vào chánh định. Những ai cầu Đạo Bồ Tát thì trước tiên phải thọ trì bốn điều luật nghi này. Đây ví như giọt sương đóng băng trên cây thì tự nhiên không một cành lá nào có thể nảy nở. Cũng vậy, khi giới hạnh trong sáng thì ba nghiệp ác từ tâm ý và bốn nghiệp ác từ lời nói sẽ không thể có nhân để sanh khởi.
Này Khánh Hỷ! Nếu ai chẳng đánh mất bốn điều luật nghi này, thì tâm của họ còn chẳng duyên nơi sắc thanh hương vị xúc pháp.
Hà huống tất cả việc ma làm sao mà có thể phát sanh chứ?
Còn những ai có tập khí từ nhiều đời và chẳng thể diệt trừ thì ông dạy họ hãy nhất tâm tụng Phật Đảnh Quang Minh Đại Bạch Tản Cái Vô Thượng Thần Chú của ta. Ở trên tướng vô kiến đảnh của Như Lai có Đức Phật hiện ra từ nơi tâm vô vi. Hóa Phật ngồi trên tòa hoa sen báu ở trên đỉnh đầu của ta và đã tuyên thuyết Thần Chú này.
Từ nhiều kiếp về trước, ông cùng với cô con gái của bộ tộc Mātaṅga đã có nhân duyên sâu đậm, và tập khí của ái ân đó chẳng phải chỉ một đời hay một kiếp. Nhưng khi vừa nghe ta tuyên dương giáo pháp chỉ một lần, cô ấy đã vĩnh viễn thoát khỏi tâm si ái và trở thành bậc Ứng Chân.
Trước kia cô ta là một dâm nữ và chưa từng khởi tâm tu hành, nhưng do năng lực âm thầm của Thần Chú mà còn mau chứng quả vị vô học. Hà huống Thanh Văn các ông ở chúng hội nơi đây đã phát tâm cầu Tối Thượng Thừa và quyết định thành Phật.
Đây ví như việc tung bụi thuận chiều gió thì làm sao có gian nan hay hiểm trở chứ?
Nếu có ai muốn ngồi Đạo Tràng ở vào thời mạt pháp, trước tiên họ cần thọ trì giới cấm thanh tịnh của Bhikṣu, rồi phải tìm một vị Đạo Nhân với giới hạnh thanh tịnh đệ nhất để làm Thầy của họ. Giả như họ không gặp được vị chân Tăng thanh tịnh để truyền giới luật uy nghi thì tất sẽ chẳng thành tựu.
Sau khi đã thọ giới, họ hãy mặc áo sạch thanh khiết, rồi thắp hương ở nơi vắng vẻ, và tụng một trăm lẻ tám biến Thần Chú được tuyên thuyết bởi Đức Phật hiện ra từ nơi tâm của Như Lai. Sau đó họ hãy kết giới để kiến lập Đạo Tràng, và thỉnh cầu vô thượng Như Lai hiện đang trụ ở các Quốc Độ khắp mười phương hãy phóng ánh sáng từ bi để rót vào đỉnh đầu của họ.
Này Khánh Hỷ! Những vị Bhikṣu thanh tịnh, hoặc Bhikṣuṇī, Cư Sĩ bạch y, và các thí chủ nào ở vào thời mạt pháp mà thọ trì tịnh giới của Phật và đã diệt trừ lòng tham cùng tâm dâm dục, thì nên phát nguyện Bồ Tát ở trong Đạo Tràng.
Nếu họ có thể tắm gội trước khi vào Đạo Tràng, ngày đêm sáu thời hành đạo, và tu hành không ngủ nghỉ như thế cho đến hai mươi mốt ngày, thì ta sẽ tự hiện thân ở trước người ấy, xoa đảnh an ủi, và giúp họ khai ngộ.
Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nhờ lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai mà tâm con đã khai ngộ. Con tự biết làm sao để tu chứng thành đạo của bậc vô học.
Giả sử những hành giả nào ở vào thời mạt pháp muốn kiến lập Đạo Tràng, thì họ phải làm sao kết giới để khế hợp với quy tắc thanh tịnh của Chư Phật Thế Tôn?
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Nếu có ai ở vào thời mạt pháp muốn kiến lập Đạo Tràng, trước tiên họ hãy tìm được con trâu đại lực màu trắng sống ở vùng núi Tuyết. Giống trâu này ăn cỏ mượt thơm ngát ở trên núi và chỉ uống nước thanh khiết của vùng núi Tuyết nên phân của nó rất sạch sẽ. Họ hãy lấy phân của nó và trộn với hương chiên đàn, rồi trát chúng lên đất. Nếu chẳng phải là giống trâu sống ở vùng núi Tuyết thì phân của nó sẽ hôi dơ và không thể dùng để trát lên đất.
Hoặc một cách khác là tìm chỗ có đất sét màu vàng ở vùng đồng bằng, rồi đào xuống đất năm thước và lấy đất sét từ nơi ấy.
Sau đó hãy trộn nó với với hương chiên đàn, hương trầm thủy, hương tô hợp, hương huân lục, hương uất kim, hương bạch giao, hương thanh mộc, hương linh lăng, hương cam tùng, và hương kê thiệt. Họ hãy nghiền nguyên liệu của mười loại hương này thành bột và trộn với đất sét, rồi trát chúng trên đất ở Đạo Tràng. Pháp đàn này có tám góc vuông vức và rộng một trượng sáu.
Ở chính giữa pháp đàn hãy an trí một hoa sen làm bằng vàng, bạc, đồng, hay gỗ. Ở giữa hoa sen hãy đặt một bát nước sương đầy được hứng lấy vào tháng tám và hãy rải những cánh hoa vào trong đó. Hãy lấy tám tấm gương hình tròn, rồi an trí mỗi cái ở mỗi hướng xung quanh hoa sen và bát nước, với mặt gương xoay ra ngoài.
Kế đến hãy an trí mười sáu hoa sen và mười sáu lư hương ở trước những tấm gương. Ở giữa các lư hương hãy trang nghiêm với hoa sen xen kẽ. Trong các lư hương chỉ đốt toàn loại hương trầm thủy và chớ để chúng bốc lửa.
Hành giả hãy lấy sữa của con bò màu trắng, rồi bỏ vào trong mười sáu cái bình để chuẩn bị làm các loại thức ăn, gồm có: Bánh nướng, bánh đường, bánh dầu, cháo sữa, hương tô hộp, mật với gừng, bơ tinh chế, và mật ong nguyên chất. Mỗi thứ mười sáu phần. Sau khi xong, hãy đặt một phần từ mỗi loại thức ăn ở trước mười sáu hoa sen để dâng lên Chư Phật và các vị Đại Bồ Tát.
Ở mỗi bữa ăn và giữa khuya, hành giả hãy lấy nửa thăng mật ong và hòa nó ba lần với bơ tinh chế. Ở trước pháp đàn hãy an trí một bếp lò nhỏ với than. Hãy lấy hương bạch mao bỏ vào trong nước để nấu ở một nơi khác trước đó và rưới nước hương này vào than, rồi đốt than cháy hừng hực. Sau đó hãy rải bơ trộn với mật ong lên ngọn lửa ở bếp lò. Hãy đốt như thế cho đến khi hết bơ và mật ong để cúng dường Chư Phật và Bồ Tát.
Ở bên ngoài của tịnh thất làm pháp đàn, hãy treo tràng phan và hoa ở khắp nơi. Ở bên trong trên bốn bức tường của tịnh thất, hành giả hãy treo các hình tượng của mười phương Như Lai và chư Bồ Tát.
Ở chính giữa bức tường xoay về hướng nam, hãy treo hình tượng của Đức Phật Biến Chiếu, Đức Phật Năng Nhân, Từ Thị Bồ Tát, Đức Phật Bất Động, và Đức Phật Vô Lượng Thọ. Còn ở bức tường bên trái và phải, hãy an trí một hình tượng đại biến hóa của Quán Thế Âm Bồ Tát và một hình tượng của Kim Cang Tạng Bồ Tát.
Ở hai bên trái và phải của cánh cửa, hãy an trí hình tượng của Năng Thiên Đế, Phạm Vương, Hỏa Đầu Kim Cang, Thanh Diện Kim Cang, Giải Oán Kết Kim Cang, Thiên nữ Sân Mục, Tứ Đại Thiên Vương, và chướng ngại thần.
Lại nữa, hãy lấy tám tấm gương khác treo từ trên trần nhà và làm cho chúng đối diện với tám tấm gương hình tròn đã an trí trong đàn tràng. Các tấm gương sẽ phản chiếu với nhau trùng trùng.
Bảy ngày đầu tiên, hành giả hãy chí thành đảnh lễ danh hiệu của mười phương Như Lai, chư Đại Bồ Tát, và các vị Ứng Chân. Trong sáu thời, hành giả đi vòng quanh pháp đàn và tụng chú liên tục. Hãy chí tâm hành đạo như thế và tụng chú một trăm lẻ tám biến.
Bảy ngày kế tiếp, hành giả hãy nhất hướng chuyên tâm phát nguyện Bồ Tát và chớ để tâm bị gián đoạn. Trước đây ở trong luật tạng, ta đã có dạy phương pháp phát nguyện.
Bảy ngày sau cùng, hành giả nhất tâm tụng trì Đại Bạch Tản Cái Thần Chú của Phật suốt mười hai thời. Vào ngày cuối cùng, mười phương Như Lai sẽ đồng thời xuất hiện. Chư Phật và quang minh sẽ phản chiếu trong gương, rồi Chư Phật sẽ lấy tay xoa đỉnh đầu của hành giả. Ngay lúc ấy, những ai mà có thể tu hành chánh định trong Đạo Tràng ở vào thời mạt pháp như thế, thân tâm của họ sẽ trong sáng như lưu ly.
Này Khánh Hỷ! Nếu Bổn Sư truyền giới cho vị Bhikṣu này hoặc có ai trong nhóm của mười vị Bhikṣu mà chẳng thanh tịnh, thì phần lớn sự tu hành ở trong Đạo Tràng như thế sẽ không thành tựu.
Sau hai mươi mốt ngày, hành giả hãy ngồi ngay thẳng và an nhiên cho đến một trăm ngày. Những ai với căn lành sâu dày, họ sẽ không đứng dậy suốt thời gian đó và sẽ đắc Quả Nhập Lưu. Cho dù ở trong thân và tâm của người ấy chưa thành tựu Thánh Quả, nhưng họ nhất định tự biết sẽ thành Phật.
Ông hỏi làm sao kiến lập Đạo Tràng, thì đây chính là phương pháp.
Lúc ấy Ngài Khánh Hỷ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi thưa với Phật rằng: Kể từ khi xuất gia, con đã ỷ lại vào sự thương mến của Đức Phật. Bởi con chỉ cầu đa văn nên chưa chứng vô vi. Do đó con bị tà thuật của Phạm Thiên cấm chế. Mặc dù tâm vẫn sáng suốt nhưng lực chẳng được tự do. May nhờ có Diệu Cát Tường Bồ Tát đến giải cứu nên con mới thoát khỏi.
Tuy nhờ thần lực vô hình từ Thần Chú tuyên thuyết bởi hóa Phật ở trên đỉnh đầu của Như Lai, nhưng con vẫn chưa đích thân được nghe. Kính mong Như Lai với lòng đại từ bi hãy tuyên thuyết thêm một lần nữa để cứu hộ những vị tu hành trong chúng hội này, và cũng như các chúng sanh luân hồi vào thời mạt pháp tương lai. Do nương vào mật âm của Thần Chú mà thân tâm của họ sẽ được giải thoát.
Khi ấy tất cả đại chúng trong chúng hội thảy đều đảnh lễ và chờ đợi lắng nghe bí mật chương cú của Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba