Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH
KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU
CHỨNG LIỄU NGHĨA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẦN NĂM
Đức Phật bảo: Như thị, như thị!
Khi nghe lời này của Phật, những vị chưa đạt đến bậc vô học ở trong đại chúng đều mê muội và chẳng biết về ý nghĩa cứu cánh đó. Họ thảy đều hoảng sợ và đánh mất những điều ôm giữ.
Biết được tinh thần lo âu và hoảng hốt của họ, Như Lai khởi lòng thương xót mà an ủi Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng rằng: Các thiện nam tử! Đây là lời chân thật của vô thượng Pháp Vương. Như Lai chỉ nói lời thật, không điêu ngoa, không dối gạt.
Những gì Như Lai tuyên nói cho các ông, khác biệt với luận nghị mơ hồ về bốn loại bất tử mà ngoại đạo Mịch Đạo Ngưu Xá Tử và những kẻ khác đưa ra. Các ông hãy tư duy kỹ và tha thiết quý mến để xứng đáng sự thương xót của Ta.
Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử đang ở giữa đại chúng, vì xót thương bốn chúng đệ tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, chắp tay cung kính và thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Nay các đại chúng đều chẳng hiểu về hai điều mà Như Lai hé lộ. Đó là thị giác tinh khiết cùng với những vật có hình sắc và hư không, là tương đồng và chẳng tương đồng.
Thưa Thế Tôn! Nếu thị giác đồng như các duyên ở trước ta, như là hư không và những vật có hình sắc, thì chúng ta đáng lẽ có thể chỉ ra vị trí của nó. Nhưng nếu thị giác tách rời khỏi cảnh duyên, chúng ta sẽ không thể quan sát sự vật. Hiện tại các đại chúng đều kinh hãi, do chẳng biết ý nghĩa này sẽ về đâu.
Đây tuyệt đối không phải là căn lành ở đời trước của họ cạn mỏng. Kính mong Như Lai rủ lòng đại từ mà hiển lộ chân thật giữa các cảnh tượng được thấy với thị giác tinh khiết, và tại sao lại nói rằng thị giác chẳng phải tương đồng hay chẳng phải không tương đồng đối với cảnh vật quan sát.
Phật bảo Ngài Diệu Cát Tường và các đại chúng: Đối với mười phương Như Lai và chư Đại Bồ Tát trụ ở trong chánh định, thì thị giác và các duyên của thấy cùng với những pháp thuộc của tâm, tựa như hoa đốm giữa hư không và bổn nguyên không chỗ có. Thị giác này và các duyên vốn là tuệ giác vi diệu, tánh tịnh minh thể.
Thế thì làm sao ở trong giác ngộ mà có phải hay chẳng phải?
Này Diệu Cát Tường! Ta nay hỏi ông.
Như ông là Diệu Cát Tường thì có chỗ nào là Diệu Cát Tường hay không phải Diệu Cát Tường chăng?
Dạ không, thưa Thế Tôn! Con đơn giản chỉ là Diệu Cát Tường, không một chỗ nào là chẳng phải Diệu Cát Tường.
Vì sao thế?
Bởi nếu có chỗ nào thì sẽ có hai Diệu Cát Tường, nhưng bây giờ không phải con chẳng phải là Diệu Cát Tường. Thật sự thì không có tướng của phải hay chẳng phải.
Đức Phật bảo: Thị giác vi diệu trong sáng này, cùng với hư không và trần cảnh cũng lại như thế. Chúng vốn là từ chân tâm của tuệ giác vi diệu, trong sáng vô thượng, và thanh tịnh viên mãn. Là một sự nhầm lẫn nếu xem những vật có hình sắc, hư không, thính giác, thị giác, hay những giác quan khác là riêng rẽ.
Như ở trong thí dụ về một mặt trăng thứ hai, cái nào là mặt trăng và cái nào chẳng phải mặt trăng?
Này Diệu Cát Tường! Thật sự chỉ có một mặt trăng. Chúng ta không thể nói rằng đó là mặt trăng, còn kia chẳng phải mặt trăng. Do bởi ông nay xem xét thị giác với trần cảnh nên muôn thứ khởi lên. Đó gọi là vọng tưởng. Và ông chẳng thể ở trong ấy mà thoát khỏi chấp trước phải hay chẳng phải. Duy chỉ từ trong chân tánh trong sáng và diệu giác tinh khiết thì mới có thể khiến ông lìa khỏi chấp trước phải hay chẳng phải.
Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Thật đúng như lời của Pháp Vương về tánh giác ngộ duyên khắp các Thế Giới trong mười phương, nhưng nó vẫn trạm nhiên thường trụ, thể tánh chẳng sanh hay diệt.
Nếu vậy thì lời Phật dạy khác biệt như thế nào đối với luận thuyết minh đế của Phạm chí Hoàng Phát, hoặc phái ngoại đạo bôi tro lên thân hay những phái ngoại đạo khác nói rằng, có chân ngã biến khắp mười phương?
Thế Tôn cũng từng ở trên núi Bảo Danh diễn giải nghĩa này cho Đại Tuệ Bồ Tát và những vị khác rằng: Các ngoại đạo luôn nói về tự nhiên. Còn ta nói về nhân duyên. Đây không phải là cảnh giới của họ.
Nhưng nay theo con thấy thì tánh giác ngộ là tự nhiên, không sanh không diệt, lìa xa tất cả hư vọng điên đảo, dường như chẳng sanh từ nhân duyên và nó tự nhiên. Con chỉ mong Đức Phật khai thị để không rơi vào tà đạo và được tâm chân thật với diệu giác minh tánh.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Như Ta vừa mới dùng phương tiện mà khai thị điều chân thật cho ông. Tuy nhiên ông vẫn chưa khai ngộ và nhầm lẫn rằng tánh giác ngộ là tự nhiên.
Này Khánh Hỷ! Nếu tánh giác ngộ đích thật là tự nhiên thì ông lẽ ra phải có thể phân biệt được thể chất của tự nhiên. Giờ ông hãy quán sát ở trong thị giác nhiệm mầu trong sáng này.
Nó dùng cái gì để làm tự thể?
Thị giác này dùng ánh sáng để làm tự thể, dùng đen tối để làm tự thể, dùng hư không để làm tự thể, hay dùng ngăn che để làm tự thể chăng?
Này Khánh Hỷ! Nếu nó dùng ánh sáng để làm tự thể thì ông sẽ không thể thấy đen tối. Nếu nó dùng hư không để làm tự thể thì ông sẽ không thể thấy ngăn che. Tương tự như thế, nếu nó dùng tướng đen tối để làm tự thể thì tánh của thị giác sẽ đoạn diệt khi ánh sáng rọi đến.
Vậy thì làm sao ông có thể thấy ánh sáng chứ?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Nếu là thế, tánh của thị giác này chắc chắn không phải tự nhiên. Con bây giờ khởi nghĩ rằng nó sanh bởi nhân duyên. Tuy nhiên tâm con vẫn chưa hiểu rõ.
Kính hỏi Như Lai làm sao nghĩa này khế hợp với lời dạy của Phật về tánh nhân duyên?
Đức Phật bảo: Ông nói rằng nó sanh bởi nhân duyên. Ta lại hỏi ông.
Nay ông nhân bởi gì mà nhận biết thị giác hiện tiền?
Sự nhận biết này có phải nhân bởi ánh sáng mà thấy chăng?
Có phải nhân bởi đen tối mà thấy chăng?
Có phải nhân bởi hư không mà thấy chăng?
Có phải nhân bởi ngăn che mà thấy chăng?
Này Khánh Hỷ! Nếu sự nhận biết nhân bởi ánh sáng thì lẽ ra ông sẽ không thấy đen tối. Nếu sự nhận biết nhân bởi đen tối thì lẽ ra ông sẽ không thấy ánh sáng. Tương tự như thế, nếu nhân bởi hư không hay ngăn che thì đồng như nhân của ánh sáng và đen tối.
Lại nữa, Khánh Hỷ! Sự nhận biết này có phải duyên bởi ánh sáng mà thấy chăng?
Có phải duyên bởi đen tối mà thấy chăng?
Có phải duyên bởi hư không mà thấy chăng?
Có phải duyên bởi ngăn che mà thấy chăng?
Này Khánh Hỷ! Nếu sự nhận biết duyên bởi hư không thì lẽ ra ông sẽ không thấy ngăn che. Nếu sự nhận biết duyên bởi ngăn che thì lẽ ra ông sẽ không thấy hư không. Tương tự như thế, nếu duyên bởi ánh sáng hay đen tối thì đồng như duyên của hư không và ngăn che.
Cho nên phải biết rằng, sự hiện hữu của thị giác nhiệm mầu với trong sáng tinh khiết, thì không lệ thuộc vào nhân hay duyên, cũng chẳng phải tự nhiên hay chẳng phải không tự nhiên. Sự hiện hữu của nó không thể phủ định, nhưng đồng thời cũng chẳng thể nói rằng nó không thể phủ định. Sự hiện hữu của nó không thể xác định, nhưng đồng thời cũng chẳng thể nói rằng nó không thể xác định. Lìa khỏi tất cả tướng tức là tất cả pháp.
Nay ông làm sao có được sự phân biệt ở trong các pháp khi lại dùng tâm ý dựa trên danh tướng và những hí luận của thế gian?
Đó cũng như dùng nắm tay bắt lấy hư không chỉ tự chuốc nhọc nhằn.
Làm sao ông có thể bắt lấy hư không chứ?
Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Nếu tánh diệu giác chắc chắn không lệ thuộc vào nhân hay duyên, vậy thì tại sao Thế Tôn thường tuyên giảng cho các vị Bhikṣu rằng, thị giác phải cần đủ bốn loại duyên. Đó là hư không, ánh sáng, tâm, và căn mắt.
Nghĩa lý này là sao?
Đức Phật bảo: Này Khánh Hỷ! Ta nói về các tướng nhân duyên vận hành trong thế gian, đó không phải là chân lý cứu cánh.
Này Khánh Hỷ! Ta lại hỏi ông. Khi những người ở thế gian nói rằng tôi có thể thấy.
Sao gọi là thấy?
Sao gọi là không thấy?
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Nhân bởi ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, hay ngọn đèn mà người ở thế gian thấy đủ mọi hình tướng. Đó gọi là thấy. Nếu chẳng có ba loại ánh sáng này thì họ sẽ không thể thấy.
Này Khánh Hỷ! Nếu gọi là không thấy khi chẳng có ánh sáng, thì lẽ ra họ cũng không thấy đen tối.
Nếu thật sự thấy đen tối dù chẳng có ánh sáng, thì làm sao gọi là không thấy?
Này Khánh Hỷ! Nếu khi ở nơi tối, do họ chẳng thấy ánh sáng nên gọi là không thấy. Bây giờ khi ở nơi sáng và họ chẳng thấy tướng của đen tối, thì cũng nên gọi là không thấy. Như vậy cả hai trường hợp đều gọi là không thấy.
Cho dù ánh sáng và đen tối luân phiên hiện hữu, thì thị giác của ông vẫn không tạm dừng nghỉ. Như vậy phải biết rằng, cả hai trường hợp đều gọi là thấy.
Thế thì làm sao ông bảo là không thấy chứ?
Cho nên, Khánh Hỷ! Ông nay phải biết rằng, khi ai đó thấy ánh sáng, sự nhận biết của họ hiện hữu không phải vì ánh sáng. Khi ai đó thấy đen tối, sự nhận biết của họ hiện hữu không phải vì đen tối. Khi ai đó thấy hư không, sự nhận biết của họ hiện hữu không phải vì hư không. Khi ai đó thấy ngăn che, sự nhận biết của họ hiện hữu không phải vì ngăn che. Nên biết sự hiện hữu của thị giác đều chẳng phải bốn trường hợp trên.
Ông cũng nên biết rằng, khi dùng chân giác để nhận biết thị giác của ông, chân giác thì chẳng giống thị giác. Cả hai tách rời lẫn nhau. Thị giác thì không bằng chân giác.
Làm sao ông lại có thể nói về nhân duyên, tự nhiên, và tướng hòa hợp chứ?
Hàng Thanh Văn các ông kém cỏi chẳng biết và chẳng thể thông đạt thật tướng của thanh tịnh. Nay ta sẽ dạy bảo thêm cho ông. Hãy khéo tư duy và chớ mệt mỏi hay chểnh mảng trên con đường đến tuệ giác vi diệu.
Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Tuy Đức Phật Thế Tôn đã tuyên nói về nhân duyên, tự nhiên, cùng các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp cho chúng con, nhưng tâm con vẫn chưa khai ngộ. Bây giờ khi lại nghe về cái thấy của thị giác chẳng phải là chân giác, thì chúng con càng thêm mê muội. Kính mong Như Lai với lòng đại từ mà ban thí con mắt đại trí tuệ và khai thị cho chúng con để hiểu rõ tâm trong sáng thanh tịnh.
Khi nói lời ấy xong, Ngài rơi lệ bi ai, rồi đảnh lễ, và chờ đợi để tiếp thọ thánh chỉ. Lúc bấy giờ Thế Tôn thương xót Ngài Khánh Hỷ cùng các đại chúng, và muốn diễn giải con đường vi diệu của tu hành để dẫn họ đến tất cả chánh định của Đại Tổng Trì.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ rằng: Tuy ông có trí nhớ sắc bén, nhưng việc đó chỉ lợi ích đa văn. Còn đối với quán chiếu vi tế ẩn mật của tu chỉ, tâm ông vẫn chưa liễu đạt. Ông nay hãy lắng nghe. Ta sẽ phân biệt khai thị và cũng khiến những hành giả hữu lậu ở tương lai đắc đạo quả.
Này Khánh Hỷ! Hết thảy chúng sanh luân hồi trong thế gian đều là do phân biệt vọng kiến từ hai loại điên đảo. Khi hai cái thấy sai lệch này khởi sanh, chúng sanh phải luân chuyển theo nghiệp.
Hai thứ vọng kiến này là gì?
1. Chúng sanh biệt nghiệp vọng kiến.
2. Chúng sanh đồng phần vọng kiến.
Sao gọi là biệt nghiệp vọng kiến?
Này Khánh Hỷ! Ví như con mắt bị quầng đỏ của người ở thế gian, khi nhìn vào ngọn đèn ở ban đêm, chỉ riêng họ thấy có những vòng tròn với ánh sáng năm màu chất chồng lên nhau.
Ý ông nghĩ sao?
Những vòng ánh sáng hiện ra ở xung quanh ngọn đèn vào ban đêm, là thuộc về ngọn đèn, hay là thuộc về thị giác của người kia?
Này Khánh Hỷ! Nếu là thuộc về ngọn đèn, thì tại sao người không có mắt bị nhặm lại chẳng thấy, mà các vòng ánh sáng này chỉ riêng người có mắt bị nhặm mới thấy?
Còn nếu là thuộc về thị giác của người kia, thì sự nhận biết của họ cũng đã trở thành màu sắc.
Thế thì các vòng ánh sáng thấy được của người có mắt bị nhặm gọi là những gì?
Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu những vòng ánh sáng không thuộc về ngọn đèn, vậy khi người có mắt bị nhặm nhìn các vật xung quanh, như là bình phong, màn che, cái bàn, hay tấm chiếu, thì lẽ ra cũng có những vòng ánh sáng xuất hiện.
Còn nếu những vòng ánh sáng không thuộc về thị giác của người ấy, thì lẽ ra mắt của họ sẽ không nhìn thấy.
Thế nhưng tại sao người có mắt bị nhặm lại thấy được những vòng ánh sáng kia chứ?
Cho nên phải biết rằng, tuy màu sắc thật sự ở tại ngọn đèn, nhưng do mắt bị nhặm nên mới có những vòng ánh sáng. Mặc dù những vòng ánh sáng và sự nhận biết của chúng là do mắt bị nhặm mà có, nhưng sự nhận biết của mắt nhặm không phải là bệnh.
Nói tóm lại, ông không thể nói rằng, những vòng ánh sáng thuộc về ngọn đèn, hay thuộc về thị giác của người kia. Nhưng đồng thời ông cũng không thể nói rằng, chúng chẳng thuộc về ngọn đèn, hay chẳng thuộc về thị giác của người kia. Tương tự như thí dụ về mặt trăng thứ hai, nó chẳng phải là mặt trăng thật mà cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng thật.
Vì sao thế?
Bởi khi lấy ngón tay ấn vào con mắt thì người đó sẽ thấy hai mặt trăng. Những ai có trí thì sẽ không bảo rằng, mặt trăng thứ hai do từ kết quả của ấn vào con mắt, là mặt trăng thật hay nó chẳng phải là mặt trăng thật, hoặc là thuộc về thị giác của người kia hay chẳng thuộc về thị giác của người kia.
Việc này cũng lại như thế. Do mắt bị nhặm nên mới xuất hiện những vòng ánh sáng.
Nay ông có thể nói rằng chúng chỉ thuộc về ngọn đèn, hoặc chỉ thuộc về thị giác của người kia chăng?
Chắc chắn là không. Hà huống là có thể phân biệt chúng chẳng thuộc về ngọn đèn hoặc chẳng thuộc về thị giác của người kia.
Sao gọi là đồng phần vọng kiến?
Này Khánh Hỷ! Ở châu Thắng Kim, ngoại trừ nước của biển lớn, trong ấy có ba ngàn châu lục với một châu lục lớn nằm ở trung tâm. Từ đông sang tây của đại châu lục này trải rộng và có hai ngàn ba trăm nước lớn. Còn các tiểu châu lục nằm ở trong các biển, trong ấy hoặc có hai trăm hay ba trăm quốc gia, hoặc một hoặc hai, cho đến ba mươi, bốn mươi, hay năm quốc gia.
Này Khánh Hỷ! Nếu lại ở trong ấy có một tiểu châu lục với hai quốc gia, và duy chỉ nhân dân của một trong hai nước đồng cảm ứng duyên ác, thì chúng sanh của quốc gia đó sẽ thấy những việc bất tường. Hoặc họ thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng. Hoặc nơi mặt trời và mặt trăng xuất hiện những vòng tròn hay nửa vòng tròn với màu trắng hay màu khác. Hoặc họ thấy thiên thạch hay sao chổi bay xẹt bầu Trời.
Hoặc bên cạnh hay ở trên mặt trời xuất hiện vầng năng lượng hình cung hay hình lỗ tai, hoặc những đường ánh sáng giữa bầu Trời. Có muôn loại hiện tượng xấu như thế. Chỉ có chúng sanh ở trong nước đó thấy những hiện tượng này. Còn chúng sanh ở nước khác thì hoàn toàn không thấy và cũng chẳng hề nghe đến.
Này Khánh Hỷ! Ta nay sẽ so sánh hai sự việc này để làm sáng rõ cho ông.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba