Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Bảy - Tăng Trưởng - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY

TĂNG TRƯỞNG  

TẬP NĂM  

Bấy giờ, phía trước đại chúng liền xuất ra sáu vạn ức hoa sen. Hoa ấy màu sắc vi diệu, hương thơm đầy đủ, ngàn cánh đầy đặn, làm bằng bốn báu. Mỗi một hoa sen phát ra hương thơm thù thắng lan khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Nơi các Thế Giới ấy, ngửi được mùi hương này, các hàng Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích, Phạm, Ma, Sa Môn, Bà La Môn… tất cả chúng sinh thảy đều đạt sự ưa thích giáo pháp, tâm ưa đại thừa, mong muốn nghe pháp, dứt mọi phiền não. Hoa này thành tựu hương thơm công đức vi diệu như vậy.

Lúc ấy, ngồi trong chúng hội, thấy những thần biến như thế, Đại Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng liền đứng dậy chấp tay, cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đây là hình tướng gì?

Diệu lực nơi công đức ấy là của ai, khiến nơi đại hội này xuất hiện hoa vi diệu phát ra hương thơm vô lượng?

Khi ấy, Thiên Nữ Tịnh Quang nói với Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng: Này thiện nam! Tất cả các pháp thảy đều vô tướng, tại sao lại hỏi: Đây là hình tướng gì?

Các pháp đều như mộng, sao lại điên đảo hỏi như kẻ mê loạn?

Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng nói: Lành thay! Lành thay! Này Thiên Nữ! Chẳng phải tôi không thấy các pháp như mộng, nhưng vì tôi muốn cắt đứt sự lệ thuộc vào tướng kia nên mới hỏi như vậy.

Thiên nữ nói: Đại Đức! Vì sao Bồ Tát thấy sự lệ thuộc vào tướng mà nêu ra câu hỏi này vậy?

Thiên nữ! Như ta đã nói, vì muốn khiến cho chúng sinh được độ thoát nên mới hỏi như thế.

Đại Đức! Nếu không tự mình đoạn dứt cái thấy của ta, cái nghi của ta thì làm sao có thể độ thoát chúng sinh được?

Nếu không tự mình đoạn dứt cái thấy của ta, cái nghi của ta, mà muốn đoạn trừ cái thấy, cái nghi cho chúng sinh, điều đó hoàn toàn không thể có.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Thật đúng như những gì Thiên Nữ nói. Đại Bồ Tát trụ vào tam muội ấy thì chỉ thấy vô tướng.

Này thiện nam! Nếu người nam, người nữ nào muốn thấy vô tướng, phải nên tinh tấn tu tam muội này. Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này thì có khả năng hiện các loại thân trong ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Bạch Thế Tôn! Vì sao các vị Bồ Tát trụ vào tam muội này, có khả năng hiện các thân trong ba ngàn đại thiên Thế Giới?

Này thiện nam! Nếu có huyễn sư hoặc đệ tử của ông ta, ở giữa đại chúng có khả năng biến hóa ra đủ loại hoặc nam hoặc nữ, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc sống hoặc chết, hoặc tới hoặc lui, hoặc nhà hoặc rừng, hoặc voi hoặc ngựa, hoặc cắt hoặc dứt, hoặc phá hoặc hoại, hoặc kết hoặc đoạn trừ… đại chúng nhìn thấy không sinh lòng kinh ngạc.

Vì sao?

Vì mọi người đã thấu rõ sự huyễn hóa.

Đại Bồ Tát cũng như vậy. Trụ vào tam muội này, tu tập chánh đạo, hóa hiện ra các thân trong ba ngàn đại thiên Thế Giới là vì muốn độ thoát chúng sinh, nên mới trụ vào tam muội ấy. Các vị Bồ Tát thấy sự biến hóa này không sinh lòng kinh ngạc, không có tâm nghi ngờ, tùy thuận theo nghĩa, không có trái ngược.

Vì sao?

Vì biết chắc rằng đây chính là diệu lực của tam muội ấy.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này có khả năng hiện thân từng nơi, tùy theo vô số thứ loại hành vi của các chúng sinh nơi ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Hoặc là hiện ở trong thai mẹ tại Cõi Diêm Phù Đề. Tất cả chúng sinh thật thấy Bồ Tát ở nơi thai mẹ nhưng thật sự Bồ Tát này không ra khỏi thai. Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề, hiện ra khỏi thai mẹ, chúng sinh cũng thấy Bồ Tát ra khỏi thai mẹ nhưng thật sự Bồ Tát này không phải ra khỏi thai.

Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề, hiện ban đầu xuống tóc, tạo mọi thứ vui đùa, tất cả chúng sinh đều thấy như vậy, nhưng thật sự Bồ Tát không có tướng này.

Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề, hiện đến học đường học các kỹ nghệ, thư sớ, toán số, tất cả chúng sinh đều thấy Bồ Tát ban đầu mới học tập, nhưng thật ra Bồ Tát này đã tu học trải qua vô lượng kiếp ở quá khứ.

Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề hiện hành vi như người, sư tử, ngỗng trống… tất cả chúng sinh đều thấy Bồ Tát hiện hành vi như người, sư tử, ngỗng trắng… nhưng thật ra Bồ Tát đều không có tướng này.

Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề thị hiện có vợ con, vui thú năm dục. Tất cả chúng sinh đều thấy tướng ấy, nhưng Bồ Tát đã xa lìa nó từ kiếp xưa, chỉ lấy pháp lạc làm niềm vui thích cho chính mình.

Hoặc tại Cõi Diêm Phù Đề thị hiện đại tiện tiểu tiện, tất cả chúng sinh cũng thấy tướng này, nhưng vị Bồ Tát này đắc pháp thân đích thật chẳng phải thân tạp thực.

Tại sao lại có đại tiện lợi, tiểu tiện lợi, nhấm ngậm dương chi, mặc áo, rửa tay, chân mang giày dép, tay cầm dù lọng, thân đeo anh lạc, ăn uống, đói khát, sinh, già, bệnh, chết, hành đàn Ba la mật, được làm Chuyển Luân Vương, nô tỳ, nô bộc, nam nữ lớn nhỏ, hoặc làm người, Trời, khổ hạnh Đầu Đà.

Hiện làm Tỳ Kheo tạo phước lợi cho chúng sinh, hiện quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, phá hoại Chúng Tăng, nghe pháp, nói pháp, ăn nuốt cơm độc, phạm bốn trọng cấm, gây tội ngũ nghịch, hiện thân Thanh Văn, Phật Bích Chi, xuất gia học đạo, bên gốc bồ đề chuyển bánh xe chánh pháp, hiện đại thần túc nhập vào Niết Bàn, hoặc làm Thích, Phạm, Ma Ba Tuần, lưu chuyển các cõi giống như bánh xe cũng như vậy.

Này thiện nam! Tuy Đại Bồ Tát tùy thuận mọi hành vi của thế gian mà làm như vậy, đó là vì muốn độ thoát, hoàn toàn không sinh tướng chúng sinh, thường tu pháp tướng.

Vì sao?

Là vì diệu lực của tam muội ấy.

Đại Bồ Tát không có nơi đắm chấp, không chấp vào Thanh Văn, không chấp nơi Duyên Giác, vì lòng thương xót tất cả thế gian nên muốn độ thoát chúng sinh, bất kỳ nơi đâu, tùy theo sự ưa thích của họ mà hiện ra thân ấy. Thế nên Bồ Tát tu tập vô tướng, thấy vô tướng.

Nếu ai có khả năng thấy vô tướng như vậy, thì gọi là chánh kiến. Thiên Nữ Tịnh Quang cũng tu vô tướng. Chư Phật Thế Tôn trụ vào tam muội ấy, do đó là không thể nghĩ bàn.

Bạch Thế Tôn! Thiên Nữ Tịnh Quang này đã thành tựu đầy đủ trí tuệ thâm diệu. Nếu cảnh giới vô tướng không thể nghĩ bàn thì những ai tu tập cũng không thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười. Từ nơi kim diện phát ra vô lượng ánh sáng năm màu tỏa chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới. Ánh sáng ấy trên chiếu đến Cõi Trời Phạm Thế, biến khắp tất cả, xoay quanh thân ba vòng rồi thu nhập vào miệng.

Khi ấy, đại địa chấn động đủ sáu cách, trang nghiêm thanh tịnh như cõi Uất Đan Việt. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới cũng như vậy. Nhờ vào thần lực của Phật, tất cả chúng sinh thảy đều được thấy.

Lúc này, Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng lại đứng dậy, sửa lại y phục, cung kính chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì phóng ra ánh sáng này?

Phật đáp: Này thiện nam! Ông đã thưa hỏi, ta đã trả lời, nên mới phóng ra ánh sáng đoan nghiêm này.

Này thiện nam! Về phương Tây của cõi này có một Thế Giới tên An Lạc.

Vị Phật nơi cõi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ, nay ở đời này thường vì chúng sinh giảng nói chánh pháp, đã bảo một vị Bồ Tát: Này thiện nam! Tại Thế Giới Ta Bà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì các chúng sinh phước ít, căn chậm lụt mà giảng nói Kinh Đại Vân. Ông hãy đến nơi đó, hết lòng nghe, nhận.

Thế rồi, vị Bồ Tát ấy muốn đến nơi đây, nên trước hết hiện bày tướng đoan nghiêm.

Này thiện nam! Ông quán tại Thế Giới đó, thân tướng của các vị Bồ Tát đầy đủ năm vạn sáu ngàn do tuần.

Bạch Thế Tôn! Vị Bồ Tát ấy danh hiệu là gì?

Vì sao lại đến đây?

Có lẽ chẳng phải vì độ thoát chúng sinh mà đến?

Cúi xin Như Lai hãy vì các chúng sinh mà phân biệt nói rõ.

Này thiện nam! Vị Bồ Tát nơi Thế Giới đó vì muốn lãnh hội việc được thọ ký của Thiên Nữ Tịnh Quang và vì muốn cúng dường tam muội này nên mới đến đây.

Thiện Nam! Vị Bồ Tát ấy tên Vô Biên Quang, thông đạt phương tiện, có khả năng khéo dạy dỗ, hướng dẫn.

Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai nói về vị Thiên Nữ này đã phát tâm cầu đạt đạo quả bồ đề vô thượng vào thời Đức Phật nào?

Và lúc nào sẽ chuyển được thân nữ?

Này thiện nam! Nay ông không nên hỏi về việc chuyển thân nữ. Thiên Nữ trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp vì chúng sinh nên hiện thân nữ. Ông nên biết, đây chính là thân phương tiện, chẳng phải là thân nữ thật sự.

Tại sao nói là khi nào sẽ được chuyển thân nữ này?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát trụ vào tam muội ấy, thân được tự tại, có khả năng tạo ra vô số các thứ phương tiện tùy nghi. Mặc dù mang thân hình nữ, nhưng tâm không tham chấp, không bị cấu nhiễm theo tham dục.

Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai hãy vì chúng sinh mà giảng nói về những việc đời sau của Thiên Nữ.

Này thiện nam! Ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói về việc đó: Vào bảy trăm năm sau khi ta dùng phương tiện nhập Niết Bàn, tại Nam Thiên Trúc này có một nước nhỏ tên Vô Minh. Nước ấy có sông tên Hắm Ám.

Hướng bờ phía Nam có thành tên Thục Cốc. Thành đó có Vua tên Đẳng Thừa. Phu nhân của Vua này sinh được một công chúa tên Tăng Trưởng, hình dáng đoan nghiêm, được mọi người yêu mến, hộ trì giới cấm, siêng năng không biếng nhác.

Do sinh nàng công chúa này, đất nước của vị Vua ấy luôn được mùa, lúa gạo sung túc, vô cùng an vui. Dân chúng đông đúc, không một mảy may bệnh khổ, lo buồn, sợ hãi, hoạn nạn, thành tựu đầy đủ tất cả việc tốt đẹp. Các Vua lân cận đều đến quy thuận.

Pháp hữu vi là vô thường biến đổi, nên nhà Vua bỗng nhiên băng hà. Khi ấy, các vị đại thần bèn tôn công chúa lên kế vị Vua. Công chúa này nương theo lẽ phải, uy đức hàng phục khắp thiên hạ. Hết thảy các nước trong toàn Cõi Diêm Phù Đề thảy đều tuân theo, không có chống đối.

Nữ Vương tự tại, thu phục tà kiến. Vì muốn cúng dường xá lợi Phật, Nữ Vương bèn cho xây tháp bảy báu khắp Cõi Diêm Phù Đề, đem những vải lụa đủ màu, phướn lọng thượng diệu, hương chiên đàn để cúng dường khắp cả.

Thấy những ai hộ pháp, trì tịnh giới, Nữ Vương cung kính cúng dường. Thấy những ai phá giới, hủy hoại chánh pháp, Nữ Vương quở trách, xử trị, khiến chấm dứt, không còn tái phạm.

Nữ Vương tu tập đầy đủ mười Ba la mật, thọ trì năm giới, cứu giúp kẻ bần cùng, dẫn dắt, dạy dỗ vô lượng chúng sinh, giảng nói Kinh Đại Vân để điều phục tâm họ. Hễ ai nghe Kinh Đại Thừa Phương Đẳng thì cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán.

Trọn hai mươi năm thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói Kinh Đại Vân này, sau đó mạng sống chấm dứt, vào lúc ấy mới chuyển thân nữ. Vì hàng phục chúng sinh, Nữ Vương thị hiện đại thần thông và cũng vì muốn cúng dường Đức Phật Vô Lượng Thọ nên đã sinh vào Thế Giới của vị Phật ấy.

Bạch Thế Tôn! Vị Nữ Vương này vào đời vị lai có đắc đạt được quả vị bồ đề vô thượng không?

Này thiện nam! Vào đời vị lai, trải qua vô lượng kiếp, Nữ Vương này sẽ thành Phật, hiệu là Tịnh Bảo Tăng Trưởng gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Giới Ta Bà này trở nên trong sạch, sáng sủa. Khi ấy, có thành tên Thanh Tịnh Diệu Hương, chỉ toàn dùng bảy báu trang nghiêm, vô lượng tối thắng, giống như cung Trời Đao Lợi. Trong thành gồm có chín vạn ức người, đất đai bằng phẳng, không có gai gốc, sỏi cát, ngói đá.

Dân chúng nơi ấy không sinh tà kiến, ái trọng đại thừa, không có tên Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả chỉ thuần là Bồ Tát Đại Sĩ, tu tập tâm từ, bi, hỷ, xả, thành tựu nhẫn nhục, thọ mạng vô lượng.

Này thiện nam! Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu của Đức Phật Như Lai này, sẽ không còn bị đọa nơi ba nẻo ác, chuyển sinh nơi hàng Trời, người.

Khi Đức Phật giảng nói Kinh này xong, vô lượng chúng sinh đắc quả vị bất thoái chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần