Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Một - Nói Về đại Chúng - Tập Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
CHƯƠNG MỘT
NÓI VỀ ĐẠI CHÚNG
TẬP BỐN
Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam!
Vì muốn tạo An Lạc cho chúng sinh ở thế gian, ông đã nêu ra những câu hỏi này, là những câu hỏi rất có ý nghĩa. Tất cả chúng sinh do bị vô minh làm cho tăm tối nên không thể biết được mọi công đức chân thật của Chư Phật.
Này thiện nam! Nay ông muốn khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt được con mắt trí tuệ thường nhãn, thường quang, vượt hẳn qua sông lớn phiền não sinh tử, hiểu rõ hạnh bồ đề của Chư Phật.
Muốn phá tan màn kết vô minh cho chúng sinh, chỉ dẫn hạnh bồ đề vô thượng, hay ưa diễn nói về không thường, không lạc, không ngã, không tịnh của tất cả chúng sinh, thế mà nay muốn mở bày về thường, lạc, ngã, tịnh. Như Lai rốt ráo nhập vào Niết Bàn không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, thế mà nay muốn mở bày về việc Chư Phật Thế Tôn không rốt ráo diệt, thường trụ bất biến.
Này thiện nam! Tất cả chúng sinh thường vọng sinh phân biệt về pháp giới, thế nhưng tánh của pháp giới thật sự không phân biệt. Nay nêu câu hỏi, tức ông muốn hỏi về ý nghĩa không phân biệt.
Này thiện nam! Tất cả chúng sinh thường bị cấu nhiễm do các thứ tà độc. Như Lai Thế Tôn là bậc đại lương y, ý ông muốn bậc y vương Như Lai ra toa trao thuốc, trị mọi thứ bệnh khổ cho chúng sinh.
Này thiện nam! Giống như Phạm Chí Già La Ca cùng các Bà La Môn Ni Kiền Tử, thật sự chẳng phải là A La Hán mà khởi lên ý tưởng của La Hán.
Chẳng phải là Bậc Thánh mà khởi lên ý tưởng của Bậc Thánh.
Chẳng phải là hàng Trời mà khởi lên ý tưởng của hàng Trời.
Thật chẳng phải là pháp thường, lạc, ngã, tịnh mà khởi lên ý tưởng của thường, lạc, ngã, tịnh.
Nay vì muốn nhổ mũi tên tà độc, cởi bỏ sự ràng buộc tà vạy, phá địa ngục tà, ra khỏi lưới tà, ban phát vị cam lồ, ngủ yên nơi bốn thiền, thoa hương tịnh giới, bốn đẳng làm hoa, hổ thẹn làm áo mặc cho chúng sinh, ông đã nêu ra câu hỏi này.
Này thiện nam! Tất cả chúng sinh không biết tổng tướng, không biết biệt tướng, tướng, không tướng, chẳng phải tướng, chẳng phải là không tướng, chẳng phải là tướng tướng, chẳng phải là không tướng tướng.
Không thể biết, chẳng phải là không thể biết.
Chẳng phải bên này, chẳng phải bên kia.
Chẳng phải tay, chẳng phải ngón tay.
Chẳng phải bên này, bên kia, chính giữa.
Chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác.
Chẳng phải chỉ bày, chẳng phải không chỉ bày.
Chẳng phải nguyên nhân, chẳng phải không nguyên nhân.
Chẳng phải mau chóng, chẳng phải không mau chóng.
Chẳng phải nhận biết, chẳng phải không nhận biết.
Chẳng phải hiểu biết, chẳng phải không hiểu biết.
Chẳng phải trụ, chẳng phải không trụ.
Chẳng phải tối, chẳng phải sáng.
Chẳng phải tướng, chẳng phải danh.
Chẳng phải nhẹ, chẳng phải nặng.
Chẳng phải yếu, chẳng phải mạnh.
Chẳng phải nơi chốn, chẳng phải không nơi chốn.
Chẳng phải sạch, chẳng phải không sạch.
Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.
Chẳng phải có, chẳng phải không.
Chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói.
Chẳng phải lấy, chẳng phải bỏ.
Không sinh không lui.
Chẳng phải thật, chẳng phải hư.
Chẳng phải chánh, chẳng phải tà.
Chẳng phải rốt ráo, chẳng phải không rốt ráo.
Chẳng phải ruộng phước, chẳng phải không ruộng phước.
Chẳng phải thời gian, chẳng phải không thời gian.
Chẳng phải có thể sạch, chẳng phải không thể sạch.
Chẳng phải tạo tác, chẳng phải có khả năng tạo tác.
Chẳng phải sinh, chẳng phải diệt.
Chẳng phải lạnh, chẳng phải nóng.
Chẳng phải ấm, giới, nhập, chẳng phải kết nhân, chẳng phải nghiệp nhân.
Chẳng phải sinh, chẳng phải đọa.
Chẳng phải trưởng, chẳng phải tăng trưởng.
Chẳng phải có đọa lạc, rốt ráo không đọa.
Chẳng phải là pháp hữu, dứt hẳn các hữu.
Chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai.
Chẳng phải thật, chẳng phải không thật.
Chẳng phải tánh, chẳng phải không tánh.
Chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức.
Chẳng phải tận, chẳng phải bất tận, cũng không thể tận.
Chẳng phải đẳng, chẳng phải vô đẳng, cũng không cùng đẳng.
Chẳng phải đất, nước, gió, lửa.
Tất cả pháp giới thật không có thân, tướng của thật tướng là rốt ráo chân thật. Đó gọi là Như Lai được thành tựu từ các đại công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Thân như vậy tức là chân pháp thân của Chư Phật. Ý nghĩa sâu xa không thể nghĩ bàn.
Pháp giới của Như Lai sâu kín thâm diệu, không dời đổi chốn gốc. Tuyên nói chánh pháp khiến Chư Phật trong mười phương thảy đều nghe biết.
Vì sao?
Vì nẻo hành hóa của Như Lai hiện bày thần lực tự tại. Những điều sâu kín như thế, các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không sao nghe được.
Này thiện nam! Tại sao Chư Phật lại không vì các hàng này mà giảng nói khiến họ được nghe?
Này thiện nam! Ngay cả nghĩa của một chữ, các hàng Thanh Văn, Duyên Giác cũng không thể nào giải thích được. Họ giống như kẻ cuồng loạn, sinh ra bị mù, uống thuốc độc, như tằm trong kén, như trúng tên độc, như người bệnh ho đàm khi uống nước. Vì thế, Chư Phật không giảng nói cho họ biết.
Này thiện nam! Tất cả chúng sinh bị các kiết sử phiền não gây bệnh. Chư Phật Như Lai có năng lực ban cho pháp dược, dùng chú thuật mầu nhiệm nhổ mũi tên độc, trừ bệnh đau vai. Chúng sinh thật sự không biết Như Lai thường trụ bất biến. Như Lai đốt ngọn đuốc pháp trí tuệ vì muốn khiến cho chúng sinh thấy được thường, lạc, ngã, tịnh.
Ví như mặt trời xuất hiện có thể khiến cho mọi chúng sinh thấy khắp được mọi tướng trạng cao thấp của mặt đất. Như Lai cũng vậy, tất cả chúng sinh không biết phương đẳng, cũng không thể đạt được tam muội tổng trì, không biết thời giờ của Phật, không biết tài sản của Phật, không thấy thân Phật, không hiểu tướng trạng Niết Bàn của Như Lai, không biết sự diệt cùng không diệt của Phật Pháp.
Mà lại cho rằng: Như Lai vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Mũi tên phiền não là thức ăn tạp độc. Thế nên, ta diễn nói pháp thường, lạc, ngã, tịnh của Chư Phật là muốn dứt trừ sự tối tăm u ám của vô minh cho những người ấy.
Này thiện nam! Các hàng Thanh Văn, Duyên Giác chưa từng được nghe về nghĩa lý của một chữ, nay vì muốn cho họ được nghe, ông đã nêu ra những câu hỏi ấy. Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ thật chín chắn, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.
Có Kinh vương Đại Phương Đẳng cam lồ khai mở kho báu lớn chẩn cấp cho người nghèo khổ, khai phát kho công đức của Chư Phật. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tánh ấy vô tận, xưa nay nó bị che lấp. Nay Chư Phật Như Lai muốn hiển thị nên đã thắp ngọn đèn trí tuệ lớn soi sáng, khiến cho chúng sinh thấu hiểu rõ ràng, nhận thấy minh bạch.
Này thiện nam! Ta định nói, ông liền nêu bày câu hỏi.
Trước đây ông đã phát thệ nguyện chưa?
Đại Bồ Tát Đại Vân Mật Tạng nói: Bạch Thế Tôn! Thật sự xưa nay con không phát nguyện này, mà đây chính là do sức thần thông, lòng đại từ bi của Đức Thế Tôn và vì muốn độ thoát chúng sinh nên con mới nêu ra câu hỏi như thế. Đó chính là do con muốn phá tan sự khốn khổ, bần cùng của chúng sinh, muốn cho chúng sinh được tâm ý vô tận.
Nay Như Lai giảng nói tức có khả năng tiêu diệt mọi sự tối tăm bao trùm của vô minh cho tất cả chúng sinh, khiến họ đạt được vật báu trí tuệ, khiến thấy rõ Phật tánh, thấy được pháp thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai chăng?
Phật đáp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Nay vì muốn giúp chúng sinh vượt qua biển sinh tử, vì muốn truyền bá rộng rãi Kinh Điển Phương Đẳng, vì khiến cho chánh pháp luôn thường trụ, ban phát tất cả pháp vị cam lồ, trừ dứt mọi sự khốn khổ, bần cùng cho chúng sinh nên ông đã nêu ra những câu hỏi như vậy, ý nghĩa của nó rất là sâu xa.
Hãy lắng nghe, ghi nhận, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói, khiến cho các chúng sinh đạt được sự an ổn, vui vẻ. Nay ông nên vì tất cả chúng sinh khéo giữ gìn nghĩa này.
Này thiện nam! Tất cả các Như Lai đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đều có thể một pháp gọi là pháp giới.
Dựa vào pháp giới này, Chư Phật Thế Tôn đều có thường tuệ, dùng nước thường tuệ tắm sạch bản thân, uống vị nước cam lồ và cùng đem ban bố cho tất cả muôn loài, khiến họ tu tập theo nẻo hành hóa của Chư Phật. Ông nên uống vị nước cam lồ này. Khi đã uống xong, ông nên ban phát.
Nay ta sẽ nói, ông khéo lắng nghe. Những điều ta nói thảy đều tốt đẹp, nghĩa lý chân thật, lời lẽ nhiệm mầu, âm thanh thanh tịnh, thuần chất không xen tạp, đầy đủ tướng trạng của phạm hạnh thanh bạch.
Này thiện nam! Có Kinh Đại Vân là biển lớn tổng trì, là biển lớn tam muội, chính là pháp ấn của Như Lai, là thành pháp của Chư Phật, là pháp giới hết mực thâm diệu, thường trụ bất biến, là`thường, lạc, ngã, tịnh, không thể nghĩ bàn.
Này thiện nam! Nếu ai thọ trì, biên chép, đọc tụng, giảng nói, thì người ấy có khả năng phá tan phiền não cho chúng sinh, đoạn trừ mọi bần cùng, khốn khổ.
Nhằm lúc đói khát, đồng ruộng tiêu điều, nước non quý hiếm v.v… nếu đọc tụng Kinh này thì sẽ được mùa màng thêm tươi, đất đai trù phú. Hoặc lúc hạn hán, Trời không giáng mưa, hoặc có lúc khát khao pháp thực, đọc tụng Kinh này thì sẽ đạt được vị pháp cam lồ tổng trì.
Nếu ai muốn có đầy đủ đại thần thông thì nên thọ trì Kinh này.
Nếu muốn tuôn trận mưa pháp thấm nhuần cây khô thì nên đọc Kinh này.
Nếu có bệnh hoạn cũng nên thọ trì Kinh này.
Vì sao?
Vì Kinh này là thần dược cho mọi thứ bệnh hoạn. Kinh này có năng lực đoạn trừ mọi độc hại, là đại Đà La Ni, là đại Tam Muội. Kinh này là những hương thoa, hương bột, hương đốt, là hoa thanh tịnh vi diệu.
Này thiện nam!
Nay ông đốt lên ngọn đèn trí tuệ, phá tan sự tối tăm, cuồng ngu cho chúng sinh, thế nhưng các chúng sinh thường nói: Pháp vô thường, vô ngã, vô tịnh của Như Lai là pháp hoại diệt, chúng sinh như vậy tức là uống nước độc, bị mũi tên cực độc, vết thương lở lói, cuồng say, mất tâm, bị vô minh che lấp.
Hàng Thanh Văn, Duyên Giác giống như loài bò già yếu đuối. Vì thế, ông nên tuyên nói rộng rãi, phân biệt công đức của Như Lai, dùng dầu thật tướng làm sáng tỏ thêm ngọn đèn trí tuệ, khai phát mắt tuệ, trừ bỏ sự tối tăm của vô minh.
Nếu ai nói Như Lai thật sự sinh ra nơi Vương Gia Du Đầu Đàn, xuất gia học đạo, tu tập khổ hạnh, phá trừ quân ma, ngồi nơi đạo tràng thành đạo Bồ Đề, thì nên biết, đấy là kẻ hủy báng Phật. Thà bị chặt đầu, nhổ đứt cả lưỡi, chớ nên phát ra những lời nói hư vọng như vậy.
Vì sao?
Vì chẳng thể khéo giải thích được những lời nói bí mật của Chư Phật Như Lai.
Nếu trong Kinh có chép: Sa Môn Cù Đàm, thì nên biết đó là mật ngữ.
Này thiện nam! Nếu vì chúng sinh thị hiện thần túc thì nên biết đó là đứa con chân chánh của Phật.
Này thiện nam! Ông vì đạt được quả báo lớn nên đã trao cho các hàng Thanh Văn, Phật Bích Chi những thứ thuốc như thuốc khiến nôn tháo ra, thuốc làm giảm đau, thuốc xông, thuốc uống, thuốc trị các bệnh.
Những thuốc ấy là gì?
Đó là Kinh Điển Đại Thừa Phương Đẳng.
Ông nên biết: Kinh này tức là Chuyển Luân Thánh Vương trong các Kinh.
Vì sao?
Vì trong Kinh Điển này có chép: Thật tánh, Phật tánh của chúng sinh thường trụ trong tạng pháp. Chúng sinh không hiểu rõ cả đến một câu một chữ. Nay ông nên lắng nghe, lắng nghe rồi tức đấy sẽ là tạng pháp của ông. Ông lại nên quán cảnh giới của Kinh này.
Này thiện nam! Kinh này có pháp môn gồm bốn trăm thứ giải thoát không thể nghĩ bàn của Chư Phật, Bồ Tát.
Này thiện nam! Kinh này có môn tam muội thần thông vương trong tạng báu của các pháp.
Này thiện nam! Kinh này có môn Đà La Ni nơi tạng báu trong ba mươi sáu trí tuệ không thoái chuyển của Chư Phật, Bồ Tát.
Này thiện nam! Kinh này lại có pháp môn gồm ba mươi ba loại phương tiện giải thoát theo đại hạnh hội nhập mọi âm thanh chúng sinh của Chư Phật, Bồ Tát.
Này thiện nam! Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại thần túc đại hạnh quang vương hội nhập tạng mật hạnh của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại từ cảnh giới đạo hành nghiệp sinh tử, đạt được tâm định giải thoát theo tuệ nguyện tạng của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí bất diệt nhập vào tư duy theo thần thông vương của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại tạng pháp tư duy không sinh, có thể hội nhập nơi thần túc của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí thâm diệu hội nhập vào hạnh Pháp Vương vô úy của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại Đại vân thấy tạng công đức không thể nghĩ bàn nơi giáo pháp của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn nhập vào mười loại ngôn ngữ của chúng sinh, tu pháp hạnh lớn theo phương tiện không dứt bỏ giải thoát của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại thần thông hội nhập nơi sinh hành, hữu hành, hành tạng quang vương của Chư Phật, Bồ Tát.
Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại Tam Muội tâm trụ nơi hạnh nghiệp sinh tử phiền não giải thoát theo pháp tạng thệ nguyện của Chư Phật, Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Phước Sanh
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Như Pháp Trụ Sanh Bồ đề địa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Ba - Phẩm Chuyển Luân Vương
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Mười - Phẩm địa Pháp Vân - Tập Một