Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Căn Bản Nghi Quỹ - Phẩm Chín - Phẩm Nhất Thiết Pháp Hành Nghĩa - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

BỒ TÁT TẠNG VĂN THÙ SƯ LỢI

CĂN BẢN NGHI QUỸ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiên Tức Tai, Đời Tống  

PHẨM CHÍN

PHẨM NHẤT THIẾT

PHÁP HÀNH NGHĨA  

TẬP MỘT  

Bấy giờ Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch với Đức Thế Tôn rằng: Lành thay! Đức Thế Tôn khéo hay diễn nói tất cả Minh Tối Thượng Chân Ngôn Tương Ứng Đại Pháp Vân Sarva vidyā mantra prayoga mahā dharmamegha, tất cả Như Lai Tâm Sarva tathāgata hṛdya, Đại Luân Minh Vương Mahā vidyā rāja cakravarti.

Pháp Đại Nghi Quỹ Mahā kalpa khiến cho Hành Nhân kia ở tất cả nghĩa được quả viên mãn, thực hành đạo vô thượng, trì tụng Hộ Ma, nhập vào tam muội, được tướng nhân quả, hiện chứng đại thập lực, pháp chưa từng có, quyết định được ngồi Bồ Đề Đạo Trường.

Lành thay Thế Tôn! Nguyện xin nói người tu Chân Ngôn Hạnh cầu thành tựu kia, ở trong mộng thấy tướng cát tường, đối với tất cả Minh vidya mà được thành tựu. Lại nữa, vì Hành Nhân ấy với các chúng sinh làm đại nhiêu ích, tu các pháp hành, rồi ở trong mộng thấy tướng cát tường, biết chỗ làm ấy, quyết định thành tựu.

Thế Tôn! Làm sao thành tựu điềm lành cát tường?

Nguyện vì con diễn nói.

Bấy giờ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Kim Cương Thủ Bồ Tát rằng: Lành thay! Lành thay Kim Cương Thủ! Ông Đại Bi Mẫn làm Dạ Xoa Vương vì phần lớn hữu tình của chúng thế gian làm lợi ích an vui.

Lại vì các người tu hành mà thưa hỏi ta: Người kia ở trong mộng, thấy điềm lành nào mới là cát tường?

Ở tất cả Minh, quyết định được thành tựu.

Này Kim Cương Thủ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Ông hãy khéo nghĩ nhớ! Nay ta vì ông, mỗi mỗi tuyên nói.

Kim Cương Thủ! Ta trước tiên nói rằng: Người muốn làm pháp, trước hết tìm nơi thanh tịnh không có ngăn ngại ấy là nơi ở trong núi, nơi trên đỉnh núi, nơi ở sườn núi, hoặc nơi bên bờ sông, thanh tịnh không có ngăn ngại, làm an cư xong, an trí tượng Phật, hiến cúng dường lớn.

Sau đó chọn ba Trường Nguyệt, ngày cát tường của kỳ Bạch Nguyệt, ở đầu đêm dùng nhóm hương Bạch Đàn, Long Não, Cung Câu Ma hòa hợp với nhau, dùng cây củi Khư Nễ La nhóm lửa. Ở trước mặt tượng Phật, ngồi trên mặt đất cách Đức Phật bốn khuỷu tay. Dùng Đoàn Thực một ngàn cái làm Hộ Ma.

Nếu đám lửa lớn thanh tịnh không có khói. Lại dùng hoa sen gồm tám ngàn cái làm Hộ Ma. Dùng Bạch Đàn tẩm hoa sen Hộ Ma. Sau đó kết Bảo Tọa Ấn hiến tòa ngồi.

Khi làm Hộ Ma thời dùng Hỏa Thiên Căn Bản Chân Ngôn, hoặc dùng Chân Ngôn này:

Nẵng mạc tam mãn đá một đà nam, ma bát la để hạ đá xá sa nẵng nam.

Đát nhữ tha: Án, câu ma la, lỗ bế ni, nại lý xá dã, nại lý xá dã, a đát ma nỗ nột bộ để mô bà phộc dã, sa phộc bán nam, nhĩ, nễ phệ nại dã, dã tha bộ đán, hồng hồng, phả tra, phả tra, sa phộc hạ.

Namaḥ samanta buddhānāṃ apratihataśāsanānāṃ.

Tadyathā: OṃKumāra rūpiṇa darśaya darśayam ātman udbhūtim udbhāvaya svapnaṃ me nivedya yathā bhūtam, hūṃ hūṃ phaṭ phaṭ svāhā.

Bản Phạn ghi nhận là: NAMAḤ SAMANTA BUDDHĀNĀM.

APRATIHATAŚĀSANĀNĀM.

TADYATHĀ: OṂKUMĀRA RŪPIṆE DARŚAYA DARŚAYAMĀTMANO BHŪTI SAMUDBHĀVAYA SVAPNAṂ ME NIVEDA YATHĀ.

BHŪTAM, HŪṂ HŪṂ PHAṬ PHAṬ SVĀHĀ.

Chân Ngôn này hay làm ủng hộ. Nếu làm tất cả việc Hộ Ma xong, cầu thành tựu ứng cát tường là tướng lúc trước. Nên ở trước tượng, chẳng gần chẳng xa, trải cỏ cát tường Kuśa. Vào lúc đầu đêm, chẳng ngủ, tác quán tương ứng, tưởng tất cả Phật với hàng Bồ Tát, thấy rõ ràng xong, đỉnh lễ sám hối. Lại buông xả thân của mình, dâng phụng tất cả Phật, sau đó hướng cái đầu về phương Đông, tùy ý mà nằm.

Nếu ở phần đầu của đêm mà được mộng thì nên biết là chỗ được của âm. Ở phần thứ hai mà được mộng thì đây là chỗ được của dương. Ở phần thứ ba mà được mộng là chỗ được của Phong… đều chẳng phải là cát tường.

Nếu là phần thứ tư mà được mộng, thì đây là chân thật.

Từ âm mà đạt được mộng. Như vậy thấy nhóm của Ma Ni, thủy tinh, trân châu, Anh Lạc. Hoặc thấy biển lớn, sông lớn, nơi nơi tràn đầy nước rồi lại phân chia dòng chảy trôi nổi ở thân của mình. Hoặc thấy nạn nước, nước không có bờ mé, cỡi căn nhà để vượt qua.

Hoặc thấy núi tuyết, núi ngọc, núi thủy tinh với thấy mưa lớn. Lại thấy dù lọng trắng, mọi màu trắng trang nghiêm với lưới trân châu, lọng trân châu với nhóm voi trắng, ngựa trắng. Mộng này là từ âm mà hiện ra.

Lại nữa, thấy người màu trắng, áo trắng, cây phất trắng với tơ Đổ La Tūla, lụa, vải, bạc trắng với muối… hoặc lại thấy đường cát, đậu xanh, loại dầu mè… vật như trên hoặc tiếp chạm hoặc nhận lấy.

Lại nữa, hoặc mộng ăn bánh, ăn cháo với bơ, sữa, dầu, mật, mọi loại vật ăn được… vật như trên hoặc tiếp chạm hoặc nhận lấy. Lại nữa, thấy cái yên ngựa rồi cỡi lên, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc tiếp chạm, hoặc cỡi. Mọi loại mộng như trên với loại tương tự đều là chỗ biến từ âm, chẳng phải là chỗ ứng của cát tường chân thật.

Khi ở phần thứ hai của đêm. Nếu mộng thấy lửa với lửa lớn rực sáng chiếu bốn phương với thấy ánh sáng Thiểm Điện sấm chớp chiếu tất cả. Đây là chỗ biến của dương.

Lại nữa, thấy báu Bát Nạp Ma La Nga Padma rāga với thấy mọi loại báu đều như màu lửa. Lại mộng ở gần lửa với lại thân tiếp chạm dẫn đến nhiệt não. Lại mộng ăn mọi loại thức ăn màu vàng. Lại thấy màu trời hôn ám chẳng thấy ánh sáng Mặt Trời.

Lại thấy hư không kèm với đại địa cho đến núi, đá thảy đều màu vàng. Lại thấy cỡi ngựa, đi xe kèm với voi lớn… tất cả trang nghiêm đều là màu vàng ròng, hoặc ngồi, hoặc nằm với dùng bàn tay tiếp chạm… đều là chỗ từ dương mà có được.

Lại nữa, thấy vòng hoa, quần áo với dây quấn nách ấy, cho đến thân của mình thày đều màu vàng ròng, có ánh sáng có mùi thơm. Như vậy cho đến mộng thấy mọi loại tướng khác đều là màu vàng. Điều này đều là chỗ từ dương mà có được.

Khi ở phần thứ ba của đêm, mộng thấy ánh sáng chiếu ở hư không, khắp cả bốn phương. Lại mộng thấy đại địa rộng rãi, luôn bước đi khắp cả. Lại mộng leo lên cây với leo lên cây có gai… cũng là từ phong gió mà có được.

Lại mộng ăn vật đắng với tất cả vật cay nồng. Hoặc lại ăn quả trái, hoặc sống hoặc chín cũng đều cay nồng. Lại nữa, mộng thấy người có tính nóng nảy, cùng nhau nói năng gây gỗ. Hoặc thấy tất cả Bộ Đa múa, hoặc thấy tự thân múa, cho đến thấy mọi loại tướng ác, mọi loại loạn ngôn. Điều này đều là chỗ biến từ phong.

Lại có ba loại pháp hợp với ba loại âm, dương, phong ấy là ba loại tham rāga, sân dveṣa, si moha. Tham là âm, sân là dương, si là phong với tướng tạp loạn, cực tạp loạn.

Nếu ưa thích thế pháp pháp của đời, tướng của người nữ là chỗ sinh của âm. Thỏa thích trong sự giận dữ, phần lớn ưa đấu tranh là chỗ sinh của dương. Si là đen tối, quên mất, ưa thích nhiều tạp loạn là chỗ sinh của phong. Như vậy các cảnh mộng là chỗ sinh của ba pháp.

Phàm cầu thành tựu nên tùy theo tướng của cảnh mộng. Lại thùy thuận âm nói sắc tướng của chúng sinh. Nếu người có nhan sắc trắng tươi, đoan nghiêm, sáng bóng, chẳng ngu, chẳng độn, có trí, có tuệ, chấp chí chẳng chuyển biến.

Lại nhiều dũng mãnh, có tâm đạo, luôn ái ngữ, mạng trường thọ, rất được người âm phụng trọng, sinh gặp Cát Tinh sao tốt, lại sinh ở Ngư Cung Mīna ắt chủ về quân binh, làm Hộ Quốc Trọng Thần, được đại phú quý.

Hết thảy việc mong cầu chẳng phải lìa Chân Ngôn, chẳng phải nhân vào Chân Ngôn, tùy theo nghiệp quả của mình sẽ cầu thành tựu. Được thành tựu xong, cầu phước đức lớn, cầu việc của Nhất Phẩm đều được thành tựu. Phàm thức ăn uống được phát ra từ âm thì tất cả thường chẳng được ăn. Lại tùy thuận dương nói hành tướng ấy.

Tướng thường giận dữ Dveṣa: Sân phần lớn đen gầy, thích làm việc ác, phần nhiều làm tà hạnh.

Song, có dũng mãnh tinh tiến, lại có trí lực, phần lớn ưa thích bạn bè, có nhiều học vấn, nói năng khéo léo, có tâm đạo, học nghiệp chẳng lùi, ý có nhiều niệm oán, yêu nói việc giận dữ, biết nhiều thế pháp, có ngã kiến, đối với cái khổ thì không có sợ, tu Chân Ngôn Hạnh tinh tiến chẳng lùi, ắt được thành tựu.

Hết thảy việc mong cầu, tùy theo nghiệp được thành, làm pháp giáng phục mau được thành tựu, tất cả người tụng đều đến phụng trọng. Hết thảy đối với chúng sinh khác, hoặc giết, hoặc hại, hoặc xâm lấn, hoặc cướp đoạt, hoặc vì mình hoặc vì người khác. Song đối với pháp được thành Phật thì chẳng phải là chỗ hứa.

Người có tướng sân, nhan sắc phần lớn là màu đen, hoặc màu tím, hoặc tạp sắc, hoặc màu đen xanh, hoặc màu đỏ vàng, xa lìa màu vàng ròng tối thượng.

Người này nếu sinh ở Hiết Cung Vṛścika: Cung bò cạp là Đại Diệu Maha grahā A Thất Lệ Sử Tinh Āśleṣā hoặc sinh ở Mộc Tinh Vṛhaspati thì thức ăn thích hợp luôn luôn có vị chua cay, thọ mệnh lâu dài, được túc mệnh trí.

Lại nữa, tùy thuận phong nói hành tướng của chúng sinh. Người thuận phong thì thân chi thô ráp xấu xí, chẳng quá mập gầy, tính chẳng thông minh, chí chẳng quyết định, phần lớn có quên mất, chẳng ở yên một chỗ, có nhiều đàm rãi, tùy tiện khạc nhổ mọi nơi.

Lại tham ăn, nhiều bệnh, tâm ưa ganh ghét, đối với các hữu tình có nhiều hiềm oán, hoặc được làm Vua thì phần lớn gây tổn hại Phật Pháp, sinh ở âm tinh khó biết chân thật. Người này nếu thường trì tụng, làm giáng phục, kính ái cầu pháp ắt thành. Nếu có chúng sinh, tâm phát phong cuồng mê đảo thì người này trì tụng ngăn cấm liền lui. Nếu làm sự nghiệp thiện khác thì khó được thành tựu.

Lúc trước đã nói cảnh mộng đã được của ba loại âm, dương, phong. Lại hợp với thân sắc đã thọ nhận của ba pháp tham sân si, nơi tâm tính ưa thích, có thể tu, có thể làm các sự nghiệp… nếu lại khi ở phần thứ tư của đêm thì được cảnh mộng chân thật, tất cả chân thật, đối với các sự nghiệp đều được thành tựu.

Lại nữa, có nhiều loại việc của cung. Ấy là Dương Cung Meṣa, Ngưu Cung Vṛṣabha, Nam Nữ Cung Mithuna, Giải Cung Karkaṭaka, Sư Tử Cung Siṃha, Xứng Cung Tula, Đồng Nữ Cung Kanya, Hiết Cung Vṛścika, Nhân Mã Cung Dhanu, Ma Kiệt Cung Makara, Bảo Bình Cung Kumbha, Ngư Cung Mīna, Thiên Nhân Cung Naraka vidyādhara, A Tu La Cung Asura, cung của hàng Càn Thát Bà Gandharva, Dạ Xoa Yakṣa… cho đến cung của hàng Thánh Nhân.

Mọi loại cung xứ, mọi loại hữu tình mà ứng thọ sinh, bẩm thọ mọi loại hình tướng, có mọi loại nghĩa nghiệp mà Đức Như Lai đã nói.

Kẻ kia cầu tất cả nghiệp quả, tu hành được cung cát tường, tinh tú cát tường tương ứng thì sẽ được quả báo rộng lớn. Nếu không có nhân nghiệp thì quả báo chẳng thành. Nếu pháp nghĩa đầy đủ, được Chân Ngôn thành tựu. Người trì tụng ấy tu đủ công đức, biết lý chân như, phân biệt nhân quả.

Điều này có công đức, điều này không có công đức. Nếu đầy đủ nghiệp hạnh, được pháp thành tựu. Như nghiệp hạnh lúc trước, y theo Pháp đã nói tức là công đức hành nghiệp của Như Lai quá khứ vì các hữu tình cầu mọi loại cảnh mộng, thấy mọi loại hình tướng, đắc được điềm tốt lành, thích ý ưa thấy.

Hoặc lại thấy hình tướng chướng nạn ấy, cảnh mộng đại ác thì người trì tụng kia ắt có ba loại tu tập của Phẩm Thượng Trung Hạ. Cần phải dùng sức đại tinh tiến tối thượng cầu thành tựu ấy, đối với sự nghiệp quyết định, lìa cái thấy nghi ngờ về sự thành tựu, chẳng thành tựu.

Người cầu lìa chướng nạn cần phải y theo pháp tác Quán Hạnh ấy. Tưởng Tự Tự Đại Minh Đồng Tử hóa làm tướng Lục Diện Lục Tý Đại Minh Vương Đại Phẫn Nộ.

Vị Minh Vương ấy có hình sắc như Đại Diệm Ma Bồ Tát mặc áo dá báo, dùng rắn trang nghiêm, tay cầm cây kiếm bén, hiện uy lực lớn, phá các chướng nạn, như Mặt Trời ra đời thì hắc ám bị tiêu trừ. Hết thảy tất cả loài gây chướng nạn lớn, các Bộ Đa ác thấy vị Minh Vương này thảy đều sợ hãi, chẳng dám tạo làm các việc chướng nạn. Trì Tụng Hành Nhân đều trừ chướng nạn, được Pháp thành tựu.

Lục Tý Đại Minh Vương nói Trừ Chướng Đại Minh Đại Đà La Ni này, các Bộ Đa ấy với Thiên Chúng thảy đều lắng nghe.

Đà La Ni là:

Nẵng mạc tam mãn đá một đà nam, ma bát la để hạ đá xá sa nẵng nam.

Đát nhữ tha: Hứ hứ, ma hạ cốt lỗ đà, sam mục khư, sa trá tả la noa, tát lý phộc vĩ cận nẵng, già đá ca, hồng hồng, khẩn tức la dã tất, vĩ nẵng dạ ca, nhạ vĩ đa ca la, nậu sa phộc bánnam, nhĩ, nẵng xá dã, la hộ la hộ, tam ma dã ma nỗ sa ma la, phả tra, phả tra, sa phộc hạ.

Namaḥ samanta buddhānāṃ apratihataśāsanānāṃ.

Tadyathā: He he mahā krodha ṣaṇ mukha ṣaṭ caraṇa sarva vighna ghātaka hūṃ hūṃ, kiṃcirāyasi vināyaka jīvitānta kara duḥ svapnaṃ me nāśaya, lahu lahu, samayam anusmara phaṭ phaṭ svāhā.

Bản Phạn thay lahu lahu bằng LAṄGHA LAṄGHA.

Đại Phẫn Nộ Minh Vương nói Đà La Ni này xong thời hết thảy tất cả loài gây chướng nạn kinh hoàng sợ hãi, thân tâm run rẩy. Lúc đó, Điệu Cát Tường Đồng Tử đỉnh lễ bàn chân của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật, làm lễ kính xong, liền nhập vào tam muội samādhi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật quán sát tất cả đại chúng trên Trời Tịnh Quang ấy rồi nói như vậy: Thiên Chúng các ông! Phẫn Nộ Minh Vương này có uy lực lớn, hết thảy người hành trì tụng cầu thành tựu tất cả Chân Ngôn của thế với xuất thế gian, bị hàng Bộ Đa với chúng sinh ác gây chướng nạn, hành chẳng nhiêu ích thì Phẫn Nộ Vương ấy khiến cho tự Tộc ấy chịu điều phục mà chẳng chặt đứt mạng ấy, sẽ khiến cho tật bệnh, chịu sự khổ não… ủng hộ người tụng thì khiến được an trụ, kèm được phước đức tăng trưởng.

Kẻ gây chướng nạn kia nếu chẳng thuận theo mệnh ấy thì cái đầu bị vỡ ra bảy phần như cành cây A Lê.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói thuyết này thời Diệu Cát Tường Đồng Tử ấy liền ra khỏi Tam Muội.

Đức Phật bảo Đồng Tử: Này ông! Do Chân Ngôn có nghĩa sâu xa rộng lớn, trong các Nghi Quỹ là tôn thắng tối thượng. Phẫn Nộ Vương Đà La Ni này ở các thế gian, khiến cho người trì tụng, tâm thường nhớ niệm, ở trong ngày đêm chận đứng tâm oán ấy, chướng nạn tự lui, thường tự ủng hộ, chỗ làm thành tựu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần