Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm Nhập Pháp Giới - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM BA MƯƠI CHÍN

PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI  

PHẦN BA  

Bấy giờ, Bất Khả Hoại Tinh Tấn Vương Bồ Tát thừa Phật thần lực, quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Ngài xem các Phật Tử

Trí tuệ tạng công đức

Rốt ráo hạnh Bồ Đề

An ổn các thế gian.

Tâm Ngài vốn minh đạt

Khéo nhập những tam muội

Trí huệ vô biên tế

Cảnh giới không lường được.

Nay rừng Thệ Ða này

Mọi sự đều nghiêm sức

Chúng Bồ Tát vân tập

Thân cận bên Như Lai

Ngài xem vô lượng chúng

Những bậc vô sở trước

Mười phương đến chỗ này

Ngồi toà bảo Liên Hoa.

Không đến cũng không ở

Không dựa không hí luận

Tâm ly cấu vô ngại

Rốt ráo nơi pháp giới

Kiến lập tràng trí huệ

Kiên cố chẳng động lay

Biết pháp không biến hoá

Mà hiện sự biến hoá

Mười phương vô lượng cõi

Tất cả chỗ Chư Phật

Ðồng thời đều qua đến

Mà cũng chẳng phân thân

Ngài xem Thích Sư Tử

Sức thần thông tự tại

Hay khiến chúng Bồ Tát

Tất cả đều đến họp

Tất cả những Phật Pháp

Pháp giới đều bình đẳng

Ngôn thuyết nên chẳng đồng

Chúng này đều thông đạt.

Chư Phật thường an trụ

Pháp giới bình đẳng tế

Diễn nói pháp sai biệt

Ngôn từ vô cùng tận.

Bấy giờ, Phổ Thắng Vô Thượng Oai Ðức Vương Bồ Tát thừa Phật thần lực, quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Ngài xem Vô Thượng Sĩ

Trí quảng đại viên mãn

Khéo đạt thời phi thời

Vì chúng diễn Thuyết Pháp.

Xô dẹp chúng ngoại đạo

Tất cả những dị luận

Khắp tùy tâm chúng sanh

Vì hiện thần thông lực

Chánh Giác chẳng hữu lượng

Cũng lại chẳng vô lượng

Hoặc lượng, hoặc vô lượng

Mâu Ni đều siêu việt.

Như mặt nhật trên không

Soi đến tất cả xứ

Phật trí cũng như vậy

Rõ thấu Tam Thế pháp.

Ví như chính đêm rằm

Vầng trăng không thiếu khuyết

Như Lai cũng như vậy

Bạch pháp đều viên mãn.

Như mặt nhật trên không

Vận hành không tạm ngừng

Như Lai cũng như vậy

Thần biến thường tương tục.

Như mười phương Quốc Độ

Hư không chẳng chướng ngại

Thế đăng hiện biến hóa

Nơi thế cũng như vậy

Ví như đất thế gian

Chỗ nương của muôn loại

Chiếu thế đăng pháp luân

Làm chỗ nương cũng vậy

Ví như gió lốc mạnh

Thổi đi không chướng ngại

Phật Pháp cũng như vậy

Mau khắp ở thế gian.

Ví như đại thủy luân

Thế giới nương trên đó

Trí huệ luân cũng vậy

Chỗ nương của Chư Phật.

Bấy giờ, Vô Ngại Thắng Tạng Vương Bồ Tát thừa thần lực của Phật, quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Ví như đại bảo sơn

Lợi ích các hàm thức

Phật sơn cũng như vậy

Lợi ích khắp thế gian.

Ví như, đại hải thủy

Ðứng sạch không nhơ bợn

Thấy Phật cũng như vậy

Trừ được những khát ái

Ví như, Tu Di Sơn

Ở ngay giữa đại hải

Thế Gian Ðăng cũng vậy

Có từ nơi pháp hải.

Như biển đủ châu báu

Người cầu đều đầy đủ

Vô sư trí cũng vậy

Người thấy đều khai ngộ.

Như Lai trí thậm thâm

Vô lượng cũng vô số

Thế nên thần thông lực

Thị hiện khó nghĩ bàn

Ví như, nhà huyễn giỏi

Thị hiện những sự vật

Phật trí cũng như vậy

Hiện những tự tại lực.

Ví như, như ý bảo

Hay thỏa mãn ý muốn

Ðấng tối thắng cũng vậy

Làm mãn nguyện thanh tịnh

Ví như, minh tịnh bảo

Chiếu khắp tất cả vật

Phật trí cũng như vậy

Chiếu khắp tâm quần sanh.

Ví như, bát diện bảo

Soi khắp cả các phương

Vô Ngại Ðăng cũng vậy

Chiếu khắp cả pháp giới

Ví như, thủy thanh châu

Hay làm trong nước đục

Thấy Phật cũng như vậy

Sáu căn đều thanh tịnh.

Bấy giờ, Hóa Hiện Pháp Giới Nguyện Nguyệt Vương Bồ Tát thừa Phật thần lực quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Ví như đế Thanh Bảo

Hay làm xanh các màu

Người thấy Phật cũng vậy

Ðều phát hạnh bồ đề.

Trong mỗi mỗi vi trần

Phật hiện thần thông lực

Khiến vô lượng vô biên

Bồ Tát đều thanh tịnh

Sức thậm thâm vi diệu

Vô biên chẳng thể biết

Cảnh giới của Bồ Tát

Thế gian chẳng lường được.

Ðức Như Lai hiện thân

Tướng thanh tịnh trang nghiêm

Vào khắp những pháp giới

Thành tựu các Bồ Tát

Nan tư Phật Quốc Độ

Trong đó thành Chánh Giác

Tất cả Chư Bồ Tát

Thế chủ đều đầy dẫy.

Ðấng Thích Ca Vô Thượng

Nơi pháp đều tự tại

Thị hiện thần thông lực

Vô biên chẳng lường được.

Bồ Tát những công hạnh

Vô lượng cùng vô tận.

Như Lai tự tại lực

Vì Bồ Tát mà hiện

Phật Tử khéo tu học

Những pháp giới thậm thâm

Thành tựu trí vô ngại

Biết rõ tất cả pháp.

Thiện thệ oai thần lực

Vì chúng chuyển pháp luân

Thần biến khắp sung mãn

Khiến thế gian thanh tịnh.

Như Lai trí viên mãn

Cảnh giới cũng thanh tịnh

Ví như đại Long Vương

Giúp khắp các quần sanh.

Bấy giờ, Pháp Huệ Quang Diệm Vương Bồ Tát, thừa thần lực của Ðức Phật, quán sát khắp mười phương rồi nói kệ rằng:

Tam Thế Chư Như Lai

Thanh Văn đại đệ tử

Ðều chẳng biết được Phật

Sự cất chân hạ chân.

Quá khứ, hiện, vị lai

Tất cả hàng Duyên Giác

Cũng chẵng biết Như Lai

Sự cất chân hạ chân

Huống là các phàm phu

Kiết sử luôn buộc ràng

Vô minh che tâm thức

Mà biết được Ðạo Sư

Chánh Giác trí vô ngại

Siêu quá đường ngữ ngôn

Lượng kia chẳng lường được

Có ai thấy biết được.

Ví như minh nguyệt sáng

Không lường biên tế được

Phật thần thông cũng vậy

Chẳng thấy chung tận được,

Mỗi mỗi những phương tiện

Niệm niệm chỗ biến hoá

Ðều trong vô lượng kiếp

Tư duy chẳng biết được

Suy gẫm nhất thiết trí

Pháp chẳng thể nghĩ bàn

Mỗi mỗi môn phương tiện

Chẳng biết được biên tế.

Nếu ai ở pháp này

Mà phát nguyện rộng lớn

Ở nơi cảnh giới này

Thấy biết chẳng khó lắm.

Dũng mãnh siêng tu tập

Biển pháp lớn khó nghĩ

Tâm đó không chướng ngại

Vào môn phương tiện này.

Tâm ý đã đều phục

Chí nguyện cũng rộng rãi

Sẽ được đại bồ đề

Cảnh giới rất tối thắng.

Bấy giờ, phá nhất thiết Ma Quân Trí Tràng Vương Bồ Tát thừa thần lực của Đức Phật, quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Trí thân chẳng phải thân

Vô ngại khó nghĩ bàn,

Dầu có ai nghĩ bàn

Tất cả không đến được.

Từ bất tư nghì nghiệp

Khởi thân thanh tịnh này

Thù đặc diệu trang nghiêm

Chẳng chấp nơi ba cõi

Quang minh chiếu tất cả

Pháp giới đều thanh tịnh

Nghe Phật Bồ Đề môn

Xuất sanh những trí huệ.

Như mặt nhật thế gian

Phóng ánh sáng trí huệ

Xa rời những trần cấu

Diệt trừ tất cả chướng.

Thanh tịnh khắp ba cõi

Tuyệt hẳn dòng sanh tử

Thành tựu đạo bồ đề

Xuất sanh Vô Thượng Giác.

Thị hiện vô biên sắc

Sắc này không sở y

Sở hiện dầu vô lượng

Tất cả bất tư nghì.

Bồ đề khoảng một niệm

Hay giác ngộ các pháp

Sao lại muốn nghĩ lường

Như Lai trí biên tế.

Một niệm đều thấu rõ

Tất cả pháp Tam Thế

Nên nói Phật trí huệ

Vô tận cũng vô hoại.

Người trí phải như vậy

Chuyên gẫm Phật Bồ Đề

Gẫm này khó nghĩ bàn

Suy đó chẳng thể được

Bồ Đề không thể nói

Siêu quá đường ngữ ngôn

Chư Phật từ đây sanh

Pháp này khó nghĩ bàn.

Bấy giờ Nguyện Trí Quang Minh Tràng Vương Bồ Tát, thừa thần của Đức Phật, quán sát mười phương rồi nói kệ rằng:

Nếu khéo quán sát được

Bồ Đề vô tận hải

Thời lìa được niệm si

Quyết định thọ trì pháp.

Nếu được tâm quyết định

Thời hay tu diệu hạnh

Thiền tịch tự tư lự

Dứt hẳn những nghi hoặc.

Tâm đó chẳng mỏi mệt

Lại cũng chẳng biến lười

Lần lượt tăng tấn tu

Rốt ráo những Phật Pháp

Tín trí đã thành tựu

Niệm niệm khiến tăng trưởng

Thường thích thường quán sát

Pháp vô đắc vô y.

Vô lượng ức ngàn kiếp

Tu những công đức hạnh

Tất cả đều hồi hướng

Ðạo vô thượng của Phật.

Dầu ở nơi sanh tử

Mà tâm không nhiễm trước

An trụ trong Phật Pháp

Thường thích Như Lai hạnh.

Những sự có thế gian

Những pháp uẩn, xứ giới

Tất cả đều bỏ lìa

Chuyên cầu Phật công đức.

Phàm phu bị mê lầm

Thường lưu chuyển thế gian

Bồ Tát tâm vô ngại

Cứu họ được giải thoát.

Bồ Tát hạnh khó nói

Thế gian chẳng suy được

Trừ khắp tất cả khổ

Khắp ban quần sanh vui.

Ðã được bồ đề trí

Lại thương các chúng sanh

Quang Minh chiếu thế gian

Ðộ thoát tất cả chúng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần