Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM LY THẾ GIAN  

PHẦN NĂM  

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp phát tâm vô úy:

Diệt tất cả nghiệp chướng ngại, phát tâm vô úy.

Sau khi Phật diệt độ hộ trì chánh pháp, phát tâm vô úy.

Hàng phục tất cả ma, phát tâm vô úy.

Chẳng tiếc thân mạng, phát tâm vô úy.

Xô dẹp tất cả ngoại đạo tà luận, phát tâm vô úy.

Khiến tất cả chúng sanh hoan hỷ, phát tâm vô úy.

Khiến tất cả chúng hội đều hoan hỷ, phát tâm vô úy.

Ðiều phục tất cả Thiên, Long, Bát Bộ, phát tâm vô úy.

Rời bậc Nhị Thừa nhập pháp thậm thâm, phát tâm vô úy.

Trong bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp thật hành hạnh Bồ Tát, tâm không mỏi nhàm, phát tâm vô úy. Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được tâm vô sở úy đại trí vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử!  Ðại Bồ Tát phát mười tâm không nghi, nơi tất cả Phật Pháp tâm không nghi lầm:

Ðại Bồ Tát phát tâm như vậy: Tôi sẽ dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, từ, bi, hỉ, xả, nhiếp tất cả chúng sanh. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Vị lai Chư Phật xuất thế, tôi sẽ thừa sự cúng dường tất cả. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ dùng các thứ lưới quang minh kỳ diệu cùng khắp trang nghiêm tất cả Thế Giới. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ tột kiếp vị lai tu hạnh Bồ Tát, vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết, quá những toán số, rốt ráo pháp giới hư không giới tất cả chúng sanh, tôi sẽ dùng pháp giáo hóa điều phục vô thượng mà thành thục họ. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ tu Bồ Tát hạnh, viên mãn đại nguyện, đủ nhất thiết trí an trụ trong đó. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ khắp vì tất cả thế gian mà thật hành hạnh Bồ Tát, làm quang minh thanh tịnh của tất cả pháp chiếu sáng tất cả Phật Pháp. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ biết tất cả pháp đều là Phật Pháp, tùy tâm chúng sanh mà vì họ diễn thuyết đều khiến khai ngộ. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi sẽ ở nơi tất cả pháp được môn vô chướng ngại, vì biết tất cả chướng ngại vô sở đắc. Tâm như vậy không có nghi hoặc, trụ tánh chân thật nhẫn đến thành Vô Thượng bồ đề. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Lại nghĩ rằng: Tôi phải biết tất cả pháp đều là pháp xuất thế gian, xa lìa tất cả vọng tưởng điên đảo. Dùng một trang nghiêm để tự trang nghiêm, mà không chỗ trang nghiêm. Nơi đây tự tỏ biết không do người. Lúc phát tâm này quyết định không nghi.

Ðại Bồ Tát lại nghĩ rằng: Tôi sẽ ở nơi tất cả pháp thành Tối Chánh Giác, vì lìa tất cả vọng tưởng điên đảo, vì được nhất niệm tương ưng trí, vì bất khả đắc hoặc một hoặc khác, vì rời tất cả số, vì rốt ráo vô vi, vì rời tất cả ngôn thuyết, vì trụ bất khả thuyết cảnh giới tế. Lúc phát tâm này quyết định không nghi. Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời nơi tất cả Phật Pháp tâm không chỗ nghi.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp bất tư nghì:

Tất cả thiện căn bất tư nghì.

Tất cả thệ nguyện bất tư nghì.

Biết tất cả pháp như huyễn bất tư nghì.

Phát tâm bồ đề tu hạnh Bồ Tát, thiện căn chẳng mất, không chỗ phân biệt, bất tư nghì. Dầu thâm nhập tất cả pháp cũng chẳng lấy diệt độ, vì tất cả nguyện chưa thành mãn, bất tư nghì.

Tu Bồ Tát đạo mà thị hiện giáng thần, nhập thai, đản sanh, xuất gia, khổ hạnh, đến Đạo Tràng, hàng phục chúng ma, thành tối Chánh Giác, chuyển chánh pháp luân, nhập đại Niết Bàn, thần biến tự tại không thôi nghỉ, chẳng bỏ bi nguyện cứu hộ chúng sanh, bất tư nghì.

Dầu hay thị hiện thập lực thần biến tự tại của Như Lai mà chẳng bỏ tâm khắp pháp giới giáo hóa chúng sanh, bất tư nghì. Biết tất cả pháp vô tướng là tướng, tướng là vô tướng, vô phân biệt là phân biệt, phân biệt là vô phân biệt, phi hữu là hữu, hữu là phi hữu, vô tác là tác, tác là vô tác, phi thuyết là thuyết, thuyết là phi thuyết, bất tư nghì.

Biết tâm cùng bồ đề đồng, biết bồ đề cùng tâm đồng. Tâm và bồ đề cùng chúng sanh đồng. Cũng chẳng sanh tâm điên đảo, tưởng điên đảo, kiến điên đảo, bất tư nghì.

Ở trong mỗi niệm nhập diệt tận định sạch hết tất cả hữu lậu, mà chẳng chứng thiệt tế, cũng chẳng hết thiện căn hữu lậu. Dầu biết tất cả pháp vô lậu, mà biết lậu tận cũng biết lậu diệt.

Dầu biết Phật Pháp tức thế gian pháp, thế gian pháp tức Phật Pháp, mà chẳng ở trong Phật Pháp phân biệt thế gian pháp, chẳng ở trong thế gian pháp phân biệt Phật Pháp.

Tất cả pháp đều nhập pháp giới vì vô sở nhập. Biết tất cả pháp đều không hai vì không biến đổi. Ðây là pháp bất tư nghì thứ mười của đại Bồ Tát. Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong mười pháp bất tư nghì này thời được pháp bất tư nghì vô thượng của Chư Phật.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười xảo mật ngữ:

Xảo mật ngữ ở trong tất cả Phật Kinh.

Xảo mật ngữ nơi tất cả chỗ thọ sanh.

Xảo mật ngữ nơi tất cả Bồ Tát thần thông biến hiện thành Đẳng Chánh Giác.

Xảo mật ngữ nơi tất cả chúng sanh nghiệp báo.

Xảo mật ngữ nơi tất cả chúng sanh phát khởi nhiễm tịnh.

Xảo mật ngữ nơi môn tất cả pháp rốt ráo vô chướng ngại.

Xảo mật ngữ nơi tất cả hư không giới, mỗi nơi mỗi chỗ đều có Thế Giới hoặc thành hoặc hoại, trong đó không có chỗ trống.

Xảo mật ngữ nơi tất cả pháp giới tất cả mười phương nhẫn đến chỗ vi tế, đều có Như Lai thị hiện sơ sanh nhẫn đến thành Phật nhập đại Niết Bàn đầy khắp pháp giới, đều phân biệt thấy.

Xảo mật ngữ ở chỗ thấy tất cả chúng sanh bình đẳng Niết Bàn vì không biến đổi mà chẳng bỏ đại nguyện, vì tất cả trí nguyện chưa được viên mãn làm cho viên mãn.

Xảo mật ngữ ở chỗ dầu biết tất cả pháp tỏ ngộ chẳng do người khác mà chẳng rời bỏ các bậc thiện tri thức, đối với Như Lai càng thêm tôn kính, cùng thiện tri thức hòa hiệp không hai. Nơi những thiện căn thời tu tập gieo trồng hồi hướng an trụ.

Ðồng một sở tác, đồng một thể tánh, đồng một xuất ly, đồng một thành tựu. Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được vi mật ngữ thiện xảo vô thượng của Như Lai.

Ðại Bồ Tát có mười trí xảo phân biệt:

Trí xảo phân biệt nhập tất cả cõi.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả chỗ của các chúng sanh.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả tâm hành của các chúng sanh.

Trí xảo phân biệt nhập căn tánh của tất cả chúng sanh.

Trí xảo phân biệt nhập nghiệp báo của tất cả chúng sanh.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả hạnh Thanh Văn.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả hạnh Ðộc Giác.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả hạnh Bồ Tát.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả pháp thế gian.

Trí xảo phân biệt nhập tất cả Phật Pháp.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được trí phân biệt các pháp thiện xảo vô thượng của tất cả Chư Phật.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp nhập tam muội: Nơi tất cả Thế Giới nhập tam muội. Nơi thân tất cả chúng sanh nhập tam muội. Nơi tất cả pháp nhập tam muội. Thấy tất cả Phật nhập tam muội. Trụ tất cả kiếp nhập tam muội. Từ tam muội khởi hiện bất tư nghì thân nhập tam muội. Nơi thân tất cả Phật nhập tam muội.

Giác ngộ tất cả chúng sanh bình đẳng nhập tam muội. Trong một niệm nhập trí tam muội của tất cả Bồ Tát, nhập tam muội. Trong một niệm dùng vô ngại trí thành tựu tất cả Bồ Tát Hạnh Nguyện chẳng thôi nghỉ, nhập tam muội. Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được pháp tam muội thiện xảo vô thượng của tất cả Chư Phật.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp biến nhập:

Vào khắp chúng sanh. Vào khắp Quốc Độ. Vào khắp các loại hình tướng của thế gian. Vào khắp hỏa tai. Vào khắp thủy tai. Vào khắp Phật.

Vào khắp trang nghiêm. Vào khắp thân vô biên công đức của Như Lai. Vào khắp tất cả sự thuyết pháp. Vào khắp những sự cúng dường tất cả Như Lai. Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được pháp biến nhập đại trí vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười môn giải thoát:

Môn giải thoát một thân cùng khắp tất cả Thế Giới.

Môn giải thoát thị hiện vô lượng những loại sắc tướng nơi tất cả Thế Giới.

Môn giải thoát đem tất cả Thế Giới vào một Cõi Phật.

Môn giải thoát khắp gia trì tất cả chúng sanh giới.

Môn giải thoát dùng thân trang nghiêm của tất cả Phật đầy khắp tất cả Thế Giới.

Môn giải thoát trong thân mình thấy tất cả Thế Giới.

Môn giải thoát trong một niệm qua tất cả Thế Giới.

Môn giải thoát thị hiện tất cả Như Lai xuất thế.

Môn giải thoát một thân đầy khắp tất cả pháp giới.

Môn giải thoát trong một niệm thị hiện tất cả Phật du hí thần thông.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được môn giải thoát vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp thần thông:

Phương tiện trí thông ghi nhớ túc mạng.

Phương tiện trí thông thiên nhĩ vô ngại.

Phương tiện trí thông biết bất tư nghì tâm hành của chúng sanh.

Phương tiện trí thông thiên nhãn quán sát vô ngại.

Phương tiện trí thông tùy theo tâm chúng sanh hiện bất tư nghì đại thần thông lực.

Phương tiện trí thông một thân hiện khắp vô lượng Thế Giới.

Phương tiện trí thông một niệm vào khắp bất khả thuyết bất khả thuyết Thế Giới.

Phương tiện trí thông xuất sanh vô lượng đồ trang nghiêm để trang nghiêm bất tư nghì Thế Giới.

Phương tiện trí thông thị hiện bất khả thuyết thân biến hóa.

Phương tiện trí thông tùy theo bất tư nghì tâm chúng sanh nơi bất khả thuyết Thế Giới thị hiện thành vô thượng Chánh Giác.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được thần thông đại thiện xảo vô thượng của Như Lai, vì tất cả chúng sanh thị hiện nhiều sự việc khiến họ tu học.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ Minh:

Trí minh thiện xảo biết nghiệp báo của tất cả chúng sanh. Trí minh thiện xảo biết cảnh giới tịch diệt thanh tịnh không hí luận của tất cả chúng sanh. Trí minh thiện xảo biết những cảnh sở duyên của tất cả chúng sanh chỉ là một tướng đều bất khả đắc, tất cả pháp đều như Kim Cang.

Trí minh thiện xảo hay dùng vô lượng âm thanh, vi diệu vang khắp thập phương Thế Giới. Trí minh thiện xảo phá hoại khắp tất cả tâm nhiễm trước. Trí minh thiện xảo hay dùng phương tiện thọ sanh hay chẳng thọ sanh.

Trí minh thiện xảo bỏ rời tất cả cảnh giới thọ tưởng. Trí minh thiện xảo biết tất cả pháp chẳng tướng chẳng vô tướng, một tánh vô tánh vô phân biệt mà hay rõ biết các loại pháp, trong vô lượng kiếp phân biệt diễn thuyết, trụ nơi pháp giới, thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Trí minh duyên khởi thiện xảo biết tất cả chúng sanh, sanh vốn không sanh vì tỏ thấu thọ sanh bất khả đắc.

Mà biết nhân, biết duyên, biết sự, biết cảnh giới, biết hạnh, biết sanh, biết diệt, biết ngôn thuyết, biết mê hoặc, biết lìa mê hoặc, biết điên đảo, biết lìa điên đảo, biết tạp nhiễm, biết thanh tịnh, biết sanh tử, biết Niết Bàn, biết khả đắc, biết bất khả đắc, biết chấp trước.

Biết không chấp trước, biết trụ, biết động, biết đi, biết về, biết khởi, biết chẳng khởi, biết hư mất, biết xuất ly, biết thành thục, biết các căn, biết điều phục, tùy theo sở nghi mà nhiều cách giáo hóa, chưa từng quên mất công hạnh Bồ Tát.

Vì Bồ Tát chỉ vì lợi ích chúng sanh nên phát tâm Vô Thượng bồ đề không bỏ sót việc làm vì chúng sanh. Thế nên Bồ Tát thường giáo hóa chúng sanh thân không mỏi nhọc, chẳng trái tất cả chỗ làm của thế gian.

Trí minh thiện xảo nơi Phật vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước, nơi pháp vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước, nơi cõi vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước, nơi chúng sanh vô trước chẳng sanh tâm nhiễm trước.

Chẳng thấy có chúng sanh mà thật hành giáo hóa điều phục thuyết pháp, nhưng cũng chẳng bỏ Bồ Tát đại bi đại nguyện, thấy Phật, nghe pháp, tùy thuận tu hành, y chỉ nơi những thiện căn của Như Lai cung kính cúng dường không thôi nghỉ.

Hay dùng thần lực chấn động thập phương vô lượng Thế Giới, vì tâm quảng đại khắp pháp giới.

Biết những cách Thuyết Pháp, biết số chúng sanh, biết chúng sanh sai biệt, biết khổ sanh, biết khổ diệt, biết tất cả hạnh đều như bóng tượng, thật hành hạnh Bồ Tát dứt hẳn tất cả căn bổn thọ sanh.

Chỉ vì cứu hộ tất cả chúng sanh nên thật hành hạnh Bồ Tát mà không chỗ làm, tùy thuận chủng tánh của tất cả Chư Phật mà phát tâm quảng đại như Tu Di.

Biết tất cả hư vọng điên đảo vào môn Nhất Thiết chủng trí. Trí huệ rộng lớn chẳng lay động được, sẽ thành Chánh Giác. Ở biển sanh tử bình đẳng tế độ tất cả chúng sanh.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp giải thoát:

Phiền não giải thoát. Tà kiến giải thoát. Những chấp thủ giải thoát. Uẩn, xứ, giới giải thoát. Siêu nhị thừa giải thoát. Vô Sanh pháp Nhẫn giải thoát. Nơi tất cả thế gian, tất cả cõi, tất cả chúng sanh, tất cả pháp, lìa chấp trước giải thoát.

Vô biên trụ giải thoát. Phát khởi tất cả hạnh bồ tát nhập bậc Phật vô phân biệt giải thoát. Ở trong một niệm đều có thể rõ biết tất cả Tam Thế giải thoát. Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp giải thoát này thời có thể ra làm Phật Sự vô thượng, giáo hóa thành thục tất cả chúng sanh.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười viên lâm:

Sanh tử là viên lâm của Bồ Tát, vì không nhàm bỏ. Giáo hóa chúng sanh là viên lâm của Bồ Tát, vì không mỏi nhọc. Trụ tất cả kiếp là viên lâm của Bồ Tát, vì nhiếp những hạnh lớn.

Thanh tịnh Thế Giới là viên lâm của Bồ Tát, vì là chỗ dừng ở của Bồ Tát. Tất cả cung điện ma là viên lâm của Bồ Tát, vì hàng phục chúng ma. Tư duy pháp đã được nghe là viên lâm của Bồ Tát, vì đúng như lý quán sát.

Sáu pháp Ba La Mật, bốn nhiếp pháp, ba mươi bảy pháp bồ đề phần là Viên Lâm của Bồ Tát, vì là cảnh giới tiếp nối đức Từ Phụ. Thập lực, tứ vô úy, thập bát pháp bất công, nhẫn đến tất cả Phật Pháp là viên lâm của Bồ Tát, vì chẳng niệm nhớ những pháp khác.

Thị hiện tất cả Bồ Tát oai lực tự tại thần thông là viên lâm của Bồ Tát, vì dùng đại thần lực chuyển Chánh Pháp Luân điều phục chúng sanh không thôi nghĩ. Một niệm ở tất cả xứ vì tất cả chúng sanh thị hiện thành Chánh Giác là viên lâm của Bồ Tát, vì pháp thân cùng khắp Hư Không tất cả Thế Giới. Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được hạnh đại an lạc lìa ưu não vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ cung điện:

Bồ Đề tâm là cung điện của Bồ Tát, vì hằng không quên mất. Thập Thiện Nghiệp Đạo phước đức trí huệ là cung điện của Bồ Tát, vì giáo hóa chúng sanh cõi Dục. Tứ phạm trụ thiền định là cung điện của Bồ Tát, vì giáo hóa chúng sanh cõi Sắc.

Sanh Tịnh Cư Thiên là cung điện của Bồ Tát, vì tất cả phiền não chẳng nhiễm. Sanh Vô Sắc Giới là cung điện của Bồ Tát, vì khiến tất cả chúng sanh lìa chỗ nạn. Sanh Thế Giới tạp nhiễm là cung điện của Bồ Tát, vì khiến tất cả chúng sanh dứt phiền não.

Thị hiện ở nội cung thê tử quyến thuộc là Cung Điện của Bồ Tát, vì thành tựu chúng sanh đồng hạnh thuở xưa. Thị hiện ở ngôi Luân Vương Tứ Thiên Vương, Ðế Thích, Phạm Vương là cung điện của Bồ Tát, vì điều phục chúng sanh tâm tự tại.

Trụ tất cả Bồ Tát hạnh du hí thần thông đều được tự tại là cung điện của Bồ Tát, vì giỏi du hí các thiền giải thoát tam muội trí huệ. Tất cả Chư Phật thọ ký nhất thiết trí quán đảnh tự tại vô thượng là cung điện của Bồ Tát, vì trụ thập lực trang nghiêm làm việc tự tại của pháp Vương. Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được pháp quán đảnh nơi tất cả thế gian thần lực tự tại.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều vui thích:

Thích chánh niệm, vì tâm chẳng tán loạn.

Thích trí huệ, vì phân biệt các pháp.

Thích qua đến tất cả chỗ Phật, vì nghe pháp không nhàm.

Thích Chư Phật, vì đầy khắp mười phương không biên tế.

Thích Bồ Tát tự tại, vì tất cả chúng sanh dùng vô lượng môn mà hiện thân.

Thích các môn tam muội, vì nơi một môn tam muội nhập tất cả môn tam muội.

Thích Đà La Ni, vì thọ trì pháp chẳng quên, dạy lại cho chúng sanh.

Thích vô ngại biện tài, vì nơi một đoạn một câu, phân biệt diễn thuyết trải qua bất khả thuyết kiếp không cùng tận.

Thích thành Chánh Giác, vì tất cả chúng sanh dùng vô lượng môn mà thị hiện thân thành Chánh Giác.

Thích chuyển pháp luân, vì dẹp trừ tất cả pháp dị đạo.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được pháp lạc vô thượng của Chư Phật Như Lai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần