Phật Thuyết Kinh đại Tập đại Phương đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Tán Thán Công đức Của Như Lai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG
BỒ TÁT NIỆM PHẬT TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Cấp Đa, Đời Tùy
PHẨM SÁU
PHẨM TÁN THÁN
CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn Giả A Nan: Này Tôn Giả A Nan! Chư Phật Thế Tôn hết sức hy hữu. Vì công đức các Đức Như Lai đầy đủ, từ Cõi Trời giáng xuống đầy đủ, nhập thai đầy đủ, trụ thai đầy đủ, xuất thai đầy đủ, mẹ sanh đầy đủ, thiện căn đầy đủ, các tướng đầy đủ, các vẻ đẹp đầy đủ, trang nghiêm đầy đủ, xuất gia đầy đủ, nhập định đầy đủ, nhập đại định đầy đủ.
Thâm tâm đầy đủ, chí tâm đầy đủ, chân tín đầy đủ, vô úy đầy đủ, giới thân đầy đủ, định thân đầy đủ, huệ thân đầy đủ, giải thoát thân đầy đủ, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, các thần thông đầy đủ, chứng trí đầy đủ, đến nhất thiết chứng tri rốt ráo đệ nhất, đến từ đại từ rốt ráo đệ nhất, đến bi đại bi rốt ráo đệ nhất, đến hỷ đại hỷ rốt ráo đệ nhất.
Đến xả đại xả rốt ráo đệ nhất, đến tối thắng vô đẳng rốt ráo đệ nhất, đến chư oai nghi rốt ráo đê nhất, đến chư thần thông rốt ráo đệ nhất, đến nhất thiết các pháp vô ngại rốt ráo đệ nhất, đến Thị xứ phi xứ lực rốt ráo đệ nhất, đến chư khai đạo lợi ích rốt ráo đệ nhất, đến Xa ma tha, Tỳ bà xá na rốt ráo đệ nhất, đến tất cả thiền định giải thoát tam ma bạt đề rốt ráo đệ nhất.
Đến vô tham, vô sân, vô si, vô mạn, vô phóng dật, vô tật đố, vô nhuệ, xả ly các sai lầm, giải thoát năm đường, đến bốn vô úy rốt ráo đệ nhất, khiến cho tất chúng sanh trồng các căn lành, thọ nghiệp quả báo, phát khởi giáo luận rốt ráo đệ nhất, khiến cho tất cả chúng sanh đối với các nhóm giáo hạnh không bể, không sứ, không ô trược.
Không xen tạp thành chí trượng phu, không bị xúc phạm được người trí khen ngợi, không có lỗi lầm. Tất cả thế gian, hoặc Trời, hoặc Người, hoặc Phạm, hoặc Ma, Sa Môn, Bà La Môn, cho đến không ai có thể như pháp chê trách, hủy bán một cách phi lý được.
Này Tôn GiảA Nan! Công đức thù thắng của Chư Phật Thế Tôn trong loài chúng sanh của tất cả thế gian, thậm chí không ai có thể trắc lường, tuyên thuyết về giới… Công đức của Như Lai mà biết được một phần nhỏ. Vậy nơi nào có lại có thể hơn Ngài.
Này Tôn Giả A Nan! Từ nay các vị phải nên như thế mà quán. Hư không giới rộng lớn như vậy, bốn phương của hư không rộng lớn như thế, tôi đều biết rõ ngằn mé, hạng lượng của nó, nhưng công đức của Chư Phật không thể trắc lường.
Như vậy A Nan! Tất cả giới tụ, tất cả định tụ, tất cả huệ tụ và giải thoát tụ, giải thoát tri kiến tụ, cho đến tất cả oai nghi, thần thông, lợi ích, vô ngại của Chư Phật Thế Tôn là không thể nói được, không thể hiển thị, không thể biết được, không thể vào được.
Vì sao vậy?
Này Tôn Giả A Nan, các công đức của Chư Phật Thế Tôn đều không có ngằn mé.
Vì sao vậy?
Vì Chư Phật Thế Tôn có vô lượng giới hạnh, có vô lượng định hạnh, có vô lượng huệ hạnh, có vô lượng giải thoát hạnh, có vô lượng giải thoát tri kiến, cho đến có vô lượng công đức cả thảy. Cho nên, này Tôn Giả A Nan, nên biết các Chư Phật Thế Tôn có đầy đủ các thứ như vậy.
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến muốn làm rõ lại nghĩa này, nên nói kệ tụng:
Khi Thế Tôn giáng hạ nhập thai
Trụ bất tư nghị, xuất cũng vậy
Sanh nhà giàu sang, mẹ hơn người
Các công đức tối thượng bậc nhất
Thân Ngài có đủ ba hai tướng
Đầy đủ vẻ đẹp trang nghiêm thân
Việc làm Chư Phật bất tư nghị
Bởi do nhiều kiếp mãi tập
Siêu việt hơn người cấu xuất gia
Thành tựu thiền định đại tam muội
Tâm chánh, tín nhuần rất kiên cố
Tất cả phương tiện đều biết rõ
Giới hạnh tam muội đều đầy đủ
Trí huệ thành mãn không ai bằng
Giải thoát tri kiến cũng đã đạt
Thần thông oai đức đã rốt ráo
Hay diệt khổ đau cứu chúng sanh
Từ bi hạnh chính là đứng đầu
Hỷ xả diệu hạnh cũng bình đẳng
Chư Phật Thế Tôn tự chứng biết
Thân, khẩu thường hợp với ý hành
Việc làm trí tuệ khó nghĩ lường
Oai nghi siêu tuyệt hơn thế gian
Thần lực Pháp Vương đã rốt ráo
Tam Muội không tranh, thấy như pháp
Pháp đúng, pháp sai đều biết rõ
Thiền định, giải thoát khó suy lường
Hay làm lợi ích các chúng sanh
Định, huệ, chỉ, quán đã thành tựu
Hào quang chiếu khắp diệt tâm dơ
Không có tham, sân, các lỗi lầm
Giải thoát vô úy đều khéo học
Giới hạnh không bề, cũng không yếu
Không trược, không tạp, rất thanh tịnh
Chúng sanh gặp Ngài không sân não
Không cầu quả báo trí khen ngợi
Trong không lầm lỗi, ngoài không hoại
Giả sử Trời, người và Phạm, Ma
Hoặc lại Sa Môn, Bà La Môn
Không thể chê trách, thường thanh tịnh
Hư Không còn có thể cùng tận
Các phương cũng có thể tột đỉnh
Vô Thượng điều ngự, Thiên Nhân Sư
Giới hạnh thanh tịnh ai lường được
Biển cả có thể miệng uống khô
Vô biên dòng nước cũng như vậy
Hào quang Chư Phật không thể biết
Giới hạnh thanh tịnh ai lường được
Tu Di có thể miệng thổi tan
Đại, Tiểu Thiết Vi cũng như vậy
Diệu hạnh Chư Phật không thể biết
Giới hạnh thanh tịnh khó cùng tận.
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến suy nghĩ như vậy: Hiện nay Đức Như Lai Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác nếu hạ oai thần giáng lâm hội này thì tốt đẹp biết bao. Nay ta cũng nên vì các Bồ Tát Ma Ha Tát hỏi Đức Thế Tôn về pháp môn niệm Phật tam muội vi diệu của tất cả Bồ Tát mà trước đây Đức Như Lai đã hiển thị danh xưng ấy, bây giờ Ngài nên vì các đệ tử diễn thuyết pháp này, nói rõ nghĩa lý.
Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thể ra khỏi thiền tịch an ổn chăng?
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến nghĩ như vậy, nhờ thần lực của Phật nên tức thời ngay tại hội đó, Thế Giới ba lần ngàn của Đại Địa có sáu thứ chấn động, đó là: động, dũng, khởi, chấn, hống, giác.
Như vậy đầy đủ mười tám tướng động, cho đến sự vọt lên, biến mất…
chấn động như vậy xong, thì Đức Thế Tôn lại dùng thần lực phóng luồng ánh sáng lớn chiếu soi Thế Giới ba ngàn này, khi luồng ánh sáng ấy xuất hiện, khiến cho tất cả tinh tú Thiên Cung, Nguyệt Thiên Tử Cung, Nhật Thiên Tử Cung, cho đến cung điện các Cõi Trời Dục Giới, ánh sáng của chúng biến mất không hiện.
Lại có vô lượng vô biên bất khả tư nghị A tăng kỳ hằng hà sa số các Phạm Thiên Cung như vậy, tất cả oai quang của chúng thảy đều tăm tối, cho đến tất cả Thiên Cung ở Sắc Giới vì nhờ hào quang của Phật nên cũng đều không hiện. Khi ấy ánh sáng đó đã tắt, chỉ có ánh sáng thần của Phật Thế Tôn là rực sáng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn với lòng đại từ chiếu diệu, vì muốn làm lợi ích các chúng sanh nên từ thiền định đứng dậy, đi một cách từ từ, an lạc, đến chỗ đại chúng mà họ đang vây quanh, quán sát Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến và tất cả chúng rồi.
Khi ấy Chư Thiên và loài người, hoặc Phạm, Ma, Sa Môn, Bà La Môn, các loài Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, của tất chế gian này thấy hào quang của Đức Phật thảy đều từ tòa Liên Hoa đang ngồi đứng dậy đến trước Đức Phật cung kính chắp tay lễ kính Đức Thế Tôn rồi trở về chỗ ngồi.
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, thân tướng rực rỡ, đoan nghiêm, thù đặc, các căn tịch tịnh như voi chúa được điều phục, tâm ý trong sáng như nước lắng trong, tất chúng tử đầy đủ, tất cát viên mãn, từ đằng kia đến đây, càng sanh tâm vui mừng.
Khi ấy Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến bảo Tôn Giả A Nan: Này Tôn Giả A Nan, ngươi xem Đức Thế Tôn từ thiền định đứng dậy, Đức Như Lai Thế Tôn từ thiền thất đến đây chắc chắn Ngài sẽ khai diễn sự chân thật đệ nhất, không hề hy vọng.
Đức Như Lai Thế Tôn nói lời vi diệu, nói lời chân chánh, nói lời thành thật, nói lời như thật, nói lời không khác, nói lời hiền thiện, tâm Ngài khéo duy, thường làm việc lành, thân nghiệp không lỗi, khẩu nghiệp không lỗi, ý nghiệp không lỗi, tất cả công đức đều được đầy đủ, đó là đầy đủ giới tụ tối thượng bậc nhất.
Đầy đủ định tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ thật huệ tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ giải thoát tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ giải thoát tri kiến tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ oai nghi tối thượng bậc nhất, đấy đủ thần thông tối thượng bậc nhất, đầy đủ lợi ích tối thượng bậc nhất, đầy đủ biện tài bất tư nghị tối thượng bậc nhất.
Đầy đủ thành tựu tối thượng bậc nhất, đầy đủ vi diệu tối thượng bậc nhất, đầy đủ bất thối chuyển tối thượng bậc nhất, đầy đủ nhập thai tối thượng bậc nhất, đầy đủ sự trụ thai tối thượng bậc nhất, đầy đủ dự sanh ra trong gia đình tối thượng bậc nhất, đầy đủ công đức viên mãn tối thượng bậc nhất, đầy đủ các tướng bất tư nghị tối thượng bậc nhất.
Đầy đủ các vẻ đẹp bất tư nghị tối thượng bậc nhất, đầy đủ nghiệp quá khứ tối thượng bậc nhất, đầy đủ thiện căn tối thượng bậc, đầy đủ sự phát tâm trọn vẹn tối thượng bậc nhất, đầy đủ tín tâm, đầy đủ sự phá trừ phiền não, đầy đủ sự phá trừ lớn phiền não, đầy đu sự từ bỏ gia đình, đầy đủ sự biết về năm chủng loại…
Đó là đầy đủ giới thân bậc nhất, đầy đủ định thân bậc nhất, đầy đủ huệ thân bậc nhất, đầy đủ giải thoát thân bậc nhất, đầy đủ giải thoát tri kiến thân bậc nhất, đã đạt đến thần thông rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí chúng tất cả rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến phân biệt pháp rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến phân biệt nghĩa rốt ráo bậc nhất.
Đã đạt đến phân biệt biện tài rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến định tịch rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến sự minh đạt rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến căn lực giác đạo rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến lòng từ và đại từ rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến lòng bi và đại bi rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tâm hỷ và đại hỷ rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tâm xả và đại xả rốt ráo bậc nhất.
Đã đạt đến oai nghi bất tư nghị rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến sự hổ thẹn rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tự tại đối với tất cả pháp rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến quá khứ tri kiến vô ngại rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí vị lai tri kiến vô ngại rốt ráo bậc nhất.
Đã đạt đến trí hiện tại tri kiến vô ngại rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến thân nghiệp tùy trí, huệ hành rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến khẩu nghiệp tùy trí huệ hành rốt ráo bậc nhất.
Này Tôn Giả A Nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, trong một niệm có thể biết một cách rõ ràng về tâm, tâm sở hành của tất cả chúng sanh, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc sạch, hoặc dơ…
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn Giả A Nan: Này Tôn Giả A Nan! Chư Phật Thế Tôn giống như biển cả, vì tịnh giới tụ thăm thẳm như đáy biển.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như núi Tu Di, vì Tam Muội tụ không thể lay động.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như hư không, vì trí huệ tụ không có biên giới.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như hư không vì thu nhiếp tất cả chúng sanh mà không chướng ngại.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như mặt trời, vì chiếu sáng các thế gian.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như đống lửa lớn, vì đốt các củi phiền não của tất cả chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như sông, như hào, như ao, như suối, vì rửa sạch các dơ bẩn sanh, lão, bệnh, tử của chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn như bậc lương y, vì hay trị lành tất cả dịch bệnh khổ đau của tất cả chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn như đám mây mưa lớn vì hay dùng nước pháp tưới ướt cây khô của chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn như Vua Sư Tử, vì hay phá trừ sự đại ngã mạn của tất cả chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như chiếc thuyền lớn, vì hay đưa chúng sanh qua sông sanh tử.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như lực sĩ Cõi Trời, vì hay hàng phục tất cả lực sĩ của thế gian.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như hoa Ưu Đàm, vì tất cả thế gian khó được thấy.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như cây hoa Ba Lợi Chất Đa, vì có ba mươi hai tướng Đại Nhân, rất đáng yêu thích.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn giống như cha mẹ vì hay đem lại sự lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh.
Này Tôn Giả A Nan, Chư Phật Thế Tôn luôn làm lợi ích, an lạc, vì hay khiến tất cả chung sanh được an trú.
Này Tôn Giả A Nan, nếu có người nói: Đức Như Lai xuất thế có vô lượng biện tài, người nói như vậy gọi là khéo nói về Đức Như Lai.
Hoặc nói: Đức Như Lai xuất thế có biện tài không thể nghĩ bàn, đó gọi là khéo nói.
Này Tôn Giả A Nan, cho đến nói một cách tóm lược như vậy: Đức Như Lai xuất thế có biện tài vô biên, Đức Như Lai xuất thế có biện tài vô ngại, Đức Như Lai xuất thế có biện tài không chấp thủ, đắm trước, Đức Như Lai xuất thế có biện tài thắng giải thoát, Đức Như Lai xuất thế có biện tài tùy thuận nghĩa, biện tài tương ưng nghĩa, biện tài thanh tịnh vi diệu.
Biện tài khéo hỏi, biện tài bậc thượng, biện tài vô thượng, biện tài từ, biện tài đại từ, biện tài bi, biện tài đại bi, biện tài hỷ, biện tài đại hỷ, biện tài xả, biện tài đại xả, Đức Phật xuất thế có biện tài lợi ích.
Này Tôn Giả A Nan, nếu có người nói: Đức Như Lai xuất thế có đầy đủ lợi ích tất cả chúng sanh, gọi người ấy là khéo nói về Đức Như Lai.
Này Tôn Giả A Nan, nếu người nói một cách chân chánh đồng nghĩa với sự biện tài, lợi ích chúng sanh, chính là Đức Như Lai xuất thế ở thế gian.
Lại nói nếu bảo: Sự biện tài lợi ích của Ngài là vì làm tất cả chúng sanh được lợi ích nên âm thanh Ngài đều khiến cho đầy đủ khắp nơi, vì vậy mà Đức Như Lai xuất hiện ở thế gian. Người ấy cũng gọi là khéo nói về Đức Như Lai.
Này Tôn Giả A Nan, nếu có người nói: Chúng sanh không chỗ nương, chúng sanh không chỗ tựa, chúng sanh không ai cứu, chúng sanh không ai che chở, chúng sanh không ai xót thương. Đức Như Lai xuất thế là làm chỗ nương, chỗ tựa, vì cứu, vì che chở, vì xót thương chúng sanh. Như vậy là khéo nói về Đức Như Lai.
Này Tôn Giả A Nan! Giả sử nay tôi trải qua một kiếp hay giảm một kiếp, mãi mãi ca ngợi công đức biện tài của Chư Phật Thế Tôn, rốt cuộc cũng không nói được một phần.
Lại trải qua vô lượng kiếp số diễn thuyết đầy đủ về công đức biện tài của Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, rốt cuộc cũng không nói được một phần nhỏ.
Này Tôn Giả A Nan! Thí như có người già bệnh, ốm yếu, đi đến trong đại chúng nói như vậy: Mọi người nên biết, tôi tuy tuổi đã già yếu, bị bệnh hoạn tấn công nhưng vẫn có thể dùng đầu một sợi lông hút nước biển cả, làm cho khô cạn tức khắc.
Người ấy hoàn toàn không có thần thông, chú thuật gì cả mà dám quả quyết một cách mạnh mẽ như vậy, này Tôn Giả ý Ngài thế nào?
Điều người ấy nói có thực hiện được không?
Tôn Giả A Nan đáp: Không được thưa Đại Sĩ.
Bố tát Bất Không Kiến lại nói: Lời của người ấy thì Chư Thiên và loài người của tất cả thế gian, chưa thể làm việc hy hữu này.
Như vậy mà người khốn khổ ấy lại nói có thể dùng đầu một sợi lông mà làm khô hết nước biển cả như người ấy nghĩ chăng?
Tôn Giả A Nan đáp: Chẳng được, thưa Đại Sĩ. Như vậy, này Tôn Giả, việc này vốn không có y cứ, nói chi việc thủ tín. Nay tôi khen nói công đức biện tài của Chư Phật Thế Tôn, rốt cuộc cũng không được một phần nhỏ. Việc này cũng như vậy.
Này Tôn Giả A Nan, hãy để việc ấy lại. Giả sử nay Đức Phật trở lại tự khen một chút công đức Ngài, cho dù trải qua ức trăm ngàn na do tha kiếp cũng không thể nói hết, huống chi là người khác mà tán thán.
Này Tôn Giả A Nan! Hãy để việc ấy lại.
Nay tôi lại nói: Giả sử tất cả chúng sanh của đại địa này có bao nhiêu chủng loại, hoặc có chân, hoặc không chân, hoặc hai chân, bốn chân, cho đến có nhiều chân. Hoặc có sắc, không sắc, hữu tưởng, vô tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, Thế Giới như vậy và lấy mười phương vô lượng vô biên tất cả chúng sanh trong các Thế Giới.
Giả sử tất cả trong một lúc đều thành Phật, các Thế Tôn ấy trải qua vô lượng kiếp đều trở lại tán thán một chút công đức của Phật, rốt cuộc cũng không thể khen hết.
Này Tôn Giả A Nan! Nên biết, tất cả Chư Phật Thế Tôn mới có đầy đủ công đức bất khả tư nghị như vậy.
Bấy giờ Bồ Tát Ma Ha Tát vì để làm rõ nghĩa này nên nói kệ tụng:
Tôn Giả hãy xem Pháp Vương đến
Tất cả thế gian nên cúng dường
Công đức oai quang rất hiển hách
Tất cả trí đầy khó lung lay
Lời hay tối thượng, Phật chân thuyết
Nói thật, nói đúng, nói không khác
Khéo nói Thánh pháp, biết chân thật
Thân, miệng không lỗi, ý cũng vậy
Tâm không nghĩ khác, dứt phân biệt
Giới hạnh tối thắng, tam muội sâu
Trí huệ giải thoát thật siêu việt
Tri kiến giải thoát không ai bằng
Oai nghi đầy đủ bất tư nghì
Thần thông vô thượng, trí như thật
Lợi ích thế gian vô hạn lượng
Biện tài diệu hạnh cũng vô cùng
Từ Trời Hạ Sanh Tượng Ngưu Vương
Nhập thai thành tựu hơn thế gian
Trụ thai lạ thường không ai bằng
Sanh nhà đầy đủ, mẹ tôn quý
Thành tựu các căn đẹp bậc nhất
Tướng đẹp, tròn đầy bất tư nghì
Tốt đẹp đầy đặn rất trang nghiêm
Tất cả phân minh đời chiêm ngưỡng
Đầy đủ chân tâm, tín thanh tịnh
Thiền định trừ dơ, có oai lớn
Vứt bỏ thế dục, thích xuất gia
Thành tựu bồ đề được năm thứ
Đã vượt thần thông đạt đệ nhất
Trí huệ vô ngại cũng vô biên
Với Xa ma tha, Tỳ xá na
Pháp Vương thông đạt, được tự tại
Nước trong biển cả rộng mà sâu
Hoặc dùng sợi lông để dò được
Điều Ngự Trượng Phu, giới thanh tịnh
Tuy quá nhiều kiếp không thể biết
Tu Di tuy vững có thể động
Dùng tay đưa đến Phạm Thiên Cung
Khi Chư Phật mới trụ thiền định
Không ai có thể loạn động được
Hư không dung chứa vẫn cùng tận
Bốn phương tuy rộng biết giới hạn
Trọn không thấy được cảnh Chánh Giác
Tư duy phân biệt chỗ này nọ
Tôn Giả, đại địa thật rộng lớn
Nhưng vẫn biết nó rộng bao nhiêu
Nhân trung tôn xa lìa phiền não
Tâm ý thức Ngài không cùng tận
Mặt Trời chiếu sáng phá tăm tối
Xem các thiện ác hoặc thấy sắc
Thế gian sư tự tại như vậy
Hay phá mây vô minh đen tối
Ví như trăng thu ra khỏi mây
Chúng sanh không thấy đều hoan hỷ
Pháp Vương trí sáng như trăng rằm
Như xem sắc đẹp ai không thích?
Như đèn sáng đêm dài tăm tối
Để người mắt sáng thấy đường đi
Trí giả thế gian trừ tăm tối
Mãi dùng pháp quang chiếu chúng sanh
Bậc tự tại hay bày đuốc pháp
Đại Sư Trời người vì chúng sanh
Tất cả các hữu đều diệt hết
Cho nên gọi Phật: Vua ánh sáng
Thánh trí như nước sông và suối
Hay rửa sạch sanh, lão, bệnh, tử
Như Đại Y Vương cho thuốc hay
Điều ngự hay trừ các tật khổ
Giống như Long Vương đổ mưa lớn
Làm nước tràn đầy các đại địa
Như vậy Chư Phật hành từ bi
Sung mãn những người ưa nghe pháp
Khi vua Đại Sư tử rống lên
Hàng phục các ác thú thế gian
Thế Tôn cũng vậy, quyết định thuyết
Phá trừ tâm ngã mạn ngoại đạo
Như thuyền bè lớn thường qua lại
Đưa chở những người đến và đi
Chư Phật cũng vậy biến cùng khắp
Cứu chúng thường chìm bốn dòng nước
Hoa Ưu Đàm Bát đời hiếm có
Ở Diêm Phù Đề rất khó thấy
Thế Tôn Trời người rất khó gặp
Chỗ quy y tất cả thế gian
Như khi hoa cây Ba Lợi nở
Tam thập tam thiên rất vui mừng
Tướng tốt Đại Nhân hiện ở đời
Chúng sanh xem thấy đều hoan hỷ
Thần biến Thế Tôn không cùng tận
Như hiện nay tôi đang tuyên thuyết
Tôi đã khen công đức Chư Phật
Rốt ráo lợi ích các chúng sanh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ đề Trường Trang Nghiêm đà La Ni - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đông Phương Tối Thắng đăng Vương đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Nhân Duyên Vua đại Quang Minh Phát Tâm đạo
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Chín - Phẩm ác Hạnh - Thí Dụ Ba Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm Viên Bị Thành Tựu