Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Pháp Sư Như Huyễn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM PHÁP SƯ NHƯ HUYỄN  

Bấy giờ các Thiên Tử suy nghĩ: Tôn Giả Tu Bồ Đề nói pháp như thế, thì nên dùng gì để nghe?

Ngài Tu Bồ Đề biết ý nghĩ của các Thiên Tử, bảo với họ: Pháp Sư như huyễn, người nghe như hóa, những điều nghe được cũng chẳng tác chứng.

Các Thiên Tử lại nghĩ: Tại sao Tu Bồ Đề nói người như huyễn, Pháp Sư như huyễn, người như hóa, người nghe như hóa?

Ngài Tu Bồ Đề nói: Này các Thiên Tử! Đúng vậy, đúng vậy! Người như huyễn, Pháp Sư như huyễn, người như hóa, Pháp Sư như hóa, tôi ta như mộng. Sắc cũng như thế, thọ, tưởng, hành, thức cũng như mộng. Nhãn sắc như mộng, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng lại như thế. Các xúc cũng lại như mộng.

Pháp nội không, pháp ngoại không, pháp không gần, pháp không xa, pháp chân không, pháp sở hữu không, pháp không sở hữu không cũng đều như mộng.

Ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật cũng lại như mộng, như huyễn, như hóa. Quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán cũng như huyễn mộng. Bích Chi Phật lên đến Chánh Đẳng Chánh Giác cũng như huyễn mộng.

Các Thiên Tử hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Cho đến Phật đạo phải chăng cũng là như huyễn mộng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Cho đến Niết Bàn cũng là như huyễn mộng.

Các Thiên Tử hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Cho đến Niết Bàn, mà Niết Bàn cũng như mộng chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Niết Bàn là pháp xưa nay rất tôn quý, nhưng không sở hữu. Tôi gọi nó như huyễn như mộng.

Vì sao?

Vì huyễn mộng và Niết Bàn không có hai, cũng không có nhiều, rỗng không, không sở hữu.

Khi ấy Hiền Giả Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Hy La, Ma Ha Ca Chiên Diên, Bân Nậu Văn Đà Phất, Ma Ha Ca Diếp và vô số chúng Bồ Tát hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Bát nhã Ba la mật ấy rất sâu xa khó hiểu, tịch nhiên, vi diệu, ai là người có thể lãnh thọ pháp thâm diệu khó đạt ấy?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời các đệ tử Phật và các Bồ Tát: Đại Bồ Tát không thoái mới có thể lãnh thọ hạnh uyên thâm, vô niệm, không nghĩ bàn ấy. Nó phát xuất từ chỗ huyền viễn, tịch nhiên vời vợi, khó đạt, khó hiểu. Chỉ có Bậc Hiền thánh thông tuệ mới có thể lãnh thọ bát nhã Ba la mật này.

Bậc Kiến đế là A La Hán, chí nguyện đầy đủ, đối với Phật quá khứ đã tạo hạnh, cúng dường vô số trăm ngàn Chư Phật, trồng các cội đức, được thiện tri thức hộ trì, thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy mới có thể lãnh thọ bát nhã Ba la mật sâu xa.

Họ lắng nghe, lãnh thọ lời dạy này, hiểu biết sắc là rỗng không, chẳng tưởng. Sắc là rỗng không, chẳng tưởng thì thọ, tưởng, hành, thức cũng rỗng không, chẳng tưởng. Thần thức là rỗng không, chẳng tưởng, chấp sắc cũng chẳng tưởng. Nếu nghĩ không có sắc thì chẳng nghĩ năm ấm vô tướng, chẳng nghĩ thần thức vô tướng, chẳng nghĩ thức vô nguyện, chẳng nghĩ sắc vô nguyện. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Chẳng nghĩ năm ấm vô tưởng, chẳng nghĩ năm ấm không vô tưởng, chẳng nghĩ sắc không chỗ sinh, cũng chẳng nghĩ sắc không chỗ diệt, chẳng nghĩ tịch nhiên, không thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Chẳng nghĩ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không chỗ sinh, không chỗ diệt, tịch nhiên, không thật.

Chẳng nghĩ các xúc do các duyên sinh khởi. Đối với thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền, bát nhã Ba la mật, chẳng nghĩ chỗ sinh, cũng không chỗ diệt, tịch nhiên, không thật. Cho đến bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Chư Phật, tất cả các môn tam muội, môn Đà la ni cũng lại như thế, chẳng nghĩ chỗ sinh, cũng không chỗ diệt.

Quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật, trí nhất thiết, đều biết rõ là rỗng không. Trí nhất thiết chẳng tưởng niệm không, trí nhất thiết cũng không sở nguyện. Cái không sở nguyện ấy cũng chẳng tưởng niệm trí nhất thiết. Cái sở hữu ấy chẳng tưởng không, cái không ấy cũng chẳng tưởng sở hữu.

Vô nguyện, vô tướng cũng lại như vậy. Cảnh giới vô vi chẳng tưởng không, không cũng chẳng tưởng cảnh giới vô vi. Vô nguyện, vô tướng cũng lại như vậy, không chỗ sinh, cũng không chỗ diệt, cũng không tịch nhiên, cũng không thật, đều không tưởng niệm.

Ngài Tu Bồ Đề nói với các Thiên Tử: Bát nhã Ba la mật sâu xa, vi diệu chẳng phải là pháp mà Bậc Hiền thánh minh trí được lãnh thọ.

Vì sao?

Vì pháp ấy không phải pháp để lãnh thọ, cũng không phải pháp để nghe, cũng không nói rõ. Nếu không người nghe, thì không người nói. Do đó, tức là không có người, không đối tượng lãnh thọ.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: Bát nhã Ba la mật này chẳng phải nói rộng ra cho tất cả các thừa A La Hán, Bích Chi Phật, Chánh Đẳng Chánh Giác sao?

Bát Nhã ấy sẽ hộ trì cho hạnh Đại Bồ Tát từ khi mới phát ý đạo Bồ Tát cho đến đạt được thập trụ, sáu pháp Ba la mật, ba mươi bảy phẩm, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật.

Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật phát sinh thần thông, không quên mất pháp thuận. Như thế, gốc đức đã đạt từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, Bồ Tát muốn được cúng dường Chư Phật Thế Tôn, đúng như lòng mong muốn, đều được toại nguyện.

Cúng dường xong, theo Chư Phật nghe thọ Kinh Pháp, chưa từng quên mất, tự đạt thành trí nhất thiết, thường định tâm tam muội, chưa hề tán loạn, chưa từng tư niệm, biện tài vô ngại, nói ra điều gì không ai có thể cắt đứt nửa chừng, biện tài đúng với nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm, vượt qua tất cả sự thông minh của thế gian.

Ngài Xá Lợi Phất nói với Ngài Tu Bồ Đề: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như Tôn Giả đã nói: Bát nhã Ba la mật giải nói cho ba thừa tức là trí tuệ biện tài của Đại Bồ Tát vượt qua thế gian, tôn quý không thể bì kịp, tâm không chấp trước, tự hiểu rõ thân, không có điên đảo, cũng chẳng chấp vào sở kiến, đó là sở kiến đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng chấp vào sáu pháp Ba la mật, chẳng chấp vào bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười lực, vô úy, pháp của Chư Phật, cũng chẳng chấp trước trí nhất thiết.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Vì lý do gì mà đem bát nhã Ba la mật nói rộng cho ba thừa thì Đại Bồ Tát đạt được biện tài Bồ Tát, vượt qua tất cả thế gian mà không chấp trước?

Ngài Tu Bồ Đề trả lời Xá Lợi Phất: Vì pháp nội không, pháp ngoại không nên nói rộng ba thừa. Bảy không cũng lại như vậy, đều không sở hữu nên nói ba thừa. Đại Bồ Tát hiểu rõ các pháp không nên giảng thuyết pháp này cho hành giả. Vì vậy cho nên biện tài của Bồ Tát vượt qua tất cả thế gian, rất tôn quý mà không vướng mắc.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần