Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU
BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẦN MƯỜI HAI
Đức Phật nói pháp lớn
Lìa dục, xuất thế gian
Giáo pháp rộng không bờ
Như hư không vô hạn.
Thấu đạt pháp chân thật
Không bỏ, không chấp tánh
Biết tánh là không tánh
Chánh kiến trụ cõi chân.
Tánh âm thanh là không
Tánh ngôn thuyết cũng thế
Thể pháp vốn không lời
Không tiếng cũng không nói.
Các pháp đều như huyễn
Như mộng, ảnh, tiếng vọng
Tịch tĩnh không gì bằng
Vì dạy nên ví dụ.
Pháp không tướng, nói tướng
Tướng năng, sở đều không
Bồ Tát đạt chân như
Hư không chẳng thủ đắc.
Không chấp giữ, phân biệt
Không giác ngộ, hý luận
Chẳng độ các chúng sinh
Tánh như là Bồ Tát.
Chúng sinh vốn Niết Bàn
Nghe vậy không sợ hãi
Mặc áo giáp dũng mãnh
Gọi là trụ bồ đề.
Giống như nhà ảo thuật
Diệt bỏ sự biến hóa
Thật ra chẳng có diệt
Sự độ sinh cũng vậy.
Huyễn hóa và chúng sinh
Các pháp Phật chẳng khác
Nếu ngộ đồng một tánh
Không tự tánh là tánh.
Bồ Tát Hư Không Tạng
Đạt kho tàng hư không
Các chúng sinh đầy đủ
Kho tàng không cùng tận.
Vô biên các công đức
Đạt kho thanh tịnh này
Ông quán tánh các pháp
Tánh ấy không lay động.
Nên biết tat cả pháp
Nhân duyên hòa hợp sinh
Vì vậy, không cùng tận
Tạng pháp khó nghĩ bàn.
Thế Tôn thường diễn nói
Bốn loại pháp vô tận
Chúng sinh và hư không
Tâm bồ đề pháp Phật.
Như các vật ở đời
Có thể nói cùng tận
Không pháp nào không tận
Vì thế nói vô tận.
Pháp hoàn toàn diệt tận
Thảy đều không cùng tận
Vô tận, chẳng vô tận
Vì vậy nói vô tận.
Người nào nghe pháp này
Là Bồ Tát giác ngộ
Liền biết người như thế
Mau trụ đạo bồ đề.
Bấy giờ, nghe kệ ấy rồi, tám ngàn Bồ Tát trong chúng hội liền đạt pháp nhẫn vô sinh, một vạn hai ngàn vị Trời ở trong hư không, phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên là Thường Hy Kỳ từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn: Con chưa rõ âm thanh ấy từ đâu phát ra?
Đức Phật bảo: Này thiện nam! Ông nên hỏi Bồ Tát Đại Hư Không Tạng kia.
Vị đó sẽ nêu bày đầy đủ cho ông.
Bồ Tát Thường Hy Kỳ liền thưa với Bồ Tát Hư Không Tạng: Thưa Đại Sĩ! Hiện tại tôi thực sự không biết âm thanh ấy từ đâu phát ra?
Xin Nhân Giả nói rõ cho tôi.
Bồ Tát Hư Không Tạng bảo: Này thiện nam! Ý ông nghĩ sao?
Tiếng vang trong hang sâu kia từ đâu mà có?
Bồ Tát Thường Hy Kỳ đáp: Do phát xuất từ âm thanh khác.
Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Này thiện nam! Tiếng vang nơi hang sâu kia là thân hay là tâm?
Là sắc hay là thanh?
Có thật chăng?
Không phải, thưa Đại Sĩ. Âm vang vốn không có tự thể, nhưng do nơi tiếng mà hiển hiện, há đâu có thực.
Này thien nam! Tiếng vang đã không có thực do nơi âm thanh mà có. Như thế, từ hư không phát ra âm thanh về pháp cũng lại như vậy. Từ chỗ hiển bày của trí không thể nghĩ bàn, do tâm thâu giữ từ nơi không mà phát ra nên có lưu chuyển, chứ không phải do sự lưu chuyển mới có thể hiện rõ âm thanh.
Này thiện nam! Ông quan sát nhân duyên hòa hợp tạo ra lý sâu xa, nương theo nhân mà có quả, cũng không có tánh của nhân quả, nên chẳng có lưu chuyển. Đối với hai pháp này đều không có tự tánh nên không tạo tác. Nếu biết nhân duyên không thể chiêu cảm quả thì biết các pháp vốn không hòa hợp.
Vì sao?
Như lời Thế Tôn đã giảng nói. Nếu biết được tạp nhiễm tức là thanh tịnh, không đoạn dứt tạp nhiễm cũng tự nó đã thanh tịnh.
Vì sao?
Vì tự tánh của phiền não vốn là thanh tịnh. Như hai pháp này gọi là câu nêu bày, nghĩa là tạp nhiễm và thanh tịnh nương nơi thắng nghĩa tế chân đế mà tạo lập. Trong cõi thắng nghĩa thì tạp nhiễm và thanh tịnh đều không thể nắm bắt. Cõi thắng nghĩa gọi là vô tế. Vô tế tức gọi là thật tế. Thật tế ấy gọi là không tế.
Không tế ấy gọi là ngã tế, ngã tế này tức là nhất thiết pháp tế pháp giới. Nếu nhận biết tất cả các môn như nhất thiết pháp tế, không tế, tịch tĩnh tế, cực tịch tĩnh tế, sở hữu tế thì đối với tất cả các pháp không còn có đối tượng được chấp giữ, đạt đến trí vô ngại.
Lúc ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử hỏi Bồ Tát Thường Hy Kỳ: Này thiện nam! Vì sao tên gọi của Nhân Giả là Thường Hy Kỳ?
Thưa Đại Đức Xá Lợi Tử! Tôi đối với tất cả pháp thường siêng năng tinh tấn, sinh tâm hiếm có đặc biệt, ưa thích đạt đầy đủ mà không thể lý giải.
Lại, đối với tất cả hạnh của Bồ Tát cũng luôn sinh tâm đặc biệt ít có, nguyện hội nhập bằng trí tuệ để đi vào tâm hành của tất cả hữu tình mà không thể lý giải, nguyện đối với tất cả phiền não nghiệp ma, khiến chúng không thể tạo cơ hội để lôi cuốn, nhưng cũng không thể lý giải. Cho nên đối với các pháp thường sinh tâm hiếm có đặc biệt, do nhân duyên này được gọi là Thường Hy Kỳ.
Trưởng Giả Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Tài biện luận của bậc chánh sĩ này thật là sáng tỏ, pháp của tất cả Chư Phật không có nhiễm đắm, pháp được giảng nói cũng hề chấp giữ.
Khi đó, trong chúng hội có Bồ Tát tên Bảo Cát Tường thưa với Bồ Tát Hư Không Tạng: Thưa Đại Sĩ! Xin vì tôi mà thuyết giảng về tam muội, tôi sẽ theo như chỗ thuyết giảng ấy mà tu hành.
Bồ Tát Đại Hư Không Tạng nói với Bồ Tát Bảo Cát Tường: Này Đại Sĩ! Có pháp tam muội tên là Bồ Tát thanh tịnh ý lạc, vì có thể trừ diệt mọi chướng ngại của đạo pháp, chỉ bày về bồ đề.
Có tam muội tên là nhất thiết hữu tình vô ngại quang minh, nghĩa là ban cho các loài hữu tình khả năng tạo ra ánh sáng.
Có tam muội tên là Hộ tự tha, vì luôn siêu vượt mọi sự não hại của kẻ khác.
Có tam muội tên là Vô cấu, vì có thể khiến đạt được tâm thanh tịnh.
Có Tam Muội tên la Biến chiếu, vì có thể làm tăng trưởng các pháp lành.
Có tam muội tên là Đoan nghiêm, nghĩa là có thể đạt được tánh trong lặng.
Có tam muội tên là Cao quảng, tức có thể đạt được tướng vô kiến đảnh.
Có tam muội tên la Viễn ly, vì có thể chế ngự được tất cả các phiền não.
Có tam muội tên là Hồi toàn, tức có thể xoay theo phía bên phải để đi vào đạo chân chánh.
Có tam muội tên là Thoái chuyển, vì có thể xoay chuyển nhân tà kiến của ngoại đạo.
Có tam muội tên là Tác lạc, nghĩa là có thể vui vẻ dạo chơi nơi các vườn pháp.
Có tam muội tên là Đáo cứu cánh, vì có thể gieo trồng các hạnh thanh tịnh, đạt đến quả vị cuối cùng.
Có tam muội tên là Oai đức, tức có thể đạt được tâm tự tại, không yếu kém.
Có tam muội tên là Nhập bình đẳng, tức đối với tâm của các hữu tình luôn bình đẳng.
Có tam muội tên là là Tri tác nghiệp, vì có thể biết rõ sự tạo tác của nghiệp qua.
Có tam muội tên là Sư Tử Tràng, tức có thể xa lìa mọi sự sợ hãi, khiếp đảm.
Có tam muội tên là Tâm dũng kiện, vì có thể tiêu trừ tất cả ma phiền não.
Có tam muội tên là Phân đà lợi, vì không đắm nhiễm nơi thế gian.
Có tam muội tên là Phả độ ma, tức có thể đạt được tâm trang nghiêm.
Có tam muội tên là Quang trang nghiêm, vì có thể soi chiếu rõ về tất cả Cõi Phật.
Có tam muội tên là Thiện tác nghiệp, vì hoàn toàn không còn tâm tổn hại, thương ghét.
Có tam muội tên là Tràng trang nghiêm, tức có thể soi tỏ, thấu đạt các pháp của Chư Phật.
Có tam muội tên là Hữu cự, vì có thể chiếu rõ tất cả các thứ tập khí.
Có tam muội tên là Nhật đăng, vì có thể xa lìa mọi sự tối tăm.
Có tam muội tên là Nhật toàn, vì có thể quan sát tâm của tất cả loài hữu tình.
Có tam muội tên là Công đức tạng, vì các pháp công đức đều theo đấy mà chuyển đổi.
Có tam muội tên là Na la diên, có thể hàng phục tất cả các vấn nạn của những luận thuyết khác.
Có tam muội tên là Kiên cố, vì có thể đạt được thân kim cang không hoại.
Có tam muội tên là Cụ kiên, vì có khả năng vượt khỏi mọi trí tuệ của thế gian.
Có tam muội tên là Mạn Đồ La, vì có thể đạt được thần thông không thoái chuyển.
Có tam muội tên là Kim cang tràng, vì có thể đi đến Đạo Tràng bồ đề.
Có tam muội tên là Kim cang dụ, vì khéo có thể phá vỡ các pháp hữu lậu.
Có tam muội tên là Cụ hành, do có thể biết rõ về tâm hành của hữu tình.
Có tam muội tên là Trị địa, vì có thể khiến xa lìa mọi lầm lỗi của ái dục.
Có tam muội tên là Tồi hoại, do có thể hủy hoại bốn thư ma oán.
Có tam muội tên là Nhật quán thân, vì hay quan sát tất cả tướng của sắc thân.
Có tam muội tên là Bất nhuận, vì có thể chuyên chú vào đặc tính của một cảnh.
Có tam muội tên là Nhập hư không, do có thể làm thanh tịnh tất cả tâm tinh tấn.
Có tam muội tên là Vô tránh, vì hay vượt khỏi cảnh của tất cả đối tượng được duyên.
Có tam muội tên là Vô cấu luân, vì có thể chuyển pháp luân thanh tịnh vi diệu.
Có tam muội tên là Điện quang, vì có thể quán xét từng sát na hoại diệt của tâm.
Có tam muội tên là Thiện tác thắng duyên, vì có thể mau viên mãn các pháp lành.
Có tam muội tên là Năng tịnh, vì có thể dứt sạch tất cả các pháp bất thiện.
Có tam muội tên là Thân trang nghiêm, vì có thể làm viên mãn các tướng tốt và vẻ đẹp kèm theo của bậc đại nhân.
Có tam muội tên là Ngữ trang nghiêm, tức dùng phạm âm thuyết pháp, khiến cho chúng sinh vui mừng.
Có tam muội tên là Tâm trang nghiêm, vì khiến cho các pháp lành không bị hoại mất.
Có tam muội tên là Vô úy, do có thể đạt được sự kiên cố không thoái chuyển.
Có tam muội tên là Đẳng thí, vì đối với các chúng sinh không còn phân biệt.
Có tam muội tên là Giới tích tập, vì làm cho tất cả các nguyện đều được đầy đủ.
Có tam muội tên là Nhẫn pháp trụ, vì đối với thân mạng không hề luyến tiếc.
Có tam muội tên là Tinh tấn kiên cố, do có thể mau chóng chứng được thần thông.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sát Lợi
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Hai - Kinh Khách Buôn Trộm Vàng
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Nhân Hữu Duyên Hữu Phược Pháp
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Bốn Mươi
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Giận Dữ - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Như Pháp Trụ Thiền