Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU
BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẦN SÁU
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu hành phước đức như hư không?
Này thiện nam! Tánh của tất cả các pháp như hư không, dùng tâm bồ đề làm hạt giống để tu tập phước đức, không lìa bỏ tâm bồ đề, chứa nhóm các căn lành, đều hồi hướng đến nhất thiết trí. Vì thế, đạt được vô lượng phước đức giống như hư không.
Này thiện nam! Bồ Tát nên phát tâm như thế, vì hư không vô lượng nên chỗ gây tạo phước đức cũng vô lượng.
Vì sao?
Do ý vô lượng nên phước cũng vô lượng. Bồ Tát đối với điều ấy nên quán xét như vậy.
Này thiện nam! Lại có mười loại trang nghiêm vô lượng, Bồ Tát nên chứa nhóm đầy đủ phước đức như thế.
Những gì là mười?
Vì thân trang nghiêm vô lượng nên tướng hảo viên mãn. Vì lời nói trang nghiêm vô lượng nên thuyết giảng giáo pháp đều thanh tịnh. Tâm trang nghiêm vô lượng nên thấu rõ tâm ý của tất cả chúng sinh. Hành động nơi thân trang nghiêm vô lượng nên làm cho vô lượng chúng sinh được thành tựu đầy đủ.
Hành tướng trang nghiêm vô lượng nên làm thanh tịnh vô lượng Cõi Phật. Phước đức, thiền định, tinh tấn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu viên mãn vô lượng oai nghi của Phật. Đạo Tràng đại bồ đề trang nghiêm vô lượng nên thành tựu trọn đủ tất cả tướng và hạnh.
Hội bố thí rộng lớn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu đầy đủ vô số tướng bạch hào của Đức Phật. Cung kính, vô ngã trang nghiêm vô lượng nên thành tựu tròn đầy tướng nhục kế không thể thấy được của Đức Như Lai. Định tâm không gián đoạn trang nghiêm vô lượng nên thành tựu đầy đủ vô lượng tâm không dua nịnh, thuận theo ý thanh tịnh.
Này thiện nam! Đó là mười hai loại trang nghiêm vô lượng. Nếu Bồ Tát phát tâm rộng lớn như hư không thì đạt được phước đức cũng giống như hư không.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu hành trí tuệ giống như hư không?
Nếu Bồ Tát quán xét khắp tất cả chúng sinh có tâm tham, không có tâm tham. Có tâm san, không có tâm sân. Có tâm si, không có tâm si. Có tâm tạp nhiễm, không có tâm tạp nhiễm đều nhận biết đúng như thật. Tự mình đã xa lìa tham dục, lại vì người khác mà nói pháp điều phục tham dục.
Tự mình đã lìa sân hận, lại vì người khác mà nói pháp điều phục sân hận. Tự mình đã lìa si mê, lại vì người khác mà nói pháp điều phục si mê. Tự mình đã lìa tạp nhiễm, lại vì người khác mà nói pháp điều phục tất cả các phiền não. Không thấy mình có tham, sân, si, phiền não là tâm thấp kém. Xa lìa tham, sân, si, phiền não là tâm thắng thượng.
Vì sao?
Vì Bồ Tát kia đã chứng biết pháp giới bình đẳng, pháp môn thanh tịnh. Pháp giới như thế là cảnh giới của tham, sân, si. Pháp giới như thế là cảnh giới của tạp nhiễm.
Cho nên pháp giới và tất cả pháp liên hệ lẫn nhau. Pháp giới tức là pháp. Pháp tức là pháp giới, không nơi chốn nào là không hiện bày. Nếu biết ngã giới tức là biết pháp giới, vì pháp giới và ngã giới chẳng khác nhau.
Vì sao?
Vì ngã thanh tịnh nên pháp giới thanh tịnh. Tất cả pháp đều thanh tịnh như vậy, nên ánh sáng hiển bày dung nạp thọ nhận cũng không dung nạp, thọ nhận, lìa tất cả tướng và vô tướng nên không có chỗ trụ, giống như hư không, gọi là trí vô ngại. Nhờ trí vô ngại nên hiểu rõ tất cả pháp không có chướng ngại. Đó là Bồ Tát tu hành trí tuệ giống như hư không.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi Phật của Bồ Tát được Đức Phật ấn chứng?
Là nhớ nghĩ về giới vô lậu tức là tùy niệm nơi Phật về giới. Tất cả các pháp bình đẳng, không tán loạn, là tùy niệm nơi Phật về định. Tất cả các pháp không có đối tượng phân biệt là tùy niệm nơi Phật về tuệ. Không trụ nơi hai tâm là tùy niệm nơi Phật về giải thoát.
Không chấp vào nhất thiết trí là tùy niệm nơi Phật về giải thoát tri kiến. Ba đời bình đẳng, bất động là tùy niệm nơi Phật về lực. Không trụ vào tất cả lậu hoặc là tùy niệm nơi Phật về vô sở úy. Nhớ nghĩ đến thân tướng của Phật với tất cả các công đức hiện có như vậy đều là tùy niệm nơi Phật theo pháp giới bình đẳng không có đối tượng phân biệt.
Lại nữa, tùy niệm nơi Phật là nhớ nghĩ đến tự tánh nơi các sắc tướng hiện có của Đức Phật là thanh tịnh. Do thấy tự tánh nơi các sắc tướng là thanh tịnh nên đạt được trí vô niệm. Cho đến thọ, tưởng, hành, thức, do thấy tự tánh của thức thanh tịnh nên đạt được trí vô niệm. Mười hai xứ, mười tám giới cũng vậy.
Nhờ trí biết được tự tánh của hết thảy các pháp nên tất cả mọi tác ý đều là tuệ thù thắng bậc nhất, xa lìa mọi thứ kiến chấp, nên biết được sắc là không nhơ uế, niệm cũng không nhơ uế. Đó là tùy niệm nơi Phật được Đức Phật ấn chứng.
Lại nữa, tùy niệm nơi Phật là nhớ nghĩ về tất cả oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi mà không chấp giữ, đối với việc Phật thuyết pháp hay im lặng, không chấp giữ, cũng không chấp niệm và chẳng phải niệm.
Vì sao?
Vì Phật là không có niệm, không tác ý, chẳng phải sắc, chẳng phải tướng, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, do sự duyên hợp của các tướng không hiện hành.
Này thiện nam! Đó là tùy niệm nơi Phật được Đức Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi pháp của Bồ Tát được Đức Phật ấn chứng?
Pháp là lìa dục, vì đối với pháp tâm không cấu nhiễm, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không có A lại da, vì đối với pháp không ẩn mất, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp.
Pháp là tịch tĩnh, vì không có tâm, ý, thức bị nhiễm đắm nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không hình tướng, vì đối với pháp không có tướng tùy thuộc nơi thức, nên cũng không có sự tùy niệm của pháp. Pháp là không tao tác, vì đối với pháp không trụ chấp, nêu bày, nên cũng không có pháp tùy niệm.
Lại nữa, tùy niệm nơi pháp là niệm không gián đoạn, không khởi tưởng về pháp, liền chứng đắc quả vị chân chánh và pháp nhẫn vô sinh. Quán tất cả các pháp xưa nay không sinh, nên không có pháp để chứng, như quả vị của tất cả các Bậc Hữu Học, Vô Học, Duyên Giác, Bồ Tát, bậc Chánh Đẳng bồ đề đã chứng, tất cả các pháp giải thoát mà các Bậc Thánh đã chứng cũng không có tự tánh. Đó là tùy niệm nơi pháp của Bồ Tát được Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi Tăng của Bồ Tát được Phật ấn chứng?
Tăng là vô vi, chư vị không thể dùng sự tạo tác để hành hóa, mà không hiện hành các nghiệp thân, miệng, ý, chỉ vì nhằm hiện bày mà có sự thực hành, nên gọi là Tăng vô vi, không trụ vào sự thực hành, vượt lên trên mọi sự luận bàn.
Này thiện nam! Đó là tùy niệm nơi Tăng của Bồ Tát được Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi xả được Phật ấn chứng?
Nghĩa là xả bỏ tất cả các vật dụng trong đời sống, xả bỏ các pháp, cũng không có đối tượng để xả bỏ. Đó là xả bo bậc nhất. Đối với tất cả các pháp không lấy, không bỏ cũng không mong cầu, không có duyên dựa, cũng chẳng phải là không duyên dựa.
Vị ấy, không khởi tâm, không có hành động, cũng không trụ nơi thức, không khởi tâm nên không chấp vào tâm. Đó là tùy niệm nơi xả được Đức Phật ấn chứng.
Lại nữa, tùy niệm nơi xả của Bồ Tát là tu hành để hồi hướng đến nhất thiết trí bình đẳng không thấy bồ đề là chỗ cần niệm.
Vì sao?
Vì tánh của nhất thiết trí và tánh của tùy niệm ấy vốn không hai.
Này thiện nam! Như vậy, pháp và trí tương ưng. Đó là tùy niệm nơi xả của Bồ Tát được Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi giới của Bồ Tát được Phật ấn chứng?
Giới là vô vi, vô lậu, vô ngại, dứt hẳn mọi thứ dụng công để thành tựu tất cả giới cấm, không có thức, không có tướng, cũng chẳng trụ vào tâm để tu thiền định, là nơi nương tựa bậc nhất, cũng là nguồn gốc để phát sinh tuệ thanh tịnh, xa lìa tướng hý luận và tướng giải thoát, cũng không có hai thứ tướng phân biệt.
Bậc trí khen ngợi thì không cần hiện bày nơi sắc tướng, cũng không hiện bày mà có thể dứt trừ phiền não, tùy theo hạnh được an lạc, cũng không đối trị tất cả các phân biệt. Bồ Tát thường tu tập về giới, không nhơ uế như vậy. Đó là tùy niệm nơi giới của Bồ Tát được Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là tùy niệm nơi thiện của Bồ Tát được Phật ấn chứng?
Nên tùy niệm về hai Cõi Trời. Một là Trời Ngũ Tịnh Cư, vì nơi cõi ấy có các Bậc Thánh. Hai là Trời Đâu Suất, vì hàng Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ hiện ở Cõi Trời này. Lại nữa, bậc Bo tát Nhất sinh bổ xứ này, ở cung Trời ấy có mười pháp Đảnh.
Những gì là mười?
Nghĩa là trong tất cả các Ba la mật, bát nhã Ba la mật là cao nhất. Trong hết thảy các thần thông, thần thông bất thoái là cao nhất. Trong tất cả các địa, chỉ có địa quán đảnh là cao nhất. Trong hết thảy các pháp phần bồ đề, chánh kiến bất thoái đạt định thù thắng là cao nhất. Trong tất cả các biện vô ngại, biện tài vô ngại về nghĩa là cao nhất.
Trong hết thảy các trí, trí không chấp trước, không chướng ngại là cao nhất. Trong tất cả các căn, trí vô ngại nhận biết được bậc thượng, trung, hạ của các căn là cao nhất. Trong hết thảy các lực vô úy, trí thuận nhập sáng tỏ khắp mọi nơi chốn là cao nhất. Trong hết thảy các thứ nhãn, Phật nhãn quan sát tất cả các pháp Phật rõ ràng như trong bàn tay là cao nhất.
Trong khi ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, tâm trong sát na sắp thành Chánh Giác, tương ưng với chân chánh là cao nhất. Đó là mười tướng của pháp đảnh, hãy nên theo đấy mà nhớ nghĩ. Nếu Bồ Tát được niệm này rồi, sự nhận thức không loạn động, không bị phiền não trói buộc, không tán loạn do tác ý, hý luận, không tán loạn như vậy thì niệm không nhơ uế. Hãy nên nhớ nghĩ về các Cõi Trời ấy như vậy.
Này thiện nam! Đó là tùy niệm nơi Thiên của Bồ Tát được Phật ấn chứng.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thực hành các hạnh bình đẳng đối với Niết Bàn?
Niết Bàn là tịch tĩnh, nếu diệt trừ tất cả các phiền não, hết thảy mọi sự thọ nhận, xa lìa tất cả đối tượng được duyên, ra khỏi uẩn, xứ, giới thì vị ấy đạt được sự bình đẳng của Niết Bàn.
Dùng diệu lực của thệ nguyện, tâm từ bi tự tại và trí tuệ phương tiện nên được sự hộ trì của Như Lai, khéo tu tập ý lạc trí tuệ, an trú thanh tịnh nơi thiền định diệu dụng như huyễn, biết rõ về sinh tử, phiền não của chúng sinh đều như huyễn hóa nên thị hiện thọ sinh. Do đấy có thể đoạn trừ các trói buộc của sinh tử mà không bị nhiễm ô. Đó gọi là Niết Bàn.
Vị ấy đã được tự tại, chẳng sinh mà sinh, không có chỗ nào là không sinh, cũng chẳng có đối tượng được sinh, thường an trú trong Niết Bàn mà cũng không dứt bỏ sinh tử, luôn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.
Này thiện nam! Đó là hai môn trí tuệ, phương tiện đại bi của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát an tru nơi hai môn này đạt được Niết Bàn, thực hành bình đẳng hạnh Bồ Tát.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát biết rõ hành tướng của tất cả chúng sinh?
Này thiện nam! Bồ Tát có tám vạn bốn ngàn hạnh, đây là hạnh căn bản. Nơi Câu Ô Đà Nam nói hành tướng của chúng sinh có vô lượng sự sai khác, không thể nghĩ bàn, không thể nêu bày, chỉ có Phật mới biết được, hành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều không thể thấu đạt.
Nhờ sự gia hộ của Phật và trí lực của bản thân, Bồ Tát biết được hành tướng của tất cả chúng sinh. Nghĩa là tướng của tự tánh như vậy, hành tướng như vậy, tướng của nhân như vậy, tướng của duyên như vậy, tướng tạo tác như vậy, tướng hòa hợp như vậy hoặc vô số các tướng, tướng xa lìa, các tướng tham, sân, si, tướng địa ngục, súc sanh.
Tướng của cõi Diễm Ma, tướng Trời, tướng người, hoặc tướng của quả vị Thanh Văn bất thoái chuyển, tướng Duyên Giác bất thoái chuyển, tướng Phật bất thoái chuyển, hoặc tướng nhân từ xa, tướng nhân ở trong, tướng nhân ở gần… các hành tướng của tất cả chúng sinh như thế, Bồ Tát đều biết đúng như thật, chỉ trừ bậc nhất thiết trí là Bồ Tát không thể thấu tỏ.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát biết rõ về tánh tướng của tất cả chúng sinh.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có thể giữ gìn kho báu Phật Pháp của Đức Thế Tôn?
Này thiện nam! Tạng pháp của Đức Thế Tôn là không cùng tận. Do hành tướng nơi căn tánh của tất cả chúng sinh có vô số sai khác, vì nhằm khiến cho họ được hiểu rõ, nên Chư Phật tùy theo bao nhiêu căn tánh sai khác đó mà nói tạng pháp chân thật cũng vô lượng, vô biên ngần ấy. Vì vậy gọi là kho báu Phật Pháp.
Lại nữa, từ đêm Như Lai chứng quả bồ đề đến đêm Như Lai vào Niết Bàn, tất cả những điều đã nói đều là như thuyết, bất dị thuyết, chân thuyết.
Thế nào là như thuyết?
Giảng đúng theo như pháp chân như bình đẳng nên gọi là như thuyết.
Thế nào là bất dị thuyết?
Các pháp nói ra đều nương theo thắng nghĩa đế, bình đẳng không khác, nên gọi là bất dị thuyết.
Thế nào là chân thuyết?
Chỗ nêu giảng luôn ứng hợp với tự tánh của pháp nên gọi là chân thuyết.
Lại nữa, tạng pháp của Chư Phật không thể dùng văn tự để nêu bày. Giả sử tất cả chúng sinh đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều như Tôn Giả A Nan Đà, học rộng bậc nhất, dù chỉ giảng nói một ít diệu nghĩa nơi tạng pháp thì trong trăm ngàn ức kiếp cũng không thể nói hết. Tạng pháp vô biên của Chư Phật như vậy, Bồ Tát đều có thể thọ trì đúng như pháp.
Tất cả văn tư đều không thể phế bỏ, nhưng hết thảy ý nghĩa cũng không hề sai khác, Bồ Tát khiến các chúng sinh đều được hoan hỷ, cúng dường phụng sự tất cả chư Như Lai, phá trừ các ma oán, chế ngự hết thảy ngoại đạo, đoạn hết phiền não, hiển bày chánh pháp.
Như vậy, này thiện nam! Đó là Bồ Tát giữ gìn kho báu Phật Pháp của Đức Thế Tôn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Pháp Thí
Phật Thuyết Kinh Công đức Tạo Tháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tu Tập
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Bốn - Diệu Hạnh Vũ Trụ
Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười - Phẩm Lý Thú Bát Nhã
Phật Thuyết Kinh A Di đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật đàn Quá độ Nhân đạo - Phần Một