Phật Thuyết Kinh đại Tập Pháp Môn - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP PHÁP MÔN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN BA
Lại nữa, có năm việc keo kiệt do Đức Phật giảng nói là keo kiệt về ăn uống, keo kiệt về việc lành, keo kiệt về lợi dưỡng, keo kiệt về sắc tướng, keo kiệt về pháp.
Lại nữa, có năm thọ căn do Đức Phật giảng nói là lạc thọ căn, khổ thọ căn, hỷ thọ căn, ưu thọ căn, xả thọ căn.
Lại nữa, có năm thắng căn do Đức Phật giảng nói là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Lại nữa, có năm lực do Đức Phật giảng nói là tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Lại nữa, có năm học lực do Đức Phật giảng nói là tín học lực, tinh tấn học lực, niệm học lực, định học lực, tuệ học lực.
Lại nữa, có năm cảnh giới xuất ly do Đức Phật giảng nói là: Có Tỳ Kheo đầy đủ sự hiểu biết, nhưng không hay thấy khổ. Tâm vị ấy dung nạp thọ nhận, chưa thể lìa dục, tùy theo các cảnh dục, khởi tâm tham muốn. Không lui sụt, không xả bỏ, chưa giải thoát.
Chính do duyên này, sau trở lại quán sát cảnh giới của dục, sanh khởi tâm lìa dục, chối bỏ tâm tham dục, ưa vui giải thoát, khéo thực hiện các việc chân chánh, nên tâm được giải thoát. Tâm giải thoát phát khởi liền có thể xa lìa các pháp bất tương ưng, trụ tâm nơi vô dục. Từ ý nghĩa này, do dục làm duyên, dẫn đến sanh tâm vô lậu.
Có Tỳ Kheo đầy đủ sự hiểu biết, nhưng không hay thấy khổ. Tâm vị ấy dung nạp thọ nhận, chưa thể lìa sân, đối với cảnh chống trái, trở ngại, khởi tâm giận dữ, không lui sụt, không xả bỏ, chưa giải thoát.
Chính do duyên này, sau trở lại hay quán sát các cảnh chống trái, trở ngại, sanh khởi tâm lìa sân, chối bỏ tâm sân, ưa vui giải thoát, khéo làm việc chân chánh nên tâm được giải thoát. Đã sanh tâm giải thoát liền có thể xa lìa các pháp bất tương ưng, an trụ tâm nơi không sân. Từ ý nghĩa này, do sân làm duyên, dẫn đến sanh tâm vô lậu.
Có Tỳ Kheo đầy đủ sự hiểu biết, nhưng không hay thấy khổ. Tâm vị dung nạp thọ nhận, chưa thể lìa hại, đối với cảnh không vừa ý sanh khởi tâm gây tổn hại, không lui sụt không xả bỏ, chưa giải thoát. Chính do duyên này, sau lại quán sát các cảnh không vừa ý, sanh khởi tâm không gây tổn hại.
Đã không còn tâm tổn hại, ưa vui giải thoát, khéo tu hành chân chánh, tâm vui giải thoát. Tâm giải thoát đã sanh liền có thể xa lìa các pháp bất tương ưng, trụ tâm nơi bất hại. Từ ý nghĩa này, do tổn hại làm duyên, dẫn đến sanh tâm vô lậu.
Có thầy Tỳ Kheo đầy đủ sự hiểu biết, nhưng không hay thấy khổ. Tâm vị ấy dung nạp thọ nhận, chưa lìa sắc tướng, với các cảnh sanh khởi tâm chấp trước vào cảnh sắc, không lui sụt, không xả bỏ, chưa giải thoát.
Chính do duyên này, sau lại quán sát cảnh giới sắc tướng kia, sanh khởi tâm lìa cảnh sắc, chối bỏ tâm theo sắc, ưa vui giải thoát, khéo hay tu hành chân chánh, tâm được giải thoát. Tâm giải thoát đã sanh liền có thể xa lìa các pháp bất tương ưng, an trú nơi tâm lìa cảnh sắc. Từ ý nghĩa này do cảnh sắc làm duyên, dẫn đến sanh tâm vô lậu.
Có Tỳ Kheo đầy đủ sự hiểu biết, nhưng không hay thấy khổ, chấp trước có thân, chưa lìa thân tướng, mà đối với thân này sanh khởi tư tưởng cho là thật có, không chịu chối bỏ, chưa được giải thoát.
Do nhân duyên này, sau lại quán sát: Phàm có thân thì phải diệt, sanh khởi tư tưởng thân hủy diệt, tâm chấp trước tiêu tan, ưa vui giải thoát, khéo tu hành chân chánh, tâm được giải thoát.
Tâm giải thoát đã sanh liền mới có thể xa lìa các pháp bất tương ưng, trú trong tư tưởng: Thân dễ bị hủy diệt. Do ý nghĩa này, chấp có thân làm duyên, dẫn đến sanh tâm vô lậu.
Như vậy gọi là năm cảnh giới xuất ly.
Lại nữa, có năm chốn giải thoát do Đức Phật giảng nói là: Có Tỳ Kheo đối với Pháp sư hay gần gũi phụng sự, tôn trọng cung kính, tu tập hạnh thanh tịnh, không chút dừng nghỉ.
Do vị ấy luôn thân cận hầu hạ nên được lợi ích. Nếu khi nghe thầy giảng nói chánh pháp, tâm sanh vui thích, sanh khởi tư tưởng trọng pháp. Do tâm ấy phát sinh, tuy chưa có thể nghe, lĩnh hội, ghi nhớ được nhiều, chỉ ở trong đó biết được một pháp.
Theo chỗ biết một pháp liền rõ một nghĩa, nếu không rõ được nghĩa kia thì không thể đối với pháp mà sanh tâm hoan hỷ. Vì vậy do đã hiểu rõ nghĩa kia nên sanh tâm hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân được nhẹ nhàng. Do thân nhẹ nhàng, liền tương ưng với an lạc. Do an lạc nên tâm trú nơi Tam Ma Hứ Đa Tam Ma Địa.
Tâm trú nơi cảnh kia, nên biết như thật, quán sát như thật, đã quán sát như thật tức lìa trần, lìa tham, được trí giải thoát. Trí giải thoát khởi lên liền được biết rõ rằng là ta đã chấm dứt được sanh tử, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không thọ thân sau.
Có Tỳ Kheo đối với Pháp Sư hay gần gũi phụng sự, tôn trọng cung kính, tu tập hạnh thanh tịnh, không chút dừng nghỉ. Do được gần gũi, hầu hạ nên được nghe pháp.
Tùy chỗ nghe ấy, tâm sanh vui thích, sanh khởi tư tưởng trọng pháp. Do sanh tâm ấy nên hay ở trong pháp ấy được nghe, nhớ và lĩnh hội pháp sâu xa, rồi tùy theo đấy biết được các pháp, liền rõ các ý nghĩa. Nếu không rõ các ý nghĩa, thì không thể đối với pháp sanh tâm vui mừng. Do đã hiểu rõ các ý nghĩa nên tâm sanh hoan hỷ, do tâm hoan hỷ nên thân được khinh an.
Do thân được khinh an nên tương ưng với an lạc, do an lạc nên tâm an trú trong Tam ma hứ đa. Do tâm ấy an trú nên có thể nhận biết như thật, lại quán sát như thật. Đã quán sát như thật, tức lìa cảnh trần, lìa tham ái, được trí tuệ giải thoát. Trí giải thoát khởi lên liền biết rõ rằng ta đã chấm dứt được sanh tử, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Có Tỳ Kheo đối với Pháp sư hay gần gũi phụng sự, tôn trọng cung kính, tu tập hạnh thanh tịnh, không chút dừng nghỉ. Do theo thầy gần gũi, hầu hạ nên được nghe pháp. Theo chỗ đã nghe, tâm sanh hoan hỷ, khởi tư tưởng trọng pháp.
Do tâm trọng pháp nên hay nghe, ghi nhớ, lĩnh hội được pháp sâu xa, lại có thể đối với từng pháp giải rõ như thật các nghĩa, rộng vì người khác phân biệt giảng nói. Nếu không rõ các nghĩa thì không thể đối với pháp sanh tâm hoan hỷ. Vì vậy do đã hiểu rõ các nghĩa nên tâm sanh hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân được khinh an.
Do thân khinh an nên tương ưng với an lạc. Do có an lạc nên tâm an trú trong Tam ma hứ đa. Do tâm ấy an trú nên có thể biết như thật, lại quán sát như thật. Do quán sát như thật nên lìa trần, lìa tham, được trí giải thoát. Trí giải thoát đã sanh liền biết rõ rằng ta đã chấm dứt được sanh tử, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Có Tỳ Kheo đối với Pháp sư hay gần gũi phụng sự, tôn trọng cung kính, tu tập hạnh thanh tịnh, không chút dừng nghỉ. Do theo thầy gần gũi hầu hạ nên được nghe pháp. Theo chỗ đã nghe, tâm sanh hoan hỷ, khởi tư tưởng trọng pháp.
Do tâm trọng pháp nên hay nghe, lĩnh hội, ghi nhớ được pháp sâu xa, tâm lại có thể trụ vào một cảnh, không lui sụt, không xả bỏ. Đối với pháp được nghe, khởi tầm và tứ phát sanh trí tuệ chân chánh. Do sanh khởi tầm, tứ nên đối với các pháp mỗi mỗi đều rõ biết.
Do biết các pháp nên thông tỏ các nghĩa, rồi rộng vì người khác phân biệt, giảng nói. Nếu không rõ các nghĩa thì không thể đối với pháp sanh tâm hoan hỷ. Vì vậy do đã thông tỏ các nghĩa nên tâm sanh hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên than được khinh an. Do thân khinh an nên liền tương ưng với an lạc.
Do có an lạc nên tâm trú nơi Tam ma hứ đa. Do tâm ấy an trú nên có thể biết như thật, lại quán sát như thật. Do đã quán sát như thật nên lìa trần, lìa tham, được trí tuệ giải thoát. Trí tuệ giải thoát khởi lên liền biết rõ rằng ta đã chấm dứt được sanh tử, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Có Tỳ Kheo đối với Pháp sư hay gần gũi phụng sự, tôn trọng cung kính, tu tập hạnh thanh tịnh, không chút dừng nghỉ. Do theo thầy gần gũi hầu hạ nên được nghe pháp. Theo chỗ được nghe đó nên tâm sanh hoan hỷ, khởi tư tưởng trọng pháp. Do tâm trọng pháp nên có thể nghe, lĩnh hội, ghi nhớ được pháp sâu xa, tâm trú trong một cảnh, không lui sụt, không xả bỏ.
Đối với pháp đã nghe, khởi tầm và tứ, phát sanh trí tuệ chân chánh, lại có thể ở riêng trong Tam Ma Địa môn ấy khéo an trú, nhiếp tâm, theo chỗ trú tâm mà chuyển hóa tâm thêm thù thắng tức là đối với mỗi pháp đều biết rõ. Do biết các pháp nên rõ các nghĩa, rồi rộng vì người khác phân biệt giảng nói. Nếu không rõ các nghĩa thì không thể đối với pháp sanh tâm hoan hỷ.
Vì vậy do đã hiểu rõ các nghĩa nên tâm sanh hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên thân được nhẹ nhàng. Do thân nhẹ nhàng nên tương ưng với an lạc. Do có an lạc, tâm an trú nơi Tam ma hứ đa. Do tâm ấy an trú nên có thể biết như thật, lại quán sát như thật. Do quán sát như thật nên lìa trần, lìa tham, được trí giải thoát. Trí giải thoát sanh khởi biết rõ rằng ta đã chấm dứt được sanh tử, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Như vậy gọi là năm chốn giải thoát.
Lại nữa, có năm cõi do Đức Phật giảng nói là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời và Người.
Lại nữa, có năm chỗ ở thanh tịnh do Đức Phật giảng nói là Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Kiến, Thiện Hiện, Sắc Cứu Cánh.
Lại nữa, có năm hạng người có học đi vào Phật Pháp do Đức Phật giảng nói là:
Hàng trung lưu vào Phật Pháp.
Trọn đời vào Phật Pháp.
Có thực hành vào Phật Pháp.
Không thực hành vào Phật Pháp.
Thượng lưu vào Phật Pháp.
Đó gọi là năm hạng người có học đi vào với Phật Pháp. Những pháp như vậy, do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh, giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, tạo lợi ích an vui cho hang Trời, Người trong khắp thế gian.
Lại nữa, có sáu xứ bên trong do Đức Phật giảng nói là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ.
Lại nữa, có sáu xứ bên ngoài do Đức Phật giảng nói là sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ và pháp xứ.
Lại nữa, có sáu thức do Đức Phật giảng nói là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Lại nữa, có sáu xúc do Đức Phật giảng nói là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.
Lại nữa, có sáu thọ do Đức Phật giảng nói là:
Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Nhĩ xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Tỷ xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Thiệt xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Thân xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Ý xúc làm duyên sanh ra các thọ.
Lại nữa, có sáu tưởng do Đức Phật giảng nói là tưởng về sắc, tưởng về thanh, tưởng về hương, tưởng về vị, tưởng về xúc và tưởng về pháp.
Lại nữa, có sáu điều ưa mến do Đức Phật giảng nói là mến cảnh sắc, mến âm thanh, mến mùi hương, mến nếm vị, mến chạm xúc và mến các pháp.
Lại nữa, có sáu điều thích ý do Đức Phật giảng nói là:
Thấy sắc đáng ưa là điều thích ý.
Nghe tiếng đáng ưa là điều thích ý.
Ngửi mùi đáng ưa là điều thích ý.
Nếm vị đáng ưa là điều thích ý.
Xúc chạm biết đáng ưa là điều thích ý.
Phân biệt pháp lành là điều thích ý.
Lại nữa, có sáu điều không thích ý do Đức Phật giảng nói là:
Thấy sắc không đáng ưa là điều không thích ý.
Nghe tiếng không đáng ưa là điều không thích ý.
Ngửi mùi không đáng ưa là điều không thích ý.
Nếm vị không đáng ưa là điều không thích ý.
Xúc chạm biết không đáng ưa là điều không thích ý.
Phân biệt pháp bất thiện không đáng ưa là điều không thích ý.
Lại nữa, có sáu hạnh xả do Đức Phật giảng nói là:
Thấy sắc, liền tu tập xả bỏ ngay cảnh sắc đó.
Nghe âm thanh, liền tu tập xả bỏ ngay nơi âm thanh đó.
Ngửi mùi hương, liền tu tập xả bỏ ngay mùi hương đó.
Nếm vị, liền tu tập xả bỏ ngay vị đó.
Xúc chạm, liền tu tập biết ngay nơi xúc chạm đó mà xả bỏ.
Biết pháp, liền tu tập xả bỏ ngay nơi pháp đó.
Lại nữa, có sáu niệm do Đức Phật giảng nói là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên.
Lại nữa, có sáu hành do Đức Phật giảng nói là kiến hành, văn hành, lợi ích hành, học hành, phân biệt hành, niệm hành.
Lại nữa, có sáu pháp xa lìa cảnh trần do Đức Phật giảng nói là:
Có Tỳ Kheo hiện tại an trú thân nghiệp trong hạnh từ, theo đó bắt đầu tu tập thì được hạnh thanh tịnh vững chắc, không hoại.
Có Tỳ Kheo hiện tại an trú ngữ nghiệp trong hạnh từ, theo đó bắt đầu tu tập nên được hạnh thanh tịnh vững chắc, không hoại.
Có Tỳ Kheo hiện tại an trú ý nghiệp trong hạnh từ, theo đó bắt đầu tu tập nên được hạnh thanh tịnh vững chắc, không hoại.
Có Tỳ Kheo nhận lợi dưỡng đúng như pháp, đi khất thực đúng như pháp, tùy phẩm vật nhận được ăn dùng đúng như pháp, tự giữ gìn thực hành, xa lìa phi pháp, theo đó bắt đầu tu tập nên đạt hạnh thanh tịnh vững chắc, không hoại.
Có Tỳ Kheo tu hành giới luật thanh tịnh, không hủy phạm, không khiếm khuyết, lìa các lỗi lầm, tăng thêm thiện lực. Do việc làm đó nên không còn các kiến chấp. Theo đó bắt đầu tu tập nên đạt hạnh thanh tịnh, vững chắc, không hoại.
Lại nữa, có sáu thứ nguồn gốc của sự tranh luận chống đối, do Đức Phật giảng nói:
Có một loại người, tự mình ưa thích tạo tội, lại ưa gần gũi người tạo tội khác, thường muốn người khác mến kính mình.
Có một loại người, tự mình ưa thích tạo tội, lại ưa gần gũi người tạo tội khác, thường muốn người khác mến kính mình, lại còn không tôn kính Phật, không tôn kính Pháp, không hay quán sát các pháp.
Có một loại người, tự mình ưa thích tạo tội, lại ưa gần gũi người tạo tội khác, thường muốn người khác mến kính mình, lại còn ưa muốn chống đối với Tăng.
Có một loại người có đủ tật: Dua nịnh, luống dối, tham lam, keo kiệt, ganh ghét, che giấu…, các tùy phiền não và còn có than kiến, tà kiến, biên kiến, kiến thủ không thể xa lìa.
Có một loại người đầy đủ thân kiến… sanh khởi tâm điên đảo, lại còn không tôn kính Phật, không tôn kính Pháp, không hay quán pháp.
Có một loại người đầy đủ thân kiến… sanh khởi tâm điên đảo, lại còn ưa thường chống đối với Chúng Tăng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tạp Tán
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba - Kinh để đánh Vỡ đầu
Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Sáu - Phẩm Thần Túc
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giải Thoát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hỏi Về đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Sáu - Phẩm Bà Thế Chất