Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Sáu - Phẩm Thần Túc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TRUNG ẤM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM SÁU
PHẨM THẦN TÚC
Bây giờ Đức Diệu Giác Như Lai liền dùng thần túc hóa ra ba nghìn Đại Thiên Cõi, trên đến Cõi Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, dưới đến địa ngục Vô Cứu đều toàn sắc vàng, giống như Đức Diệu Giác Như Lai không khác, ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp tròn sáng bảy thước, đều ngồi đài sen báu trên Tòa cao, cùng diễn xuất phạm âm, tiếng vang ba nghìn Đại Thiên Quốc Độ.
Mỗi một Chư Phật nói ra tám vạn bốn nghìn tập hạnh. Người mà thấy được ánh sáng kia thì dâm, nộ, si, ái đều tự tiêu diệt.
Chư Phật khác tiếng cùng âm đồng nói kệ rằng:
Kinh Pháp vốn vô thể
Đã diệt nay phục hưng
Đoạn trừ pháp hữu lậu
Trong ba cõi độc hành
Tử sanh qua bao kiếp
Gặp lại ruộng phước lành
Sắc vàng soi cùng khắp
Được giải thoát nhờ đây
Thần lực nào hết được
Xét rõ vốn không hình
Đại bi, đại từ tâm
Chặt đứt các vô minh
Nguồn ngạch năm ấm khổ
Nổi trôi được đưa qua
Sông tử sanh bốn sử
Thuyết pháp đến bờ kia
Phương tiện nào ngần ngại
Vào vô vi cảnh đó
Xưa ta phát thệ rằng
Phải độ người chưa độ
Thân tu thanh tịnh hạnh
Miệng nói lời chân ngữ
Lòng mong cứu tám nàn
Việc ác sao sanh khởi.
Bấy giờ có Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, gối hữu sát đất, chắp tay quỳ trước Phật bạch rằng: Hay thay Thế Tôn! Thần túc vô lượng không thể nghĩ bàn. Điều mà con hỏi bây giờ, nếu Ngài chấp nhận con mới bộc bạch.
Đức Diệu Giác Như Lai bảo Bồ Tát kia: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát, ông cứ hỏi. Ta sẽ phân biệt rõ ràng điều đó.
Thế rồi Bồ Tát ấy bạch Phật: Thế Tôn, thần túc của Như Lai không thể hiểu thấu, khiến cho ba nghìn Đại Thiên Thế Giới này sáng rỡ sắc vàng, là tam muội gì có thần biến này?
Phật bảo Bồ Tát: Thần biến này là tam muội vương tam muội. Chỉ có Chư Phật mới có thể biến hiện, chẳng phải Thanh Văn, Bích Chi Phật làm được. Tu hạnh tam muội vương tam muội này, sẽ được tám vạn bốn nghìn tam muội khác.
Hoặc có tam muội gọi là hư không tạng, hoặc có tam muội gọi là thăng pháp đường, hoặc có tam muội gọi là nguyệt quang thanh tịnh, hoặc có tam muội gọi là phá hữu nhập vô, hoặc có tam muội gọi là nhất ý bất loạn, hoặc có tam muội gọi là trừ khử trần cấu, hoặc có tam muội gọi là bạt tam độc căn khổ, hoặc có tam muội gọi là diệt quá khứ, đương lai kim hiện tại bệnh, hoặc có tam muội gọi là khai cam lồ pháp vương.
Lúc này Đức Thế Tôn muốn giải thích nghĩa đó, mới nói ra kệ rằng:
Đạo lực hạnh trong sạch
Thân miệng ý chẳng phạm
Thệ nguyện độ vô số
Kẻ chìm sâu sanh tử
Kim cương khó hư hoại
Nhị thừa nào lãnh hội
Quán thân căn bổn khổ
Tư duy, đạt bốn quả
Lập hạnh không thối chuyển
Lặng yên ngồi Đạo Tràng
Hết thảy vào định ý
Hai, ba đến bảy kiếp
Đất nóng qua kiếp thiêu
Tâm vẫn không lay động
Phá hết cõi ma binh
Mới thành vô thượng đạo
Tam muội định ý lực
Phước báo không thể suy
Khiến ba loại chúng sanh
Được thành vô thượng đạo
Xét kỹ tâm mọi loài
Khó độ hay dễ dàng
Đừng để mãi đắm chìm
Vướng dòng sanh tử mãi
Ta vốn không sắc này
Thể kim quang phóng ra
Hằng kiếp siêng khổ hạnh
Tu định được thân này.
Khi Đức Diệu Giác Như Lai nói kệ này, Chư Phật Thế Tôn đồng thời đưa tay khen Đức Diệu Giác Như Lai, dùng kệ nói rằng:
Đấng Trượng Phu, Nhị Túc
Cao tuyệt không ai hơn
Lìa dứt ba cõi khổ
Sáng rực bởi một màu
Nay nghe Như Lai nói
Đạo định ý thần túc
Nghe pháp tánh tướng kia
Tướng tướng đâu lường được
Tám loại thanh tịnh âm
Pháp thù thắng mười sáu
Ba mươi hai hạnh nghiệp
Lợi ích hết mọi người
Bậc Thiên Nhân tuyệt nhất
Ánh sáng soi quần sanh
Ở mãi đường đói khát
Tám giải thoát là cơm
Nước trong không dục vọng
Hóa thành thất giác hoa
Không vướng gốc năm ấm
Hoa sen thanh khác gì?
Hương xông nghe lan xa
Như Lai, năm phần hương
Dầu không hằng lưu bố
Xưa ta cầu Phật Đạo
Và thệ nguyền cùng lúc
Hôm nay chứng quả rồi
Nào sai xưa đã nguyện
Pháp hữu tướng, không tướng
Tuệ, phân biệt nhiệm mầu
Rõ thấu đường phương tiện.
Ngay khi Đức Thế Tôn nói kệ này, có trăm ức chúng sanh trung ấm mong muốn cầu sắc thân của Phật phát ra thân vàng, như ta hôm nay thần biến vô lượng cầu mong tương lai đều sẽ thành Phật, đều cùng một hiệu, hiệu Diệu Giác Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Lực - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Da Thâu
Phật Thuyết Kinh đại Tập Pháp Môn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Phật Diệt độ Hậu Quán Liệm Táng Tống
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khổ Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Luận Thuyết
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh Tưởng