Phật Thuyết Kinh đại Tập Pháp Môn - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN BỐN  

Lại nữa, có sáu cảnh giới đối trị để được xuất ly do Đức Phật giảng nói là:

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu quán tâm từ giải thoát, tùy công việc làm đều biết như thật, tinh tấn phát khởi tâm từ để đối trị. Tâm sân hận của ta thảy đều dứt sạch. Do quán tâm từ giải thoát như thế, nên tâm sân hận không còn chỗ nào để dung chứa, chấp nhận, chỉ có quán tâm từ hiện tiền thôi, vì vậy tâm sân không còn sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán tâm từ mà được xuất ly.

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu quán tâm bi giải thoát, tùy mọi việc làm đều biết như thật, siêng năng hăng hái vận dụng tâm bi để đối trị. Tâm hại của ta thảy đều dứt sạch. Do quán tâm bi giải thoát như thế nên tâm tổn hại không có chỗ dung chứa, chỉ còn quán tâm bi hiện tiền, vì vậy tâm tổn hại không còn sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán tâm bi kia mà được xuất ly.

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu quán tâm hỷ giải thoát, tùy chỗ làm đều biết như thật, siêng năng dùng tâm hỷ để đối trị với tâm không hoan hỷ của ta, tất cả đều dứt sạch. Do quán tâm hỷ giải thoát như vậy nên tâm không hoan hỷ không còn chỗ dung chứa, chỉ quán tâm hoan hỷ này được hiện tiền, cho nên tâm không hoan hỷ ở đây không còn sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán hoan hỷ kia mà được xuất ly.

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu quán tâm xả giải thoát, tùy công việc làm đều biết như thật, siêng năng vận dụng tâm xả để đối trị với tâm của ta, tất cả đều dứt sạch. Do quán tâm xả giải thoát như vậy, nếu có tâm tham dục thì không còn chỗ dung chứa, chỉ quán tâm xả hiện tiền, cho nên tâm tham dục không còn sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán tâm xả kia mà được xuất ly.

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu quán tâm vô tướng giải thoát, tùy công việc làm đều biết như thật, siêng năng vận dụng tâm vô tướng giải thoát để đối trị với tâm chấp tướng của ta, tất cả đều dứt sạch. Vì do quán tâm vô tướng giải thoát như vậy nên tâm chấp trước hình tướng không có chỗ dung chứa, chỉ còn tâm quán vô tướng này hiện tiền thôi. Tâm chấp tướng ấy ở đây không còn chỗ sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán tâm vô tướng kia mà được xuất ly.

Có Tỳ Kheo nói như thế này: Ta tu hạnh quyết định, do pháp quyết định này để đối trị với tâm nghi hoặc của ta, tất cả đều dứt sạch. Vì do tu hạnh quyết định như vậy, trong tâm nếu có nghi hoặc sẽ không còn chỗ dung chứa mà chỉ có quán tâm quyết định kia hiện tiền, cho nên tâm nghi hoặc không có chỗ sanh khởi.

Vì sao?

Vì do nhân duyên quán tâm quyết định kia mà được xuất ly.

Các điều như thế gọi là sáu thứ đối trị để được xuất ly. Những pháp như vậy do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến cho chúng sanh đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích cho hàng an lạc trời người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có Thất giác chi do Đức Phật giảng nói là Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Tinh Tấn Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Khinh An Giác Chi, Định Giác Chi và Xả Giác Chi.

Lại nữa, có bảy điều làm trợ duyên cho Tam Ma Địa do Đức Phật giảng nói là quán sát chân chánh, suy lường chân chánh, nói năng chân chánh, hành động chân chánh, nuôi sống chân chánh, dõng mãnh chân chánh, trụ niệm chân chánh.

Lại nữa, có bảy điều quán tưởng để tu hạnh giải thoát do Đức Phật giảng nói là:

Quán tưởng bất tịnh.

Quán tưởng sự chết.

Quán tưởng không tham ăn uống.

Quán tưởng tất cả thế gian không đáng vui.

Quán tưởng về vô thường.

Quán tưởng vô thường là khổ.

Quán tưởng về nỗi khổ không cùng tận.

Lại nữa, có bảy lực do Đức Phật giảng nói là tín lực, niệm lực, vô úy lực, tinh tấn lực, nhẫn lực, định lực và tuệ lực.

Lại nữa, có bảy Bổ Đặc Già La do Đức Phật giảng nói, là: Tâm giải thoát, câu giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, tín giải thoát, pháp hạnh, tín hạnh.

Lại nữa, có bảy chỗ thức an trú do Đức Phật giảng nói là:

Vô số thân hình đều có vô số tưởng, tức là hàng Trời, Người trong Cõi Dục là chỗ thức an trú.

Vô số thân hình chỉ có một tưởng, đó là Cõi Trời Sơ Thiền, là chỗ thức an trú.

Chỉ có một thân mà có vô số các tưởng, đó là Cõi Trời Nhị Thiền, là chỗ thức an trú.

Một thân một tưởng, đó là Cõi Trời Tam Thiền, là chỗ thức an trú.

Cõi Không vô biên xứ là chỗ thức an trú.

Cõi Thức vô biên xứ là chỗ thức an trú.

Cõi Trời Vô sở hữu xứ là chỗ thức an trú.

Đó gọi là bảy chỗ thức an trú. Các pháp như vậy do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, tạo lợi ích an vui cho hàng Trời, người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có tám giải thoát do Đức Phật giảng nói là:

Trong có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài để giải thoát.

Trong không tưởng sắc, quán sắc bên ngoài để giải thoát.

Thanh tịnh giải thoát, an trú đầy đủ.

Không vô biên xứ giải thoát.

Thức vô biên xứ giải thoát.

Vô sở hữu xứ giải thoát.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.

Diệt thọ tưởng giải thoát.

Lại nữa, có tám thắng xứ do Đức Phật giảng nói là:

Trong có tưởng sắc, quán một ít sắc bên ngoài, khi quán sát như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài nhiều, khi quán sát như vậy, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, quán một ít sắc bên ngoài, khi quán sát như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, quán sắc bên ngoài nhiều, khi quán sát như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, ngoài quán sắc xanh nghĩa là quán như hoa Ô Ma và áo màu xanh, đối với hai màu xanh này đều thấy màu xanh hiển hiện sáng tỏ, rất trong sạch. Khi quán như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, ngoài quán sắc vàng, nghĩa là quán màu sắc như hoa Ngật Lý Sắc Noa, A Ca La và áo màu vàng. Ở trong hai màu vàng này đều là màu vàng hiển hiện sáng chói rất là trong sạch. Khi quán như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, ngoài quán sắc đỏ, nghĩa là quán màu sắc như hoa Mãn Độ Nhĩ Phược Ca, áo màu sắc đỏ. Ở trong hai màu đỏ này đều là màu đỏ hiển hiện sáng chói, rất là trong sạch. Khi quán sát như thế, sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Trong không tưởng sắc, ngoài quán sắc trắng, nghĩa là quán như hoa màu sắc trắng và áo màu sắc trắng, ở trong hai màu trắng này đều là màu trắng hiển hiện, sáng chói rất trong sạch. Khi quán sát như thế sanh khởi tri kiến thù thắng, đó là thắng xứ.

Lại nữa, có tám thứ pháp thế gian do Đức Phật giảng nói là lợi dưỡng, suy kiệt, hủy báng, khen ngợi, xưng danh, chê bai, khổ, vui.

Lại nữa, có Bát chánh đạo do Đức Phật giảng nói là chánh tri kiến. Chánh tư duy. Chánh ngữ. Chánh nghiệp. Chánh mạng. Chánh tinh tấn. Chánh niệm. Chánh định. Đây gọi là bát chánh đạo.

Những pháp như vậy do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến cho chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, tạo lợi ích an vui cho Trời, Người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có chín cõi chúng sanh ở do Đức Phật giảng nói là:

Mỗi mỗi thân hình đều có các tư tưởng, tức là hàng trời người trong Cõi Dục, là chỗ chúng sanh nương ở.

Mỗi mỗi thân hình chỉ có một tưởng, đó là Cõi Sơ Thiền, là chỗ chúng sanh nương ở.

Một thân hình có các tư tưởng, đó là Cõi Trời Nhị Thiền, là chỗ chúng sanh nương ở.

Một thân hình một tư tưởng, đó là Cõi Trời Tam Thiền, là chỗ chúng sanh nương ở.

Cõi Trời Không vô biên xứ là chỗ chúng sanh nương ở.

Thức vô biên xứ là chỗ chúng sanh nương ở.

Vô sở hữu xứ là chỗ chúng sanh nương ở.

Cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ là chỗ chúng sanh nương ở.

Cõi Trời Vô tưởng là chỗ chúng sanh nương ở.

Đó gọi là chín chỗ chúng sanh nương ở.

Những pháp như vậy do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến cho chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh để đem lại an vui cho Trời, Người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có mười hạnh cụ túc do Đức Phật giảng nói là:

Không hủy hoại chánh kiến.

Không hủy hoại chánh tư duy.

Không hủy hoại chánh ngữ.

Không hủy hoại chánh nghiệp.

Không hủy hoại chánh mạng.

Không hủy hoại chánh tinh tấn.

Không hủy hoại chánh nhẫn.

Không hủy hoại chánh định.

Không hủy hoại chánh giải thoát.

Không hủy hoại chánh trí.

Đó gọi là mười hạnh cụ túc.

Những pháp như vậy do Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến cho chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an vui cho Trời, người khắp khắp trong thế gian.

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết Tôn Giả Xá Lợi Phất vì các Tỳ Kheo giảng nói pháp thích hợp, Phật liền từ chỗ nằm nghỉ ung dung ngồi dậy, nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Lành thay! Lành thay! Xá Lợi Phất, như chỗ Tôn Giả nói là Phật đã nói, pháp này gọi là đại tập pháp môn, ở trong đời sau có thể cùng chúng sanh tạo được lợi ích lớn.

Vào đời vị lai, các Tỳ Kheo của ta, những người tu phạm hạnh, đối với pháp môn đại tập này phải nên thọ trì, đọc tụng, giảng nói cùng khắp.

Xá Lợi Phất! Vào đời vị lai, nếu người nào được thọ trì pháp môn đại tập này, thì người ấy, trong giáo pháp của Chư Phật đời vị lai là người hiền thiện, có lòng tin thanh tịnh, đối với giáo pháp của Đức Phật, tâm rất ưa thích, hiểu rõ, khai mở rộng lớn, tâm rất hoan hỷ.

Lúc bấy giờ các thầy Tỳ Kheo nghe Đức Phật tán thán pháp môn đại tập này, tất cả đều hoan hỷ tín thọ, lễ Phật lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần