Phật Thuyết Kinh đại Tập Pháp Môn - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TẬP PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Thế Tôn cùng với chúng Tỳ Kheo tập hợp du hành đến thành Mạt Lợi. Khi ấy, ở trong thành này có một vị Ưu Bà Tắc tín tâm thanh tịnh, cũng có tên là Mạt Lợi.

Ông ta ở trong thành xây dựng một ngôi nhà mới, dùng các vật tốt đẹp để tôn tạo trang hoàng, rất rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh. Trước đó chưa có vị Sa Môn.

Bà La Môn nào dừng nghỉ trong ngôi nhà này. Lúc ấy Ưu Bà Tắc Mạt Lợi nghe Đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ Kheo du hóa đến đây, trong lòng hoan hỷ, liền đi đến chỗ Phật.

Khi đến nơi, ông cúi đầu mặt lạy ngang chân Đức Phật, đảnh lễ xong chắp tay, lui ngồi qua một bên, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con là Ưu Bà Tắc Mạt Lợi.

Đối với Đức Thế Tôn con có lòng tin thanh tịnh. Ở trong thành này con vừa xây dựng một ngôi nhà mới, rất yên tĩnh, thoáng mát rộng rãi. Ngôi nhà này trước đây chưa có vị Sa Môn, Bà La Môn nào được mời nghỉ ở trong đó.

Nay con xin cung thỉnh Đức Phật và chúng Tỳ Kheo đến nghỉ trong nhà con. Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót, chấp nhận lời thỉnh cầu này của con. Lúc ấy Đức Thế Tôn chấp nhận bằng cách im lặng.

Ưu Bà Tắc Mạt Lợi biết Phật đã chấp nhận lời thỉnh bằng cách im lặng, nên cúi đầu mặt đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn, đi nhiễu theo phía phải ba vòng, từ giã Phật và chúng hội trở về nhà, sửa soạn, bố trí sau trước cho ngôi nhà thêm phần trang nghiêm, dùng nước thơm rưới khắp trên đất, trong ngoài đều thanh tịnh. Sau khi đã trang hoàng ngôi nhà nghiêm tịnh xong, ông trở lại chỗ Phật, đảnh lễ ngang chân.

Đức Thế Tôn, bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, ngôi nhà mới làm, con đã dùng nước thơm rưới khắp trên đất, trong ngoài đều thanh tịnh. Mong Đức Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo, nay chính phải lúc đến trụ trong nhà mới của con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn được đại chúng Tỳ Kheo cung kính vây quanh, đi đến ngôi nhà mới xây dựng của Ưu Bà Tắc Mạt Lợi. Khi đến nơi, trước tiên Phật rửa chân, rồi mới bước vào nhà. Vào bên trong Ngài đi quanh, quan sát khắp nơi rồi đến giữa nhà, ung dung an tọa.

Các thầy Tỳ Kheo cũng đều rửa chân, theo thứ tự đi vào nhà, lễ ngang chân Đức Phật, ngồi thứ tự phía sau Ngài. Ưu Bà Tắc Mạt Lợi theo sau đi đến, lễ ngang chân Đức Thế Tôn, chắp tay cung kính đảnh lễ tất cả các thầy Tỳ Kheo, rồi mới đến trước Phật, ngồi sang một bên.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng những lời khuyến khích an ủi, dạy dỗ Ưu Bà Tắc Mạt Lợi, rồi liền theo chỗ mong cầu của ông mà giảng nói pháp cần thiết, chỉ dạy những điều lợi ích, an vui. Ưu Bà Tắc Mạt Lợi nghe pháp hoan hỷ, trong lòng sanh niềm tin thanh tịnh. Đức Thế Tôn đã vì vị Ưu Bà Tắc ấy giảng nói pháp thích hợp, chỉ dạy điều lợi ích, an vui như thế.

Đã quá nửa đêm, Phật liền bảo: Này Mạt Lợi, đã quá nửa đêm, ông nên tự biết về giờ giấc.

Khi ấy Ưu Bà Tắc Mạt Lợi nghe Đức Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Đức Thế Tôn, chắp tay cung kính đảnh lễ tất cả các thầy Tỳ Kheo, đi quanh Phật ba vòng, rồi rời khỏi chúng hội của Phật.

Đức Thế Tôn thấy Ưu Bà Tắc Mạt Lợi ra khỏi chúng hội chưa bao lâu, liền nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Đại chúng Tỳ Kheo Thanh Văn này của ta đã lìa bỏ sự ham ngủ nghỉ, đều là hàng thanh tịnh lìa mọi phiền não. Nếu các thầy Tỳ Kheo ưa thích nghe nói pháp, thì thầy nên tùy chỗ mong cầu mà giảng nói, để họ theo đó đạt được lợi ích, không nên dừng nghỉ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất im lặng vâng lời Phật dạy. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền dùng Y Tăng Già Lê xếp làm bốn lớp trải lên tòa Sư tử, nghiêng hông bên phải, xếp hai chân nằm một cách an lành. Phật nghỉ chưa bao lâu. Lúc ấy, ở chỗ khác có chúng ngoại đạo Ni càn đà nhã đề tử… đối với các vị Tỳ Kheo Thanh Văn hay sanh tâm khinh khi phỉ báng, muốn phá hoại, gây tranh cãi, nói lời phi pháp, dùng vô số cách để phỉ báng.

Nói như thế này: Pháp mà ta hiểu biết, các vị Thanh Văn không thể biết rõ. Các ngươi có pháp gì ta đều hiểu biết như thật. Tà hạnh là ngươi, chánh hạnh là ta. Có lợi ích là ta, không có lợi ích là ngươi. Pháp ngươi nói ra lời trước dẫu đúng, lời sau liền sai. Lời sau nếu đúng, lời trước lại sai, mà cũng không thể giảng nói pháp đạt được lợi ích như tiếng rống lớn của Sư Tử.

Lúc ấy nhóm Ni càn đà nhã đề tử… muốn tạo nhân duyên để tranh cãi lớn, nên khi phát ra các lời nói phỉ báng như thế họ đều nhìn mặt nhau trông rất hung ác.

Lại còn nói rằng: Các thầy Tỳ Kheo Thanh Văn sắc tướng oai nghi mà không vắng lặng, không thể lìa tham, chưa được giải thoát, không thể thấy pháp, không thể khéo biết con đường xuất ly, không thể hướng đến việc chứng đắc Thánh Quả. Pháp tu tập ấy chẳng phải là do Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nói.

Họ phát ra những lời phỉ báng như vậy là nhằm gây việc tranh cãi chống đối.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất biết được việc ấy, liền tự nghĩ: Đức Như Lai nằm nghỉ chưa bao lâu, không nên vì việc này mà thưa với Đức Thế Tôn.

Nghĩ như thế rồi Tôn Giả nói với các Tỳ Kheo: Các thầy nên biết. Ở chỗ khác kia có nhóm ngoại đạo Ni càn đà nhã đề tử… đối với các Tỳ Kheo Thanh Văn thường sanh tâm khinh khi phỉ báng, muốn phá hoại, muốn cùng gây tranh cãi chống đối, nói lời phi pháp, dùng vô số cách để phỉ báng.

Họ nói: Pháp mà ta biết, các vị Thanh Văn không thể biết rõ. Ngươi biết pháp gì, ta đều rõ biết như thực. Tà hạnh là ngươi, chánh hạnh là ta. Có lợi ích là ta, không lợi ích là ngươi. Ngươi nói pháp, lời trước dẫu đúng, lời sau liền sai.

Lời sau nếu đúng, lời trước lại sai, mà cũng không thể giảng nói pháp đạt lợi ích như tiếng rống lớn của Sư Tử. Này các Tỳ Kheo, nhóm Ni Càn Đà Nhã đề tử kia… muốn tạo ra nhân duyên để tranh cãi chống đối, khi phát ra những lời phỉ báng như vậy họ đều nhìn nhau, mặt mày trông rất hung ác.

Lại còn nói rằng: Các hàng Tỳ Kheo Thanh Văn sắc tướng tuy oai nghi mà không được vắng lặng, không thể lìa bỏ tham, chưa được giải thoát, không thể thấy pháp, không thể khéo biết con đường xuất ly, không thể hướng đến việc chứng đắc Thánh Quả. Pháp tu tập ấy chẳng phải là do Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác nói. Phát ra những lời phỉ báng như vậy để nhằm gây việc tranh cãi chống đối.

Này các Tỳ Kheo, các thầy nên biết, đại chúng Thanh Văn của chúng ta đều là những người tâm đã được lìa dục, thanh tịnh, hiện tại chứng đắc các pháp, khéo biết rõ các con đường xuất ly, tất cả đã được chứng đắc Thánh Quả. Các Thanh Văn chúng ta đối với pháp tu tập mỗi mỗi đều là do Bậc Đại Sư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thân hành giảng dạy, tất cả đều chân thật mà không hư dối.

Này các Tỳ Kheo, nên biết pháp do Phật giảng dạy gồm có: Khế Kinh, Kỳ Dạ, Ký Biệt, Già Đà Tự Thuyết, Bổn Sự, Bổn Sanh, Duyên Khởi Thí Dụ, Phương Quảng, Hy Pháp Vị Tằng Hữu, Luận Nghị. Các pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì tất cả chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh tu tập đúng theo điều đã nêu giảng, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho các hàng Trời, Người trong khắp thế gian.

Lại nữa, các thầy Tỳ Kheo nên biết, có một pháp do Phật giảng nói, đó là tất cả chúng sanh đều nương thức ăn mà tồn tại, đây là một pháp. Các pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh, giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho Trời, Người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có hai pháp do Đức Phật giảng nói, đó là danh và sắc. Những pháp như vậy là do Đức Phật có lòng từ bi luôn thương xót, rộng vì các chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho Trời, Người trong khắp thế gian.

Lại nữa, có ba nghiệp do Phật giảng dạy. Đó là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Nơi ba nghiệp này, lại có hai loại là thiện và ác.

Thế nào là thiện?

Nghĩa là thân làm việc thiện, miệng nói điều thiện, ý nghĩ việc thiện.

Thế nào gọi là ác?

Nghĩa là thân tạo nghiệp ác, miệng nói điều ác, ý tạo nghiệp ác.

Lại nữa, có ba điều tư duy không thiện, do Phật giảng nói tư duy về tham dục, tư duy về sân hận và tư duy về sự tổn hại.

Lại nữa, có ba điều tư duy thiện do Đức Phật giảng nói là tư duy lìa dục, tư duy không sân hận và tư duy không gây tổn hại. Có ba điều không phải là căn bản của thiện do Phật giảng nói là tham chẳng phải là căn bản của thiện, sân chẳng phải là căn bản của thiện và si chẳng phải là căn bản của thiện.

Có ba điều là căn bản của thiện do Đức Phật giảng nói là không tham là căn bản của thiện, không sân là căn bản của thiện và không si là căn bản của thiện. Có ba lậu do Đức Phật giảng nói là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Lại có ba điều mong cầu do Đức Phật giảng nói là mong cầu về dục, mong cầu về hữu và mong cầu về phạm hạnh.

Có ba ái do Đức Phật giảng nói là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Có Ba Cõi do Đức Phật giảng nói là Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc. Có ba cảnh giới không thiện do Đức Phật giảng nói là cảnh giới nhiễm dục, cảnh giới sân hận và cảnh giới tổn hại.

Có ba cảnh giới thiện do Đức Phật giảng nói là cảnh giới không tham dục, cảnh giới không sân hận và cảnh giới không tổn hại.

Có ba hữu do Phật giảng nói là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Có ba tụ do Phật giảng nói là tà định tụ, chánh định tụ và bất định tụ.

Có ba thọ do Phật giảng nói là lạc thọ, khổ thọ và chẳng phải khổ lạc thọ xả thọ.

Có ba khổ do Phật giảng nói là luân hồi khổ, khổ khổ và hoại khổ.

Có ba loại ham muốn sanh, do Phật giảng nói là ham muốn sanh ở Cõi Dục, ham muốn sanh ở Cõi Hóa Lạc và ham muốn sanh ở Cõi Tha Hóa Tự Tại.

Có ba loại ưa thích sanh do Phật giảng nói là: Có hữu tình sanh ra, sanh rồi thọ vui, như trong loài người. Đó gọi là loại ưa thích sanh thứ nhất.

Lại có chúng sanh hưởng thọ hỷ lạc lâu dài, vui này rất lớn, an lạc thích thú, như Cõi Trời Quang Âm. Đó gọi là chỗ ưa thích sanh thứ hai.

Lại có chúng sanh, cho đến trọn đời thọ đủ mọi sự diệu lạc, như Cõi Trời Biến Tịnh. Đó gọi là chỗ ưa thích sanh thứ ba.

Có ba việc phước đem lại sự thành tựu cho tuệ hạnh, do Phật giảng nói là bố thí trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu, trì giới trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu và thiền định trang nghiêm nên tuệ hạnh được thành tựu.

Có ba thứ Tam Ma Địa do Phật giảng nói là Tam Ma Địa có tầm, có tứ, Tam Ma Địa không có tầm, chỉ có tứ và Tam Ma Địa không tầm, không tứ.

Có ba thứ Tam Ma Địa do Phật giảng nói là Tam Ma Địa không giải thoát, Tam Ma Địa vô nguyện giải thoát và Tam Ma Địa vô tướng giải thoát.

Có ba chỗ an trú do Phật giảng nói là Thiên Trú, Phạm Trú và Thánh Trú.

Có ba căn do Phật giảng nói là căn chưa biết nên biết, căn đã biết và căn biết đầy đủ.

Có ba điều tăng thượng do Phật giảng nói là thế tăng thượng, pháp tăng thượng và ngã tăng thượng.

Có ba đời các Đức Phật do Phật giảng nói là Chư Phật quá khứ, Chư Phật vị lai và Chư Phật hiện tại.

Có ba việc đáng nói do Phật giảng nói là việc quá khứ đáng nói, việc vị lai đáng nói và việc hiện tại đáng nói.

Có ba loại mắt do Phật giảng nói là nhục nhãn, thiên nhãn và tuệ nhãn.

Có ba loại minh do Phật giảng nói là túc mạng trí minh, chúng sanh sanh diệt trí minh và lậu tận trí minh.

Có ba loại thông do Phật giảng nói là thần cảnh thông, thuyết pháp thông và giáo giới thông.

Có ba điều bất tịnh do Phật giảng nói là thân bất tịnh, ngữ bất tịnh, tâm bất tịnh.

Có ba điều thanh tịnh do Phật giảng nói là thân tịnh, ngữ tịnh và tâm tịnh.

Có ba môn học do Phật giảng nói là giới học, định học và tuệ học.

Có ba phẩm do Phật giảng nói là giới phẩm, định phẩm, tuệ phẩm.

Có ba thứ lửa do Phật giảng nói là lửa tham, lửa sân và lửa si.

Có ba phần vị do Phật giảng nói là sanh phần vị, thành phần vị và pháp phần vị.

Những pháp như vậy, do Phật có lòng từ bi thương xót, vì tất cả chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến các chúng sanh theo đúng như lời dạy mà tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích an lạc cho Chư Thiên và loài người trong khắp thế gian.

Lại nữa, quán Bốn niệm xứ do Phật giảng nói là:

Quán thân bất tịnh, không có sanh khởi tư tưởng về dục nhiễm, điều phục vô minh, lìa thọ phiền não.

Quán thọ là khổ.

Quán tâm sanh diệt vô thường.

Khéo quán các pháp vô ngã cũng lại như vậy.

Lại nữa, có bốn chánh đoạn tứ chánh cần do Phật giảng nói, là:

Các pháp bất thiện đã sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm để đoạn trừ tất cả.

Các pháp bất thiện chưa sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm để ngăn ngừa khiến không cho sanh.

Các pháp thiện chưa sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí và tâm niệm khiến cho sanh khởi.

Các pháp thiện đã sanh, nên khởi tâm siêng năng tinh tấn, nhiếp phục ý chí, tâm niệm khiến cho tất cả chúng được tăng trưởng viên mãn. Đây gọi là bốn chánh đoạn, tứ chánh cần.

Lại nữa, có bốn thần túc do Phật giảng nói là:

Dục Tam Ma Địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

Tinh tấn Tam Ma Địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

Tâm Tam Ma Địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

Tuệ Tam Ma Địa, đoạn hành đầy đủ thần túc.

Lại nữa, có Bốn thiền định do Phật giảng nói là:

Nếu Tỳ Kheo đã có thể lìa các dục và pháp bất thiện, có tầm, có tứ. Đây gọi là định thứ nhất ly sanh hỷ lạc.

Nếu có Tỳ Kheo dừng dứt tầm tứ, trong tâm thanh tịnh, an trú vào một tưởng, không tầm, không tứ. Đây gọi là định thứ hai định sanh hỷ lạc.

Nếu lại có Tỳ Kheo không tham đắm niềm vui, an trú nơi hành xả, thân được nhẹ nhàng, an lạc vi diệu. Đây gọi là định thứ ba ly hỷ diệu lạc.

Nếu lại có Tỳ Kheo đoạn trừ tưởng về lạc, cũng không có tưởng khổ, ý cũng không vui, không khổ, không còn khổ vui. Đây gọi là định thứ tư xả niệm thanh tịnh. Như vậy gọi là bốn thiền định.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần