Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

PHẨM TRÌ GIỚI BA LA MẬT ĐA  

TẬP HAI  

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Như người thợ gốm muốn làm bình

Trộn đất vào khuôn làm thành bình

Tất cả đều quy về hoại diệt

Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.

Lại như đại thọ cành rễ tốt

Nhành lá sum suê hoa trái nhiều

Tất cả đều quy về rơi rụng

Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.

Ví như sương mai đọng ngọn cỏ

Mặt Trời chiếu vào hóa ra không

Nhãn, cảnh không dừng trong chốc lát

Thọ mạng chúng sinh cũng như vậy.

Lại như nước biển cả sông hồ

Bọt nước nổi lên mềm không cứng

Thân chúng sinh như huyễn yếu kém

Giống như bọt nước đều không thật

Ví như Trời mưa nước lan tràn

Trong nước nổi lên nhiều bong bóng

Sát na quán cảnh có liền không

Thân không chắc chắn cũng như vậy.

Thân không chắc thật lại tưởng thật

Trong thật lại khởi tâm không thật

Người này không vào môn chân thật

Suy nghĩ tà vạy cảnh giới vọng

Trong thật nếu khởi tưởng chân thật

Không thật sẽ sinh tâm không thật

Người này được vào môn chân thật

Suy nghĩ chân chánh cảnh giới chơn

Nếu khởi tâm tướng chân thật rồi

Hầu hạ Tôn Sư dâng trà nước

Nhìn lại thân huyễn không thật này

Thường được thể chắc chắn chân thật.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ hai của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ba là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Thương thay!

Tất cả chúng sinh trong thế gian không thể suy nghĩ như vậy: Ta ở trong nhiều kiếp sinh tử, xa lìa thiện tri thức, thân cận ác tri thức, nổi lên biếng nhac, tinh tấn yếu mòn, tà kiến che lấp, đầy dẫy ngu si, không bố thí, không thương yêu, không làm các việc thiện, chỉ tạo ác nghiệp, quả báo thành thục, thân tướng cảm lấy các bất thiện, tham ái càng tăng, ốm o tiều tụy.

Hoặc sinh vào ngạ quỷ, không thể nuôi sống, lấy lửa làm thức ăn, trải qua trăm năm, ngàn năm, trăm ngàn năm, không bao giờ nghe đến tiếng nước, huống nữa là được uống. Nay ta lại phát tâm này, nguyện thân cận tu tập thực hành thiện pháp, gần thiện tri thức.

Nhờ thế nên mới được thân người, sống bằng điều thiện, hành các bố thí, cho đến bỏ cả thân mạng, thân cận hầu hạ các bậc A Xà Lê, siêng năng tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng, làm những gì cần làm, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ ba của Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thế gian có các thiện tri thức

Phải nên đến đó luôn thân cận

Không thể tính đếm nhân cận thiện

Do đó không sinh các thiện hạnh

Bởi do thân cận các bạn ác

Cho nên xa lìa người hiền thiện

Tâm hay biếng nhác ít siêng năng

Ganh ghét dối gạt sinh lỗi lầm

Không hành bố thí, không thương yêu

Không thể thực hành các thiện pháp

Quả chín chịu lấy thân ốm gầy

Hoặc sinh các cảnh giới ngạ quỷ

Nhiều kiếp chìm mãi trong sinh tử

Chịu báo tối tăm nhiều sợ hãi

Không được ăn uống đói khát tăng

Phải chịu trọn đủ các khổ não

Trải qua như vậy trăm ngàn năm

Chịu khát không nghe đến tiếng nước

Bố thí điều thiện lại không quán

Không được các thiện tướng thế gian

Ta nay lại phát tâm như vậy

Làm được thân người rất là khó

Thệ nguyện thân cận A Xà Lê

Mau được viên mãn các thiện hạnh

Phải nên xa lìa ác tri thức

Thường luôn thân cận người hiền thiện

Bỏ thân mạng này có khó gì

Điều chính yếu nguyện được bồ đề

Khởi lòng tôn trọng A Xà Lê

Cung kính phát sinh tâm thanh tịnh

Đảnh lễ hầu hạ làm các việc

Nguyện được bồ đề thật tối thắng.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ ba của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Bốn là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ rằng: Ta trong nhiều kiếp xa lìa thiện tri thức, thân cận ác tri thức, sinh ra biếng nhác, tinh tấn mòn dần, ngu si tối tăm, không biết nhẫn nhục thương yêu, không có các tướng tốt, tâm bị khốn đốn, thân luôn mệt mỏi, như bị đánh đập, các khổ bức bách, nhiễu loạn chúng sinh, nếu không có duyên ấy thì thà chịu lấy tội báo, do đó tạo ra các nghiệp bất thiện.

Từ nghiệp bất thiện đó qua báo thành thục, cho nên phải đọa vào súc sanh làm trâu, lừa, lạc đà, không thể tự nuôi sống, chỉ ăn toàn cỏ cây, gặm nhấm luôn mồm, sợ hãi sự đánh đập, chở nặng khốn khổ, xa lìa tất cả thiện tướng bố thí.

Nay ta lại phát tâm này, thân cận bạn tốt, nên được thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các nghiệp thiện, thân cận hầu hạ các bậc A Xà Lê, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng làm những việc cần làm, cho đến dâng trà nước. Đây là phát tâm thứ tư của Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên liền lập lại bằng kệ rằng:

Chúng sinh nhiều kiếp trong đường ác

Không biết gì về các Thánh đạo

Sinh vào súc sanh lừa, lạc đà

Chịu đủ mọi hình thức khổ não

Đương lai nếu được làm thân người

Làm các sự nghiệp mọi hiền thiện

Hướng đến bồ đề môn chánh đạo

Là tướng thù thắng của người trí

Ta nên phát khởi tâm tôn trọng

Khéo hay an trụ vào pháp Phật

Vâng lời chỉ dạy của Xà Lê

Nguyện được bồ đề thật thù thắng

Trong kiếp quá khứ chẳng nghĩ bàn

Trôi lăn mãi mãi trong sinh tử

Luôn làm các việc không nghĩa lợi

Không thể tu tập hạnh bố thí

Ở đời không thể tự nuôi sống

Biếng nhác xa lìa thiện tri thức

Mà cứ vâng lời của bạn ác

Do đó trôi dần theo dòng ác

Lạc đà, lừa luôn chịu gông cùm

Trói buộc đánh đập thân chịu khổ

Xa lìa bạn tốt bị quả báo

Trong loài ngưu súc nghiệp không mất

Loài lừa, lạc đà thọ sinh rồi

Cứ mãi chịu trói khổ ác sâu

Lại mang gông ách chở càng nặng

Lúc đó, khó thân cận bạn lành

Làm được thân người rất là khó

Thân cận bạn lành càng khó hơn

Sát na thân cận bạn hiền thiện

Nhổ sạch khổ não trong nhiều kiếp

Nếu hay tu thiện thân, ngữ nghiệp

Tinh tấn tránh xa các lỗi lầm

Tâm an, mạng sống làm các việc

Ta nhờ thân cận thiện tri thức

Thờ A Xà Lê không dối trá.

Từ đó ta phát tâm bồ đề

Bồ đề Thánh đạo tuyên dương mãi

Tôn ngưỡng Tôn Sư luôn kính trọng

Hương xoa và các hương thơm khác

Các y phục đẹp và hương bột

Trang nghiêm vật lạ tràng hoa báu

Cúng dường Đấng Lưỡng Túc Thánh Tôn

Mười phương hiện trụ tất cả Phật

Khai thị thắng nghĩa lợi chúng sinh

Phóng ánh sáng vàng khắp tất cả

Vô biên sắc tướng vì cúng dường

Đã phóng ánh sáng như Phật rồi

Cúng dường Đấng Nhân Trung Điều Ngự

Bồ đề chánh đạo nhân thanh tịnh

Đến bồ đề tràng nguyện chứng quả.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ tư của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Năm là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Chúng sinh trong thế gian nên nghĩ như vậy: Ta trong nhiều kiếp xa lìa thiện tri thức, thân cận ác tri thức, tinh tấn mòn dần, sinh ra biếng nhác, ngu si tối tăm, không biết nhẫn nhục thương yêu, không có các tướng tốt, không biết suy nghĩ.

Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian không biết suy nghĩ rằng tất cả mạng sống của muôn vật đồng là xác thịt của một thân, hoặc còn, hoặc hoại, thì thịt ấy không khác, ăn thịt chúng sinh lại cho rằng không có tội, cũng không tướng tội, không phước cũng không có tướng phước, cho đến tận mé biển xa thâm thẳm vời vợi, cái thấy của các chúng sinh ấy cũng không khác, không tội, không phước.

Vì lý đó cho nên không biết gì về tội hay phước. Do không biết, cho nên gần gũi kẻ ác kiến, càng thêm ngu si tối tăm, không biết đường tốt, chỉ tạo tội nghiệp.

Do tạo quá nhiều nghiệp bất thiện, cho nên khi quả báo thành thục phải chịu thân tướng thấp hèn, cho đến đọa vào địa ngục, chịu khổ địa ngục, nuốt hòn sắc nóng, tra khảo đánh đập, trói buộc, treo lên, làm cho chết đi sống lại, trải qua trăm ngàn năm không nghe đến tiếng vui, có đâu được hưởng vui. Đó đều là do không biết tội phước, không tạo nhân bố thí.

Người trí nên suy nghĩ: Ta nay phát tâm này, thân cận bạn lành nên được thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các nghiệp thiện, thân cận hầu hạ A Xà Lê, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng, làm những việc cần làm, cho đến hầu hạ trà nước A Xà Lê. Đây là phát tâm thứ năm của Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Vì do thân cận các bạn ác

Tâm xấu khinh khi dối người khác

Sống trong tội nghiệp và tà kiến

Từ đó tội nghiệp ta càng nhiều

Các loại chúng sinh tận xa thẳm

Ăn uống thỏa thích không biết đủ

Cho rằng tội phước đều không nhân

Cũng không khổ sở các báo ứng

Thấy các tội nghiệp như thế đó

Mỗi mỗi thân cận với bạn ác

Hướng đến gian ác tội càng sâu

Do đó mau đọa vào địa ngục

Dẫu được thân người trải nhiều kiếp

Cứ mãi đọa vào ba đường ác

Không thấy Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác

Xuất hiện thế gian xin quy hướng

Cũng không nghe đến thiện tri thức

Tiếng tốt vang lừng cả thế gian

Nếu ta đương lai được thân người

Rộng tu hiền thiện các sự nghiệp

Thế gian thân người rất khó được

Thọ mạng chúng sinh cũng lại khó

Chánh Pháp Như Lai khó được nghe

Chư Phật xuất thế thật khó gặp

Làm được thân người rất là khó

Mau được Thánh đạo càng khó hơn

Nếu ta gặp Phật ở thế gian

Vâng lời nhất thiết trí thanh tịnh

Ba nghiệp của thân, ngữ và ý

Tạo ra tất cả các tội lỗi

Đối với quả khổ không rốt ráo

Thệ nguyện tu hành không trở lại

Nếu như trong tâm thanh tịnh rồi

Thì tội nghiệp nhân quả cũng vậy

Đối với quả khổ không rốt ráo

Như trong tâm ấy đều thanh tịnh

Ba nghiệp thân, miệng, ý các thiện

Vô trí thế gian thật khó làm

Chỉ trừ thân cận A Xà Lê

Nguyện được bồ đề quả thù thắng

Nên biết chánh đạo là Thánh đạo

Ý vui khó tuyên nói như vậy

Vào cửa tinh tấn không dối gạt

Thành Phật bồ đề quả thù thắng

Bồ Tát phát tâm như vậy rồi

Tôn trọng Tôn Sư hầu trà nước

Trí tuệ phương tiện được viên thành

Đó là đại hạnh của Bồ Tát.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ năm của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Sáu là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Chúng sinh ở thế gian nên nghĩ như vậy: Ta trong nhiều kiếp xa lìa thiện tri thức, gần gũi ác tri thức, không ham thích thiện, đối với bậc Tôn Sư trí giả không có tâm khiêm hạ cung kính, tin theo, khen ngợi, thân cận, đảnh lễ cung phụng, chấp tay, làm các nghiep thiện, chỉ nuôi lớn tâm kiêu mạn, tạo nhiều bất thiện.

Do tạo nghiệp bất thiện này, đến khi quả báo thành thục, dù được thân người, nhưng lại bị ốm yếu gầy mòn, không tự nuôi sống, không thể làm việc bố thí, tuy sinh trong loài người nhưng tánh còn xan tham keo kiệt, như vậy càng thêm nghèo cùng khốn đốn, hoặc làm kẻ nô tỳ, đầy tớ, bị người khác sai sử trói buộc.

Như loài phi cầm đam mê dục lạc mà bay vào hư không, tùy theo chỗ nó đậu nguy hiểm mà kinh sợ. Chúng sinh tà kiến cũng như vậy, phá hủy tịnh giới, ba căn quen làm bất thiện, ở trong bốn nẻo, năm cái che lấp, thường làm sáu thứ không tôn trọng pháp của Sư Trưởng, không tuân theo bảy chánh pháp vi diệu, khởi tám tà pháp, nhập tụ tà định, đối với chín phiền não thường khởi lên não hại.

Thường làm mười nghiệp bất thiện điên dại đi vào đường phi đạo, hướng đến cửa địa ngục, quay lưng với đường thiện, xa thiện tri thức, gần kẻ ác tri thức, thuận theo ý ma, xả bỏ thiện pháp, làm điều bất thiện, đánh đập sợ hãi, gian khổ sinh ra làm các việc không nhiêu ích, vì lý do đó cho nên không vui với việc làm bố thí.

Nay ta lại phát tâm này: Thân cận bạn lành, sẽ được làm thân người, không tiếc thân mạng, bố thí rộng rãi, làm các thiện nghiệp, siêng năng cần cầu tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng, làm những việc cần làm, cho đến hầu hạ trà nước. Đây là phát tâm thứ sáu của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần